Năm nay càng cận Tết, nhiều gia đình lao động nghèo và nhất là những người nhập cư càng cảm thấy thấp thỏm lo. Bên cạnh những khoản chi tiêu hằng tháng vốn đã eo hẹp, nay còn có thêm ba ngày Tết trong tình nguy cơ bi mất việc, giảm lương cắt thưởng và giá cả thị trường thì tăng vọt từ giữa năm “một đi không hẹn ngày trở lại” v.v…

Chuyện giàu nghèo, thịnh suy của một đất nước cũng là lẽ thường. Tuy nhiên điều không bình thường của VN là ở chỗ, trong khi 50% dân số còn nghèo khổ, làm quần quật quanh năm không đủ ăn thì lại có quá nhiều người giàu “nứt khố đổ vách” ném tiền qua cửa không biết ‘đau tay’.

‘Xóa đói giảm nghèo’ hay đào sâu thêm ‘hố sâu ngăn cách”?
Gần đây trên tờ VietnamNet có bài Xe "khủng" ở Sài Gòn kể về chuyện mê xe hơi của các đại gia và công tử Sàigòn, trong đó có đoạn “riêng khu biệt thự Thảo Điền (Q.2) lại nổi tiếng với “bản doanh” của P.Q.C, một “thiếu gia” trong lĩnh vực bất động sản có bộ sưu tập 5 siêu xe mà dân chơi xe ước tính khoảng 2,5 triệu USD. Theo ông chủ salon H.T, nếu địa ốc không rớt giá thảm hại thì “thiếu gia” trên đã đem về VN chiếc Bugatti Veyron gần 40 tỷ đồng!”

Giá trị lao động của hàng chục triệu lao động VN suốt năm qua là điều không thể phủ nhận. Bởi nếu không làm được việc, ắt họ đã bị các ông chủ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản ‘đuổi cổ’ từ giữa năm rồi. Cuối năm, mặc dù tình hình suy thoái kinh tế chung khiến không ít ông bà chủ gặp khó khăn, nhưng nhà máy xí nghiệp vẫn còn đó chưa hề bị phá sản, còn người lao động khi ‘tính sổ’ lại quãng đời 365 ngày vừa qua, làm vất vả vẫn chẳng đủ ăn. Vậy công sức họ đã trôi về đâu?

I. Từ một ‘tấm gương’ làm giàu

Gần đây trên trang BBC tiếng Việt có đăng tải loạt phỏng vấn một số phụ nữ tên tuổi trong nước. Trong số này là một phụ nữ giàu sang có tiếng với lời đồn đoán gia tài của bà ta có thể mua nổi một phần lãnh thổ VN (!?). Không rõ chuyện này hư thực ra sao, nhưng trên thực tế công ty của bà “Tư Hường” đã chi 7 triệu USD tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 ở Nha Trang vừa qua, giúp VN ‘dợt le’ với thế giới chỉ với 9 phút quảng cáo toàn cầu, đủ cho thấy tài lực của bà là không hề nhỏ.

Nhưng có lẽ vì đã có nhiều ‘tấm gương’ giàu có bất chính, như vợ chồng tổng thống F.Marcos của Philipines thời thập niên 80 hay còn bị đặt dấu hỏi như thủ tướng Thaksin của Thailand, nay mỗi khi có dịp phỏng vấn các phú ông phú bà, báo giới ngày nay rất quan tâm đến ‘bí quyết’ làm giàu của họ và phóng viên Xuân Hồng của đài BBC cũng không là ngoại lệ. Chỉ sau mấy câu thăm hỏi xã giao anh đã không ngần ngại hỏi thẳng bà ta về điều tế nhị này nhưng phải mất một hồi ‘vòng vo tam quốc’ người phụ nữ này cuối cùng mới dám nhìn nhận “…cơ ngơi hiện nay tôi thật sự đi lên là nhờ bất động sản”!!!

Thuật lại điều này không vì ngưỡng mộ hay ganh tỵ với bà “Tư Hường” mà để xin nêu lên hai câu hỏi:

1./ Thực chất ‘kinh doanh bất động sản’ có thời bùng nổ dữ dội khắp nơi trong nước là gì mà lại có thể giúp cho những người như chị phụ nữ trên, qua phỏng vấn trình độ cũng không có vẻ gì là cao siêu lắm nếu không muốn nói là còn nặng chất nông dân, làm sao lại có thể kiếm tiền tỷ nhanh chắc cũng cỡ… Bill Gates?

2./ Sự làm giàu cực kỳ nhanh mà không có bất cứ ngành nghề nào địch nổi với kinh doanh đất đai, đã có liên hệ gì đến sự bùng nổ tranh chấp khiếu kiện đất đai khắp nơi trong nước và tình trạng phân hóa giàu nghèo lớn kinh khủng như hiện nay?

II. ‘Nghèo’ người - ‘Phước’ ta

Vấn đề nào cũng có cái gốc riêng của nó. Chuyện giàu tột bực - nghèo kiết xác ở trong nước hiện nay đã khởi đầu từ giữa những năm 80, khi khối cộng sản sắp sụp đổ buộc chính quyền VN phải mở cửa giao thương với thế giới tự cứu mình trước khoản thâm thủng mất viện trợ của Liên Xô, Đông Âu. Chính sách “đổi mới” này đã có tác động tức thì, chỉ vài năm sau nhiều loại hàng hóa thiết yếu đã bớt khan hiếm thấy rõ so với thời bao cấp, thời gian mà những thùng hàng quà Mỹ, Pháp và những dãy hàng ngoại nhập trên con đường Nguyễn Thông dường như là thế giới riêng của những gia đình giàu có, vì thế dân chúng phần nào cảm thấy ‘dễ thở’.

Nhưng dưới mọi xã hội cộng sản ấm no hạnh phúc chỉ là những giấc mơ, còn giông bão với gông cùm lại rất hiện thực và cơn giông bão ấy chính là tình trạng đất đai nhà cửa bắt đầu tăng giá ‘chóng mặt’…!

Vợ chồng tôi chỉ ước ao có một ngôi nhà nhỏ của riêng mình, nhưng chắc chắn là chẳng bao giờ có nổi.

Chị Nguyễn Thị Mai Thảo (nguồn BBC)

Cuối năm 1992 khi ‘cơn bão’ giá cả nhà cửa bất ngờ ập đến, với dân Sàigòn đây quả là hiện tượng kỳ lạ! Bởi chỉ mới vài năm trước hàng ngàn gia đình còn sẵn sàng ký giấy hiến nhà cửa của mình cho nhà nước để được leo lên máy bay ra khỏi VN. Trước nữa hàng trăm ngàn người còn dám vượt biên một sống hai chết giữa biển khơi.

Nguyên nhân của tình trạng leo thang giá đất đai nhà cửa này là do các công ty nước ngoài khi đến VN làm ăn dù ở bất kỳ lĩnh vực gì, hết thảy đều phải cần đến đất đai để lập làm nhà máy, xưởng sản xuất, kho bãi v.v… công ty nào có ‘bèo bọt’ lắm thì cũng phải thuê vài chục mét vuông đủ chỗ ngồi cho 2,3 nhân viên gọi là cái văn phòng đại diện, giao dịch v.v… Có Cầu ắt phải có Cung, chính quyền là người có quyền xét duyệt chuyện đầu tư, làm sao các quan chức với đồng lương chết đói không đủ nuôi gia đình, làm sao có thể bỏ qua cơ hội ‘moi’ tiền lũ tư bản trong việc đáp ứng nhu cầu đất đai nhà cửa cho họ?

Bằng chứng của việc này là là thành ủy thành phố Sàigòn ngay vào cuối những năm 80s họ nhanh chóng lập ra hệ thống “Công ty Cung ứng Dịch vụ Nước ngoài” gọi tắt là FOSCO và còn ‘ăn nên làm ra’ cho đến nay. Với ban kinh tài thành ủy đứng đằng sau, công ty này ngày một bành trướng thâu tóm mọi dịch vụ với người nước ngoài tại Tp.HCM và họ cũng không bao giờ biết mùi khó khăn, thất bại nó ra làm sao!

FOSCO không xa lạ gì với các Việt kiều từng về VN làm ăn, vì là nơi cung cấp dịch vụ bắt buộc từ A-Z cho các văn phòng đại diện và các công ty. Ngay cả cho đến người làm công việc quét dọn văn phòng, thông qua Sở Lao Động họ cũng bắt phía nước ngoài phải thuê lại để có cớ đứng giữa ăn tiền cò hằng tháng, thì làm sao món hàng béo bở nhiều tỷ về đất đai kia làm sao có chuyện họ quên không khai thác?
Nhưng vì lý do gì mà các nhà đầu tư nước ngoài lại ồ ạt đổ tiền vào thị trường VN?

1./ Ấy là vì dân chúng VN ta quá nghèo. Với số tiền 50-60 USD/người/tháng, chỉ bằng 1/10 so với nhiều nước Châu Á khác là họ có ngay hàng chục triệu lao động trẻ sẵn sàng lao vào các hãng xưởng làm việc cặm cụi ngày đêm. Mức giá nhân công mà họ không thể nào kiếm được ở các lân bang có mức sống cao hơn VN.

2./ Ấy là vì VN ta đang bị cai trị bởi một chính thể độc tài. Các nước lớn luôn nguyền rủa chính quyền VN về chuyện độc đảng nhưng thật sự trong lòng họ lại không hoàn toàn ghét chính quyền này. Nước nào càng đầu tư nhiều vào VN quốc gia ấy càng yêu cái chính quyền này nhiều hơn tất cả. Đơn giản chỉ vì chẳng có chính phủ nào lại muốn thấy VN mất đi cái “ổn định chính trị” hiện nay trở nên giống Thái Lan, biểu tình làm khó chính quyền khiến cho việc làm ăn của các doanh nhân xứ họ gặp trắc trở.

3./ Ấy là vì VN ta đang có một chính quyền cực khỏe bắt nạt dân nhưng luôn yếu đuối trước những đồng dollars bởi quốc nạn tham nhũng. Các quan chức ở mọi địa phương sẵn sàng tiếp tay với những ông chủ như nhà máy Vedan ở tỉnh Đồng Nai, làm ngơ để cho họ xả chất thải độc hại xuống lòng sông, cửa biển để đổi lấy những khoản tiền tiền hối lộ dưới các danh nghĩa hỗ trợ địa phương.

Theo thông tin vừa nói được phổ biến từ cuộc hội thảo mang tên ‘Chính sách, giải pháp bảo đảm cho kinh tế VN tăng trưởng nhanh và bền vững’ do Viện Nghiên Cứu Tài Chánh mới được tổ chức tại Hà Nội hôm 12/1/2009, hơn một nửa các khu Công Nghiệp (KCN) khu chế xuất ở VN không có hệ thống xử lý nước thải. Các chuyên gia tham gia hội thảo cũng ghi nhận rằng, TP.HCM và Hà Nội là những địa phương gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất cả nước. Trong số 14 KCN ở TP.HCM mới chỉ có 6 KCN có thiết lập hệ thống xử lý nước thải tập trung. Được đầu tư ở một nơi ít tốn kém tiền đầu tư xây dựng cơ bản như vậy với nhiều doanh nhân Châu Á còn đâu bằng?

(Về cuộc hội thảo này, không biết có phải vì sợ làm xấu mặt thêm nhà nước vốn đã quá “be bét” bởi đủ thứ chuyện xấu xảy ra trong năm qua, nên tất cả các báo lớn trong nước đều đã ‘tảng lờ’ đưa tin, ngoại trừ tờ Pháp Luật và An Giang http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=240025 ?)

III. Lập dự án vì dân hay vì… bán đất?

Khi diễn ra việc ‘hội nhập’, ngoại trừ một số ít các công ty liên doanh với các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn có hiệu quả như Công ty Mỹ Phẩm Sàigòn với thương hiệu ‘P/S’ được định giá hàng triệu USD, hầu hết các công ty quốc doanh khác vào thời điểm cuối những năm 80 đã gần như kiệt quệ hoàn toàn, do hậu quả của lối làm ăn XHCN “một thằng làm, tám thằng rình” nhưng “cha chung chẳng thằng nào chịu khóc!”. Sau mấy chục năm dưới sự ‘chăn dắt’ của Bác và đảng, hầu hết các công ty quốc doanh này không có gì đáng giá hơn ngoài mảnh đất cắm dùi cùng mới nhà xưởng cũ mèm, máy móc thiết bị lạc hậu đem ra cho có cái gọi là ‘góp vốn’ với người ta.

Tuy nhiên số lượng liên doanh kiểu trên không nhiều bằng số các công ty mới thành lập mới trong các KCN. Chính các KCN này cùng các dự án sân golf, khu du lịch đã ‘ngốn’ đất đai mới khiến vấn nạn đất đai thêm trầm trọng, vì:
1./ Để có được diện tích từ vài chục cho tới vài trăm hécta đất thẳng cánh cò bay cho các KCN, các tỉnh thành không còn cách nào khác phải lấy đất nông nghiệp của dân. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2007, cả nước có 150 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 32,3 nghìn Ha. Dự kiến từ nay đến năm 2015, cả nước sẽ có thêm 113 KCN được thành lập mới với tổng diện tích quy hoạch là 29,2 nghìn ha và 27 KCN mở rộng với tổng diện tích hơn 6 nghìn ha. (http://fia.mpi.gov.vn/Default.aspx?ctl=Article&TabID=5&aID=433)

2./ Trong các dự án xây dựng KCN, góp vốn của các công ty nhà nước chủ yếu là đất đai và chiếm 51% tổng giá trị dự án để VN được nắm đằng cán trong liên doanh. Điều này có nghĩa đất đai đã được qui ra thành tiền và khi tính toán cho thuê hoặc bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các KCN. Nó không thấp như cái giá ‘bao cấp’ mà chính quyền dựa vào quyết định này nọ để trả ép cho nông dân cũng hoặc các ‘khổ chủ’ đô thị nếu đó là đất xây khách sạn cao ốc trong nội thành. (Thực ra các nhà đầu tư nước ngoài họ hoàn toàn không có quyền nhúng tay vô mấy chuyện bồi thường này, vì là ‘miếng ăn’ của các quan chức).

Một khi cái ‘liên minh ma quỉ’ trên và cơ ngơi xây dựng xong, “quyền sở hữu toàn dân” đối với những mảnh đất trên xem như đã biến mất. Với giấy phép dự án trong tay, đất đai nghiễm nhiên đã thuộc về quyền sở hữu của các công ty liên doanh mà những người kinh doanh bất động sản như phụ nữ trên dưới danh nghĩa nhà đấu tư, tất nhiên núp sau họ không thể thiếu các quan chức địa phương.

Từ vài trăm triệu USD/năm tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thị trường VN những năm 80, sau 20 năm thực hiện Luật Đầu tư Nước ngoài, VN đã thu hút được hơn 9.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 98 tỷ USD khoản chênh lệch mà các nhà đầu tư nước ngoài phải trả cho cái gọi là bồi hoàn về đất đai để xây dựng các công trình khách sạn, nhà hàng, các KCN trên cả nước ít nhất cũng vài hàng chục tỷ USD http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105039/ns080123154356).

Chính quyền Tp.HCM vì dân nghèo hay vì… Phú Mỹ Hưng?
Tỉnh Đồng Nai, sau 20 năm thực hiện đầu tư nước ngoài, nơi này đang có 25 KCN đã được cấp phép thành lập với tổng diện tích 6.912 hécta. Các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 254 triệu USD xây dựng hạ tầng KCN, trong diện tích đã cho thuê 3.089 hécta so với 4.695 hécta đất dùng cho thuê. (http://hdnd.dongnai.gov.vn/anpham/copy_of_mlnewsfolder.2008-04-25.8590723099/mlnews.2008-07-27.8891087355)

Nếu lấy mức giá khiêm tốn 1 triệu/mét vuông thì con số tiền các công ty nước ngoài đã phải trả riêng cho địa phương này đã là 3 tỷ USD! Trừ đi khoản ‘bố thí’ bồi hoàn cho nông dân theo khung giá bèo bọt của nhà nước có nơi chỉ vài chục ngàn / mét vuông, bằng 1/20 giá họ đem vào tính thị trường, khoản chênh lệch khổng lồ còn lại đã rơi vào túi những ‘nhà đầu tu’ bất động sản như người phụ nữa trên và những cán bộ đảng viên núp sau bóng họ.

Như vậy, chúng ta có thể thấy ‘bộ phim’ đói nghèo toàn tập ở VN do đảng Csvn gây nên cho dân tộc suốt nửa thế kỷ qua có thể chia ra ba phần:

1./ 1945- 1984: Chiến tranh hóa, Ngu dân hoá và Nghèo hóa đất nước để sau khi VN đã bị rơi xuống đáy vực đói nghèo của thế giới, bằng chính sách gọi là “đổi mới” họ ‘xả van’ cho các nhà đầu tư nước ngoài tràn vào vì là chỗ trũng nhất khu vực về mức sống.

2./ 1986 – 2002: Dưới danh nghĩa “Đổi Mới”, đảng viên cộng sản khắp nơi vơ vét đất đai đem bán cho tư bản nước ngoài. Nếu không nhờ những khoản thu nhập bất minh khổng lồ nhiều chục tỷ USD có được từ bán đất đai, ai có thể lý giải nổi sự giàu có quá nhanh của nhiều ‘đại gia’ mà theo số liệu năm 2007 có người đã có tới 3-4 ngàn tỷ, tương đương 150 -200 triệu USD, tiền ấy ở đâu ra đối với một quốc gia chủ yếu sống vẫn nhờ gia công cho các công ty nước ngoài? Cùng là chiếm đoạt đất đai nhưng sự khác biệt trong giai đoạn này là để thu vén cho cá nhân mà không còn vì CNXH nào như thời kỳ 1945-1985.

3./ 2003 - đến nay: Tìm cách “chạy làng”! Bằng NQ 23/QH-2003, đảng Csvn đã chối bỏ trách nhiệm trước hàng triệu người dân, các tôn giáo về tất cả những gì họ đã gây ra có liên quan đến đất đai tài sản. khi đã dời mốc ‘phủi tay’ lùi sâu về tận ngày 1/7/1991.

IV. Trăm dâu đổ đầu tằm - Trăm khổ đổ đầu dân!

Cho dù chính quyền Csvn tự hào về chính sách ‘mở cửa hội nhập’ thành công như thế nào, họ vẫn không thể phủ nhận điều là từ chỗ căm thù người giàu, ghét bỏ ‘đấu tố’ phú nông, tiểu thương. Ghét đến mức dân chúng ăn thịt gà cũng không dám để nhà hàng xóm biết vì sợ bị xem là nhà giàu, nay cũng chính chế độ ấy lại quay sang tâng bốc tư bản và khuyến khích người dân làm giàu!?

Cái nghèo bây giờ buồn tủi hơn xưa!
Nếu điều trái khoáy này xảy ra trong khoa học tự nhiên ắt sẽ gây nên những sự bùng nổ như khi hai khối mây mang điện tích trái ngược va vào nhau tạo nên sấm chớp dữ dội. Chẳng nhẽ con bệnh XHCN trong cơn hấp hối đi bốc thuốc ‘kinh tế thị trường’ về uống lại có thể bình yên?

Vấn nạn về đất đai dấy lên mấy năm gần đây ngày càng gay gắt, chính là hậu quả của sự cố tình uống nhầm thuốc này của đảng csvn. Nhờ có những đồng dollar từ sự khai thác sự nghèo đói của đất nước suốt hơn hai thập kỷ qua đảng csvn mới còn có thể sống sót đến hôm nay. Họ không chết thì dân phải ‘đền tội’ thay vậy. Tài nguyên đất đai đã trở thành trọng tâm của sự khai thác này và đã gây nên bao nhức nhối cho toàn xã hội.

Những sự hào nhoáng bề ngoài ở các đô thị VN hiện nay chắc chắn đã không thể có nếu không có nhiều tỷ USD nước ngoài đổ vào. Đường xá VN cũng sẽ chẳng thể đẹp nếu không có những khoản vay ODA. Bởi tiếng là chủ nhà, chủ dự án nhưng thực ra hầu hết dân VN đang là những kẻ làm thuê cho nước ngoài, một kiểu xuất khẩu lao động tại chỗ. Nếu ai đó còn đi làm thuê mà nếu coi bộ còn giàu nhanh hơn cả chủ, cần phải xem thực ra là họ đang hành nghề gì?

Theo giáo sư Tô Duy Hợp, chuyên gia về nghèo đói, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định tỉ lệ nghèo đói ở Việt Nam có thể tới 50%, bao gồm cả nhóm tái nghèo, nếu áp dụng theo chuẩn nghèo quốc tế. Chính quyền rất ‘láu cá’, họ định nghĩa chuẩn đói nghèo ở VN chỉ ở mức 200 ngàn đồng/người/tháng còn ở nông thôn và 260 ngàn ở thành thị, từ đó báo cáo cho LHQ VN mới chỉ còn 13% là nghèo nhưng thực tế ai có thể sống nổi với mức thu nhập như vậy?

Mới mấy ngày đầu năm 2009 vừa qua, khoảng 2.000 nông dân ở các xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong địa bàn dự án 500 ha Khu đô thị, thương mại và du lịch Văn Giang, đã kéo về Hà Nội phản đối chính quyền cưỡng chế thu hồi ruộng đất của họ.

Đây là vụ phản đối tập thể lớn nhất từ trước đến nay đã nói lên tất cả thực trạng khốn khổ của dân chúng trước vấn nạn tạo ra các khu qui hoạch, dự án bán đất cho tư bản để kiếm tiền chênh lệch của chính quyền VN ngày nay. Chỉ có sức mạnh của những đồng dollars ấy chính quyền mới dám làm càn y hệt như ở Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà trong năm 2008 vừa qua khi đem xe ủi tràn xuống đồng ruộng ném nông dân lên bờ.

Có vẻ như chưa bao giờ những lời cộng sản ‘nguyền rủa’ chủ nghĩa tư bản lại trở nên đúng với tình cảnh VN đến từng milimét như hôm nay: “mâu thuẫn giai cấp gay gắt” và “giai cấp thống trị đang câu kết cùng các nhà tư bản bóc lột sức lao động hàng triệu công nhân trong các nhà máy…”.. Csvn đang làm một cuộc cách mạng ngược khi chỉ chăm lo phục vụ cho những người giàu có và tệ hại hơn cả là đã bội phản lại hàng triệu người đã ngã xuống cho lý tưởng giải phóng dân tộc trong thời chiến.

Tóm lại, chính vì sự nghèo khổ của dân Việt, tình trạng nhân lực, thiên nhiên dồi dào nhưng bĩ lãng phí nhất là bờ biển dài hàng ngàn km v.v… mới hấp dẫn các nhà tư bản mới mạnh dạn đổ tiền vào VN.

Csvn cũng hiểu rất rõ trong thế giới đa chiều ngày nay, sự cai trị độc tài kiểu ngày xưa bằng những bức màn sắt đã lỗi thời. Vì vậy chỉ còn cách phải nắm quyền chi phối về kinh tế, mới có thể giúp họ có đủ LỰC hỗ trợ QUYỀN cai trị.
Nay nhìn vào thực tế ai cũng có thể thấy, chính cán bộ đảng viên mới thực sự là người hưởng lợi nhiều nhất từ việc ‘đổi mới’ này, vì họ chính là tầng lớp đang giàu nhanh nhất nhờ kiếm chác từ buôn bán đất đai các dự án chứ không thể là những người lao động nghèo làm việc vất vả trong các nhà máy. Nhưng trước công luận, đảng csvn lại luôn rêu rao “đổi mới, mở cửa, hội nhập v.v…đã giúp cho hàng triệu hộ thoát khỏi đói nghèo” trong lúc chính họ là kẻ đã gây ra cảnh đói nghèo ấy thì lại không bao giờ dám nói đến.

Xem thêm:
1. Phỏng vấn trên BBC http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/
2. Luật Đầu Tư Nước Ngoài Tại Việt Nam http://eluat.com/88000002.htm
3. 20 Năm Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1988 - 2007) http://fia.mpi.gov.vn/Default.aspx?ctl=Article2&TabID=4&mID=237&aID=507
4. Thành tựu 20 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài
http://hdnd.dongnai.gov.vn/anpham/copy_of_mlnewsfolder.2008-04-25.8590723099/mlnews.2008-07-27.8891087355
5. Dự luật đầu tư có khả năng nảy sinh thêm nhũng nhiễu?
http://vietnamese-law-consultancy.com/vietnamese/content/browse.php?action=shownews&category=&id=51&topicid=567
6. Cả nước đã có 150 khu công nghiệp
http://fia.mpi.gov.vn/Default.aspx?ctl=Article&TabID=5&aID=433

Sàigòn, 15/01/2009