Đức Tổng Giám Mục Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN Cử hành Năm Thánh 2010 với 37 Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp

Paris 03 và 04 tháng 07 năm 2010. Trong hai ngày liên tục, Đức Tổng Giám Mục Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN đã, đáp lời mời của Tuyên Úy Đoàn của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, đến Paris tham dự và cử hành Năm Thánh 2010 với 37 CĐCGVN tại Pháp.

Ngày 03/07/2010, Ngài đã tham dự Giờ Hội Ngộ, chào mừng và tiếp đón 37 cộng đoàn về tham dự Đại Hội Năm Thánh 2010, chia sẻ Lời Chúa và chủ tế thánh lễ với sự đồng tế của khoảng 60 linh mục tuyên úy và sinh viên việt nam.

Đáp lời chào mừng của Linh Mục Tổng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang, Đức Tổng Giám Mục Phêrô đã chia sẻ ba tâm tình:

« Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp muốn hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam cũng muốn hiệp thông với Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại, trong đó có Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp ».

« Xin các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp sống và bày tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội Việt Nam với Giáo Hội Pháp đã góp công lớn mang Tin Mừng đến Việt Nam, nuôi dưỡng nó và làm nó phát triển ».

« Giáo Hội Việt Nam cầu mong cho các sinh hoạt của anh chị em trong các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp được hiệp thông trong hai chiều: hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam, và hiệp thông với Giáo Hội Địa Phương ».

Đại Hội « Sống hiệp thông Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Mẹ Việt Nam » mà Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp tổ chức trong hai ngày 03 và 04/07/2010 sẻ có hai thánh lễ và đó là trọng tâm của Đại Hội. Ngày 03/07/2010 thánh lễ đặc biệt Dâng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Sau phần Lời Chúa với Bài đọc I, trích sách Macabê (2 Mcb 7,1.20-23.27b-29), Bài đọc 2, trích Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma (Rm 8, 31b-39), và Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 17, 11b-19), Đức Tổng Giám Mục Phêrô đã chia sẻ Lời Chúa với bài nguyên văn như sau:

CHIA SẺ LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

PARIS, ngày 03/07/2010

Anh chị em thân mến,

Niềm vui của chúng ta trong mỗi thánh lễ không gì khác hơn là niềm vui được “Chúa ở cùng anh chị em”. “Chúa ở cùng anh chị em”, Chúa ở cùng tất cả chúng ta.

Nhưng trong thánh lễ đặc biệt hôm nay, niềm vui đó lại được tăng lên gấp bội vì là niềm vui hội ngộ của những người con cùng một Mẹ theo nghĩa huyết thống và cùng một cha theo nghĩa đức tin.

Hơn nữa, trong bầu khí cử hành Năm Thánh của cả Giáo Hội Việt Nam, kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo Phận Tông Tòa đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, là thành quả của bao nhiêu hy sinh công khó của các vị thừa sai, cách riêng các vị thừa sai xuất phát từ phần đất này, và đánh dấu 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm, nghĩa là đánh dấu sự trưởng thành của một Giáo Hội lớn lên từ trong gian lao, đau khổ, niềm vui của chúng ta lại được tăng bội, bởi đó là niềm vui của hạt lúa chết đi nay mang nhiều bông hạt, niềm vui của những kẻ ra đi trong đau khổ nay trở về trong hân hoan.

Vì thế, anh chị em rất thân mến, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn, tôi mời gọi anh chị em cùng với tôi dành một vài phút suy gẫm những gì mà Lời Chúa hôm nay muốn ngỏ với tất cả chúng ta.

1. Trước hết, sách Macabê nhắc cho chúng ta nhớ lại những trang sử bi thảm nhưng rất hào hung của lịch sử thánh. Thật vậy, câu chuyện người mẹ can đảm chứng kiến cái chết của con mình khiến chúng ta không khỏi nhớ đến bao nhiêu kitô hữu bị hành hình, bị thú dữ xé xác nơi hý trường, thời Giáo Hội Sơ Khai, cũng như nhớ đến hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam phải chết cách thảm khốc, từ bá đao, lăng trì cho đến tật bệnh trong chốn rừng sâu nước thẳm, tất cả cũng chỉ vì yêu mến Đức Kytô, chỉ vì muốn giữ lấy đức tin của mình.

2. Như lửa thử vàng, đức tin cũng phải trải qua đau khổ, thử thách mới được tôi luyện, mới nên vững vàng và sinh hoa kết trái. Những trang sử các Thánh Tử Đạo quả thực làm nổi bật tính chất quyết định và quyết liệt của lòng tin: tin không chỉ đơn giản là một tâm tình, một ý nghĩa hay một lựa chọn nào đó bên lề cuộc sống nhưng là một lựa chọn căn bản liên hệ đến toàn diện đời sống cũng như ý nghĩa của cuộc sống. Và cũng chính qua những biến cố tăm tối nhất, thậm chí tuyệt vọng nhất mà lòng tin có thể chiếu tỏa trong tất cả ánh sáng rực rỡ của nó, thứ ánh sáng mạnh hơn sự chết.

3. Tất nhiên không ai trong chúng ta lại muốn mình phải trải qua những thử thách đau thương như thế. Tất cả chúng ta đều mong muốn một đời sống thuận lợi dễ dàng, một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó không còn ai bị chà đạp, bị đàn áp hay bắt bớ chỉ vì muốn sống theo niềm tin của mình. Nhưng đàng khác, chúng ta cũng ý thức rằng, niềm tin bị đe dọa không những do bạo lực bên ngoài mà còn do những áp lực, những cám dỗ nguy hại từ trong chính cuộc sống của chúng ta. Ngôi nhà thờ ít người lui tới vì thiếu vắng những kẻ tin thì cũng đáng buồn như ngôi nhà thờ không ai được đến vì bị kẻ khác cấm đoán. Vì thế, vấn đề không chỉ dừng lại ở hoàn cảnh bên ngoài mà còn là và nhất là sự trưởng thành, vững mạnh của niềm tin bên trong.

4. Anh chị em thân mến, sở dĩ phải nói như thế là vì, việc mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam không chỉ hướng về quá khứ mà còn là một lời kêu gọi đối với hiện tại và tương lai, bởi lẽ việc thành lập Hàng Giáo Phẩm ở một đất nước trước hết là đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội, của cộng đồng tín hữu tại đất nước đó. Mà khi nói đến sự trưởng thành là nói tới khả năng tự lập, khả năng phát triển và sâu xa hơn nói đến sự vững vàng, chín mùi trong suy nghĩ, trong cách nhìn, cách sống đức tin của mình. Chính vì thế, vấn đề chính yếu đối với Giáo Hội Việt Nam cũng như của mọi tín hữu Việt Nam trong hiện tại trước hết phải là sự trưởng thành trong đời sống đức tin của mình. Làm sao cho đức tin vào Thiên Chúa, cho lòng yêu mến đối với nhau và cho niềm hy vọng vào tương lai của Giáo Hội cũng như Xã Hội được luôn mạnh mẽ, sống động trong mọi hoàn cảnh, dù thuận lợi hay không thuận lợi. Việc chọn chủ đề « Mầu Nhiệm, Hiệp Thông, Truyền Giáo » làm đề tài suy nghĩ và sống Năm Thánh, nói cho cùng, cũng là để nhắm đến sự trưởng thành của Giáo Hội và của mọi tín hữu Việt Nam theo ba chiều kích căn bản đó. Như lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha nhân dịp khai mạc Năm Thánh: « Chúng ta nên quyết tâm đào sâu và phong phú hóa sự hiệp thông trong Giáo Hội và xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng bằng con đường đối thoại chính thức, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cách lành mạnh với nhau ».

5. Vậy đâu là nguồn sức mạnh để tất cả chúng ta, những kẻ tin vào Đức Kytô, có thể đứng vững và tiến bước trong mọi hoàn cảnh. Lời Chúa trong Tin Mừng theo Thánh Gioan cũng như trong thư Thánh Phaolô hôm nay cho chúng ta câu trả lời hết sức rõ ràng và đơn giản: đó là tình yêu của chính Đức Kitô và cũng là của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thật vậy, Tin Mừng thánh Gioan cho thấy Đức Kitô đã cầu nguyện tha thiết như thế nào cho các môn đệ của Ngài còn ở trong thế gian, còn thánh Phaolô lại cho thấy tấm lòng của chính Thiên Chúa, trong Đức Kitô: « Thưa anh em, nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta thì còn ai chống lại chúng ta ? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta ».

6. Trong văn thư của Tòa Ân Giải Tối Cao, nhân dịp cử hành Năm Thánh 2010, có xác định: « Các tín hữu việt nam ở hải ngoại cũng sẽ được hưởng ơn Toàn Xá trong các ngày và tại các nơi thánh được xác định đúng phép, với sự đồng ý của Đấng Bản Quyền Giáo Phận ». Để hưởng ứng lời kêu gọi này, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã đưa ra một chương trình « Học hỏi về Năm Thánh 2010 » trong đó đã dành ba buổi để học hỏi về sự hình thành, phát triển và trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam và ba buổi học hỏi về nguồn gốc Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, để nhận ra « dấu chỉ thời đại, hướng đến tương lai cho Cộng Đoàn CGVN tại Pháp ».

Đặc biệt, hôm nay, sẽ thuyết trình về đề tài liên hệ tới giới trung niên và giới trẻ, như thế, rất là phù hợp với lời mời gọi của Đức Thánh Cha đối với Giáo Hội Việt Nam khi Ngài nói đến vai trò của gia đình mà ngài gọi đó (là) « trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, là trường dậy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa ». Cùng lúc ấy, anh chị em ở Paris cũng hòa nhịp cùng Giáo Hội địa phương sống chương trình « Giáo Xứ trong sứ mệnh truyền giáo » với chủ đề cho năm tới là « Gia đình và người trẻ của Giáo Xứ trong sứ mạng truyền giáo.

7. Anh chị em rất thân mến, sở dĩ cha ông chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa đến mức không tiếc mạng sống mình có lẽ cũng vì các ngài đã khám phá ra rằng, chính Thiên Chúa đã không tiếc gì với chúng ta, đến nỗi đã ban Người Con Một, để tất cả những ai tin vào Ngưởi Con Một đó sẽ được sống và được sống dồi dào. Nói khác đi, cuộc sống và cái chết của các ngài nói lên rằng, các ngài đã khám phá ra kho tàng lớn lao, không những đủ cho các ngài mà còn đủ cho con cháu, cho các thế hệ mai sau, như lời của Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng nói với con mình trước khi chết: « Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật cha trao lại: đây là hình ảnh Đức Kitô, Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần ».

Anh chị em thân mến, đến với anh chị em, tôi cũng không có gì khác để chia sẻ với anh chị em, ngoài kỷ vật mà cha ông chúng ta để lại. Ước gì niềm vui gặp gỡ của chúng ta hôm nay không chỉ dừng lại ở bên ngoài mà còn là niềm vui sâu xa bên trong, niềm vui của những người con gặp được kho tàng lớn lao và cũng là kỷ vật quí giá của cha ông mình: kỷ vật đó là chính niềm tin vào Đức Kitô, Chúa chúng ta. Amen.


Thánh lễ kết thúc. Ca đoàn xướng bài ca:

« Chúng con xin ngợi khen Cha !

Chúng con xin tạ ơn Người !

Bây giờ và mãi mãi. Alleluia!

Hơn ngàn con tim, dập theo nhịp vui mừng, tạ ơn, ngợi khen, sám hối và biết ơn tiền nhân.

Cha Tổng Đại Diện mời Đức Tổng Giám Mục, các linh mục và toàn thể anh chị em giáo dân lên phòng cơm hoặc sân thượng dùng cơm trưa, đã được ban tổ chức chuẩn bi sẵn.

Paris, ngày 03 tháng 07 năm 2010