BERLIN, Đức (Zenit.org).- Trong buổi lễ cử hành đánh dấu năm thứ 20 ngày Bức tường Berlin sụp đổ, cựu tổng thống Ba lan, đồng thời là một nhà hoạt động nhân quyền, đã nhắc lại sự đóng góp thiết yếu của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào biến cố này.

Ông Lech Walesa, người đoạt giải Nobel Hòa bình và là đồng sáng lập viên công đoàn Đoàn Kết Ba lan (Solidarnosc), khẳng định điều đó tại Berlin trong buổi lễ mừng ngày thống nhất giữa hai miền Đông và Tây Đức.

Ông tuyên bố rằng tương lai của một châu Âu thống nhất phải được xây dựng trên nền tảng sự thật, không phải trên những điều dối trá. Với lời khẳng định đó, ông nói thêm rằng sự thật lịch sử cho biết nền tự do của Đông Đức thực hiện được không chỉ do nguyên công sức của các chính trị gia mà thôi.

Ông nói: “Sự thật là điều rất quan trọng khi chúng ta nói về dòng chảy của lịch sử.” Ông gợi ý rằng sự sụp đổ của Bức Màn Sắt phần lớn là do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và phong trào lao động Đoàn Kết.

Tuy cuộc lễ mừng kỷ niệm xảy ra vào giữa cơn mưa, người ta thấy những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel và của hàng trăm người khác khi họ đi qua cây cầu Bornholmer Strasse, là một trong những cửa biên giới đầu tiên được mở ra năm 1989. Bà Merkel nói đó là những giây phút hạnh phúc nhất trong đời bà.
Lễ kỷ niệm tại Cổng Brandenburger hôm 9 tháng 11-2009


Cựu Thủ tướng Sô viết Mikhail Gorbachev cũng đi bộ qua biên giới cũ cùng với Walesa tại địa điểm đã từng có 136 người bị bắn chết vì cố tìm đường vượt biên kể từ khi Bức tường Berlin được dựng lên năm 1961.
Địa điểm này 20 năm trước


Trong khi Walesa phát biểu, người ta cho trình chiếu đoạn phim về cuộc thăm viếng Ba lan của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, và hậu quả cuộc viếng thăm đó đối với việc thống nhất châu Âu trong tự do. Cuộc tông du của vị giáo hoàng người Ba lan trở về xứ sở quê hương vào tháng 6 năm 1979 đã tạo ra một ảnh hưởng lớn lao, vì đây là cuộc thăm viếng đầu tiên của một vị giáo hoàng tới một quốc gia Cộng sản.

Ngày 4 tháng 6 năm 1979, Gioan Phaolô II tuyên bố với các đại diện của chế độ Cộng sản: “Thưa các ngài, hãy để cho tôi tiếp tục coi phúc lợi của Ba lan như phúc lợi của riêng tôi, và tiếp tục tham gia sâu đậm vào nơi đây như tôi vẫn còn sinh sống trong quốc gia này và là công dân của đất nước này.”

Nhắc nhớ lại những năm tháng đó và các biến cố tiếp theo sau, Walesa khẳng định: “Châu Âu tối cần những giá trị đã từng làm nẩy sinh cuộc cách mạng này.”

Cũng liên quan đến bản tin nêu trên là lời phát biểu của người phát ngôn Tòa thánh: Đã hai mươi năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, thế mà nhiều người còn chưa hiểu được bài học của biến cố lịch sử này.

Đó là lời tuyên bố của linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh. Trong lần xuất hiện mới nhất trên chương trình Octava Dies của Đài Truyền hình Vatican, Ngài đã phát biểu những suy tư về sự sụp đổ của Bức tường Berlin và vai trò của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã phân tích vai trò của Gioan Phaolô II trong biến cố đã làm thay đổi lịch sử nhân loại xảy ra ngày 9 tháng 11 năm 1989 khi bức tường biểu tượng của Chiến tranh Lạnh sụp đổ:

“Thật là một buổi lễ hội lớn lao đối với dân chúng Berlin. Biết bao nhiêu sững sờ kinh ngạc và vui mừng trong toàn bộ châu Âu và trên thế giới khi được coi đi coi lại những hình ảnh lạ lùng đến độ khó tin đó!”

“Gần suốt 20 năm, bất cứ ai cố vượt qua bức tường ấy để đi tìm tự do, đều đã liều mạng. Có cả hàng chục hàng chục người chết ngay trước cặp mắt hãi hùng của những người chứng kiến khi họ đi ngang qua đó.

“Họ tin rằng ngôi nhà tù vĩ đại, do Bức tường Berlin che chắn -- và với qui mô rộng lớn hơn, do Bức Màn Sắt bảo vệ -- sẽ còn tồn tại nhiều năm.”

“Tuy nhiên, những khát vọng tự do và những yếu kém thực chất của các chế độ xây dựng trên một ý thức hệ thù địch với Thiên Chúa và với con người, đã hoạt động sâu xa trong lòng dân chúng miền Đông, chuẩn bị cho một sự sụp đổ lịch sử mà – thật là một biến cố may mắn và hiếm hoi -- đã không kèm theo nhiều đổ máu.”

Linh mục Lombardi tiếp tục nhắc lại “vai trò trong việc bầu chọn và con người của Gioan Phaolô II, cũng như những cuộc tông du của ngài đến Ba lan, một xứ sở phần lớn vẫn còn trung thành với đức tin Công giáo, và đến những hậu quả của những cuộc tông du này trên các khao khát và ước vọng của dân tộc ngài và của những dân tộc lân cận.”

Người phát ngôn Tòa thánh cho biết rằng khi vị giáo hoàng này đi qua Cổng Brandenburg ở Berlin thì “không những chỉ có nước Đức được thống nhất, mà châu Âu cũng được thở bằng cả hai buồng phổi, buồng phổi của Đông và Tây, và đức tin Kitô giáo chứng tỏ nó đã đóng góp một lần nữa cho sự hiệp nhất và nền văn minh của Châu lục này, thắng thế sự thử thách tàn bạo của chủ nghĩa vô thần quốc gia.”

“Nhắc lại điều này thật hữu ích, khi mà có sự việc khăng khăng muốn làm giảm thiểu đức tin xuống triệt để vào khung cảnh riêng tư”, cha nói tiếp như thế để đề cập đến việc một quyết định mới xảy ra mấy ngày trước của Toà án châu Âu về Nhân quyền cấm đoán việc trưng bầy ảnh tượng thánh giá trong các trường học.

Cha kết luận: Tuy nhiên “thật không may, trên thế giới này có những bức tường khác đã được dựng lên và còn đang dựng lên. Chúng ta sẽ tiếp tục dấn thân hoạt động, hy vọng chung cuộc cũng được mừng sự vô hiệu và cảnh sụp đổ của những bức tường đó.”