Ngày 11-9-2001 đã mở ra một chương sử mới không những cho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới. Người ta có thể có nhiều tâm trạng khác nhau trước biến cố bi thương này. Cá nhân tôi mỗi dịp 11 tháng 9 thường nhớ về lời cầu nguyện của cha Mychal Judge, dòng Phan-xi-cô, nạn nhân đầu tiên được chính thức thừa nhận trong ngày 11-9-2001.

Lời cầu nguyện của mọi Ki-tô hữu đều hướng về Chúa Giê-su và lấy lời cầu nguyện của Ngài làm gương mẫu. Cuộc đời của Ngài không dài lắm. Con Một Thiên Chúa vô thủy vô chung mất công mang kiếp phàm nhân làm gì nếu không phải vì một sứ mạng vô cùng to tát: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức (Lc 4:18).

Ấy thế mà trong 30 năm đầu tiên trong 33 năm vắn vỏi cuộc đời, Đức Giê-su chỉ sống âm thầm lặng lẽ tại làng Na-da-rét. Dựa vào lời Ngài thưa cùng cha mẹ vào năm lên 12 tuổi: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” chúng ta tin rằng chính Ngài muốn sống như thế để có thể chuyên tâm cầu nguyện với Chúa Cha. Ngay trong 3 năm ngắn ngủi loan báo Tin Mừng, làm nhiều phép lạ, lúc nào cũng bị người ta chen lấn săn đuổi căng thẳng, Ngài luôn tìm cách tách khỏi đám đông để đến một chỗ thanh vắng mà cầu nguyện. Đối với Ngài cầu nguyện là một hoạt động tối yếu. Lời cuối cùng Đức Giê-su thốt lên trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá cũng là một lời cầu nguyện. Phúc Âm ghi lại trên 60 lần Ngài cầu nguyện hay dạy người ta cầu nguyện. Tin Mừng Gio-an dành hẳn chương 17 ghi lại lời cầu nguyện rất thống thiết của Đức Giê-su trước khi chịu khổ nạn. Cầu nguyện làm cho Đức Giê-su hằng ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài (x. Gn 14,11). Chúa Cha chính là toàn bộ sức mạnh và là chỗ dựa cuối cùng của Ngài. Này đến giờ - và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy (Gn 16,32). Cầu nguyện làm cho Ngài, tuy bản thân chính là Con Một Thiên Chúa, mới có khả năng nói lên mọi lời và thực hiện mọi việc theo đúng thánh ý của Chúa Cha. Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy (Gn 8,28). Tất cả mọi việc Đức Giê-su làm đều chỉ vì Chúa Cha. Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình. Có Đấng tìm vinh quang cho tôi và xét xử cho tôi (Gn 8,50). Đặc biệt nhất, tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con cũng trở thành tình yêu của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (Gn 15,9). Đây chính là cốt lõi của lòng mến Ki-tô giáo.

Mọi Ki-tô hữu dù sống trong đấng bậc nào, có khuynh hướng gì đi nữa cũng phải đặt cầu nguyện làm trọng tâm của cuộc đời mình. Không cầu nguyện cho đủ thì không ai có thể lưu lại trong khối tình giữa Cha và Con được mở rộng ra giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Mọi việc ta làm dù cho bề ngoài có nhuốm mầu đạo đức và thành công lẫy lừng cách mấy đi chăng nữa mà không có nền tảng cầu nguyện thì không thể chứa đựng nội dung lòng mến Ki-tô: Chúa Cha - Chúa Con – con người. Như thế cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng (x 1Cr 13,1).

Cha Mychal Judge chỉ là một trong số 2995 người tử nạn được thống kê của ngày 11-9-2001. Người ta nhớ về cha một cách ray rứt và sâu đậm nhất không hẳn vì cha là nạn nhân đầu tiên và nổi tiếng nhất được chính thức ghi nhận của ngày 11-9, không hẳn vì cha là linh mục tuyên úy của đội cứu hỏa New York, không hẳn vì tấm hình bi thương nhất, được đăng tải nhiều nhất của ngày 11-9 khi các đồng đội mắt thẫm nước mắt khiêng xác cha đi giữa đám bụi mịt mù. Nhưng những con người Hoa Kỳ rất thế tục và thực dụng của thế kỉ 21 lại ray rứt nhớ nhiều nhất về cha vì một lời cầu nguyện.

Mychal sinh năm 1933 trong một gia đình mới từ Ireland đến định cư tại New York. Tuổi thơ của cậu trôi qua trong nghèo khổ và giữa những người nghèo khổ. Từ tấm bé cậu đã tỏ ra có lòng thương cảm đặc biệt với người nghèo. Cậu thường cho những người ăn mày bên vệ đường tất cả những đồng xu ít ỏi của mình. Năm lên sáu tuổi Mychal phải chứng kiến cảnh thân phụ vật vã qua đời vì một căn bệnh lâu dài và đau đớn khủng khiếp. Thiếu mất cột trụ trong gia đình, Mychal phải đi đánh giầy kiếm sống tại nhà ga Penn gần với nhà dòng Phan-xi-cô. Cậu ngưỡng mộ các tu sĩ và ước ao trở thành một Phan-sinh. Năm 15 tuổi cậu gia nhập dòng, và năm 28 tuổi thụ phong linh mục.

Năm 1992 cha Mychal làm tuyên úy cho Sở cứu hỏa New York. Cha thường làm việc 16 tiếng mỗi ngày để linh hướng cho lính cứu hỏa và gia đình của họ. Ngoài ra cha còn phục vụ những người vô gia cư, thiếu ăn, nghiện rượu, bệnh nhân, những người nhiễm AIDS, dân nhập cư, đồng tính. Có lần cha cởi ngay cái áo lạnh đang mặc để tặng cho một phụ nữ không nhà. Cha nói: “Chị ấy cần đến cái áo này hơn tôi.” Một thanh niên sắp chết vì AIDS hỏi cha: “Chúa có ghét con không?” Để trả lời, cha bồng anh lên, hôn anh và nhẹ nhàng ru anh trên tay cha.

Lúc sinh thời nhiều người vẫn coi cha Mychal như một vị thánh vì những việc bác ái phi thường và chiều sâu tâm linh của cha. Mỗi khi nguyện ngắm cha Mychal thường chìm vào trong một trạng thái xuất thần lâu giờ. Sau đó cha rất kinh ngạc vì thời gian mấy tiếng đồng hồ đã trôi qua nhanh như thế. Cha John McNeill, linh hướng của cha Mychal nói rằng cha Mychal là một người luôn kết hợp sâu xa với Chúa.

Khi nghe tin World Trade Center bị một chiếc máy bay đâm vào cha Mychal đã chạy đến ngay hiện trường. Tại đó ông Rudolph Giuliani, thị trưởng New York, gặp cha trước tòa nhà đang cháy. Ông xin cha cầu nguyện cho thành phố và các nạn nhân. Cha ban phép xức dầu cho vài người đang hấp hối trên đường phố rồi đi vào tiền sảnh của Tòa Tháp Bắc khi đó chưa bị tấn công bởi chiếc máy bay thứ 2 và được dùng làm bộ chỉ huy của toán cấp cứu. Vào lúc đó nhiều linh mục khác cũng có mặt trước Tòa Tháp Đôi nhưng cha Mychal là linh mục duy nhất đi vào bên trong. Lúc 9:59 sáng Tòa Tháp Nam bị sụp đổ khiến những mảnh vụn bay tràn vào Tòa Tháp Bắc giết chết nhiều người trong số đó có cha Mychal, người ta còn nghe tiếng cha cầu nguyện lớn tiếng: Lạy Chúa xin chấm dứt thảm trạng này!

Nhiều người tin rằng nhờ lời cầu nguyện của cha Mychal mà thiệt hại về mọi mặt nhất là về nhân mạng trong ngày 11-09-2001 đã không quá lớn như đáng lẽ nó phải có. Lúc ban đầu người ta đã ước tính phải trên 5000 người thiệt mạng trong Tòa Tháp Đôi. Đây cũng là lời cầu nguyện được chính thức ghi nhận trong ngày 11-09-2001.

Lính cứu hỏa tìm thấy xác cha Mychal và mang ra ngoài. Phóng viên Shannon Stapleton chụp được tấm hình nổi tiếng nhất của ngày 11-9 này. Tuần báo Philadelphia gọi đó là American Pietà (Bức tượng Than Khóc của Hoa Kỳ), có thể so sánh với La Pietà của Michelangelo.

Cha Mychal không phải là người đầu tiên thiệt mạng trong ngày 11-9 nhưng cha là nạn nhân đầu tiên được chính thức nhận dạng bởi đồng đội trong sở cứu hỏa. Thi hài của cha được gắn mã số Victim 0001.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ở trong số 3000 người đến dự thánh lễ an táng cha Mychal do ĐHY Edward Egan chủ tế.

Một số Giáo hội Ki-tô như Giáo hội Chính Thống Hoa Kỳ đã phong thánh cho cha. Nhiều người coi đây là một vị thánh hiển nhiên (de facto) như trong giai đoạn Giáo hội tiên khởi, nhiều vị tử đạo được mặc nhiên thừa nhận là thánh khi vừa chết. Chiếc mũ cứu hỏa của cha Mychal được ĐGH Gio-an Phao-lô II đón nhận. Nước Pháp trao tặng cha Legion d’honneur. Quốc hội Mỹ trao tặng cha Presidential Medal of Freedom. Thành phố New York đặt lại tên một phần con đường West 31 thành Father Mychal F. Judge Street.

Năm 2006 đạo diễn Glenn Holsten hoàn thành một cuốn phim về cha Mychal có tựa là Vị Thánh Của Ngày 11 tháng 9. Hàng năm cứ vào ngày 11-9 có một đám rước tưởng nhớ cha Mychal, bắt đầu bằng một thánh lễ tại nhà thờ Phan-xi-cô trên đường West 31, sau đó mọi người vừa cầu nguyện vừa đi bộ đến Ground Zero (nơi đã từng có Tòa Tháp Đôi). Họ muốn sống lại ngày cuối cùng của đời cha Mychal, bắt đầu bằng việc cha dâng một thánh lễ trong đó máu của Chúa Giê-su đổ ra để cứu chuộc nhân loại và kết thúc việc chính cha Mychal đổ máu ra vì anh chị em mình.

Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì cha Mychal chỉ là một anh hùng dân tộc trần gian mà quốc gia Hoa Kỳ đã tôn vinh. Cái gì làm cho Ki-tô hữu tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà lại thuộc về Chúa Cha? Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha (Ga 17,9). Chỉ có lưu lại trong tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con được Đức Giê-su mở rộng ra cho con người thì người tin mới có thể thuộc về Chúa Cha. Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15,9). Câu này trong bản dịch tiếng Anh rất vắn gọn mà ý nghĩa rất mạnh mẽ: As the Father loves me, so I also love you. Remain in my love. Nếu trong cuộc đời trần gian Đức Giê-su đã phải miệt mài cầu nguyện để có thể lưu lại trong tình yêu với Chúa Cha thì người tin không có cách nào khác để sống cái lòng mến Ki-tô cốt lõi này ngoại trừ cầu nguyện. Cha Mychal đã cầu nguyện như thế nào?

Sau khi cha Mychal qua đời tỉnh dòng Holy Name, dòng Phan-xi-cô phổ biến một lời cầu nguyện cá nhân của cha.

Lord, take me where You want me to go,
let me meet who You want me to meet,
tell me what You want me to say,
and keep me out of Your way.


Xin tạm dịch:
Lạy Chúa, xin mang con đến nơi Chúa muốn con đến,
cho con gặp gỡ những người Chúa muốn con gặp gỡ
nói cho con biết những điều Chúa muốn con nói,
và sau đó gạt con qua một bên để con đừng cản đường của Chúa.


Chắc chắn cha Mychal không phải là một con người toàn bích. Đến như Thánh Phao-lô vẫn còn bị một cái dằm đâm vào nơi thân xác ngài (x. 2 Cr 12,7). Cha Mychal là một người nghiện rượu trong nhiều năm nhưng về sau cha đã cai nghiện được nên người ta thấy cha có một lòng thương cảm rất đặc biệt với những người nát rượu. Sau khi cha qua đời những người đồng tính mà cha luôn nhiệt thành phục vụ rao rêu rằng cha Mychal cũng là một người đồng tính và cha phải trở thành vị thánh đồng tính đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Luật sư Dennis Lynch cực lực bác bỏ điều này, ông cho rằng họ muốn lợi dụng tiếng tăm của cha để chống đối Giáo hội. Không một ai quen biết cha dám phủ nhận rằng cha đã sống đức khiết tịnh hoàn hảo trong suốt cuộc đời. Nhưng cha đã nên thiết thân với những người nát rượu, bệnh nhân, vô gia cư, đồng tính mà cha đã yêu thương phục vụ. Họ luôn cho rằng cha hoàn toàn giống họ. Cha đã sống tuyệt vời gương mẫu của Thánh Phao-lô: Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người (1 Cr 9,22)

Chỉ có một lời cầu nguyện toàn bích mà thôi. Đó là lời cầu nguyện của Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa Làm Người. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời. (Dt 5,7)

Nhưng lời cầu nguyện rất cá nhân của một số người, vì mỗi người đều có một nhân vị độc đáo và cuộc đời đặc thù, lạ lùng thay đã trở thành lời cầu nguyện chung của Giáo hội mà Giáo hội chính là nhiệm thể của Đức Giê-su nên những lời cầu nguyện này cũng chính là lời cầu nguyện của Đức Giê-su trong thân phận phàm nhân để dâng lên cho Chúa Cha.

Lời kinh Magnificat của Đức Maria (Lc 1,46-55): Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả không những nói lên cảm nghiệm của Mẹ Maria với những gì Chúa đã làm nên nơi Mẹ mà còn là cảm nghiệm của Giáo hội trước những gì Chúa đã làm nơi Giáo hội nói chung và cuộc đời từng người tin nói riêng.

Lời cầu xin thống thiết của viên đại đội trưởng với Đức Giê-su: Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh (Mt 8,8) được Giáo hội hằng lập lại trong các thánh lễ để chuẩn bị cho tín hữu trước khi đón nhận Thánh thể.

Ngoài ra còn có vô số lời cầu nguyện khác mà từng người tin có thể tìm thấy chính tâm trạng và cảm nghiệm của mình ở nơi đó.

Lời Kinh hòa bình của thánh Phan-xi-cô cách đây 800 năm thường được các Ki-tô hữu lập lại nhất là trong những lúc bị bách hại.

Lời cầu nguyện cá nhân của thánh Gio-an Bosco: Da mihi animas. Xin cho tôi các linh hồn, còn mọi các khác xin cứ cất đi. Đã trở thành châm ngôn sống của con cái Don Bosco.

Lời cầu nguyện của Đức Cố HY Nguyễn Văn Thuận khi ngồi trong xe bít bùng trên đường đến nơi quản chế sau khi bị bắt ngày 15-8-1975: Xin cho con tìm Chúa chứ đừng tìm việc của Chúa được nhiều người dùng làm lời cầu nguyện cho chính mình nhất là những khi có vẻ như trở nên vô dụng, không còn làm được việc gì nữa. Xét cho cùng chỉ có Chúa mới là cùng đích tối thượng cho mỗi người mà thôi còn việc của Chúa, ta không làm thì người khác sẽ làm, có khi làm còn tốt hơn ta gấp bội. Mà nhiều khi Chúa chẳng cần ai làm việc của Chúa cả. Mặt trời mọc và lặn đâu có cần đến ai cộng tác.

Chúng ta chưa được biết đâu là lời cầu nguyện riêng tư của ĐTGM Ngô Quang Kiệt. Trước việc ngài đã chọn về sống thầm lặng tại đan viện Châu Sơn, Ninh Bình từ ngày 7-8-2010 chúng ta vững tin rằng cuộc sống cầu nguyện của ngài tại đó sẽ còn trổ sinh hoa trái dồi dào cho Giáo hội Việt Nam hơn. Thế gian không thể ngờ rằng thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su trong thâm cung đan viện Lisieux đã chứng nghiệm công thức: Cầu nguyện = tông đồ + tiến sĩ + tử đạo.

Lời cầu nguyện cá nhân của Cha Mychal nói lên rằng cha đã hằng cầu nguyện để mọi người cha gặp gỡ, mọi việc cha làm, ngay đến cả một lời cha nói ra, chỉ có một mục đích duy nhất là làm theo thánh ý Chúa. Đó là bí quyết cuộc đời cha. Đi xa hơn, cha còn cầu xin bị gạt qua một bên để khỏi làm cản đường của Chúa. Một cách nào đó khi về trời Đức Giê-su cũng đã chấp nhận đứng sang một bên để nhường chỗ cho Thần Khí hoạt động. Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. (Ga 16,7) Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4,24).

Chúa Cha đã chấp nhận lời cầu nguyện của Chúa Giê-su khi để cho Người chết treo trên thập giá. Lời cầu xin của Cha Mychal cũng đã được nhận lời. Chúa đã gạt cha qua một bên vào ngày 11-9-2001. Nhưng lời cầu nguyện của cha lại tỏa sáng trước thế gian. Nhiều tín hữu kẹp lời cầu nguyện đó vào sách nguyện của mình. Nhiều dòng tu treo nó lên trên tường. Nhiều giáo sỹ đưa nó vào trong các bài giảng. Tổng thống George Bush trong một dịp long trọng, 55th National Prayer Breakfast, vào ngày 1-2-2007 đã trân trọng đề cập đến lời cầu nguyện này (xin tạm dịch) Lời cầu nguyện khiêm tốn của cha Mychal nhắc nhở chúng ta về một chân lý vĩnh cửu: Trong thinh lặng cầu nguyện chúng ta bỏ lại phía sau những chăm lo của chúng ta cho chính mình mà đón nhận sự chăm lo của Đấng Toàn Năng cho chúng ta. Khi đáp trả lại lời mời gọi của Ngài đi phục vụ, chúng ta cảm nghiệm lời tiên tri Isaiah: Chúng ta nhận được sức mạnh mới. Chúng ta chạy mà không mỏi mệt. Chúng ta bước đi mà không kiệt sức. (*)

Đó là một lời cầu nguyện cho ngày 11-9-2001 của cha Mychal cho chính mình, cho toàn thế giới đang chất chứa đầy tranh chấp hận thù, và có thể còn cho mỗi người trong chúng ta.

(*) Father Mychal's humble prayer reminds us of an eternal truth: In the quiet of prayer, we leave behind our own cares and we take up the cares of the Almighty. And in answering His call to service we find that, in the words of Isaiah, "We will gain new strength. We will run and not get tired. We will walk and not become weary."
http://georgewbush-whitehouse.archives.gov/news/releases/2007/02/20070201.html

Câu Isaiah 40,31 theo bản dịch Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
Nhưng những người cậy trông Đức Chúa
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân.