Tháng 6 vừa qua, Đức Thánh Cha đã công bố Năm Thánh Phaolô để mừng kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của ngài. Thánh Phaolô là một khuôn mặt chính của Tân Ước. Câu truyện trở lại và những chuyến hành trình truyền giáo của ngài chiếm một phần đáng kể trong Sách Tông Đồ Công Vụ của Thánh Luca. Các Thư được gán cho ngài trong Tân Ước là một tập tư tưởng thần học linh hứng và phong phú. Nhưng Thánh Phaolô cũng được tóm tắt như một người bị Đức Chúa Giêsu Kitô “bắt được” và đã trở thành sứ giả của Người cho Dân Ngoại để mọi người biết “sự phong phú khôn lường của Đức Chúa Kitô Giêsu”.
Một trong những bức tranh mà tôi thích nhất là bức tranh “Cuộc Trở Lại của Thánh Phaolô trên đường đi Đamascô” mà Họa Sư Ý Caravaggio vẽ cho Nguyện Đường Cerasi trong Thánh Đường Santa Maria del Popolo ở Thành Rôma. Thánh Phaolô đã ngã ngựa và nằm trên mặt đất; mặt ngài tràn đầy ánh sáng và tay ngài giơ ra như đang ôm ai. Đức Kitô đã đi bước trước, và Thánh Phaolô đang ở đó để đón chào Chúa và đón nhận bất cứ việc bất ngờ nào, bởi vì ngài đã tìm thấy sự tuyệt mỹ, viên ngọc quý, chính là dung nhan của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh. Từ giây phút ân sủng ấy, ngài coi mọi sự như mất mát trừ việc biết Đức Kitô và chấp nhận lời mời gọi cùng ơn gọi từ chính Đức Kitô! Đời sống và giáo huấn của ngài trở nên những kỷ niệm sớm nhất của Hội Thánh như là “việc truyền giáo”, là một bình diện mà chính chúng ta lúc nào cũng phải “để mắt” đến.
Thánh Phaolô là một đấng “mang” truyền thống Tin Mừng vĩ đại. Cuộc gặp gỡ trực tiếp của ngài với Chúa Giêsu đã không tách rời ngài ra khỏi việc rao giảng Tin Mừng của những vị đi trước ngài và đã biết Chúa Giêsu “trần thế”. Việc ngài gặp Thánh Phêrô và các Tông Đồ khác trở thành một điểm tựa vững vàng cho việc rao giảng theo “những gì được truyền lại” để ngài không giảng dạy cách vô ích. Ngài giảng dạy cho Hội Thánh và trong Hội Thánh, mà ngài viết là “Thân Thể” Đức Kitô. Thánh Phaolô đã phải chắc chắn về ơn gọi đặc biệt của mình để tiên phong làm việc trong những cố gắng truyền giáo của ngài. Sự hiểu biết sâu sắc của ngài về Đức Tin đòi hỏi phải có một căn cươc chắc chắn. Tuy nhiên, ngài cũng đã chia sẻ Đức Tin, kiến thức và quyết tâm của các Tông Đồ khác và các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, đặc biệt là tại Antiôkia, cũng như tại Giêrusalem. Ngài không mấy là một người độc lập giống như ngài là một người đã nhận được thị kiến sâu xa hơn, có lẽ, như ngài nói, bởi vì ngài sinh ra cách bất thường để làm một Tông Đồ, một người đã một thời bách hại Hội Thánh cách mãnh liệt. Đối với ngài, Đức Chúa Kitô Giêsu không phải chỉ là một tiểu sử trong quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ và một sự hiện diện sống động. Ngài đã gặp Chúa Phục Sinh và trong biến cố ấy ngài đã nhận được “Lời Chúa” trong Đức Tin, là Lời phải được diễn tả bằng hằng ngàn chữ mà ngài đã viết cho các cộng đoàn ngài đã thành lập ở Côrinthô hay Thessalônica, hoặc các cộng đoàn ngài đã thăm viếng hoặc có ý định thăm viếng như Rôma và Côlôxê.
Tuy Thánh Phaolô đã viết hay, nhưng ngài lại không phải là một nhà giảng thuyết giỏi như ngài đã thú nhận trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô. Điều gì có thể giải thích được sự thành công trong việc rao giảng của ngài? Tài giao thiệp với quần chúng ư? Có một “chiến thuật” truyền giáo ư? Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói cách ngắn gọn về những kết quả phi thường của công việc, cầu nguyện và giảng dạy của Thánh Phaolô rằng: “sự thành công của việc tông đồ của ngài trên hết tùy thuộc vào việc cá nhân ngài tận tâm tham gia vào việc rao giảng Tin Mừng với một tâm tình hoàn toàn dấn thân cho Đức Kitô; một sự dấn thân không sợ rủi ro, khó khăn hay bách hại.” Cuộc đời Thánh Phaolô là một sự kiên trì hào hiệp và làm chứng hằng ngày cho Đức Kitô: dấn thân. Đó là lý do tại sao ngài trở thành mẫu gương cho mọi con cái trai gái của Đức Chúa Giêsu Kitô. Từ lúc trở lại, ngài đã ôm chặt lấy Đức Kitô vì Đức Kitô đã chấp nhận (nói “ừ” với) ngài và đã ôm lấy ngài. Cuộc sống trong Đức Kitô như thế là một cuộc mạo hiểm chính hiệu và hấp dẫn nhất. Câu truyện của Thánh Phaolô là câu truyện về sức hấp dẫn bất khả kháng của Đức Kitô. Nó đang xảy ra bây giờ! Chúng ta hãy nhập cuộc với Thánh Phaolô. Như chính ngài đã viết: Chớ chi không có gì “làm vẩn đục tiến bộ của chúng ta”.