Chiều ngày lễ Các Thánh, 02/11/2010, giáo dân giáo xứ Trung Chánh, hạt Hốc Môn, Sài Gòn và nhiều người trong khu vực đã đến viếng nghĩa trang và tham dự thánh lễ đồng tế để hưởng ơn đại xá cầu nguyện cho các linh hồn.

Xem hình ảnh

Từ 16 giờ 00, con đường dẫn vào nghĩa trang đã nườm nượp người đi, tay cầm nào hoa nào nhang nến. Bỗng chốc khoảng không gian rộng lớn có nhiều mộ phần đã nghi ngút khói hương và sắc hoa tươi thắm được người thân của người đã khuất cắm trước mộ như làm giảm đi nỗi u buồn quen thuộc của một nghĩa trang.

Đúng 17 giờ 00, thánh lễ đồng tế được bắt đầu với sự có mặt của cha chánh xứ Antôn Phạm Gia Thuấn, cha phó Dom. Đinh Công Đức và cha xứ giáo xứ Trung Mỹ Tây.

Số giáo dân dự lễ rất đông; thân nhân của người đã khuất đứng ngay bên mộ phần để dự thánh lễ làm cho người ta thấy có một bầu khí thân thương của buổi chiều hôm nay. http://www.youtube.com/watch?v=EqGFR2RI6fk

Bài giảng không quá dài, đủ để cha xứ nói về:

- Hội Thánh khải hoàn là các thánh nam nữ đang hân hoan hạnh phúc trên trời.

- Hội Thánh chiến đấu là những người tin vào Chúa Kitô còn sống nơi trần gian, đang chiến đấu mà không cần vũ khí và chỉ có thể chiến thắng bằng niềm tin, lòng cậy trông, lòng mến, sự tha thứ, bao dung…

- Giáo Hội đau thương là các linh hồn rất cần chúng ta thương giúp, cầu nguyện và thông công việc lành.

Chính sự cứu chuộc của Đức Giêsu đã ban nhiều ơn cho loài người: ai sống đúng điều Chúa dạy thì sẽ chiến thắng; ai đang chiến đấu thì cần lập công; ai còn đau thương thì cần cầu nguyện. Chúng ta là những người đang tự do, cần biết tận dụng thời gian, sức khỏe…để tham dự thánh lễ và làm việc lành.

Cha chủ tế kết thúc bài giảng bằng một câu chuyện có thật cách đây 60 năm, do cha phó xứ Quần Liêu kể lại: “Có một người ăn mày kia thường ngồi ở góc sân nhà thờ để ăn xin. Một ngày nọ, ông chết ngay tại cuối nhà thờ; cha xứ và giáo dân ở đó chôn cất ông tử tế. Mấy ngày sau, cha phó đi loanh quanh nhà thờ, thấy ông ăn mày vẫn ngồi đó, cha thốt lên: “Ủa, giáo xứ đã chôn cất ông rồi, sao lại còn ngồi đây?” Ông ăn xin trả lời: “Con đã chết rồi nhưng Chúa cho con về đền tội tại đây vì trước kia con đã lấy một cái chiếu của nhà thờ!” Cha phó sợ quá, kêu gọi nhiều người cầu nguyện cho ông. Ít lâu sau, không ai còn thấy ông ăn xin ngồi ở đó nữa. Đúng là lời cầu nguyện cần thiết biết bao!

Bóng tối dần phủ cả nghĩa trang cũng là lúc mọi người lũ lượt ra về. Cảnh âm u của nghĩa trang hòa vào bóng tối hẳn là khiến nhiều người nghĩ về một ngày kết thúc của cuộc đời mình.

Có một điều khá đặc biệt là giáo xứ Trung Chánh không có nhà hài cốt ngay trong khuôn viên nhà thờ mà có riêng một Khu Tưởng Niệm, là nơi để hài cốt. Ở đây có một lễ đài và hang đá Chúa Phục Sinh; phía trước là phần đất trống mà từ năm 2000 các linh mục giáo phận Sài Gòn xin được chôn ở đây. Vì Khu Tưởng Niệm ở mặt tiền con đường dẫn vào nghĩa trang, vị trí đất rất thuận tiện nên ông cố Giuse Phạm Nhân Đơn, là Chánh trương, sợ bị mất đất nên có sáng kiến làm cổng và tường rào chung quanh và nay trông như một hoa viên riêng của giáo xứ. Còn nghĩa trang giáo xứ Trung Chánh có từ năm 1956 dành cho giáo dân.

Vào ngày lễ Các Thánh, nhiều giáo dân đến dự thánh lễ tại nghĩa trang để cầu cho các linh hồn như nói lên một sự hiệp thông rõ nét giữa Giáo Hội khải hoàn, Giáo Hội chiến đấu và Giáo Hội đau thương. Quả là một niềm vui cho những người tin vào Đức Kitô và cho cả những người sống đời ngay thẳng nữa!