THƯƠNG QUÁ BAUXITE ƠI !

Ở một đất nước còn nghèo, lo cho dân, lo cho nước đó chính là mối bận tâm của các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo cố gắng hết sức để phát triển kinh tế cho đất nước để đưa đất nước ra khỏi cảnh đói nghèo. Thế nhưng, trong những cố gắng ấy ta phải nhìn lại cố gắng của ta như thế nào ? Cố gắng ấy có phù hợp với “thiên thời - địa lợi - nhân hoà” hay người ta cứ khư khư giữ theo quan điểm riêng của mình mà không đón nhận sự góp ý của người khác để rồi gây thiệt hại thay vì thu lợi từ những cố gắng của họ.

Vài năm gần đây, phải nói rằng một cố gắng hết sức lớn của các nhà lãnh đạo mà nhiều người biết đến đó là chuyện khai thác quặng bauxite và chế biến alumina ở Tân Rai và Nhân Cơ. Sau khi dự án được đưa ra thì có quá nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của dự án này. Nhiều người tri thức, nhiều người thiện chí, nhiều người có tấm lòng với dân với nước đã nói lên quan điểm, nói lên lập trường của mình về dự án này rằng dự án này sẽ gây tổn thất cho quê hương, cho đất nước hơn là mang lại nguồn lợi. Người ta còn lập cả một trang web, cả những diễn đàn để kêu gọi các nhà lãnh đạo ngưng khai thác bauxite vì khai thác như thế sẽ tác hại cho thế hệ mai sau. Có những người dám chịu thiệt thòi về phần mình để nói lên tiếng nói của lương tâm, của sự thật, của lợi hại về việc khai thác bauxite. Thế nhưng mà, đằng sau những kêu gào, đàng sau những đề nghị, đàng sau những giải trình của những người có thiện chí thì tại Tân Rai và Nhân Cơ đã khởi công xây dựng dự án.

Ở Tân Rai, những ống khói đã mọc lên, công trình đã hoàn thành được khoảng 80% tiến độ. Hồ để chứa nước phục vụ nhà máy và rửa quặng đang được thi công. Điều ngạc nhiên đó là chưa có xưởng rửa quặng và xử lý quặng cũng như những hồ chứa bùn đỏ để xử lý cũng chưa có.

Theo tiến trình của dự án, người ta sẽ chuyển bauxite từ Nhân Cơ, Tân Rai xuống mũi Kê Gà ở Bình Thuận.

Vấn đề lớn nhất của dự án chính là vấn đề vận chuyển. Từ Tân Rai về Kê Gà là con đường hết sức quanh co và nguy hiểm. Nguy hiểm nhất là đoạn đường đèo 20 với nhiều khúc quanh như cùi chõ tay. Con đường 28 từ Tân Rai về Bình Thuận quá nhỏ bé để oằn gánh trên vai mình những chiếc xe container có tải trọng 40 tấn. Có thể đi đường 55 để về Bình Thuận theo mục đích khai thác quặng nhưng con đường này nguy hiểm nhiều hơn con đường 28.

Lại có ý kiến sẽ đi vòng bằng đường 14 từ Buôn Ma Thuột xuống Bình Phước, ngang qua Bình Dương rồi rẽ qua Gò Dầu (Bà Rịa) để về Bình Thuận. Ai cũng biết con đường 14 nó lớn cỡ nào. Muốn sử dụng nó phải tốn thêm một mớ ngân sách khổng lồ để nâng cấp con đường đi qua nó.

Con đường vận chuyển coi như là bế tắt. Lẽ nào khai thác và sản xuất xong alumia lại để yên ở đó vì không thể đem đi đâu được. Hay là chôn lại xuống đất cho xong chuyện.

Vấn đề trên đây là vấn đề kỹ thuật còn vấn đề kinh tế thì sao ? Nếu vận chuyển như thế thì giá thành sẽ đội lên rất cao. Khi xuất khẩu, alumina chỉ là nguyên liệu sơ chế chứ không phải là sản phẩm tinh chế. Giá của alumina chỉ bằng 12% giá thành của nhôm. Ngoài Trung Quốc thì không có ai đặt hàng bauxite của ta cả.

Một xóm nhỏ của những người dân tộc anh em K’ Hor “được” giải toả để làm dự án khai thác bauxite hiện nay được “gửi” về một khu tái định cư. Nhìn xóm nghèo tái định cư mà không khỏi chạnh lòng thương vì nhìn nó như một cái ống được lợp vài tấm tôn mỏng.

Người dân tộc thiểu số vốn dĩ đã nghèo nay lại nghèo hơn vì không còn cơ may để nuôi con gà con lợn nữa. Không còn cách nào khác là đi làm thuê cho người Kinh để đắp đổi qua ngày. Phần con cái của họ thì cũng đang rơi vào ngõ cụt vì điều kiện học hành trước đây đã lây lất nay còn phải lất lây hơn. Với điều kiện sống như vậy, nay mai thì chẳng còn dân tộc và cũng chẳng còn văn hoá với những người kém may mắn như vậy.

Vấn đề lớn hơn cả đó chính là môi trường.

Chúng ta quá biết rằng rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã bị phá hết trong mấy chục năm nay. Một trong những chức năng của rừng là giữ nước, khi mưa nó không đổ ào xuống hạ nguồn mà chảy từ từ xuống đồng bằng, thiên nhiên đã tạo ra rừng tuyệt vời như vậy.

Vấn đề lớn nhất ở Tây Nguyên hiện nay sau vấn đề rừng là vấn đề nước. Làm bauxite, phá nát bề mặt, sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước Tây Nguyên.

Từ kỹ thuật tới kinh tế, môi trường, xã hội... nhiều vấn đề đã được đặt ra với dự án khai thác bauxite nhưng dường như đã “được” xếp lại và người ta vẫn “nhiệt tâm” khai thác.

Nhìn đến hình ảnh của chiếc xe tuột dốc bị mất thắng. Nên chăng hy sinh chiếc xe ấy cho nó “yên hàn” bên vách núi hay là cứ để cho nó lao vun vút xuống cả một đoàn xe đang bò lên dốc. Khi xe lao vun vút thì thiệt hại như thế nào thì mọi người đã rõ.

Trong cuộc sống, chẳng ai là hoàn thiện. Có những quyết định sai lầm nhưng không vì sĩ diện, vì danh dự của ta mà ta cứ tiếp tục lún sâu trong những quyết định sai lầm và tai hại ấy.

Nhìn hình ảnh của công trường Tân Rai và Nhân Cơ đang ráo riết cho hoạt động khai thác, thật sự ra mà nói nó không dính dáng gì đến mình cả nhưng mà nó cứ làm sao sao đó trong lòng. Thế hệ tương lai, thế hệ con cháu sẽ sống như thế nào với những dự án “lợi bất cập hại” như thế này.

Thương quá bauxite ơi !