Cảm xúc nhân dịp đi dự lễ phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản
NAGAZAKI - Ngày 19 tháng 6 năm 1988, lễ phong Thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam đã được tổ chức tại Roma. Không ít tín hữu Việt Nam sống tại Nhật cũng muốn đi tham dự biến cố trọng đại này của giáo hội. Tuy nhiên, địa lý, điều kiện xã hội đã ngăn trở chúng ta cơ hội hưởng diễm phúc có một không hai này.
Xem hình ảnh Lễ Phong Chân Phước tại Nhật
20 năm sau, tại miền đất tôi tạm dung, 188 vị tử đạo Nhật Bản đã được tòa thánh quyết định phong Chân phước. Dù không cùng quốc gia, nhưng cùng là con cái Chúa và được con cháu của các vị đùm bọc bao năm trời, chúng tôi cũng hưởng trọn niềm vui này không khác gì họ. Đặc biệt, lễ phong Chân Phước lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật ngay “thánh địa” Nagasaki, cái nôi công giáo Nhật Bản.
Là một tín hữu bình thường, tôi từng nghĩ rằng có lẽ trong cuộc đời không dễ gì tham dự được một nghi thức phong chân phước hoặc phong thánh ngay tại nơi mình sinh sống. Thêm nữa, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, để đưa cả gia đình vượt trên 800 cây số đi dự lễ thì cũng trở thành một vấn đề. Tuy nhiên khi bà bộ trưởng tài chánh của gia đình quyết định, “đời người chỉ có một lần” thì tôi mừng không khác gì trúng số! Tôi nhẩm thầm, “cái đời người chỉ có một lần” giữa tôi với bà bộ trưởng không chừng đã diễn ra nhiều lần... những rõ ràng lần này chắc chắn chỉ có 1 lần.. đợi đến khi các ngài được phong Thánh ở Nhật thì không chừng mình đã hóa ra người thiên cổ!
Sau khi được “ơn trên” tôi lao vào Internet để tìm tòi vé rẻ. Máy bay thì thua, vì vé rẻ đi Nagasaki đã được các tìn hữu địa phương nhanh tay đặt trước. Đi theo tour của địa phận thì đành chịu vì ngoài khả năng tài chánh. Ngay cả Giáo xứ cũng cho biết không thể tổ chức đi thành đoàn vì bó tay trong vấn đề đặt vé và chỗ ở. Một vài gia đình người bạn rủ đi bằng xe hơi, tôi phân vân... đi thì được nhưng về thì lại cày không nổi. Cuối cùng giải pháp đi bằng Shinkansen và xe điện tốc hành từ Osaka- Nagasaki đặt ra, tổng cộng mất khoảng 5 tiếng. Vấn đề di chuyển đã xong, còn chuyện ngủ lại cũng vất vả không kém... tìm cái phòng ở được với giá bình dân không phải là chuyện dễ dàng vì nhằm ngay 3 ngày nghỉ của Nhật. Thế nhưng cuối cùng cũng còn sót 1 cái phòng 3 giường ở một khách sạn vừa vừa gần trung tâm thành phố. Việc chuẩn bị chuyến hành hương như vậy là tạm ổn.
Trước ngày khởi hành 3 ngày, không khí đón mừng đã đến sớm với Osaka và Kobe, khi phái đoàn gồm đức Hồng y Phạm minh Mẫn, 2 đức cha địa phận Phú Cường và Mỹ Tho cùng 3 cha khác đã ghé thăm và dâng lễ mừng các thánh tử đạo Việt Nam cho 2 cộng đoàn. Lần đầu tiên tín hữu công giáo Việt Nam tại Kansai được Đức hồng y, các Đức cha, các cha cùng Đức tổng chủ nhà Osaka dâng lễ. Thật không còn ý nghĩa gì hơn với sự trùng hợp ngày phong chân phước cho các vị Nhật Bản lại đúng vào ngày mừng các thánh tử đạo Việt Nam.
Ngày 23, gia đình chúng tôi khởi hành bằng xe điện đi Nagasaki. Một số gia đình bạn trước đó đã lên đường bằng xe hơi, vượt quãng đường dự trù dài 12 tiếng đồng hồ. Được cha Cao sơn Thân thông báo, tối 23 có tiệc gặp mặt gia đình tu sĩ tại Nhật với phái đoàn Việt nam, do một mạnh thường quân tại Nagoya bảo trợ; rất tiếc chúng tôi không thể nào tham dự buổi tiệc nghe nói rất vui, dự trù 30 người... đã lên tới trên 50 người; khiến một mạnh thường quân khác ở Kobe, người liên tục lo việc di chuyển cho phái đoàn Việt Nam, đã xin ra tay bảo trợ ké trong niềm vui “đời người chỉ có một lần”.
Đến Nagasaki, đường phố đã lên đèn, cây giáng sinh trước ga thật khổng lồ và rực rỡ... tới khách sạn nhận phòng, đã thấy để trên quầy các tờ giới thiệu ngày lễ phong chân phước. Không dự tiệc với gia đình tu sĩ được thì đành dùng cơm gia đình vậy. Tôi dẫn Bà bộ trưởng tài chánh và tiểu thơ đi xuống phố Tàu, chọn 1 cái nhà hàng tươm tất vào gọi món đặc sản mì của Nagasaki là Champon. Hai mẹ con vừa ăn vừa khen nức nở. Từng có dịp làm việc ở vùng Kyushu này cách đây mười mấy năm trước, tôi nhận thấy sở dĩ món mì Kyushu có hương vị đặc biệt là do một nguyên liệu nêm đặc chế có mùi thum thủm; chẳng khác gì người Nhật trước khi ăn bún riêu cũng cảm nhận cái mùi khăm khắm của mắm tôm cho vào bún riêu... nhưng lúc ăn thì tuyệt vời!
Buổi tối về khách sạn, việc đầu tiên là tôi xem dự báo thời tiết. Mưa 80% cho đến 6 giờ chiều... Thôi, đành phải đội mưa dự lễ vậy. Khí tượng Nhật đã thông báo trước 1 ngày thì chắc như đinh đóng cột. Tuy nhiên, trong thâm tâm chưa bao giờ tôi lại mong đài khí tượng Việt Nam sang Nhật công tác như lúc này... vì chắc chắn “đài nhà” sẽ làm mình an tâm hơn với bản tin: “trời nắng nhẹ, lắc rắc chỉ vài giọt mưa cho đến trưa...”
Quả nhiên sáng hôm sau, trời mù rồi mưa vần vũ... Tôi xúi con gái cầu nguyện với các vị Chân phước giang tay che chở bớt mưa được chút nào hay chút đấy. Nó giỏi tiếng Nhật hơn tôi may ra các ngài nghe dễ hiểu hơn. Một mặt tôi liên lạc cho ông anh ở gần địa điểm tổ chức xem tình hình như thế nào; ông ấy an ủi: Các đấng tử đạo ngày xưa chịu bao nhiêu khổ ải thì chúng ta đội chút xíu mưa thấm thía gì. Nghe cũng có lý...
May quá, đến 10 giờ nắng lên một chút, lợi dụng mưa nhẹ hạt, gia đình tôi ra khỏi khách sạn, ghé tiệm tạp hóa mua cái dù rồi nhảy lên xe điện nổi của thành phố đi tới cầu trường Nagasaki. Lên xe, thấy hầu hết hành khách đã đeo huy hiệu mừng lễ. Vài trạm kế tiếp có một số Sơ lên, sau đó thêm một số cha thầy... không khí rộn rã. Nắng lên cao khiến tôi hy vọng... kỳ này khí tượng Nhật sẽ phải học nghề khí tượng Việt Nam!
Tới địa điểm, hàng đoàn người lũ lượt tiến vào các cổng... Tôi gặp vài người quen của giáo xứ; tay bắt mặt mừng xong tiếng vào khu vực dành riêng cho Osaka. Gặp thêm một số bạn bè đến từ Himeji và Kobe cùng các em tập sinh Việt Nam dòng thánh Giuse. Ai nấy đều náo nức. Trong khí đó, phía dưới sân, ca đoàn 1200 người đang thánh thót những bản thánh ca vang vọng. Cảnh tượng 30.000 người ngồi đầy cầu trường quả là hình ảnh “đời người có một không hai”.
11 giờ rưỡi, Video được chiếu qua hai màn ảnh rộng, giới thiệu bối cảnh hy sinh của các vị chân phước. Năm 1981, nhân chuyến viếc thăm Nagasaki, cố Đức thánh cha Gioan Phaolo 2 đã tâm sự, ngài muốn thêm vào danh sách các thánh, các chân phước những vị tử đạo xứ Phù Tang. Năm 1984, Hội đồng giám mục Nhật Bản bắt đầu cuộc điều tra và tới năm 1996 thì hoàn tất hồ sơ xin phong chân phước cho 188 vị; đứng đầu là cha Phê rô Kibe; xuất thân từ tỉnh Oita; người đầu tiên của Nhật thăm viếng thánh địa Giêrusalem, du học tại Roma sau đó về nước truyền giáo và tử đạo tại Edo tức Tokyo ngày nay.
12 giờ, nghi lễ bắt đầu, cũng là lúc trời chuyển mưa nặng hạt. Chợt dưng một cái gì thật linh thiêng khi tiếng chuông đổ dồn, mắt tôi rưng rưng khi nhìn lên lễ đài. 30.000 người chìm đắm trong tiếng mưa và thánh ca. Từ xa, tôi thấy một số phụ nữ mặc Kimomo mang những bình dường như đựng đất hay tro cốt tới đặt dưới bàn thờ, kế đó là hàng trăm linh mục tiến vào hai bên bàn thờ. Cuối cùng là một màu đỏ rực áo choàng của các đức giám mục và hồng y.
Đức hồng y Shirayanagi chủ tế, trước khi khai mạc thánh lễ, đã giới thiệu Đặc sứ của Đức thánh cha Benedicto 16 cùng các vị hồng y và giám mục đến từ các nơi trên thế giới trong đó có Hồng y Phạm minh Mẫn cùng 2 đức cha của giáo hội Việt Nam. Kế đến các đức cha đại diện cho các địa phận có tín hữu tử đạo được phong chân phước giới thiệu những vị thánh ánh hùng đã đổ máu nơi địa phương mình. Đông nhất là Yonezawa ở phía Bắc nước Nhật, 53 vị; kế đến là Kyoto, 52 vị; khu vực Nagasaki gồm có 5 nơi Shimahara, Unzen 29 vị, Arima 8 vị, Nagasaki 4 vị, Ikitsuki 3 vị và Amasho 1 vị. Ngoài ra thủ phủ Kyushu là Kokura, Ota, Kumamoto có 18 vị, Yashiro 11 vị, Hiroshima 3 vị, Yamaguchi 2 vị và Satsuma của Kagoshima là 1 vị. Vùng Tokyo có 2 vị, trong đó có cha Phêro Kibe đã nhắc ở trên. Osaka được 1 vị. Trong lúc giới thiệu, thỉnh thoảng người ta nghe được tiếng gió thổi lồng lộng qua micro, nghe như tiếng sấm từ trời vang dội. Vị giám mục đang kể lại câu chuyện của 1 bà mẹ Chân phước bị thiêu cùng những đứa con nhỏ. Một đứa nói: -Mẹ ơi, sao nóng quá, con không thấy gì hết. Người mẹ trả lời: -Cố gắng đi con, còn một chút nữa thôi, một chút xíu nữa thôi...mẹ con ta sẽ thấy nhau trên trời.
Không ai nói ra, nhưng chắc mọi người đều có suy nghĩ như tôi là Bà mẹ thánh cùng những người con thánh và các đấng khác đang về cùng hiện diện với chúng tôi trong ngày trọng đại này
Sau phần nhập lễ, Đức hồng y đặc sứ José Saraiva Martins chậm rãi đọc tuyên thư của Đức giáo hoàng, quyết định phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản. Tấm màn che bức tranh biểu tượng của các Chân phước tử vì đạo cao gần 10 m được kéo xuống trong tiếng vỗ tay nức trời. Lạ lùng thay, nắng lên... không còn một hạt mưa. Những anh chị đã cùng tôi hiện diện trong buổi lễ này chắc chắn đã cảm nhận được hiện tượng lạ lùng trên, vì mưa đã ngưng luôn cho tới cuối thánh lễ. Tôi không cho đó là một phép lạ đâu, chỉ là một cảm nghiệm mà các vị Chân phước muốn truyền đạt cho chúng ta... những khó khăn, khổ nhọc của lúc ban đầu biểu hiện qua cảnh 30.000 người đứng dưới mưa nhằm chia sẻ với sự hy sinh của các đấng rồi sẽ qua đi để bắt đầu một tương lai tươi sáng trên nước trời qua hình ảnh ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Thánh lễ được tiếp tục trong niềm tri ân tới 4 giờ rưỡi chiều. Mặc dù còn muốn nấn ná lại để hưởng trọn vẹn cái không khí “đời người chỉ có một lần”; nhưng quãng đường 5 tiếng đồng hồ không cho phép.
Trên đường về lại Osaka, tôi mở trang báo của thành phố Nagasaki ấn bản đặc biệt, phát hành ngay sau thánh lễ để tìm lại cảm xúc, đồng thời tìm hiểu rõ hơn tiểu sử của những chứng nhân đã dùng chính mạng sống mình tuyên xưng đức tin. Nếu trước lúc đi, tôi hãnh diện thông báo cho bạn bè là mình sẽ đi tham dự lễ phong chân phước, thì hiện tại trong chuyến xe điện tốc hành đang xuyên qua núi đồi... tôi vứt bỏ lại niềm hãnh diện đã có; thay vào đó là suy nghĩ, mình phải sống làm sao cho xứng đáng với những giọt máu đào đã đổ ra trên mảnh đất này.
NAGAZAKI - Ngày 19 tháng 6 năm 1988, lễ phong Thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam đã được tổ chức tại Roma. Không ít tín hữu Việt Nam sống tại Nhật cũng muốn đi tham dự biến cố trọng đại này của giáo hội. Tuy nhiên, địa lý, điều kiện xã hội đã ngăn trở chúng ta cơ hội hưởng diễm phúc có một không hai này.
Xem hình ảnh Lễ Phong Chân Phước tại Nhật
20 năm sau, tại miền đất tôi tạm dung, 188 vị tử đạo Nhật Bản đã được tòa thánh quyết định phong Chân phước. Dù không cùng quốc gia, nhưng cùng là con cái Chúa và được con cháu của các vị đùm bọc bao năm trời, chúng tôi cũng hưởng trọn niềm vui này không khác gì họ. Đặc biệt, lễ phong Chân Phước lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật ngay “thánh địa” Nagasaki, cái nôi công giáo Nhật Bản.
Là một tín hữu bình thường, tôi từng nghĩ rằng có lẽ trong cuộc đời không dễ gì tham dự được một nghi thức phong chân phước hoặc phong thánh ngay tại nơi mình sinh sống. Thêm nữa, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, để đưa cả gia đình vượt trên 800 cây số đi dự lễ thì cũng trở thành một vấn đề. Tuy nhiên khi bà bộ trưởng tài chánh của gia đình quyết định, “đời người chỉ có một lần” thì tôi mừng không khác gì trúng số! Tôi nhẩm thầm, “cái đời người chỉ có một lần” giữa tôi với bà bộ trưởng không chừng đã diễn ra nhiều lần... những rõ ràng lần này chắc chắn chỉ có 1 lần.. đợi đến khi các ngài được phong Thánh ở Nhật thì không chừng mình đã hóa ra người thiên cổ!
Sau khi được “ơn trên” tôi lao vào Internet để tìm tòi vé rẻ. Máy bay thì thua, vì vé rẻ đi Nagasaki đã được các tìn hữu địa phương nhanh tay đặt trước. Đi theo tour của địa phận thì đành chịu vì ngoài khả năng tài chánh. Ngay cả Giáo xứ cũng cho biết không thể tổ chức đi thành đoàn vì bó tay trong vấn đề đặt vé và chỗ ở. Một vài gia đình người bạn rủ đi bằng xe hơi, tôi phân vân... đi thì được nhưng về thì lại cày không nổi. Cuối cùng giải pháp đi bằng Shinkansen và xe điện tốc hành từ Osaka- Nagasaki đặt ra, tổng cộng mất khoảng 5 tiếng. Vấn đề di chuyển đã xong, còn chuyện ngủ lại cũng vất vả không kém... tìm cái phòng ở được với giá bình dân không phải là chuyện dễ dàng vì nhằm ngay 3 ngày nghỉ của Nhật. Thế nhưng cuối cùng cũng còn sót 1 cái phòng 3 giường ở một khách sạn vừa vừa gần trung tâm thành phố. Việc chuẩn bị chuyến hành hương như vậy là tạm ổn.
Trước ngày khởi hành 3 ngày, không khí đón mừng đã đến sớm với Osaka và Kobe, khi phái đoàn gồm đức Hồng y Phạm minh Mẫn, 2 đức cha địa phận Phú Cường và Mỹ Tho cùng 3 cha khác đã ghé thăm và dâng lễ mừng các thánh tử đạo Việt Nam cho 2 cộng đoàn. Lần đầu tiên tín hữu công giáo Việt Nam tại Kansai được Đức hồng y, các Đức cha, các cha cùng Đức tổng chủ nhà Osaka dâng lễ. Thật không còn ý nghĩa gì hơn với sự trùng hợp ngày phong chân phước cho các vị Nhật Bản lại đúng vào ngày mừng các thánh tử đạo Việt Nam.
Ngày 23, gia đình chúng tôi khởi hành bằng xe điện đi Nagasaki. Một số gia đình bạn trước đó đã lên đường bằng xe hơi, vượt quãng đường dự trù dài 12 tiếng đồng hồ. Được cha Cao sơn Thân thông báo, tối 23 có tiệc gặp mặt gia đình tu sĩ tại Nhật với phái đoàn Việt nam, do một mạnh thường quân tại Nagoya bảo trợ; rất tiếc chúng tôi không thể nào tham dự buổi tiệc nghe nói rất vui, dự trù 30 người... đã lên tới trên 50 người; khiến một mạnh thường quân khác ở Kobe, người liên tục lo việc di chuyển cho phái đoàn Việt Nam, đã xin ra tay bảo trợ ké trong niềm vui “đời người chỉ có một lần”.
Đến Nagasaki, đường phố đã lên đèn, cây giáng sinh trước ga thật khổng lồ và rực rỡ... tới khách sạn nhận phòng, đã thấy để trên quầy các tờ giới thiệu ngày lễ phong chân phước. Không dự tiệc với gia đình tu sĩ được thì đành dùng cơm gia đình vậy. Tôi dẫn Bà bộ trưởng tài chánh và tiểu thơ đi xuống phố Tàu, chọn 1 cái nhà hàng tươm tất vào gọi món đặc sản mì của Nagasaki là Champon. Hai mẹ con vừa ăn vừa khen nức nở. Từng có dịp làm việc ở vùng Kyushu này cách đây mười mấy năm trước, tôi nhận thấy sở dĩ món mì Kyushu có hương vị đặc biệt là do một nguyên liệu nêm đặc chế có mùi thum thủm; chẳng khác gì người Nhật trước khi ăn bún riêu cũng cảm nhận cái mùi khăm khắm của mắm tôm cho vào bún riêu... nhưng lúc ăn thì tuyệt vời!
Buổi tối về khách sạn, việc đầu tiên là tôi xem dự báo thời tiết. Mưa 80% cho đến 6 giờ chiều... Thôi, đành phải đội mưa dự lễ vậy. Khí tượng Nhật đã thông báo trước 1 ngày thì chắc như đinh đóng cột. Tuy nhiên, trong thâm tâm chưa bao giờ tôi lại mong đài khí tượng Việt Nam sang Nhật công tác như lúc này... vì chắc chắn “đài nhà” sẽ làm mình an tâm hơn với bản tin: “trời nắng nhẹ, lắc rắc chỉ vài giọt mưa cho đến trưa...”
Quả nhiên sáng hôm sau, trời mù rồi mưa vần vũ... Tôi xúi con gái cầu nguyện với các vị Chân phước giang tay che chở bớt mưa được chút nào hay chút đấy. Nó giỏi tiếng Nhật hơn tôi may ra các ngài nghe dễ hiểu hơn. Một mặt tôi liên lạc cho ông anh ở gần địa điểm tổ chức xem tình hình như thế nào; ông ấy an ủi: Các đấng tử đạo ngày xưa chịu bao nhiêu khổ ải thì chúng ta đội chút xíu mưa thấm thía gì. Nghe cũng có lý...
May quá, đến 10 giờ nắng lên một chút, lợi dụng mưa nhẹ hạt, gia đình tôi ra khỏi khách sạn, ghé tiệm tạp hóa mua cái dù rồi nhảy lên xe điện nổi của thành phố đi tới cầu trường Nagasaki. Lên xe, thấy hầu hết hành khách đã đeo huy hiệu mừng lễ. Vài trạm kế tiếp có một số Sơ lên, sau đó thêm một số cha thầy... không khí rộn rã. Nắng lên cao khiến tôi hy vọng... kỳ này khí tượng Nhật sẽ phải học nghề khí tượng Việt Nam!
Tới địa điểm, hàng đoàn người lũ lượt tiến vào các cổng... Tôi gặp vài người quen của giáo xứ; tay bắt mặt mừng xong tiếng vào khu vực dành riêng cho Osaka. Gặp thêm một số bạn bè đến từ Himeji và Kobe cùng các em tập sinh Việt Nam dòng thánh Giuse. Ai nấy đều náo nức. Trong khí đó, phía dưới sân, ca đoàn 1200 người đang thánh thót những bản thánh ca vang vọng. Cảnh tượng 30.000 người ngồi đầy cầu trường quả là hình ảnh “đời người có một không hai”.
11 giờ rưỡi, Video được chiếu qua hai màn ảnh rộng, giới thiệu bối cảnh hy sinh của các vị chân phước. Năm 1981, nhân chuyến viếc thăm Nagasaki, cố Đức thánh cha Gioan Phaolo 2 đã tâm sự, ngài muốn thêm vào danh sách các thánh, các chân phước những vị tử đạo xứ Phù Tang. Năm 1984, Hội đồng giám mục Nhật Bản bắt đầu cuộc điều tra và tới năm 1996 thì hoàn tất hồ sơ xin phong chân phước cho 188 vị; đứng đầu là cha Phê rô Kibe; xuất thân từ tỉnh Oita; người đầu tiên của Nhật thăm viếng thánh địa Giêrusalem, du học tại Roma sau đó về nước truyền giáo và tử đạo tại Edo tức Tokyo ngày nay.
12 giờ, nghi lễ bắt đầu, cũng là lúc trời chuyển mưa nặng hạt. Chợt dưng một cái gì thật linh thiêng khi tiếng chuông đổ dồn, mắt tôi rưng rưng khi nhìn lên lễ đài. 30.000 người chìm đắm trong tiếng mưa và thánh ca. Từ xa, tôi thấy một số phụ nữ mặc Kimomo mang những bình dường như đựng đất hay tro cốt tới đặt dưới bàn thờ, kế đó là hàng trăm linh mục tiến vào hai bên bàn thờ. Cuối cùng là một màu đỏ rực áo choàng của các đức giám mục và hồng y.
Đức hồng y Shirayanagi chủ tế, trước khi khai mạc thánh lễ, đã giới thiệu Đặc sứ của Đức thánh cha Benedicto 16 cùng các vị hồng y và giám mục đến từ các nơi trên thế giới trong đó có Hồng y Phạm minh Mẫn cùng 2 đức cha của giáo hội Việt Nam. Kế đến các đức cha đại diện cho các địa phận có tín hữu tử đạo được phong chân phước giới thiệu những vị thánh ánh hùng đã đổ máu nơi địa phương mình. Đông nhất là Yonezawa ở phía Bắc nước Nhật, 53 vị; kế đến là Kyoto, 52 vị; khu vực Nagasaki gồm có 5 nơi Shimahara, Unzen 29 vị, Arima 8 vị, Nagasaki 4 vị, Ikitsuki 3 vị và Amasho 1 vị. Ngoài ra thủ phủ Kyushu là Kokura, Ota, Kumamoto có 18 vị, Yashiro 11 vị, Hiroshima 3 vị, Yamaguchi 2 vị và Satsuma của Kagoshima là 1 vị. Vùng Tokyo có 2 vị, trong đó có cha Phêro Kibe đã nhắc ở trên. Osaka được 1 vị. Trong lúc giới thiệu, thỉnh thoảng người ta nghe được tiếng gió thổi lồng lộng qua micro, nghe như tiếng sấm từ trời vang dội. Vị giám mục đang kể lại câu chuyện của 1 bà mẹ Chân phước bị thiêu cùng những đứa con nhỏ. Một đứa nói: -Mẹ ơi, sao nóng quá, con không thấy gì hết. Người mẹ trả lời: -Cố gắng đi con, còn một chút nữa thôi, một chút xíu nữa thôi...mẹ con ta sẽ thấy nhau trên trời.
Không ai nói ra, nhưng chắc mọi người đều có suy nghĩ như tôi là Bà mẹ thánh cùng những người con thánh và các đấng khác đang về cùng hiện diện với chúng tôi trong ngày trọng đại này
Sau phần nhập lễ, Đức hồng y đặc sứ José Saraiva Martins chậm rãi đọc tuyên thư của Đức giáo hoàng, quyết định phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản. Tấm màn che bức tranh biểu tượng của các Chân phước tử vì đạo cao gần 10 m được kéo xuống trong tiếng vỗ tay nức trời. Lạ lùng thay, nắng lên... không còn một hạt mưa. Những anh chị đã cùng tôi hiện diện trong buổi lễ này chắc chắn đã cảm nhận được hiện tượng lạ lùng trên, vì mưa đã ngưng luôn cho tới cuối thánh lễ. Tôi không cho đó là một phép lạ đâu, chỉ là một cảm nghiệm mà các vị Chân phước muốn truyền đạt cho chúng ta... những khó khăn, khổ nhọc của lúc ban đầu biểu hiện qua cảnh 30.000 người đứng dưới mưa nhằm chia sẻ với sự hy sinh của các đấng rồi sẽ qua đi để bắt đầu một tương lai tươi sáng trên nước trời qua hình ảnh ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Thánh lễ được tiếp tục trong niềm tri ân tới 4 giờ rưỡi chiều. Mặc dù còn muốn nấn ná lại để hưởng trọn vẹn cái không khí “đời người chỉ có một lần”; nhưng quãng đường 5 tiếng đồng hồ không cho phép.
Trên đường về lại Osaka, tôi mở trang báo của thành phố Nagasaki ấn bản đặc biệt, phát hành ngay sau thánh lễ để tìm lại cảm xúc, đồng thời tìm hiểu rõ hơn tiểu sử của những chứng nhân đã dùng chính mạng sống mình tuyên xưng đức tin. Nếu trước lúc đi, tôi hãnh diện thông báo cho bạn bè là mình sẽ đi tham dự lễ phong chân phước, thì hiện tại trong chuyến xe điện tốc hành đang xuyên qua núi đồi... tôi vứt bỏ lại niềm hãnh diện đã có; thay vào đó là suy nghĩ, mình phải sống làm sao cho xứng đáng với những giọt máu đào đã đổ ra trên mảnh đất này.