Lời giới thiệu (1996): Thế giới biết tới Đức Thánh cha Gioan Phaolô II như một thủ lãnh tôn giáo đầy quyền uy với sự điều khiển khéo léo việc truyền thông, nhưng cho đến nay, sống trong bầu khí cởi mở của Vatican, vị ấy còn giữ lại điều gì khó hiểu. Phần trích này, lấy từ cuốn từ cuốn His Holiness, xuất bản năm 1997 của hai tác giả Carl Bernstein và Marco Politi, cho chúng ta một cái nhìn rất con người và sâu xa vào bản thân của Đức Thánh cha. Đây là câu chuyện đặc biệt về một thanh niên Ba Lan ít người biết đến nhưng sáng chói, kẻ mà áng mây thảm kịch thời trai trẻ ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của mình; một trí thức, với một ít ham muốn các công việc của quốc gia, học để làm một bậc thầy về khoa địa lý chính trị. Và trên hết, là một con người cầu nguyện, nhưng cũng là kẻ làm việc mật thiết với Tình báo Hoa Kỳ để cứu quê hương mình và tạo hình cho lịch sử hiện đại bằng những cách thức trước đây chưa bao giờ được tiết lộ.
Dì phước Vincenza bước vào phòng ngủ dành cho Đức Thánh cha lúc hơn năm giờ sáng một chút. Dì thường đặt một cốc cà phê ngay bên ngoài cửa phòng ngủ của Đức Thánh cha vào lúc bốn giờ rưỡi mỗi sáng. Khi thấy cốc cà phê không được đụng đến, dì kinh hoảng. Vì thế, dì bước vào trong phòng, lùa bức màn.
Đức Gioan Phaolô I nằm co người trong tư thế đọc sách, dù chết, tay vẫn giữ chặt các trang giấy, khuôn mặt ngài cứng lại làm thành một nụ mỉm cười.
Hôm ấy là ngày 29 tháng Chín năm 1978. Sinh hoạt trong Dinh Đức Thánh cha rơi vào cảnh hoàn toàn đảo lộn. Ngày 26 tháng Tám trước đó, Hồng y đoàn đã họp tại Vatican bầu ngài lên kế vị Đức Phaolô VI. Ngài là Đức Albino Luciani, 65 tuổi, thượng phụ thành Venice. Ngài lấy hiệu Gioan Phaolô I, xuất xứ từ tên hai vị tiền nhiệm liền ngay trước ngài. Mọi sự đã dường như ổn định cho những năm sắp tới.
Đến 7:42 sáng, Đài Phát thanh Vatican loan báo cái chết của Đức Thánh cha...
Theo thông lệ, vị bộ trưởng ngoại giao ra lệnh thu dọn các vật dụng cá nhân của cố giáo hoàng, gồm kính đeo mắt, dép, và thuốc uống trên bàn bên đầu giường.
Một trong các vị thư ký riêng của Đức Thánh cha, sau đó, nói giản dị:
– Ngài kiệt sức bởi gánh nặng quá lớn đối với đôi vai mỏng mảnh và bởi sức nặng của sự cô đơn vô hạn.
Dường như dấu chỉ sự ra đi của Đức Gioan Phaolô I đã được báo trước. Không lâu trước ngày từ trần của mình, ngài nói với một trong các thư ký:
– Có thể tuyển chọn một vị khác tốt hơn tôi. Đức Phaolô VI đã chỉ ra kẻ kế vị ngài. Vị ấy từng ngồi ngay trước mặt tôi trong Nhà nguyện Sistine (tức Đức Hồng y Ba lan Karol Wojtyla). Ngài sẽ đến vì tôi sẽ ra đi.
Tại Krakow, Ba Lan, lời loan báo về cái chết của Đức Gioan Phaolô I tràn ngập đài truyền thanh. Tài xế của Wojtyla nghe tin ấy, vội đến toà hồng y. Lúc vào nhà bếp, anh có thể ngửi thấy mùi bánh mì, trứng và cà phê. Đức Hồng y Wojtyla đang ngồi trong phòng kế thảo luận chương trình trong ngày với những phụ tá thân cận nhất của ngài. Ngài luôn luôn dùng điểm tâm cạnh nhà bếp, giữa mùi nấu nướng khiến ngà nhớ lại thời thơ ấu.
Người tài xế nói với một trong các dì phước phụ trách nhà bếp:
– Đức Thánh cha ở La mã từ trần rồi.
Dì phước biểu lộ vẻ sửng sốt:
– Nhưng ngài đã qua đời tháng trước rồi mà.
– Không, vị mới lên ấy.
Anh ta thò đầu vào căn phòng nơi Đức Wojtyla đang dùng điểm tâm với thư ký của ngài, và nói:
– Thưa Cha, ngài nghe tin Đức Gioan Phaolô I qua đời chưa?
Đức Wojlyla vừa cho muổng đường vào ly cà phê. Ngài lạnh người, tái nhợt, đưa bàn tay phải mình lên. Trong im lặng, chỉ có tiếng động của chiếc muỗng rơi xuống bàn.
Giấc mơ của người mẹ
Cho tới khoảnh khắc ấy, cuộc hành trình dài của Đức Hồng y đã bắt đầu từ ngày 18 tháng Năm, 1920 khi mẹ ngài, bà Emilia Wojtyla chuyển bụng. Người phụ nữ 36 tuổi ấy sức khoẻ mỏng manh. Sáu năm trước đó, bà bỏ một đứa con gái; lúc này, bà sắp sửa sinh nở đứa khác.
Karol chồng bà ở bên cạnh. Ông giữ chức trung úy trong quân đội Ba lan, không ra mặt trận vì đã 40 tuổi. Vì thế, ông được sống với vợ trong trong thành phố tỉnh lẻ Wadowice và chăm sóc cậu con trai 13 tuổi Edmund trong thời gian vợ mình thai nghén.
Vào ngày bà Elimia chuyển bụng, Thống chế Josef Pilsudski khải hoàn trở về thủ đô Warsaw sau chiến trắng quân sự lớn lao nhất của lực lượng Ba Lan đối với Hồng quân Nga: chiếm được thành phố Kiev của Ukraina. Hôm đó, hàng ngàn người Ba Lan xếp hàng dọc theo đường phố nghênh đón người chinh phục Kiev. Đó cũng là ngày mà 59 năm sau, Ba Lan trải qua một ngày đầy hân hoan và hi vọng khi cậu bé ra đời trong ngày ấy tại Wadowice cũng khải hoàn trở về Warsaw.
Cậu bé được bố đặt tên là Karol, nhưng bà mẹ gọi cậu là Lolek. Cậu có tính sôi nổi, hay khôi hài với khuôn mặt giống hệt mẹ. Khi cậu con lớn ở nhà trường, bà Emilia dành hết thì giờ rãnh rổi cho cậu bé, chơi với cậu, đọc cho cậu nghe và kể các chuyện trong Kinh thánh.
Lúc Lolek sáu tuổi bắt đầu đi học thì sức khỏe luôn luôn yếu kém của bà mẹ trở nên tệ hại. Bà thường bị dán chặt vào giường vì đau lưng ghê gớm và những cơn chóng mặt.
Dù ngày càng hiếm những khoảnh khắc dễ chịu, bà Emilia vẫn vui vẻ thực hiện các dự tính với cậu con yêu của mình. Edmund, mà cha mẹ gọi tên ở nhà là Mundek, đang học bác sĩ ở đại học tại Krakow. Cậu sinh năm 1906, lanh lợi khác thường, đẹp trai và lực lưỡng.
Karol theo học trường nam tiểu học. Là cầu thủ bóng đá say mê, cậu xuất sắc trong việc học, noi theo gương ngoan đạo sâu xa của cha mẹ mình và là một người Công giáo mộ đạo. Ngay từ đầu, bà Elimia đã tâm sự với láng giềng giấc mộng muốn con mình thành linh mục.
Ngày 13 tháng Tư năm 1929, lúc cậu bé tám tuổi Karol đang ở trường học thì người ta mang bà Emilia vào bệnh viện. Bác sĩ khám thấy bà bị viêm cơ tim và viêm thận.
Cô giáo của Karol, cũng là láng giềng, gặp cậu lúc cậu đi học về, nói huỵch toẹt với cậu:
– Mẹ em chết rồi.
Lúc đó, bà Emilia chỉ mới 45 tuổi.
Cái chết của bà mẹ cướp mất sự hồn nhi ên của Karol. Cô giáo chú ý đến sự thay đổi tính khí của cậu. Cậu bắt đầu co rút về bản thân mình, tìm lẫn trốn trong sách vở, và cầu nguyện.
Từ ấy trở đi, nguồn suối hân hoan và liên tục độc nhất của cuộc sống Karol là anh mình. Lớn hơn Karol nhiều tuổi, Edmund là một tay chơi quần vợt giỏi và là một ngôi sao bóng đá. Vào các kỳ nghỉ của trường y khoa, Edmund dạy các cậu bé ở Wadowice thành cầu thủ giỏi.
Tình thương của Edmund dành cho cậu em nhỏ có thể nói là vô bờ. Người ta có thể thấy hai anh em lừa banh qua các con đường thành phố. Hoặc Edmund vác em mình trên vai băng qua các cánh đồng.
Với Karol, Edmund là nơi trốn tránh khỏi buồn phiền. Sự tự tin và lạc quan dường như trở lại với cậu bé khi cậu ở bên anh mình.
Năm 1930 Karol được bố đem đến Krakow vì Edmund đã tốt nghiệp trường y. Với ông Wojtyla lúc này đang sống bằng số hưu bổng khiêm tốn, việc tốt nghiệp của người con trai lớn cũng có ý nghĩa là sau cùng gia đình đã có chỗ nương dựa tài chánh. Bằng cấp bác sĩ của Edmund hứa hẹn một tương lai thuận lợi, thoát khỏi những thiếu thốn mà cả nhà quá quen thuộc với đồng lương trung úy ít ỏi của ông Wojtyla.
Sau khi tốt nghiệp, Edmund giữ chức vụ bác sĩ thường trú tại một bệnh viện ở Bielsko, Silesia, nơi Karol thường đến thăm anh mình.
Rồi xảy đến nạn dịch tinh hồng nhiệt. Edmund trải qua suốt đêm cạnh giường một thiếu nữ mà anh đặc biệt tận tâm. Sau đó bị nhiều cơn nhức đầu hành hạ khổ sở và sốt tới 40 độ, anh nhanh chóng nhận thấy cả mình nữa cũng bị truyền nhiễm. Anh rung người theo từng cơn kích sốt làm ói mửa và viêm họng. Ngày 4 tháng Mười Hai, 1932, anh chết cô độc trước khi gia đình có thể gặp mặt.
Chiều hôm ấy, một người láng giềng tốt bụng tìm thấy Karol cô đơn và thảng thốt ngoài sân chung cư họ ở. Bà kể lại:
– Tôi ôm lấy cậu và siết chặt cậu và thì thầm, ‘Lolek tội nghiệp, cháu mất anh cháu rồi’. Với bộ mặt trang nghiêm, cậu bé nhìn lên và nói giản dị, ‘Đó là ý Chúa’. Rồi cậu nhốt mình trong im lặng.
Nhiều chục năm sau, một nhà báo người Ý trình lên Đức Thánh cha Gioan Phaolô II một cuốn sách nhỏ đề tặng người anh của ngài, có hình của Mundek trên tấm áo giấy bọc bìa cuốn sách. Đức Thánh cha chầm chậm áp tấm hình ấy vào môi mình.
Đến nay, trong ngăn kéo phòng làm việc của ngài tại Vatican, vị giáo chủ tối cao ấy còn giữ một báu vật mà ngài nhận được từ nhân viên bệnh viện ở Bielsko: ống nghe bệnh của anh mình.
Bám sát đức tin
Trung úy Wojtyla quyết định rằng đứa con trai còn lại của mình sẽ tiếp nhận trọn vẹn sự nuôi dưỡng, tình yêu và kỹ luật mà ông có thể cung ứng. Bố và con cùng nhau cầu nguyện, dự Thánh lễ hẳng ngày và chơi giỡn với nhau. Có lần, một trong những bạn cùng trường của Karol đến thăm và nghe bên trong cửa rất ồn ào, tiếng la và tiếng dậm chân. Mở cửa, cậu ấy thấy hai bố con mặt đỏ ửng, đẫm mồ hôi trong phòng khách rộng, đồ đạc xếp lại hoặc dựng đứng vào vách. Cả hai đang chơi đá bóng với trái banh quấn bằng giẻ rách.
Karol dành tất cả thì giờ rảnh rỗi cho nỗi đam mê mới: diễn kịch. Cậu dẫn đầu trong các kịch phẩm của nhà trường. Với sự khích lệ của thầy giáo, cậu tham gia một đoàn kịch nghệ. Cậu biểu lộ rất nhiều hứa hẹn tới độ bạn bè không bao giờ nghi ngờ việc Karol sẽ trở thành một kịch sĩ hoặc một nhà văn. Cậu nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng. Những năm ấy đối với cậu thật hạnh phúc. Láng giềng thường nghe cậu hát vui vẻ khi đi xuống cầu thang để tới các buổi tập diễn.
Vào tháng Năm 1938, Tổng giám mục giáo phận Krakow là Adam Sapieha tới Wadocice để cử hành phép Thêm sức. Karol được ban cho vinh dự nghênh đón ngài, và cậu đã chào mừng ngài bằng một diễn từ cực kỳ tao nhã do mình soạn thảo. Đức cha Sapieha ngắm kỹ khuôn mặt nhạy cảm, bao phủ bởi tóc tai bồng bềnh của người học sinh ấy.
Vị Tổng giám mục ấy hỏi thầy dạy giáo lý của Karol :
– Sau khi tốt nghiệp, cậu ấy sẽ làm gì? Cậu ấy có sẽ vào chủng viện không?
Xin phép được trả lời trực tiếp, Karol nói:
– Con sẽ nghiên cứu văn chương và triết học Ba Lan.
Đức tổng giám mục đáp lại:
– Tiếc quá!
Trong lúc ấy, thế giới chung quanh họ đang thay đổi. Karol kết bạn thân thiết với Ginka Beer, một cô láng giềng gia đình ở cùng chung cư. Vào một ngày mùa hè 1938, người thiếu nữ này bất ngờ xuất hiện trước cửa căn hộ của Karol. Cậu tức khắc cảm thấy có điều gì không ổn. Ginka trước đây chưa bao giờ đến nhà cậu.
Cô ấy bảo cậu là bố mình, quản đốc ngân hàng địa phương, đã quyết định cả gia đình phải di tản. Ba Lan dường như không còn yên ổn cho người Do Thái. Những tên du côn trẻ tuổi thường hô hào tẩy chay các cơ sở mua bán và kinh doanh của người Do Thái, đang đập phá cửa sổ của họ.
Bố của Karol cố gắng thuyết phục cô ấy ở lại. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Không phải tất cả người Ba Lan đều bài Do Thái.
Karol cũng cố thuyết phục Ginka đừng đi, nhưng vô ích. Cậu bối rối cực kỳ, tới độ mặt đỏ bừng, và rồi buồn bã không nói nên lời. Karol lần nữa mất thêm người thân của mình.
Sau khi xong trung học, Karol cùng bố dọn đến Krakow và ghi tên vào Đại học Jagiellonian. Khi bom của Đức dội xuống thành phố ngày 1 tháng Chín, anh đang ở trong nhà thờ chánh toà cổ kính. Ngay lúc tiếng nổ dội lại và tiếng còi hụ vang lên, các toán quân Đức tiến vào Krakow.
Ba Lan sụp đổ nhanh chóng và kinh hoàng. Từ ngày 6 tháng Chín, người Đức xâm chiếm Krakow. Ngày 28 tháng Chín, Warsaw đầu hàng và đối với Karol Wojtyla, bắt đầu cuộc sống trong xứ Ba Lan bị chiếm đóng.
Quân Quốc xã nhanh chóng siết chặt dây thòng lọng trên dân chúng. Bất cứ ai làm việc gì mà không được chúng cho phép đều có nguy cơ bị tống xuất đi Đức. Vào mùa thu năm 1940, Karol làm công nhân tại một mỏ đá điều hành bởi công ty hoá học Solvay do người Đức chỉ huy ở ngoại ô Krakow. Suốt tám giờ trên công trường, anh bắt buộc phải làm việc ngoài trời lạnh cóng dưới 0 độ C.
Điều kiện làm việc thật ác nghiệt. Có một ngày, Karol thấy một đồng nghiệp tử nạn vì dăm đá chọc thủng màng tang lúc người ấy sử dụng cưa đá. Anh cảm giác nỗi đau đớn và cơn giận của những công nhân khác cùng sự quằn quại bi thương buốt nhói của người quả phụ.
Các công nhân gọi Karol Wojtyla là "anh chàng sinh viên" và quan sát lúc anh chịu đựng cơn lạnh mà chỉ mặc áo khoác xanh, quần xanh và đội chiếc mũ trì cứng trửng mồ hôi. Một ngày kia, anh làm họ ngạc nhiên khi tới mỏ đá anh xanh mét và run rẩy. Anh đã đem áo khoác của mình cho một người khốn khổ rách rưới nào đó mà anh gặp trên đường.
Công việc tại mỏ đá và tình trạng thiếu thốn của chiến tranh thay đổi thể chất của Wojtyla. Khuôn mặt anh gầy gò và xương xẩu. Khi bước, anh khòm lưng xuống. Khẩu phần thời chiến thật ít ỏi. Sự việc còn tệ hại hơn vì người thanh niên này còn có một ông bố đang bị bệnh nặng.
Vào ngày 18 tháng Hai năm 1941, trời băng giá lúc Wojtyla đi làm việc. Cha anh nằm liệt giường ở nhà, không thể tự lo liệu cho mình.
Sau giờ lao động, Wojtyla mang một ít thực phẩm, thuốc men và trở về căn nhà ở tầng hầm của mình với một người bạn của cô em gái. Anh bước vào phòng của bố, lát sau có tiếng khóc thổn thức vọng ra. Bố anh đã chết.
Ghì chặt cô gái, mặt đầm đìa nước mắt, Wojtyla khóc than:
– Tôi không ở đó khi mẹ tôi mất. Tôi không ở đó khi anh tôi chết. Tôi không ở đó khi bố tôi từ trần.
Suốt đêm, người con trai canh thức thi hài thân phụ. Suốt cuộc canh nguyện này, anh suy nghĩ về chính định mệnh mình. Nhiều năm sau, Đức Gioan Phaolô II nói về thời điểm ấy:
– Vào tuổi 20, tôi đã mất tất cả mọi người tôi yêu thương.
Trong những tháng kế tiếp, nỗi thương đau của anh gắn chặt anh hơn vào đức tin của mình. Sau cùng, năm 1942, người thanh niên ấy đi đến một quyết định. Ít lâu sau, Đức Tổng giám mục Sapieha giáo phận Krakow được báo cho biết là Wojtyla muốn trở thành linh mục.
Chủng viện bí mật
Đức Adam Sapieha, giám mục tông toà Krakow là một nhà quý tộc, một người yêu nước và một chính trị gia. Ở tuổi 72 ngài trụ lại cách cương quyết ở chức vụ mình khi quân đội Hitler tiến vào thành phố. Ngài giữ liên lạc với các nhóm kháng chiến, với chính phủ Ba Lan lưu vong ở Luân đôn và với Vatican. Ngài giúp đỡ riêng tư cho người Do Thái bằng cách cho phép phát hành các giấy chứng nhận rửa tội để bảo vệ họ thoát khỏi những cuộc truy lùng của bọn Quốc xã.
Trong thời chiếm đóng, quân Quốc xã ra sắc lệnh cho Giáo hội không được tiếp tục đào tạo các chủng sinh. Đức Sapieha bất chấp, thiết lập một chủng viện ngầm để bảo đảm cho Giáo hội một lưu lượng liên tục các ứng viên linh mục.
Wojtyla gia nhập chủng viện bí mật của Đức Tổng giám mục vào tháng Mười 1942. Lớp học được mở tại các tu viện, nhà thờ và tư gia. Mỗi sinh viên có một giáo sư được chỉ định để trông nom kềm cặp riêng từng người. Các sinh viên được chỉ thị giấu người quen kẻ biết việc học hành của mình.
Vào ngày "Chủ Nhật Đen" 6 tháng Tám 1944, mật thám SS và Gestapo bố ráp mọi đường phố nhằm đập tan bất cứ sự phối hợp nào của kháng chiến Ba Lan. Hơn tám ngàn người lớn và thiếu niên bị câu thúc.
Wojtyla đang cùng với các bạn trong căn hộ mình, nghe tiếng la hét và bước chân rầm rập của lính Đức. Đang khi anh cầu nguyện trong phòng thì những người khác cùng chờ đợi với anh, tê liệt vì sợ hãi.
Trên đầu mình, họ nghe lính Đức ra lệnh tiến lên cầu thang, nhưng trong lúc vội vã, vì lý do nào đó mà chúng không lùng sục tầng hầm của chung cư.
Ngày kế tiếp, Wojtyla, né tránh các đợt tuần tra quân sự, tìm đường tới toà tổng giám mục, nơi Đức Sepieha dấu các chủng sinh trẻ. Sau cùng, trong nơi kín đáo của chủng viện bí mật, Wojtyla khoác lên người chiếc áo tu sĩ mà mẹ anh đã muốn anh mặc.
Đức Sepieha đặc biệt trông nom Wojtyla. Họ thường dùng điểm tâm với nhau. Ngài yêu thích chàng thanh niên gầy gò, trầm mặc và sau đó, tên của Wojtyla được xóa khỏi danh sách các công nhân công ty hoá học Solvay.
Ít tháng sau, vào tháng Giêng 1945, khi sức kháng cự của Đức đối với quân Đồng minh bị bẻ gãy, Krakow được Hồng quân Nga giải phóng. Karol Wojtyla có thể chấm dứt việc học của mình tại Đại học Jagiellonian, và vào ngày 1 tháng Mười Một 1946, được Tổng giám mục Sapieha truyền chức.
Việc thất trận của Quốc xã không giải phóng được Giáo Hội – hoặc Ba Lan – khỏi áp bức. Sự củng cố có tính cách Stalinnít tại Đông Âu và Trung Âu rất nhanh chóng và thật ác liệt. Nhưng tại Ba Lan, Giáo hội hậu chiến lập tức trở thành tiếng nói đối lập thầm lặng.
Trải qua nhiều thế kỷ, trong chiến tranh và chia cắt, văn hoá Ba Lan và giai cấp nông dân đã trở thành gắn bó một cách không thể tháo gỡ với Giáo hội, vốn luôn luôn đứng trên căn bản chống lại kẻ xâm lăng và những người bản xứ ngoại đạo. Với dân số Công giáo tràn ngập, Ba Lan có tính cách độc nhất. Các lãnh tụ thịnh nộ của Bộ chính trị ở Mátcơva không thể hiểu cách giản dị rằng Giáo hội Công giáo tại Ba Lan là một sức mạnh.
Sau một năm rưỡi du học ở Roma, Wojtyla trở về Ba Lan. Để tạo cho Wojtyla dễ dàng hội nhập vào hàng ngũ Giáo hội, Đức Sapieha, lúc này đã là hồng y, chọn cho linh mục ấy một họ đạo ở thôn quê cách Krakow 50 cây số. Làng đó có 200 dân và một ngôi nhà thờ gỗ.
Nhiều người kể lại câu chuyện về cách mà Wojtyla, một linh mục gầy gò trong chiếc áo thầy tu sờn vải, lúc đến mang hành lý của mình trong một túi xách thể thao, lê bước chầm chậm dọc theo con đường không có lề đường.
Trong bảy tháng, Wojtyla nếm mùi kinh nghiệm mục vụ: làm phép rửa tội, nghe xưng tội, cử hành lễ cưới và đám ma, viếng kẻ liệt, dâng Thánh lễ, chăm sóc cuộc sống tinh thần cho các bổn đạo nhà quê.
Chính trong ngôi làng quê mùa này mà vị linh mục trẻ nếm trải kinh nghiệm đầu tiên cùng cách hoạt động của guồng máy Stalinnít. Khi cơ quan công an mật muốn giải tán Đoàn Thanh niên Công giáo địa phương, thí dụ, họ yêu cầu một trong các thành viên cung cấp tin tức về toàn nhóm. Người thanh niên ấy từ chối.
Vào một buổi tối, công an bắt anh ấy lên xe, mang anh đến làng bên và đánh đập anh nặng nề. Anh trở về làng sáng hôm sau trong cơn chấn động.
Wojtyla an ủi người ấy và nói về những người Cộng sản:
– Stanilaw, anh chớ lo. Rốt cuộc họ sẽ tự kết liễu họ thôi.
Tháng Ba năm 1949, Đức Hồng y Sapieha thuyên chuyển Wojtyla tới giáo xứ đại học St. Florian ở Krakow. Vị hồng y lão thành nhận ra là ở nơi đó, cha Karol có thể triển khai trọn vẹn mối quan hệ tuyệt vời của ngài với thanh niên.
Wojtyla bắt đầu làm những chuyến đi tới núi non hoặc sông hồ với các thanh niên nam nữ trong đại học. "Các cô và các cậu" - qua cách mà ngài nói với họ - cảm thấy sự nồng ấm đặc biệt đối với ngài. Hằng ngày, ngài bắt đầu với Thánh lễ, rồi dẫn đầu một đoàn dài các trại sinh leo núi hoặc bơi thuyền.
Ngài mặc quần áo như người thường, thường là áo thun và quần cụt để che giấu hành tung của một linh mục. Chính quyền nghiêm cấm giáo sĩ không được hướng dẫn các nhóm thanh niên ở bên ngoài nhà thờ của mình. Các sinh viên gọi ngài là “chú” – phần vì yêu mến, phần vì tránh bị nghi ngờ.
Ngài thường chọn riêng ra một sinh viên để suốt ngày trải qua những giờ tận tâm cách riêng với mỗi người. Thanh niên cởi mở với ngài và thẳng thắn thảo luận về mọi loại vấn đề – kể cả cuộc sống tình ái của mình.
Năm 1954, Wojtyla bắt đầu giảng dạy môn luân lý tại Đại học Công giáo Lublin. Ngài thường đội mũ bê rê màu đỏ tiá vui nhộn, đeo kính gọng sừng và chiếc áo dòng màu đen sờn vải từ thuở ngài thường hay quì gối.
Tại đại học, ngài tham gia một nhóm nhỏ các giáo sư bí mật tụ họp thảo luận về tình trạng gay go của Giáo Hội. Không khí chính trị và tôn giáo tại Ba Lan trở nên quyết liệt hơn. Các tu sĩ bị bắt bớ. Tuần báo Công giáo ở Krakow bị đóng cửa vì từ chối đăng lời cáo phó Stalin ngay trang đầu.
Khi Giáo hội Công Giáo chiến đấu tìm cách chung sống với Cộng sản, Karol Wojtyla, một linh mục ít người biết tới của Krakow, sắp đặt bước chân đầu tiên của mình lên điểm ánh đèn sân khấu rọi sáng.
Người chưa thể lường trước
Ngày 4 tháng Bảy 1958, Wojtyla được triệu tập khẩn cấp tới nơi ở tại Warsaw của Đức Hồng y Wyszynski, giáo chủ, cũng là nhà lãnh đạo Giáo hội. Suốt mười năm, Đức Wyszynsky là biểu tượng cho Giáo hội Công giáo Ba Lan. Bằng những ứng xử khôn khéo và ngoan cường, bằng con đường ngoại giao, ngài bảo vệ truyền thống độc lập của Giáo hội.
Lúc này, Đức Wyszynski lẹ làng đưa mắt nhìn vị linh mục trẻ rám nắng, kẻ mà ngay trong chiếc áo dòng của mình cũng cho thấy sự cường tráng và lực lưỡng. Đức Hồng y không hiểu nhiều về người trẻ tuổi này ngoại trừ số tuổi của người ấy, 38, và việc ngài bị người ấy ngắt lời trong một cuộc tỉnh tâm của một nhóm thanh niên.
Wyszunski đưa bàn ta xương xẩu của ngài cầm một tờ giấy lên khỏi mặt bàn. Ngài mở lời:
– Đây là một lá thư ưu ái mà Đức Thánh cha gởi cho chúng ta. Xin hãy nghe: 'Tôi chỉ định Linh mục Karol Wojtyla làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Krakow; xin vui lòng chấp thuận sự chỉ định này’.
Đức Hồng Y nhìn Wojtyla ngưng lại để xem xét phản ứng của vị linh mục trẻ, rồi hỏi:
– Cha có chấp nhận không?
Wojtyla thưa vâng. Ngày 28 tháng Chín 1958, Karol Wojtyla được truyền chức giám mục tại Nhà thờ Chánh toà Wawel ở Krakow.
Chưa đầy hai tuần sau, ngày 9 tháng Mười, Đức Thánh cha Piô XII qua đời ở tuổi 82, và ngày 28 tháng Mười các hồng y bầu Đức Angelo Giuseppe Roncalli, 76 tuổi, lấy danh hiệu là Đức Thánh cha Gioan XXIII. Chỉ mới nội trong ba tháng đầu, vị tân Đức Thánh cha này đã triệu tập một Công đồng toàn thế giới. Thiệp mời gởi tới cho 2.594 giám mục khắp thế giới, trong đó có Đức Karol Woltyla.
Giáo hội Công Ggáo là một định chế luôn luôn có khuynh hướng xem rất trọng tính liên tục. Nhưng hội nghị của các thủ lãnh Công giáo từ tháng Mười năm 1962 đến tháng Mười hai năm 1965 được xem chính xác như một đoạn tuyệt căn bản với quá khứ. Công đồng Vatican II là một cuộc cách mạng.
Tại Vatican II, chủ trương chuyên chế của trung ương – bộ máy thư lại toà thánh tại La Mã hàng thế kỷ độc đoán cùng sự bắ t buộc tôn trọng tuyệt đối các luật lệ của cuộc sống Công giáo – bị tước bỏ. Công đồng phá vỡ kiểu thức của một Giáo hội kế thừa từ Thời đại Phục hưng của Công đồng Trentô (1545-63), và cho phép nối lại tình hữu nghị với các giáo hội Thệ phản (Tin lành) và Chính thống giáo phương Đông và từ bỏ chủ nghĩa chống Do Thái.
Khi Giám mụ c Wojtyla lần đầu tiê n đến La Mã, vị giáo sĩ 42 tuổi này là một người chưa ai lường trước được. Nhưng công đồng sẽ thay đổi cuộc đời của vị ấy. Các buổi hội luận của công đồng là trường học lớn lao cho ngài. Ngài quan sát, lắng nghe và học hỏi. Từ ghế ngồi của mình trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngài là chứng nhân các cuộc đối đáp, những tràng vỗ tay thắng lợi, những bùng nổ thịnh nộ, và sự thành hình các khối phiếu thể hiện lề lối dân chủ nghị trường của Giáo hội.
Ngài bắt đầu tiếp xúc với những khuôn mặt có ảnh hưởng trong Giáo hội. Tại La Mã ngài gặp lại người bạn cũ, Cha Adrzej Maria Deskur từng cùng ngài theo học ở chủng viện và có một am hiểu sâu xa về trung ương. Cha Deskur giới thiệu Đức Wojtyla với những khuôn mặt chủ yếu trong các nhóm ở Vatican. Cha Deskur kể lạI:
– Mỗi ngày thứ hai tôi hỏi ngài muốn gặp ai, và Karol đưa cho tôi một danh sách.
Tại Công đồng Vatican II, những người Ba Lan là phái đoàn quan trọng ra đi từ thế giới cộng sản, và chẳng bao lâu, Đức Wojtyla trở thành một trong các người phát ngôn của phái đoàn.
Vị tân giám mục của Krakow bắt đầu lôi cuốn sự chú ý. Ngài nổi bật trong sự kính mến của Công đồng vì kiến thức, khả năng lắng nghe của ngài và việc ngài coi thường tính chất tinh thần của chủ nghĩa cộng sản.
Dù đôi khi bị đánh giá là người theo những nguyên tắc trừu tượng, quá cách biệt với chính trị, Đức Wojtyla biết cách sử dụng uy lực của các ý nghĩa tượng trưng. Khi ngài chính thức trở thành tổng giám mục của Krakow, ngài khải hoàn bước vào Nhà thờ Chánh toà Wawel, mặc phẩm phục được trao cho các tổng giám mục vốn có nguồn gốc từ thời Trung cổ.
Phẩm phục tráng lệ ấy của Đức Wojtyla tiêu biểu cho gần một ngàn năm lịch sử Ba Lan. Nó không chỉ là tôn trọng truyền thống mà còn là cách nhắc nhở các tín đồ và "những người ngoại giáo" đang nắm quyền rằng Giáo hội của Ba Lan là của dân tộc, và lịch sử của Ba Lan đã không thể hiện hữu nếu tách biệt khỏi Giáo hội.
Sự thách thức của Đức Wojtyla còn công khai hơn. Từ những ngày mới làm giám mục, ngài đã dài ngày vận động cố sở đắc cho được giấy phép dựng một nhà thờ tại Nowa Huta, một thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu do Cộng sản xây dựng sát bên trong địa giới của giáo phận Krakow.
Khi chính quyền không giữ lời hứa, vào dịp lễ Giáng sinh ngài đến khu vực đã hứa cho xây nhà thờ và cử hành Thánh lễ nửa đêm ngoài trời trong tuyết lạnh.
Ngài tới tấp đòi hỏi giới cầm quyền bằng một chuỗi thỉnh nguyện kiên định và các yêu cầu về các chủng viện mới, nhà thờ mới và những cuộc rước kiệu công khai. Ngài phản đối toan tính của chính quyền ngăn chận việc dạy giáo lý cho trẻ em.
Tính cách độc lập và cá tính của vị Tổng giám mục này đã sớm được nhận biết. Năm 1967, Đức Phaolô VI phong ngài làm Hồng y. Từ đó trở đi, cảm tình giữa Đức Phaolô VI và vị Tổng giám mục 47 tuổi của Krakow này ngày càng gia tăng, và ngài trở thành vị khách được ái mộ của Đức Thánh cha.
Trong các chuyến đi La Mã, ngài thường viếng thăm Đức Phaolô VI bằng những cuộc tiếp kiến riêng tư. Và lúc ấy cả hai có sự hợp tác đặc biệt trong một thông điệp giáo hoàng đánh dấu một bước ngoặt, Humanae Vitae (Sự sống Con người). Có thể thấy dấu vết của vị Hồng y ở Krakow trong thông điệp ấy mà hầu hết nội dung duy trì sự nghiêm cấm của Giáo hội về các cách thức ngừa thai nhân tạo.
Tại Vatican, Đức Wojtyla nổi tiếng như một triết gia và một người sử dụng dễ dàng nhiều ngôn ngữ châu Âu khác nhau: Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Anh, Ý và Đức ngữ. Ngài cũng nổi tiếng về sức quyến rủ lạ thường của mình đối với giới trẻ.
Với các hồng y khác, vị Hồng y Ba Lan này vẫn còn điều gì như một cuốn sách chưa lật ra. Ngài nồng nàn trong những trao đổi riêng tư nhưng hiếm khi vui vẻ. Trong khi khao khát được lắng nghe lời người khác, ngài vẫn là kẻ thui thủi một mình. Một số người biết là ngài đã mất mẹ, anh và bố từ những năm tuổi nhỏ, nhưng ngài không bao giờ đề cập đến chuyện ấy. Thực tế, ngài chẳng sở hữu gì ngoài sách và những chiếc áo dòng, một ít vật kỷ niệm của gia đình, giày trượt tuyết và quần áo leo núi.
Ngài cũng sớm được chú ý đến bên ngoài Vatican. Vào năm 1976, báo New York Times xếp ngài vào danh sách mười ứng viên thường được đề cập nhất để kế vị Đức Phaolô VI. Dù Đức Hồng y Albino Luciani đã được bầu khi Đức Phaolô VI qua đời vào tháng Tám 1978, những vị bên trong Giáo hội đều đồng ý v ới nhau rằng “ngôi sao Wojtyla đang lên”.
Đức Thánh cha
Người tài xế nhớ lại, tác động của tin Đức Thánh cha từ trần làm cho Đức Wojtya nhức một bên đầu. Suốt ngày vị Hồng y Krakow bị căng thẳng. Ngài biết là mình sắp sửa không thể nào tham dự các buổi họp kín của Hồng y đoà n như là một khán giả thuần túy.
Dạo tháng Tám gần như việc bầu chóng vánh Đức Gioan Phaolô I thật sự là một phép lạ. Chỉ bốn vòng bỏ phiếu, các Hồng y đã đồng ý chọn ngài. Nay phải tìm cho ra một tên tuổi khác.
Việc ấy có thể làm mệt phờ người. Chính thức, các Hồng y tin vào Chúa Thánh linh, nhưng các vị hiểu rằng diễn tiến bầu cử vị giáo chủ tối cao sẽ tác động đến mọi sự kiên định, khéo léo và có khi có khả năng tạo hiềm khích với nhau.
Một lần nữa người Ý cố đặt một đồng bào của mình lên, nhưng Đức Wojtyla đã thành một ứng viên đáng chú ý. Ngài biết là có một vị Hồng y nhiều ảnh hưởng đang vận động cho mình: Đức Franz Konig của Vienna (Áo). Nhân vật cao lớn, bệ vệ này có 20 năm kinh nghiệm trong Hồng y đoàn. Ngài và vị Hồng y Krakow hiểu nhau rất rõ. Trong các lần Đức Wojtyla viếng thăm La Mã, cả hai đã có những cuộc thảo luận rất lâu về tình hình Đông Âu, đặc biệt tại các xứ sở mà phần lớn hoạt động của Giáo hội bị hạn chế trong thầm lặng.
Đức Konig thuyết phục nhiều Hồng y ở La Mã là vị Thánh cha sắp tới phải là người trẻ, mạnh khỏe và không là người Ý. Sau cái chết của Đức Phaolô VI, Đức Konig từng tuyên bố là các Hồng y Đông Âu cũng có quyền có ứng viên của mình.
Nếu có ai hỏi tên, Đức Konig đưa Wojtyla ra. Và từ từ, ngài để lộ lời Đức Phaolô VI nói về vị Hồng y ở Krakow rằng:
– Vị ấy là một người dũng cảm và đáng ca ngợi.
Nhưng khi thăm dò các đồng sự, Đức Konig thấy không có sự đồng tâm tức thời. Ngài càng đề cập tới, càng nhận ra là thật khó khăn khi đập vỡ cái khuôn rập hàng ngàn năm nay đòi hỏi vị Thánh cha phải là người Ý.
Đức Wojtyla nằm ngoài sự chú ý của mọi người, nhưng điều ấy không quan trọng gì. Đức Giám mục Deskur, người bạn và người đồng hương không mệt mỏi của ngài đã đóng vai người điều hành cuộc vận động và cũng nỗ lực để nhiều người ủng hộ khác nhau cùng đứng về phía Đức Wojtyla.
Rồi thì, chỉ một ngày trước khi bắt đầu hội nghị, Đức Deskur bị lên cơn đau tin nặng và từ đó chẳng bao giờ ngài hoàn toàn bình phục. Đức Wojtyla dịu dàng và lo âu thăm viếng ngài tại bệnh viện nơi ngài nằm điều trị. Để thư giản, Đức Wojtyla ra bãi biển. Chỉ ngay bên ngoài La Mã, mặt nước mùa thu lạnh lẽo mới đủ ấm cho nhân vật cô độc này, một người đến từ phương bắc đang vùng vẫy bơi lui bơi tới.
Trong vòng đầu phiếu đầu tiên, các Hồng y tụ họp tại Nhà nguyện Sistine. Các vị im lặng lắng nghe những luật lệ buộc phải giữ bí mật tuyệt đối, cấm mọi thông tin với thế giới bên ngoài. Không cho phép các máy truyền tin hai chiều cũng như không được ghi âm. Bộ phận bảo vệ của Vatican đã dùng các máy dò điện tử để lùng tìm các vật nghe lén.
Sau khi gặp nhau, mỗi Hồng y vào phòng hay ngăn ở dành riêng cho mình. Vào ngăn 91, vị Hồng y Krakow chú ý tới chiếc giường đơn, tủ để đồ và một chiếc bàn nhỏ.
Hôm sau, Chúa nhật ngày 15 tháng Mười, diễn tiến bầu cử bắt đầu. Cuộc bầu cử diễn ra cho thấy rõ là các ứng viên người Ý bị chia phiếu của nhau. Và những ứng viên đang loại trừ lẫn nhau đó không đạt kết quả trong việc giành được sự nhất trí mạnh mẽ.
Tính chất gay gắt của cuộc tranh đua bầu phiếu tương phản với sự trầm lặng không thực tràn ngập hội nghị. Thực tế, tại Nhà nguyện đường Sistine chỉ có tiếng kêu sột soạt của các lá phiếu khi xếp chúng lại và bỏ vào chén thánh được dùng làm thùng phiếu. Giữa cảnh im ắng này, đang trang trọng diễn ra cuộc chiến đấu cho tương lai của Giáo hội.
Vào tối Chúa nhật, rõ ràng là các ứng viên dẫn đầu đã đánh mất vị trí của mình. Ở vòng phiếu thứ tư, Đức Wojtyla nhận thêm được một ít phiếu, một điềm báo hiệu. Đức Konig cảm thấy sẵn sàng lao vào cuộc tiến công tối hậu.
Ngài nói với các Hồng y Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, luôn luôn bằng một thái độ tự nhiên như thể đó là vấn đề tầm thường nhất. Một ít lời trao đổi trong hành lang, trò chuyện trong khi rời phòng ăn, viếng thăm ngắn ngũi ngăn ở của một vị nào đó, ngài thận trọng và thuyết phục.
Sự căng thẳng rì rào khắp hội nghị khi các cử tri nghiêm trọng cân nhắc khả năng bỏ phiếu cho một vị không phải người Ý.
Ngày Thứ hai 16 tháng Mười, trong vòng phiếu thứ sáu – vòng cuối trước khi đi ăn trưa – các lá phiếu bầu cho hồng y Krakow đột nhiên tăng lên. Chiều ấy, sau hai vòng bầu nữa, Đức Wojtyla nghe xướng tên mình. Một đa số lớn lao các Hồng y đã làm điều không tưởng tượng nổi: các vị chọn một Đức Thánh cha từ một xứ sở có chính quyền Cộng sản vô thần, vị Thánh cha đầu tiên không phải người Ý tính từ suốt 456 năm qua, một Thánh cha trẻ 58 tuổi, kẻ khi còn đi học từng nói mình không thích làm linh mục.
Giữa sự thinh lặng ấy, nghe rõ tiếng vị Hồng y thị thần hỏi:
– Ngài có chấp nhận không?
Sự căng thẳng tan trên khuôn mặt của Đức Wojtyla, ngài trả lời nghiêm trang:
– Có. Với sự vâng phục trong đức tin vào Đức Kitô, Chúa chúng ta, và với sự tin tưởng vào Mẹ của Đức Kitô và của Hội thánh, bất chấp mọi khó khăn, tôi chấp nhận.
Và để vinh danh di sản của ba vị Thánh cha tiền nhiệm, ngài lấy danh hiệu Gioan Phaolô II.
Chỉ có nhịp mạch máu giật trên trán của Đức Wojtyla để lộ cơn bão trong tâm hồn ngài khi ngài chuẩn bị rời nhà nguyện ấy. Trầm lặng, ngài để cho mình được hộ giá tới phòng ngoài, được xem là camera lacrimatoria (phòng than khóc). Ở đây, vị tân Đức Thánh cha chờ đợi người thợ may toà thánh mặc thử cho ngài một trong ba loại áo chùng trắng – cỡ nhỏ, vừa hoặc lớn – đã được đặt sẵn ở đó.
Sau khi Đức Thánh cha Gioan Phaolô II mặc chiếc lớn nhất trong ba chiếc áo dòng ấy, các Hồng y lần lượt từng người tới bái ngài để tỏ lòng tôn kính. Sau đó, vị tân Đức Thánh cha tự mình bước quả quyết vào hành lang rộng lớn ngoài Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để chào La Mã và thế giới.
Ngày 22 tháng Mười, Đức Wojtyla xuất hiện tại Quảng trường Thánh Phêrô cử hành thánh lễ đăng quang ngôi Thánh cha của mình. Ngài có sự thoải mái của một nghệ sĩ vốn đã thuộc lòng vai tuồng của mình.
Khi các nốt nhạc của bài tụng ca kết thúc trong im lặng, vị giáo chủ tối cao phá vỡ truyền thống và bắt đầu tiến gần đến dân chúng chung quanh ngài. Bằng những bước dài, ngài đi nhanh qua quảng trường lúc các Hồng y đứng ngắm hết sức kinh ngạc. Ngài ôm một nhóm những người tật nguyền đang ngồi xe lăn. Ngài bắt tay, hôn các em bé và vỗ các lẵng hoa dân chúng dâng ngài.
Tiếp đến, ngài dồn ánh mắt của mình vào đám đông cuồng nhiệt, và cầm quyền trượng của mình bằng hai tay như một thanh kiếm, ngài vạch dấu hiệu chúc phúc đầy quyền năng.
Qua các vệ tinh, những tín hữu cũng như không phải tín hữu khắp thế giới quan sát nghi lễ trang trọng ấy. Tại Ba Lan, thực tế mọi người đều dán mắt vào máy truyền hình của mình. Toàn bộ sinh hoạt xứ sở dường như tạm ngưng lại.
Ngày 5 tháng Mười một, Đức Wojtyla thăm Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô, vị thánh đỡ đầu nước Ý. Nhiệt tình của đám đông khi gặp ngài thật cuồng nhiệt. Với sự tưng bừng hớn hở của đám đông ngân vang bên tai, Đức Thánh cha nghe ai đó la lớn:
– Xin đừng quên Giáo hội Thầm lặng!
Câu đó có nghĩa đề cập tới Giáo hội bị bách hại bên kia Bức màn sắt.
Không để lỡ nhịp hô, Đức Gioan Phaolô II đáp lại:
– Không còn Giáo hội Thầm lặng nữa, vì Giáo hội ấy nói với tiếng nói của tôi!
Ngài đã sẵn sàng để nhắc nhở các chế độ Cộng sản rằng có những Kitô hữu không có tự do ngôn luận. Và ngài sẽ cho thấy rất nhanh điều ngài muốn đề cập.
Đức Gioan Phaolô II sắp sửa đốt sáng ngọn lửa bên dưới hàng giáo phẩm Công giáo tại các nước Đông Âu. Với các giám mục Nam Tư, Hungary, Latvia và Lithuania, ngài hứa hỗ trợ và khuyến khích các vị ấy dũng cảm hơn trong việc đối phó với chế độ Cộng sản mà họ đang sống dưới chúng.
Trong lúc ấy, tại Mátcơva, cấp lãnh đạo đang đánh giá vị tân Thánh cha. Ngày 4 tháng Mười một 1978, Ủy ban Trung ương của đảng Cộng sản Sô viết nhận được bản báo cáo đặc biệt về vị tân giáo chủ này với những đúc kết tiên đoán về vai trò mới của ngài trong cương vị giáo hoàng, rằng “Wojtyla rõ ràng là sẽ ít muốn thoả hiệp (hơn trước đây) với cấp lãnh đạo các nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Có một điều mà bản báo cáo ấy không thấy trước được là Đức Gioan Phaolô II sớm sủa nhận lời thách đấu biết chừng nào.
Các tuyến mặt trận
Thách đố đến với hình thức chiếc phi cơ phản lực màu trắng Alitalia bắt đầu hạ cánh xuống phi trường Warsaw ngày 2 tháng Sáu 1979. Trên máy bay, Đức Thánh cha bồn chồn ôn lại bản sơ thảo bài diễn văn đầu tiên của mình. Ngài nói:
– Tôi trở lại. Tôi sắp gặp gỡ Giáo hội mà từ đó tôi xuất thân.
Nhưng không ai hiểu hết cuộc viếng thăm này của ngài sẽ tác động tới mức nào.
Khi Leonid Brezhnev, lãnh tụ Sô viết, nghe tin chính phủ Ba Lan đang thương thảo về thời gian thăm viếng của Đức Thánh cha, y giận dữ điện thoại cho đệ nhất bí thư của Warsaw và truyền lệnh là không được đón nhận ngài.
Viên bí thư ấy trả lờI:
– Làm thế nào tôi không thể tiếp đón vị Thánh cha người Ba Lan khi đại đa số đồng bào tôi là người Công giáo? Xin lỗi đồng chí Leonid, tôi không thể từ chối Đức Thánh cha.
Brezhnev nói cách xui xẻo:
– Cứ làm điều ngươi muốn nhưng hãy cẩn thận và về sau chớ hối tiếc!
Năm 1966, đảng Cộng sản ở Warsaw từng từ chối chấp thuận cho Đức Thánh cha Phaolô VI thăm viếng. Nay lịch sử đã phục thù.
Sau khi vào không phận Ba Lan viên phi công chiếc Alitalia lái bay vòng trên thành phố Krakow. Đức Thánh cha nhìn xuống quang cảnh rất quen thuộc phía dưới; ngọn đồi hùng vĩ Wawel Castle và nhà thờ chánh toà; chỗ rẽ mênh mông của sông Visula nơi ngài từng tản bộ với bố mình; khu kỹ nghệ nằm trườn ra ở vùng ngoại ô Nowa Huta, "thành phố mới của công nhân" nơi người Cộng sản thuở trước từ chối không cho ngài xây nhà thờ. Từ trên không, ngài có thể nhìn thấy nhà máy hoá học già nua Solvay, toà nhà gạch đỏ nhếch nhác nơi ngài làm việc cực nhọc trong thời Quốc xã chiếm đóng.
Lúc 10 giờ 7 phút sáng, máy bay của Đức Thánh cha đáp xuống thủ đô Ba Lan. Vào lúc ấy, chuông các nhà thờ Ba Lan reo lên. Từ biển Baltic đến các ngọn núi Tatra, từ Silesia đến biên giới Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết, chuông thánh đường dội vang khắp xứ sở.
Tại phi trường, ban thánh ca Sinh viên Công giáo trổi lên điệu ca thời trung cổ "Gaude, Mater Polonia" (Vui lên, Mẹ Ba Lan ơi!), và khắp toàn cõi Ba Lan dường như biến mất lá cờ đỏ cộng sản. Chỉ còn lại các biểu ngữ của quốc gia Ba Lan và của Vatican.
Giữa hàng ngàn người Ba Lan bu quanh các con dường vào phi trường để nhìn Đức Thánh cha, có Zbigniew Bujak. Đó là nơi cuối cùng đáng cho anh đến. Anh là một người bị tình nghi. Công an mật đang đánh hơi anh, lập hồ sơ về anh. Mới đây anh đã tham gia thành lập một nhóm nghiệp đoàn bất hợp pháp.
Khi Đức Thánh cha đi qua trên một chiếc xe jeep nhà binh màu trắng, tiếng la hét của đám đông điếc cả tai. Bujak xúc động vì nụ cười của Đức Wojtyla khi ngài chúc phúc cho đám đông cuồng nhiệt. Bỗng nhiên, anh nhận ra rằng, " Đây cũng là một cuộc biểu tình chống cộng sản," và anh cảm thấy có một sức mạnh nâng mình lên.
Khi đến Quảng trường Castle, ngay lối vào Khu Phố Cổ Warsaw, xe Đức Thánh cha chạy lên trên những sỏi lát đường trải đầy các vòng hoa. Vừa thấy nhà thờ chánh toà, gương mặt của Đức Thánh cha mất vẻ biểu lộ quả quyết, và nước mắt bắt đầu tuôn ướt đẫm má. Đức Wojtyla dùng lưng bàn tay quệt nước mắt.
Vì đây là Thánh lễ đầu tiên Đức Karol Wojtyla cử hành tại Ba Lan trong cương vị Đức Thánh cha, các giám mục xây cất một khán đài khổng lồ ngay trung tâm Quảng trường Victoria, nơi mai táng Người Chiến sĩ Vô danh Ba lan. Bình thường chính phủ chỉ dùng quảng trường này để diễn binh. Lúc này, ba đợt cầu thang dẫn lên bàn thờ có cắm cây Thánh giá bằng gỗ cao 11 thước. Quảng trường rộng thênh thang ấy, thường là biểu tượng của sức mạnh Cộng sản, nay đã trở thành một chốn thờ tự tôn giáo.
Khi Đức Thánh cha đến quảng trường lúc bốn giờ chiều, đã có 300.000 người đợi sẵn. Mọi điều Đức Thánh cha nói trong bài giảng đều báo hiệu sự bắt đầu một chuyển hướng cho Giáo hội – tại Ba Lan, tại phần còn lại của Đông Âu, tại Liên bang Sô viết, và trong bang giao quốc tế.
Giáo hội không còn chỉ giản dị đòi hỏi không gian sống cho chính mình. Qua Đức Thánh cha này, Giáo hội đòi hỏi tôn trọng quyền con người cũng như các giá trị Kitô giáo, tôn trọng đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Những đòi hỏi này thể hiện một cuộc đổ bộ trực tiếp vào những khoác lác khắp thế giới của hệ tư tưởng Mác-xít mà lúc này đã trở thành chiếc vỏ ốc rỗng tuếch.
Khi Đức Gioan Phaolô II nói, mọi người có thể cảm thấy có một loại điện từ liên kết trọn vẹn diễn giả và cử tọa. Mười phút vỗ tay không ngừng đã làm chìm khuôn mặt nhỏ bé của Đức Thánh cha đang đứng thẳng người trong đám đông khổng lồ.
Lạc loài trong buổi hành lễ là các đại diện cao cấp của đảng Cộng sản. Họ quay về các sở chỉ huy ủy ban trung ương, căng thẳng dán sát mắt vào máy truyền hình của mình. Các ống kính máy thu hình của nhà nước chỉ được phép hướng một bề vào Đức Thánh cha và đoàn tùy tùng, không được quây đám đông mênh mông đang tham dự buổi tụ họp tôn giáo lớn lao nhất tại Đông Âu tính từ trước Thế chiến Hai.
Các bản báo cáo đầy hoảng hốt xuất phát từ chuyến đi ấy của Đức Thánh cha. Tại Lithuania, hàng trăm ngàn tín đồ lắng nghe các chương trình truyền thanh từ Warsaw, và các nhà thờ chật ních vì Thánh lễ tôn vinh Đức Thánh cha. Tại Latvia và Estonia cũng thế, dân chúng xem chương trình truyền hình phát đi từ Phần Lan.
Tại Mátcơva, giới lãnh đạo hàng đầu Sô viết cũng quan sát. Và tại Hoa Kỳ, trong số những người đang chứng kiến biến cố ấy bằng máy truyền hình là Ronald Reagan tại hàng hiên nông trại của ông ở Santa Barbara, California. Cùng xem với ông là Richard Allen, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông. Ngồi trước máy truyền hình xách tay, họ quan sát đám đông Ba Lan đang trong trạng thái say sưa chất ngất. Mắt của Reagan đẫm lệ.
Cuộc khải hoàn trở về quê mẹ của Đức Gioan Phaolô II đã khiến cho nhà cầm quyền Cộng sản ở Warsaw và Mátcơva rúng động. Họ choáng váng khi Đức Thánh cha ra điều kiện cho người Cộng sản nếu muốn chung sống hoà bình với Giáo hội: ”Từ nay phải làm kẻ bảo đảm cho các quyền con người cơ bản – mà người Cộng s n không thể nào tưởng tượng nổi – tại bất cứ nơi nào trong khối Đông”.
Trong chuyến đi của ngài, Đức Thánh cha gặp gỡ các công nhân quận Nowa Huta. Những kinh nghiệm công trường của mình đã cho Đức Gioan Phaolô II một am hiểu mà không vị Thánh cha người Ý nào từng có. Ngài phát đi một thông điệp sấm sét: “Không được ngược đãi công nhân bằng cách xem họ đơn thuần là phương tiện sản xuất!”
Sau cùng, ngày 10 tháng Sáu, loé lên tính cách cách mạng tại một xứ sở xã hội chủ nghĩa. Hơn một triệu tín hữu đến đồng cỏ ở Krakow lắng nghe thông điệp từ biệt của Đức Thánh cha.
Ngài nói lớn:
– Anh chị em thân mến! Anh chị em phải dũng cảm với sức mạnh tuôn trào từ đức tin! Không việc gì phải sợ hãi. Các ranh giới phải được mở ra.
Khi Đức Thánh cha tiến lên bàn thờ, hai quả bong bóng được thả lên trời, mang biểu hiệu cuộc kháng chiến của Ba Lan trong thời Thế chiến Hai: một chữ "P" trên một chữ "W". Có nghĩa "Ba Lan tiếp tục chiến đấu."
Đã vạch ra các tuyến mặt trận. Đức Thánh cha chống lại Đế quốc Sô viết,
Công đoàn Đoàn kết
Năm 1980, một năm sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, kinh tế Ba Lan bị suy sụp trầm trọng, hậu quả của nhiều năm quản lý tồi tệ. Hàng triệu công nhân xí nghiệp khắp xứ sở đều bất mãn. Những cuộc đình công tự phát bắt đầu vào tháng Bảy 1980, đến đầu tháng Tám, lan tràn tới 150 xí nghiệp gồm cả Nhà máy Đóng tàu Lênin ở Gdansk.
Trong lúc Đức Thánh cha làm việc ở văn phòng của mình tại La Mã thi ở Ba Lan, một người thợ điện lực lưỡng, thất nghiệp, với hàng ria mép đặc biệt, đang leo lên một chiếc xe xúc ở Nhà máy Đóng tàu Lênin. Thoạt đầu, công nhân trong nhà máy đóng tàu quan trọng nhất của Ba Lan này ít có thiện cảm với cuộc đối đầu ấy. Họ nhớ năm 1970 công an đã tàn sát hàng tá công nhân đình công dọc theo bờ biển Baltic.
Viên giám đốc nhà máy đóng tàu cũng hứa sẽ thảo luận tăng lương nếu công nhân quay lại làm việc. Nhưng Lech Walesa sáng đó đã leo lên bức tường cao ba mét rưỡi của sân nhà máy và lúc này đứng trên đầu chiếc máy xúc, phản đối kịch liệt viên giám đốc, và kêu gọi đình công.
Ông là một khuôn mặt nổi tiếng trong công nhân, và khi ông nói những người đình công sẽ tự giam mình trong nhà máy đóng tàu để tự bảo vệ mình trước các lực lượng an ninh, đám đông lưu ý tới lời kêu gọi của ông.
Hôm sau, 15 tháng Tám, Đức Thánh cha phái thư ký của mình, Đức ông Stanislaw Dziwisz, đi Ba Lan "để nghỉ ngơi ngắn hạn". Dziwisz là một trong những phụ tá được tín nhiệm và giá trị nhất của ngài, và sẽ là tai mắt của ngài.
Tại nhà nghỉ mùa hè dành cho mình ở Castel Gandolfo, Đức Thánh cha xem các phóng sự truyền hình về những biến cố tại quê nhà. Hình của Đức Thánh cha và ảnh Đức mẹ Sầu bi của Tiệp Khắc, một họa phẩm nổi danh về Mẹ Maria Đồng trinh, được trưng bày ở cổng vào nhà máy đóng tàu.
Các chính trị gia Tây phương kinh ngạc trước cảnh công nhân đình công tụ họp quì gối xưng tội ứng khẩu ngoài trời và quanh các biểu tượng tôn giáo mà họ đã chọn làm thước đo tranh đấu. Cuộc đình công lan tràn khắp nước. Số người đình công lên đến 300.000.
Suốt một tuần lễ, Đức Gioan Phaolô II giữ im lặng. Tuy thế, ngày Thứ tư 20 tháng Tám, khi phong trào đình công đe dọa sẽ sách động để đưa tới một tình trạng tê liệt chính trị dài hạn, Đức Thánh cha dâng hai lời cầu nguyện ngắn với một nhóm người hành hương Ba Lan ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài tóm kết:
– Hai lời cầu nguyện này biểu lộ rằng tất cả chúng ta ở tại La Mã này hiệp thông với đồng bào mình tại Ba Lan, cách riêng với Giáo hộI Ba Lan, mà những vấn đề của nó gần gũi biết bao với con tim của chúng ta.
Như thế, ngài đã công khai ban phép lành cho cuộc đình công.
Cùng ngày ấy, Đức Thánh cha gởi Hội đồng Giám mục Giáo hội Ba Lan một lá thư đầy tinh tế:
– Tôi cầu nguyện hết lòng mình rằng hàng giám mục Ba Lan tiếp tục giúp đỡ dân chúng trong cuộc đấu tranh khó khăn vì bánh mì hằng ngày, vì công bình xã hội, và vì sự bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm để sống và để phát triển.
Tối đó, chính quyền Ba Lan đưa ra một nhượng bộ có tính lịch sử, đồng ý tham dự thương thảo trực tiếp với các ủy ban đình công tại Gdanks và những cơ sở lao động khác. Và ngày 31 tháng Tám, một thoả ước chưa từng có được ký ở Gdanks, cho phép thành lập đầu tiên ở bên trong Bức màn sắt một công đoàn độc lập. Công đoàn ấy được gọi là Đoàn kết.
Trong buổi lễ ký kết, Walesa trịnh trọng rút từ túi áo ra một cây bút lớn, màu sáng bóng. Cây bút ấy là món quà kỷ niệm chuyến đi Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II, có hình của Đức Thánh cha trên bút.
Vào mùa thu 1980, các nhà lãnh tụ Cộng sản ở Đông Bá linh, Budapest và Prague than phiền Mátcơva về những diễn biến ở Ba Lan. Các nhà lãnh đạo điện Kremlin đề nghị "các bạn hữu Ba Lan" của họ cứu xét việc thiết quân luật và họ đề nghị khẩn trương chống lại Công đoàn Đoàn kết cùng những người ủng hộ nó.
Trong cuộc họp bất thường với Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo Cộng sản Ba Lan biện hộ cho chủ quyền của mình. Sau cùng, lãnh tụ Sô viết Leonid Brezhnev nhượng bộ và nói:
– Lúc này chúng tôi sẽ không tiến quân vào Ba Lan, nhưng nếu tình hình tồi tệ, chúng tôi sẽ làm.
Tháng Giêng 1981, Sô viết càng mất tinh thần hơn khi Lech Walesa du hành Vatican để gặp Đức Thánh cha và được ngài cử hành Thánh lễ riêng cho tất cả 14 thành viên của đoàn đại biểu Công đoàn Đoàn kết. Walesa làm cho báo chí cùng La Mã say mê y hệt cuộc viếng thăm của một diễn viên điện ảnh. Walesa nói:
– Đứa con đang đến gặp thân phụ của mình.
Liên minh
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của Ronald Reagan, một người đàn ông râu cá ngạnh, ăn mặc lôi thôi với bộ đồ vét màu xám được đưa vào văn phòng giản dị của Đức Thánh cha ở Vatican. Đó là William Casey, một người Công giáo nhiệt thành, hầu như dự Thánh lễ hàng ngày, giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo Hoa kỳ (CIA). Ông đến với một sứ mệnh riêng biệt có tính cách toàn cầu.
Ông trao tận tay Đức Gioan Phaolô II một bức hình độc đáo đáng chú ý do vệ tinh gián điệp của Mỹ chụp được từ hàng trăm cây số cách mặt đất.
Tại bàn làm việc trong chỗ riêng của mình, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II cẩn thận xem kỹ bức hình. Các chi tiết dần dà được tập trung lại: giữa vô số dân chúng, ngay tại trung tâm, có những chấm trắng chính là ngài đang đứng nói với đồng bào của mình tại Quảng trường Victory năm 1979.
Từ lúc vệ tinh Mỹ chụp hình Đức Thánh cha tại Ba Lan, Casey và Reagan tin chắc đã tiềm ẩn một siêu quyền lực thứ ba trên thế giới – thị quốc rộng 44 mẫu Vatican – và vương quyền của nó, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, đang làm chủ một nguồn vũ khí đặc biệt có thể làm lệch cán cân cuộc Chiến tranh lạnh.
Cuộc họp ấy mà suốt mười năm sau không được tiết lộ cho thế giới, Casey – bằng việc sử dụng bức hình ấy, và hơn nữa, bằng việc cho Đức Thánh cha thấy khả năng mà kỹ thuật vệ tinh tình báo cung cấp – đã giúp ký kết một liên minh giữa Toà thánh Vatican và Chính quyền Reagan.
Thực tế, trước ngày Reagan cầm quyền 20 tháng Giêng 1981, đã diễn ra tiếp xúc đầu tiên giữa chính phủ Hoa Kỳ và Đức Thánh cha. Zbigniew Brzezinski, một người sinh ở Ba Lan và là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, đã đại diện Hoa Kỳ dự lễ đăng quang của Đức Wojtyla lên ngai của Thánh Phêrô.
Vào tuần lễ đầu tháng Chạp năm 1980, Brzezinski điện thoại cho Đức Thánh cha cảnh giác ngài về nguy cơ một cuộc xâm lăng của Sô viết vào Ba Lan. Khi nói, Brzezinski nhìn vào các bức ảnh vệ tinh chụp những lều trại có thể xếp để di động, kế bên khu vực các bệnh viện Nga cạnh biên giới, chuẩn bị có thể xâm lăng. Đức Thánh cha bị rúng động.
Sô viết đã nhận được một chuỗi các lời cảnh cáo nghiêm trọng từ Tổng thống Carter và vị Tổng thống đắc cử Reagan, sợ rằng vào lúc gián đoạn giữa cuộc bầu cử và lễ đăng quang của Reagan có thể có nổ bùng tại Ba Lan. Đối mặt với những lời cảnh cáo ấy, Sô viết thoái bộ, nói rằng lúc này sẽ không có sự can thiệp nào.
Nhưng Reagan hiểu tức thời mối đe dọa liên tục mà Công đoàn Đoàn kết đặt ra cho Mátcơva. Mười ngày sau khi nhậm chức, ông họp với Richard Allen, phụ tá an ninh quốc gia của mình, và William Casey. Kết quả vị tân tổng thống ra lệnh là sự hỗ trợ cho Công đoàn Đoàn kết – vốn lâu nay chỉ phát xuất từ các phong trào lao động Hoa Kỳ – nay được cung ứng bằng tài khoản và chuyên biệt của chính phủ.
Đức Thánh cha là người hưởng lợi một số các bí mật cẩn trọng nhất của Hoa Kỳ: các tin tức từ vệ tinh và cơ quan tình báo, từ máy điện tử nghe trộm và từ những cuộc họp thảo luận về chính sách của Toà Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao và CIA.
Trong các cuộc nói chuyện thường xuyên, Đức Gioan Phaolô II về phần mình cập nhật cho Casey những tin tình báo mới nhất thu nhặt được qua mạng lưới thông tin riêng của ngài ở Ba Lan. Casey nhận biết rằng Đức Thánh Cha, qua hàng giáo phẩm của mình, biết Công đoàn Đoàn kết đang làm gì, và giới lãnh đạo Ba Lan đang nghĩ gì.
Các tin tức ấy thật vô giá. Khi mùa xuân 1981 đến ở Ba Lan thì nổ ra nhiều cuộc biểu tình hơn, và Công đoàn Đoàn kết hăm dọa một cuộc tổng đình công. Quân đội Sô viết lại nhận được lệnh tập trận.
Ngày 30 tháng Ba, Ba Lan và Đức Thánh cha chiếm lĩnh gần trọn tâm trí của Reagan. Không phận Ba Lan bị đóng cửa hai ngày trước để tạo thêm thuận lợi cho cuộc tập trận của các đội quân Liên sô.
Chiều đó, trong diễn từ nói với AFL-CIO (Tổng Liên đoàn Lao công Hoa Kỳ), Tổng thống Reagan ngưng lại để chào mừng các công nhân Ba Lan vì cuộc đấu tranh can trường của họ "như những vệ binh nhân danh các nguyên tắc nhân sinh phổ quát."
Ít phút sau, trên đường ra xe riêng của mình, ông bị John Hinckley, Jr. bắn trọng thương.
Tại bệnh viện, Reagan trải qua cuộc giải phẩu. Viên đạn xuyên qua phổi và nằm sát bên trái tim, xém trúng động mạch chủ. Một số người cho rằng ông sống sót quả là phép lạ.
Liên quan người Bungari
Tại La Mã, Đức Thánh cha ngưng công việc lại để cầu nguyện cho Tổng thống Reagan được bình phục và gởi ông một thông điệp cá nhân với những lời cầu nguyện và hy vọng của ngài.
Đây là khoảng thời gian đầy âu lo. Không lâu trước đó, trong cuộc hội họp ở Vatican với phụ tá ngoại trưởng của Đức Thánh cha, William Casey từ giã với câu nói sau cùng là một lời cảnh báo. Trạm CIA ở La Mã đã chuyển về một bản tin lạ lùng, có thể là quan trọng. Khi Lech Walesa viếng thăm Đức Thánh cha, người chủ trì cho của ông ta là một nhân vật của Liên minh Lao động Ý. CIA được các viên chức phản gián Ý báo cho biết người chủ trì ấy hoạt động cho Bungari. Vì Bungari chịu sự kiểm soát của Sô viết nên có thể có nghĩa là các kế hoạch của Công đoàn Đoàn kết bị thiệt hại hoặc là Walesa đang bị nguy hiểm.
Lúc 5 giờ chiều ngày 13 tháng Năm 1981, Đức Thánh cha xuất hiện trong buổi tiếp kiến công chúng hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau khi vào cửa Popemobile, Đức Thánh cha đi qua dãy cột. Vị phụ tá Stanislaw Dziwisz ở kế bên ngài.
Đột nhiên Đức ông Dziwisz nghe một âm thanh điếc tai, và hết thảy chim bồ câu khắp quảng trường vụt bay lên. Liền đó, Đức Thánh cha sụm xuống gục vào người của Đức ông.
Đức Thánh cha trúng thương ở bao tử, cùi chỏ mặt và ngón trỏ bàn tay trái. Ngài được chuyền lên xe cứu thương chạy lẹ tới bệnh viện.
– Maria, mẹ ơi! Maria, mẹ ơi!
Đức Thánh cha lặp đi lặp lại lời kêu cầu đó. Ngài nhắm mắt, đau đớn cực kỳ. Tại Nhà thương Gemelli, Đức Gioan Phaolô II được đẩy gấp tới căn phòng ở tầng thứ mười dành cấp cứu cho Thánh cha và rồi tới phòng giải phẩu. Ngài mất nhiều máu và vì tình trạng trầm trọng, nghi lễ xức dầu được cử hành.
Cuộc giải phẩu kéo dài năm giờ 20 phút. Cắt đi hơn 56 phân ruột của Đức Thánh cha. Đức ông Dziwisz kể:
– Hy vọng dần dần trở lại trong suốt cuộc giải phẩu. Rõ ràng là không có bộ phận quan trọng nào bị trúng thương, và ngài có thể sống sót.
Giống như viên đạn suýt giết chết Ronald Reagan, viên đạn này chỉ trượt động mạch chủ vài li. Đức ông Dziwisz nhận xét:
– Nếu nó bị trúng phải thì chết lập tức. Nó không chạm trúng yếu điểm nào. Quả thật lạ lùng!
Còn Đức Thánh cha, ngài nói sau đó:
– Bàn này bắn còn bàn tay kia thì lái viên đạn!
Kẻ bóp cò súng bị bắt gần như tức khắc. Hắn bị nhận diện là Mehmet Ali Agca, một tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh cha năm 1979, Agca đã công khai thề sẽ giết chết ngài.
Nhưng khi cuộc thẩm vấn bắt đầu. Lý do bên trong cuộc mưu sát Đức Thánh cha này trở thành một trong những bí mật lớn lao không giải quyết được của thế kỷ 20.
Các phụ tá và những người quen biết thân cận với Đức Thánh cha tin là Sô viết hoặc đồng minh của họ đứng đằng sau vụ nổ súng. Thật ra, sau vụ toan tính sát nhân ấy, các điều tra viên tìm thấy bằng chứng lửng lơ không xác định được, gợi ra rằng Agca được thuê bởi cơ quan mật vụ Bungary, một công cụ hiển nhiên của KGB Sô viết.
Tháng Bảy 1981, một tùy viên Đại sứ quán Bungary ở Paris đào thoát và kể với cơ quan Tình báo Pháp rằng âm mưu giết Đức Thánh cha là do cơ quan mật vụ Bungary đảm trách theo chỉ thị của KGB. Người đào tị ấy nói mình biết được chuyện này qua người bạn, một viên chức cao cấp trong một đơn vị phản gián thuộc cơ quan tình báo Bungary.
Một số đoạn quan trọng nhất của biên bản ấy, nêu ra một âm mưu được Sô viết khơi mào cho người Bungary, được phổ biến trước hết trên tạp chí Reader's Digest do Claire Sterling, một ký giả có hợp tác với các điều tra viên người Ý.
Giám đốc CIA Casey luôn luôn tin rằng Sô viết chịu trách nhiệm về mưu toan ám sát đó và xúc động với bản tường trình của Sterling. Trong số những người khác cùng tin như thế có cả Zbigniew Brzezinski và Henry Kissinger.
Dù sự thật như thế nào đi nữa, rõ ràng là cấp lãnh đạo Cộng sản Sô viết bận tâm về Đức Thánh cha – và thất vọng thấy nhà cầm quyền Ba Lan không thẳng tay đàn áp Giáo hội Ba Lan.
Bên bờ vực
Cả Tổng thống Ronald Reagan lẫn Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đều chịu những biến chứng trầm trọng của vết thương do đạn bắn và phải dưỡng thương từ cuối mùa xuân cho đến hết mùa hè năm đó trong khi lòng họ âu lo cho Ba Lan.
Các biến cố tại Ba Lan diễn ra theo một tốc độ chóng mặt. Công đoàn Đoàn kết khai mạc hội nghị toàn quốc lần thứ nhất vào tháng Chín và kêu gọi công nhân các nước khác ở Đông Âu thành lập những công đoàn độc lập.
Đáp lại, Sô viết bắt đầu cuộc thao diễn quân sự lớn lao trong chín ngày tại Biển Baltic và dọc theo biên giới Ba Lan. Rất có thể có một cuộc thẳng tay đàn áp. Đức Thánh cha lại càng âu lo hơn. Vị cộng sự lão thành của ngài là Đức Hồng y Wyszynski đã từ trần, và ngài cảm thấy một cách sâu xa việc mất mát vị cố vấn dày dạn kinh nghiệm nầy.
Vào giữa tháng Mười, tình hình gần như hỗn loạn. Nổi loạn và xung đột giữa dân sự và lực lượng an ninh lan rộng. Đức Thánh cha hiểu rằng chính quyền Cộng sản Ba Lan đang chịu sức ép không giảm của Mátcơva để giữ Công đoàn Đoàn kết trong vòng kiểm soát.
Ngày 18 tháng Mười, theo mệnh lệnh của Mátcơva, đảng Cộng sản Ba Lan bổ nhiệm một quân nhân, Đại tướng Wojciech Jaruzelski, làm Bí thư thứ nhất, củng cố thêm ảnh hưởng của quân đội trong chính phủ.
Trong khoảng thời gian ấy, Vermon Walters, đặc sứ của Tổng thống Reagan thăm viếng Vatican với các bức ảnh tình báo. Suốt một phút, Đức Thánh cha xem kỹ các hình ảnh vệ tinh đó. Ngài nhận ra ngay Nhà máy Đóng Tàu Lênin ở Gdansk. Ngài để ý tới một vòng đen đặc ở cách không xa các toà nhà của nhà máy liên hợp quen thuộc.
Chỉ vào vòng tròn ấy, ngài hỏi:
– Cái gì đây?
– Thưa Đức Thánh cha, vật liệu nặng,
Walters nói như thế và cắt nghĩa đó là quân xa, tàu vận chuyển người, xe thiết giáp. Bức ảnh ấy và những bức ảnh khác mà Walters lôi ra từ bì thư cho thấy sự triển khai và những di chuyển tiếp sau đó của các lực lượng vệ binh Sô viết hướng về biên giới Ba Lan, hàng chục ngàn toán quân từ doanh trại của họ đang hướng sang quê hương của Đức Thánh cha.
Sợ hãi cuộc xâm lăng của Sô viết nếu mình không thẳng tay đối phó với Công đoàn Đoàn kết, Jaruzelski chuẩn bị thiết quân luật. Vào sáng Chúa nhật 30 tháng Chạp, người dân thức dậy thấy xe bọc sắt trên đường phố và không được phép tụ tập tại bất cứ nơi nào ngoại trừ tham dự Thánh lễ ở nhà thờ.
Lúc 6 giờ sáng, Jaruzelski hiệu triệu quốc gia trên đài truyền hình, tuyên bố thiết quân luật toàn quốc. Trước khi ông ta kết thúc bài huấn thị dài 22 phút của mình, hàng ngàn người đã bị bắt giam. Những tù nhân ấy, ông ta nói, phạm tội âm mưu phá hoại quốc gia.
Tại Vatican, thư ký của Đức Thánh cha, Đức ông Dziwisz vội vàng báo cáo lên Đức Gioan Phaolô II. Đức Thánh cha hội họp với các phụ tá để triển khai một chính sách đối phó. Ngài tin là Công đoàn Đoàn kết phải duy trì sự tồn tại trong bóng tối. Với điều ấy trong tâm trí, ngài bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến đi đột ngột về thăm quê hương mình.
Sau khi Toà Bạch ốc nhận được tin tức từ Ba Lan, Ronald Reagan kêu gọi phong toả cả Liên Sô lẫn Ba Lan về kinh tế, ngoại giao và kỹ thuật.
Sáu tháng sau, ngày 7 tháng Sáu 1982, Reagan đến Vatican để họp thượng đỉnh, cá nhân hoá liên minh bí mật đặc biệt giữa Đức Gioan Phaolô II với bản thân ông trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Dù trái ngược nhau về trí thức, Đức Thánh cha và Tổng thống Hoa kỳ sớm tìm thấy một nền tảng chung. Hai vị đều tin sâu xa vào sức mạnh của hành động tượng trưng cũng như vào vai trò của sự quan phòng thiêng liêng. Tổng thống từng tâm sự với phu nhân và các phụ tá thân cận sự tin chắc rằng vai trò của mình và Đức Thánh cha trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản là lí do khiến cả hai không tử nạn vì những viên đạn ám sát.
Gặp gỡ riêng không cần thông dịch viên, hai người quyền uy nhất quả đất này thảo luận về một xác nhận căn bản: sự sụp đổ của Đế quốc Sô viết là điều không tránh nổi.
Reagan xác minh rằng Chính quyền của mình không rút lại sự cấm vận Liên Sô hoặc Ba Lan cho tới khi chấm dứt thiết quân luật, thả các tù nhân chính trị và bắt đầu cuộc đối thoại giữa chính phủ Ba Lan, Giáo hội Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết.
Đức Thánh cha thực hiện áp lực riêng của ngài. Ngày 16 tháng Sáu, thêm lần nữa ngài trở về Ba Lan. Hôm sau, ngài gặp Jaruzelski để nối tiếp việc thảo luận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Jaruzelski sửng sờ kinh ngạc khi tiếp đón Đức Thánh cha. Y hệt nhiều người Ba Lan khác, ông thấy ngài là một khuôn mặt gần như bí nhiệm.
Viên tướng này muốn Đức Thánh cha dùng ảnh hưởng của ngài để cô lập phía cực đoan nhất bên trong Công đoàn Đoàn kết. Đức Thánh cha nghiêm chỉnh trong lời đáp của mình:
– Tôi khao khát đạt tới một tình trạng ổn định bền vững càng sớm càng tốt.
Và ngài tuyên bố, có ý đề cập tới việc chấm dứt thiết quân luật:
– Lúc đó, Ba Lan sẽ được các nước khác đánh giá một cách rất khác.
Ngược lại, phương Tây sẽ không hủy bỏ cấm vận dưới bất cứ hình thức nào khác.
Sau đó, Đức Thánh cha tiếp xúc với Lech Walesa và các trí thức có liên hệ bí mật với Công đoàn Đoàn kết trong bóng tối. Tổ chức ấy không còn chỉ là một công đoàn lao động ngoài vòng pháp luật. Nó đã trở thành biểu tượng cho sự đề kháng.
Vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm, Đức Thánh cha gặp riêng Jaruzelski hơn 90 phút, bề ngoài là theo lời yêu cầu của chính ngài. Đức Gioan Phaolô II nói một cách trực tiếp và đầy sức thuyết phục. Không lâu sau khi ngài quay về Vatican, thiết quân luật được bãi bỏ.
Đời sống ở Ba Lan dần dần trở nên bình thường. Ngày 11 tháng Chín 1986, chính quyền tuyên bố ân xá rộng rãi và thả 225 tù nhân. Lần đầu tiên trong năm năm qua, các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết cảm thấy một số cấm kỵ được hủy bỏ.
Năm 1990, với nền dân chủ được khôi phục đầy đủ tại Ba Lan, Lech Walesa, người cựu thợ điện và thủ lãnh Công đoàn Đoàn kết trúng cử tổng thống.
Ảnh hưởng vang đội từ Ba Lan làm rúng động khối Đông Âu. Hunggari lần đầu mở cửa biên giới với Áo tháng Năm 1989. Đến tháng Mười, hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối chính phủ Đông Đức. Sau cùng, Bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng Mười một. Hôm sau, nhà lãnh tụ 35 năm của đảng cộng sản Bulgary Todor Zhivkov bị kết liễu với sự thanh lọc đảng, và tại Tiệp Khắc, một chính phủ liên hiệp giữa người Cộng sản và những người Czech đối lập được thành lập.
Và tháng Tám 1991, Đế quốc Đỏ đi vào cơn thống khổ chết chóc khi Boris Yelsin, chủ tịch Cộng hoà Liên bang Nga, phá vỡ cuộc đảo chánh của các phần tử bảo thủ của Bộ Chính trị.
Các quân cờ đô-mi-nô cộng sản đổ nhào.
Khi những người khác qui kết cho Đức Thánh cha việc sụp đổ của cộng sản, ngài nói:
– Tôi không tác động cho việc đó xảy ra. Cây ấy đã mục sẵn. Tôi chỉ khéo rung, và các trái táo thối rữa rơi xuống."
Lúc này, Đức Gioan Phaolô II chuyển sự chú ý của ngài vào những vấn đề làm ngài quan tâm, sâu xa hơn sự sụp đổ của cộng sản: tương lai của Giáo hội trong thiên niên kỷ tới; phẩm giá của người lao động, vai trò của Công đồng Vatican khiến cho những cội rễ Do Thái của Kitô giáo được thừa nhận và khiến cho không khoan dung chủ nghĩa bài Do Thái.
Vấn đề sau cùng trên gây thương tâm cách riêng cho Đức Gioan Phaolô II vì có quá nhiều người Do Thái Ba Lan bỏ mình trong các trại tử thần của Quốc xã. Ngài cũng không bao giờ quên việc mất mát người bạn của mình Ginka Beer.
Hàng chục năm sau lời từ biệt u sầu của họ, Đức Thánh cha, trong một buổi triều kiến công chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô có sự tham dự của dân chúng đến từ thành phố quê nhà của mình. Có người đến báo cho ngài một tin tức kỳ diệu:
– Thưa, Ginka có mặt ở đây.
– Đâu?
Ngài hỏi ngay và lẹ bước tới gặp nàng. Ginka Beer Reisenfeld lúc này lớn tuổi, thuật lại:
– Ngài hỏi tôi đủ thứ câu hỏi.
Bà nói với Đức Thánh Cha:
– Mắt ngài thương cảm sâu xa. Ngài nắm lấy hai tay tôi, chúc lành cho tôi và cầu nguyện ngay trước mặt tôi.
Từng đầy ắp tâm trí về nhu cầu đối thoại với Do Thái, Đức Gioan Phaolô II biểu lộ một cử chỉ cao cả khi băng ngang Sông Tiber viếng thăm Hội đường chính của Do Thái giáo ở La Mã, đấy là một việc mà trước đây chưa từng có vị Thánh cha nào làm. Như người La Mã gốc Do Thái biết, cộng đồng họ xưa hơn Hội thánh Kitô giáo lâu năm nhất. Khi hai Thánh Phêrô và Phaolô tới La Mã, sách Torah (Ngũ Kinh) đã được đọc và ngày Sabbath đã được tuân giữ từ trước tại kinh đô của Đế quốc La Mã.
Những người xem kể lại rằng khi phát biểu trong Hội đường ấy, có lúc Đức Thánh cha dường như gần kiệt sức. Có lần, khi còn bé, ngài đi với bố vào một hội đường Do Thái trong làng mình để nghe hát thánh ca. Giờ đây, ngài ngồi trên chiếc ghế mạ vàng lắng nghe ca đoàn hát bài "Ani Maamin" (Tôi tin), từng được những người Do Thái bị kết án trong các trại tử thần hát trên đường đi vào lò hơi ngạt. Khi tiếng ca đoàn vang cao lên, Đức Thánh cha chúi về trước, đầu cúi xuống và tay ngài che miệng mình.
Dù sức khoẻ của Đức Gioan Phaolô II đang sa sút, những năm cuối tại vị Thánh cha của ngài được biểu thị đặc điểm bởi những bùng nổ hoạt động. Và dù tay ngài càng lúc càng yếu khi ngài đưa lên chúc phúc tín đồ, nó vẫn chỉ tới một chân trời bao la hơn.
Dì phước Vincenza bước vào phòng ngủ dành cho Đức Thánh cha lúc hơn năm giờ sáng một chút. Dì thường đặt một cốc cà phê ngay bên ngoài cửa phòng ngủ của Đức Thánh cha vào lúc bốn giờ rưỡi mỗi sáng. Khi thấy cốc cà phê không được đụng đến, dì kinh hoảng. Vì thế, dì bước vào trong phòng, lùa bức màn.
Đức Gioan Phaolô I nằm co người trong tư thế đọc sách, dù chết, tay vẫn giữ chặt các trang giấy, khuôn mặt ngài cứng lại làm thành một nụ mỉm cười.
Hôm ấy là ngày 29 tháng Chín năm 1978. Sinh hoạt trong Dinh Đức Thánh cha rơi vào cảnh hoàn toàn đảo lộn. Ngày 26 tháng Tám trước đó, Hồng y đoàn đã họp tại Vatican bầu ngài lên kế vị Đức Phaolô VI. Ngài là Đức Albino Luciani, 65 tuổi, thượng phụ thành Venice. Ngài lấy hiệu Gioan Phaolô I, xuất xứ từ tên hai vị tiền nhiệm liền ngay trước ngài. Mọi sự đã dường như ổn định cho những năm sắp tới.
Đến 7:42 sáng, Đài Phát thanh Vatican loan báo cái chết của Đức Thánh cha...
Theo thông lệ, vị bộ trưởng ngoại giao ra lệnh thu dọn các vật dụng cá nhân của cố giáo hoàng, gồm kính đeo mắt, dép, và thuốc uống trên bàn bên đầu giường.
Một trong các vị thư ký riêng của Đức Thánh cha, sau đó, nói giản dị:
– Ngài kiệt sức bởi gánh nặng quá lớn đối với đôi vai mỏng mảnh và bởi sức nặng của sự cô đơn vô hạn.
Dường như dấu chỉ sự ra đi của Đức Gioan Phaolô I đã được báo trước. Không lâu trước ngày từ trần của mình, ngài nói với một trong các thư ký:
– Có thể tuyển chọn một vị khác tốt hơn tôi. Đức Phaolô VI đã chỉ ra kẻ kế vị ngài. Vị ấy từng ngồi ngay trước mặt tôi trong Nhà nguyện Sistine (tức Đức Hồng y Ba lan Karol Wojtyla). Ngài sẽ đến vì tôi sẽ ra đi.
Tại Krakow, Ba Lan, lời loan báo về cái chết của Đức Gioan Phaolô I tràn ngập đài truyền thanh. Tài xế của Wojtyla nghe tin ấy, vội đến toà hồng y. Lúc vào nhà bếp, anh có thể ngửi thấy mùi bánh mì, trứng và cà phê. Đức Hồng y Wojtyla đang ngồi trong phòng kế thảo luận chương trình trong ngày với những phụ tá thân cận nhất của ngài. Ngài luôn luôn dùng điểm tâm cạnh nhà bếp, giữa mùi nấu nướng khiến ngà nhớ lại thời thơ ấu.
Người tài xế nói với một trong các dì phước phụ trách nhà bếp:
– Đức Thánh cha ở La mã từ trần rồi.
Dì phước biểu lộ vẻ sửng sốt:
– Nhưng ngài đã qua đời tháng trước rồi mà.
– Không, vị mới lên ấy.
Anh ta thò đầu vào căn phòng nơi Đức Wojtyla đang dùng điểm tâm với thư ký của ngài, và nói:
– Thưa Cha, ngài nghe tin Đức Gioan Phaolô I qua đời chưa?
Đức Wojlyla vừa cho muổng đường vào ly cà phê. Ngài lạnh người, tái nhợt, đưa bàn tay phải mình lên. Trong im lặng, chỉ có tiếng động của chiếc muỗng rơi xuống bàn.
Giấc mơ của người mẹ
Cho tới khoảnh khắc ấy, cuộc hành trình dài của Đức Hồng y đã bắt đầu từ ngày 18 tháng Năm, 1920 khi mẹ ngài, bà Emilia Wojtyla chuyển bụng. Người phụ nữ 36 tuổi ấy sức khoẻ mỏng manh. Sáu năm trước đó, bà bỏ một đứa con gái; lúc này, bà sắp sửa sinh nở đứa khác.
Karol chồng bà ở bên cạnh. Ông giữ chức trung úy trong quân đội Ba lan, không ra mặt trận vì đã 40 tuổi. Vì thế, ông được sống với vợ trong trong thành phố tỉnh lẻ Wadowice và chăm sóc cậu con trai 13 tuổi Edmund trong thời gian vợ mình thai nghén.
Vào ngày bà Elimia chuyển bụng, Thống chế Josef Pilsudski khải hoàn trở về thủ đô Warsaw sau chiến trắng quân sự lớn lao nhất của lực lượng Ba Lan đối với Hồng quân Nga: chiếm được thành phố Kiev của Ukraina. Hôm đó, hàng ngàn người Ba Lan xếp hàng dọc theo đường phố nghênh đón người chinh phục Kiev. Đó cũng là ngày mà 59 năm sau, Ba Lan trải qua một ngày đầy hân hoan và hi vọng khi cậu bé ra đời trong ngày ấy tại Wadowice cũng khải hoàn trở về Warsaw.
Cậu bé được bố đặt tên là Karol, nhưng bà mẹ gọi cậu là Lolek. Cậu có tính sôi nổi, hay khôi hài với khuôn mặt giống hệt mẹ. Khi cậu con lớn ở nhà trường, bà Emilia dành hết thì giờ rãnh rổi cho cậu bé, chơi với cậu, đọc cho cậu nghe và kể các chuyện trong Kinh thánh.
Lúc Lolek sáu tuổi bắt đầu đi học thì sức khỏe luôn luôn yếu kém của bà mẹ trở nên tệ hại. Bà thường bị dán chặt vào giường vì đau lưng ghê gớm và những cơn chóng mặt.
Dù ngày càng hiếm những khoảnh khắc dễ chịu, bà Emilia vẫn vui vẻ thực hiện các dự tính với cậu con yêu của mình. Edmund, mà cha mẹ gọi tên ở nhà là Mundek, đang học bác sĩ ở đại học tại Krakow. Cậu sinh năm 1906, lanh lợi khác thường, đẹp trai và lực lưỡng.
Karol theo học trường nam tiểu học. Là cầu thủ bóng đá say mê, cậu xuất sắc trong việc học, noi theo gương ngoan đạo sâu xa của cha mẹ mình và là một người Công giáo mộ đạo. Ngay từ đầu, bà Elimia đã tâm sự với láng giềng giấc mộng muốn con mình thành linh mục.
Ngày 13 tháng Tư năm 1929, lúc cậu bé tám tuổi Karol đang ở trường học thì người ta mang bà Emilia vào bệnh viện. Bác sĩ khám thấy bà bị viêm cơ tim và viêm thận.
Cô giáo của Karol, cũng là láng giềng, gặp cậu lúc cậu đi học về, nói huỵch toẹt với cậu:
– Mẹ em chết rồi.
Lúc đó, bà Emilia chỉ mới 45 tuổi.
Cái chết của bà mẹ cướp mất sự hồn nhi ên của Karol. Cô giáo chú ý đến sự thay đổi tính khí của cậu. Cậu bắt đầu co rút về bản thân mình, tìm lẫn trốn trong sách vở, và cầu nguyện.
Từ ấy trở đi, nguồn suối hân hoan và liên tục độc nhất của cuộc sống Karol là anh mình. Lớn hơn Karol nhiều tuổi, Edmund là một tay chơi quần vợt giỏi và là một ngôi sao bóng đá. Vào các kỳ nghỉ của trường y khoa, Edmund dạy các cậu bé ở Wadowice thành cầu thủ giỏi.
Tình thương của Edmund dành cho cậu em nhỏ có thể nói là vô bờ. Người ta có thể thấy hai anh em lừa banh qua các con đường thành phố. Hoặc Edmund vác em mình trên vai băng qua các cánh đồng.
Với Karol, Edmund là nơi trốn tránh khỏi buồn phiền. Sự tự tin và lạc quan dường như trở lại với cậu bé khi cậu ở bên anh mình.
Năm 1930 Karol được bố đem đến Krakow vì Edmund đã tốt nghiệp trường y. Với ông Wojtyla lúc này đang sống bằng số hưu bổng khiêm tốn, việc tốt nghiệp của người con trai lớn cũng có ý nghĩa là sau cùng gia đình đã có chỗ nương dựa tài chánh. Bằng cấp bác sĩ của Edmund hứa hẹn một tương lai thuận lợi, thoát khỏi những thiếu thốn mà cả nhà quá quen thuộc với đồng lương trung úy ít ỏi của ông Wojtyla.
Sau khi tốt nghiệp, Edmund giữ chức vụ bác sĩ thường trú tại một bệnh viện ở Bielsko, Silesia, nơi Karol thường đến thăm anh mình.
Rồi xảy đến nạn dịch tinh hồng nhiệt. Edmund trải qua suốt đêm cạnh giường một thiếu nữ mà anh đặc biệt tận tâm. Sau đó bị nhiều cơn nhức đầu hành hạ khổ sở và sốt tới 40 độ, anh nhanh chóng nhận thấy cả mình nữa cũng bị truyền nhiễm. Anh rung người theo từng cơn kích sốt làm ói mửa và viêm họng. Ngày 4 tháng Mười Hai, 1932, anh chết cô độc trước khi gia đình có thể gặp mặt.
Chiều hôm ấy, một người láng giềng tốt bụng tìm thấy Karol cô đơn và thảng thốt ngoài sân chung cư họ ở. Bà kể lại:
– Tôi ôm lấy cậu và siết chặt cậu và thì thầm, ‘Lolek tội nghiệp, cháu mất anh cháu rồi’. Với bộ mặt trang nghiêm, cậu bé nhìn lên và nói giản dị, ‘Đó là ý Chúa’. Rồi cậu nhốt mình trong im lặng.
Nhiều chục năm sau, một nhà báo người Ý trình lên Đức Thánh cha Gioan Phaolô II một cuốn sách nhỏ đề tặng người anh của ngài, có hình của Mundek trên tấm áo giấy bọc bìa cuốn sách. Đức Thánh cha chầm chậm áp tấm hình ấy vào môi mình.
Đến nay, trong ngăn kéo phòng làm việc của ngài tại Vatican, vị giáo chủ tối cao ấy còn giữ một báu vật mà ngài nhận được từ nhân viên bệnh viện ở Bielsko: ống nghe bệnh của anh mình.
Bám sát đức tin
Trung úy Wojtyla quyết định rằng đứa con trai còn lại của mình sẽ tiếp nhận trọn vẹn sự nuôi dưỡng, tình yêu và kỹ luật mà ông có thể cung ứng. Bố và con cùng nhau cầu nguyện, dự Thánh lễ hẳng ngày và chơi giỡn với nhau. Có lần, một trong những bạn cùng trường của Karol đến thăm và nghe bên trong cửa rất ồn ào, tiếng la và tiếng dậm chân. Mở cửa, cậu ấy thấy hai bố con mặt đỏ ửng, đẫm mồ hôi trong phòng khách rộng, đồ đạc xếp lại hoặc dựng đứng vào vách. Cả hai đang chơi đá bóng với trái banh quấn bằng giẻ rách.
Karol dành tất cả thì giờ rảnh rỗi cho nỗi đam mê mới: diễn kịch. Cậu dẫn đầu trong các kịch phẩm của nhà trường. Với sự khích lệ của thầy giáo, cậu tham gia một đoàn kịch nghệ. Cậu biểu lộ rất nhiều hứa hẹn tới độ bạn bè không bao giờ nghi ngờ việc Karol sẽ trở thành một kịch sĩ hoặc một nhà văn. Cậu nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng. Những năm ấy đối với cậu thật hạnh phúc. Láng giềng thường nghe cậu hát vui vẻ khi đi xuống cầu thang để tới các buổi tập diễn.
Vào tháng Năm 1938, Tổng giám mục giáo phận Krakow là Adam Sapieha tới Wadocice để cử hành phép Thêm sức. Karol được ban cho vinh dự nghênh đón ngài, và cậu đã chào mừng ngài bằng một diễn từ cực kỳ tao nhã do mình soạn thảo. Đức cha Sapieha ngắm kỹ khuôn mặt nhạy cảm, bao phủ bởi tóc tai bồng bềnh của người học sinh ấy.
Vị Tổng giám mục ấy hỏi thầy dạy giáo lý của Karol :
– Sau khi tốt nghiệp, cậu ấy sẽ làm gì? Cậu ấy có sẽ vào chủng viện không?
Xin phép được trả lời trực tiếp, Karol nói:
– Con sẽ nghiên cứu văn chương và triết học Ba Lan.
Đức tổng giám mục đáp lại:
– Tiếc quá!
Trong lúc ấy, thế giới chung quanh họ đang thay đổi. Karol kết bạn thân thiết với Ginka Beer, một cô láng giềng gia đình ở cùng chung cư. Vào một ngày mùa hè 1938, người thiếu nữ này bất ngờ xuất hiện trước cửa căn hộ của Karol. Cậu tức khắc cảm thấy có điều gì không ổn. Ginka trước đây chưa bao giờ đến nhà cậu.
Cô ấy bảo cậu là bố mình, quản đốc ngân hàng địa phương, đã quyết định cả gia đình phải di tản. Ba Lan dường như không còn yên ổn cho người Do Thái. Những tên du côn trẻ tuổi thường hô hào tẩy chay các cơ sở mua bán và kinh doanh của người Do Thái, đang đập phá cửa sổ của họ.
Bố của Karol cố gắng thuyết phục cô ấy ở lại. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Không phải tất cả người Ba Lan đều bài Do Thái.
Karol cũng cố thuyết phục Ginka đừng đi, nhưng vô ích. Cậu bối rối cực kỳ, tới độ mặt đỏ bừng, và rồi buồn bã không nói nên lời. Karol lần nữa mất thêm người thân của mình.
Sau khi xong trung học, Karol cùng bố dọn đến Krakow và ghi tên vào Đại học Jagiellonian. Khi bom của Đức dội xuống thành phố ngày 1 tháng Chín, anh đang ở trong nhà thờ chánh toà cổ kính. Ngay lúc tiếng nổ dội lại và tiếng còi hụ vang lên, các toán quân Đức tiến vào Krakow.
Ba Lan sụp đổ nhanh chóng và kinh hoàng. Từ ngày 6 tháng Chín, người Đức xâm chiếm Krakow. Ngày 28 tháng Chín, Warsaw đầu hàng và đối với Karol Wojtyla, bắt đầu cuộc sống trong xứ Ba Lan bị chiếm đóng.
Quân Quốc xã nhanh chóng siết chặt dây thòng lọng trên dân chúng. Bất cứ ai làm việc gì mà không được chúng cho phép đều có nguy cơ bị tống xuất đi Đức. Vào mùa thu năm 1940, Karol làm công nhân tại một mỏ đá điều hành bởi công ty hoá học Solvay do người Đức chỉ huy ở ngoại ô Krakow. Suốt tám giờ trên công trường, anh bắt buộc phải làm việc ngoài trời lạnh cóng dưới 0 độ C.
Điều kiện làm việc thật ác nghiệt. Có một ngày, Karol thấy một đồng nghiệp tử nạn vì dăm đá chọc thủng màng tang lúc người ấy sử dụng cưa đá. Anh cảm giác nỗi đau đớn và cơn giận của những công nhân khác cùng sự quằn quại bi thương buốt nhói của người quả phụ.
Các công nhân gọi Karol Wojtyla là "anh chàng sinh viên" và quan sát lúc anh chịu đựng cơn lạnh mà chỉ mặc áo khoác xanh, quần xanh và đội chiếc mũ trì cứng trửng mồ hôi. Một ngày kia, anh làm họ ngạc nhiên khi tới mỏ đá anh xanh mét và run rẩy. Anh đã đem áo khoác của mình cho một người khốn khổ rách rưới nào đó mà anh gặp trên đường.
Công việc tại mỏ đá và tình trạng thiếu thốn của chiến tranh thay đổi thể chất của Wojtyla. Khuôn mặt anh gầy gò và xương xẩu. Khi bước, anh khòm lưng xuống. Khẩu phần thời chiến thật ít ỏi. Sự việc còn tệ hại hơn vì người thanh niên này còn có một ông bố đang bị bệnh nặng.
Vào ngày 18 tháng Hai năm 1941, trời băng giá lúc Wojtyla đi làm việc. Cha anh nằm liệt giường ở nhà, không thể tự lo liệu cho mình.
Sau giờ lao động, Wojtyla mang một ít thực phẩm, thuốc men và trở về căn nhà ở tầng hầm của mình với một người bạn của cô em gái. Anh bước vào phòng của bố, lát sau có tiếng khóc thổn thức vọng ra. Bố anh đã chết.
Ghì chặt cô gái, mặt đầm đìa nước mắt, Wojtyla khóc than:
– Tôi không ở đó khi mẹ tôi mất. Tôi không ở đó khi anh tôi chết. Tôi không ở đó khi bố tôi từ trần.
Suốt đêm, người con trai canh thức thi hài thân phụ. Suốt cuộc canh nguyện này, anh suy nghĩ về chính định mệnh mình. Nhiều năm sau, Đức Gioan Phaolô II nói về thời điểm ấy:
– Vào tuổi 20, tôi đã mất tất cả mọi người tôi yêu thương.
Trong những tháng kế tiếp, nỗi thương đau của anh gắn chặt anh hơn vào đức tin của mình. Sau cùng, năm 1942, người thanh niên ấy đi đến một quyết định. Ít lâu sau, Đức Tổng giám mục Sapieha giáo phận Krakow được báo cho biết là Wojtyla muốn trở thành linh mục.
Chủng viện bí mật
Đức Adam Sapieha, giám mục tông toà Krakow là một nhà quý tộc, một người yêu nước và một chính trị gia. Ở tuổi 72 ngài trụ lại cách cương quyết ở chức vụ mình khi quân đội Hitler tiến vào thành phố. Ngài giữ liên lạc với các nhóm kháng chiến, với chính phủ Ba Lan lưu vong ở Luân đôn và với Vatican. Ngài giúp đỡ riêng tư cho người Do Thái bằng cách cho phép phát hành các giấy chứng nhận rửa tội để bảo vệ họ thoát khỏi những cuộc truy lùng của bọn Quốc xã.
Trong thời chiếm đóng, quân Quốc xã ra sắc lệnh cho Giáo hội không được tiếp tục đào tạo các chủng sinh. Đức Sapieha bất chấp, thiết lập một chủng viện ngầm để bảo đảm cho Giáo hội một lưu lượng liên tục các ứng viên linh mục.
Wojtyla gia nhập chủng viện bí mật của Đức Tổng giám mục vào tháng Mười 1942. Lớp học được mở tại các tu viện, nhà thờ và tư gia. Mỗi sinh viên có một giáo sư được chỉ định để trông nom kềm cặp riêng từng người. Các sinh viên được chỉ thị giấu người quen kẻ biết việc học hành của mình.
Vào ngày "Chủ Nhật Đen" 6 tháng Tám 1944, mật thám SS và Gestapo bố ráp mọi đường phố nhằm đập tan bất cứ sự phối hợp nào của kháng chiến Ba Lan. Hơn tám ngàn người lớn và thiếu niên bị câu thúc.
Wojtyla đang cùng với các bạn trong căn hộ mình, nghe tiếng la hét và bước chân rầm rập của lính Đức. Đang khi anh cầu nguyện trong phòng thì những người khác cùng chờ đợi với anh, tê liệt vì sợ hãi.
Trên đầu mình, họ nghe lính Đức ra lệnh tiến lên cầu thang, nhưng trong lúc vội vã, vì lý do nào đó mà chúng không lùng sục tầng hầm của chung cư.
Ngày kế tiếp, Wojtyla, né tránh các đợt tuần tra quân sự, tìm đường tới toà tổng giám mục, nơi Đức Sepieha dấu các chủng sinh trẻ. Sau cùng, trong nơi kín đáo của chủng viện bí mật, Wojtyla khoác lên người chiếc áo tu sĩ mà mẹ anh đã muốn anh mặc.
Đức Sepieha đặc biệt trông nom Wojtyla. Họ thường dùng điểm tâm với nhau. Ngài yêu thích chàng thanh niên gầy gò, trầm mặc và sau đó, tên của Wojtyla được xóa khỏi danh sách các công nhân công ty hoá học Solvay.
Ít tháng sau, vào tháng Giêng 1945, khi sức kháng cự của Đức đối với quân Đồng minh bị bẻ gãy, Krakow được Hồng quân Nga giải phóng. Karol Wojtyla có thể chấm dứt việc học của mình tại Đại học Jagiellonian, và vào ngày 1 tháng Mười Một 1946, được Tổng giám mục Sapieha truyền chức.
Việc thất trận của Quốc xã không giải phóng được Giáo Hội – hoặc Ba Lan – khỏi áp bức. Sự củng cố có tính cách Stalinnít tại Đông Âu và Trung Âu rất nhanh chóng và thật ác liệt. Nhưng tại Ba Lan, Giáo hội hậu chiến lập tức trở thành tiếng nói đối lập thầm lặng.
Trải qua nhiều thế kỷ, trong chiến tranh và chia cắt, văn hoá Ba Lan và giai cấp nông dân đã trở thành gắn bó một cách không thể tháo gỡ với Giáo hội, vốn luôn luôn đứng trên căn bản chống lại kẻ xâm lăng và những người bản xứ ngoại đạo. Với dân số Công giáo tràn ngập, Ba Lan có tính cách độc nhất. Các lãnh tụ thịnh nộ của Bộ chính trị ở Mátcơva không thể hiểu cách giản dị rằng Giáo hội Công giáo tại Ba Lan là một sức mạnh.
Sau một năm rưỡi du học ở Roma, Wojtyla trở về Ba Lan. Để tạo cho Wojtyla dễ dàng hội nhập vào hàng ngũ Giáo hội, Đức Sapieha, lúc này đã là hồng y, chọn cho linh mục ấy một họ đạo ở thôn quê cách Krakow 50 cây số. Làng đó có 200 dân và một ngôi nhà thờ gỗ.
Nhiều người kể lại câu chuyện về cách mà Wojtyla, một linh mục gầy gò trong chiếc áo thầy tu sờn vải, lúc đến mang hành lý của mình trong một túi xách thể thao, lê bước chầm chậm dọc theo con đường không có lề đường.
Trong bảy tháng, Wojtyla nếm mùi kinh nghiệm mục vụ: làm phép rửa tội, nghe xưng tội, cử hành lễ cưới và đám ma, viếng kẻ liệt, dâng Thánh lễ, chăm sóc cuộc sống tinh thần cho các bổn đạo nhà quê.
Chính trong ngôi làng quê mùa này mà vị linh mục trẻ nếm trải kinh nghiệm đầu tiên cùng cách hoạt động của guồng máy Stalinnít. Khi cơ quan công an mật muốn giải tán Đoàn Thanh niên Công giáo địa phương, thí dụ, họ yêu cầu một trong các thành viên cung cấp tin tức về toàn nhóm. Người thanh niên ấy từ chối.
Vào một buổi tối, công an bắt anh ấy lên xe, mang anh đến làng bên và đánh đập anh nặng nề. Anh trở về làng sáng hôm sau trong cơn chấn động.
Wojtyla an ủi người ấy và nói về những người Cộng sản:
– Stanilaw, anh chớ lo. Rốt cuộc họ sẽ tự kết liễu họ thôi.
Tháng Ba năm 1949, Đức Hồng y Sapieha thuyên chuyển Wojtyla tới giáo xứ đại học St. Florian ở Krakow. Vị hồng y lão thành nhận ra là ở nơi đó, cha Karol có thể triển khai trọn vẹn mối quan hệ tuyệt vời của ngài với thanh niên.
Wojtyla bắt đầu làm những chuyến đi tới núi non hoặc sông hồ với các thanh niên nam nữ trong đại học. "Các cô và các cậu" - qua cách mà ngài nói với họ - cảm thấy sự nồng ấm đặc biệt đối với ngài. Hằng ngày, ngài bắt đầu với Thánh lễ, rồi dẫn đầu một đoàn dài các trại sinh leo núi hoặc bơi thuyền.
Ngài mặc quần áo như người thường, thường là áo thun và quần cụt để che giấu hành tung của một linh mục. Chính quyền nghiêm cấm giáo sĩ không được hướng dẫn các nhóm thanh niên ở bên ngoài nhà thờ của mình. Các sinh viên gọi ngài là “chú” – phần vì yêu mến, phần vì tránh bị nghi ngờ.
Ngài thường chọn riêng ra một sinh viên để suốt ngày trải qua những giờ tận tâm cách riêng với mỗi người. Thanh niên cởi mở với ngài và thẳng thắn thảo luận về mọi loại vấn đề – kể cả cuộc sống tình ái của mình.
Năm 1954, Wojtyla bắt đầu giảng dạy môn luân lý tại Đại học Công giáo Lublin. Ngài thường đội mũ bê rê màu đỏ tiá vui nhộn, đeo kính gọng sừng và chiếc áo dòng màu đen sờn vải từ thuở ngài thường hay quì gối.
Tại đại học, ngài tham gia một nhóm nhỏ các giáo sư bí mật tụ họp thảo luận về tình trạng gay go của Giáo Hội. Không khí chính trị và tôn giáo tại Ba Lan trở nên quyết liệt hơn. Các tu sĩ bị bắt bớ. Tuần báo Công giáo ở Krakow bị đóng cửa vì từ chối đăng lời cáo phó Stalin ngay trang đầu.
Khi Giáo hội Công Giáo chiến đấu tìm cách chung sống với Cộng sản, Karol Wojtyla, một linh mục ít người biết tới của Krakow, sắp đặt bước chân đầu tiên của mình lên điểm ánh đèn sân khấu rọi sáng.
Người chưa thể lường trước
Ngày 4 tháng Bảy 1958, Wojtyla được triệu tập khẩn cấp tới nơi ở tại Warsaw của Đức Hồng y Wyszynski, giáo chủ, cũng là nhà lãnh đạo Giáo hội. Suốt mười năm, Đức Wyszynsky là biểu tượng cho Giáo hội Công giáo Ba Lan. Bằng những ứng xử khôn khéo và ngoan cường, bằng con đường ngoại giao, ngài bảo vệ truyền thống độc lập của Giáo hội.
Lúc này, Đức Wyszynski lẹ làng đưa mắt nhìn vị linh mục trẻ rám nắng, kẻ mà ngay trong chiếc áo dòng của mình cũng cho thấy sự cường tráng và lực lưỡng. Đức Hồng y không hiểu nhiều về người trẻ tuổi này ngoại trừ số tuổi của người ấy, 38, và việc ngài bị người ấy ngắt lời trong một cuộc tỉnh tâm của một nhóm thanh niên.
Wyszunski đưa bàn ta xương xẩu của ngài cầm một tờ giấy lên khỏi mặt bàn. Ngài mở lời:
– Đây là một lá thư ưu ái mà Đức Thánh cha gởi cho chúng ta. Xin hãy nghe: 'Tôi chỉ định Linh mục Karol Wojtyla làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Krakow; xin vui lòng chấp thuận sự chỉ định này’.
Đức Hồng Y nhìn Wojtyla ngưng lại để xem xét phản ứng của vị linh mục trẻ, rồi hỏi:
– Cha có chấp nhận không?
Wojtyla thưa vâng. Ngày 28 tháng Chín 1958, Karol Wojtyla được truyền chức giám mục tại Nhà thờ Chánh toà Wawel ở Krakow.
Chưa đầy hai tuần sau, ngày 9 tháng Mười, Đức Thánh cha Piô XII qua đời ở tuổi 82, và ngày 28 tháng Mười các hồng y bầu Đức Angelo Giuseppe Roncalli, 76 tuổi, lấy danh hiệu là Đức Thánh cha Gioan XXIII. Chỉ mới nội trong ba tháng đầu, vị tân Đức Thánh cha này đã triệu tập một Công đồng toàn thế giới. Thiệp mời gởi tới cho 2.594 giám mục khắp thế giới, trong đó có Đức Karol Woltyla.
Giáo hội Công Ggáo là một định chế luôn luôn có khuynh hướng xem rất trọng tính liên tục. Nhưng hội nghị của các thủ lãnh Công giáo từ tháng Mười năm 1962 đến tháng Mười hai năm 1965 được xem chính xác như một đoạn tuyệt căn bản với quá khứ. Công đồng Vatican II là một cuộc cách mạng.
Tại Vatican II, chủ trương chuyên chế của trung ương – bộ máy thư lại toà thánh tại La Mã hàng thế kỷ độc đoán cùng sự bắ t buộc tôn trọng tuyệt đối các luật lệ của cuộc sống Công giáo – bị tước bỏ. Công đồng phá vỡ kiểu thức của một Giáo hội kế thừa từ Thời đại Phục hưng của Công đồng Trentô (1545-63), và cho phép nối lại tình hữu nghị với các giáo hội Thệ phản (Tin lành) và Chính thống giáo phương Đông và từ bỏ chủ nghĩa chống Do Thái.
Khi Giám mụ c Wojtyla lần đầu tiê n đến La Mã, vị giáo sĩ 42 tuổi này là một người chưa ai lường trước được. Nhưng công đồng sẽ thay đổi cuộc đời của vị ấy. Các buổi hội luận của công đồng là trường học lớn lao cho ngài. Ngài quan sát, lắng nghe và học hỏi. Từ ghế ngồi của mình trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngài là chứng nhân các cuộc đối đáp, những tràng vỗ tay thắng lợi, những bùng nổ thịnh nộ, và sự thành hình các khối phiếu thể hiện lề lối dân chủ nghị trường của Giáo hội.
Ngài bắt đầu tiếp xúc với những khuôn mặt có ảnh hưởng trong Giáo hội. Tại La Mã ngài gặp lại người bạn cũ, Cha Adrzej Maria Deskur từng cùng ngài theo học ở chủng viện và có một am hiểu sâu xa về trung ương. Cha Deskur giới thiệu Đức Wojtyla với những khuôn mặt chủ yếu trong các nhóm ở Vatican. Cha Deskur kể lạI:
– Mỗi ngày thứ hai tôi hỏi ngài muốn gặp ai, và Karol đưa cho tôi một danh sách.
Tại Công đồng Vatican II, những người Ba Lan là phái đoàn quan trọng ra đi từ thế giới cộng sản, và chẳng bao lâu, Đức Wojtyla trở thành một trong các người phát ngôn của phái đoàn.
Vị tân giám mục của Krakow bắt đầu lôi cuốn sự chú ý. Ngài nổi bật trong sự kính mến của Công đồng vì kiến thức, khả năng lắng nghe của ngài và việc ngài coi thường tính chất tinh thần của chủ nghĩa cộng sản.
Dù đôi khi bị đánh giá là người theo những nguyên tắc trừu tượng, quá cách biệt với chính trị, Đức Wojtyla biết cách sử dụng uy lực của các ý nghĩa tượng trưng. Khi ngài chính thức trở thành tổng giám mục của Krakow, ngài khải hoàn bước vào Nhà thờ Chánh toà Wawel, mặc phẩm phục được trao cho các tổng giám mục vốn có nguồn gốc từ thời Trung cổ.
Phẩm phục tráng lệ ấy của Đức Wojtyla tiêu biểu cho gần một ngàn năm lịch sử Ba Lan. Nó không chỉ là tôn trọng truyền thống mà còn là cách nhắc nhở các tín đồ và "những người ngoại giáo" đang nắm quyền rằng Giáo hội của Ba Lan là của dân tộc, và lịch sử của Ba Lan đã không thể hiện hữu nếu tách biệt khỏi Giáo hội.
Sự thách thức của Đức Wojtyla còn công khai hơn. Từ những ngày mới làm giám mục, ngài đã dài ngày vận động cố sở đắc cho được giấy phép dựng một nhà thờ tại Nowa Huta, một thành phố xã hội chủ nghĩa kiểu mẫu do Cộng sản xây dựng sát bên trong địa giới của giáo phận Krakow.
Khi chính quyền không giữ lời hứa, vào dịp lễ Giáng sinh ngài đến khu vực đã hứa cho xây nhà thờ và cử hành Thánh lễ nửa đêm ngoài trời trong tuyết lạnh.
Ngài tới tấp đòi hỏi giới cầm quyền bằng một chuỗi thỉnh nguyện kiên định và các yêu cầu về các chủng viện mới, nhà thờ mới và những cuộc rước kiệu công khai. Ngài phản đối toan tính của chính quyền ngăn chận việc dạy giáo lý cho trẻ em.
Tính cách độc lập và cá tính của vị Tổng giám mục này đã sớm được nhận biết. Năm 1967, Đức Phaolô VI phong ngài làm Hồng y. Từ đó trở đi, cảm tình giữa Đức Phaolô VI và vị Tổng giám mục 47 tuổi của Krakow này ngày càng gia tăng, và ngài trở thành vị khách được ái mộ của Đức Thánh cha.
Trong các chuyến đi La Mã, ngài thường viếng thăm Đức Phaolô VI bằng những cuộc tiếp kiến riêng tư. Và lúc ấy cả hai có sự hợp tác đặc biệt trong một thông điệp giáo hoàng đánh dấu một bước ngoặt, Humanae Vitae (Sự sống Con người). Có thể thấy dấu vết của vị Hồng y ở Krakow trong thông điệp ấy mà hầu hết nội dung duy trì sự nghiêm cấm của Giáo hội về các cách thức ngừa thai nhân tạo.
Tại Vatican, Đức Wojtyla nổi tiếng như một triết gia và một người sử dụng dễ dàng nhiều ngôn ngữ châu Âu khác nhau: Tây Ban Nha, Nga, Pháp, Anh, Ý và Đức ngữ. Ngài cũng nổi tiếng về sức quyến rủ lạ thường của mình đối với giới trẻ.
Với các hồng y khác, vị Hồng y Ba Lan này vẫn còn điều gì như một cuốn sách chưa lật ra. Ngài nồng nàn trong những trao đổi riêng tư nhưng hiếm khi vui vẻ. Trong khi khao khát được lắng nghe lời người khác, ngài vẫn là kẻ thui thủi một mình. Một số người biết là ngài đã mất mẹ, anh và bố từ những năm tuổi nhỏ, nhưng ngài không bao giờ đề cập đến chuyện ấy. Thực tế, ngài chẳng sở hữu gì ngoài sách và những chiếc áo dòng, một ít vật kỷ niệm của gia đình, giày trượt tuyết và quần áo leo núi.
Ngài cũng sớm được chú ý đến bên ngoài Vatican. Vào năm 1976, báo New York Times xếp ngài vào danh sách mười ứng viên thường được đề cập nhất để kế vị Đức Phaolô VI. Dù Đức Hồng y Albino Luciani đã được bầu khi Đức Phaolô VI qua đời vào tháng Tám 1978, những vị bên trong Giáo hội đều đồng ý v ới nhau rằng “ngôi sao Wojtyla đang lên”.
Đức Thánh cha
Người tài xế nhớ lại, tác động của tin Đức Thánh cha từ trần làm cho Đức Wojtya nhức một bên đầu. Suốt ngày vị Hồng y Krakow bị căng thẳng. Ngài biết là mình sắp sửa không thể nào tham dự các buổi họp kín của Hồng y đoà n như là một khán giả thuần túy.
Dạo tháng Tám gần như việc bầu chóng vánh Đức Gioan Phaolô I thật sự là một phép lạ. Chỉ bốn vòng bỏ phiếu, các Hồng y đã đồng ý chọn ngài. Nay phải tìm cho ra một tên tuổi khác.
Việc ấy có thể làm mệt phờ người. Chính thức, các Hồng y tin vào Chúa Thánh linh, nhưng các vị hiểu rằng diễn tiến bầu cử vị giáo chủ tối cao sẽ tác động đến mọi sự kiên định, khéo léo và có khi có khả năng tạo hiềm khích với nhau.
Một lần nữa người Ý cố đặt một đồng bào của mình lên, nhưng Đức Wojtyla đã thành một ứng viên đáng chú ý. Ngài biết là có một vị Hồng y nhiều ảnh hưởng đang vận động cho mình: Đức Franz Konig của Vienna (Áo). Nhân vật cao lớn, bệ vệ này có 20 năm kinh nghiệm trong Hồng y đoàn. Ngài và vị Hồng y Krakow hiểu nhau rất rõ. Trong các lần Đức Wojtyla viếng thăm La Mã, cả hai đã có những cuộc thảo luận rất lâu về tình hình Đông Âu, đặc biệt tại các xứ sở mà phần lớn hoạt động của Giáo hội bị hạn chế trong thầm lặng.
Đức Konig thuyết phục nhiều Hồng y ở La Mã là vị Thánh cha sắp tới phải là người trẻ, mạnh khỏe và không là người Ý. Sau cái chết của Đức Phaolô VI, Đức Konig từng tuyên bố là các Hồng y Đông Âu cũng có quyền có ứng viên của mình.
Nếu có ai hỏi tên, Đức Konig đưa Wojtyla ra. Và từ từ, ngài để lộ lời Đức Phaolô VI nói về vị Hồng y ở Krakow rằng:
– Vị ấy là một người dũng cảm và đáng ca ngợi.
Nhưng khi thăm dò các đồng sự, Đức Konig thấy không có sự đồng tâm tức thời. Ngài càng đề cập tới, càng nhận ra là thật khó khăn khi đập vỡ cái khuôn rập hàng ngàn năm nay đòi hỏi vị Thánh cha phải là người Ý.
Đức Wojtyla nằm ngoài sự chú ý của mọi người, nhưng điều ấy không quan trọng gì. Đức Giám mục Deskur, người bạn và người đồng hương không mệt mỏi của ngài đã đóng vai người điều hành cuộc vận động và cũng nỗ lực để nhiều người ủng hộ khác nhau cùng đứng về phía Đức Wojtyla.
Rồi thì, chỉ một ngày trước khi bắt đầu hội nghị, Đức Deskur bị lên cơn đau tin nặng và từ đó chẳng bao giờ ngài hoàn toàn bình phục. Đức Wojtyla dịu dàng và lo âu thăm viếng ngài tại bệnh viện nơi ngài nằm điều trị. Để thư giản, Đức Wojtyla ra bãi biển. Chỉ ngay bên ngoài La Mã, mặt nước mùa thu lạnh lẽo mới đủ ấm cho nhân vật cô độc này, một người đến từ phương bắc đang vùng vẫy bơi lui bơi tới.
Trong vòng đầu phiếu đầu tiên, các Hồng y tụ họp tại Nhà nguyện Sistine. Các vị im lặng lắng nghe những luật lệ buộc phải giữ bí mật tuyệt đối, cấm mọi thông tin với thế giới bên ngoài. Không cho phép các máy truyền tin hai chiều cũng như không được ghi âm. Bộ phận bảo vệ của Vatican đã dùng các máy dò điện tử để lùng tìm các vật nghe lén.
Sau khi gặp nhau, mỗi Hồng y vào phòng hay ngăn ở dành riêng cho mình. Vào ngăn 91, vị Hồng y Krakow chú ý tới chiếc giường đơn, tủ để đồ và một chiếc bàn nhỏ.
Hôm sau, Chúa nhật ngày 15 tháng Mười, diễn tiến bầu cử bắt đầu. Cuộc bầu cử diễn ra cho thấy rõ là các ứng viên người Ý bị chia phiếu của nhau. Và những ứng viên đang loại trừ lẫn nhau đó không đạt kết quả trong việc giành được sự nhất trí mạnh mẽ.
Tính chất gay gắt của cuộc tranh đua bầu phiếu tương phản với sự trầm lặng không thực tràn ngập hội nghị. Thực tế, tại Nhà nguyện đường Sistine chỉ có tiếng kêu sột soạt của các lá phiếu khi xếp chúng lại và bỏ vào chén thánh được dùng làm thùng phiếu. Giữa cảnh im ắng này, đang trang trọng diễn ra cuộc chiến đấu cho tương lai của Giáo hội.
Vào tối Chúa nhật, rõ ràng là các ứng viên dẫn đầu đã đánh mất vị trí của mình. Ở vòng phiếu thứ tư, Đức Wojtyla nhận thêm được một ít phiếu, một điềm báo hiệu. Đức Konig cảm thấy sẵn sàng lao vào cuộc tiến công tối hậu.
Ngài nói với các Hồng y Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, luôn luôn bằng một thái độ tự nhiên như thể đó là vấn đề tầm thường nhất. Một ít lời trao đổi trong hành lang, trò chuyện trong khi rời phòng ăn, viếng thăm ngắn ngũi ngăn ở của một vị nào đó, ngài thận trọng và thuyết phục.
Sự căng thẳng rì rào khắp hội nghị khi các cử tri nghiêm trọng cân nhắc khả năng bỏ phiếu cho một vị không phải người Ý.
Ngày Thứ hai 16 tháng Mười, trong vòng phiếu thứ sáu – vòng cuối trước khi đi ăn trưa – các lá phiếu bầu cho hồng y Krakow đột nhiên tăng lên. Chiều ấy, sau hai vòng bầu nữa, Đức Wojtyla nghe xướng tên mình. Một đa số lớn lao các Hồng y đã làm điều không tưởng tượng nổi: các vị chọn một Đức Thánh cha từ một xứ sở có chính quyền Cộng sản vô thần, vị Thánh cha đầu tiên không phải người Ý tính từ suốt 456 năm qua, một Thánh cha trẻ 58 tuổi, kẻ khi còn đi học từng nói mình không thích làm linh mục.
Giữa sự thinh lặng ấy, nghe rõ tiếng vị Hồng y thị thần hỏi:
– Ngài có chấp nhận không?
Sự căng thẳng tan trên khuôn mặt của Đức Wojtyla, ngài trả lời nghiêm trang:
– Có. Với sự vâng phục trong đức tin vào Đức Kitô, Chúa chúng ta, và với sự tin tưởng vào Mẹ của Đức Kitô và của Hội thánh, bất chấp mọi khó khăn, tôi chấp nhận.
Và để vinh danh di sản của ba vị Thánh cha tiền nhiệm, ngài lấy danh hiệu Gioan Phaolô II.
Chỉ có nhịp mạch máu giật trên trán của Đức Wojtyla để lộ cơn bão trong tâm hồn ngài khi ngài chuẩn bị rời nhà nguyện ấy. Trầm lặng, ngài để cho mình được hộ giá tới phòng ngoài, được xem là camera lacrimatoria (phòng than khóc). Ở đây, vị tân Đức Thánh cha chờ đợi người thợ may toà thánh mặc thử cho ngài một trong ba loại áo chùng trắng – cỡ nhỏ, vừa hoặc lớn – đã được đặt sẵn ở đó.
Sau khi Đức Thánh cha Gioan Phaolô II mặc chiếc lớn nhất trong ba chiếc áo dòng ấy, các Hồng y lần lượt từng người tới bái ngài để tỏ lòng tôn kính. Sau đó, vị tân Đức Thánh cha tự mình bước quả quyết vào hành lang rộng lớn ngoài Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để chào La Mã và thế giới.
Ngày 22 tháng Mười, Đức Wojtyla xuất hiện tại Quảng trường Thánh Phêrô cử hành thánh lễ đăng quang ngôi Thánh cha của mình. Ngài có sự thoải mái của một nghệ sĩ vốn đã thuộc lòng vai tuồng của mình.
Khi các nốt nhạc của bài tụng ca kết thúc trong im lặng, vị giáo chủ tối cao phá vỡ truyền thống và bắt đầu tiến gần đến dân chúng chung quanh ngài. Bằng những bước dài, ngài đi nhanh qua quảng trường lúc các Hồng y đứng ngắm hết sức kinh ngạc. Ngài ôm một nhóm những người tật nguyền đang ngồi xe lăn. Ngài bắt tay, hôn các em bé và vỗ các lẵng hoa dân chúng dâng ngài.
Tiếp đến, ngài dồn ánh mắt của mình vào đám đông cuồng nhiệt, và cầm quyền trượng của mình bằng hai tay như một thanh kiếm, ngài vạch dấu hiệu chúc phúc đầy quyền năng.
Qua các vệ tinh, những tín hữu cũng như không phải tín hữu khắp thế giới quan sát nghi lễ trang trọng ấy. Tại Ba Lan, thực tế mọi người đều dán mắt vào máy truyền hình của mình. Toàn bộ sinh hoạt xứ sở dường như tạm ngưng lại.
Ngày 5 tháng Mười một, Đức Wojtyla thăm Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô, vị thánh đỡ đầu nước Ý. Nhiệt tình của đám đông khi gặp ngài thật cuồng nhiệt. Với sự tưng bừng hớn hở của đám đông ngân vang bên tai, Đức Thánh cha nghe ai đó la lớn:
– Xin đừng quên Giáo hội Thầm lặng!
Câu đó có nghĩa đề cập tới Giáo hội bị bách hại bên kia Bức màn sắt.
Không để lỡ nhịp hô, Đức Gioan Phaolô II đáp lại:
– Không còn Giáo hội Thầm lặng nữa, vì Giáo hội ấy nói với tiếng nói của tôi!
Ngài đã sẵn sàng để nhắc nhở các chế độ Cộng sản rằng có những Kitô hữu không có tự do ngôn luận. Và ngài sẽ cho thấy rất nhanh điều ngài muốn đề cập.
Đức Gioan Phaolô II sắp sửa đốt sáng ngọn lửa bên dưới hàng giáo phẩm Công giáo tại các nước Đông Âu. Với các giám mục Nam Tư, Hungary, Latvia và Lithuania, ngài hứa hỗ trợ và khuyến khích các vị ấy dũng cảm hơn trong việc đối phó với chế độ Cộng sản mà họ đang sống dưới chúng.
Trong lúc ấy, tại Mátcơva, cấp lãnh đạo đang đánh giá vị tân Thánh cha. Ngày 4 tháng Mười một 1978, Ủy ban Trung ương của đảng Cộng sản Sô viết nhận được bản báo cáo đặc biệt về vị tân giáo chủ này với những đúc kết tiên đoán về vai trò mới của ngài trong cương vị giáo hoàng, rằng “Wojtyla rõ ràng là sẽ ít muốn thoả hiệp (hơn trước đây) với cấp lãnh đạo các nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Có một điều mà bản báo cáo ấy không thấy trước được là Đức Gioan Phaolô II sớm sủa nhận lời thách đấu biết chừng nào.
Các tuyến mặt trận
Thách đố đến với hình thức chiếc phi cơ phản lực màu trắng Alitalia bắt đầu hạ cánh xuống phi trường Warsaw ngày 2 tháng Sáu 1979. Trên máy bay, Đức Thánh cha bồn chồn ôn lại bản sơ thảo bài diễn văn đầu tiên của mình. Ngài nói:
– Tôi trở lại. Tôi sắp gặp gỡ Giáo hội mà từ đó tôi xuất thân.
Nhưng không ai hiểu hết cuộc viếng thăm này của ngài sẽ tác động tới mức nào.
Khi Leonid Brezhnev, lãnh tụ Sô viết, nghe tin chính phủ Ba Lan đang thương thảo về thời gian thăm viếng của Đức Thánh cha, y giận dữ điện thoại cho đệ nhất bí thư của Warsaw và truyền lệnh là không được đón nhận ngài.
Viên bí thư ấy trả lờI:
– Làm thế nào tôi không thể tiếp đón vị Thánh cha người Ba Lan khi đại đa số đồng bào tôi là người Công giáo? Xin lỗi đồng chí Leonid, tôi không thể từ chối Đức Thánh cha.
Brezhnev nói cách xui xẻo:
– Cứ làm điều ngươi muốn nhưng hãy cẩn thận và về sau chớ hối tiếc!
Năm 1966, đảng Cộng sản ở Warsaw từng từ chối chấp thuận cho Đức Thánh cha Phaolô VI thăm viếng. Nay lịch sử đã phục thù.
Sau khi vào không phận Ba Lan viên phi công chiếc Alitalia lái bay vòng trên thành phố Krakow. Đức Thánh cha nhìn xuống quang cảnh rất quen thuộc phía dưới; ngọn đồi hùng vĩ Wawel Castle và nhà thờ chánh toà; chỗ rẽ mênh mông của sông Visula nơi ngài từng tản bộ với bố mình; khu kỹ nghệ nằm trườn ra ở vùng ngoại ô Nowa Huta, "thành phố mới của công nhân" nơi người Cộng sản thuở trước từ chối không cho ngài xây nhà thờ. Từ trên không, ngài có thể nhìn thấy nhà máy hoá học già nua Solvay, toà nhà gạch đỏ nhếch nhác nơi ngài làm việc cực nhọc trong thời Quốc xã chiếm đóng.
Lúc 10 giờ 7 phút sáng, máy bay của Đức Thánh cha đáp xuống thủ đô Ba Lan. Vào lúc ấy, chuông các nhà thờ Ba Lan reo lên. Từ biển Baltic đến các ngọn núi Tatra, từ Silesia đến biên giới Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Sô Viết, chuông thánh đường dội vang khắp xứ sở.
Tại phi trường, ban thánh ca Sinh viên Công giáo trổi lên điệu ca thời trung cổ "Gaude, Mater Polonia" (Vui lên, Mẹ Ba Lan ơi!), và khắp toàn cõi Ba Lan dường như biến mất lá cờ đỏ cộng sản. Chỉ còn lại các biểu ngữ của quốc gia Ba Lan và của Vatican.
Giữa hàng ngàn người Ba Lan bu quanh các con dường vào phi trường để nhìn Đức Thánh cha, có Zbigniew Bujak. Đó là nơi cuối cùng đáng cho anh đến. Anh là một người bị tình nghi. Công an mật đang đánh hơi anh, lập hồ sơ về anh. Mới đây anh đã tham gia thành lập một nhóm nghiệp đoàn bất hợp pháp.
Khi Đức Thánh cha đi qua trên một chiếc xe jeep nhà binh màu trắng, tiếng la hét của đám đông điếc cả tai. Bujak xúc động vì nụ cười của Đức Wojtyla khi ngài chúc phúc cho đám đông cuồng nhiệt. Bỗng nhiên, anh nhận ra rằng, " Đây cũng là một cuộc biểu tình chống cộng sản," và anh cảm thấy có một sức mạnh nâng mình lên.
Khi đến Quảng trường Castle, ngay lối vào Khu Phố Cổ Warsaw, xe Đức Thánh cha chạy lên trên những sỏi lát đường trải đầy các vòng hoa. Vừa thấy nhà thờ chánh toà, gương mặt của Đức Thánh cha mất vẻ biểu lộ quả quyết, và nước mắt bắt đầu tuôn ướt đẫm má. Đức Wojtyla dùng lưng bàn tay quệt nước mắt.
Vì đây là Thánh lễ đầu tiên Đức Karol Wojtyla cử hành tại Ba Lan trong cương vị Đức Thánh cha, các giám mục xây cất một khán đài khổng lồ ngay trung tâm Quảng trường Victoria, nơi mai táng Người Chiến sĩ Vô danh Ba lan. Bình thường chính phủ chỉ dùng quảng trường này để diễn binh. Lúc này, ba đợt cầu thang dẫn lên bàn thờ có cắm cây Thánh giá bằng gỗ cao 11 thước. Quảng trường rộng thênh thang ấy, thường là biểu tượng của sức mạnh Cộng sản, nay đã trở thành một chốn thờ tự tôn giáo.
Khi Đức Thánh cha đến quảng trường lúc bốn giờ chiều, đã có 300.000 người đợi sẵn. Mọi điều Đức Thánh cha nói trong bài giảng đều báo hiệu sự bắt đầu một chuyển hướng cho Giáo hội – tại Ba Lan, tại phần còn lại của Đông Âu, tại Liên bang Sô viết, và trong bang giao quốc tế.
Giáo hội không còn chỉ giản dị đòi hỏi không gian sống cho chính mình. Qua Đức Thánh cha này, Giáo hội đòi hỏi tôn trọng quyền con người cũng như các giá trị Kitô giáo, tôn trọng đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Những đòi hỏi này thể hiện một cuộc đổ bộ trực tiếp vào những khoác lác khắp thế giới của hệ tư tưởng Mác-xít mà lúc này đã trở thành chiếc vỏ ốc rỗng tuếch.
Khi Đức Gioan Phaolô II nói, mọi người có thể cảm thấy có một loại điện từ liên kết trọn vẹn diễn giả và cử tọa. Mười phút vỗ tay không ngừng đã làm chìm khuôn mặt nhỏ bé của Đức Thánh cha đang đứng thẳng người trong đám đông khổng lồ.
Lạc loài trong buổi hành lễ là các đại diện cao cấp của đảng Cộng sản. Họ quay về các sở chỉ huy ủy ban trung ương, căng thẳng dán sát mắt vào máy truyền hình của mình. Các ống kính máy thu hình của nhà nước chỉ được phép hướng một bề vào Đức Thánh cha và đoàn tùy tùng, không được quây đám đông mênh mông đang tham dự buổi tụ họp tôn giáo lớn lao nhất tại Đông Âu tính từ trước Thế chiến Hai.
Các bản báo cáo đầy hoảng hốt xuất phát từ chuyến đi ấy của Đức Thánh cha. Tại Lithuania, hàng trăm ngàn tín đồ lắng nghe các chương trình truyền thanh từ Warsaw, và các nhà thờ chật ních vì Thánh lễ tôn vinh Đức Thánh cha. Tại Latvia và Estonia cũng thế, dân chúng xem chương trình truyền hình phát đi từ Phần Lan.
Tại Mátcơva, giới lãnh đạo hàng đầu Sô viết cũng quan sát. Và tại Hoa Kỳ, trong số những người đang chứng kiến biến cố ấy bằng máy truyền hình là Ronald Reagan tại hàng hiên nông trại của ông ở Santa Barbara, California. Cùng xem với ông là Richard Allen, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông. Ngồi trước máy truyền hình xách tay, họ quan sát đám đông Ba Lan đang trong trạng thái say sưa chất ngất. Mắt của Reagan đẫm lệ.
Cuộc khải hoàn trở về quê mẹ của Đức Gioan Phaolô II đã khiến cho nhà cầm quyền Cộng sản ở Warsaw và Mátcơva rúng động. Họ choáng váng khi Đức Thánh cha ra điều kiện cho người Cộng sản nếu muốn chung sống hoà bình với Giáo hội: ”Từ nay phải làm kẻ bảo đảm cho các quyền con người cơ bản – mà người Cộng s n không thể nào tưởng tượng nổi – tại bất cứ nơi nào trong khối Đông”.
Trong chuyến đi của ngài, Đức Thánh cha gặp gỡ các công nhân quận Nowa Huta. Những kinh nghiệm công trường của mình đã cho Đức Gioan Phaolô II một am hiểu mà không vị Thánh cha người Ý nào từng có. Ngài phát đi một thông điệp sấm sét: “Không được ngược đãi công nhân bằng cách xem họ đơn thuần là phương tiện sản xuất!”
Sau cùng, ngày 10 tháng Sáu, loé lên tính cách cách mạng tại một xứ sở xã hội chủ nghĩa. Hơn một triệu tín hữu đến đồng cỏ ở Krakow lắng nghe thông điệp từ biệt của Đức Thánh cha.
Ngài nói lớn:
– Anh chị em thân mến! Anh chị em phải dũng cảm với sức mạnh tuôn trào từ đức tin! Không việc gì phải sợ hãi. Các ranh giới phải được mở ra.
Khi Đức Thánh cha tiến lên bàn thờ, hai quả bong bóng được thả lên trời, mang biểu hiệu cuộc kháng chiến của Ba Lan trong thời Thế chiến Hai: một chữ "P" trên một chữ "W". Có nghĩa "Ba Lan tiếp tục chiến đấu."
Đã vạch ra các tuyến mặt trận. Đức Thánh cha chống lại Đế quốc Sô viết,
Công đoàn Đoàn kết
Năm 1980, một năm sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha, kinh tế Ba Lan bị suy sụp trầm trọng, hậu quả của nhiều năm quản lý tồi tệ. Hàng triệu công nhân xí nghiệp khắp xứ sở đều bất mãn. Những cuộc đình công tự phát bắt đầu vào tháng Bảy 1980, đến đầu tháng Tám, lan tràn tới 150 xí nghiệp gồm cả Nhà máy Đóng tàu Lênin ở Gdansk.
Trong lúc Đức Thánh cha làm việc ở văn phòng của mình tại La Mã thi ở Ba Lan, một người thợ điện lực lưỡng, thất nghiệp, với hàng ria mép đặc biệt, đang leo lên một chiếc xe xúc ở Nhà máy Đóng tàu Lênin. Thoạt đầu, công nhân trong nhà máy đóng tàu quan trọng nhất của Ba Lan này ít có thiện cảm với cuộc đối đầu ấy. Họ nhớ năm 1970 công an đã tàn sát hàng tá công nhân đình công dọc theo bờ biển Baltic.
Viên giám đốc nhà máy đóng tàu cũng hứa sẽ thảo luận tăng lương nếu công nhân quay lại làm việc. Nhưng Lech Walesa sáng đó đã leo lên bức tường cao ba mét rưỡi của sân nhà máy và lúc này đứng trên đầu chiếc máy xúc, phản đối kịch liệt viên giám đốc, và kêu gọi đình công.
Ông là một khuôn mặt nổi tiếng trong công nhân, và khi ông nói những người đình công sẽ tự giam mình trong nhà máy đóng tàu để tự bảo vệ mình trước các lực lượng an ninh, đám đông lưu ý tới lời kêu gọi của ông.
Hôm sau, 15 tháng Tám, Đức Thánh cha phái thư ký của mình, Đức ông Stanislaw Dziwisz, đi Ba Lan "để nghỉ ngơi ngắn hạn". Dziwisz là một trong những phụ tá được tín nhiệm và giá trị nhất của ngài, và sẽ là tai mắt của ngài.
Tại nhà nghỉ mùa hè dành cho mình ở Castel Gandolfo, Đức Thánh cha xem các phóng sự truyền hình về những biến cố tại quê nhà. Hình của Đức Thánh cha và ảnh Đức mẹ Sầu bi của Tiệp Khắc, một họa phẩm nổi danh về Mẹ Maria Đồng trinh, được trưng bày ở cổng vào nhà máy đóng tàu.
Các chính trị gia Tây phương kinh ngạc trước cảnh công nhân đình công tụ họp quì gối xưng tội ứng khẩu ngoài trời và quanh các biểu tượng tôn giáo mà họ đã chọn làm thước đo tranh đấu. Cuộc đình công lan tràn khắp nước. Số người đình công lên đến 300.000.
Suốt một tuần lễ, Đức Gioan Phaolô II giữ im lặng. Tuy thế, ngày Thứ tư 20 tháng Tám, khi phong trào đình công đe dọa sẽ sách động để đưa tới một tình trạng tê liệt chính trị dài hạn, Đức Thánh cha dâng hai lời cầu nguyện ngắn với một nhóm người hành hương Ba Lan ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài tóm kết:
– Hai lời cầu nguyện này biểu lộ rằng tất cả chúng ta ở tại La Mã này hiệp thông với đồng bào mình tại Ba Lan, cách riêng với Giáo hộI Ba Lan, mà những vấn đề của nó gần gũi biết bao với con tim của chúng ta.
Như thế, ngài đã công khai ban phép lành cho cuộc đình công.
Cùng ngày ấy, Đức Thánh cha gởi Hội đồng Giám mục Giáo hội Ba Lan một lá thư đầy tinh tế:
– Tôi cầu nguyện hết lòng mình rằng hàng giám mục Ba Lan tiếp tục giúp đỡ dân chúng trong cuộc đấu tranh khó khăn vì bánh mì hằng ngày, vì công bình xã hội, và vì sự bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm để sống và để phát triển.
Tối đó, chính quyền Ba Lan đưa ra một nhượng bộ có tính lịch sử, đồng ý tham dự thương thảo trực tiếp với các ủy ban đình công tại Gdanks và những cơ sở lao động khác. Và ngày 31 tháng Tám, một thoả ước chưa từng có được ký ở Gdanks, cho phép thành lập đầu tiên ở bên trong Bức màn sắt một công đoàn độc lập. Công đoàn ấy được gọi là Đoàn kết.
Trong buổi lễ ký kết, Walesa trịnh trọng rút từ túi áo ra một cây bút lớn, màu sáng bóng. Cây bút ấy là món quà kỷ niệm chuyến đi Ba Lan của Đức Gioan Phaolô II, có hình của Đức Thánh cha trên bút.
Vào mùa thu 1980, các nhà lãnh tụ Cộng sản ở Đông Bá linh, Budapest và Prague than phiền Mátcơva về những diễn biến ở Ba Lan. Các nhà lãnh đạo điện Kremlin đề nghị "các bạn hữu Ba Lan" của họ cứu xét việc thiết quân luật và họ đề nghị khẩn trương chống lại Công đoàn Đoàn kết cùng những người ủng hộ nó.
Trong cuộc họp bất thường với Bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo Cộng sản Ba Lan biện hộ cho chủ quyền của mình. Sau cùng, lãnh tụ Sô viết Leonid Brezhnev nhượng bộ và nói:
– Lúc này chúng tôi sẽ không tiến quân vào Ba Lan, nhưng nếu tình hình tồi tệ, chúng tôi sẽ làm.
Tháng Giêng 1981, Sô viết càng mất tinh thần hơn khi Lech Walesa du hành Vatican để gặp Đức Thánh cha và được ngài cử hành Thánh lễ riêng cho tất cả 14 thành viên của đoàn đại biểu Công đoàn Đoàn kết. Walesa làm cho báo chí cùng La Mã say mê y hệt cuộc viếng thăm của một diễn viên điện ảnh. Walesa nói:
– Đứa con đang đến gặp thân phụ của mình.
Liên minh
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của Ronald Reagan, một người đàn ông râu cá ngạnh, ăn mặc lôi thôi với bộ đồ vét màu xám được đưa vào văn phòng giản dị của Đức Thánh cha ở Vatican. Đó là William Casey, một người Công giáo nhiệt thành, hầu như dự Thánh lễ hàng ngày, giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo Hoa kỳ (CIA). Ông đến với một sứ mệnh riêng biệt có tính cách toàn cầu.
Ông trao tận tay Đức Gioan Phaolô II một bức hình độc đáo đáng chú ý do vệ tinh gián điệp của Mỹ chụp được từ hàng trăm cây số cách mặt đất.
Tại bàn làm việc trong chỗ riêng của mình, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II cẩn thận xem kỹ bức hình. Các chi tiết dần dà được tập trung lại: giữa vô số dân chúng, ngay tại trung tâm, có những chấm trắng chính là ngài đang đứng nói với đồng bào của mình tại Quảng trường Victory năm 1979.
Từ lúc vệ tinh Mỹ chụp hình Đức Thánh cha tại Ba Lan, Casey và Reagan tin chắc đã tiềm ẩn một siêu quyền lực thứ ba trên thế giới – thị quốc rộng 44 mẫu Vatican – và vương quyền của nó, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, đang làm chủ một nguồn vũ khí đặc biệt có thể làm lệch cán cân cuộc Chiến tranh lạnh.
Cuộc họp ấy mà suốt mười năm sau không được tiết lộ cho thế giới, Casey – bằng việc sử dụng bức hình ấy, và hơn nữa, bằng việc cho Đức Thánh cha thấy khả năng mà kỹ thuật vệ tinh tình báo cung cấp – đã giúp ký kết một liên minh giữa Toà thánh Vatican và Chính quyền Reagan.
Thực tế, trước ngày Reagan cầm quyền 20 tháng Giêng 1981, đã diễn ra tiếp xúc đầu tiên giữa chính phủ Hoa Kỳ và Đức Thánh cha. Zbigniew Brzezinski, một người sinh ở Ba Lan và là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter, đã đại diện Hoa Kỳ dự lễ đăng quang của Đức Wojtyla lên ngai của Thánh Phêrô.
Vào tuần lễ đầu tháng Chạp năm 1980, Brzezinski điện thoại cho Đức Thánh cha cảnh giác ngài về nguy cơ một cuộc xâm lăng của Sô viết vào Ba Lan. Khi nói, Brzezinski nhìn vào các bức ảnh vệ tinh chụp những lều trại có thể xếp để di động, kế bên khu vực các bệnh viện Nga cạnh biên giới, chuẩn bị có thể xâm lăng. Đức Thánh cha bị rúng động.
Sô viết đã nhận được một chuỗi các lời cảnh cáo nghiêm trọng từ Tổng thống Carter và vị Tổng thống đắc cử Reagan, sợ rằng vào lúc gián đoạn giữa cuộc bầu cử và lễ đăng quang của Reagan có thể có nổ bùng tại Ba Lan. Đối mặt với những lời cảnh cáo ấy, Sô viết thoái bộ, nói rằng lúc này sẽ không có sự can thiệp nào.
Nhưng Reagan hiểu tức thời mối đe dọa liên tục mà Công đoàn Đoàn kết đặt ra cho Mátcơva. Mười ngày sau khi nhậm chức, ông họp với Richard Allen, phụ tá an ninh quốc gia của mình, và William Casey. Kết quả vị tân tổng thống ra lệnh là sự hỗ trợ cho Công đoàn Đoàn kết – vốn lâu nay chỉ phát xuất từ các phong trào lao động Hoa Kỳ – nay được cung ứng bằng tài khoản và chuyên biệt của chính phủ.
Đức Thánh cha là người hưởng lợi một số các bí mật cẩn trọng nhất của Hoa Kỳ: các tin tức từ vệ tinh và cơ quan tình báo, từ máy điện tử nghe trộm và từ những cuộc họp thảo luận về chính sách của Toà Bạch Ốc, Bộ Ngoại Giao và CIA.
Trong các cuộc nói chuyện thường xuyên, Đức Gioan Phaolô II về phần mình cập nhật cho Casey những tin tình báo mới nhất thu nhặt được qua mạng lưới thông tin riêng của ngài ở Ba Lan. Casey nhận biết rằng Đức Thánh Cha, qua hàng giáo phẩm của mình, biết Công đoàn Đoàn kết đang làm gì, và giới lãnh đạo Ba Lan đang nghĩ gì.
Các tin tức ấy thật vô giá. Khi mùa xuân 1981 đến ở Ba Lan thì nổ ra nhiều cuộc biểu tình hơn, và Công đoàn Đoàn kết hăm dọa một cuộc tổng đình công. Quân đội Sô viết lại nhận được lệnh tập trận.
Ngày 30 tháng Ba, Ba Lan và Đức Thánh cha chiếm lĩnh gần trọn tâm trí của Reagan. Không phận Ba Lan bị đóng cửa hai ngày trước để tạo thêm thuận lợi cho cuộc tập trận của các đội quân Liên sô.
Chiều đó, trong diễn từ nói với AFL-CIO (Tổng Liên đoàn Lao công Hoa Kỳ), Tổng thống Reagan ngưng lại để chào mừng các công nhân Ba Lan vì cuộc đấu tranh can trường của họ "như những vệ binh nhân danh các nguyên tắc nhân sinh phổ quát."
Ít phút sau, trên đường ra xe riêng của mình, ông bị John Hinckley, Jr. bắn trọng thương.
Tại bệnh viện, Reagan trải qua cuộc giải phẩu. Viên đạn xuyên qua phổi và nằm sát bên trái tim, xém trúng động mạch chủ. Một số người cho rằng ông sống sót quả là phép lạ.
Liên quan người Bungari
Tại La Mã, Đức Thánh cha ngưng công việc lại để cầu nguyện cho Tổng thống Reagan được bình phục và gởi ông một thông điệp cá nhân với những lời cầu nguyện và hy vọng của ngài.
Đây là khoảng thời gian đầy âu lo. Không lâu trước đó, trong cuộc hội họp ở Vatican với phụ tá ngoại trưởng của Đức Thánh cha, William Casey từ giã với câu nói sau cùng là một lời cảnh báo. Trạm CIA ở La Mã đã chuyển về một bản tin lạ lùng, có thể là quan trọng. Khi Lech Walesa viếng thăm Đức Thánh cha, người chủ trì cho của ông ta là một nhân vật của Liên minh Lao động Ý. CIA được các viên chức phản gián Ý báo cho biết người chủ trì ấy hoạt động cho Bungari. Vì Bungari chịu sự kiểm soát của Sô viết nên có thể có nghĩa là các kế hoạch của Công đoàn Đoàn kết bị thiệt hại hoặc là Walesa đang bị nguy hiểm.
Lúc 5 giờ chiều ngày 13 tháng Năm 1981, Đức Thánh cha xuất hiện trong buổi tiếp kiến công chúng hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô. Sau khi vào cửa Popemobile, Đức Thánh cha đi qua dãy cột. Vị phụ tá Stanislaw Dziwisz ở kế bên ngài.
Đột nhiên Đức ông Dziwisz nghe một âm thanh điếc tai, và hết thảy chim bồ câu khắp quảng trường vụt bay lên. Liền đó, Đức Thánh cha sụm xuống gục vào người của Đức ông.
Đức Thánh cha trúng thương ở bao tử, cùi chỏ mặt và ngón trỏ bàn tay trái. Ngài được chuyền lên xe cứu thương chạy lẹ tới bệnh viện.
– Maria, mẹ ơi! Maria, mẹ ơi!
Đức Thánh cha lặp đi lặp lại lời kêu cầu đó. Ngài nhắm mắt, đau đớn cực kỳ. Tại Nhà thương Gemelli, Đức Gioan Phaolô II được đẩy gấp tới căn phòng ở tầng thứ mười dành cấp cứu cho Thánh cha và rồi tới phòng giải phẩu. Ngài mất nhiều máu và vì tình trạng trầm trọng, nghi lễ xức dầu được cử hành.
Cuộc giải phẩu kéo dài năm giờ 20 phút. Cắt đi hơn 56 phân ruột của Đức Thánh cha. Đức ông Dziwisz kể:
– Hy vọng dần dần trở lại trong suốt cuộc giải phẩu. Rõ ràng là không có bộ phận quan trọng nào bị trúng thương, và ngài có thể sống sót.
Giống như viên đạn suýt giết chết Ronald Reagan, viên đạn này chỉ trượt động mạch chủ vài li. Đức ông Dziwisz nhận xét:
– Nếu nó bị trúng phải thì chết lập tức. Nó không chạm trúng yếu điểm nào. Quả thật lạ lùng!
Còn Đức Thánh cha, ngài nói sau đó:
– Bàn này bắn còn bàn tay kia thì lái viên đạn!
Kẻ bóp cò súng bị bắt gần như tức khắc. Hắn bị nhận diện là Mehmet Ali Agca, một tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh cha năm 1979, Agca đã công khai thề sẽ giết chết ngài.
Nhưng khi cuộc thẩm vấn bắt đầu. Lý do bên trong cuộc mưu sát Đức Thánh cha này trở thành một trong những bí mật lớn lao không giải quyết được của thế kỷ 20.
Các phụ tá và những người quen biết thân cận với Đức Thánh cha tin là Sô viết hoặc đồng minh của họ đứng đằng sau vụ nổ súng. Thật ra, sau vụ toan tính sát nhân ấy, các điều tra viên tìm thấy bằng chứng lửng lơ không xác định được, gợi ra rằng Agca được thuê bởi cơ quan mật vụ Bungary, một công cụ hiển nhiên của KGB Sô viết.
Tháng Bảy 1981, một tùy viên Đại sứ quán Bungary ở Paris đào thoát và kể với cơ quan Tình báo Pháp rằng âm mưu giết Đức Thánh cha là do cơ quan mật vụ Bungary đảm trách theo chỉ thị của KGB. Người đào tị ấy nói mình biết được chuyện này qua người bạn, một viên chức cao cấp trong một đơn vị phản gián thuộc cơ quan tình báo Bungary.
Một số đoạn quan trọng nhất của biên bản ấy, nêu ra một âm mưu được Sô viết khơi mào cho người Bungary, được phổ biến trước hết trên tạp chí Reader's Digest do Claire Sterling, một ký giả có hợp tác với các điều tra viên người Ý.
Giám đốc CIA Casey luôn luôn tin rằng Sô viết chịu trách nhiệm về mưu toan ám sát đó và xúc động với bản tường trình của Sterling. Trong số những người khác cùng tin như thế có cả Zbigniew Brzezinski và Henry Kissinger.
Dù sự thật như thế nào đi nữa, rõ ràng là cấp lãnh đạo Cộng sản Sô viết bận tâm về Đức Thánh cha – và thất vọng thấy nhà cầm quyền Ba Lan không thẳng tay đàn áp Giáo hội Ba Lan.
Bên bờ vực
Cả Tổng thống Ronald Reagan lẫn Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đều chịu những biến chứng trầm trọng của vết thương do đạn bắn và phải dưỡng thương từ cuối mùa xuân cho đến hết mùa hè năm đó trong khi lòng họ âu lo cho Ba Lan.
Các biến cố tại Ba Lan diễn ra theo một tốc độ chóng mặt. Công đoàn Đoàn kết khai mạc hội nghị toàn quốc lần thứ nhất vào tháng Chín và kêu gọi công nhân các nước khác ở Đông Âu thành lập những công đoàn độc lập.
Đáp lại, Sô viết bắt đầu cuộc thao diễn quân sự lớn lao trong chín ngày tại Biển Baltic và dọc theo biên giới Ba Lan. Rất có thể có một cuộc thẳng tay đàn áp. Đức Thánh cha lại càng âu lo hơn. Vị cộng sự lão thành của ngài là Đức Hồng y Wyszynski đã từ trần, và ngài cảm thấy một cách sâu xa việc mất mát vị cố vấn dày dạn kinh nghiệm nầy.
Vào giữa tháng Mười, tình hình gần như hỗn loạn. Nổi loạn và xung đột giữa dân sự và lực lượng an ninh lan rộng. Đức Thánh cha hiểu rằng chính quyền Cộng sản Ba Lan đang chịu sức ép không giảm của Mátcơva để giữ Công đoàn Đoàn kết trong vòng kiểm soát.
Ngày 18 tháng Mười, theo mệnh lệnh của Mátcơva, đảng Cộng sản Ba Lan bổ nhiệm một quân nhân, Đại tướng Wojciech Jaruzelski, làm Bí thư thứ nhất, củng cố thêm ảnh hưởng của quân đội trong chính phủ.
Trong khoảng thời gian ấy, Vermon Walters, đặc sứ của Tổng thống Reagan thăm viếng Vatican với các bức ảnh tình báo. Suốt một phút, Đức Thánh cha xem kỹ các hình ảnh vệ tinh đó. Ngài nhận ra ngay Nhà máy Đóng Tàu Lênin ở Gdansk. Ngài để ý tới một vòng đen đặc ở cách không xa các toà nhà của nhà máy liên hợp quen thuộc.
Chỉ vào vòng tròn ấy, ngài hỏi:
– Cái gì đây?
– Thưa Đức Thánh cha, vật liệu nặng,
Walters nói như thế và cắt nghĩa đó là quân xa, tàu vận chuyển người, xe thiết giáp. Bức ảnh ấy và những bức ảnh khác mà Walters lôi ra từ bì thư cho thấy sự triển khai và những di chuyển tiếp sau đó của các lực lượng vệ binh Sô viết hướng về biên giới Ba Lan, hàng chục ngàn toán quân từ doanh trại của họ đang hướng sang quê hương của Đức Thánh cha.
Sợ hãi cuộc xâm lăng của Sô viết nếu mình không thẳng tay đối phó với Công đoàn Đoàn kết, Jaruzelski chuẩn bị thiết quân luật. Vào sáng Chúa nhật 30 tháng Chạp, người dân thức dậy thấy xe bọc sắt trên đường phố và không được phép tụ tập tại bất cứ nơi nào ngoại trừ tham dự Thánh lễ ở nhà thờ.
Lúc 6 giờ sáng, Jaruzelski hiệu triệu quốc gia trên đài truyền hình, tuyên bố thiết quân luật toàn quốc. Trước khi ông ta kết thúc bài huấn thị dài 22 phút của mình, hàng ngàn người đã bị bắt giam. Những tù nhân ấy, ông ta nói, phạm tội âm mưu phá hoại quốc gia.
Tại Vatican, thư ký của Đức Thánh cha, Đức ông Dziwisz vội vàng báo cáo lên Đức Gioan Phaolô II. Đức Thánh cha hội họp với các phụ tá để triển khai một chính sách đối phó. Ngài tin là Công đoàn Đoàn kết phải duy trì sự tồn tại trong bóng tối. Với điều ấy trong tâm trí, ngài bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến đi đột ngột về thăm quê hương mình.
Sau khi Toà Bạch ốc nhận được tin tức từ Ba Lan, Ronald Reagan kêu gọi phong toả cả Liên Sô lẫn Ba Lan về kinh tế, ngoại giao và kỹ thuật.
Sáu tháng sau, ngày 7 tháng Sáu 1982, Reagan đến Vatican để họp thượng đỉnh, cá nhân hoá liên minh bí mật đặc biệt giữa Đức Gioan Phaolô II với bản thân ông trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Dù trái ngược nhau về trí thức, Đức Thánh cha và Tổng thống Hoa kỳ sớm tìm thấy một nền tảng chung. Hai vị đều tin sâu xa vào sức mạnh của hành động tượng trưng cũng như vào vai trò của sự quan phòng thiêng liêng. Tổng thống từng tâm sự với phu nhân và các phụ tá thân cận sự tin chắc rằng vai trò của mình và Đức Thánh cha trong việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản là lí do khiến cả hai không tử nạn vì những viên đạn ám sát.
Gặp gỡ riêng không cần thông dịch viên, hai người quyền uy nhất quả đất này thảo luận về một xác nhận căn bản: sự sụp đổ của Đế quốc Sô viết là điều không tránh nổi.
Reagan xác minh rằng Chính quyền của mình không rút lại sự cấm vận Liên Sô hoặc Ba Lan cho tới khi chấm dứt thiết quân luật, thả các tù nhân chính trị và bắt đầu cuộc đối thoại giữa chính phủ Ba Lan, Giáo hội Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết.
Đức Thánh cha thực hiện áp lực riêng của ngài. Ngày 16 tháng Sáu, thêm lần nữa ngài trở về Ba Lan. Hôm sau, ngài gặp Jaruzelski để nối tiếp việc thảo luận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Jaruzelski sửng sờ kinh ngạc khi tiếp đón Đức Thánh cha. Y hệt nhiều người Ba Lan khác, ông thấy ngài là một khuôn mặt gần như bí nhiệm.
Viên tướng này muốn Đức Thánh cha dùng ảnh hưởng của ngài để cô lập phía cực đoan nhất bên trong Công đoàn Đoàn kết. Đức Thánh cha nghiêm chỉnh trong lời đáp của mình:
– Tôi khao khát đạt tới một tình trạng ổn định bền vững càng sớm càng tốt.
Và ngài tuyên bố, có ý đề cập tới việc chấm dứt thiết quân luật:
– Lúc đó, Ba Lan sẽ được các nước khác đánh giá một cách rất khác.
Ngược lại, phương Tây sẽ không hủy bỏ cấm vận dưới bất cứ hình thức nào khác.
Sau đó, Đức Thánh cha tiếp xúc với Lech Walesa và các trí thức có liên hệ bí mật với Công đoàn Đoàn kết trong bóng tối. Tổ chức ấy không còn chỉ là một công đoàn lao động ngoài vòng pháp luật. Nó đã trở thành biểu tượng cho sự đề kháng.
Vào lúc kết thúc cuộc viếng thăm, Đức Thánh cha gặp riêng Jaruzelski hơn 90 phút, bề ngoài là theo lời yêu cầu của chính ngài. Đức Gioan Phaolô II nói một cách trực tiếp và đầy sức thuyết phục. Không lâu sau khi ngài quay về Vatican, thiết quân luật được bãi bỏ.
Đời sống ở Ba Lan dần dần trở nên bình thường. Ngày 11 tháng Chín 1986, chính quyền tuyên bố ân xá rộng rãi và thả 225 tù nhân. Lần đầu tiên trong năm năm qua, các lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết cảm thấy một số cấm kỵ được hủy bỏ.
Năm 1990, với nền dân chủ được khôi phục đầy đủ tại Ba Lan, Lech Walesa, người cựu thợ điện và thủ lãnh Công đoàn Đoàn kết trúng cử tổng thống.
Ảnh hưởng vang đội từ Ba Lan làm rúng động khối Đông Âu. Hunggari lần đầu mở cửa biên giới với Áo tháng Năm 1989. Đến tháng Mười, hàng trăm ngàn người xuống đường phản đối chính phủ Đông Đức. Sau cùng, Bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng Mười một. Hôm sau, nhà lãnh tụ 35 năm của đảng cộng sản Bulgary Todor Zhivkov bị kết liễu với sự thanh lọc đảng, và tại Tiệp Khắc, một chính phủ liên hiệp giữa người Cộng sản và những người Czech đối lập được thành lập.
Và tháng Tám 1991, Đế quốc Đỏ đi vào cơn thống khổ chết chóc khi Boris Yelsin, chủ tịch Cộng hoà Liên bang Nga, phá vỡ cuộc đảo chánh của các phần tử bảo thủ của Bộ Chính trị.
Các quân cờ đô-mi-nô cộng sản đổ nhào.
Khi những người khác qui kết cho Đức Thánh cha việc sụp đổ của cộng sản, ngài nói:
– Tôi không tác động cho việc đó xảy ra. Cây ấy đã mục sẵn. Tôi chỉ khéo rung, và các trái táo thối rữa rơi xuống."
Lúc này, Đức Gioan Phaolô II chuyển sự chú ý của ngài vào những vấn đề làm ngài quan tâm, sâu xa hơn sự sụp đổ của cộng sản: tương lai của Giáo hội trong thiên niên kỷ tới; phẩm giá của người lao động, vai trò của Công đồng Vatican khiến cho những cội rễ Do Thái của Kitô giáo được thừa nhận và khiến cho không khoan dung chủ nghĩa bài Do Thái.
Vấn đề sau cùng trên gây thương tâm cách riêng cho Đức Gioan Phaolô II vì có quá nhiều người Do Thái Ba Lan bỏ mình trong các trại tử thần của Quốc xã. Ngài cũng không bao giờ quên việc mất mát người bạn của mình Ginka Beer.
Hàng chục năm sau lời từ biệt u sầu của họ, Đức Thánh cha, trong một buổi triều kiến công chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô có sự tham dự của dân chúng đến từ thành phố quê nhà của mình. Có người đến báo cho ngài một tin tức kỳ diệu:
– Thưa, Ginka có mặt ở đây.
– Đâu?
Ngài hỏi ngay và lẹ bước tới gặp nàng. Ginka Beer Reisenfeld lúc này lớn tuổi, thuật lại:
– Ngài hỏi tôi đủ thứ câu hỏi.
Bà nói với Đức Thánh Cha:
– Mắt ngài thương cảm sâu xa. Ngài nắm lấy hai tay tôi, chúc lành cho tôi và cầu nguyện ngay trước mặt tôi.
Từng đầy ắp tâm trí về nhu cầu đối thoại với Do Thái, Đức Gioan Phaolô II biểu lộ một cử chỉ cao cả khi băng ngang Sông Tiber viếng thăm Hội đường chính của Do Thái giáo ở La Mã, đấy là một việc mà trước đây chưa từng có vị Thánh cha nào làm. Như người La Mã gốc Do Thái biết, cộng đồng họ xưa hơn Hội thánh Kitô giáo lâu năm nhất. Khi hai Thánh Phêrô và Phaolô tới La Mã, sách Torah (Ngũ Kinh) đã được đọc và ngày Sabbath đã được tuân giữ từ trước tại kinh đô của Đế quốc La Mã.
Những người xem kể lại rằng khi phát biểu trong Hội đường ấy, có lúc Đức Thánh cha dường như gần kiệt sức. Có lần, khi còn bé, ngài đi với bố vào một hội đường Do Thái trong làng mình để nghe hát thánh ca. Giờ đây, ngài ngồi trên chiếc ghế mạ vàng lắng nghe ca đoàn hát bài "Ani Maamin" (Tôi tin), từng được những người Do Thái bị kết án trong các trại tử thần hát trên đường đi vào lò hơi ngạt. Khi tiếng ca đoàn vang cao lên, Đức Thánh cha chúi về trước, đầu cúi xuống và tay ngài che miệng mình.
Dù sức khoẻ của Đức Gioan Phaolô II đang sa sút, những năm cuối tại vị Thánh cha của ngài được biểu thị đặc điểm bởi những bùng nổ hoạt động. Và dù tay ngài càng lúc càng yếu khi ngài đưa lên chúc phúc tín đồ, nó vẫn chỉ tới một chân trời bao la hơn.