NHÂN LỄ THANKSGIVING, XIN CHIA SẺ MỘT VÀI PHONG TỤC, TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI PARAGUAY

Những ngày tháng cuối năm dương lịch, những quốc gia có truyền thống Ki-tô giáo, nhất là các nước ở châu Mỹ thường có những lễ hội đặc biệt để kiểm điểm lại đời sống và tạ ơn đất trời vì đã ban cho họ những điều tốt lành trong năm qua.

Ở các nước vùng Bắc Mỹ như Hoa Kỳ và Canada, người ta có một ngày tương tự như vậy mà người ta quen gọi là ngày Thanhsgiving (Lễ tạ ơn).

Thanksgiving được coi là dịp để bày tỏ lòng biết ơn và nhất là Tạ Ơn đất trời đã ban cho mùa màng đưọc sinh hoa kết trái, lương thực đồi dào và dùng đủ, và tất cả các ơn lành khác ta nhận được trong cuộc sống. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui, và nhất là một bữa tiệc buổi tối, gia đình sum họp ăn uống vui vẻ. Đây là một ngày quan trọng cho đời sống gia đình, nên dù ở xa, con cháu thường về với gia đình.

Tại Mỹ, ngày lễ này được tổ chức vào thứ 5, tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 hằng năm. Người ta thường được nghỉ 4 ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Hoa Kỳ: họ được nghỉ làm hay nghỉ học vào ngày thứ Năm và thứ Sáu của tuần Lễ Tạ ơn. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức tại nhà, khác với ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ hay Giáng Sinh, là những ngày lễ mà có nhiều tổ chức công cộng.

Ở bên kia đường xích đạo thì khác. Trong khi vùng Bắc Mỹ đang chuẩn bị bước vào mùa Đông lạnh giá vào những tháng cuối năm, thì vùng Nam Mỹ lại bước vào mùa hè nóng bức. Họ cũng có những ngày cuối năm đáng nhớ dù không giống như những người vùng Bắc Mỹ. Người Paraguay quy định năm ngày cuối cùng của năm là “ngày hàn thực”. Trong năm ngày này, từ nguyên thủ quốc gia, đến mọi dân thường đều không được nhóm lửa, đốt lò, chỉ có thể ăn đồ nguội, thức ăn đã làm sẵn từ trước, giống như người Việt trong ngày đưa ông Táo về Trời ngày 23 tháng chạp hàng năm. Đến ngày tết Dương lịch 1/1 mới được phép nhóm lò nấu bếp để cầu chúc một năm mới ấm no, tốt lành.

Tôi cũng từng được mời tham dự những ngày này và quan sát những phong tục của những người chịu ảnh hưởng của văn hóa Âu châu dù họ vẫn còn giữ nhiều tập tục địa phương.

Giống như người Phi Luật Tân ở Đông Nam Á dùng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Tagalog trong giao tiếp chính thức, người Paraguay cũng dùng hai ngôn ngữ là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guaraní. Tiếng Guaraní là ngôn ngữ của người thổ dân có từ lâu đời trước khi người Tây Ban Nha thực dân đến. Tuy những người thực dân đã thành công trong nhiều vấn đề khi thôn tính Paraguay nói riêng và vùng Nam Mỹ nói chung và gần như tất cả các nước châu Mỹ La Tinh hiện giờ đều dùng tiếng Tây Ban Nha trong giao tiếp (ngoại trừ Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha), người Paraguay nói riêng và một số bộ tộc thuộc các quốc gia lân cận vẫn còn biết sử dụng tiếng Guaraní để giao tiếp nội bộ với nhau. Công lao to lớn này thuộc về các nhà truyền giáo đã biết bảo tồn di sản văn hóa và phong tục tập quán của những người bán khai dù chế độ thực dân đã muốn phá bỏ và triệt tiêu.

Trong tiếng Guaraní mà người Paraguay đang dùng không hề hiện hữu hai từ cảm ơn nên đối người thổ dân Guaraní bán khai cũng không hề có sự biết ơn nhau. Chính những nhà truyền giáo đã dạy người thổ dân biết nói lên lời cảm ơn trời đất, và vì thế, khi người dân Paraguay muốn nói lên từ cảm ơn bằng tiếng Guaraní, họ sẽ nói: Aguyje, dịch sang tiếng Tây Ban Nha nghĩa là Que Dios se lo pague (Xin Chúa trả công cho quí vị).

Giống như những quốc gia khác vùng Nam Mỹ, các cô gái Paraguay khi sinh nhật lần thứ 15 đều được gia đình tổ chức một buổi lễ long trọng cả đạo lẫn đời để mọi người biết rằng từ nay những cô gái này bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành và người ta sẽ gọi những cô gái ấy là Señorita- như tiếng Anh thường gọi các cô gái trưởng thành chưa có gia đình là Miss. Vì lẽ đó, các cô bé từ nông thôn đến thành thị rất mong đến ngày sinh nhật lần thứ 15 để được chưng diện, được khoe vẻ đẹp của mình và cũng để được người ta gọi là Señorita. Có cả một nghi thức riêng trong cộng đồng những người Hispanic trong việc cử hành lễ sinh nhật lần thứ 15 cho các cô gái thuộc châu Mỹ La Tinh, và theo đó, các linh mục sẽ cử hành.

Một nghi lễ mang đậm tính tôn giáo khác của người Nam Mỹ nói chung và người Paraguay nói riêng là lễ hội Carnaval, bắt đầu diễn ra vào thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh (dịp này vẫn còn là mùa hè nóng bức), mà thoạt nhìn trên hình ảnh người ta sẽ thấy phản cảm khi nhìn các cô gái thi sắc đẹp với bộ bi-ki-ni gắn nhiều lông chim có màu sắc sặc sỡ với nhiều vòng cườm trên cổ và diễu hành trên các đường phố (có thể xem www.carnaval.com.py). Thực ra từ Carnaval xuất phát từ La Tinh carne-levare (nghĩa là kiêng thịt), vì người dân xứ sở này quanh năm ăn thịt nên họ cử hành buổi lễ này để nhắc nhở người ta biết là bắt đầu bước vào mùa chay, dù qua dòng thời gian biến chuyển, những nghi lễ này bị thương mại hóa và trần tục hóa. Do đó, có thể đối với quốc gia này thì một sự kiện được coi là phản cảm khi phụ nữ ăn mặc hớ hên, nhưng đối với dân tộc khác thì sự hớ hên của các phụ nữ lại biểu trưng cho cái đẹp. Tôi không có ý kiến bất cứ điều gì dưới con mắt quan sát của một nhà truyền giáo đang nghiên cứu về ngành nhân chủng, nhưng đối với tôi, nếu chưa hiểu biết rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của một phong tục tập quán thì ta không thể kết luận nó tốt hay xấu được.

Phải thực sự nhìn nhận rằng Paraguay và các nước Nam Mỹ nói chung phải biết cám ơn những nhà truyền giáo Dòng Tên, Dòng Phan-xi-cô và các Dòng truyền giáo khác, vì chính những nhà truyền giáo này, chứ không phải những người thực dân Âu Châu, đã đem ánh sang Tin Mừng và nền văn minh tình thương đến cho những người dân tộc bán khai và soi sáng cho họ con đường bước đến chân lý.

Không biết tự bao giờ, có lẽ từ ngày có trí khôn tôi đã thắc mắc nhiều đến hai chữ: Dòng Tên. Tại sao gọi là Dòng Tên? Câu hỏi ấy cứ theo tôi mãi cho đến một ngày tôi đọc được tiểu sử một nhà truyền giáo Dòng Tên nổi tiếng tại Việt Nam với tên gọi là Alexandre de Rhodes (Cố Đắc Lộ), và từ đó tôi luôn thích thú và ngưỡng mộ các vị thừa sai Dòng Tên. Tôi đã mong ước một ngày nào đó tôi cũng được trở nên một nhà truyền giáo giống như họ.

Ở Việt Nam, có lẽ người ngoài công giáo không biết nhiều đến sự nghiệp truyền giáo của Cha Đắc Lộ, nhưng có một chuyện mà người Việt Nam nào cũng phải biết ơn ngài bởi vì chính cha là người đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh mà ngày nay gần 90 triệu người Việt Nam trong nước hay ở hải ngoại đang dùng ngôn ngữ này. Có một con đường, tuy nhỏ, gần khuôn viên Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, mang tên vị thừa sai khả kính này để tôn vinh ngài.

Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam trước đây sử dụng chữ viết của người Trung Hoa và bị nô lệ vì chữ viết này. Cách đây không lâu, người Hàn quốc mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Trung Hoa.

Trong khi đó, người người Trung Hoa đang tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Đắc Lộ, đã tiến bộ trước người Hoa đến 3 thế kỷ.

Sở dĩ tôi hơi dài dòng như thế về các thừa sai Dòng Tên vì chính nơi tôi đang thi hành công tác truyền giáo cũng mang đậm dấu ấn của các thừa sai Dòng Tên. Ở đất nước Paraguay nhỏ bé này cũng có một vị thánh tử đạo duy nhất là một linh mục Dòng Tên người Paraguay với tên gọi là thánh Roque González de Santacruz mà giáo hội Công giáo tại Paraguay vừa mừng lễ trọng thể ngày 15 tháng 11 vừa qua. Các di tích, các nhà thờ, các cơ sở tôn giáo… hiện giờ vẫn còn ghi dấu của các thừa sai Dòng Tên. Dù là tu sĩ truyền giáo của Dòng Ngôi Lời, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ, tâm phục khẩu phục các vị Dòng Tên vì chính họ đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp.

Ngày 5 tháng 11 vừa qua, Dòng Tên tại Paraguay đã tổ chức thánh lễ chung mừng tất cả các vị thánh của Dòng Tên, và cũng dịp này họ tiếp đón cha Bề Trên Tổng Quyền từ Roma đến Paraguay tham dự cuộc họp của các Bề Trên Thượng Cấp của họ tại Vùng Châu Mỹ La-tin. Cũng tối hôm ấy, tại Trung Tâm Văn Hóa của thủ đô Asunción, Paraguay, họ đã tố chức một buổi hòa nhạc đặc sắc để chào đón cha Tổng Quyền của Dòng mà tôi nghe một số người nói đó là “el Papa Negro” (Giáo Hoàng Đen). Tôi có thắc mắc với cách gọi này và một linh mục người Đức lớn tuổi đã giải thích cho tôi vai trò quan trọng của vị Tổng Quyền Dòng Tên trong những vấn đề của Giáo Hội. Mỗi Hội Dòng có hai khách mời tham dự buổi hòa nhạc này. Tôi được Bề trên cử đi tham dự với tư cách là một nhà đào tạo, và có thể nói đây là lần đầu tiên một anh hai lúa như tôi sau mấy năm lam lũ ở xứ truyền giáo được bước vào rạp hát lớn dành cho khách VIP.

Trong phần giới thiệu các khách mời tham dự, cha Giám tỉnh Dòng Tên Paraguay Carlos Canillas đã cho biết ngoài sự hiện diện của cha Tổng Quyền Dòng Tên Adolfo Nicaolaz Pachón đến từ Rôma, còn có 5 vị giám mục của Dòng Tên vùng châu Mỹ La-tin, có các vị Giám tỉnh của Dòng Tên ở các nước Nam Mỹ và tất cả các khách mời danh dự của các các Dòng và triều đang làm việc ở Paraguay. Về phía chính quyền, có sự tham dự của một số vị Bộ trưởng, các Thượng nghị sĩ từng là học trò của các cha Dòng Tên cũng đến dự. Tuy rạp hát không được rộng rãi lắm như các rạp hát chuyên nghiệp ở Mỹ hay Âu châu nhưng được thiết kế khá đặc biệt cho các buổi trình diễn Opera và kịch nghệ.

Lâu nay tôi cứ nghĩ là các Tu sĩ Dòng Tên chỉ biết dạy học, viết sách và giảng tĩnh tâm, linh thao. Mà quả thực là như thế vì đó chính là chuyên ngành của họ. Chính tại Paraguay trong các cuộc tĩnh tâm hàng năm, nhà Dòng chúng tôi thường mời các cha Dòng Tên đến chia sẻ và giúp tĩnh tâm. Vậy mà tối hôm ấy có một Tu sĩ trẻ Dòng Tên đã điều khiển một nhóm trẻ tuổi từ 9 đến 20 với những nhạc cụ được làm từ những rác thải như nắp bia, lon sữa bò, thùng thiếc hư… để tạo nên một dàn nhạc hòa tấu với những cung điệu tuyệt vời trong phần khai mạc. Đây là một điều ngạc nhiên thú vị đối với tôi vì hồi nào tới giờ tôi chưa từng nghe một cha nào Dòng Tên biết đàn hát! Có lẽ tôi là “con ếch ngồi đáy giếng” nên còn ngu muội chưa biết thế giới bao la kia của các Tu sĩ Dòng Tên ngoài kiến thức uyên thâm còn biết rất nhiều những tài vặt của nghề tay trái.

Phần biểu diễn Ba-lê ấn tượng và chiếm nhiều giờ nhất trong buổi hòa nhạc là vở “Linh Thao của Thánh I-nha-xi-ô” do gần 40 diễn viên chuyên nghiệp trình bày với nhạc nền và ánh sáng huyền ảo của sân khấu đưa người xem vào một cuộc chiêm ngắm từ lúc Sứ Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ đến lúc Chúa Phục Sinh. Thật sự tôi chẳng hiểu gì ngôn ngữ của những vũ điệu Ba-lê nhưng những bước chân thoăn thoắt, nhè nhẹ của những diễn viên Ba-lê chuyên nghiệp cộng với những bài nhạc thánh ca hút hồn như Avemaria, la Saeta… đã khiến tôi nhập cuộc trong một giờ linh thao ý nghĩa này. Xem hòa nhạc nhưng lại được linh thao đó là điều tuyệt vời mà lần đầu tiên trong đời tôi được cảm nhận trong vở diễn Ba-lê dưới sự dẫn dắt tài tình của giáo sư Miguel Bonnin.

Kết thúc phần hòa nhạc, các khách mời cùng nhau nâng ly chúc mừng và nói chuyện với nhau ở tiền sảnh Nhà Hát. Tôi có đến chào Cha Tổng Quyền và khi nhìn thấy khuôn mặt Á châu của tôi, ngài tưởng tôi là người Nhật vì ngài nói đã từng làm việc ở Nhật 36 năm. Tôi nói với ngài tôi là người Việt Nam và ngài ồ lên một tiếng và nói với tôi rằng ngài đã từng đến Việt Nam. Tôi thấy ngài bình dị và khiêm nhường quá chừng. Chúng tôi đã chụp hình lưu niệm với nhau và cùng chúc nhau mọi điều tốt đẹp.

Thứ Năm này là ngày Thanksgiving và cũng là những ngày cuối cùng của năm phụng vụ C. Ngồi viết bài này thì nhận được tin linh mục tài hoa Anrê Trần Cao Tường, người sáng lập trang mạng www.dunglac.org rất hữu ích mà tôi yêu thích vừa mới qua đời. Xin thắp lên một nén hương cho cha Anrê và xin Chúa sớm đưa linh hồn cha vào Vương Quốc Vĩnh Cửu của Người. Những ngày tháng cuối năm cũng là lúc chúng ta biết kiểm thảo lại cuộc sống của mình. Nhìn về đất mẹ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới với bao thảm họa thiên nhiên làm thiệt hại nhiều về nhân mạng và vật chất cũng là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta, những người còn sống, biết đọc và nhận ra những dấu chỉ thời đại này.

Xin chúc mừng Lễ Tạ Ơn đến những người thân và bạn bè đang sống ở Mỹ và Canada. Chắc là quý vị đang chuẩn bị những con gà tây quay thật ngon để mừng lễ. Tôi cũng quyết định kiếm con gà “đi bộ” để ăn ké lễ này với mọi người. Happy thanksgiving – Feliz thanksgiving. May God bless you all.

Paraguay, dịp lễ Thanksgiving 2010