Từ Thái Hà đến Tam Toà



Vụ tranh đấu của giáo dân Thái Hà đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả lại sự công bằng, công lý và lẽ phải đối với những tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà đã tròn một năm.

Một năm chưa đủ để người dân Việt Nam quên đi những hành động thô bạo của công an khi sử dụng dùi cui, roi điện để tấn công, khiêu khích bằng những lời lẽ khiếm nhã; đồng thời sử dụng một nhóm côn đồ thuộc lực lượng công an trà trộn vào đám đông tung hơi cay, làm mất trật tự, gây náo loạn nhằm phá rối buổi cầu nguyện…

Nhưng kỳ diệu thay, như một ân sủng của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cộng đoàn giáo dân vẫn vững niềm tin, không mảy may nao núng trước sự đàn áp của công an. Họ vẫn im lặng tiếp tục cầu nguyện, không biểu hiện bất cứ một hành động chống trả nào.

Qua vụ Thái hà, người dân Việt Nam càng thấy rõ tác hại của sự độc quyền cung cấp thông tin. Nhà cầm quyền Hà Nội đã dùng các phương tiện thông tin tuyên truyền một chiều như một khí cụ: báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình đồng loạt triển khai chiến dịch bóp méo, bôi đen, chụp mũ sự việc…Thậm chí còn ác ý, xuyên tạc bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, vị chủ chăn cùa Tổng Giáo phận Hà Nội, việc làm này đã gây xôn xao dư luận, tạo tiền đề cho sách lược “giương đông kích tây” nhằm lung lạc niềm tin của cộng đoàn giáo dân. Thế nhưng các chuyến hành hương, các buổi hiệp thông cầu nguyện liên tục của tín hữu dưới sự dẫn dắt của các vị chủ chăn, các đức Giám mục giáo phận đến với giáo xứ Thái Hà đã thể hiện sự đồng tâm, hiệp lực xuyên suốt. “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện ay” do đức Giám mục, Chủ tịch Phê rô Nguyễn Văn Nhơn ký ngày 25-8-2008 đã tỏ rõ lập trường, chấm dứt sự khép kín, thầm lặng đến khó hiểu của Giáo hội Công giáo Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Một kỷ nguyên mới mở ra, Giáo hội đã thực sự hoà nhập với quê hương, vững bước đồng hành cùng các tôn giáo bạn trên đà phát triển của nhân loại trong xu thế tất yếu của lịch sử.

Cũng trong vụ Thái Hà, người Công giáo Việt Nam đã thực sự trưởng thành trong đức tin sống đạo. Họ đã nhận chân và đứng về phía sự thật, về phía công lý. Họ thật sự không sợ sự bắt bớ, tù đày và sẵn sàng chết vì đạo. Tinh thần sống đạo, tinh thần liên kết-hiệp thông của cộng đoàn giáo dân ngày một thể hiện trọn vẹn, luôn vững vàng trong đức Tin- Cậy-Mến.

Vụ việc Thái Hà đã tạm lắng. Nhưng việc chính quyền cộng sản tịch thu trái phép rất nhiều tài sản của Giáo hội Công giáo ở khắp nơi đến nay vẫn chưa thấy nhà cầm quyền có dấu hiệu trả lại. Nguy cơ “bùng nổ” các cuộc đấu tranh khát ắt sẽ không xa.Đó là vụ nhà trẻ của Dòng Nữ tử Bác ái số 2 bis Nguyễn Thị Diệu Quận 3, Sài Gòn; “Khu đất vàng” 11 Nguyễn Du cạnh Đại Chủng viện thánh Giuse Sài gòn; đất của Dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang bị chiếm dùng để xây khách sạn Hải Yến; đất của giáo xứ An Truyền-An Bằng giáo phận Huế; đất của tu viện Thánh Phao lồ ở Vĩnh Long…

Và gần đây nổi cộm nhất là vụ nhà thờ Tam Toà bị chính quyền tỉnh Quảng Bình chiếm đoạt vô cớ làm di tích chiến tranh. Trên một trăm giáo dân Tam Toà đến dựng nhà tạm để có chỗ tru mưa, nắng cho việc phục vụ thánh lễ của giáo xứ đã bị công an, dân quân và nhiều người mặc thường phục đến đàn áp, đánh đập, bắt bớ giáo dân, tuỳ tiện dỡ bỏ ngôi nhà tạm vừa mới dựng xong, tịch thu cả tượng chúa mang đi. Liên tiếp hai ngày 26 và 27-7-2009, công an Quảng bình tiếp tục bắt các giáo dân, đánh linh mục Phao lô Nguyễn Đình Phú, linh mục Phê rô Ngô Thế Bính và 3 giáo dân trọng thương. Mau giáo dân tam Toà đã đổ xuống tại mảnh đất thánh thiêng của cha ông. Nay máu linh mục đã đổ xuống tại Tam Toà.

Sự việc Tam Toà đã khiến dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm, theo dõi. Giáo hội Công giáo, các tôn giáo bạn tại hải ngoại đã hiệp thông cầu nguyện cho cộng đoàn giáo xứ Tam Toà. Trong ngày mừng lễ quan thầy Giáo phận Vinh, giáo phận đã riêng dành đại lễ này cùng hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà sớm thoát khỏi tai ách của bạo quyền.

Không ai có thể lường được sự phấn khích vô biên trong hai ngày 14 và 15-8-2009. Hàng rừng người từ khắp nơi lũ lượt lên đường về với Xã Đoài. Chỉ riêng dọc Quốc lộ 1A và các con đường hướng về Nghi Lộc, Nghệ An, từng đoàn, từng đoàn người nô nức trong niềm vui rạo rực. Rạng rỡ vàng, trắng rợp trời, cờ giáo hội phất phới tung bay. Người bên đường ân hoan chào đón. Băng rôn, biểu ngữ giăng mắc trên khắp các ngõ lối, cột điện, bất cứ nơi nào có thể thấy được, ngang dọc quanh các thân xe…Theo ước tính của những người quan sát, Thánh lễ Quan thầy năm nay của giáo phận Vinh đã tập trung trên 200.000 tín hữu về dự.

Qua các việc trên, đủ biết giáo dân Thái Hà và Tam Toà đã bị nhà cầm quyền trấn áp, ngược đãi như thế nào. Về phương diện tâm linh, thánh đường là nơi trang trọng, tôn nghiêm để thực hiện các nghi thức tôn giáo theo tinh thần mục vụ. Người Ki-tô hữu thường xuyên đến đây hiệp thông thánh lễ, cầu nguyện…Đây là nơi chốn thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với cộng đoàn.

Theo thể chế dân chủ, nhà nước là của dân, do dân, vì dân. Chính quyền bắt buộc phải thực thi quyền con người theo Hiến chương Liên hiệp quốc, luôn bảo đảm tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Trong cơ chế tổ chức xã hội, mọi người đều phải “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Đó là quy định tất yếu. Không kém phần mỉa mai thách đố, các khẩu hiệu nhan nhản phô trương nơi các cơ quan công quyền “Cần kiệm, liêm chính; Chí công vô tư”, “Cán bộ là đầy đầy tớ của nhân dân”, biểu trưng ưu việt đặc thù của nền hành chánh xã hội chủ nghĩa. Một nghịch lý song hành!

Đâu là SỰ THẬT? Không thể mặc nhiên nhân danh công lý, tuỳ tiện thực thi lẽ phải theo kiểu cường hào ác bá: đánh đập, băt bớ, giam cầm. Đó là bạo lực cách mạng hay hành động côn đồ?

“Chính quyền Quảng bình hãy dừng ngay hành động man rợ”.
“Tất cả vì Tam Toà”
“Công lý sẽ đẩy lùi bất công”
“Cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về những người yêu công lý”

Nhà nước cộng sản sẽ tiêu vong nếu vẫn cứ mập mờ đổi trắng thay đen, gông cùm trói buộc xiềng xích tự do. Lịch sử đang chờ xét xử.

“Giáo phận Vinh không chỉ có một Cao Đình Thuyên mà có cả 500.000 Cao Đình Thuyên”.

Niềm xúc động trào dâng theo lời tuyên bố dõng dạc của Đức Cha Phao lô Maria Cao Đình Thuyên. Sự việc Tam Toà chưa thể dừng lại. Nó sẽ đến đâu, đi về đâu, việc đó còn phải chờ. Thời gian và giải pháp tuỳ thuộc vào sự nhìn nhận đâu là công lý, đâu là sự thật của chính quyền Quảng Bình. Chân lý mãi mãi vẫn ngời sáng niềm tin.

Lều Gió, đêm 22-8-2009.