Đức Hồng Y Georges Cottier O.P. là thần học gia hưu trí của Phủ Giáo Hoàng. Trong một bài báo bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Ecclesiam Suam, ngài cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã suy tư về mầu nhiệm và đời sống Giáo Hội bằng một tầm nhìn hết sức đơn sơ nhân cuộc phỏng vấn của Peter Seewald năm rồi.

Theo Đức Hồng Y, ai đọc các trang của cuốn “Ánh Sáng Thế Gian” thuật lại cuộc phỏng vấn trên, cũng đều gặp một vị giáo hoàng thư giãn, tự tin, phát biểu một cách tự nhiên, không dấu diếm bất cứ điều gì. Ngài nói với cùng một sự đơn sơ về cuộc sống hàng ngày mà ngài vốn chia sẻ với các thành viên khác của phủ giáo hoàng cũng như các vấn đề lớn lao có quan hệ tới sinh hoạt của toàn thể Giáo Hội.

Trong các trang sách, độc giả nhận ra một lòng tin tưởng sáng suốt vào hiện tình và tương lai của Giáo Hội trên khắp thế giới. Đức Thánh Cha tỏ ra không lo âu xao xuyến. Ngài nói rõ ràng rằng Giáo Hội có vẻ như đang thoái lùi nếu nhìn theo quan điểm Âu Châu. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ, chứ không phải là toàn bộ vấn đề. Thực vậy, “Giáo Hội đang lớn mạnh, đang sống vững và đầy năng động” và “ở lục địa Âu Châu, ta chỉ thấy một phần nào đó chứ không hẳn là năng động tính vĩ đại đang đánh thức khắp các nơi khác. Và điều này tôi vốn được thấy trong các cuộc tông du của tôi cũng như từ các cuộc viếng thăm của các giám mục thế giới” (tr.29).

Người ta tự hỏi do đâu mà ngài có được một niềm tin tưởng như thế? Đức Thánh Cha đề cập, mà không kết án, đến việc tục hóa, chủ nghĩa tương đối, việc đánh mất cảm thức về Thiên Chúa hiện đang trổi vượt trong cuộc sống thực tế của nhiều người. Đứng trước các hiện tượng này, niềm hy vọng và sự thanh thản của ngài xem ra không dựa trên một ý niệm, một công thức, hay một mô thức cổ điển hay hiện đại nào nhằm mang lại thành công cho Giáo Hội. Ngài chỉ đơn giản nhắc ta nhớ rằng chính Chúa Giêsu gìn giữ ngọn lửa đức tin rực cháy trong Giáo Hội vì “chỉ có Chúa mới có năng lực duy trì con người trong đức tin” (tr. 24). Chính trên dữ kiện đó, một dữ kiện mà ngài hằng cảm nhận trong chức phận thừa kế Thánh Phêrô, niềm cậy trông và đức tin của một vị giáo hoàng đã được đặt căn bản: “Nhìn vào tất cả những gì con người và các giáo sĩ từng làm trong Giáo Hội, người ta thấy rõ đó là bằng chứng Chúa Kitô hằng nâng đỡ và đã lập ra Giáo Hội. Nếu chỉ tùy thuộc con người, thì Giáo Hội đã bị tiêu diệt từ lâu lắm rồi” (tr.58).

Đó chính là mầu nhiệm của Giáo Hội, một mầu nhiệm mà chính Đức Bênêđíctô XVI cảm nhận khi nhận lãnh vai trò cầm đầu Giáo Hội. Đức Thánh Cha tâm sự: “Lúc gánh nặng này được đặt lên vai tôi, tôi chỉ biết thưa với Chúa một cách đơn sơ: ‘Chúa muốn làm gì với con đây? Trách nhiệm bây giờ là của Chúa đấy nhé. Chúa phải hướng dẫn con! Con không thể làm gì đâu. Nếu Chúa muốn con làm gì, thì Chúa phải giúp con” (tr. 20). Tâm tình này chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt phần lớn các câu trả lời phỏng vấn của Đức Giáo Hoàng. Sợi chỉ đó cũng cho thấy những vang dội đáng lưu ý về phương diện Giáo Hội Học. Đối với Đức Bênêđíctô XVI, giáo hoàng “ cũng là một hành khất đơn hèn trước mặt Thiên Chúa, còn hơn mọi con người nhân bản khác” (tr.35). Với những lời lẽ đơn giản và rõ ràng, ngài cũng đã mô tả đặc sủng vô ngộ bằng chính ngôn từ thích đáng của học lý Công Giáo, và do đó, bác bỏ mọi thứ hàm hồ của phe duy vô ngộ: “Giám mục Rôma hành động giống như bất cứ một giám mục nào khác khi tuyên xưng đức tin của mình, khi công bố đức tin ấy, một cách trung thành với Giáo Hội. Chỉ khi nào hội đủ một số điều kiện, chỉ khi nào thánh truyền đã trở nên rõ ràng và chỉ khi nào ngài ý thức rõ mình không hành động một cách võ đoán, giáo hoàng mới có thể nói: ‘Đây là đức tin của Giáo Hội và việc bác bỏ nó không phải là đức tin của Giáo Hội’” (tr.25). Theo Đức Thánh Cha, Công Đồng Vatican II “rất có lý khi dạy ta rằng tính hợp đoàn (collégialité) là yếu tố cấu thành cơ cấu Giáo Hội. Và đức giáo hoàng chỉ là người thứ nhất cùng với những người khác chứ không phải là người duy nhất đưa ra quyết định một mình như một quân chủ tuyệt đối và tự một mình mình hành động” (tr.101). Bởi thế, Ngài trích dẫn lời Công Đồng này để nhắc ta nhớ rằng trách nhiệm chung của các giám mục là dữ kiện cấu thành chính bản chất của Giáo Hội. Đây không phải là vấn đề lý thuyết hay những công thức do hoàn cảnh tạo ra. Ngài biểu lộ quan điểm trên qua thái độ coi trọng các thượng hội đồng giám mục thế giới cũng như thái độ lắng nghe mỗi lần tiếp các giám mục tới Rôma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô (ad limina). Người ta cũng biết rõ nhờ những cuộc gặp gỡ qúy giá này, Đức Bênêđíctô XVI đã trực tiếp tiếp cận với các vấn đề, các nỗi đau cũng như những niềm an ủi mà toàn thể dân Chúa đang trải nghiệm trong hoàn cảnh địa phương khác nhau của họ, như những tàn phá nhân bản và xã hội liên hệ tới ma túy mà “một số lớn giám mục, nhất là các giám mục từ Châu Mỹ La Tinh” từng nói cho ngài hay (tr.88).

Đức Giáo Hoàng cũng trả lời câu hỏi liên quan tới khả thể triệu tập Công Đồng Vatican III. Đối với ngài, việc này chưa chín mùi. Nhưng tiêu chuẩn hợp đoàn, như ngài vừa xác định, có thể có những khai triển quan trọng trong phong trào đại kết, nhất là trong lãnh vực quan hệ với các giáo hội Phương Đông. Ngài bảo: các giáo hội này là những giáo hội đặc thù chân chính dù không hiệp thông với đức giáo hoàng. Theo chiều hướng này, việc hiệp nhất với đức giáo hoàng không phải là yếu tố cấu thành các giáo hội đặc thù. Dù việc thiếu hiệp nhất này là một thiếu sót trong tế bào sống đó, song tế bào đó vẫn là một tế bào, đủ tư cách mang danh một Giáo Hội. Trong nội thẳm tế nào ấy, nó chỉ thiếu điểm này: sợi dây liên kết với cơ thể hoàn cầu (tr.123).

Cả cái sức mạnh bình thản và thanh thản mà người ta thấy rõ nơi Đức Giáo Hoàng cũng không phát xuất từ chính ngài. Ngài bảo: “Tôi thấy rõ hầu như mọi điều tôi có bổn phận làm, tự tôi tôi không có khả năng làm. Có thể nói, chỉ vì lý do này, tôi buộc phải phó mình trong tay Chúa và thưa với Người rằng: ‘Chúa hãy làm đi nếu Chúa muốn’” (tr.34). Đức Bênêđíctô nhìn nhận rằng ngài không phải là một nhà huyền nhiệm (tr. 34). Ngài thú thực khi cầu nguyện, ngài thường kêu cầu tới Đức Mẹ và các thánh: “Tôi có tình thân ái với Thánh Augustinô, Thánh Bonaventura, Thánh Tôma Aquinô. Người ta thường thưa với các vị thánh này rằng: Xin giúp con. […] Theo chiều hướng ấy, tôi tín thác vào sự hiệp thông các thánh. Với các ngài, và được các ngài tăng sức, tôi mới dám nói với Chúa Nhân Lành, ăn mày trước nhưng cũng tạ ơn Người nữa, hay đơn giản chỉ để mình tràn ngập niềm vui” (tr.35-36). Đức Bênêđíctô XVI không bao giờ tự tô vẽ mình như vị giáo hoàng đầy linh hứng. Đối với ngài, giám mục Rôma “khi lên tiếng trong tư cách mục tử tối cao của Giáo Hội, theo lương tâm trách nhiệm của mình, không hề nói điều gì của riêng mình, mà chỉ nói điều được thần khí chuyển tải qua mình” (tr. 25).

Có lẽ nhờ thái độ này, mà cách ngài nhìn và đương đầu với các biến cố vui buồn xẩy ra trong Giáo Hội những năm gần đây đang nắm được, một cách đầy ngạc nhiên, điều thực sự đang mở tâm hồn con người đón nhận tin mừng Kitô Giáo và đánh gục những phản bác của thời hiện đại.

Người ta cũng nghĩ tới cung cách Đức Bênêđíctô XVI, một lần nữa, nói tới tai tiếng đáng buồn của nạn ấu dâm và lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ. Trước tệ nạn này, ngài vẫn nhắc lại những điều ngài đã từng tuyên bố trước đây: phải hãm mình, thống hối, xin tha thứ, không dấu diếm điều gì, không đùa bỡn nạn nhân mà cũng không đồng lõa với kẻ phạm tội. Ngài cũng thấy hiện không thiếu những người “vui thú trong việc tố cáo Giáo Hội và tìm đủ cách để đả phá Giáo Hội” (tr.47-48). Nhưng trước nhất ngài nhìn nhận rằng “chính vì sự ác hiện diện trong Giáo Hội nên người khác mới có thể dùng nó mà chống lại Giáo Hội” (tr. 48). Theo ngài, có người dám “nghĩ rằng vì Năm Linh Mục bất lợi cho ma qủy, nên chúng đã ném vào mặt ta đủ thứ dơ dáy, như thể chúng muốn cho thế giới thấy cả trong hàng ngũ linh mục cũng có không biết bao nhiêu sự dơ dáy” (tr. 55). Nhưng “mặt khác, có lẽ nên nói rằng chính Chúa muốn thử thách ta và mời gọi ta thanh tẩy sâu xa hơn để ta đừng bước vào Năm Linh Mục này một cách hãnh tiến, như một cách vinh danh chính ta, nhưng như một năm thanh tẩy, canh tân nội tâm, thay đổi và nhất là sám hối” (tr. 55-56).

Đức Giáo Hoàng cũng sáng suốt nắm vững những điều tốt đẹp, những điều cao cả đang nở rộ trong Giáo Hội và tỏ lòng biết ơn đối với sự nở rộ này. Ngài luôn nhắc tới “những sáng kiến không do cấu trúc, không do bàn giấy điều hướng” vì “bàn giấy đã cũ kỹ mỏi mệt” (tr.85). Ngài buồn khi thấy “vẫn còn một thứ chuyên nghiệp Công Giáo” (tr. 187) được thiết lập trong các guồng máy và chức vụ thẩm quyền. Nhưng ngài rất an ủi khi thấy những mầm mống mới nẩy sinh sự sống Kitô Giáo ngay trong các lãnh vực bị thế tục hóa: “Thánh lễ ở Paris quả là đầy ấn tượng. Hàng chục ngàn người tại quảng trường Esplande des Invalides, tụ tập trong một bầu khí cầu nguyện và đức tin sốt sắng, làm tôi rất xúc động […]. Đối với tôi, điều rất quan trọng là được nhìn thấy, ngay trong nước Pháp tự cho mình là thế tục này, cả một lực lượng đức tin mênh mông như vậy” (tr. 157). Đó là ký ức của ngài về cuộc tông du nước Pháp. Ngài bảo: “Chúa nói với ta rằng sẽ có cỏ dại mọc chung với lúa mì, nhưng hạt giống, hạt giống của Người, vẫn tiếp tục triển nở. Đó là điều làm ta tin tưởng” (tr. 45).

Các câu hỏi của Peter Seewald đã tạo cơ hội cho Đức Thánh Cha đưa ra nhiều lời lẽ đẹp đẽ và sâu sắc về đủ mọi vấn đề. Trong đó, ngài có nhắc tới Đức Gioan Phaolô II, người mà ngài luôn yêu mến và tôn sùng. Khi được Seewald yêu cầu tự so sánh với khả năng thông đạt với truyền thông của vị cố giáo hoàng, ngài thành thực trả lời: “Tôi chỉ xin thưa đơn giản thế này: tôi là tôi. Tôi không tìm cách trở thành người khác. Điều tôi có khả năng cho đi, tôi cho đi điều đó, và điều tôi không có khả năng cho đi, tôi không bao giờ ráng cho đi điều đó. Tôi không tìm cách biến mình thành điều mình không là” (tr.152).

Đức Hồng Y Coottier cho hay ngài rất thán phục về mọi điều Đức Giáo Hoàng nói liên quan đến mối liên hệ với Do Thái Giáo và Do Thái, và về sự kiện: ngay từ những ngày đầu mới học thần học, Đức Bênêđíctô XVI đã hiểu rõ “tính thống nhất nội tại của Cựu Ước và Tân Ước”, nên ngài hằng xác tín rằng “Ta chỉ có thể đọc Tân Ước với tiền thân của nó. Không có tiền thân này, ta không thể hiểu được Tân Ước”. Rồi ngài cho rằng những gì xẩy ra thời Đệ Tam Reich buộc ta phải “nhìn dân tộc Do Thái bằng thái độ khiêm tốn và xấu hổ, cũng như bằng tình yêu thương”. Tất cả những điều đó “từng được thấm nhập” vào việc đào luyện thần học của ngài và đều có dấu vết trong hành trình suy tư thần học của ngài (tr.114). Vị giáo hoàng đương nhiệm đã phản ứng bằng một nhạy cảm như thế đối với các cám dỗ hiện nay trong giới thần học Công Giáo muốn theo chân phái ngộ đạo Marcion để tách biệt và đặt đối kháng giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chính nhờ vậy, trọng tâm trong huấn quyền của ngài ta thấy có sự đan kết mới mẻ đầy thân ái và toàn bộ giữa Israel và Giáo Hội, biểu lộ qua lòng tôn trọng hỗ tương đối với sự hiện hữu và sứ mệnh đặc thù của đối tác (tr. 114). Vì chủ trương này, Đức Bênêđíctô XVI ưa gọi người Do Thái là “cha ông ta trong đức tin” vì theo ngài, kiểu nói này nói lên cách thế “chúng ta liên hệ với nhau” một cách rõ ràng hơn vì kiểu nói của Đức Gioan Phaolô II, gọi người Do Thái là “anh cả” không được người Do Thái tiếp nhận vì “trong truyền thống Do Thái, ‘anh cả’ như Êsau chẳng hạn, cũng là người anh bị tước quyền’” (tr.114).

Đức Hồng Y Coottier cũng cho rằng các câu Đức Thánh Cha trả lời liên quan đến mối liên hệ với Hồi Giáo cũng đáng chú ý. Peter Seewald hỏi rằng: nền chính trị quá khứ theo đó các vị giáo hoàng có nghĩa vụ phải bảo vệ Âu Châu chống lại việc hồi giáo hóa ngày nay có còn giá trị nữa không? Đức Giáo Hoàng đáp rằng: “Hiện nay ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác, trong đó đường ranh giới tuyến đã thay đổi cả rồi”. Ngài cho rằng mẫu mực của chính sách hiểu biết lẫn nhau phải là mẫu mực đang có mặt tại phần lớn các lãnh thổ Châu Phi nơi “đã từ lâu vốn có việc chung sống tốt đẹp mà nổi bật là lòng khoan dung giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo” (tr. 135-136). Về bài diễn văn nổi tiếng tại Regensburg mà nhiều người “giải thích là lầm lẫn đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài”, Đức Giáo Hoàng chỉ trưng dẫn những sự kiện tích cực đã diến tiến sau biến cố kia: “Ngày nay, ai cũng rõ Hồi Giáo phải xử lý hai vấn đề trong cuộc đối thoại công khai liên quan tới bạo lực và lý trí”. Hiện các học giả đang bắt đầu khởi sự một cuộc suy nghĩ nội bộ về vấn đề này (tr. 132-133). Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng khiêm nhường thừa nhận rằng tại Regensburg, “ngài quan niệm bài diễn văn đó chỉ như một bản văn hoàn toàn có tính học thuật, chứ không ý thức được việc người ta biến một bài diễn văn có tính học thuật của vị giáo hoàng thành bài diễn văn chính trị” (tr. 132-133).

Trong việc thành thực nhìn nhận biến cố không may này, giống như trong việc đáng tiếc đã hủy bỏ vạ tuyệt thông cho vị giám mục theo phái Lefèbre mà không tham khảo đầy đủ về chủ trương bài Do Thái của vị giám mục này, người ta thấy rõ người nói ở Regensburg là một vị giáo hoàng, chứ không phải chỉ là một giáo sư đang bênh vực các chủ đề học thuật chính đáng của mình. Cũng thế, người ta có thể nhận định như vậy đối với lời tuyên bố của ngài về việc dùng “áo mưa” ngừa thai, lời tuyên bố từng gây ra nhiều tranh cãi.

Đức Giáo Hoàng, khi nói tới việc dùng “áo mưa” ngừa thai để chống bệnh AIDS, không muốn canh cải hay thay đổi giáo huấn của Giáo Hội. Như Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, từng giải thích, Đức Bênêđíctô XVI chỉ thừa nhận việc dùng “áo mưa” ngừa thai trong trường hợp nó có thể giảm thiểu nguy cơ chết người, nghĩa là trong trường hợp việc làm tình mang theo nguy cơ đối với sinh mệnh của chính tác nhân hay sinh mệnh đối tác. Trong trường hợp thuộc loại này, như trường hợp những người hành nghề mãi dâm mắc loại siêu vi trùng này, thì việc sử dụng “áo mưa” ngừa thai để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh có thể nói lên “yếu tố đầu tiên của tinh thần trách nhiệm”, là “ bước đầu của con đường tính dục […] nhân bản hơn” (các tr. 160-161). Tưởng cũng nên dừng lại ở đây để xem sét thí dụ được chính Đức Giáo Hoàng nêu ra. Các đòi hỏi liên quan tới một tính dục đạo hạnh chỉ áp dụng bên trong bí tích hôn phối. Và đức trong sạch trong đạo vợ chồng giả thiết phải có cuộc sống Kitô Giáo trọn bộ, với việc cầu nguyện và chịu các bí tích. Ngược lại, đĩ điếm tạo ra một cấu trúc tội lỗi. Đối với những người sống trong cấu trúc này, sự kiện nghĩ tới việc tránh nguy cơ lây lan đe doạ chính mạng sống mình hay mạng sống người khác chắc chắn không làm cho việc đĩ điếm thành đạo hạnh mà chỉ là một cửa ngõ dẫn tới một lòng nhân đạo lớn hơn, điều mà ta phải phán đoán một cách tích cực. Học thuyết luân lý Công Giáo vốn mong muốn hạnh phúc và cứu rỗi cho mọi người chứ không muốn đẩy ai về phía sa đọa hay chết chóc. Ngoài ra, vì những lý do y tế hay vì cuộc chiến đấu chống lại các bệnh lây lan, thẩm quyền công cộng có nghĩa vụ đưa ra các biện pháp bảo vệ. Trong trường hợp ấy, dĩ nhiên “áo mưa” ngừa thai là hợp pháp đối với các trường hợp cực kỳ nguy hiểm. Một điểm nữa, điều ấy cũng khác với các chiến dịch vận động sử dụng “áo mưa” ngừa thai, một chiến dịch kết cục chỉ khuyến khích thái độ làm tình bừa bãi.

Cuốn sách phỏng vấn đức giáo hoàng quả rất phong phú và người ta hầu như có thể tìm được những suy tư và ghi chú hữu ích ở mỗi trang giấy. Thí dụ, các suy tư về sự kiện làm chứng cho đức tin hoàn toàn lệ thuộc việc ta hướng về “Chúa Kitô, Đấng đang đến”. Đó cũng chính là điều các thánh luôn chỉ cho ta, các ngài là “những người sống làm Kitô hữu trong hiện tại và cho tương lai” (tr.92). Hay các lý do được Đức Bênêđíctô XVI đưa ra để giải thích kiểu nói “ta” (nous) để chỉ sự uy nghi (majesté). Ngài nói: “Thực sự, trong khá nhiều điều, tôi không chỉ nói điều phù hợp với tinh thần Joseph Ratzinger, mà khởi đi từ tính cộng đoàn của Giáo Hội. Bởi thế, trong một chừng mực nào đó, tôi nói trong tình hiệp thông nội tâm với những ai chia sẻ đức tin của tôi, tôi nói lên điều chúng ta cùng có với nhau và cùng tin với nhau” (tr.115).

Cũng nên để ý điều Đức Thánh Cha nói về các tiêu chuẩn cử nhiệm. Theo ngài, yếu tố quyết định là “các tu sĩ hay giáo sĩ triều phải có những đức tính đúng đắn, họ phải là người có linh đạo, một người có lòng tin thực sự, và trên hết, phải là người can đảm”. Ngài thêm: “Tôi nghĩ lòng can đảm là đức tính chính” của các giám mục, và linh mục và tu sĩ ngày nay (tr. 117).

Đức Thánh Cha cũng tỏ lòng quan tâm đặc biệt tới các tín hữu Trung Hoa. Ngài cho hay ngày nào ngài cũng cầu nguyện cho Giáo Hội Trung Hoa dứt khoát vượt qua được mọi chia rẽ và ngài trích dẫn làm yếu tố chính cho một diễn biến tích cực là “khát vọng sống động được hợp nhất với đức giáo hoàng, một khát vọng chưa bao giờ vắng bóng nơi các giám mục được thụ phong cách bất hợp pháp” (tr. 127).

Theo Đức Hồng Y Cottier, dù đứng trước những biến cố khủng khiếp nhất đang xẩy ra cho nhân loại, lời lẽ của Đức Bênêđíctô XVI cũng vẫn đơn thành và rõ ràng: “Làm thế nào thoát khỏi một thế giới hiện đang trở thành một đe dọa cho chính mình, hay tiến bộ đang trở thành nguy cơ? Tại sao không cố gắng khởi đầu lại với Chúa?” (tr. 107). Trọng tâm cuốn sách chính ở chỗ này.