Một số nhận định của ông Harry Ngô về chính sách mỗi gia đình một con tại Trung Quốc

Trong các ngày từ 23 tới 28 tháng 8 năm 2009 đại hội ”Tình bạn giữa các dân tộc” sẽ diễn ra tại Rimini, Trung Bắc Italia. Trong số hàng chục ngàn người tham dự và trong số các thuyết trình viên cũng có ông Harry Ngô, người bất đồng chính kiến với nhà nước cộng sản Trung Quốc và nổi tiếng can đảm bảo vệ nhân quyền.

Ông Harry Ngô hiện đang sống lưu vong tại Washington, và là giám đốc hiệp hội ”Cưỡng bách lao động”, chuyên tố cáo các vụ vi phạm nhân quyền của nhà nước Trung Quốc. Ông đã là tác giả cuốn sách tựa đề ”Người chống cách mạng”, trong đó ông kể lại các năm phải sống trong lao tù của Mao Trạch Đông. Ông cũng vừa cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Cuộc tàn sát người vô tội. Chính sách một con tại Trung Quốc”. Cuốn sách gồm các chứng tá trực tiếp và lời thú tội của các cựu nhân viên của nhà nước cộng sản Trung Quốc trong việc thi hành chính sách hạn chế sinh sản với khẩu hiệu ”mỗi gia đình một con”.

Ngày Chúa Nhật 23-8-2009 tại Rimini ông Harry Ngô sẽ thuyết trình về đề tài ”Thiên An Môn: Trung Quốc 20 năm sau”.

Như đã biết, từ mấy thập niên qua nhà nước cộng sản Trung Quốc đã phát động chiến dịch hạn chế sinh sản với khẩu hiệu ”Mỗi gia đình một con duy nhất”. Và để cho chiến dịch hạn chế sinh sản được hữu hiệu, nhà nước Trung Quốc cưỡng bách phụ nữ phá thai và cưỡng bách làm cho tuyệt đường sinh sản.

Luật cho phép phá thai đã được bắt đầu tại Trung Quốc năm 1953. Theo thống kê chính thức do Bộ Y Tế Trung Quốc đưa ra ngày 30 tháng 7 năm 2009, hiện nay hằng năm tại Trung Quốc có 13 triệu vụ phá thai.

Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên du nhập viên thuốc phá thai RU 486. Và hiện nay hằng năm có 100 triệu viên thuốc phá thai được bán tại Trung Quốc.

Sự kiện người Hoa có tâm thức trọng nam khinh nữ khiến cho người ta chỉ lựa chọn con trai và thường giết con gái. Tuy vào năm 1994 nhà nước cấm việc phá thai lựa chọn phái tính, nhưng các phôi thai nữ vẫn tiếp tục bị loại bỏ. Cứ 120 bé trai sinh ra thì có 100 bé nữ. Chính sách hạn chế sinh sản này đã tạo ra cảnh ”trai thừa gái thiếu” một cách rất trầm trọng tại Trung Quốc. Kể từ khi nhà nước Trung Quốc đề ra chính sách mỗi gia đình một con hồi năm 1978 tới nay đã có 400 triệu thai nhi nữ bị giết.

Hiện tượng phá thái, bỏ rơi con và giết các bé gái tạo ra hậu qủa mất quân bình xã hội, khiến cho hiện nay có hơn 30 triệu thanh niên Trung Quốc không tìm ra vợ. Sự kiện này làm nảy sinh ra tệ nạn buôn bán phụ nữ, nô lệ tình dục và mua vợ từ các nước láng giềng của Trung Quốc trong đó có Bắc Hàn, Mông Cổ và Việt Nam. Nhiều phụ nữ khác đến từ các nước Myanmar, Lào, Nga và Ucraine. Đường dây buôn phụ nữ làm vợ hay nô lệ tình dục hoạt động rất có tổ chức, với sự đồng lõa hưởng lợi của các quan chức nhà nước liên hệ. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam khi sang tới Trung Quốc trở thành nô lệ tình dục cho nam giới của cả một dòng họ trong cùng một gia đình.

Thảm cảnh sống của nữ giới Trung Quốc liên lỉ bị áp lực của nhà nước khiến cho số phụ nữ tự tử tại Trung Quốc cao nhất thế giới. Tổ chức Sức Khỏe Thế Giới của Liên hiệp Quốc cho biết tại Trung Quốc mỗi ngày có 500 phụ nữ tự tử. Một trong các lý do có thể là luật cưỡng bách phá thai. Tài liệu của Ủy ban quốc hội Hoa Kỳ bảo vệ các quyền con người tại Trung Quốc cho biết tất cả những ai không tuân hành đường lối chính trị một con của nhà nước Trung Quốc, đều bị cưỡng bách làm tuyệt đường sinh sản, hay khi có thai thì bị cưỡng bách phá thai, hay bị bỏ tù và bị tra tấn. Khi một phụ nữ hay thiếu nữ bị khám phá mang thai mà không có giấy chứng nhận, thì lập tức bị bắt và bị bó buộc phải phá thai, bất kể bào thai được mấy tháng.

Năm 2001 chính quyền Hoa Kỳ đã cắt không đóng tiền cho Ngân Qũy Kế Hoạch Hóa Gia Đình của Liên Hiệp Quốc nữa, vì khám phá ra rằng tổ chức này yểm trợ cho chính sách một con của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Hỏi: Thưa ông Ngô, khám phá nào đã đánh động ông nhất khi nghiên cứu chính sách hạn chế sinh sản, mỗi gia đình một con của nhà nước cộng sản Trung Quốc?

Đáp: Quyền sinh con cái là một trong các quyền căn bản của con người. Xúc phạm tới quyền đó, như nhà nước Trung Quốc đang làm từ 30 năm nay với các phương thế cưỡng bách và thô bạo như bắt buộc phá thai và làm cho tuyệt đường sinh sản bằng bạo lực, là một trong những vi phạm các quyền con người trầm trọng nhất. Việc củng cố chính sách mỗi gia đình một con duy nhất không chỉ xúc phạm tới phẩm giá của nữ giới, mà còn tạo ra nhiều vấn đề xã hội và dân số nghiêm trọng, bao gồm cả sự kiện dân chúng già nua, và mất quân bình giữa hai phái nam nữ, trai thừa gái thiếu. Chính các thống kê của nhà nước cho biết chích sách mỗi gia đình một con duy nhất đã khiến số dân của Trung Quốc giảm thiểu 400 triệu người.

Hỏi: Trong cuốn sách ”Cuộc tàn sát người vô tội. Chính sách một con tại Trung Quốc”, người ta đọc thấy các câu chuyện thê thảm kể lại nạn sát hại các trẻ em do chính quyền Trung Quốc chủ mưu, vì cho rằng các em là những kẻ không được phép chào đời. Xã hội dân sự tại Trung Quốc lại không lưu ý tới các vi phạm đẫm máu chống lại quyền sống này của con người hay sao thưa ông?

Đáp: Chính sách mỗi gia đình một con duy nhất không được nhân dân Trung Quốc tán đồng, đặc biệt là tại nông thôn, nơi có đa số dân sinh sống. Tại đồng quê người dân ước muốn gia đình có đông con để có thể cầy cấy và làm các công việc đồng áng và có người săn sóc cha mẹ già yếu. Dĩ nhiên các nhân viên của nhà nước dấn thân trong việc cưỡng bách phá thai hay cưỡng bách làm cho tuyệt đường sinh sản có thể làm cho người dân oán thán, nhưng các nạn nhân ít có các trợ giúp. Báo chí không được phép kể lại các vụ lạm dụng này, và vì thế nhiều người dân không biết mọi chi tiết liên quan tới cung cách nhà nước thi hành chính sách dân số ra sao. Một vài cá nhận can đảm đang tìm cách chấm dứt các bạo lực này từ phía nhà nước. Người nổi tiếng nhất là ông Trần Quang Thành, một luật sư mù, trợ giúp các nạn nhân của một phong trào lớn cưỡng bách làm cho tuyệt đường sinh sản trong tỉnh Sơn Đông hồi năm 2005. Nhưng rất không may là ông Trần đã bị nhà nước kết án 4 năm tù vì các cố gắng của ông. Hiện nay ông vẫn còn đang phải ngồi tù.

Hỏi: ”Quyền tự do làm mẹ” có được các tổ chức phi chính quyền coi là đề tài quan trọng hay không thưa ông?

Đáp: Thật ra vấn đề này không được các tổ chức Tây Âu chú ý nhiều, hay ít nhất không được lưu tâm nhiều như các quyền khác của con người. Nhưng liên quan tới các bạo lực gắn liền với chính sách mỗi gia đình một con duy nhất có nhiều tài liệu được thu thập đầy đủ, và vấn đề đã được nêu lên trước Quốc Hội Hoa Kỳ trong các khóa họp để thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Nhưng các nhân viên Ủy ban tuyền truyền của chính quyền Trung Quốc tìm cách ”lấp liếm” vấn đề, và họ nói rằng các vụ phá thai và làm tuyệt đường sinh sản ấy đều là việc tự nguyện, chứ không ai bắt buộc cả.

Nhưng đó là hoàn toàn sai sự thật, vì người dân bị chính quyền cưỡng bách. Nhưng việc chống chế đó đã có được một vài hiệu qủa, và có thể do đó mà dân Mỹ đã không phản đối Trung Quốc. Tôi cũng lày làm lạ là tại sao chính sách kiểm tra dân số bằng cưỡng bách phá thai và làm tuyệt đường sinh sản của chính quyền cộng sản Trung Quốc lại đã không làm cho dân Mỹ nổi nóng. Đây là điều lạ: các vụ cưỡng bách phá thai là một vấn đề vượt các mặt trận ”bảo vệ quyền sống” ”bảo vệ quyền lựa chọn”. Tôi hy vọng là sẽ có nhiều người chú ý tới vấn đề này hơn, vì nó liên quan tới toàn nhân loại.

Hỏi: Trong cuốn sách nói trên ông có nói rằng dân Trung Quốc đang già nua đi, và số sinh 1,8 cho mỗi phụ nữ thấp qúa không đủ để thay thế người già. Theo ông chính quyền Bắc Kinh có thay đổi sách lược dân số hay không?

Đáp: Chính quyền Bắc Kinh phải thay đổi đường lối chính trị một con, ít nhất là trong một vài điểm. Nếu không, thì sẽ xảy ra các hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với xã hội và nền kinh tế Trung Quốc, cũng như đối với chính các kết qủa kinh tế lớn diễn tả nguồn gốc hợp pháp duy nhất của đảng cộng sản như là chủ thể cai trị. Năm ngoái có tin đồn rằng chính quyền sẵn sàng duyệt xét lại luật một con, nhưng các nhân viên thuộc phân bộ dân số đã bắt buộc chính quyền giữ lại các lập trường cũ, và người ta nhấn mạnh là luật một con sẽ kéo dài thêm 10 năm nữa. Tuy nhiên điều này chứng minh cho thấy bên trong nội bộ chính quyền có những tiếng nói tự do hơn, đòi phải thay đổi.

(Avvenire 28-7-2009)