HIỆP THÔNG NHÂN VỊ và QUẢN LÝ TẠO VẬT:



Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa

Ghi chú mào đầu

“Sự thật về con người—điều mà nhân loại hôm nay thấy thực sự khó hiểu—đó là: chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống hệt như Thiên Chúa; và chỉ nguyên sự kiện này thôi, chưa cần nói đến bất kỳ điều gì khác, cũng đủ cho thấy phẩm giá bất khả tha hóa của mỗi hữu thể nhân loại…Hãy nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để thấy chúng ta thực sự là ai trong ánh mắt của Thiên Chúa.” Đây là lời Đức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II nhắn nhủ các bạn trẻ trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế tại Manila năm 1995. Khi nói như thế, chắc hẳn ĐTC đã nhìn thấy trước viễn ảnh nhân loại đang cuốn hút vào trong trào lưu trần tục và nhân bản không Thiên Chúa. Chính ĐTC Bênêđictô XVI, trong những ngày chuẩn bị Giáng Sinh vừa qua đã lên tiếng cảnh báo về nếp sống buông thả theo chiều hướng tiêu thụ duy khoái lạc đang rất thịnh hành hiện nay (x. ĐTC Bênêđictô XVI: Lễ Giáng Sinh là một dịp để suy niệm về ý nghĩa và giá trị của cuộc đời chúng ta VietCatholic News (18 Dec 2008 01:24).. Con người như không còn muốn sống như con người nữa, bởi vì đã cố tình quên đi bản chất căn cốt của mình là được “tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.”

Có thể chúng ta đã quá quen với mệnh đề kinh thánh “con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” nên không cảm nhận được trọn vẹn tầm mức và ý nghĩa sâu xa của mệnh đề đó, cũng như có thể đã không xác tín đầy đủ rằng khi thực sự ý thức được tầm vóc siêu linh này của hữu thể con người theo ý định muôn thuở của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy không thể không thay đổi nếp suy nghĩ cũng như kiểu sống hằng ngày của mình để làm sao xứng đáng với sự ưu ái Thiên Chúa đã dành riêng cho chúng ta ngay từ thuở tạo dựng nên con người.

Chính vì ý nghĩa và tầm mức quan trọng như thế, cho nên chủ đề “con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” đã được trao phó cho Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (UBTHQT) nghiên cứu. Việc chuẩn bị cho việc nghiên cứu này lại được trao cho một tiểu ban gồm các thành viên phần lớn là Linh Mục (LM) sau đây: Augustine Di Noia O.P., Jean-Louis Bruguès, Đức Ông Anton Strukelj, Tanios Bou Mansour O.L.M., Adolpe Gesché, Willem Jacobus Eijk, Fadel Sidarouss S.J., và Shunichi Takayanagi S.J.

Trong bước hình thành bản văn, nhiều phiên thảo luận của tiểu ban và nhiều phiên họp của toàn UBTHQT đã được triệu tập tại Rôma trong khoảng từ năm 2000-2002. Bản văn ta hiện có trong tay đã được chuẩn nhận ‘in forma specifica’ bằng cuộc đầu phiếu qua văn bản của UBTHQT. Tiếp đó, bản văn được đệ trình lên Chủ Tịch Ủy Ban, khi đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, và ngài đã cho phép ấn hành.

Xin cống hiến bạn đọc bản lược dịch toàn thể bản văn quan trọng này với các phần chính sau đây
:

DẪN NHẬP

CHƯƠNG MỘT:

CON NGƯỜI ĐƯỢC TẠO DỰNG THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA

1. ‘Imago Dei’ trong Thánh Kinh và Thánh Truyền

2. Cách phê phán mới về nền thần học ‘Imago Dei’

3. ‘Imago Dei’ trong Công Đồng (CĐ) Vaticanô II và nền thần học hiện đại

CHƯƠNG HAI:

THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA: HIỆP THÔNG NHÂN VỊ

1. Xác và hồn

2. Nam và nữ

3. Nhân vị và cộng đồng

4. Tội lỗi và cứu độ

5. ‘Imago Dei’ (hình ảnh Thiên Chúa) và ‘Imago Christi’ (hình ảnh Chúa Kitô)

CHƯƠNG BA:

THEO HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA: NGƯỜI QUẢN LÝ CÁC TẠO VẬT HỮU HÌNH

1. Khoa học và việc quản lý tri thức

2. Trách nhiệm đối với thế giới tạo vật

3. Trách nhiệm đối với tính liêm khiết sinh học của con người

KẾT LUẬN

-----------------------------------------------------------------------------

DẪN NHẬP

1. Sự bùng nổ kiến thức khoa học và khả năng kỹ thuật trong thời đại mới đã đem lại nhiều ích lợi cho toàn thể nhân loại, nhưng cũng khơi lên những thách đố nghiêm trọng. Sự hiểu biết của chúng ta về tính vô biên cũng như tuổi tác của vũ trụ khiến cho vị trí và ý nghĩa của con người như thấy nhỏ bé hơn và kém an toàn hơn. Các tiến bộ kỹ thuật đã làm cho chúng ta tăng thêm khả năng kiểm soát và điều khiển các năng lực thiên nhiên, thế nhưng nó cũng đồng thời gây ảnh hưởng bất ngờ và khôn lường trên môi sinh và ngay cả trên chính bản thân chúng ta.

2. Đứng trước các thách đố này, UBTHQT muốn cống hiến suy tư thần học sau đây dựa trên học thuyết ‘imago Dei’ nhằm điều hướng suy tư chúng ta về ý nghĩ hiện hữu con người. Cùng lúc ấy chúng tôi muốn trình bầy chính cái nhãn quan tích cực về nhân vị giữa lòng vũ trụ lấy từ chủ đề tín lý vừa mới được tái khám phá này.

3. Nhất là từ sau CĐ Vaticanô II, học thuyết về ‘imago Dei’ đã bước lên một tầm cao mới trong Giáo Huấn của Giáo hội (Huấn quyền) và trong nghiên cứu thần học. Trước đây có nhiều yếu tố khiến cho một số triết gia và thần học gia thời đại Tây phương lơ là về nền thần học ‘imago Dei.’ Trong triết học, chính khái niệm về ‘hình ảnh’ đã là đề tài chỉ trích nặng nề từ các lý thuyết tri thức hoặc muốn đề cao vai trò của “ý tưởng” vượt trên hình ành (=chủ nghĩa duy lý) hoặc muốn cảm nghiệm tiêu chuẩn tối hậu của chân lý mà không hề đả động gì đến vai trò của hình ảnh (=chủ nghĩa duy nghiệm). Thêm vào đó, các yếu tố văn hoá, tỉ như ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân bản trần tục, hoặc gần đây hơn nữa, truyền thông tung ra tràn lan các hình ảnh, khiến cho thật khó xác định được một bên là xu hướng con người hướng về Thiên Chúa, và một bên là điểm quy chiếu hữu thể học của hình ảnh vốn là điểm cốt yếu của moị nền thần học về ‘imago Dei.’ Ngoài việc nền thần học phương Tây lơ là đối với chủ đề, còn có các lối giải thích thánh kinh quá nhấn mạnh đến hiệu lực tính vĩnh viễn của huấn thị đối nghịch lại với hình ảnh (xem Xuất Hành 20:3-4) hoặc áp đặt một thứ ảnh hưởng của nền văn hoá cổ Hy Lạp trên cách nẩy ra chủ đề trong thánh kinh.

4. Chỉ mãi đến khi sắp khai mạc CĐ Vaticanô II, các thần học gia mới bắt đầu khám phá ra lại nét phong phú của đề tài này trong việc thấu hiểu và phát biểu các mầu nhiệm của niềm tin Kitô giáo. Qủa vậy, các văn kiện CĐ vừa diễn đạt lại vừa xác nhận sự phát triển có ý nghĩa này trong nền thần học thế kỷ 20. Tiếp nối công trình đào sâu chủ đề ‘imago Dei’ khởi đi từ CĐ Vaticanô II, trong các trang sau đây, UBTHQT muốn tái xác nhận cái chân lý về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để có thể hưởng nhận việc hiệp thông cá nhân với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và hiệp thông với nhau trong các Ngài, cũng như để nhân danh Thiên Chúa thực thi trách nhiệm quản lý thế giới tạo vật. Trong ánh sáng chân lý này, trần gian xuất hiện không phải như một thứ gì to lớn nhưng vô nghĩa, mà là một nơi chốn được tạo dựng nhằm vào việc hiệp thông nhân vị.

5. Như sẽ chứng minh trong những chương sắp tới, các chân lý sâu xa này không hề mất đi tính thích đáng và cường lực của nó. Sau khi lược duyệt nền tảng thánh kinh và thánh truyền của ‘imago Dei’ trong Chương Một, ta sẽ xét đến hai chủ đề lớn của nền thần học về ‘imago Dei’: trong Chương Hai, ‘imago Dei’ được xét đến như là nền tảng của sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và giữa các nhân vị, và trong Chương Ba, ‘imago Dei’ được xét như là nền tảng của việc thông phần với Thiên Chúa để cai quản thế giới hữu hình. Các suy tư này gom lại các yếu tố chính của khoa nhân học Kitô giáo cũng như một vài yếu tố của khoa thần học luân lý và đạo đức học trong ánh sáng của nền thần học về ‘imago Dei.’ Ý thức được tầm mức rộng rãi của các vấn đề, chúng tôi vẫn xin cống hiến các suy tư này nhằm nhắc nhở chính mình và quý độc giả về năng lực lý giải bao quát của khoa thần học về ‘imago Dei’ chỉ nhằm mục đích tái xác nhận chân lý thần linh về vũ trụ và về ý nghĩa đời sống con người.

Source: Communion and Stewardship: Human Persons Created in the Image of God, by International Theological Commission, www.catholicculture.org