HỘI ĐỒNG QÚY CHỨC

CHƯƠNG V: THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ GIẢNG HUẤN.


Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày ba mục chính:

I. Dạy kinh bổn trong họ đạo.

II. Rao giảng Tin Mừng.

III. Công tác văn hóa và xã hội.

MỤC I: DẠY KINH BỔN TRONG HỌ ĐẠO

I.Bổn phận của các chức- việc

Sau khi bàn về trách vụ của các linh mục (1), các thầy giảng và các nữ tu (2), bây giờ chúng tôi bàn về bổn phận dạy kinh bổn của quí chức, điều mà các Công Nghị, các cuốn Chỉ Nam và các thư chung của các đức giám mục hết sức lưu tâm. Chẳng hạn, các cuốn Chỉ Nam của ba giáo phận Qui Nhơn, Hà Nội và Huế đều xác quyết: "Các chức việc phải canh chừng sao cho các thiếu nhi thuộc kinh nguyện và giáo lý" (3); đức cha Hồ Ngọc Cẩn cũng khẳng định như thế: "Các chức việc phải hiểu rằng việc dạy giáo lý là điều cấp thiết đầu tiên" (4). Vì vậy, trong những họ đạo không có linh mục, thày giảng, nữ tu, thì chính những chức việc phải lo dạy giáo lý cho người lớn và trẻ em; còn trong những họ đạo có linh mục, thày giảng hay nữ tu, thì các chức việc phải đến nhà thờ, hoặc để nghe giáo lý và làm gương cho người lớn dõi theo; hoặc tham dự vào việc dạy giáo lý cho các em và trông nom chúng (5)

II. Ông bà quản giáo.

Nếu họ đạo có nhiều trẻ em, các chức việc, với sự đồng ý của cha xứ, phải chọn trong bổn đạo, các ông bà đạo đức, có khả năng, lo giáo lý cho các trẻ em trong họ đạo. Họ cũng là những thành viên của Hội Đồng Chức Việc. Chúng tôi có nhiều văn bản chính thức liên hệ tới việc tổ chức, vai trò và nhiệm vụ của các quản giáo:

1) Công nghị Tonkin đầu tiên 1900

Công Nghị tuyên bố: "Trong mỗi họ đạo, thường có một hay nhiều quản giáo nam cho các em trai, một hay nhiều quản giáo nữ cho các em gái, tùy con số các em học giáo lý. Các quản giáo dạy giáo lý cho các em, in vào tâm trí các em những thói quen lành mạnh, giúp chúng sống đạo đức và chú tâm trong nhà thờ và trong những công việc đạo đức chung của họ đạo. Các ông bà quản giáo được các chức việc tuyển chọn và đệ lên cha xứ xin ngài chấp nhận. Cha xứ phải quan tâm đến việc giúp các em và cha mẹ các em biết kính trọng và tuân phục các quản giáo" (6).

2) Hai cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Qui nhơn và Huế:

Hai cuốn này đồng quyết định: "Các ông bà quản giáo phải được Hội Đồng Quí Chức đề nghị và được cha sở hay vị đại diện ngài chuẩn nhận. Phận sự chính của các quản giáo là dạy các em học thuộc kinh nguyện và giáo lý (7). Cần phân biệt các quản giáo với các nữ tu và các đại chủng sinh đi thực tập, được đức giám mục gửi tới họ đạo" (8).

3) Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội:

Các quản giáo cũng là những thành viên của Hội Đồng Quí Chức của họ đạo. Dạy giáo lý xong, họ phải chăm lo các em trong nhà thờ, bảo toàn trật tự trong họ đạo và điều hành các cuộc thi giáo lý mỗi năm (9). Hơn nữa, theo qui luật họ đạo do đức cha P.M. Gendreau, giám mục Hà Nội soạn thảo và ban hành, các quí chức phải thúc dục các ông bà quản giáo quan tâm cả đến các em thuộc các gia đình không ghi danh trong họ đạo, và ngày thi giáo lý, phải dành chỗ cho các em dự thi, bởi vì các em cũng là con nhà có đạo. Tóm lại, các chức việc, hội quản giáo phải quan tâm tới các em như những thành phần của họ đạo (10)

4) Hội quản giáo:

Nhằm đẩy mạnh việc dạy giáo lý, không những cho người lớn và trẻ em có đạo, mà còn cho những dự tòng, các giám mục luôn nhắc nhở các linh mục phải tổ chức 'Hội Quản Giáo' trong mỗi họ đạo và giúp họ chu toàn việc dạy đạo. Sau thư chung của đức cha Marcou, giám mục Phát Diệm ra năm 1921 (11), các cuốn Chỉ Nam của ba giáo phận Hà nội, Qui nhơn và Huế đều khẳng định: "Trước kia cũng như bây giờ, việc lập Hội Quản Giáo trong mỗi họ đạo cần được duy trì và phát triển" (12)

III. Bổn phận của cha mẹ:

Các giám mục đã lập lại nhiều lần bổn phận của cha mẹ trong việc dạy giáo lý cho con em. Trong thư chung mùa chay 1883 về "bổn phận của cha mẹ đối với con cái", đức cha Colombert đã quả quyết: "Nhiệm vụ đầu tiên của cha mẹ là chuẩn bị cho con cái học giáo lý trong gia đình hay ở nhà thờ" (13). Trong thư chung năm 1980 về "Việc dạy đạo các con em", đức cha Gendreau đã có cùng một ý tưởng, khi nhấn mạnh tới sự kiện là làm sao cho con em theo học trường công giáo (14). Còn đức cha Victoire Quinton trong thư chung "Về giáo lý ngày chủ nhật cho người lớn", không quên dành một phần để nói về nhiệm vụ của cha mẹ đối với việc giáo dục đạo đức cho con cái (15). Và chính các linh mục phải nhắc nhở cho cha mẹ về nghĩa vụ này.

Bản văn của cuốn Chỉ Nam của hai giáo phận Qui Nhơn và Huế khẳng định lại những điều chúng tôi vừa trình bày: "Các linh mục có bổn phận giáo huấn các bậc cha mẹ và hội quản giáo, làm sao cho họ thấu triệt nhiệm vụ quan trọng của họ là dạy kinh nguyện và giáo lý cho con em; làm sao cho họ ý thức rằng: đưa con em và gia nhân đi học giáo lý chưa đủ, còn phải dạy chúng hiểu biết về Chúa, yêu mến kính, sợ Ngài, giữ luật Ngài truyền, và ngay từ khi có trí khôn biết dâng lên ngài kinh nguyện sáng tối" (16).

Sau vai trò của linh mục là của chức việc, nhất là ông chánh trương hay ông trùm họ đạo, "Họ phải biết các bậc cha mẹ có lưu tâm cho con em ăn học hay ủy thác cho những người có khả năng dạy dỗ; nhất là có dạy các em những kinh nguyện sáng tối? có dạy giáo lý? có gửi các em tới trường? có lo cho các em đi xưng tội? Tình thực, phải nhắc nhở cho tất cả am tường rằng: khi một em nhỏ được sáu bảy tuổi, em phải giữ luật Giáo Hội là đi xưng tội hàng năm. Nếu cha mẹ không dạy dỗ được các em, thì người chức việc phải lo toan chuyện đó. Chức việc cũng phải nhắc nhở các cha mẹ đỡ đầu đừng quên những nhiệm vụ đã được ủy thác cho họ (17).

IV. Chương trình giáo lý.

Chương trình giáo lý trong mỗi họ đạo được chia làm bốn loại: giáo lý cho người dự tòng, giáo lý cho các em chịu lễ lần đầu, giáo lý cho các em rước lễ trọng thể, và giáo lý cho người lớn tuổi. Tất cả đều đòi hỏi linh mục và chức việc phải ưu tư và quán xuyến đặc biệt.

1) Cho người dự tòng.

Sau sáu tháng suy nghĩ, nếu người dự tòng còn muốn trở lại đạo, thì cần phải dạy giáo lý họ. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp và tội đồ rất nặng (extra casum gravissimi damni), họ không thể được rửa tội, nếu chưa được huấn luyện kỹ càng về giáo lý công giáo trước. Việc huấn luyện kéo dài một tháng tròn. Nên dạy cho họ trong vòng một hay hai tuần, rồi gửi họ đi để được học tiếp kỹ lưỡng hơn với những người có khả năng (thầy giảng, nữ tu, chức việc, ông bà quản giáo) và sau cùng, chính linh mục phải gặp gỡ, trao đổi và hoàn bị chương trình giáo lý với người dự tòng. Nếu số dự tòng khoảng 20 người, cha xứ sẽ chủ tọa lễ nhận hồ sơ cho rửa tội (18).

2) Cho các trẻ em chịu lễ lần đầu.

Các trẻ em được chuẩn bị rước lễ lần đầu khi có trí khôn (19), nghĩa là khi các em có thể hiểu được.

Những mầu nhiệm cần thiết về Ơn cứu độ, về lòng tôn kính và yêu mến Phép Thánh Thể. Đặc biệt, các em phải học hết chương trình "bổn đồng nhi và bổn trẻ em", cũng như phải thuộc lòng những kinh cần thiết: kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Tin, Cậy, Mến…(20)

3) Cho các trẻ em rước lễ trọng thể.

Các em không thể được rước lễ trọng thể, bao lâu chưa học hết cuốn sách bổn (sách phần, sách giáo lý) (21). Vì thế, trước khi được chấp nhận rước lễ trọng thể, các em phải qua một kỳ thi về toàn thể sách bổn, cha đại diện hay một vị được ngài ủy nhiệm, sẽ chủ tọa kỳ thi này (22). Chính vì vậy, các linh mục và các chức việc phải thu xếp làm sao cho cả những em phải đi chăn trâu, chăn bò, cũng được giáo huấn, bằng cách buộc cha mẹ phải lo gửi con đi học giáo lý (23).

4) Cho người lớn, và cho cả các phụ huynh.

Chúng tôi gặp được một thư chung sâu sắc của đức cha Victoire Quinton ra năm 1919. Chúng tôi xin tóm lược như sau: Học giáo lý là một bổn phận rất quan trọng cho mọi tín hữu, giáo lý sẽ giúp họ sống và nhất là thấu hiểu những điều họ phải tin và phải sống: đức tin, đức cậy, đức mến và các đức khác… Giáo lý không những bó buộc cho các trẻ em và các dự tòng, nhưng cho cả người lớn nữa. Họ phải tiếp tục học hỏi giáo lý để thấu hiểu đạo thánh hơn, và từ đó sống đạo và giáo dục con cái tốt đẹp hơn. Vì vậy các linh mục phải giáo huấn những người lớn tuổi về giáo lý ít là vào các ngày chúa nhật ở nhà thờ, và các bổn đạo buộc phải tham dự. Tốt hơn là nên tổ chức giáo lý cho người lớn ban sáng trước khi lễ hay ban chiều trước khi chầu Mình Thánh (24).

Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn còn tuyên bố: "Thật là hạnh phúc cho những họ đạo mà các thanh niên nam nữ kiên tâm học giáo lý cho tới ngày thành hôn! Nếu lý tưởng này có thể đạt được mọi nơi, thì mỗi người hãy cố gắng khi có thể" (25).

V. Phương pháp dạy giáo lý.

Hai cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội và giáo phận Sài Gòn đều đề ra những nét đại cương, nhưng chính xác và thực dụng về 'phương pháp dạy giáo lý' dành cho các linh mục và những ai có trách nhiệm về vấn đề này. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn những bản văn của cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn.

1) Đối với các người mới theo đạo (tân tòng):

Phải tránh hai điều trái ngược: một là không cho lãnh phép rửa tội người lớn nào chưa sát hạch kỹ lưỡng, chưa học giáo lý đầy đủ, dù họ đã cao niên, có trình độ hiểu biết, và có hoàn cảnh sinh sống tốt. Đàng khác, không nên đòi hỏi quá nhiều đối với những người mới trở lại đạo, trì hoãn hồng ân được tái sinh (trong phép rửa tội), khiến họ nản lòng, khiến họ nhửng nhưng. Cần khảo hạch kỹ lưỡng mỗi tân tòng, nhằm phân biệt, tùy theo cách nói năng và hành động, xem ai có thể sẽ lãnh bí tích rửa tội, ai sẽ bị hoãn lại về sau… Hơn nữa, tất cả những người có trách nhiệm xin hãy quan tâm đặc biệt tới việc giáo dục con em của những người mới theo đạo nói trên…

2) Đối với các em mới chịu lễ lần đầu.

Người có trách nhiệm phải năng họp các em từ 7, 8 tuổi để dạy kinh bổn vỡ lòng. Đọc cho các em nghe một câu sách giáo lý, rồi cắt nghĩa cho các em hiểu bằng những lời lẽ hoặc hình ảnh thật đơn sơ vừa tầm hiểu của các em. Sau đó có thể cho các em đọc đi đọc lại một vài lần câu giáo lý để thấm dần dần. Cũng phải dạy cho các em biết nghiêm trang cung kính khi vào nhà thờ, lúc đọc kinh hay dự thánh lễ, và cả khi đi ra khỏi nhà thờ: cho các em biết bái gối, biết làm dấu Thánh Giá, biết mở miệng đọc kinh, biết thờ phượng Chúa, biết cầu nguyện với Ngài… Lại có thể kể cho các em nghe câu chuyện Phúc Âm, câu chuyện về đời sống các vị Thánh, hoặc câu chuyện lịch sử của Giáo Hội… Phải in vào tâm trí các em hình ảnh một Thiên Chúa vô cùng cao cả, quyền phép, thánh thiện, chí công, nhân hậu, giầu tình thương, biết hết mọi sự, thưởng người lành phạt kẻ dữ… Ba thời điểm thuận lợi cho các em rước lễ lần đầu là dịp Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và lễ Mình Thánh Chúa..

3) Đối với các em rước lễ trọng thể.

Sau khi rước lễ lần đầu, các em ra khỏi lớp 'bổn đồng ấu' để gia nhập lớp giáo lý cao hơn. Các em phải theo đuổi ít nhất hai năm, và phải trên mười tuổi mới được rước lễ trọng thể. Các em phải học cuốn bổn đầy đủ, và phải thuộc lòng hết các phần đoạn giáo lý công giáo. Phải giải thích tuần tự và kỹ lưỡng để các em nắm hiểu được mọi khía cạnh của giáo lý công giáo, hợp với tầm hiểu của các bạn trẻ. Cứ tiến hành từng điểm một, và khi biết chắc đã hiểu mới sang điểm sau. Thường phải trở lại những điều đã trình bày, lập đi lập lại cốt cho các em nhớ, thuộc và nhiễm tâm dần dần...

Cần nâng đỡ sự chú ý của các em bằng cách thuật những câu truyện có thật và ý nghĩa. Như vậy, sau này lớn lên, các em sẽ không nghĩ rằng người ta lạm dụng sự dễ tin của mình. Về những câu truyện này, cần tán dương vẻ đẹp của nhân đức, vẽ lại nét thô bỉ của tật xấu. Cần nói về sự công bằng của Thiên Chúa, để các em biết ưu tư về sự phán xét của Ngài, và nhất là tán tụng sự toàn thiện, toàn mỹ, tình thương, nhân hậu, để các em yêu Chúa hơn.

Trong sứ vụ này, nếu giáo lý viên biết ăn nói dễ dàng, lưu loát, với nhiều hình ảnh sẽ thu hút đuợc các em; nếu giáo lý viên tỏ ra đại lượng, thân tình, nhưng không dễ dãi khinh nhờn, sẽ gây được nhiều thiện cảm và quí mến nơi các em, và như vậy sẽ mở lòng trí các em tiếp thu giáo lý cách dễ dàng và chắc chắn… Chúng tôi tin rằng ba buổi giáo lý mỗi tuần (kể cả chủ nhật), mỗi lần 45 phút đã dư đủ để công việc dạy giáo lý có hiệu quả.

4) Đối với người lớn:

Trong mỗi họ đạo, các ngày chủ nhật và lễ buộc phải cử hành thánh lễ vào giờ có giáo dân tham dự đông đảo. Các linh mục có bổn phận giải thích giáo lý cho người lớn. Cần cắt nghĩa giáo lý đúng theo tầm hiểu biết và tương hợp với nhu cầu của người nghe. Muốn cho việc dạy giáo lý thành công, trước tiên phải có một chương trình rõ ràng, một phương pháp trình bày ngắn gọn và hấp dẫn. Cần cầu nguyện và suy gẫm trước. Trình bày giáo lý cho người lớn quan trọng như việc giảng Lời Chúa…

VI. Thi Kinh Bổn

Tại Việt Nam, nhất là tại các giáo phận ngoài Bắc, từ lâu đã có thông lệ thi giáo lý trong mỗi họ đạo, thường thì hai lần trong năm, vào dịp lễ các Thánh và Phục Sinh. Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội qui định rằng: 'Theo luật giáo phận, các cha xứ phải tổ chức các cuộc thi giáo lý cho các bổn đạo, hai lần trong năm, kỳ lễ Phục Sinh và kỳ lễ các Thánh, trừ phi điều đó đã được đức giám mục chuẩn chước. Cuộc thi này phải được tổ chức nhiều lần và cho mọi tầng lớp giáo dân (27). Cuộc thi giáo lý sẽ do cha xứ hay một thầy giảng chủ tọa, cùng với các chức việc của họ đạo (28).

Để trình bày rõ ràng sự diễn tiến trong một cuộc thi giáo lý, chúng tôi xin trích dẫn dưới đây hai bản tường trình, một do E.M.D. năm 1848 với tựa đề 'một cuộc thi giáo lý vào buổi tối tại An Nam', tựa đề thứ hai do đức cha Vignau năm 1945 'thi giáo lý ở Việt Nam'. Đọc hai bản tường trình này, chúng tôi thấy cuộc thi giáo lý trong thời bách hại và thời sống hòa bình vẫn có hai khác biệt: Trong thời bị bách hại, cuộc thi thường tổ chức vào ban tối và các thí sinh thường được lựa chọn có tính cách cá nhân, nhưng trong thời bình thì cuộc thi tổ chức vào ban ngày, và đây là cuộc thi nhóm, vì có sự tham gia của mọi tín hữu.

1) bản tường trình của E.M.D.

Tác giả viết: 'Chúng tôi đang sống trong năm hồng ân 1848, đàm thoại với nhau. Các giáo lý viên thường nói với tôi về cuộc thi giáo lý diễn ra hàng năm tai Kẻ Sen. Mọi họ đạo của hai miền đều được mời tham gia. Có một ngày, tôi nói với cha Trung và các thầy giảng là phải tổ chức cuộc thi. Mọi người đều đồng ý. Và chủ nhật tiếp theo đó, họ đã loan báo công khai trong nhà thờ là sắp có cuộc thi về giáo lý. Đối với trẻ em, đây quả là một niềm vui sốt dẻo. Và có một tháng để chuẩn bị. Sau cùng, thời điểm ấn định cho cuộc thi đã tới. Mỗi ứng sinh, mà Hội Đồng Chức Việc của họ đạo biết là có khả năng đi thi, phải ghi danh trước. Cuộc thi tiếp diễn trong hai buổi tối liền tại hai họ đạo. Cuộc thi thứ nhất tại nhà nguyện Kẻ Bạng. Nhà nguyện tuy lớn, nhưng không đủ chỗ cho những người tham dự… Cha Trung, con người nghiêm nghị và khả kính, chủ tọa cuộc thi. Các vị chấm thi, do các chức việc tuyển chọn từ mỗi họ đạo, an tọa phía giữa.

Một hồi chiêng loan báo cuộc thi bắt đầu. Sau khi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, một vị mặc áo thụng dài, rút ra từ đáy thùng phiếu tên của hai ứng viên dự thi, và lớn tiếng gọi tên ứng thi. Một vị khác, cũng mặc áo thụng dài, rút trong thùng phiếu khác, một thẻ có ghi rõ các câu hỏi 'về Kinh và Bổn' là đề tài cuộc thi, và ông cũng đọc lớn tiếng. Và cuộc thi bắt đầu.

Hai thí sinh hỏi thưa lẫn nhau theo những câu hỏi ghi sẵn trên thẻ đã rút ra, trong thinh lặng hoàn toàn… Đôi khi một tiếng trống làm gián đọan: Đó là khi một trong hai thí sinh đọc sai một chữ. Bấy giờ, họ phải ngưng lại để các vị chấm thi xét xem sự sai lỗi đó nặng nhẹ như thế nào… Trong cuộc thi giáo lý, các thí sinh phải cố cho được hạng nhất hay hạng nhì: Thí sinh nào đọc trôi chảy những lời kinh hay những câu bổn đã út số, thí sinh ấy được đứng thứ nhất. Chỉ một chữ đọc lên ngần ngừ, thí sinh sẽ bị tụt xuống hạng hai. Bị ba lần sai, thì chả còn gì để nói; lần thứ tư, thí sinh sẽ bị khiển trách… Xong cuộc thi, hai chức việc mặc áo thụng xướng tên của những thí sinh thắng cuộc thi. Kèn trống nổi lên, rước những người thắng cuộc thi đi tới bàn thờ Đức Mẹ. Họ tôn vinh Mẹ Maria đã giúp họ đạt được kết quả tốt trong cuộc thi giáo lý, họ đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ, và sau đó trở lại phòng thi nhận phần thưởng giữa những tiếng hoan hô và những bản kèn rộn ràng…

Cuộc thi ở Kẻ Bạng diễn ra suốt đêm, và còn tiếp tục đêm sau, trong khi ở họ đạo Kẻ Sen: mọi việc cũng diễn tiến y như vậy… Cuộc thi kéo dài cho tới ban sáng, kết thúc bằng một Thánh lễ Tạ ơn do cha Trung cử hành… Tuy nhiên, nơi người An Nam, một lễ hội, dù là tôn giáo, sẽ không toàn vẹn, nếu không kết thúc bằng một bữa ăn… (29)

2) Tường trình của cha Vignau

Cha viết: "Trong mỗi họ đạo Việt Nam, hầu như mọi người đều tham dự vào cuộc thi Giáo lý, thanh thiếu niên cũng như thiếu nhi, trưởng thành cũng như quí vị có tuổi, ai cũng phải biết đạo. Thật đáng thán phục! Và để thôi thúc lòng nhiệt thành của mỗi người, từ lâu đã tổ chức hai lần trong một năm, những cuộc thi giáo lý, trong mỗi họ đạo hay trong mỗi hạt. Ai nấy đều được mời tham dự. Tân tòng hay đạo dòng, mọi người đều muốn tham dự buổi thi giáo lý. Đây là dịp lễ lớn trong họ đạo. Các thí sinh được triệu tập theo nhóm, chứ không có tính cách cá nhân, vì không phải là cuộc thi về phép Rửa Tội. Ban đầu, chia theo họ đạo, rồi trong mỗi họ đạo, tùy theo lứa tuổi, được chia thành những nhóm nhỏ: các ông bà cao niên, trung niên nam nữ, tráng niên, tráng nữ, các em học sinh lớn, thiếu nhi, nam một bên, nữ một bên. Ngày thi, mọi người hao hức tới, mỗi nhóm đều nôn nao đợi phiên mình. Lúc đầu là một thách đố: họ đạo thi với họ đạo, trẻ với già, các em nam với nữ… Ai sẽ được nhỉ, nếu đức giám mục không cấm chơi trò chơi may rủi này?. Trong một phòng nhỏ, các vị kỳ lão nhớ lại trong ký ức những phần thi kinh bổn mà họ có thể được hỏi thí sinh. Câu hỏi thường được lập lại một phần trong cuộc thi giáo lý lục cá nguyệt trước. Câu trả lời là nhắc lại một lời cầu nguyện hay giải thích một trong những đoạn Phúc Âm ngày chúa nhật, giải thích một trường hợp cụ thể… Buổi thi giáo lý thường do cha xứ hay thầy giảng với các chức việc điều hành" (30).

VII. Phần thưởng.

Các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Qui Nhơn mong ước rằng: 'Để các em hứng khởi và ganh đua cần có phần thưởng cho những em chuyên cần và học hỏi nhiều hơn' (31). Cha Vignau đã viết: 'Buổi chiều ngày thi, khi loan báo long trọng những người hay những nhóm được trúng thưởng và lãnh thưởng, ban chấm thi không quên ra hình phạt, năm hay sáu xu mà những người lười biếng phải nộp đền. Thường có nhiều phần thưởng hơn là hình phạt. Các chức việc, sau khi đã quan sát những phần khảo thí, và khi có vấn đề, thực hay hư, đều trình lên cha xứ. Mỗi nhóm sẽ nhận một phần thưởng như bằng khen, tràng hạt, ảnh đeo, hình tượng; nhiều khi cũng trao tặng bánh trái và thuốc men (32).

MỤC II: RAO GIẢNG TIN MỪNG

I. Thừa tác vụ của linh mục

Linh mục chọn những người ngoại giáo như một phần gia nghiệp trong cánh đồng của Chúa. Các ngài yêu thương họ hết lòng. Giống như anh nông phu gắn bó với ruộng vườn, nên hết lòng cày bừa cho kỹ. Linh mục phải luôn giầu lòng bác ái đối với họ, cố làm những gì có thể giúp anh em ngoại giáo, nhằm dẫn đưa họ về đức tin. Ngài bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Nếu linh mục thân thiết với phần gia nghiệp của ngài là người ngoại giáo thân thương, thì ngài sẽ liên lỉ cầu nguyện để họ được ơn trở lại. Không có lời cầu nguyện, lòng nhiệt thành sẽ không mang lại hiệu quả bền bỉ và lâu dài. Nếu một người ngoại giáo nào đó tìm gặp một linh mục để nói chuyện về tôn giáo, thì ít là vì những lý do riêng, ngài không nên từ chối cuộc đàm thoại này. Ngài cần tỏ ra lịch thiệp và kiên tâm. Không nên quá thúc dục người nghe và ép họ trở thành tín hữu. Ngài sẽ trình bày những chân lý đức tin làm sao cho họ có thiện cảm và niềm xác tín; ngài cân nhắc mọi lời nói khi bàn về tà thần, ngẫu tượng và lối thờ cúng…

Như chúng ta thấy, môi trường hoạt động của linh mục rất rộng rãi. May thay, ngài có những cộng sự viên, giúp ngài tại một hay nhiều họ đạo xa cách nhau hay nằm gọn trong những làng ngoại giáo. Cộng tác viên của linh mục là những thầy giảng, nữ tu hay đại chủng sinh đang đi thực tập, và những tín hữu đạo đức và nhiệt tâm tông đồ, nhất là các chức việc của mỗi họ đạo. Ngài phải huấn luyện những người tín hữu ưu tuyển này thành những tông đồ của Tin Mừng (33).

II. Mục đích chọn những chức việc.

Ngay từ buổi đầu, cách thức chọn chức việc cũng tương tự như cách thức Chúa Giêsu đã chọn 72 môn đệ trước kia: Muốn đến rao giảng Tin Mừng ở một nơi nào, Ngài đều sai các môn đệ đi chuẩn bị trước. Ngày nay, các vị bề trên trong Giáo Hội cũng theo gương Chúa Giêsu tuyển chọn các chức việc của các họ đạo với mục đích đó: Ngay từ đầu, một trong mục đích thiêng liêng chủ yếu là truyền giáo, là mở rộng nước Thiên Chúa cho mỗi ngày thêm rộng lớn, thêm vinh quang, và cho ơn cứu độ mỗi ngày được tràn lan đến mọi người, mọi nơi… Nghĩa là củng cố niềm tin của người Kitô giáo và rao truyền Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo. Khoảng 100 năm sau, các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn cùng lập lại một luận cứ như trên: "Các chức việc đã hoàn tất bao nhiêu việc trong quá khứ, nhằm mở rộng đạo Chúa tại Việt Nam. Các vị còn phải phấn đấu hơn nữa, hoặc bằng gương lành, hoặc bằng lời nói, để dẫn độ những người đồng hương ngoài Kitô giáo, trở lại, tin nhận Thiên Chúa chân thật. Và đây là mục đích của việc chọn lựa quí chức" (35).

Để đạt được mục đích rao giảng Tin Mừng, theo lịch sử, các chức việc phải tận tụy cho việc dạy bổn cho các người mới theo đạo, thăm viếng và chăm sóc người ngoại đạo khi đau yếu, tham dự vào việc cử hành bí tích Rửa Tội các trẻ em hay người lớn sắp ly trần v.v…

III. Dạy kinh bổn cho người mới theo đạo

1) Một sự cộng tác thật cao qúy

Một trong những công tác thật cao quí, biểu hiện sự tham gia thân thiết giữa các linh mục và những chức việc của họ đạo, đó là lòng nhiệt thành dạy kinh bổn cho những người mới theo đạo. Chính do sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, mà sự cộng tác này đã được thể hiện ngay từ khi Tin Mừng được loan truyền vào Việt Nam. Các tín hữu nhiệt thành, nam cũng như nữ, đều đảm nhận trách nhiệm dạy kinh bổn cho những người mới theo đạo, khi thiếu bóng linh mục, thầy giảng hay nữ tu, hay lúc không có mặt những vị này.

Ngay từ những trang đầu của Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến bao gương mẫu cao quí. Vì tầm giới hạn của việc nghiên cứu, chúng tôi chỉ có thể nêu lên vài trường hợp: ông chức việc có tuổi Gioan Kim thuộc họ đạo An Vực, hai vị chức việc đầu tiên của họ đạo Văn Nô, ông bà Phanxica của họ đạo mới Quảng Bình, ông Đa Minh, chức việc của một họ đạo tại Thuận hóa, ông Nicolas Hào, chức việc của một họ đạo tại Qui Nhơn, bà chức việc Madeleine và ông Antoine Tê, chức việc của một họ đạo tỉnh QuảngNam (36).

Chúng ta đã thấy: qua những tấm gương sáng ngời của những chức việc, chúng ta đã thấy bản văn của Công Đồng Indochine (Đông Dương) và những cuốn Chỉ Nam rút ra từ Công Đồng này, lập lại không ngừng và tự tin rằng "Trong đất nước ta, qui chế cổ xưa của Hội Đồng Chức Việc và của các bậc chỉ huy họ đạo có thể giúp chúng ta rất nhiều trong công giáo Tiến hành. Họ đã giúp các vị Thừa Sai trong việc bảo tồn đức tin nơi tín hữu và loan truyền đức tin đến cho lương dân" (37).

2) Một trong những điểm nổi bật của nội quy.

Năm mươi năm trước khi Công Đồng Indochine nhóm họp, tức năm 1884, đức cha Colombert đã lập lại cho quí chức: "Việc giảng dậy kinh bổn cho người mới theo đạo là một trong những bổn phận quan trọng. Các chức việc phải nhớ rằng: các bề trên tha thiết xin họ tận tâm lo cho phần rỗi của các linh hồn trong họ đạo, ngay cả những người ngoại đạo cư ngụ trong họ đạo. Vậy, các chức việc có đủ khả năng hãy tận lực rao truyền đức tin, tìm gặp những người mới theo đạo, dạy cho họ kinh nguyện sáng chiều, hãy khôn khéo duy trì mọi liên hệ tốt đẹp với lương dân hầu rao giảng đức tin cách dễ dàng và hiệu lực hơn. Như vậy, chính cha sở phải giúp quí chức sống vững đức tin, và quí chức phải bao bọc đức tin lẫn cho nhau ngay trong họ đạo. Tắt một lời, cha xứ phải quan tâm đến quí chức giống như cha mẹ đối với con cái trong tuổi ấu thơ. Theo đó, các chức việc phải nằm lòng những nguyên tắc căn bản của đức tin và thuộc sách 'kinh bổn cho người mới theo đạo'. Họ phải hiểu sâu lẽ đạo để dạy cho người mới theo đạo, nhất là khi những người này lâm bệnh nặng. Lại nữa, cha xứ phải giúp các chức việc, nhất là các ông trùm họ đạo, biết trả lời sao cho đúng những vấn nạn người ta đặt ra, và đồng thời phải kiên tâm lắng nghe và tuân theo những lời chỉ bảo của cha xứ" (38).

3) Hai trường hợp cụ thể.

Trung thành với qui tắc vàng ngọc này, nhiều chức việc đã tỏ ra xứng đáng với phẩm cách của người cha, người thày, người tông đồ bên cạnh những người tân tòng. Họ xứng đáng là những cộng tác viên gần gũi với các linh mục. Hai gương tốt sau đây minh chứng điều đó:

• Cha Thuyết phụ trách họ đạo Cái Bông, họ này thuộc về xứ Cái Bè. Cha lo sửa lại nhà thờ, thu xếp các hoạt động của họ đạo và chọn ra một ông trùm và nhiều chức việc cho họ đạo. Mọi chức việc đều nhiệt tâm dạy đạo cho các tân tòng như các thầy giảng đã từng làm (39).

• Ông Gioan Baotixita Sốc, trùm họ đạo Giông Miêu, thuộc xứ Cái Mơn. Ông hết tâm lo lắng cho họ đạo, chi xuất lúa gạo không tính toán. Ông cam đoan lo lương thực cho các nữ tu tới họ đạo, trả lương cho ông từ, giúp đỡ tiền nong và cấp đất đai cho những bổn đạo nghèo từ phương xa tới lập nghiệp, ông lo cho cả dân ngoại chưa trở lại đạo nữa. Ông qua đời năm 1894, sau 27 năm đứng đầu họ đạo. Tiếp nối sự nghiệp của ba, ông Long, con trai ông Sốc, cũng làm trùm, cư xử rất đại lượng và nhiệt tâm với họ đạo (40).

IV. Thăm hỏi và chăm sóc những người ngoại đạo đau ốm.

Giáo dân và nhất là các chức việc được ủy thác đi thăm viếng và chăm sóc, không những các bệnh nhân công giáo mà cả những bệnh nhân không công giáo nữa. Đây là một công tác tông đồ có hiệu quả của những bổn đạo sống giữa lương dân. Đức ái kèm theo lời cầu nguyện luôn luôn là một phương thức tốt nhất để loan truyền Tin Mừng. Khi bổn đạo hay tin có một người ngoại đạo ngã bệnh trong làng mình, vì thường thì họ đạo chỉ là một phần hay một nửa của làng dân sự, hay trong những làng lân cận, họ thường luân phiên thăm hỏi bao nhiêu lần có thể, để ủy lạo, an ủi, trao tặng vật, thuốc men, trò truyện với người ốm về tôn giáo. Tóm lại 'khi một ai đó (bổn đạo hay lương dân) bị liệt giường trong xóm mình, vị chức việc phải thường xuyên thăm viếng' (41). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn còn nhấn mạnh thêm: 'Nội quy của các chức việc đòi hỏi họ đi thăm viếng và trợ giúp bệnh nhân. Họ phải nhất tâm chu toàn bổn phận nàỵ' (42).

Cần nói thêm rằng: thăm hỏi và chăm sóc những người đau ốm là việc tông đồ mà các chị nữ tu dòng Mến Thánh Giá đã chu toàn thật tốt đẹp và hiệu quả hơn cc chức việc và những người công giáo khác. Các chị thể hiện công việc với tâm tình dịu dàng, kiên nhẫn và nhân ái. Nhiệm vụ này đã được chính luật dòng xác nhận: 'Điều luật thứ năm là các nữ tu phải thay phiên nhau, theo sự cắt đặt của Mẹ Bề Trên, đi thăm viếng, huấn dụ và chăm sóc bệnh nhân cho tới khi họ qua đời hay khỏi bệnh' (43).

V. Cầu nguyện cho người ngoại đạo đau ốm.

1) Ưu tiên của kinh nguyện.

Cầu nguyện luôn có một vai trò then chốt trong việc đem lương dân tìm vào đạo Chúa. Nếu mọi bổn đạo biết làm việc tông đồ bằng lời cầu nguyện, nếu lòng nhiệt thành làm việc tông đồ của họ đạo luôn được hun nóng bởi lời cầu nguyện, thì mọi sứ vụ truyền giáo của giáo dân, của họ đạo, của linh mục… sẽ thu được kết quả dồi dào, sẽ đánh động được nhiều trái tim cứng cỏi của lương dân. Không có lời cầu nguyện, không thể nào hoán cải được lương dân.

Ý thức tầm quan trọng của cầu nguyện, Công Nghị Tonkin năm 1900, khi bàn về 'những phương thức truyền bá Đức Tin ' đã dạy rằng: "Vì việc trở lại đạo của dân ngoại với Chúa Kitô là mục đích chính của những công cuộc truyền giáo, các người thợ tông đồ phải hết sức lưu tâm. Họ phải nhớ rằng việc hoán cải các tâm hồn là công trình hoàn toàn siêu nhiên và là kết qủa của ơn thánh Chúa, và ơn thánh này đạt được chủ yếu là nhờ lời cầu nguyện. Do đó, phương thức đầu tiên và chính yếu để quảng bá đức tin, là việc cầu nguyện thiết tha với Chúa, xin Ngài tỏa sáng và đánh động tâm hồn người ngoại giáo. Hơn thế, lời cầu nguyện của nhiều người sẽ đem lại nhiều ơn Chúa hơn cho việc tông đồ. Các bổn đạo phải cầu nguyện với Chúa, hết tâm hồn, nhiệt thành và bền bì cho sự hoán cải của lương dân. Trong mỗi hạt, cần thiết lập một hiệp hội, tỷ như hiệp hội 'Cầu nguyện cho việc Truyền Giáo"… (44)

2) Hiệu quả của những gương lành.

Nhưng kinh nguyện phải đi đôi với gương lành, hy sinh, công việc đạo đức. Nói tắt là đời sống công giáo gương mẫu. Bởi lương dân không biết được lời cầu nguyện của bổn đạo, nhưng họ chứng kiến đời sống lương thiện công chính, hành vi đậm đà yêu thương, công việc bác ái, lời nói bao dung… của mỗi người tín hữu. Sống giữa môi trường của những lương dân như vậy, người công giáo phải là chứng nhân của đức tin, của đạo giáo, nghĩa là qua đời sống gương mẫu của người công giáo, dân ngoại sẽ thiện cảm với đạo, rồi dần dần nhận ra Thiên Chúa tình yêu… và xin gia nhập Giáo Hội.

Vì vậy, các nghị phụ Công Nghị Tonkin năm 1900, không quên nhấn mạnh tới gương tốt mà các bổn đạo thể hiện đối với lương dân: "Đây quả là sự giao thiệp liêm chính và hợp luật Chúa của các bổn đạo sống giữa lương dân, nhất là khi bổn đạo hiếu hòa, không lăng nhục ai, liêm chính và công bình trong các khế ước, tín trung trong lời nói, nhân ái và quả cảm, nhu hòa trong những giao tiếp xã hội. Vì vậy, chúng ta nên khuyến khích bổn đạo tăng cường những tương quan tốt đẹp này, như những hình thức tông đồ hữu hiệu. Nhờ đó, họ sẽ hợp tác tích cực hơn trong việc hoán cải lương dân. Quả vậy, nhiều bổn đạo đã lo rửa tội cho những trẻ em của lương dân trong giờ lâm tử, và họ sẽ loan truyền đạo Công Giáo cho những người lớn trong những điều kiện tương hợp. Nếu những lương dân này lắng nghe, các quí chức sẽ dẫn họ đến gặp linh mục hay thầy giảng để họ được giáo huấn thêm" (45).

3) Những câu chuyện đầy khích lệ.

Chúng tôi cảm thấy thật sung sướng khi đọc trong những tài liệu lịch sử về việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, những mẩu chuyện nho nhỏ về lời cầu nguyện của bổn đạo cho lương dân. Những mẩu chuyện này nói lên tầm quan trọng và hiệu quả của việc cầu nguyện, lòng bác ái siêu nhiên, lòng nhiệt thành tự phát của các bổn đạo được thể hiện vì phần rỗi của anh chị em lương dân. Không thể trích dẫn mọi chuyện, chỉ xin đan cử vài chuyện như sau:

a) Một thiếu phụ giàu có thuộc làng Kê Thiên Nhiên (sic), từ 22 năm qua, bà bị một căn bệnh hiếm hoi hoành hành. Ông chồng đã chi phí biết bao tiền của cho việc cúng tế và mọi thứ mê tín mong bà khỏi bệnh, nhưng vô hiệu. Cuối năm nay (1685), ông khẩn khoản xin một chức việc thuộc họ đạo lân cận, để xin Chúa chữa bệnh cho vợ ông. Cầu được ước thấy, vợ ông đã lành bệnh. Khỏi bệnh, bà, ông chồng và người chị họ đã xin trở lại đạo, ngoại trừ hai người chị của người thiếu phụ này (47).

b) Một nữ bổn đạo còn trẻ tuổi, thuộc làng Kẻ Tràm. Bà đã thành hôn với một người ngoại đạo và tuyên bố bỏ đạo. Về sau bà bị bệnh nặng. Mười năm mang bệnh hoạn. Tháng 5 năm nay, người mẹ, thấy con mình có thể lâm tử, đã khuyên con xin vài bổn đạo quen thân cầu nguyện xin Chúa chữa lành. Linh nghiệm thay, mấy người bổn đạo chưa hết một tuần thì bà đã lành bệnh... Bà đã hoán cải và xin xưng tội ngay… Người chồng, toàn thể gia đình, và nhiều người đồng hương, rất cảm động trước phép lạ này. Họ xin theo đạo. Theo gương họ, số người xin tòng giáo mỗi ngày tăng thêm. Trong số những tân tòng này, có hai người giầu có, đức độ và quyền thế, đã cho đất và xuất tiền xây một nhà thờ khá đẹp làm nơi thờ phượng chung (48).

c) Bà vợ của ông lý trưởng làng Kẻ Ô không thể khỏi bệnh bằng những phương thuốc và mê tín đã xử dụng đối với một căn bệnh đã làm bà suy nhược từ nhiều năm tháng. Bà xin bổn đạo cầu nguyện và hứa sẽ vào đạo… Bà được khỏi bệnh… Nhưng ngay sau đó, bà quên lời hứa và bỏ rơi việc vào đạo Chúa… Mấy năm sau, bà bị một chứng bệnh ngặt nghèo hơn trước. Biết mình có lỗi, bà đã mời các bổn đạo tới nhà, xin họ cầu nguyện cho được khỏi bệnh và để thực thi 'lời hứa vào đạo', bà xin một linh mục đến ban phép Rửa Tội cho bà. Nhưng thấy rằng không đủ thời giờ giảng dạy cho bà những mầu nhiệm căn bản trong đạo, đồng thời muốn thử thách sự kiên tâm của bà, và muốn 'phạt bà về sự thất tín', linh mục đã hoãn lại việc rửa tội cho bà. Việc khoan giãn này đã làm bà xao xuyến rất nhiều, nhưng cũng thành bài thuốc tốt cho bà. Linh mục bắt bà phải tạm bỏ công việc gia đình, đến một họ đạo lân cận để học thêm kinh bổn trong khoảng một tháng, thắm nhuần cách sống đức tin bền vững. Thời gian trôi qua, bà đã được diễm phúc lãnh nhận bí tích Rửa Tội với bốn người con và 37 dân làng (49).

d) Lời cầu nguyện của một chức việc: Cha Martin, cha xứ của Bùi Chu, đã quả quyết rằng ông Giuse Hoan, một chức việc của họ đạo Thuận Hóa thuộc vùng ngài quản nhiệm, do lời cầu nguyện, đã chữa lành một người bên lương mà không phương thuốc nào làm ông bớt đau (50).

Còn nhiều câu chuyện khác nữa, nhưng bốn chuyện nhỏ trên đây cho phép chúng tôi kết luận bằng một câu viết thật đẹp đăng trong tờ báo 'Mission du Tonkin': "Thật kỳ diệu khi Thiên Chúa đã dùng những người nam, nữ, đơn sơ và nghèo túng, đọc lên những lời nguyện đơn thường, nhằm tác dụng những cuộc khỏi bệnh bất thường, theo đó đã khơi mầm nơi những người ngoại đạo, dù họ phải đối diện với một vài bệnh nhân, mà không có phương thức nào, không có tà thần nào có thể chữa khỏi, tựa như một châm ngôn "hãy mời các tín hữu đến, họ sẽ cầu xin Thiên Chúa cho quí ông và chữa bệnh cho các ông" (51).

VI. Rửa tội cho những trẻ em hay người lớn lúc lâm tử

1) Các bề trên đồng lòng nhấn mạnh và khích lệ

Chúng tôi có thể nói rằng mục đích chính yếu của những cuộc thăm viếng và chăm sóc các bệnh nhân ngoại giáo, trẻ em hay người lớn, là nhằm cứu rỗi linh hồn của họ bằng phép Rửa Tội. Công tác này quả thật đáng phục, được thực hiện bởi các linh mục, thầy giảng, nữ tu, các chức việc và giáo hữu đạo đức.

a) Mọi cuốn Chỉ Nam đều nhấn mạnh rằng: 'Linh mục phải chọn trong số tín hữu đạo đức của họ đạo, những người giáo dân đạo đức, nhiệt thành và có khả năng chuyên lo việc rửa tội. Phải cho họ đạo biết tên tuổi những 'người chuyên lo rửa tội này', để khi gặp trường hợp khẩn cấp, người ta biết chạy đến với họ. Dĩ nhiên, các chức việc, thày thuốc và bà mụ (hộ sinh) là những người ưu tiên được chọn 'lo việc rửa tội' (52). Thật vậy, những minh xác này đã nói lên ước vọng của Công Nghị Tonkin lần đầu tiên năm 1900: 'Hortandi valde sunt ommnes christiani, ut ad hoc tam excellens misericordiae opus inquerendi et baptizandi filios infidelium in articulo mortis, praecipue vero medici et obstetrices' (53).

b) Trong cuốn Chức Sở Mục Lệ, đức cha Colombert cũng nhấn mạnh rằng: 'Người chức việc phải ưu tư về công tác thánh thiện này, nghĩa là việc cử hành bí tích Rửa Tội cho những trẻ em ngoại giáo sắp ly trần. Quí chức phải nhớ rằng cử hành bí tích Rửa Tội cho trẻ em hấp hối là một công việc nhiều ơn phúc trước mặt Chúa, vì đó là mở cửa thiên đàng cho các linh hồn. Như vậy, người được rửa tội chắc hẳn được vào nước Chúa (54). Đàng khác, trong họ đạo không có linh mục, các chức việc phải chọn trong cộng đoàn mình một hay hai phụ nữ đạo đức và nhiệt thành, giới thiệu họ với cha sở, để ngài dạy cho họ biết phải hành xử ra sao, trao cho họ một khoản tiền dành cho tuổi thơ thánh đức này, hầu giúp các bà trong công tác tông đồ. Các ông cũng phải cho cha biết tên những cô mụ và những thày thuốc trong làng, vì những người này thường gặp những trường hợp, trẻ em hay người lớn, cần kíp muốn được rửa tội. (55) Họ phải ghi vào sổ mỗi lần rửa tội cho người ngoại giáo sắp ly trần. Họ giữ cẩn thận sổ này hầu trình cho cha xứ khi ngài hỏi đến (56).

c) Những khoản chi hay phần thưởng: Nhằm khuyến khích bổn đạo trong việc rửa tội cho những người ngoại giáo sắp ly trần, các giám mục sẵn sàng hoàn lại những chi tiêu cần thiết và ban thưởng cho những người đã tận tâm lo việc rửa tội. Đức cha Thaurel (Chiêu) đã trình bày điều này trong thư chung đề ngày 27/8/1868: 'Chúng tôi xin các linh mục và giáo dân lưu tâm tới những người ngoại giáo trong việc dẫn dắt họ về đức tin. Những gì đã chi ra, cần cho chúng tôi biết để chúng tôi hoàn lại đầy đủ. Chúng tôi chỉ mong một điều là giáo dân và quí chức quan tâm đặc biệt tới việc rửa tội cho dân ngoại, và tường trình lại cho các bề trên. Xin các cha xứ cũng ghi danh những người xứng đáng trong công tác rửa tội này, hầu ban cho họ phần thưởng tưởng lệ xứng đáng theo lòng họ mong muốn, nhất là khi một người cần cặp mắt kính, thì phải nói rõ người đó bao nhiêu tuổi' (57).

2) Vài con số đáng khích lệ.

Chúng tôi xin đưa ra một vài con số tiêu biểu để làm bằng chứng: Theo phúc trình năm 1818-1819, đức giám mục Hà Nội cho biết trong giáo phận ngài đã rửa tội 18.180 trẻ em ngoại đạo sắp ly trần; đức giám mục Bùi Chu cho biết con số 8.126 em (58). Trong tờ phúc trình năm 1937-1938, thành quả của công tác tông đồ 'rửa tội cho trẻ em thuộc gia đình lương dân' là 16.624 em trong giáo phận Hà Nội, 3.520 em thuộc giáo phận Bùi Chu (59). Riêng giáo phận Sài Gòn, thì năm 1818, có 1.257 trẻ em ngoại đạo sắp ly trần được rửa tội (60), năm 1884, có 2.790 em (61), năm 1921 có 4.484 em (62), và năm 1923 có 8.333 em (63).

Chúng ta đừng quên rằng, song song với việc rửa tội cho những trẻ em ngoại đạo sắp ly trần, còn phải nói tới công trình các gia đình công giáo chuộc trẻ em ngoại đạo về làm con nuôi và cho các em vào đạo. Thư chung của đức cha P.M. Gendreau (Đông) đề ngày 21/11/1890, đã nhấn mạnh về sự kiện này (64). Cha Launay đã nêu lên con số 3.808 trẻ em ngoại giáo được các gia đình công giáo thuộc giáo phận Bùi Chu mua làm con nuôi trong năm 1918-1819 (65).

3 )Một mẩu truyện đẹp.

Để kết thúc, chúng tôi xin trích dẫn dưới đây một mẩu truyện đẹp giữa cha Patuel, cha xứ họ đạo Bái Thượng hiện nay thuộc giáo phận Thanh Hóa, và mấy bà 'chuyên lo việc rửa tội cho trẻ em ngoại giáo'. Không ra ngoài đề lịch sử mục vụ, mẩu truyện này cho chúng ta thấy rõ tinh thần cộng tác tông đồ giữa linh mục và bổn đạo thật đáng mừng, lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn của người công giáo Việt Nam thật cao quý. Cha Patuel thuật lại như sau:

Trong họ đạo của tôi, có một nhóm phụ nữ thánh thiện, chuyên tâm cầu nguyện và đi tìm rửa tội cho những trẻ em sắp ly trần. Tôi thấy họ thường trẩy đi với một thúng thuốc để thăm viếng những làng lân cận. Địa bàn hoạt động của các bà rộng khoảng 20 cây số. Thúng thuốc của họ nổi tiếng lắm. Thuốc viên, thuốc lá của người công giáo xem ra linh nghiệm hơn các thang thuốc của mấy thầy lang thông thường. Đi tới đâu, các bà cũng được hoan hỉ tiếp đón. Nhiều khi, các bà được người ta từ xa đến mời về làng của họ. Sau mỗi chuyến đi về, các bà có thêm nhiều kinh nghiệm, học hỏi được nhiều chuyện như tục ngữ Việt Nam quen nói 'đi một ngày đàng, học một sàng khôn'… Hôm nay gặp lại các bà, thấy các bà vui vẻ với nụ cười hạnh phúc, tôi hiểu ngay: các bà đã thành công, đã rửa tội được một hay hai em nhỏ ngoại giáo! Tôi cố tâm khuyến khích các bà và nài nỉ các bà nhận vài món thuốc tôi tặng thưởng. Nhưng tôi không khuất phục được các bà, vì những người phụ nữ can đảm này thâm tín rằng, nếu họ chấp nhận sự giúp đỡ, hoặc bằng tiền của, hoặc thuốc men, họ sợ bị đánh mất công đức của những lần rửa tội. Có những cuộc rửa tội mà họ không ghi vào sổ được. Những cuộc 'rửa tội đặc thù' mà dường như họ đã mất nhiều công sức, nhưng không biết ai sẽ được thừa hưởng công lao của họ. Nếu sự thể là thế, và các bà cũng hài lòng như thế. Bởi lẽ, dù những phúc trình cuối năm có thiếu sót chăng nữa, thì con số các linh hồn gia tăng cho nước trời vẫn không suy giảm. Cũng như mọi lần, đến thăm viếng tôi, hôm nay chúng tôi chỉ nói về những cuộc rửa tội. Bà Anna nói với tôi: - "Thưa cha, năm nay con không 'thành công' như năm ngoái ". - "Bao nhiêu? ". - "Không nhiều". - "Vậy là bao nhiêu?" - "Thưa sáu linh hồn" -"Sáu linh hồn! Tuyệt vời, tôi chúc mừng bà nhiều"… Bà Maria ngồi bên cạnh, có vẻ hồi hộp. Tôi hỏi bà: - "Chắc bà cũng thành công như thế!" - "Thưa cha, năm nay con không được mùa bao nhiêu" - "Ít hơn bà Anna sao?". - " Thưa cha, vâng, con không đạt được như vậy, vì bà Anna đã 'ăn cắp' của con một linh hồn. - "Ăn cắp! bà có cáo gian không đấy? Làm sao bà ta đánh cắp được ?". Bà Anna phản đối: - "Con đâu có 'ăn cắp'. Em bé được rửa tội đó thuộc về con mà". - "Sao vậy hả? bà giải thích cho tôi nghe xem!" - "Vâng, sự kiện là như thế này: hay tin có một em nhỏ ở làng bên cạnh Bái Thượng sắp ly trần, cả hai chúng con cùng chạy gấp đến dò cơ hội. Phải mất nhiều tháng lắm để đạt được giờ hạnh phúc này. Cả hai chúng con đua tranh nhau, thỉnh thoảng người này xin người kia nhường bước. Bà Maria nói với con: 'Chị đã có hai vụ rửa tội hơn em rồi, chị nhường cho em vụ này đi'. Con trả lời: "Nhường, em còn trẻ mà chị đã già, em còn có thời giờ để rửa tội nhiều 'vụ' hơn. Chị đã già rồi, em vui lòng nhường cho chị thiên thần này nhá v.v…". - "Cha hiểu rồi, cha hoan hô cả hai chị em và cha cầu chúc năm tới cả hai chị em sẽ được mùa, sẽ 'dâng cho Chúa nhiều thiên thần nhé!"… (66)

MỤC III: CÔNG TÁC VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI.

Dưới tựa đề 'công tác văn hoá và xã hội', mục này sẽ trình bày về việc tham gia của các chức việc vào sứ vụ của linh mục, liên quan tới việc tổ chức và chỉ huy các hiệp hội tôn giáo, các trường đạo và những chương trình bác ái của họ đạo. Chúng ta sẽ thấy, tất cả những hạt động này đều nhắm một mục đích duy nhất và tối hậu: rao giảng Tin Mừng

I. Các hội đoàn tôn giáo.

1) Từ đầu cho tới năm 1884.

a) Giai đoạn đầu: Trong chương III, chúng tôi đã trình bày: họ đạo được tổ chức làm sao cho mọi tầng lớp bổn đạo được kết hợp trong những hội hay nhóm sống đạo. Khởi đầu, chưa có những hội hay phong trào dưới hình thức Công Giáo Tiến Hành, họ đạo Việt Nam được tổ chức theo cách thức của một làng cổ truyền: sau các chức việc, các bổn đạo được chia thành ba lớp hay ba hàng, hàng bô lão, hàng tráng niên và hàng thanh thiếu niên. Mỗi hàng có vai trò và nghĩa vụ chung trong đời sống cộng đồng, tuy vẫn ở dưới sự chỉ đạo tổng quát của Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Quí Chức. Nhờ hệ thống này, việc dạy đạo tiến hành, công việc chung xuôi chảy, những sáng kiến chung được thể hiện, chẳng hạn, họp nhau cầu nguyện ở nhà thờ, thi giáo lý và những công tác tập thể khác… Chúng ta còn thấy vai trò quan trọng của các chức việc dưới danh hiệu 'quản giáo', lo cho các trẻ em của họ đạo. Họ huấn luyện các em, đào tạo chúng thành những người công giáo tốt, để mắt tới chúng trong nhà thờ và mọi nơi… Quả thật, rất khó làm cho người ngoại giáo trở lại đạo, và không dễ gì giúp người tân tòng thành người công giáo sốt sáng, cũng không dễ gì huấn luyện cho trẻ em đã rửa tội nên người công giáo thuần thục… Vì vậy, cần sự huấn luyện kiên trì, tận tình, chu đáo về mọi điểm, một sự cộng tác tích cực giữa những người có trách nhiệm trong mỗi họ đạo. Những người nói đây là linh mục và quí chức. Cha Cadière có lý khi viết: "Các chức việc khi xưa đã không bỏ rơi trẻ em sau khi rửa tội. Khi em có trí khôn, họ quan tâm tới em. Qui luật xưa truyền cho họ phải dạy các em biết cầu nguyện và biết những chân lý căn bản trong đạo. Chính nhờ hoạt động của các chức việc mà các bổn đạo, từ khi rửa tội cho tới khi ly trần, đều trung thành gắn bó với đạo Chúa, ngay trong những cơn bắt đạo lâu dài và đẫm máu nhất (68).

b) Các hội đoàn đầu tiên. Từ những thời kỳ đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, chúng ta đã thấy xuất hiện vài hội đoàn, dù chưa được phát triển lắm, tỉ như 'Hội Bác Ái' do cha Courtaulin thành lập tại Faifo. Trong thư đề ngày 30/8/1675, gửi cho đức cha Lambert de la Motte, cha viết: "Con đã khích lệ tất cả mọi tín hữu ở tỉnh này (Faifo) gia nhập Hội Bác Ái mà con vừa thành lập với ba mục đích: - 1/ Trợ giúp những ai bị sách nhiễu vì Đạo, - 2/ Trợ giúp những người nghèo đói và những bệnh nhân nghèo, chết vì thiếu thuốc men. - 3/ Cầu nguyện cho các linh hồn còn trong luyện tội (69). Theo chúng tôi, chắc đây là một hội đạo xưa nhất tại Việt Nam. Sau đó, là 'hội Nghĩa Binh' dành cho các thiếu niên do cha Lopez, bề trên dòng Tên lập tại Nam Kỳ. Cho các ông thì có 'Hội Chúa Ba Ngôi', 'Hội Máu Thánh'. Cho các bà thì có 'Hội Đức Mẹ Đồng Trinh', 'Hội Chết Lành'. Cần minh xác rằng hội cầu cho 'Các Linh Hồn Luyện Tội' rất phổ biến trong các họ đạo, vì quan niệm này rất tương hợp với lòng tôn kính Tổ Tiên của dân Việt Nam. Hội Dòng Ba Phanxicô cũng phổ biến sớm tại Nam Kỳ, giống như hội Dòng Ba Da Minh tại Bắc Kỳ (70). Luôn luôn, các chức việc có một ảnh hưởng lớn đối với các hội đoàn trong họ đạo. Thường thường, tại Việt Nam, một người có thể ghi danh vào nhiều hội và đồng thời đảm nhận hai, ba trách nhiệm khác nhau.

2) Sau năm 1884.

a) Các hội đoàn chính: Đặc biệt sau thời kỳ bách hại, nghĩa là sau năm 1884, hay còn gọi là giai đoạn tái thiết, nhiều hội đoàn hay tổ chức khác nhau được chính thức thành lập và phát triển nơi các giáo xứ. Các hội đoàn chính được nhắc lại trong các cuốn Chỉ Nam của các giáo phận: Hội Truyền Bá Đức Tin, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Đức Bà núi Carmêlô, Đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể, Phong Trào Hùng Tâm Dũng Chí, Đoàn Hướng Đạo Công Giáo, Hội Con Đức Mẹ (71).

b) Trước Công Đồng Đông Dương năm 1934: Những hội đoàn và những hiệp hội chưa được thiết lập theo cấp địa phận, mà mới ở cấp giáo xứ thôi. Thường có một tên gọi chung, nhưng việc điều khiển và huấn luyện các thành viên, tùy thuộc vào sáng kiến riêng của cha xứ, thầy giảng, nữ tu hay các chức việc. Các chức việc thường lãnh trách nhiệm khi họ đạo không được may mắn có có sự hiện diện thường xuyên của linh mục, thầy giảng hay nữ tu.

c) Sau Công Đồng Đông Dương: Mọi hội đoàn và tu hội được tổ chức lại trên cấp giáo hạt và được chấn chỉnh lại do Công Giáo Tiến Hành (72). Tuy vậy, ảnh hưởng và trách nhiệm của các chức việc vẫn còn nhiều. Lý do là các cuốn Chỉ Nam, do ảnh hưởng của Công Đồng Đông Dương, đã đồng thanh tuyên bố: "Các chức việc, như cây trầm hương cho Công Giáo Tiến Hành, không hủy đi những tổ chức cũ, nhưng thích nghi vào một mục tiêu đã được đức giáo hoàng Piô XI qui định: việc tông đồ của mỗi người trong môi trường của mình là do lời cầu nguyện, gương sáng, hoạt động âm thầm và quan tâm đến anh chị em lương dân sống xung quanh mình (73). Và đây là nghị quyết của Công Đồng Đông Dương năm 1934: "Nếu những chức việc được tuyển chọn kỹ lưỡng, nghĩa là được đào tạo và tôi luyện sống liêm khiết và công chính, hiếu hạnh và đạo giáo, họ sẽ là những phần tử tinh anh của các tín hữu và là nhân tố cho hoạt động của Công Giáo Tiến Hành" (74).

3) Tất cả cho việc rao giảng Tin Mừng.

a) Mục đích chung của các hội đoàn: Một điểm cần lưu ý, là hầu hết các hội đoàn, ngay cả những hội đoàn đạo đức, như hội Thánh Thể, đều có một mục đích là rao giảng Tin Mừng. Đó là lẽ đương nhiên đối với một xứ truyền giáo như Việt Nam. Cha Courtaulin đã qui định mục đích thứ nhất của hiệp hội Bác Ái do ngài sáng lập năm 1675: trợ giúp những ai bị nhiễu nhương vì Đạo (75). Rồi tập 'Quy luật của hiệp hội Thánh Thể, do đức cha Marcou xuất bản, khẳng định rằng: "Các thành viên của hiệp hội phải nêu gương sáng, sống đạo đức, khiêm nhường, chịu đựng và luôn nhớ rằng bổn phận của ho: là rửa tội cho những trẻ em gia đình ngoại đạo sắp ly trần, hoặc chuộc chúng lại để nuôi dưỡng; hơn nữa, khi thấy một người ngoại quốc gián đoạn cuộc du lịch vì bệnh nặng sắp chết, nếu ông là tín hữu, thì phải mời cho ông một linh mục, còn nếu ông là người ngoại giáo, thì phải khuyên ông trở lại đạo" (76). Vả lại, những hội đoàn phát triển nhất tại Việt Nam là những hội đoàn nhắm việc rao giảng Tin Mừng như mục đích chính: hội Truyền Bá Đức Tin, hội Thiếu Nhi, hội những Người lo Rửa Tội, hội Quản Giáo… Điều này hoàn toàn ứng hợp với nguyện vọng của Công Nghị Tonkin đầu tiên năm 1900: "Vì việc đưa dân ngoại trở lại với Chúa Kitô là mục đích của các xứ truyền giáo… Vì vậy cần thiết lập trong mỗi hạt vài hội đoàn, như hội Truyền Bá Đức Tin" (77).

b) Những ân xá do Tòa Thánh ban: Qua những thư chung của các giám mục, chúng ta thấy các ngài đã xinTòa Thánh ban nhiều ân xá cho những thành viên của các hội đoàn có mục đích chính 'rao giảng Tin Mừng', chẳng hạn như hội Quản Giáo. Theo thư chung của đức cha Marcou đề ngày 8.9.1908, thì thành viên của hội đoàn này được hưởng ân xá 7 năm mỗi lần khuyên nhủ được ai đi học giáo lý hay đi nghe cắt nghĩa về đạo; ân xá 7 năm mỗi khi họ tháp tùng linh mục mang Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt; ân xá 7 năm mỗi khi họ mang trẻ em tới nhà thờ để nghe giảng nghĩa giáo lý và cho chức việc nào cắt nghĩa giáo lý ngày chúa nhật; hưởng ân xá 10 năm mỗi khi chức việc đi tới họ đạo hay trang trại xa xôi để dạy giáo lý (78). Thư chung của đức cha Retord (Liêu) ngày 14/01/1847 đã trình bày tất cả những ân xá mà Tòa Thánh ban cho các bổn đạo, đặc biệt cho các người nam nữ lo rửa tội. Sau đây là bản văn: "Tòa Thánh mong muốn rằng mọi người, linh mục cũng như bổn đạo, đều nhiệt tâm lo cho phần rỗi các linh hồn. Vì vậy, ngày 27/8/1843, Tòa Thánh đã ban hành một tự sắc, ban rất nhiều ân xá cho các bổn đạo khuyến dụ được người ngoại giáo trở lại đạo hay rửa tội cho trẻ em ngoại giáo gần sinh thì.

Các ân xá đó là như sau:

• Ai, do lời nói và việc làm, khuyên nhủ được một người ngoại giáo trở lại đạo và được rửa tội, hay rửa tội cho một trẻ em thuộc gia đình ngoại giáo gần sinh thì, hay lo cho người nào rửa tội cho em đó, thì được hưởng ân xá 7 năm và 7 mùa chay (sic); và ân xá này có thể chỉ cho các linh hồn nơi luyện tội.

• Ai, trong thời gian một năm, do lời nói và việc làm, đã khuyên được 10 người ngoại giáo trở lại, hoặc rửa tội cho 10 em thuộc gia đình ngoại giáo sắp lâm tử (hoặc chính mình rửa tội hoặc nhờ người khác rửa tội), thì được hưởng ơn toàn xá vào ngày họ lựa chọn, miễn là có xưng tội và rước lễ. Ân toàn xá này có thể chỉ cho những linh hồn quá cố" (79).

II. Các trường học thuộc giáo xứ.

Tại Việt Nam, các trường thuộc giáo xứ thường được chia làm hai: các trường dạy giáo lý và các trường phổ thông.

1) Các trường dạy giáo lý (dạy bổn).

a. Các trường dạy giáo lý có trong hầu hết các họ đạo, dù họ đạo nhỏ: "Scholae catechisticae fere in unaquaque christianitate habentur " (80). Các trường này được lập nên do sự cộng tác giữa cha xứ và Hội Đồng Quí Chức của họ đạo, rồi được bảo trì do một hay nhiều chức việc đã được huấn luyện, quen gọi là 'các quản giáo', do Hội Đồng Quí Chức tuyển chọn và cha xứ chấp nhận. Chung chung thì trong những họ đạo lớn, các trường dạy giáo lý thường do các thầy giảng hay các nữ tu làm việc sở tại, điều hành, trong sự cộng tác mật thiết với các quản giáo. Các trường dạy giáo lý thường mở cửa bốn đến năm tháng một năm. Các em học mỗi ngày một giờ rưỡi đến hai giờ. Các em học bổn khá đông trong mỗi giáo xứ (81). Nhờ những trường này, các trẻ em công giáo đã tinh thông sách bổn và thuộc nằm lòng những kinh nguyện mà tín hữu Việt Nam thích xướng lên trong nhà thờ hay tại gia đình. Cuốn Chức Sở Mục Lệ không bàn gì về phận vụ của họ về trường dạy bổn, nhưng cha Louvet đã xác quyết rằng 'các chức việc của mỗi họ đạo đều nhiệt tâm hoàn thành trách nhiệm này' (82).

b. Các cuốn Chỉ Nam nhấn mạnh: các cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội và Qui Nhơn đều khuyến cáo minh bạch như sau: "Cha xứ sẽ khai triển mọi hoạt động của ngài, để thấy rằng các trường dạy kinh bổn trong mỗi họ đạo đều được các chức việc bao quản" (83). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Qui Nhơn còn thêm: "Cha quản hạt có thể giúp đỡ các cha xứ của họ đạo nghèo, khi cung cấp cho các ngài ít sách kinh nguyện và giáo lý, khi một số sách đạo khác để tưởng thưởng và khích lệ các em xứng đáng nhất" (84). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế cũng xác định: 'Tầm quan trọng của các trường dạy giáo lý chắc không còn cần minh chứng nữa. Các trường này do các nữ tu điều hành tăng vượt hẳn lên. Nếu hiện nay, giáo xứ nào thiếu ngân quỹ tài trợ cho một nữ tu, thì hội Truyền Giáo Thánh Nhi (Sainte Enfance) sẵn sàng ứng giúp 100 đồng’ (85).

2) Các trường phổ thông.

a) Lâu hơn và chậm rãi hơn các trường kinh bổn. Nguyên do chính là chiến tranh và các cuộc bách hại. Nhờ thư của cha Longer viết cho cha Boilet, năm 1784, chúng ta biết là đã có bốn trường được thiết lập trong các họ đạo tại Dinh Cát, Đất Đỏ, An Ninh và Di Loan (86). Trong bức thư gửi cho các cha quản hạt địa phận Vinh năm 1916, đức cha Eloy đã viết: "Các trường phổ thông (thuộc nhà xứ) thường mới được thành lập. Ngoài giáo lý, còn dạy đọc sách, chữ viết, phép tính và chữ nho. Tuy nhiên, những môn này chỉ có trong những trung tâm lớn và lúc đầu còn khiêm tốn lắm: vào thời buổi này, mới có vài trăm học sinh thôi" (87). Chúng tôi có thể nói rằng chỉ sau năm 1860, người ta mới thiết lập các trường phổ thông trong những xứ đạo nhỏ hay trong những họ đạo lớn. Lịch sử chứng minh rằng các trường phổ thông đã được mở tại hạt Sài Gòn trước các hạt khác. Hai tu hội công giáo lưu tâm tới sứ vụ này là các sư huynh trường Công Giáo (Frères des Écoles Chrétiennes) và các nữ tu dòng Thánh Phaolô (St Paul de Chartres). Các nữ tu này tới Sài Gòn năm 1860 và các sư huynh năm 1866. Cha Louvet đã viết: 'Bên cạnh các viện mồ côi, còn có những trường xứ đạo, và đó cũng là một trong những quan tâm của các nữ tu dòng Thánh Phaolô’ (88).

b) Vì đòi hỏi mục vụ, các trường dạy kinh bổn trở thành những trường tiểu học để dạy các em vừa học giáo lý, kinh nguyện, vừa học viết, học phép tính… Để nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường công giáo, cuốn Chỉ Nam của Sài Gòn đã tuyên bố: "Chúng ta luôn nhớ rằng trường công giáo là một trong những công trình mục vụ quan trọng nhất của sứ vụ chúng ta phải đảm nhiệm. Khi công giáo hóa những người chủ gia đình, chúng ta quan tâm đặc biệt tới hiện tại, khi thiết lập và duy trì các ngôi trường, chúng ta chuẩn bị cho tương lai. Đối thủ của chúng ta họ biết rõ như vậy. Vì thế họ tìm mọi cách để đưa các em nhỏ ra khỏi các trường công giáo và đưa vào trường ngoại giáo. Con cái của sự sáng phải can đảm và khôn ngoan hơn con cái của bóng tối. Vậy xin quí linh mục phải dồn mọi nỗ lực để bảo đảm việc giáo dục đạo đức cho các con em thuộc họ đạo mình" (89).

3) Bổn phận của các chức việc.

Bổn phận của các chức việc đối với các trường nhà xứ, hệ tại họ cộng tác với cha xứ và các bổn đạo:

a) Để xây dựng trường học: Cha Cadière thuật lại rằng: - với sự trợ giúp của các chức việc và các người công giáo ở Di Loan, Hoa Ninh và Loan Lý, ngài đã hoàn thành những ngôi trường đẹp. Và mọi việc cũng diễn tiến tốt đẹp như vậy trong các vùng truyền giáo thuộc giáo phận Huế và toàn cõi Đông Dương. Rồi cha nêu bằng chứng cụ thể là việc xây dựng ngôi trường Loan Lý: dưới sự điều hành của các chức việc, mọi người đều bắt tay vào việc, từ các ông, các bà, đến các trẻ em. Công trình diễn tiến tuần tự, các trẻ em tại Loan Lý đã có một ngôi trường khang trang, mỗi ngày có hai nữ tu của tu viện Di Loan đến dạy học, dạy các em tập đọc tập viết, dạy các em kinh nguyện và những chân lý của đạo Chúa… Ai nấy đều thỏa lòng…" (90).

b) Nhằm bảo vệ trường học: các chức việc, nhất là các quản giáo, phải lưu ý tới những vấn đề tài sản, trật tự trong nhà thờ và trường học. Sao cho những nơi thánh được hoàn hảo… Nếu họ thấy có gì hư hỏng, phải lo sửa ngay (91).

c) Trong việc chọn lựa các giáo viên nam nữ: Khi họ đạo không có cơ may được một thầy giảng hay vài nữ tu cư ngụ thường xuyên, thì chính những chức việc phải chọn các giáo viên nam nữ cho trường học xứ đạo, với sự chấp thuận của cha xứ. Điều này đã được minh định trong Công Nghị Tonkin đầu tiên năm 1900 (92).

d) Lo gây tài sản cho trường học, để khi cần, có thể trả lương cho giáo viên nam nữ, hay sửa trường v.v… Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Hà Nội đã qui định: "Nhằm tiếp tục và phát triển trường học xứ đạo, cần tạo nên một nguồn vốn vững chãi cho trường. Thực hiện công việc lớn lao này là do sự cộng tác giữa cha xứ và những chức việc của mỗi họ đạo (93). Cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn còn đi xa hơn: "Vì nguồn lợi khiêm tốn nên giáo phận không thể cung ứng hết mọi phí tổn, nên các họ đạo kỳ cựu phải góp phần chi phí các trường nhà xứ. Với sự hiểu biết và kiên tâm, cha sở và Hội Đồng Chức Việc làm sao cho các bổn đạo có tuổi tác, dễ chấp nhận chi phí này. Lý do, quỹ Truyền giáo chỉ giúp bảo trì được những trường của họ đạo không tự trang trải nổi mà thôi" (94).

e) Thúc dục các bậc làm cha mẹ gửi con cái đến trường công giáo, và khuyên răn chúng đi học: Các bậc làm cha mẹ, bằng mọi cách, phải chu toàn trách vụ này. Cha xứ có thể từ chối giải tội (refuser l'absolution) (trừ trường hợp bất khả kháng) cho những ai không muốn gửi con tới trường công giáo, trừ khi minh chứng được rằng các em có thể được huấn luyện chu đáo tại nhà (thuê thầy về dạy)… (95) Chúng tôi thấy từ Công Nghị Bắc Kỳ đầu tiên, 1900, cha xứ phải tường trình hàng năm cho bề trên địa phận về những trẻ em học trường nhà xứ, nhất là trường dạy kinh bổn (96).

III. Hoạt động bác ái

1) Đức ái là nền tảng và rao giảng Tin Mừng là chủ đích.

Những hoạt động bác ái của các chức việc họ đạo tại Việt Nam thường rất khiêm tốn và ẩn danh. Rất ít tài liệu nói về điểm này. Dầu sao, có thể nói rằng: những hoạt động bác ái của các chức việc chính là những hoạt động rao giảng Tin Mừng: chăm sóc mọi tín hữu của họ đạo, nhất là những người đang học giáo lý, mới theo đạo, bệnh tật, chôn cất người nghèo khó, làm gương cho mọi người sự tận tụy với bổn phận, năng đi xem lễ, cầu nguyện, tuân giữ qui luật của họ đạo. Đức ái (mến), đối với Thiên Chúa và các linh hồn là nguyên nhân đầu tiên, là động lực tiên khởi của mọi hoạt động rao giảng Tin Mừng của các linh mục, các chức việc và mọi giáo dân: "Một sứ vụ được thực thi một cách lịch thiệp, vô vị lợi, đầy lòng bác ái, sẽ đánh động người lương hơn là một luận cứ hùng hồn về chân lý tôn giáo và có thể quyết định việc trở lại của một hay nhiều gia đình. Do đó, chúng ta hiểu lý do thúc dục các Đấng bề trên trong Giáo Hội, luôn nhấn mạnh tới những đức tính tốt, gương lành, ý nghĩa của công ích, và gương tốt cũng như đời sống kitô giáo của một ứng viên vào trong Hội Đồng Chức Việc" (97).

Những hành động của đức ái là những biểu hiện của việc rao giảng Tin Mừng, của đời sống tín hữu. Chúng ta thấy rõ điều này khi đọc lại nội quy của các hội đoàn công giáo. Đầu tiên là hoạt động bác ái của hiệp hội mà cha Courtaulin đã sáng lập năm 1675: 'Một trong ba mục đích của hiệp hội bác ái là chăm sóc những người cùng quẫn và những bệnh nhân nghèo qua đời, vì thiếu trợ giúp y dược. Vì vậy, mọi hội viên buộc phải đi thăm và chăm sóc người bệnh và tù nhân, an ủi những người bị áp bức, dạy cho các em chưa biết cầu nguyện hay chưa biết lẽ đạo. Nếu vị nào muốn cúng tiền, ông sẽ trao tận tay người thủ quỹ của tu hội, người này sẽ kín đáo trao cho kẻ nghèo' (98). Tiết VII trong qui luật của hội 'Thánh Thể' đã xác định rằng: "Mọi hội viên của hiệp hội, khi thấy ai và nhất là người thân thuộc muốn kiện cáo một người nào, phải cố gắng khuyên nhủ để cả hai cùng làm hòa, hay khuyên nhủ nhau biết sống huynh đệ hơn, khiêm nhường chấp nhận mất mát đôi chút hầu giữ đức bác ái…". Hơn nữa, nếu ai thấy một trong những người anh em của mình say sưa rượu chè và thuốc phiện, hay sống trong tội lỗi và gây gương mù, phải động lòng xót thương và khuyên nhủ họ thống hối. Nhân đó, ta có thể khuyên nhủ người ngoại trở lại đạo" (99).

Sau cùng, điều luật của Hội Thiên Thần cũng yêu cầu "các hội viên phải làm gương sáng, sống đạo đức, khiêm nhường chịu đựng và luôn nhớ rằng: bổn phận của họ là rửa tội cho các trẻ em trong gia đình ngoại giáo gần sinh thì hay chuộc lại các em để nuôi dưỡng. Trong trường hợp họ không có đủ tiền, họ có thể xin với ông trùm họ đạo để ông gíúp đỡ tùy khả năng" (100).

2) Vài thực hiện khiêm tốn.

Trung thành với truyền thống của Giáo Hội, các giám mục Việt Nam, đã hết sức lưu tâm tới công trình của đức bác ái, và bệnh viện có một vai trò đặc biệt. Các nghị phụ của Công Nghị Nam Kỳ năm 1880 mong rằng: "Các công trình của đức ái Kitô giáo sẽ có một sức lôi kéo rất mạnh với người ngoại giáo. Các bệnh viện cho tới giai đoạn này vẫn là cơ hội cứu rỗi cho nhiều người, cần tăng thêm con số này tùy khả năng của chúng ta" (101). Mười tám năm sau, các nghị phụ của Công Nghị Bắc Kỳ, năm 1900, đã mong mỏi thiết lập những bệnh viện không những trong những thành phố lớn của mỗi giáo phận, mà cả trong những giáo xứ lớn nữa" (102).

Thực vậy, từ năm 1687, vài vị thừa sai đã bắt đầu công tác bác ái này trong họ đạo của mình. Thí dụ, cha Longois đã cho chúng ta hay, qua thư tín của ngài, đã thiết lập ba bệnh xá trong một cánh đồng rộng rãi, cao ráo và có không khí trong lành vào năm 1687 và bốn nhà phát thuốc cho bệnh nhân (103). Cha Cappony cũng viết 'Tôi xây một bệnh xá nhỏ có 8 phòng để săn sóc người bệnh công giáo hay dân ngoại' (104).

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương anh hùng của đức ái nơi người công giáo Việt Nam cũng có những trường hợp mà người công giáo thật ích kỷ. Và những trường hợp này đã khiến các nghị phụ Công Nghị Bắc Kỳ năm 1900, phải thông tri cho các cha xứ như sau: 'Thật đau lòng khi hay biết có những người nghèo hấp hối, bị đưa ra khỏi làng và để chết ngoài nắng. Các cha xứ phải lưu tâm để bổn đạo đừng tái diễn những hành vi vô nhân đạo này, hoàn toàn tương phản với đức ái Kitô giáo' (106).

Các chức việc không điều hành bệnh viện. Đó là phận vụ của cha xứ. Tuy nhiên, họ phải giúp ngài trong thời gian xây cất, kiểm soát thợ, khuyến khích các tín hữu hỗ trợ vào công tác này hoặc bằng tiền nong, hay như phần đông, bằng những ngày tham công.

3) Tấm gương của một quí chức.

Chúng tôi hân hạnh kết thúc phần này bằng câu truyện của ông Phanxicô, một chức việc đầy lòng nhân ái: ông là một chức việc thuộc họ đạo miền Bắc Việt Nam và là vệ sĩ của vua. Ông rất thương người nghèo, luôn sẵn lòng giúp đỡ họ. Nhất là luôn tự nguyện chôn cất người nghèo, hoặc xin sự trợ giúp của các gia đình trong khu xóm hay trong thôn làng, hoặc đưa tiền riêng cho gia đình họ để mua khăn liệm và quan tài cùng những vật dụng cần thiết khác. Tóm lại, ông luôn có mặt trong nhiều đám tang.

Chính do sự tận tụy với những người nghèo khó, ông Phanxicô bị tố cáo lên vua, một vị vua chống đạo Công Giáo. Vua truyền lệnh bắt ông, truất chức ông và tống ngục, bắt ông bỏ đạo. Ông Phanxicô quyết liệt từ chối lệnh vua và thân thưa rằng với bất cứ giá nào, ông vẫn luôn giữ vững đức tin công giáo, kính mến Thiên Chúa Tốt Lành hết tâm hồn và mong ước thể hiện luật nhân ái mãi mãi. Tức giận vì lòng trung thành của ông Phanxicô đối với đạo Chúa, nhà vua, sau khi phạt ông ba chục trượng, đã ra lệnh chém đầu. Ông Phanxicô là vị chức việc đầu tiên tử đạo tại miền Bắc Việt Nam (107).

Âm thầm, khiêm nhượng, nhưng rất tích cực và nhiệt tâm, đó là những đặc tính mà chúng tôi muốn nêu bật để ca ngợi sự tham gia của các chức việc họ đạo Việt Nam vào sứ vụ giảng dạy của các linh mục. Như chúng ta đã thấy, sự tham gia này âm thầm và khiêm nhương, vì không lãnh nhận một mối lợi vật chất nào hết. Tước vị và hành động của các chức việc phải nhìn dưới ánh sáng đức tin và ơn ích thiêng liêng, giới hạn trong phạm vi của một họ đạo, nhiều khi xa cách các họ đạo khác hay nằm sâu trong làng ngoại giáo.

Tuy nhiên, đây là một sự tham gia tích cực và nhiệt tâm, vì đã thể hiện không biết mệt, với ý thức niềm tin, bằng mọi hình thức cụ thể và những hoạt động tông đồ đa dạng: dạy giáo lý cho tân tòng, cho trẻ em, và cho người lớn, đem Tin Mừng tới dân ngoại dưới hình thức thăm viếng và chăm sóc kẻ liệt, điều khiển các hội đoàn, xây cất và bảo trì trường dạy kinh bổn hay trường tiểu học của họ đạo, và sau cùng dấn thân trong những công tác xã hội và bác ái… Họ làm tất cả trong tinh thần cộng tác chân thành và ngoan hiền đối với các linh mục, thầy giảng và các nữ tu.

Đúng ra phải nói rằng 'âm thầm, khiêm nhượng, nhưng rất tích cực và nhiệt tâm' là những điểm nổi bật trong sứ vụ tông đồ của các chức việc khi họ tham gia vào thừa tác vụ thánh hóa (officium sanctificandi) của linh mục. Các đặc tính này sẽ còn là những điểm son trọng yếu, khi họ tham gia vào thừa tác vụ quản trị (officium regendi) của các linh mục, như chúng tôi sẽ trình bày trong chương kế tiếp.

-----------------------------------------------------------------------------



Chú thích


(1) AD tit IV; cap. IV tr.112; DQN 322, DH 283, DHN 131.

(2) DQN 324,326, DH 284/1; DHN 131; PCI 118-119.

(3) DH 101, DQN 115, DHN 150

(4) SI 7 (1933)

(5) SI 7 (1933) tr.147

(6) AD tit IV cap. IV n.11, tr.113; DQN 324, DH 284, DHN 150, tr.146

(7) DQN 104,118

(8) DQN 324

(9) DHN 150

(10) Thư chung 1890, trong TCĐPTĐN, II, tr.205

(11) trong TCĐPT, I, tr.56-78

(12) DQN 325 DHN 132.

(13) MBTC II, tr.1-13.

(14) trongTCĐPTĐN, III, tr.26-37

(15) tron MBTC, II, tr.14

(16) DQN 332, DH 287

(17) CSML 42

(18) DH 127, DQN 144, xem DHN 205-207, PCI 325-329,DCO ch.V, tr. 235-246

(19) DQN 327, DH 284

(20) DHN 361-362 et

(21) DQN 329 DH 284/1

(22) DQN 330, DH 285, xem DHN 361-362

(23) DQN 330, DH 285

(24) xem chú thích số 13

(25) DQN 326

(26) DCO, part.I I, chap. IV, tr.225-234

(27) DHN 132

(28) DHN 150

(29) trong APF 20 (1848), tr.375-382

(30) trong Miss.Cah. 77 (1945) tr.172-177

(31)DQN 334 DH 389

(32) trong Miss.Cath. 77 (1945), tr.177

(33) xem DCO part II, ch.V, tr.235-246

(34) CSML I, xem PCI 364

(35) DQN 116, DH 102

(36) xem tr.18-23 của chương I, 68-75 của chương II

(37) PCI 364-365, DQN 116, DH 102

(38) CSML 38

(39) NKĐP (1920) số 596, tr.474

(40) NKĐP (1921), số 649, tr.490

(41) CSML 43

(42) DCO part. I, ch. tr.127

(43) xem Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I tr.550

(44) AD tit. IV, cap.VIII, n.1, tr.121-122

(45) AD tit. IV, cap.VIII, n.5, tr.123-124

(46) Il faut remarquer que les Tonkinois ont la coutume d'attribuer au démon toutes les maladies dont ils ne connaissent ni la cause, ni la nature ou celles qu'ils peuvent guerir par leurs remèdes, leurs sacrifices aux idoles et les autres superstitions… Et ils croyaient alors les gens attaques de telles maladies 'les possédés'. C'est la raison pour laquelle Iers missionnaires donnaient souent le nom 'possédé' aux paiens gravement malades. (xem Launay A. Histoire de la Mission au Tonkin, I, trg 300,note I).

(47) Launay A., sd, I, tr.300

(48) Launay A., sd I, tr.301.

(49) Launay A., sd I; tr.302

(50) Archives des MEP, vol. 657, tr.61

51) Archives des MEP, vol. 680, tr.276

(52) xem DH 130, DQN 148, DHN 293.

(53) AD tit.IV, cap.IX, nn.5-6, tr.123-124.

(54) CSML 39

(55) CSML 40

(56) xem CSML 41, DH 130, DQN 147, DHN 294

(57) Những thư chung của đức cha Chiếu và đức cha Phước đã lâm tử năm 1868 (thư chung của các đức cha Theurel và Puginier từ năm 1868), tr.14

(58) Launay A., Histoire de la Mission au Tonkin, I, tr.479

(59) Missions Catholiques en l'Indochine 1939, tr.56-58

(60) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, III, tr.455

(61) NKĐP (1921), số 661, tr.676

(62) NKĐP (1922), số 720, tr.1

(63) xem chú thích số 59

(64) xem TCĐPTĐN I, tr.222

(65) Launay A., Histoie de la Mission du Tonkin, I, tr.173.

(66) Miss.Cath. 47 (1915), tr.185-186

(68) OFCV trg Bull. MEP ( 1955), số 79, tr.962,965

(69) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, trg 159-160

(70) Louvet L., La Cochinchine Religieuse, I; trg 354-355; Phan phát Hườn, Việt Nam Giáo Sử, tập II, trg 483-517

(71) DQN 343-354, DH 292-296, DHN 173-176, Phan phát Hườn, sd II, tr.485-517

(72) Théodore, Esquisse surl'action catholique dans le Vicariat Apostolique de Bui Chu, trg 17-19

(73) PCI 364, DQN 116, DH 102

(74) PCI 365

(75) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, tr.122

(76) Xem TCĐPT, I, tr.169-170

(77) AD tit IV, cap VIII, n.1, tr.122

(78) XemTCDPT, I, tr. 92-107.

(79) TCDPTDN, I, tr. 286-287.

(80) Missiones Catholicae Descriptae 1888, trg 225, 1891, tr.234

(81) Chẳng hạn, tại giáo hạt Vinh, theo bản tường trình của đức cha Eloy, năm 195, đã có 15000 em đến các trường dạy bổn, xem Miss. Catho. 48 (1916), tr.232

(82) Louvet L. sd, II, tr.450

(83) DQN 335, DHN 131, 134, 135, 158

(84) DQN 335

(85) DH 290

(86) Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, III, tr.87

(87) trg Miss.Catol. 48 (1916), p.232

(88) Louvet L.; sd, II, tr.359-360

(89) DCO part II, ch.IV, n. 1, trg 225; Xem một thư chung của các giám mục miền Bắc, Tam Đao ngày 7.9 tong Miss.Cath.51 (1919), tr. 565.

(90) OFCV rrong Bull.MEP (1955), n.82, tr. 574-575

(91) CSML 21,22,24, 26.

(92) AD tit.IV cap. IV, n.II, tr.113

(93) DHN 163, xem thư chung của đức cha P.M.Gendreau ngày 21.11. 890 trong TCĐPTĐN, III, Trg 26-29.

(94) DCO, part II, ch.IV, n.2, trg 226; Xem thư chung của đức cha Marcou 1908, trong TCĐPT, I, trg 53-56

(95) CSML 42

(96) xem chú thích số 92

(97) xem CSML I, 7, DHN 150, DQN 113-114, DH 99-100

(98) Launay A. Histoir de la Miss. De Cochinchine, I, tr.160.

(99) TCĐPT I, tr.16

(100) trong TCĐPT I, p.390

(101) SC 50, trong Teysseyre, Un Missionnaire Albigeois, en Cochinchine, Mgr Galibert, app.352.

(102) AD tit IV, cap IV, n. I, II, tr.139-140

(103) Thư của cha Langois viết cho các cha giáo sư Đại chủng viện MEP, ngày 7.1.1689 và 4.12.1697, Trích dẫn lại theo cha Launay A., Histoire de la Mission de Cochinchine, I, tr.109

(104) Thư của cha Cappony à M.X. ngày 12.5.1692. Cha Launaytrích dẫn lại trong Histoire la de la Mission Cochinchibe, I, tr.109.

(105) xem cha Cadière, La Mission de Huê, trg ASME ( 1911), trg 295-296, Patuel, Egoisme Paien et Charité Chrétienne, trg Miss.Cath. 47 (1915) tr.303-305; Egoisme des Infidèles et la Charité des Chrétiens pendant le temps de la colérie, trg APF 22 (1850), tr. 393-395.

(106) AD cap IX n.11/2, tr.140: "Non enim sine magno animi moerere interdum auditur, incolas alicujus pagi mendicum prope examinem extra pagi seta asportare, et sub dio, ubi miserabiliter obit deserere. Haec adeo inhumana in christianitatibus accidere non ferant Sacerdotes; sic enim omnino graviter laeditur proximo debita charitas. Caute tamen pro locis et personis procedendum est, ubicumque agitur de aliquo rereusso aut vulnerato…'

(107) Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo tại VN, I, tr.207

Nội dung bằng đức giám mục khen thưởng một quản giáo

Chúng tôi, Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, đại diện cho đức giáo hoàng tại Roma, quyết định trao bằng tri ân này cho ông LÊ BÁ CẦN, quản giáo của họ đạo Thượng Chiểu, dựa trên những lời chứng của cha xứ họ đạo:

Ông Lê Bá Cần, tín hữu của họ đạo, là người đạo đức và xứng đáng được tưởng thưởng do những công trình đã làm cho đạo Công Giáo.

Chúng tôi trao cho ông bằng tri ân đặc biệt này, như biểu hiệu những lời cầu chúc chân thành, đối với công trạng và gương lành của ông.

Thanh hóa, ngày 06/10/1933