Đức TGM Leopoldo Girelli gặp gỡ tu sỹ của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng

Trong khuôn khổ chuyến thăm mục vụ tại Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, buổi sáng ngày 08 tháng 06 năm 2011, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam, đã có chương trình gặp gỡ tất cả quý nam nữ tu sỹ và các linh mục dòng đang phục vụ tại Giáo phận này.

Hình ảnh gặp gỡ tu sĩ

Tại phòng hội của Tòa Giám mục, một linh mục dòng thay mặt cho các linh mục dòng và tu sỹ đã đọc bài phát biểu chào mừng sự hiện diện và thăm viếng của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, cách riêng sự lưu tâm đối với giới tu sỹ đang phục vụ tại miền đất truyền giáo này. Bài phát biểu cũng đề cập đến con số thống kê linh mục và nam nữ tu sỹ hiện nay nơi Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Hiện nay, tại đây có 08 linh mục thuộc các dòng: Chúa Cứu Thế, Don Bosco, Vincent de Paul, Đaminh, Phanxicô; và khoảng trên dưới 40 nữ tu thuộc các dòng: Đaminh Lạng Sơn, Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Phanxicô, Phaolô Hà Nội. Giới tu sỹ các dòng đã góp phần làm cho diện mạo chung của Giáo phận truyền giáo thêm phong phú, cộng tác đắc lực với Đức Giám mục và linh mục đoàn Giáo phận trong công tác mục vụ các giáo xứ, bác ái tông đồ và truyền giáo.

Sau đây là toàn văn bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli với các linh mục dòng và nam nữ tu sỹ:

Xin chào Đức cha Giuse cùng toàn thể anh chị em nam nữ tu sỹ thân mến. Tôi đến đây để đại diện cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đến thăm anh chị em, tôi xin gửi lời chào thăm và lời cầu chúc bình an tới tất cả mọi người. Tôi xin cảm ơn anh chị em vì đã luôn trung thành với Đức Tin và một lòng yêu mến Hội Thánh. [nói tiếng Việt]

Nhìn các anh chị em tươi cười, tôi thấy anh chị em cũng ủng hộ những cố gắng của tôi trong việc học và nói tiếng Việt.

Anh chị em đã tặng tôi một bó hoa thật đẹp và nhiều màu sắc, hương thơm. Đấy là một biểu tượng rất đẹp về đời sống chứng tá của anh chị em – những tu sỹ - trong Giáo phận này. Xin cảm ơn anh chị em về bó hoa tươi, nhưng cảm ơn hơn nữa về sự dấn thân của anh chị em.

Anh chị em là những người thánh hiến. Vậy, thế nào là cuộc đời Thánh Hiến trong Giáo Hội? Tôi muốn đưa ra một vài lý giải cho điều này.

Chữ “đời tu” dịch từ tiếng Latinh thì có ý nghĩa là sự kết nối. Sự kết nối này không chỉ là một mối dây liên lạc nhưng còn là sự dấn thân. Sự dấn thân với Thiên Chúa mà chúng ta đã khởi đầu từ các bí tích và trong các lời khấn của tu sỹ, qua đó chúng ta luôn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Lời khấn tu sỹ như là biểu hiện ra bề ngoài cho mọi người thấy được nét tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Khi chúng ta chịu phép rửa, chúng ta đã có một mối liên lạc mật thiết với Thiên Chúa để tôn thờ và gắn bó với Người. Nhiệm vụ của giới tu sỹ là phải thể hiện mối liên lạc mật thiết đó ra bên ngoài để cho mọi người đều thấy được và trở nên mật thiết hơn với Thiên Chúa. Chính vì vậy mà anh chị em mặc trên mình chiếc áo dòng. Tu phục mà mỗi anh chị em mặc là dấu chỉ bề ngoài để cho mọi người thấy được lời chứng của anh chị em, anh chị em muốn dành trọn cuộc đời của mình, trong một kết giao đặc biệt với Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Vì thế, người tu sỹ, đức tin và đời sống thánh hiến, là những điều quan hệ với nhau thật chặt chẽ.

Nhưng trong sự thánh hiến cho Thiên Chúa, đâu là những điểm quan trọng phải nhấn mạnh và bày tỏ?

Trong lời khấn dòng của anh chị em, anh chị em bày tỏ cuộc đời mình tất cả quy hướng về Chúa Kitô. Vì lẽ đó, chị em nữ tu có một liên hệ đặc biệt, diễn tả tương quan đó với Chúa Kitô như thể là một mối kết giao phu – phụ, trở nên hiền thê của Người. Nhiều nhà dòng có thói quen thật ý nghĩa: trong ngày khấn dòng, các nữ tu được ăn mặc và trang điểm như những cô dâu trong ngày cưới, nói lên tương quan đặc biệt của họ với Chúa Kitô.

Đối với các nam tu sỹ cũng vậy. Qua các lời khấn, anh em được đồng hóa mình với Chúa Kitô. Người đã sống khó nghèo, nêu gương khiết tịnh, luôn luôn vâng lời Chúa Cha.

Vì thế, đời sống tu là đời sống mà tất cả cuộc đời đều quy hướng về Chúa Kitô. Những đặc sủng khác nhau của các hội dòng đều là một cách thức diễn ra những phương diện khác nhau của mầu nhiệm Chúa Kitô. Ví dụ, anh chị em dòng Đaminh: hướng về Chúa Kitô trong nhiệm vụ người đi giảng thuyết, theo gương Người đi rao giảng về Nước Trời và Thánh Ý Thiên Chúa. Dòng Lazarist phục vụ những anh chị em bệnh tật, theo gương Chúa Giêsu yêu mến và phục vụ những người bệnh tật. Dòng Don Bosco thì hướng tới phục vụ giới trẻ, như Chúa Giêsu ngày xưa rất thân mật và thương mến giới trẻ. Anh chị em dòng Phanxicô Assi thì tập trung vào phương diện đời sống khó nghèo, như Chúa Giêsu sống đơn sơ nghèo khó. Các chị em nữ tu có một phương diện nữa, đó là tâm tình của người mẹ hiền, như Chúa Giêsu chăm lo cho các môn đệ. Đó cũng là một phương diện của đời sống Chúa Giêsu mà các chị em diễn tả.

Còn một khía cạnh nữa mà trong ngôn ngữ thần học chúng ta gọi là Cánh chung. Đời sống của người tu sỹ là để nói lên rằng: cuộc sống này chưa phải là tận cùng, nhưng là hành trình chúng ta đi về nhà Cha, chúng ta là những lữ khách đang trên đường về quê đích thật. Cuộc sống tu trì nhắc nhở chúng ta điều đó. Vì thế, anh chị em làm chứng cho một thế giới còn chưa đến. Anh chị em sống thanh thoát, khiết tịnh, không lập gia đình riêng, sống trong sự vâng phục… để nói rằng khi nào chúng ta về nhà Cha chúng ta, hòa mình trong sự các thánh cùng thông công, được hiệp nhất nên một thì đấy mới là cùng đích cao quý. Nếp sống tu trì của anh chị em nhắc nhở người ta về cùng đích mà con người phải hướng tới.

Bài Tin Mừng ngày hôm nay nói về Hội Thánh Chúa. Hội Thánh ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Anh chị em cũng vậy, chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Thiên Chúa là Đấng đời đời vĩnh hằng còn thế gian này là cõi tạm mà thôi. Đó là sứ điệp mà giới tu sỹ gửi tới mọi người.

Đối với đất nước của mình cũng vậy, đời sống của giới tu sỹ cũng diễn tả không có điều gì trên trần gian này là vĩnh hằng, dù đó là ý thức hệ hay những giá trị trần gian. Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Nước Thiên Chúa là trường tồn.

Đó là một vài điều mà tôi muốn nhắn gửi tới anh chị em và kêu mời anh chị em sống trung thành với ơn gọi và sứ mạng của mình.


Tiếp theo chương trình của buổi gặp gỡ, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli và các linh mục dòng cùng nam nữ tu sỹ đã có những giờ phút trao đổi, đối thoại cách cởi mở về nhiều vấn đề liên quan đến đời sống Tu Trì và đời sống của Giáo hội hiện tại, trong đó liên hệ nhiều đến Giáo hội địa phương.

Ngày thứ ba chuyến viếng thăm Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng của ĐTGM.Leopoldo Girelli.

Chương trình thăm viếng mục vụ của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli – Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam – nơi Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng đã bước sang ngày thứ ba. Trong ngày 09 tháng 06, ngài dành phần lớn thời gian để tới thăm Giáo xứ Đồng Đăng và một vài điểm nổi bật về cửa khẩu và chợ biên giới của tỉnh Lạng Sơn.

Thăm giáo xứ Đồng Đăng

Hình ảnh thăm Đồng Đăng

Vào lúc 8h00, Đức Tổng Giám mục rời Tòa Giám mục Lạng Sơn để cùng với Đức Giám mục Giuse và quý Cha tới thăm Giáo xứ Đồng Đăng – một giáo xứ với khoảng trên 200 giáo dân nằm sát biên giới Việt Nam Trung Quốc.

Cộng đồng Dân Chúa nhỏ bé nơi giáo xứ Đồng Đăng hết sức vui mừng chào đón sự hiện diện và thăm viếng của vị Đại diện Tòa Thánh tới giáo xứ. Sự phấn khởi như tràn ngập trên mỗi người trong nhiều ngày, từ khi nhận được thông báo cụ thể về chuyến thăm viếng này, tuy nhiên, hôm nay, khi Đức Tổng Giám mục tới ngôi nhà thờ giáo xứ, niềm vui ấy như vỡ òa, mọi người giơ cao cờ Hội Thánh, cùng với những tràng pháo tay rộn rã để chào mừng ngài.

Cộng đồng Dân Chúa cùng với Đức Tổng Giám mục tiến vào ngôi thánh đường giáo xứ Đồng Đăng trong niềm hân hoan cảm tạ. Mọi người hiệp ý với Đức Tổng Giám mục cầu nguyện cho giáo xứ, giáo phận, cách riêng cho sứ vụ của ngài nơi Giáo hội địa phương trên đất nước này.

Cha Phaolô Nguyễn Văn Thảo, Tổng quản lý Giáo phận kiêm nhiệm chính xứ Đồng Đăng, thay mặt mọi thành viên trong giáo xứ đọc bài phát biểu chào mừng sự thăm viếng của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli tới Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, cách riêng tới giáo xứ Đồng Đăng, một đoàn chiên thật nhỏ bé trong gia đình Giáo hội Công giáo tại Việt nam. Cha Phaolô trình bày với Đức Tổng Giám mục một cách khái quát về hiện tình của giáo xứ, cũng như những cố gắng trong đời sống Đức Tin, chứng tá và truyền giáo của Dân Chúa nơi đây. Ngài cầu chúc Đức Tổng Giám mục những ngày tới thăm và ở tại Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng được mạnh khỏe và tràn đầy niềm vui.

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli bày tỏ niềm vui và sự cảm động khi tới thăm cộng đoàn giáo xứ Đồng Đăng, một đoàn chiên tuy nhỏ bé và xa xôi, lại gặp nhiều thách đố nhưng tràn đầy tình thương mến, sự chân thành, nhất là luôn cố gắng giữ vững niềm tin, sống niềm tin và làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô. Ngài tin tưởng rằng, với ơn Chúa và sự cố gắng của toàn thể cộng đoàn, giáo xứ Đồng Đăng sẽ ngày càng phát triển trên nhiều phương diện, trở nên một dấu hiệu rõ nét của Đạo Chúa giữa vùng biên giới còn nhiều khó khăn này.

Sau khi gặp gỡ cộng đồng Dân Chúa ở nhà thờ, Đức Tổng Giám mục cùng với Đức Giám mục Giuse và mọi người lại quy tụ trong phòng khách ở ngôi nhà mục vụ nhỏ của giáo xứ đề gặp gỡ, chia sẻ và trò chuyện cách thân tình. Mọi người cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện khi tiếp xúc với vị Đại diện của Tòa Thánh.

Thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Việt – Trung.

Sau khi rời giáo xứ Đồng Đăng, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cùng với Đức Giám mục Giuse, cha thư ký và quý Cha trong đoàn đã tới thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan. Đoàn đã tới thăm và chụp hình lưu niệm tại cột mốc biên giới số 1116 của đất nước Việt Nam tại cửa khẩu Hữu Nghị quan. Đặc biệt, đoàn thăm và chụp hình lưu niệm tại cột mốc Km số 0 của quốc lộ 1A – Con đường huyết mạch của đất nước.

Thăm khu thương mại cửa khẩu Tân Thanh.

Từ khoảng 9h45, Đức Tổng Giám mục và phái đoàn tới thăm khu thương mại quốc tế cửa khẩu Tân Thanh, cách Tòa Giám mục Lạng Sơn khoảng 30km. Ngài có sự gặp gỡ với những anh chị em tiểu thương Công giáo đang làm việc tại đây. Mọi người vui mừng chào đón sự thăm viếng đầy bất ngờ của một vị Đại diện Tòa Thánh đến với khu thương mại danh tiếng này. Hiện nay, tại khu thương mại cửa khẩu Tân Thanh, có hàng trăm anh chị em giáo dân Công giáo, mà đa phần từ các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình lên đây để lập nghiệp và kinh doanh buôn bán. Do gắn với công việc thường nhật nên đời sống đạo đôi khi còn gặp nhiều thách đố và có sự xa cách nhà thờ.

Đức Tổng Giám mục ân cần thăm hỏi về cuộc sống và công việc của anh chị em giáo dân nơi đây. Ngài chúc lành cho công việc và cuộc sống của anh chị em tiểu thương giáo dân ngày một phát đạt, mong muốn rằng bên cạnh việc tìm kiếm những giá trị vật chất, anh chị em cũng luôn để tâm tới việc vun đắp các giá trị tinh thần, trong việc duy trì và giữ vững Đức Tin, sống Đức Tin và trở nên chứng tá ngay trong chính công việc cũng như cuộc sống thường nhật.

Chia tay Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng.

Vào buổi trưa ngày 9 tháng 06 năm 2011, trong khuôn viên Tòa Giám mục, hàng trăm anh chị em giáo dân đã tới để chào vị Đại diện Tòa Thánh.

Đức Giám mục Giuse thay mặt cộng đồng Dân Chúa trong Giáo phận nói lời cảm ơn chân thành tới Đức Tổng Giám mục vì chuyến thăm viếng mục vụ ba ngày qua. Ngài bày tỏ sự mong muốn Đức Tổng Giám mục luôn quan tâm, cầu nguyện và nâng đỡ nhiều hơn cho Giáo phận truyền giáo nhỏ bé miền biên giới này. Ngài cầu chúc Đức Tổng Giám mục luôn được mạnh khỏe, bình an và tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa, chúc cho sứ vụ của Đức Tổng Giám mục nơi Giáo hội địa phương này thu được nhiều kết quả tốt đẹp cho Dân Chúa và Giáo hội. Ngôi nhà chung của Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng luôn rộng mở để hân hoan chào đón Đức Tổng Giám mục tới thăm viếng trong một dịp gần đây.

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli bày tỏ sự cảm động khi tới thăm Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, một Giáo phận thật nhỏ bé về con số giáo hữu, nhưng mang nhiều nét thân thương và là một vùng đất truyền giáo hứa hẹn nhiều hoa trái tốt đẹp. Ngài chân thành cảm ơn Giáo phận, cách riêng Đức Giám mục Giuse và mọi thành phần Dân Chúa, đã dành cho ngài sự đón tiếp nồng hậu với niềm vui và tâm tình mến yêu. Ngài cầu chúc Đức cha Giuse và cộng đồng Dân Chúa luôn ngày một thăng tiến trong ơn Chúa, cố gắng làm cho Giáo phận này ngày một khởi sắc, làm sáng danh Chúa nơi vùng đất còn nhiều thách đố này. Ngài nói: “Chia tay với Giáo phận Lạng sơn – Cao bằng, tôi sẽ nhớ mãi những kỷ niệm khi tới thăm viếng nơi đây. Cầu chúc anh chị em được bình an. Xin chào và hẹn gặp lại”.

Vào hồi 12h45, Đức Tổng Giám mục và cha thư ký đã chào tất cả mọi người để lên đường tới thăm Giáo phận Hải Phòng, kết thúc ba ngày thăm viếng mục vụ đầy ý nghĩa nơi Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng.