SỰ SỤP ĐỔ CỦA NỀN VĂN HÓA KITÔ GIÁO TÂY PHƯƠNG

(tiếp theo và hết)

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, D.D., J.C.D.

Nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Saint Louis (Hoa Kỳ)

Đương Kim Chánh Án Toà Tối Cao

Bài thuyết trình trước Tổng Hội Sinh Viên Công Giáo Úc Đại Lợi của ĐHY Burke vào ngày 20 tháng 02 năm 2011 có thể coi như một sự khai triển ý tưởng của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Biển Đức XVI trong cuốn sách ngài viết một thời gian ngắn trước khi lên ngôi Giáo Hoàng: “Christianity and The Crisis of Cultures” (Kitô giáo và cuộc khủng hoảng của các nền văn hoá) do Ignatius xuất bản vào năm 2006 (bản dịch từ nguyên tác bằng tiếng Ý: “L’Europa di Benedetto nella crisi delle culture,” do Edizioni Cantagalli, Siena, xuất bản năm 2005).

Rốt cuộc, muốn phục hưng một nền văn hóa Kitô giáo vốn đã kiến tạo ra nền văn minh của Tây Phương, và đã gây ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới, dường như không có phương cách nào khác ngoài con đường sống thánh. Chỉ mới đây thôi, trong buổi triều yết hàng tuần, nhân kết thúc chương trình dậy giáo lý kéo dài hai năm tập trung vào các thánh và các vị tiến sĩ của Hội Thánh, ĐGH Biển Đức XVI đã tuyên bố rằng làm thánh không có gì là phức tạp cả, mà trái lại dễ cứ như đếm ‘một, hai, ba’ vậy. Này nhé: (1) Đi dự Lễ Chúa Nhật; (2) Sớm tối tưởng nhớ và kết hiệp với Chúa; và (3) Suốt cả ngày làm gì cũng theo sát Mười Điều Răn Ngài (xem “Holiness: Easy as 1, 2, 3” trong zenit.org ngày 13 tháng 4 năm 2011). Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo và canh thức, bởi lẽ chính khi ta mê ngủ trước sự hiện diện của Chúa, là lúc ta trở thành vô cảm trước tội lỗi và sự ác. Dửng dưng với Chúa thì ta sẽ ra chai lỳ trước tội lỗi. (xem “Indifference to God brings Indifference to Evil,” trong zenith.org, ngày 25 tháng 4, 2011).

Xin tiếp tục cống hiến bạn đọc phần tiếp (cũng là phần chót) bản lược dịch bài thuyết trình của ĐHY Raymond Burke. Xin xem “The Fall of the Christian West” theo địa chỉ sau đây: www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=9567


Sống Thánh: Chương Trình của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa

Đối diện với thách đố của đời Kitô hữu trong một thế giới hoàn toàn duy tục, Đấng Đáng Kính--sắp sửa lên hàng Chân Phước—là ĐGH Gioan Phaolô II đã mời gọi ta tham gia công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Đó là giảng dậy đức tin, cử hành đức tin trong các bí tích, kinh nguyện và lòng sùng kính, cũng như sống niềm tin bằng việc thực hành các nhân đức, y như thể mới làm lần đầu tiên, có nghĩa là với sự dấn thân và nhiệt tình của các môn đệ và tông đồ tiên khởi tại chính nơi ta đã sinh trưởng. Trong tình huống nghiêm trọng của thế giới hôm nay, ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng, cũng y như các môn đệ tiên khởi ngày xưa, sau khi đã nghe Thánh Phêrô rao giảng vào dịp lễ Ngũ Tuần, ta cũng phải hỏi ngài: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Và cũng giống các môn đệ tiên khởi đó đã phải đối diện với một thế giới ngoại đạo chưa hề được nghe biết Chúa Giêsu Kitô, thì ta cũng đang phải đối đầu với một nền văn hóa lãng quên Thiên Chúa và thù nghịch với lề luật mà Ngài đã viết trong tâm hồn mỗi con người.

Đứng trước thách đố lớn của thời đại, ĐGH Gioan Phaolô II đã cảnh báo rằng ta sẽ không thể nào cứu được mình và cứu được thế giới này bằng việc tìm ra “một công thức thần diệu” hay “phát minh ra một chương trình mới.” Ngài bảo rõ rằng: “Không, ta không thể được cứu rỗi bởi một công thức, mà phải bởi một Nhân Vật, một Ngôi Vị, với lời Ngài đoan hứa: Ta luôn ở với con.”

Ngài lưu ý rằng cái chương trình ta đem ra đối lại với thách đố gay go về mặt tinh thần của thời đại rốt cuộc phải là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng sống trong Hội Thánh. Ngài giải thích như sau: “Chương trình đã có sẵn rồi: đó là kế hoạch tìm thấy trong Phúc Âm và trong Thánh Truyền, lúc nào cũng chỉ một kế hoạch ấy thôi. Trọng tâm của nó chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng phải được biết đến, yêu thương và noi theo, ngõ hầu nơi Ngài, ta có thể sống đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, để rồi cùng với Ngài biến đổi lịch sử cho tới khi nó viên thành trong Giêrusalem thiên quốc. Chương trình này không hề đổi thay với thời gian và theo sau các nền văn hóa, cho dù nó dùng thời gian và các nền văn hóa đó nhằm đến một cuộc đối thoại chân thực và sự thông đạt hữu hiệu.”

Tóm lại, đối với mỗi người chúng ta, chương trình dẫn đến tự do và hạnh phúc chính là sống thánh.

Quả vậy, Đấng Đáng Kính GH Gioan Phaolô II đã phác họa toàn thể kế hoạch mục vụ cho Hội Thánh trên nền tảng là sự thánh thiện. Ngài giải thích như sau: “Phác họa kế hoạch mục vụ trên nền sự thánh thiện là một chọn lựa kéo theo nhiều hậu quả. Nó bao hàm niềm xác tín rằng, do bởi Phép Thánh Tẩy là cửa ngõ đích thực dẫn vào nguồn thánh thiện của Thiên Chúa qua việc hòa nhập với Đức Kitô và cư ngụ trong Thánh Thần Ngài, vì thế thật là mâu thuẫn nếu ta chỉ hướng đến một nếp sống tầm thường, mang ấn dấu của một thứ đạo đức tối thiểu, và một tâm tình tôn giáo nông cạn. Khi hỏi người tân tòng: ‘con có muốn lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy’ không? thì cũng có nghĩa là ta đang hỏi họ rằng: ‘con có muốn nên thánh’ không? Nói khác đi, ta đang bầy ra trước mặt họ cái bản chất căn cốt của Bài Giảng Trên Núi: “các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời của các con là đấng hoàn thiện” (Mt. 5:48).

Tiếp đó, trích lời Công Đồng Vaticanô II, ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở rằng “ta không nên hiểu lầm lý tưởng thánh thiện là một hiện hữu ngoại thường, chỉ dành cho một thiểu số “anh hùng ngoại lệ.” ĐGH dậy rằng: ngay cả cuộc sống hàng ngày của ta cũng mang chất phi thường là bởi vì nó được sống trong Chúa Kitô, và bởi thế, có thể làm phát sinh nơi ta một nét thánh thiện đẹp đẽ vô song. Ngài nói: “Đường thánh thiện thì muôn ngàn nẻo, tùy theo ơn gọi mỗi người. Cha cảm tạ Chúa vì trong những năm gần đây Ngài đã cho Cha được phúc tôn phong một số lớn Kitô hữu, trong số này có nhiều giáo dân nhưng đã đạt được mức thánh thiện ngay trong các tình huống bình thường nhất của cuộc đời. Đã đến lúc phải nhiệt tình đề nghị cho mọi người cái mức tiêu chuẩn cao này của đời sống Kitô hữu bình thường: toàn thể đời sống cộng đoàn Kitô hữu và gia đình Kitô hữu là phải đi theo chiều hướng này. Khi chứng kiến nơi ta sự cải hóa đời sống hàng ngày trong ý hướng đạt mức tiêu chuẩn thánh thiện cao, các anh chị em chúng ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm lớn trong chính đời sống hàng ngày của họ, trên dòng đời ấy, Thiên Chúa hằng ngày vẫn tuôn đổ xuống nguồn tình yêu vô biên và không ngưng nghỉ của Ngài.

Tháng Mười Một vừa qua, trong chuyến hành hương về lễ đài Thánh Giacôbê Cả tại Compostela, nước Tây Ban Nha, ĐGH Biển Đức XVI đã thúc dục dân chúng Âu Châu nhận ra hồng ân cao cả là tình yêu Thiên Chúa ban xuống cho thế giới này, trong Đức Giêsu Kitô, và dấn bước theo Ngài trên đường sống thánh. Những lời ngài nói với dân chúng Âu Châu vốn đang lãng quên Thiên Chúa và thù nghịch với giới luật Ngài, cũng áp dụng được cho các quốc gia không-Kitô khác. Những lời này khi lồng trong khung cảnh hành hương thì càng ngời sáng hơn bởi vì mục tiêu hành hương là mở mắt ra để nhìn thấy mầu nhiệm lớn lao của tình yêu Chúa trong đời ta, nghĩa là, để nhìn thấy bản chất phi thường của đời sống bình thường. Ta hãy lắng nghe ngài nói: “Thiên Chúa là nguồn sống của ta. Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của tự do, chứ không phải đối kháng lại tự do. Làm thế nào để người phàm có thể xây dựng được một căn bản vững chắc, và làm thế nào tội nhân có thể hòa giải được với chính mình? Tại sao ai nấy đều thinh lặng trước thực tại đầu tiên và cốt yếu của đời sống con người? Tại sao cái điều mang tính chất quyết định trong đời sống lại bị giam hãm tù túng nơi khu vực riêng tư cá nhân hoặc bị đẩy lùi vào bóng tối? Ta không thể sống trong bóng tối, không nhìn thấy mặt trời. Thế thì làm thế nào mà Thiên Chúa, vốn là nguồn sáng của tâm trí, năng lực của ý chí, và sức hút của trái tim, lại bị chối bỏ quyền dọi sáng để xua tan đi bóng tối ngập tràn? Chính vì thế mà ta cần phải lắng nghe Thiên Chúa một lần nữa dưới bầu trời Âu Châu này; xin cho những lời thánh thiện này không được thốt ra vô ích, hoặc được sử dụng cho một mục đích khác. Nó phải được nói lên một cách thánh thiện. Ta phải lắng nghe lời ấy trong cuộc sống hàng ngày, trong thinh lặng của công việc, trong tình huynh đệ, và trong những khó khăn đến theo thời gian.” Những lời này của vị Cha Chung đã nêu rõ tính năng động cố hữu của đời sống trong Thánh Thần nơi ta, khiến ta trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa trong đời và biến cải đời ta hướng về Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn cũng như góp phần biến đổi thế giới.

Sống Thánh và Chứng Tá Căn Bản cho Sự Thật về Dục Tính Con Người.

Giờ đây, điều cần thiết là nêu rõ mối tương quan giữa việc thực hành các nhân đức trong sạch, khiết tịnh, và nết na, nghĩa là sống sự thật về dục tính và sự sống con người, và thực hành công bình. Việc tôn trọng sự sống con người thì gắn chặt với việc tôn trọng sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đình. Việc tấn công vào sự sống vô tội và không tự vệ được của các thai nhi, chẳng hạn, đã khởi phát từ cái nhìn sai lạc về dục tính con người, đưa đến việc sử dụng các phương tiện cơ học hay hóa học để triệt hạ cái bản chất mang tính sản sinh cốt thiết của hành vi vợ chồng. Sự sai lầm là ở chỗ cho rằng cái hành vi vốn đã bị cải biến một cách nhân tạo vẫn còn mang tính trọn vẹn của nó. Sai lầm cũng là ở chỗ cho rằng hành vi ấy vẫn mang tính kết hợp hay ân ái, cho dù bản chất sản sinh của nó đã bị vi phạm triệt để. Quả thế, không còn mang tính kết hợp nữa, nếu một trong hai người phối ngẫu cứ khư khư giữ lại một phần cốt yếu của món quà tự hiến, vốn là cốt tủy của sự phối hợp vợ chồng. Cái gọi là “não trạng ngừa thai” không là gì khác hơn ngoài việc chống lại sự sống. Quả thế, muôn vàn các hình thức gọi là ngừa thai không là gì khác hơn là phá thai, nghĩa là, chúng phá hủy đi một mầm sống đã thụ thai, đã khởi đầu.

Thủ thuật nhào nặn hành vi vợ chồng, như Đầy Tớ Chúa GH Phaolô VI đã can đảm nhận định, đã đưa đến không biết bao nhiêu là hình thức bạo lực cho đời sống hôn nhân và gia đình. Theo với đà lan tràn của não trạng ngừa thai, nhất là nơi giới trẻ, dục tính con người không còn được nhìn như là món quà từ Thiên Chúa, vốn lôi kéo người nam và người nữ lại với nhau, trong mối dây yêu đương trọn đời và trung thành, được kết triều thiên bằng món quà là một mầm sống mới, mà trái lại, chỉ là một dụng cụ để thỏa mãn cá nhân. Một khi sự phối hợp tính dục không còn được nhìn nhận là tự bản chất phải mang tính sản sinh, thì dục tính con người tất sẽ bị lạm dụng dưới nhiều dạng thức nhưng tất cả đều gây phương hại sâu xa, thậm chí hủy hoại luôn cả cá nhân lẫn xã hội. Chỉ cần nghĩ đến sức công phá đang hàng ngày xẩy đến cho cả thế giới xuất phát từ kỹ nghệ hình ảnh khỏa thân trị giá hàng tỉ Mỹ kim. Muốn cải biến nền văn hóa Tây phương, tự căn bản, phải công bố sự thật về sự phối hợp vợ chồng, một cách tròn đầy trọn vẹn, và phải chấn chỉnh lại lối suy nghĩ ngừa thai lúc nào cũng sợ hãi sự sống, sợ hãi sinh sản.

Cần ghi nhận rằng, trong Thông Điệp ‘Caritas in Veritate,’ ĐGH Biển Đức XVI đã đặc biệt quy chiếu vào Thông Điệp Humanae Vitae, cho thấy tầm quan trọng của nó trong việc ‘diễn trình cái ý nghĩa nhân bản trọn vẹn của việc phát triển mà Hội Thánh đề nghị.” Đức đương kim GH đã minh định rằng giáo huấn của Humanae Vitae không hề đơn giản là một vấn đề “luân lý cá nhân,” như sau: “Humanae Vitae cho thấy mối dây liên kết bền chặt giữa đạo đức về sự sống và đạo đức về xã hội, được trình bầy trong một lãnh vực mới của Huấn Quyền vốn đã dần dần được phơi bầy trong hàng loạt văn kiện, mới nhất là Thông Điệp Evangelium Vitae của ĐGH Gioan Phaolô II.”

ĐGH lưu ý ta về tầm quan trọng thiết yếu của việc thấu hiểu đúng đắn về dục tính trong việc phát triển con người chân chính.

Nói về vấn đề sinh sản, ĐGH Biển Đức XVI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hiểu cho thật đúng về dục tính con người, về hôn nhân và gia đình. Ngài viết: “Vì quan tâm lo lắng đến việc phát triển con người đích thực mà Hội Thánh hằng thúc dục con người tỏ lòng tôn trọng trọn vẹn những thiện hảo nhân bản trong việc hành xử dục tính. Không thể nào giản lược nó đơn thuần như thú vui hoặc tiêu khiển. Cũng không thể giảm hạ việc giáo dục phái tính trở thành việc chỉ dẫn thuần túy kỹ thuật để chỉ nhằm bảo vệ những người trong cuộc khỏi nhiễm bệnh hay “nguy cơ” sinh đẻ. Làm như thế chính là làm nghèo đi và không đoái hoài tới ý nghĩa của dục tính, một ý nghĩa cần được cả cá nhân lẫn cộng đồng nhìn nhận và đảm nhận.”

Việc phục hồi sự tôn trọng tính toàn vẹn của hành vi vợ chồng là điểm thiết yếu đối với tương lai của nền văn hóa Tây phương, đối với sự thăng hoa của nền văn hóa sự sống. Theo ngôn từ của ĐGH Biển Đức XVI thì “một lần nữa cần phải làm cho thế hệ tương lai thấy rõ được nét tươi đẹp của hôn nhân và gia đình. Cũng cần cho họ thấy rằng hai cơ chế hôn nhân và gia đình đáp ứng được các nhu cầu sâu xa nhất cũng như phẩm giá của con người.” Ngài còn ghi nhận rằng: “Chính quyền được mời gọi để ban hành các chính sách nhằm thăng tiến tính trung tâm và tính toàn vẹn của gia đình được đặt nền trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, vốn là tế bào tiên khởi của xã hội, và đảm lãnh trách nhiệm đối với các nhu cầu kinh tế và tài chánh của nó, trong khi tôn trọng tính cách tương quan thiết yếu của nó.”

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo nhắc nhở ta rằng “sự phóng túng luân lý xuất phát từ một quan niệm sai lạc về tự do con người” và “điều kiện tiên quyết của việc phát triển tự do chân thật chính là để cho mình được luật luân lý giáo huấn cho.” Như thấy rõ từ những suy tư trên, tự do cá nhân nói riêng, và tự do xã hội nói chung, đều tùy thuộc vào một nền giáo dục căn bản trong sự thật về dục tính con người và việc thi hành sự thật đó qua một nếp sống trong sạch và khiết tịnh. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo dậy rằng: “Những ai đảm nhiệm việc giáo dục thì có bổn phận giáo huấn giới trẻ biết tôn trọng sự thật, phẩm chất của trái tim, và phẩm giá luân lý cũng như thiêng liêng của con người” (số 2526). Đối với người Kitô hữu, tự căn bản, đó chính là việc giáo dục để sống thánh, để tôn trọng phẩm giá bất khả nhượng của con người mình, bao gồm cả hồn lẫn xác, và tôn trọng phẩm giá người khác như chính mình vậy.

Lương Tâm, Hướng Dẫn Viên Không Sai Lầm để Sống Thánh

Nếu muốn sống thánh, sống trọn vẹn hơn và trung thành hơn với Chúa Kitô, nghĩa là, dâng đời mình cho Chúa Kitô, không dè giữ, thì trái tim ta phải đi tìm kiếm nguồn khôn ngoan và sức mạnh nơi Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim bị đâm thâu; lương tâm ta phải được đào luyện để lắng nghe tiếng Chúa mà thôi, và từ chối điều gì làm suy yếu hay một cách nào đó triệt hạ việc ta làm chứng tá cho sự thật mà Ngài đã dậy dỗ ta qua Hội Thánh. Bằng lời kinh và việc đạo đức hàng ngày cũng như bằng việc học Giáo Lý của Hội Thánh và Huấn quyền, lương tâm ta được đào tạo theo ý Chúa, theo Luật của Ngài vốn là sự sống của ta.

Lương tâm, tiếng nói của Chúa, thỏ thẻ vào lòng ta--nói theo ngôn từ của Chân Phước HY Gioan Henry Newman--thì đó chính là “vị Đại Diện Chúa Kitô đích thực.” Có nghĩa là lương tâm lúc nào cũng ăn khớp với chính Chúa Kitô là đấng giáo huấn và thông đạt cho ta qua vị Đại Diện Ngài là ĐGH, cùng với các vị Giám Mục hiệp thông với ngài. Cũng Chân Phước HY Newman đã ghi nhận rằng: “Lương tâm chính là sứ giả của Đấng--cả về mặt tự nhiên lẫn về mặt ân sủng—đang nói với ta từ phía sau bức màn, và giáo huấn chỉ dậy ta qua các vị đại diện của Ngài.”

Ngày nay ta cần lưu ý đến một khái niệm sai lạc về lương tâm, cố tình sử dụng lương tâm để biện minh cho các hành vi tội lỗi, đối kháng lại lời mời gọi nên thánh. Trong diễn từ Giáng Sinh 2010 đã viện dẫn, ĐGH đã suy tư về khái niệm lương tâm, được mô tả rất trung thực và trong sáng trong tác phẩm của Chân Phước HY Newman, để đối lại với quan niệm sai lạc về lương tâm đang phổ biến trong thế giới hôm nay, như sau:

“Ngày nay, từ ngữ ‘lương tâm’—xét về các vấn nạn luân lý và tôn giáo—có nghĩa là cái chiều kích chủ quan, là cá nhân, là cái cấu thành thẩm quyền quyết định cuối cùng. Thế giới được chia làm hai lãnh vực: khách quan và chủ quan. Lãnh vực khách quan bao gồm những gì có thể tính toán và kiểm chứng được bằng thí nghiệm. Tôn giáo và luân lý nằm ngoài tầm với của các phương pháp này, và vì thế, được coi như thuộc lãnh vực chủ quan. Nói cho cùng, không hề có những tiêu chuẩn khách quan. Do đó, thẩm quyền tối hậu ở đây chính là một mình chủ thể mà thôi, và đó chính là điều từ ngữ ‘lương tâm’ muốn diễn đạt: trong lãnh vực này, chỉ một mình cá nhân, với trực giác và kinh nghiệm, mới có thể quyết định. Lối hiểu lương tâm của Newman thì hoàn toàn trái ngược với quan niệm nêu trên. Với Newman, ‘lương tâm’ có nghĩa là khả năng con người hướng về sự thật: đó là khả năng nhận ra chân lý, chân lý nguyên tuyền, chính trong các lãnh vực mà con người có thể quyết định được trong cuộc sống mình—đó là tôn giáo và luân lý. Cùng lúc đó, lương tâm—xét như khả năng con người hướng về sự thật—áp đặt trên nó cái bổn phận phải bước theo con đường sự thật, tìm kiếm sự thật, và khi tìm thấy thì đầu phục sự thật. Lương tâm vừa là khả năng hướng về sự thật, lại vừa là sự tuân phục sự thật vốn sẽ tự mạc khải ra cho người nào đi kiếm tìm sự thật với tất cả cõi lòng rộng mở.”

Chính vì thế, lương tâm không hề đặt ta làm trọng tài phân xử điều đúng và điều thiện hảo, nhưng nối kết ta lại trong việc theo đuổi chính sự thật là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta là đấng duy nhất phân xử điều đúng và điều thiện hảo, ngõ hầu tư tưởng, lời nói, và việc làm của ta đem sự thật đó ra mà thi hành.

Cũng trong cùng diễn từ Giáng Sinh năm ngoái đó, ĐGH Biển Đức XVI đã giải thích một đoạn văn của Chân Phước HY Newman, một đoạn văn đã thường bị hiểu sai, cố ý lèo lái nhằm hỗ trợ cho khái niệm chủ quan sai lầm về lương tâm. Ngài ghi nhận như sau:

“Để hỗ trợ cho lối biện luận rằng quan niệm của Newman về lương tâm thì ăn khớp với lối hiểu đầy chủ quan của con người thời đại, người ta thường trưng dẫn lá thư trong đó Newman có nói rằng--nếu phải nâng ly rượu đối ẩm—thì ngài sẽ cạn chén với lương tâm trước rồi mới cụng ly với Giáo Hoàng sau. Thế nhưng, trong lời phát biểu này, ‘lương tâm’ không hề có nghĩa là phẩm cách trói buộc tối hậu của trực giác chủ quan. Nó chỉ muốn diễn tả tính dễ tiếp cận và lực trói buộc của sự thật: chính trên nền tảng này mà lương tâm được xây dựng. Ly thứ hai là cùng cạn chén với ĐGH bởi lẽ ngài có trách nhiệm yêu cầu ta phải vâng phục sự thật.”

Nói khác đi, không bao giờ có sự đối kháng giữa điều lương tâm đòi buộc và điều chân lý đức tin đòi hỏi nơi ta, như ĐGH công bố. Quả vậy, lương tâm lôi kéo ta vào sự thấu hiểu chân lý ngày một sâu xa hơn và gắn bó với chân lý ấy qua tư tưởng, lời nói và việc làm.

Sống Thánh và Tử Đạo vì Đức Tin

Chứng tá cho việc sống thánh chính là tử đạo, dưới hình thức này hay hình thức khác. Theo lời Kinh Thánh, đó là chết cho mình để sống cho Chúa Kitô (2Cor 5:15; 1Pet 2:24). Đây là điều Đầy Tớ Chúa LM Gioan A. Hardon gọi lả “sự kiện rõ rệt sờ sờ của việc theo Chúa thực sự.” Nói tới tử đạo, ta thường nghĩ ngay đến các vị đã đổ máu ra để minh chứng lòng trung thành yêu mến Chúa, các vị đã bị sát hại vì người ta căm ghét Chúa Kitô và niềm tin Kitô giáo. Tử đạo bằng máu là chứng tá cao cả nhất và là gương sáng minh chứng tình yêu hằng ngày ta dành cho Chúa Kitô, cho dù ta không bị đòi buộc phải đổ máu. Qua tử đạo, các thánh lôi kéo nhiều ơn lành xuống cho đời ta sống hằng ngày. Nói theo lời Đầy Tớ Chúa LM Hardon, thì “qua những đau khổ các ngài phải chịu, ta như trở thành giầu có hơn, bởi lẽ, qua công nghiệp các ngài, toàn thể Hội Thánh trở nên thánh thiện hơn.”

Là một người chồng và một người cha, đồng thời cũng là một chức sắc thế giá dưới triều Hoàng Đế Henri VIII, Thánh Tôma More đã tử đạo vì đức tin vào thế kỷ thứ 16. Dù bị giam tù chờ ngày chịu án tử hình, ngài kiên trì lắng nghe tiếng Chúa, hơn là lắng nghe những lời người phàm thuyết phục ngài hành động theo lối suy nghĩ của loài người, chứ đừng theo sự khôn ngoan của Chúa và lề luật luân lý. Vào ngày xử án, mùng 1 tháng 7 năm 1535, Thánh Tôma More đã nắm chặt Thánh Truyền của Hội Thánh, để theo tiếng lương tâm, nhất quyết không nhìn nhận Hoàng Đế Henri VIII như Thủ Lãnh Tối Cao của Hội Thánh. Khi nghe vị Chưởng Ấn bảo rằng có biết bao nhiêu Giám Mục và chức sắc đã nhìn nhận như thế rồi, Thánh Tôma More trả lời: “Thưa ngài, nếu ngài có một giám mục thì tôi lại có cả trăm vị thánh; nếu ngài có một nghị viện, thì tôi cũng có các Công Đồng Chung cả ngàn năm nay…” Khi Nam Tước xứ Norfolk tố cáo ngài trả lời gian dối, Thánh Tôma More đáp lại rằng: “Những điều tôi nói đều xuất phát từ lương tâm và sự an bình trong đáy tim tôi, có Thiên Chúa là đấng thấu tỏ lòng người chứng giám.” Thế là ngài bị kết án tử hình. Bản án đến từ sự căm ghét niềm tin Công giáo và giáo huấn của Thánh Phêrô là đấng Đại diện Chúa Kitô trên trần gian. Khi lên đoạn đầu đài, Thánh Tôma More đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi chết như là trung thần của Hoàng Đế, nhưng trước hết và trên hết, như là trung thần của Thiên Chúa.” Thánh Tôma More đã phục vụ vua mình một cách hoàn hảo bằng cách vâng lời Chúa là đấng mạc khải chân lý Ngài qua lương tâm mình, vốn được giáo huấn và thông truyền bởi gương sáng các thánh trong Hội Thánh cũng như bởi Huấn Quyền. Cũng vậy, ta chỉ phục vụ anh chị em mình một cách hoàn hảo khi ta lắng nghe tiếng lương tâm mình mà trung thành phục vụ Chúa và không bao giờ thỏa hiệp.

Trong dịp Tông Du Vương Quốc Anh năm ngoái, qua diễn từ tại Điện Westminster, ĐGH Biển Đức XVI đã suy tư về về các vấn nạn mà Thánh Tử Đạo Tôma More đã tiếp tục đặt ra cho ta như những người kết hợp nên một với Chúa trong Hội Thánh Chíến Đấu, Đau Khổ và Khải Hoàn. Ngài giải thích rằng: “Các vấn nạn căn bản trong vụ xử ánThánh Tôma More vẫn tiếp tục đặt ra cho ta bằng những hạn từ luôn luôn đổi thay trong những tình huống xã hội mới. Trong khi tìm cách đẩy mạnh công ích, mỗi thế hệ phải tự hỏi: đâu là những đòi hỏi mà chính quyền có thể áp đặt một cách hợp lý trên người công dân, và áp đặt tới mức độ nào? Phải nại vào thẩm quyền nào để giải quyết các vấn đề lưỡng nan luân lý? Các vấn đề này dẫn ta đến thẳng những nền tảng đạo đức của công luận. Nếu các nguyên tắc luân lý làm nền tảng cho tiến trình dân chủ không là gì khác hơn là sự đồng thuận có tính cách xã hội thì rõ ràng là các tiến trình này sẽ dễ lung lay – chính đây là thách đố thực sự của mọi nền dân chủ.”

Ngày nay, niềm tin của ta cũng đang phải đối diện với một thách đố tương tự như thời Thánh Tôma More. Đứng trước cao trào phản-sự-sống và phản-gia-đình của bao nhiêu người đang nắm quyền trong nền văn hóa hôm nay, ta hãy cầu xin, nhờ Thánh Tôma More cầu bầu, cho ta được luôn trung thành và can đảm yêu mến Chúa Kitô nơi mỗi người anh chị em ta, nhất là những ai đang sống trong hoàn cảnh khó khăn mà Chúa gọi là “những người bé mọn” nhất trong số những anh chị em của Ngài.”

Ngoài ra còn có tử đạo bằng bách hại nữa. Cha Hardon giải thích như sau: “Không phải người tín hữu nào chịu đau khổ vì Chúa thì cũng đều chết vì Ngài cả đâu. Sự chống báng đức tin và lối sống Kitô hữu không phải đều kết thúc bằng sự chết đầy bạo lực dành cho các nạn nhân bị bách hại. Do đó, cần phân biệt tử đạo bằng máu và tử đạo không đổ máu vì bị áp bức, vốn không thua kém-- mà có khi còn nhiều đau khổ hơn--tử đạo bằng máu nữa.”

Cứ nghĩ đến việc bách hại các anh chị em ta ở Trung Quốc hay tại một số quốc gia Hồi giáo mà xem. Bề ngoải có vẻ như được tự do, vì không bị giam tù, nhưng thực ra, “những người đó đều bị tước lột hết mọi thứ tự do của con người trong việc hành đạo và phụng sự Thiên Chúa theo niềm tin của mình.”

Suy nghĩ sâu xa hơn về tử đạo áp bức, ta còn nhận ra rằng tại một số quốc gia mang tiếng là tự do, có những chính sách và luật lệ rõ ràng là áp bức người Kitô hữu trong việc tuân thủ luật luân lý tự nhiên. Chẳng hạn như người bác sĩ bị toà án dân sự bó buôc phải ghi toa các thứ thuốc phá thai, hoặc trường hợp có vị linh mục bị toà án dân sự cáo buộc tôi sử dụng “lời lẽ căm ghét” chỉ bởi vì ngài giảng dậy về tính tai ác tự thân của hành vi đồng tính. Không phải là vô cớ mà ngày càng thấy nỗi lo ngại gia tăng về việc Hội Thánh không còn có thể đảm trách các công trình giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và công tác bác ái tại một số quốc gia bởi vì luật dân sự đòi buộc các công trình của Hội Thánh phải cộng tác với các hành vi vốn luôn luôn và hoàn toàn sai trái.

Đầy Tớ Chúa LM Hardon trích dẫn một đoạn sách Khôn Ngoan về việc người vô thần bách hại người đạo hạnh vốn bị coi như một “lời quở trách đối với họ.” Đoạn sách cho thấy lối suy nghĩ của những kẻ chống báng đức tin như sau:

10“ Ta hãy bức hiếp tên công chính nghèo hèn,

kẻ goá bụa, ta đừng buông tha,

bọn tóc bạc già nua, cũng chẳng nể.

11 Sức mạnh ta phải là quy luật của công lý,

vì yếu đuối chẳng làm nên chuyện gì.

12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,

vì nó chỉ làm vướng chân ta,

nó chống lại các việc ta làm,

trách ta vi phạm lề luật,

và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.

13 Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa,

xưng mình là con của Đức Chúa.

14 Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta,

thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi.

15 Vì nó sống thật chẳng giống ai,

lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị.” (Sách Khôn Ngoan 2: 10-15)


Khi việc tuân thủ luật luân lý gậy ra chống đối, ta phải nhớ rằng, khi sống trong Chúa Kitô, ta trở thành một dấu mâu thuẫn đối với lề lối suy nghĩ của thế gian. Đời ta trở thành như lời quở trách vì vi phạm luật luân lý, không phải vì mục đích quở trách, mà vì muốn góp phần cứu độ trần gian.” Ta cũng phải nhớ rằng, cũng như các vị tử đạo, chứng tá của ta cũng sẽ giúp làm thay đổi xã hội, và rồi ra sẽ bảo vệ cũng như nuôi dưỡng đời sống con người.

Sau cùng, có tử đạo bằng chứng tá, là hình thức phổ biến nhất, gắn liền với đời sống Kitô hữu. Nó có thể mặc hình thức chịu đựng tư thù hoặc sự dửng dưng khi làm chứng sống đạo. Đầy Tớ Chúa LM Hardon mô tả tử đạo bằng chứng tá như sau: “Tất cả những gì ta thấy về tử đạo bởi bạo lực thì đều lặp lại ở đây, có khác chăng là ở phương cách chống báng. Ở đây, người tín hữu kiên cường tuân theo huấn quyền Hội Thánh; người tôi tớ trung thành với ĐGH; người mục tử đầy xác tín giảng dậy giáo lý chân chính; người tu sĩ hiến thân sống trung thành với các lời khấn thanh bần chân thật, thanh tịnh liêm chính, và vâng phục chân thành; những bậc làm cha mẹ chăm lo giáo huấn con cái về tôn giáo và luân lý, sẵn sàng hy sinh quảng đại để xây dựng và săn sóc cho một gia đình Kitô giáo—dù là cha mẹ tự nhiên hay cha mẹ nuôi--tất cả những người này không tránh được những phê phán gay gắt và chống báng công khai. Tuy nhiên, họ phải đặc biệt chuẩn bị sẵn sàng sống trong một bầu khí lạnh lùng đối với niềm tin sâu xa nhất của mình.”

Sự thù nghịch và nỗi dửng dưng ngày càng lan rộng đối với niềm tin ta đang ôm ấp trong lòng sẽ cám dỗ ta buông xuôi nản chí, có khi đi đến chỗ tránh né làm chứng cho đức tin giữa nơi công cộng. Thế nhưng, sự tử đạo ta được mời gọi và được thánh hiến cũng như kiện cường bằng Bí Tích Thanh Tẩy và Thêm Sức đòi buộc ta làm chứng không mệt mỏi, vì tin rằng Chúa sẽ đem lại hoa trái tốt lành. Đứng trước hiện tình gia đình đổ vỡ, mạng sống của trẻ vô tội không thể tự vệ bị tấn công dồn dập, sự kết hợp hôn nhân nguyên tuyền trong xã hội hôm nay bi vi phạm nặng nề, thì lời mời goị tử đạo bằng chứng tá xem ra càng khẩn thiết hơn.

Tới một mức độ nào đó, như Cha Hardon giải thích, một hình thức chứng tá căn bản và cốt yếu chính là sự hiến thân cho việc giảng dậy lành mạnh về niềm tin, vốn là điều kiện cho việc yêu mến và phục vụ đức tin. Bởi đó, ngài hiến dâng những tháng ngày còn lại của đời mình với chút tàn lực để xây dựng và làm phát triển Công Cuộc Tông Đồ Giáo Lý của Đức Mẹ, nhằm đào tạo các giáo lý viên vững về linh đạo và sâu về giáo lý. Đứng trước những thách đố lớn trong việc giảng dậy đức tin Công giáo trong thời đại chúng ta, ngài nhắc các giáo lý viên nhớ đến những môn đệ tiên khởi, là các Kitô hữu thời sơ khai, với ơn Chúa giúp, đã trung thành rao giảng một cách hiệu quả cho một thế giới ngoại đạo, với cái giá là chính máu đào của mình.

Khi đặt chân đến vùng đất này (Úc Đại Lợi), tôi không thể không nói đến gương anh hùng của Mẹ Maria MacKillop, đã được ĐGH Biển Đức XVI phong thánh ngày 17 tháng 10 năm ngoái. Mẹ cống hiến cho giáo dân Công giáo tại Úc và trên toàn thế giới một tấm gương làm chứng tá đức tin trọn vẹn, không hề mỏi mệt, cách riêng qua công cuộc tông đồ là rao truyền đức tin. Trong bài giảng Thánh Lễ Phong Thánh, ĐGH Biển Đức XVI đã nhắc lại sự hiến thân của Mẹ “trong vai một thiếu nữ để giáo dục người nghèo tại những vùng đất xa xôi hẻo lánh hay vùng thôn quê Úc, khuyến khích nhiều chị em phụ nữ gia nhập cộng đoàn phụ nữ đầu tiên các nữ tu tại đất nước này.” Khi nói tới những thách đố mà Mẹ gặp phải, ĐGH lưu ý rằng “những lời kinh Mẹ dâng lên Thánh Cả Giuse và lòng sùng kính sâu xa Mẹ dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu-- mà Mẹ dâng hiến toàn thể Tu Hội mới lập của Mẹ cho Ngài—đã khiến Mẹ có được những ân huệ cần thiết để sống trung thành với Chúa và Hội Thánh.” Cầu xin Thánh Nữ Maria Thánh Giá MacKillp, Đồng Trinh và Sáng Lập Tu Hội Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm Chúa, giúp cho giới trẻ Úc, nam cũng như nữ, biết làm chứng tá cho Chúa một cách trung thành, không mỏi mệt, ngõ hầu, nhờ lời Mẹ chuyển cầu, có thể xây dựng lại được nền văn hóa Kitô giáo tại xứ sở thân yêu này.

KẾT LUẬN

Sau khi đã suy tư về tình trạng suy sụp của nền Kitô giáo Tây phương và tìm phương cách để sửa đổi lại, theo tiếng gọi sống thánh và tử đạo vì đức tin, vì phần rỗi của ta cũng như phần rỗi của thế gian, ta nhận thấy rằng chính Chúa Kitô mới làm cho ta có thể sống thánh và trở nên kẻ tử đạo chân chính. Chỉ khi đi theo Ngài một cách trung thành không dè giữ thì ta mới có thể đem ánh sáng đến cho trần gian. Ngài luôn ở với ta như lời đã hứa, để nâng đỡ ta bằng ân sủng và dư tràn ơn Thánh Thần Ngài.

Ta không thể kết thúc mà không nói đến những phương cách phi thường Chúa Kitô đã dùng để đến với ta trong Hội Thánh, cùng đồng hành với ta trong cuộc đời lữ hành, và nâng đỡ ta trong việc trung thành làm chứng tá trọn vẹn cho Ngài, đồng thời đưa ta về nhà Cha trong bình an. Tôi muốn nói đến các Bí Tích Thánh Thể và Thống Hối. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Kitô kết hợp tâm hồn ta, một cách hoàn hảo nhất có thể làm được trên dương thế này, với Rất Thánh Trái Tim Ngài. Ngài nuôi dưỡng sức sống của Chúa Thánh Thần nơi ta bằng chính lương thực vô song là Mình Máu Ngài. Thánh Thể không chỉ kiện cường ta về mặt thiêng liêng khiến ta trở thành tử đạo chân chính, mà còn là mẫu mực tử đạo, mẫu mực yêu thương tinh tuyền và vị tha, không điều kiện, ‘cho tới cùng’ (Gioan 13:1).

Tâm điểm và nguồn mạch đời sống người tử đạo vì đức tin chính là hy lễ Thánh Thể, thờ lậy Thánh Thể, và tất cả mọi hình thức sùng kính Thánh Thể, nhất là viếng Thánh Thể và Hiệp Lễ thiêng liêng suốt cả ngày. Qua việc sùng kính Thánh Thể và tất cả mọi việc sùng kính chân chính, ta nối dài tình hiệp thông với Chúa trong Hy lễ Thánh Thể đến từng khía cạnh của cuộc sống, vào mọi khoảnh khắc của đời ta.

Bí tích Thống Hối canh tân nguồn ân sủng từ Bí Tích ThánhTẩy và Thêm Sức, qua một gặp gỡ với Chúa Kitô để xưng thú tội lỗi và hưởng ơn tha thứ. Việc năng xưng tội, kể cả việc xưng tội vì lòng sốt sắng sùng kính, là điều tối cần thiết để có thể tăng triển trong sự thật được thông tri cho ta qua lương tâm. Gắn liền với nó chính là việc tự vấn lương tâm và ăn năn tội hằng đêm, qua đó, từng ngày qua, ta quay trở về với Chúa Kitô ngự trị trong lòng ta và dọn mình lãnh nhận Bí Tích Cáo Giải. Sự liêm khiết và can trường cần thiết cho người tử đạo bằng chứng tá trong thế giới hôm nay đòi hỏi phải có sự thân mật với Chúa Kitô, vốn chỉ có thể có được qua việc tự vấn lương tâm và ăn năn tội hằng ngày, cùng với việc gặp gỡ Ngài thường xuyên qua Bí Tích Thống Hối.

Mẹ Maria vừa là gương mẫu, vừa là đấng cầu bầu mạnh thế cho ta khi sống cuộc tử đạo bằng chứng tá, bằng bách hại và bằng máu. Mẹ là người như ta, cùng chia sẻ kiếp người như ta, thế nhưng, Mẹ được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội lỗi ngay từ lúc đầu thai. Tự thuở vào đời cho đến suốt cả cuộc đời, Mẹ lúc nào cũng luôn luôn và hoàn toàn thuộc trọn về Chúa Kitô. Trong Thông Điệp Veritatis Splendor (Chân Lý Ngời Sáng), Đấng Đáng Kính Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở rằng Mẹ đóng một vai trò không ai thay thế được trong việc giúp đỡ ta trở thành chứng tá cho Chúa qua việc tử đạo.

Dù chia sẻ thân phận con người chúng ta, Mẹ vẫn hoàn toàn rộng mở trước ân sủng của Thiên Chúa. Không hề biết tội là gì, nhưng Mẹ rất thương cảm với mọi yếu đuối con người. Mẹ hiểu con người tội lỗi nên Mẹ thương yêu ta với tình của Hiền Mẫu. Chính vì thế, Mẹ đứng hẳn về phía sự thật và chia sẻ gánh nặng Hội Thánh qua việc luôn luôn kêu gọi nhắc nhở từng người về đòi hỏi của luân lý. Mẹ cũng không bao giờ cho phép con người tội lỗi bị dối lừa bởi những kẻ bảo rằng họ yêu con người bằng cách biện minh cho chính tội lỗi con người, bởi Mẹ biết rằng nếu thế thì sự hy sinh của Chúa Kitô, Con Mẹ, sẽ hóa vô ích. Không có một sự giải thoát nào xuất phát từ những học thuyết dối gạt, cả trong lãnh vực triết học lẫn thần học, có thể đem lại hạnh phúc cho con người; chỉ có Thập Giá và vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh mới có thể đem lại bình an cho lương tâm con người và sự cứu độ cho đời người.

Xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta để có thể trở nên những chứng nhân chân chính và trung thành của Chúa Kitô đang sống động trong mỗi người chúng ta. Cũng xin Mẹ cho ta biết luôn tìm về với Mẹ, để Mẹ dẫn ta đến với Con Mẹ, với lời khuyên dậy từ ái, như Mẹ đã nói với những người lo việc ẩm thực tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì thì cứ làm theo.” (Gioan 2:5) Xin Chúa biến đổi đời sống ta và thế giới này. Xin Chúa kiện cường chúng con, những thành viên của Tổng Hội Sinh Viên Công Giáo Úc, trong sứ mệnh “xây dựng một nền văn hóa Công giáo để sống trong chân lý và bác ái.”

Lễ Phục Sinh 2011

Nguyễn Kim Ngân