ROME (Zenit.org).- Khi căn tính Công giáo của giáo dân yếu đi và trình độ huấn luyện sa sút, thì tình trạng đọc sách báo Công giáo cũng yếu đi và sút giảm.

Đó là lời của Gregory Erlandson, chủ tịch nhà xuất bản Our Sunday Visitor, phát biểu tại Hội nghị Báo chí Công giáo do Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội tổ chức tại Rome tuần này. Hội nghị kéo dài 4 ngày, sẽ kết thúc vào ngày thứ Năm với cuộc triều yết Đức giáo hoàng Benedict XVI.

Khoảng 230 nhà truyền thông đại diện cho 85 quốc gia tham dự hội nghị này, gồm các vị giám đốc hoặc đại diện báo in hay báo Công giáo trên mạng, các giám mục, linh mục thành viên các ủy ban hay tổ chức giáo hội phụ trách truyền thông, các giáo sư đại học.

Trong bài diễn từ, Erlandson, người đã hoạt động trong ngành báo chí Công giáo suốt 30 năm, mô tả những khó khăn báo chí Công giáo ở Hoa kỳ gặp phải, tuy vẫn còn “quả thực cần yếu.”

Ông cho biết tại Hoa kỳ nay có khoảng 300 cơ sở in ấn Công giáo, trong đó có 4 tuần san lớn. Ngoài ra còn có báo của các giáo phận, hơn 100 tạp chí và bản tin, các báo chí phát hành bằng tiếng Spanish hoặc các ngôn ngữ khác, một hệ thống truyền hình lớn là EWTN, 160 đài phát thanh Công giáo và hàng chục nhà xuất bản sách Công giáo.

“Nhưng nhìn bề ngoài đó, ta có thể nhầm. Hầu hết các cơ quan phát hành Công giáo đang bị áp lực lớn về tài chánh, và những báo chí không do giáo phận sở hữu thường trên đà đi xuống.”

Greg Erlandson
Ông chỉ ra một số thách đố ông nghĩ là đặc biệt đối với báo chí Công giáo: “1- kém dần hiểu biết về đức tin, 2- càng ngày càng không tín nhiệm các cơ chế, 3- giảm sút căn tính Công giáo.”

Yếu tố thứ nhất ảnh hưởng đến thế hệ trẻ: “Chúng ta nay có hai thế hệ người Công giáo, cả hai đều kém học hỏi giáo lý cho đức tin của mình, và thường không “hiểu ngữ vựng Công giáo hoặc các khái niệm Công giáo.”

Về vấn đề bất tín nhiệm các cơ chế, Erlandson nói khuynh hướng này đặc biệt phổ biến ở Hoa kỳ và đó là một “thúc đẩy vượt quá căn tính tôn giáo” và được “truyền thông thế tục chia sẻ.”

Căn tính

Hai yếu tố đầu dẫn đến yếu tố thứ ba: “Căn tính Công giáo của giáo hữu nay đang bị xói mòn.”

Ông giải thích: “Thiếu hiểu biết đức tin lại dẫn đến thiếu khả năng phân biệt đâu thực là điều cốt yếu về đức tin. Điều này cũng có nghĩa là ít thúc đẩy đi tìm sách báo có căn tính Công giáo.”

Về mặt tích cực, ông tường trình rằng hiện diện của Công giáo trên Internet khá lớn và vươn tới được một lớp khán giả lớn lao, và ông nói thêm: “Điều rất quan trọng là thông tin người ta nhận được có phẩm chất tốt, nhưng phương tiện giám sát mà Giáo hội hành xử trên truyền thông truyền thống không thực hiện tốt đối với truyền thông mới. Không có tính khả tín về biên tập và cơ chế, nguy cơ sẽ có những tiếng nói nhiều như thời tháp Babel tự nhận mình là Công giáo.”

Ông cũng đưa ra nhận xét là cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục gần đây trong Giáo hội đã đưa Giáo hội tới chỗ thay đổi cách thức truyền thông: “Các nhà lãnh đạo Giáo hội càng ngày càng nhận thức rằng hầu hết con chiên đã lấy tin tức về chính Giáo hội mình từ truyền thông thế tục, và truyền thông đó thường là nguồn tin không đáng tin cậy.”

“Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Giáo hội thấy rằng nếu họ coi trọng truyền thông của chính mình, và nếu họ để cho chúng trong sáng và chân thực, họ sẽ được lòng tin về lâu về dài. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, có nghĩa là phải thay đổi mục tiêu truyền thông của một cơ cấu thường coi nhiệm vụ trước nhất là tự bảo vệ chính mình khỏi bị những tin xấu.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng có một thế hệ mới trong giới báo chí Công giáo “hiểu được vai trò họ phải đóng trong việc triển dương căn tính Công giáo.”

Để kết luận ông nói: “Điều đó không có nghĩa là trở thành những người tuyên truyền thuần túy, nhưng có nghĩa là trở thành những người cộng tác với Giáo hội, xác nhận rằng đưa tin chuyên nghiệp, những yếu tố vững chắc và các tường trình đặc biệt, có thể giúp đào tạo đức tin cho các khán thính giá Công giáo.”