Nhưng trước đó, anh trưởng Ban Thư Viện, Trần Anh Dũng, đã nói đôi lời chào mừng quan khách và giới thiệu thư viện. Trích Bình Ngô Đại Cáo rằng « Nước nhà Đại Việt thực là một nước Văn Hiến », anh Trưởng Ban đã nói rõ về sứ mệnh của thư viện là đóng góp vào tinh thần duy trì Văn Hiến Đại Việt, mà đặc biệt là vào việc hỗ trợ, phổ biến và bảo trì tiếng quốc ngữ cho người Việt sống nơi hải ngoại. Để làm được những công việc này, dẫu đã cố gắng rất nhiều, Thư Viện Giáo Xứ vẫn rất cần đến sự đóng góp của mỗi người trong cộng đoàn người Việt, về tinh thần và vật chất. Tích trữ và phân loại được trên 10.000 đầu sách, Thư Viện Giáo Xứ hân hạnh đón tiếp tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt, không phân biệt giai cấp, chính trị, tôn giáo,…Rồi anh mời quan khách tham dự và thưởng thức chương trình văn học và văn nghệ hôm nay.
1. Thuyết trình về « Thầy cả Philipê Bỉnh (1759-1832), nhà văn học quốc ngữ Đàng Ngoài ».
Nhập đề, Ls Lê Đình Thông xác định nội dung bài thuyết trình xoay quanh ba khía cạnh : « Bài thuyết trình này lần lượt giới thiệu tác giả, tác phẩm và sự nghiệp văn học của Philipê Bỉnh ». Sau đây xin trích dẫn những đoạn chính yếu trong bài thuyết trình.
Xem hình Ngày Văn Hóa - Thư Viện tại GXVN Paris
1a. Tác giả :
Năm 1951, Georg Schurfhammer biên soạn ‘‘Văn học công giáo về Phanxicô Xaviê’’. Ông Đỗ Văn Anh và giáo sư Trương Bửu Lâm dịch sang Việt ngữ, đăng trong tập san Việt Nam Khảo cổ, số 2 (Saigon, 1960). Theo tài liệu này, Philipê Bỉnh là một linh mục dòng Tên. Bài thuyết trình này được biên soạn căn cứ vào tài liệu của Viện Khảo cổ, tác phẩm Sách Sổ sang chép các việc của Philipê Bỉnh do Viện Đại học Đà Lạt xuất bản năm 1968 và một số tài liệu khác.
Thầy Cả Bỉnh sinh năm 1759 tại huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo), trấn Hải Dương (cùng quê với Nguyễn Bỉnh Khiêm), không thấy ghi họ là gì. Năm 17 tuổi, ông vào chủng viện Kẻ Vĩnh. Năm 34 tuổi thụ phong linh mục, làm thầy cả giữ việc ‘‘Vít vồ’’. ‘‘Vít vồ’’ dịch âm latinh ‘‘episcopus’’. Việc thầy Bỉnh phải chờ 17 năm mới được phong chức linh mục vì kể từ 1786, Đàng ngoài chỉ còn có ba cựu giáo sĩ Dòng Tên người Âu, còn trong Đàng trong, vị nguyên giáo sĩ Dòng Tên cuối cùng đã từ trần năm 1783’’ (Việt Nam Khảo cổ, số 2 (Saigon, 1960). Vì vậy, nhà dòng thiếu người đào tạo.
Vào cuối năm, Philipê Bỉnh và thầy giảng Liên đáp tàu đi Goa, viếng mộ thánh Phanxicô Xaviê. Cùng đi còn có thầy giảng Tôma Vincente, José de Rosario và Phanxicô de Rosario. Tàu qua Macao rồi trực chỉ Bồ Đào Nha, đến Lisbonne (Lisboa) ngày 20-6-1796.
Từ 1807 đến 1811, quân Pháp của Nã Phá Luân do đại tướng Junot chỉ huy chiếm Bồ Đào Nha. Trong thời gian này, Philipê Bỉnh trú ngụ tại Lisbonne.
Năm 1812, Đàng ngoài chỉ còn 5 giáo sĩ Dòng Tên chăm sóc khoảng 200 000 giáo dân, so với 60 000 giáo dân ở Đàng trong. Philipê Bỉnh ghi chép mọi tin tức vào cuốn sổ sang của ông.
Năm 1820, Philipê Bỉnh chép về những trang sử Dòng Tên như sau:
“Hầu tước Pombal có tuyên bố nếu không có giáo sĩ Dòng Tên, ông sẽ gửi các Dòng khác nhưng đến nay chưa gửi ai cả... Chỉ có các tu sĩ Oratoire-Rifoles mới đi đến Macao và Bắc Kinh vì ở những nơi ấy, họ có nhà cửa và tiền bạc mà các giáo sĩ Dòng Tên đã để lại cho họ. Nhưng đã hơn 30 năm rồi mà chỉ có ba người sang Trung Hoa thôi. Làm sao bây giờ? Đối với giáo dân còn chưa đủ huống hồ đối với những người ngoại đạo”. Bìa sách ghi rằng: “Oitocantos os veneraveis Jesuitas Marlyres” (tám trăm tu sĩ Dòng Tên tử vì đạo).
Theo sử liệu, “cha Felippe de Rosario Bỉnh được gửi từ giáo hội Vương quốc Đàng Ngoài, ngụ ở nhà thờ Conceição và thánh Antoniô ở Lisboa, vào đầu năm 1830, cử hành 250 thánh lễ cho các linh hồn nơi luyện ngục. Năm 1832, ông chỉ ghi tựa và trong quyển sách lịch sử các Đức Giáo Hoàng, ở đoạn nói về cái chết của Piô VIII, với một bàn tay run rẩy ông có ghi thêm tên của người kế vị là Grégorio XVI (1831) (Việt Nam Khảo cổ, số 2, Saigon, 1960).
1b. Tác phẩm :
Tác phẩm số 22 nguyên văn như sau : Nhật ký (Lisbôa, 1822-1832).Tiếng Việt (20+) 626 tr. Tên sách : Sách sổ sang chép các việc.
Philipê Bỉnh kể lại với nhiều chi tiết đời sống của ông và cuộc hành trình từ Macao sang Lisboa (1-63). Sau đó, những sự xảy ra trong Hội Thánh và các giáo đoàn trong những năm 1824-1831. Về năm 1832, ông chỉ đề tựa: 1832. Ông có thêm vào đó bảng chỉ dẫn và ở những trang 598, 599 và 601 danh sách những tác phẩm ông sáng tác, trong số đó có rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt mà chúng tôi chưa tìm thấy được, chẳng hạn như quyển tiểu sử của thánh Phanxicô đờ Hiêrônymô, Antôniô Vieira. Giuse Anchieta, Stanislao Antoniô (81). Trang 624-625 chép lại hai biên lai năm 1830 về sự xin thánh lễ của ông. Những trang 323-324, 529-533, 600, 602-617, 623, 626-627 hoàn toàn trắng.’’ (Việt Nam Khảo cổ, số 2 (Saigon, 1960).
Năm 1968, Viện Đại học Đà Lạt in lại bản chép tay Sách sổ sang chép các việc của Philipê Bỉnh. Linh mục Thanh Lãng, trưởng ban Văn chương Việt Nam Trường Đại học Văn khoa Saigon, viết lời giới thiệu. Trong phần phân tích tác phẩm, linh mục Thanh Lãng viết :
- ‘‘Sách dầy 628 trang, viết tay, bằng một thứ chữ rất đẹp, sáng sủa’’ (tr. XVIII).
- ‘‘Đọc Sách sổ sang chép các việc, ta có dịp khám phá ở tác giả một nhà văn hóa, một nhà thông thái, một nhà văn, một nhà ngôn ngữ học, ta có dịp làm quen với lối văn của Philipê Bỉnh, chứng nhân của một lối văn mới, lối văn xuôi, tiếng nói hằng ngày của tổ tiên chúng ta, ta có dịp va chạm với một xã hội linh động, đau đớn là xã hội Việt Nam về thế kỷ XVIII, hơn thế ta còn có dịp măn mắn chứng kiến, qua ngòi bút của ông, cái xã hội tây phương xa lạ’’ (tr. XIX).
Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản là tiểu thuyết đầu tiên (1887) viết bằng quốc ngữ. Trước đó 65 năm, Sách sổ sang chép các việc của Philipê Bỉnh (1822) mở đầu cho văn học quốc ngữ Đàng ngoài về bộ môn du ký. Gần một thế kỷ sau, Nguyễn Bá Trác (1881-1945) biên soạn Hạn mạn du ký (1920).
Tuy biên soạn gần một thế kỷ trước, tác phẩm của Philipê Bỉnh có ưu điểm là sử dụng ngôn ngữ bình dị của dân gian. Sau đây là vài dẫn chứng :
- Du ký trình thuật những chuyện nước người :
1 - ‘‘Nước người phô sự phú quý.’’ (tr. 422)
2 - ‘‘Nước người sở tổn sự tiêu dùng chẳng phải như nước ta.’’ (tr. 129)
3 - ‘‘Thói cách nước người ăn uống.’’ (tr. 552)
4 - ‘‘Đàn bà nước chẳng có mớm cơm cho con ăn.’’ (tr. 393)
5 - ‘‘Con trẻ và giống vật nước người thì vâng phép.’’ (tr. 395)
6 - ‘‘chẳng quen xem người đen thì lấy làm gớm ghiếc.’’ (tr. 150)
- so sánh với phong tục tập quán nước ta :
- ‘‘Lễ phép nhà thầy Anam như việc đình trung.’’ (tr. 150)
- ‘‘…thói Anam là thói lịch sự, cho đến nỗi có nhà thì vợ chồng cữ ngồi ăn chung với nhau, vì cha thì ngồi với con trai mà mẹ thì ngồi với con gái.’’ (tr. 150)
Giáo sư Thanh Lãng kể ra các khác biệt của người tây phương, được Philipê Bỉnh nói đến trong tác phẩm Sách sổ sang chép các việc (sđd, tr. XXXV) như sau :
1 - Ăn uống họ ăn lịch sự, sang trọng hơn, nhất là nhiều và béo bở hơn : mỗi bữa cơm, một món gà cho một người cũng là một nửa con gà bự chứ không phải chỉ chạy qua hàng gà như người mình. Ấy là chưa nói đến việc, người ta ăn một ngày bốn bữa, mỗi bữa ba bốn món, mà món nào cũng nhiều, hầu toàn là thịt thà. Không bì với người mình quanh năm suốt tháng chỉ thanh đạm với dưa muối, tương rau…
2 - Áo xống thì mùa nào thức ấy. Theo Philipê Bỉnh thì cả cơ nghiệp anh em các ông không đủ tiền để sắm lấy một bộ, vậy mà người ta ai cũng hết bộ này đến bộ khác, sang trọng lịch sự vô cùng.
3 - Giường nằm, thì lớn nhỏ ai nấy có giường riêng, lịch sự, giường nào cũng chăn nệm trắng muốt, chứ không ai nằm chung với ai như ở Việt Nam nghèo túng nhà mình.
4 - Việc nuôi nấng trẻ sạch sẽ vệ sinh chứ không mớm cơm bẩn thỉu như bên mình.
5 - Ra khỏi nhà người ra có đủ phương tiện xê dịch tiện lợi mau chóng, nào xe mấy, nào xe ngựa, sạch sẽ lịch sự chưa không phải rông bộ miết như bên mình.
6 - Người tây phương làm ăn chuyên cần, nhưng không làm miết quanh năm suốt tháng, đầu tắt mặt tồi như nhân dân ta. Người tây phương làm việc một tuần có 6 ngày, còn ngày chủ nhật thì mọi người đếu nghỉ, tất cả tiệm buôn, mọi trường học, mọi công sở, thảy đều đóng cửa.
7 - Cũng nhờ được nghỉ ngơi điều độ như vậy mà người tây phương họ khỏe hơn ta. Hơn thế, khi bất hạnh có bị đau ốm thì họ cũng được may mắn hơn ta. Họ có những bác sĩ lành nghề, học hành lâu năm, tận tình chăm sóc cho bệnh nhân.
8 - Bước chân đến Tây phương, không làm gì cho Philipê Bỉnh phải chú ý nhiều cho bằng những công trình kiến trúc đồ sộ, sang trọng, rực rỡ của Tây phương. Chẳng phải chỉ vua chúa mới có nhà cao cửa rộng, có cung điện mà ngay người thường dân cũng ở những cao ốc cực kỳ nguy nga. Đền đài nguy nga quý giá mọc lên khắp nơi chứng tỏ thiên hạ người ta giầu có.
9 - Bởi văn minh như vậy cho nên làm gì người ta cũng dùng máy móc tinh vi và mau chóng. Chính vì vậy mà ông đã để ý quan sát nghề ấn loát tối tân của Tây phương.
Điểm thứ 9 nói đến tiến bộ kỹ thuật của Tây phương khiến ta nhớ lại công trình của một nhân sĩ công giáo là Nguyễn Trường Tộ (1827-1871). Từ 1863 đến 1871, Nguyễn Trường Tộ dâng lên nhà vua 14 bản điều trần nhằm mục đích giúp phú quốc cường dân. Năm 1862, ông còn vẽ họa đồ xây cất nhiều công trình kiến trúc công giáo tại Saigon và Xã Đoài, nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Linh mục Thanh Lãng đã ghi nhận Philipê Bỉnh là nhà ngữ học người Việt đầu tiên, có công biên soạn hai cuốn tự điển vào năm 1797 :
- Dictionarium Annamiticum Lusitanum
- Dictionarium Lusitanum Annamiticum
Mở đầu tác phẩm, tác giả ghi rằng : A Padre Felippe do Rosario - Thầy Cả Bỉnh sao sách này ở Kẻ Chợ nước Portugal là thành Lisboa năm 1797. Như vậy tự điển của Philipê Bỉnh có trước tự điển Dictionarium Anamitico Latinum (1838) của Taberd 41 năm. Theo linh mục Thanh Lãng,
- ‘‘Phần Bồ Việt không có trong tự điển của Alexandre de Rhodes hẳn nhiên là sáng kiến riêng của Philipê Bỉnh’’.
- ‘‘Philipê Bỉnh đã có những cải cách lớn lao, tất cả các sách vở khác của Philipê Bỉnh đều đã áp dụng theo các cải cách mới. (…)
- ‘‘Tất cả các phụ âm khởi đầu trong lối viết của Philipê Bỉnh đều là những phụ âm khởi đầu như ngày nay. Hệ thống nguyên âm trong lối viết của Philipê Bỉnh cũng tương đối giống hệ thống nguyên âm thời đại ta (tr. XXVIII).
Nói tóm lại, ngoài giá trị sử liệu, Sách sổ sang chép các việc còn góp phần đáng kể vào việc hoàn chỉnh chữ Việt. Các nhà biên soạn tự điển trước ông đều là các giáo sĩ người Pháp :
- Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), dòng Tên (1591-1660)
- Đức Cha Pigneau de Bihaine (Bá Đa Lộc) (1791-1799)
- Linh mục Jean-Louis Taberd, Hội Thừa sai Paris (MEP) (1794-1840)
Linh mục Philipê Bỉnh là người Việt, quê quán Đàng ngoài. Ông đã góp phần cải tiến tiếng Việt vừa chính xác, lại vừa giản dị, đồng thời ông sử dụng nhiều từ ngữ dân gian.
1c. Sự nghiệp văn học của Philipê Bỉnh :
Thầy cả Philipê Bỉnh là tác giả người Việt đầu tiên sử dụng thể loại du ký. Giáo sư Thanh Lãng cho rằng ‘‘Philipê Bỉnh không viết một thứ hồi ký kiểu cách, vô vị. Trái lại, ông đã viết về đời ông, về bạn hữu của ông, về thù địch ông, về xã hội ông, về thời đại ông.’’ (sđd, tr. XXIII). Như vậy, ông là nhà văn học mở đầu lối văn hiện thực không những trong văn học nước ta, mà cả văn học nước ngoài nữa. Chủ nghĩa hiện thực (réalisme) chỉ mới xuất hiện tại Âu Châu vào hậu bán thế kỷ XIX nhằm chống lại chủ nghĩa lãng mạn (romantisme).
Về văn phong, ‘‘sách của Philipê Bỉnh chỉ là sử dụng cái tiếng nói thông thường như trong câu chuyện thường ngày của dân gian. (…) Cái văn dân gian ấy, sau hai trăm năm, không mấy thay đổi’’ (tr. XXII).
Các nhà văn học sử nước ta thường chỉ quan tâm đến các nhà văn học quốc ngữ Đàng trong mà không chú trọng đến văn học quốc ngữ Đàng ngoài. Thầy Cả Philipê Bỉnh đã đem lại cho văn học quốc ngữ sự đóng góp phong phú không những về số lượng tác phẩm, mà còn rất đa dạng, liên quan đến nhiều bộ môn khác nhau. Ngày nay, công trình văn học của ông vẫn còn bị quên lãng. Bài thuyết trình này chỉ là bước khởi đầu để giới thiệu khái quát về Thầy cả Philipê Bỉnh. Chúng tôi mong rằng công việc này sẽ còn được tiếp nối một cách có hệ thống trong tương lai.
2. Văn nghệ về « Chút gì để lại », thơ Thérèse Nguyễn, nhạc Quách Vĩnh Thiện
Sang phần thứ hai, anh Christophe Nguyễn Trinh Nghĩa, chủ tịch Hội ASSOBUSSYSAIGON hướng dẫn chương trình, đã khởi đầu trích bài viết của Nguyễn Thùy để giới thiệu nhà thơ Thérèse Nguyễn.
« Chút gì để lại » là tập thơ của một người nữ cao niên, tuổi đời đang lần đếm về với cõi Vĩnh Hằng, bên cạnh người chồng đã quá ‘trăm năm trong cõi người ta’ (năm nay, 2009, đã 101 tuổi). Tập thơ mang đủ mọi tình cảm đậm đà : tình chồng vợ, tình cha mẹ, tình con cái, tình non sông, tình thương lính chiên, tình chị em, tình yêu Chúa, yêu đời, yêu thiên nhiên. Tình cảm thuần phác, tự nhiên, lời thơ không văn vẻ, trau chuốt nhưng chan chứa yêu thuơng. Tôi xem rồi, thơ có chỗ còn non, nhưng đôi lúc khiến tôi vô cùng rung động.
‘Hai cõi lòng trăm năm gần gũi
Mà trời đày như vạn dặm cách xa
Mẹ cứ nói lời thì thầm bên gối
Cha đâu còn hiểu được những ngày qua ‘!…
Thérèse Nguyễn. Người tôi giới thiệu về thơ nơi đây là một phụ nữ cao niên, làm thơ lúc tuổi về già, luôn có ý nghĩ mình được về nước Chúa lúc nào không hay. Người đàn bà đó làm thơ không vì năng khiếu, cũng chẳng do bức bách vì cảnh ngộ, vì buồn đau tâm sự hay nỗi niềm vọng tưởng một ý hướng nào xa xôi. Bà chỉ là người bình thường trong cuộc sống, một phụ nữ hiền hậu, một người vợ đảm đang, một người mẹ hết lòng cùng con cái và là một người bạn chân tình của bao người trong tương giao xã hội.
Nhưng rồi, hầu như trời đất ‘không cho phép’ (?) một ai luôn được cuộc sống an vui mãi mãi mà không trải qua đôi đoạn đường đau thương, khốn khổ. Đến trên 80 tuổi đời, trong chuỗi ngày đơn côi, Bà bỗng nhiên làm thơ. Thực ra, không phải Bà làm thơ mà là ‘Thơ đến với Bà’. Thơ đến với Bà như liều thuốc an thần, như ‘Đấng Yên ủi’ thoa dịu tháng ngày lạnh giá, giúp Bà trang trải nỗi niềm. Thơ đến với Bà, đóng vai ‘người bạn’, thay cho người chồng giờ này ‘vô tri’ để Bà được nói, được trao gởi tâm tình cùng chồng rôi trang trải đến con cái, gia đình, đến mọi người và với Chúa….
‘Chút gì để lại’ ; ‘Chút gì’ nơi đây là ‘chút tâm tình’, là những mẩu tâm sự bé nhỏ, đơn sơ. Để lại’ là ‘để lại cho con cháu sau này hình dung lại được người Mẹ, người Bà qua những dòng thơ bình dị.
• Trước tiên là tình cảm đối với chông.
• T.nh yêu con cũng chan chứa nơi lòng người mẹ già này.
• Cám ơn đời’, câu thơ giéản dị nhưng chứa chan tình ý đậm sâu.
• Tình yêu quê hương. Hình ảnh người chiên sĩ VNCH kiên cưông, hào hùng, bât khuât
• Nơi xứ người, nhìn về cố quận, Bà đau lòng nhớ lại thảm trạng của Quê hương
• Nơi xứ Pháp, Bà luôn thấy nơi căn hộ nhà của gia dình Bà, ‘hào khi vẫn hừng hừng, Vì Tự Do để nước Việt trường tồn’.
• Tình yêu Chúa.
Sau những lời giới thiệu tổng quát trên đây, anh Trinh Nghĩa đã mời các khán thính giả xem « Niệm Khúc cảnh Vượt Biển. Rồi anh giới thiệu bốn ca sĩ trình diễn 9 bài thơ của nữ thi sĩ Thérèse Nguyễn đã được nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.
Ca sĩ Tố Liên trình diễn 2 bài « Nuối Tiếc » và « Rừng Xưa.
Ca sĩ Ngọc Xuân trình diễn 2 bài « Niệm Khúc » và « Đợi Chờ »
Ca sĩ Thi Mai trình diễn 2 bài « Nhớ Thương » và « Tình Mẹ »
Ca sĩ Minh Hiếu trình diễn 3 bài « Dừng Bước Lại », « Ngày tháng Nào » và « Thống Khổ ».
3. Văn nghệ về « Kim Vân Kiều », thơ Nguyễn Du, nhạc Quách Vĩnh Thiện
Sang phần thứ ba, nghe nhạc Quách Vĩnh Thiện phổ thơ Nguyễn Du. Đây là lần thứ tư hay thứ năm tôi được nghe hát thơ Nguyễn Du do hàn lâm viện sỹ Viện Hàn Lâm Âu Châu về Khoa học, Nghệ thuật và Văn chương là anh Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc. Tôi vẫn thấy nốt nhạc của anh thích thú và hấp dẫn. Một đàng thì tôi thấy có cái gì rất tân thời, rất âu châu. Một đàng tôi lại cảm được cái gì có âm dân tộc và điệu dân gian Việt Nam. Một đàng thì tôi bị lôi cuốn bởi một cái gì tự nhiên hấp dẫn, như nàng Kiều. Một đàng tôi lại cảm thấy cái gì có vẻ trường cửu, một hương vị thiền.
Ngồi vào phía cuối của phòng hội, nhìn lên sân khấu cách xa khoảng 30 mét, tôi thấy anh Thiện đứng phía sau, hầu như lúc nào anh cũng đứng phía sau. Dường như anh thích cái fonds hơn cái forme. Thích cái cội rễ, cái căn bản, cái gốc gác, cái sâu thẳm, cái nội tại.
Lần nào đến nghe nhạc của anh, tôi cũng được anh đến chào hỏi, chuyện vãn. Mà lúc nào tôi cũng thấy anh bình dị, không hề khoe trương. Anh có cái gì chân thật của một nghệ sĩ chân chính. Nghe anh chơi đàn guitar, nhìn anh lướt những ngón tay trên dây đàn là thấy như hồn anh nhập vào note nhạc. Có lẽ vì vậy mà cung đàn của anh luôn hấp dẫn và thích thú. Đây là lần thứ bốn hay thứ năm tôi nghe nhạc của Quách Vĩnh Thiện do chính anh đệm đàn, dẫu tôi chưa hề biết gì về cuộc sống xã hội của anh. Mà cái biết này có cần không, tôi tự hỏi ?
Nếu trong phần nhạc anh phổ cho thơ Thérèse Nguyễn, bài thánh ca « Thống Khổ » do ca sĩ Minh Hiếu trình diễn, đã làm tôi cảm động hơn cả, thì trong phần Nhạc Quách Vĩnh Thiện phổ thơ Nguyễn Du, bài « Buồn Trông » do ca sĩ Tố Liên trình diễn đã thâu tóm hồn tôi hơn cả. Nó có cái gì vừa lãng mạn, vừa thiên nhiên, vừa gần với số phận con người Việt Nam xa quê viễn xứ :
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa,
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu,
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh,
Buồn trông gió cuốn mặt doành,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Phụ trách hướng dẫn chương trình phần này, cô Thanh Vân đã giới thiệu 4 ca sĩ trình bày 5 bài hát về Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.
Ca sĩ Tố Liên trình diễn 2 bài « Thúy Kiều, Thúy Vân » và « Buồn Trông ».
Ca sĩ Ngọc Xuân trình diễn bài « Lai Xuân »
Ca sĩ Thi Mai trình diễn bài « Chữ Tài Chữ Mệnh »
Ca sĩ Minh Hiếu trình diễn bài « Gặp gỡ làm chi ».
Kết thúc Ngày Văn Hóa, hai người Dẫn Chương Trình là anh TRỊNH NGHĨA và cô THANH VÂN mời cha Đinh Đồng Thượng Sách, luật sư Lê Đình Thông, các anh chị trong Ban Thư Viện và các nghệ sỹ cùng lên sân khấu, đồng ca bài Việt Nam và cám ơn quan khách.
Sau đó, mọi người đã được mời dự tiệc Bánh Sinh Nhật thứ XXI của Thư Viện GXVN Paris.
Thư viện là một trong sáu hoạt động văn hóa được nhiều nhóm mục vụ giáo xứ tham gia góp phần. Đó là :
1. thuyết trình, với trung bình mỗi năm trên dưới 10 bài quan trọng.
2. làm báo, với 4,5 tờ báo lớn nhỏ, mà quan trọng nhất là nguyệt san « Giáo Xứ Việt Nam ».
3. tu thư và xuất bản sách, với trên 20 cuốn sách giá trị đã được biên soạn và xuát bản.
4. làm internet, với 3, 4 mạng khác nhau, trong đó chính yếu là http://giaoxuvnparis.com/
5. thư viện, với việc bảo quản trên 10.000 đầu sách.
6. và làm văn nghệ, với trung bình mỗi năm trên 10 lần khác nhau.
Paris, ngày 11 tháng 05 năm 2011
Trần Văn Cảnh
Xin giới thiệu mấy cổng thông tin :
• Site Nhạc Quách Vĩnh Thiện : http://thienmusic.com
• Site Hội Bussy Saigon của anh Trịnh Nghĩa : http://www.assobussysaigon.com
• Và Site Giáo xứ Việt Nam Paris : http://giaoxuvnparis.com/