TỬ ÐẠO BÊN ÐÔNG, CÁC NƯỚC THEO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (4)

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày công bố tông thư “Phát Triển các Dân Tộc” (Populorum Progressio) của ÐGH Phaolô VI, Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố thêm một tông thư nhằm vào Công Bằng Xã Hội. Tông thư mang chủ đề “Về Những Quan Tâm Xã Hội” (Sollicituo Rei Socialis, 1987) với hai điểm chính yếu:

Thứ nhất, ÐTC Gioan Phaolô II đã nêu những sai lầm hoặc ứng dụng không hoàn toàn đầy đủ của các chương trình phát triển nhân sinh, trong hai thập niên trước đó. Sự phát triển đầy đủ, theo Ngài, không chỉ nhằm vào kinh tế, nhưng phải là tất cả mọi phương diện của con người để đạt tới nhân phẩm trọn vẹn. Biết bao chương trình hoặc hệ thống kinh tế đã đặt nền tảng căn bản trên kinh tế hay kỹ thuật, khiến cho sự phát triển nhân sinh thực sự bị đình trệ. Làm cho Ðệ Tam Thế Giới lâm vào cảnh nợ nần không phương tháo gỡ, và làm cho Ðệ Nhất Thế Giới (các nước Tây Phương) phải trở lại đời sống bần cùng của Ðệ Tam Thế Giới như nạn thất nghiệp, lương phạn không phù hợp với khả năng, nạn thiếu nhà cửa...

Thứ hai, ÐTC đã thẳng thắn chỉ trích cả chủ nghĩa Tư Bản Cấp Tiến (Liberal Capitalism) của Tây Phương lẫn chủ nghĩa Tập Ðoàn Mác-Xít (Marxist Collectivism) của Ðông Phương. Ngài viết: “Cả hai quan niệm trên đều bất toàn và cần được cải tổ từ căn bản.” Ở một đoạn khác, Ngài thêm: “Một thế giới mà bị phân chia thành hai khối, phải chịu đựng hai ý thức hệ cứng nhắc, và trong đó thay vì hỗ tương và liên kết thì lại bị các hình thức đế quốc ảnh hưởng, thế giới đó chỉ là một thế giới chịu lệ thuộc vào các cơ cấu của tội lỗi.” Các cơ cấu của sự tội đó sinh ra bởi các dạng thần tượng như tiền bạc, ý thức hệ, giai cấp và kỹ thuật. ÐTC muốn dùng tiếng “những cơ cấu của tội lỗi” (structures of sin) để thay cho những tiếng “bạo động có tổ chức” (institutionalized violence) hoặc “bất công có tổ chức” (institutionalized injustice) mà các nhà “thần học giải phóng” ở Châu Mỹ La Tinh đang dùng. Sự khác biệt ở đây là ÐTC không đòi hỏi phải phản ứng bằng bạo động, như các nhà thần học giải phóng đã đòi hỏi. Thay vào đó là sự liên kết (solidarity) mà ÐTC đã nhấn mạnh: “Những cơ cấu của tội lỗi chỉ có thể bị chinh phục, với sự trợ giúp của Ơn Thánh, bằng thái độ ngược lại hoàn toàn: Sự dấn thân cho những lợi ích của anh em với sự sẵn sàng, trong ý nghĩa Phúc Âm, cởi mở cho lợi ích của họ thay vì lợi dụng họ, và phục vụ họ thay vì áp bức họ để đạt lấy những tiện ích cho riêng của mình.”

Mặc dù Phong Trào Liên Đoàn Đoàn Kết (Solidarity Movement) ở Ba Lan chưa hoàn toàn đạt thắng lợi (vào năm 1987), nhưng ÐTC Gioan Phaolô cho rằng đó là phương thức đem lại câu trả lời cho những khó khăn về sự phát triển trên thế giới. Theo Ngài: “Liên Kết là tên mới của Bác Ái.”

Trong tông thư này, ÐTC Gioan Phaolô II đã đặc biệt chỉ trích Cộng Sản Chủ Nghĩa, mặc dù Ngài không nêu đích danh quốc gia hoặc cá nhân nào, nhưng sự bóp nghẹt các quyền tự do, đặc biệt quyền tự do tôn giáo trong khối Cộng Sản đã là mối quan tâm hàng đầu của ÐTC và của Giáo Hội. Những Kitô hữu đang phải sống trong khối này, ngày đêm vẫn phải phấn đấu với nghịch cảnh, với sự đàn áp của những kẻ cầm quyền, và với (những yếu đuối) của chính mình, để minh chứng Ðức Tin. Trong cuộc sống đó, họ đang chịu tử đạo, đang chịu đóng đinh hàng ngày với Ðức Kitô.

TỬ ÐẠO BÊN ÐÔNG

Ðường lối đàn áp tôn giáo trong khối Cộng Sản là một sách lược chung, đã được triệt để áp dụng trong toàn khối. Người ta có thể nhận thấy những tương tự cách dễ dàng khi so sánh sự áp bức trong các quốc gia bị lệ thuộc vào họ. Qua những tố giác của Vàclav Mali về sách lược đàn áp tôn giáo của Cộng Sản ở (cựu) Tiệp Khắc (Czechoslovakia Socialist Republic, CSSR, từ 1960 đến 1990); người đọc có cảm tưởng như Mali đang nói về Trung Quốc, về Liên Bang Soviet hay bất cứ quốc gia đang theo chủ nghĩa cộng sản nào khác. (Xin xem thêm ở Martyrdom Today, Concilium, N.Y., 1983, pp.53-57).

Khi Cộng Sản Tiệp chiếm được chính quyền năm 1948, họ đã tức khắc tịch thu tất cả những tài sản của Giáo Hội Công Giáo và đặt giáo hội dưới sự cai quản của nhà cầm quyền về cả hai lãnh vực tài chánh và tinh thần. Tất cả những hoạt động và xuất bản của Giáo Hội đều phải xin phép trước. Các Linh Mục, dù chỉ được phép hoạt động trong một khu vực nhất định, nhưng giấy phép đó có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào và nhà nước không cần nêu lý do. Các Ðấng Bản Quyền (các Ðức Giám Mục) không được tự do thừa hành tác vụ của mình, lúc nào cũng phải đối phó với nhà nước để có thể thực thi được những điều căn bản nhất theo luật giáo hội. Năm 1987, 10 trong số 13 giáo phận ở Tiệp Khắc đã không có Ðức Giám Mục, vì nhà nước đã không chấp nhận sự bổ nhiệm Giám Mục mới của Tòa Thánh Roma. Mọi hoạt động của Giáo Hội đều bị nhà nước kiểm soát theo nhu cầu và mục đích riêng của họ. Trong thập niên 50's, hàng trăm LM đã bị cầm tù cách trái phép với những tội trạng được thêu dệt khác nhau; tất cả các ÐGM đều bị quản thúc tại gia; mọi hoạt động của các dòng tu đều bị cấm và hầu hết các LM dòng đã bị cầm tù; tất cả các nhà in, nhà xuất bản của giáo hội đều bị đóng cửa và nhiều hội viên của các hội đoàn giáo dân Công Giáo đã bị giam tù trong nhiều năm; tất cả các chủng viện đều bị đóng cửa và thay vào đó là hai chủng viện do nhà nước quản trị. Dần dần, những người bị tù cũng được thả về, nhưng hầu hết đã không còn sức để hoạt động nữa.

Tất cả các cơ quan truyền thông của nhà nước đã cố tình tuyên truyền, bóp méo những chân lý của Kitô Giáo và tránh không bao giờ nhắc tới những hoạt động của tôn giáo. Họ kềm kẹp các hoạt động của Giáo Hội trong phạm vi tối thiểu như Thánh Lễ, các phép bí tích và an táng, nếu cử hành thêm các nghi thức khác ngoài những điều trên sẽ bị trừng phạt. Mỗi thị trấn đều có một Ủy Viên Tôn Giáo, có toàn quyền trên các LM, và các vị này phải phúc trình cho ông ta khi bị hỏi tới. Ông ta có quyền thu hồi giấy phép của các LM mà không cần nêu lý do, đôi khi chỉ vì vị này trở nên nổi tiếng và thu hút nhiều giáo dân đến dự lễ, nghe ngài giảng...

Các chương trình giáo lý chỉ được giảng dạy cách hết sức giới hạn cho những trẻ em được cha mẹ làm giấy cho phép con họ đi học. Khi nhà nước thấy các trẻ em đã chịu ảnh

hưởng nhiều của Kitô giáo, họ liền ra lệnh cho các giáo chức phải tăng cường các chương trình tuyên truyền chống tôn giáo. Những phụ huynh đã can đảm làm giấy cho con em họ đi học giáo lý thường gặp khó khăn trong công việc làm ăn của họ. Nếu là công nhân viên, họ sẽ chẳng bao giờ được giữ những chức vụ quan trọng, và con em của họ sẽ không được thu nhận vào đại học.

Số chủng sinh được nhận vào hai chủng viện còn được mở cửa, càng ngày càng giảm sút. Năm 1983, có 65 thỉnh sinh xin vào ÐCV Litomerice, nhưng chỉ có 35 người được thâu nhận. Họ đã bị điều tra thật kỹ càng và thẩm định tùy theo tiểu chuẩn của nhà nước. Các giảng viên thường thiếu khả năng, nhưng được cho dạy chỉ vì họ trung thành với nhà nước. Trình độ và phương thức giảng dạy không đủ cập nhật hóa với những chương trình thần học và mục vụ của giáo hội hoàn vũ.

Mặc dù các dòng tu không chính thức bị giải tán, nhưng những LM, Tu Sĩ đã không được phép hoạt động cũng như sống tập thể. Một số LM được phép hoạt động như các LM triều, nhưng không được mặc áo dòng. Các Nam Tu Sĩ phải làm việc như người thường và không có thêm ơn gọi nào trong suốt 30 năm. Các Nữ Tu lớn tuổi bị cho vào sống chung trong nhà hưu dưỡng của dân chúng, những vị còn trẻ chỉ được phục vụ trong những nhà thương tâm trí và nhà hưu dưỡng, nhưng họ vẫn thường bị sa thải và cấm không được tuyển chọn các ơn gọi.

Nhà nước đã cho thành lập hội LM “Pacem in Terris” (Hòa Bình Dưới Thế) để thay thế cho phong trào LM Hòa Bình đã hoạt động từ 1950 đến 1968. Ðây là một dụng cụ hữu hiệu của nhà nước để chống lại Giáo Hội. Những LM thuộc hội này đã giữ yên lặng trong tất cả những va chạm giữa nhà nước và Giáo Hội, họ còn cố tình xoa dịu quần chúng, làm như đã không có vấn đề gì xảy ra cả. Nếu có những quyết định mà nhà nước không muốn công khai áp đặt lên Giáo Hội, họ đã thực hiện qua tổ chức này. Tháng 5/1982, Thánh Bộ về LM, Tu Sĩ của Tòa thánh đã tuyên bố không chấp nhận Hội Pacem in Terris, lập tức nhà nước đã dồn dập tuyên truyền chống lại Vatican và cố gắng giữ cho hội khỏi bị giải tán. Nhưng đã có nhiều LM rời khỏi hội, các LM khác thì ở trong thế chờ đợi.

NHỮNG THÍCH ỨNG CỦA GIÁO HỘI TIỆP

Mặc dù bị cấm đoán đủ điều nhưng Giáo Hội Công Giáo Tiệp Khắc vẫn sống và hành đạo cách mạnh mẽ, một phần do việc lợi dụng được những kẽ hở, tuy rất nhỏ, trong các luật điều khắc khe của nhà nước. Rất nhiều giáo hữu đã gia nhập các hội nhóm do một LM hay giáo dân đứng đầu, họ đã cùng nhau học giáo lý, Kinh Thánh hoặc trao đổi kinh nghiệm sống đạo. Vì không được hội họp trong nhà thờ, họ đã lồng các cuộc họp trong những cuộc đi chơi chung cuối tuần hay tại những công viên, đôi khi tọa lạc ngay bên cạnh các thánh đường. Những cuộc hội họp này đã thu hút cả những anh em ngoài Công Giáo nữa. Họ đã thực hành đức tin qua những hoạt động thiết thực như chăm sóc kẻ gìa, giúp đỡ những gia đình đông con, nghèo đói...Ðôi khi họ còn in lén được những tài liệu, giáo huấn của Tòa Thánh.

Trong những năm sau của thập niên 1980’s, phong trào Charismatic (Thánh Linh) đã giúp ích rất nhiều cho việc sống đạo của giáo dân. Giới trẻ cũng được ảnh hưởng nhiều qua hội Anh Em Taizé (Brotherhood of Taizé). Các LM, trên nguyên tắc, chỉ được hội họp với nhau trong nhà xứ, dưới sự hiện diện và kiểm soát của ủy viên tôn giáo. Các ngài đã liên kết chặt chẽ với nhau hơn và hội họp, liên lạc bằng tất cả những phương tiện có thể. Phong trào Focolare đã được các ngài hưởng ứng nhiều. Cả các dòng tu cũng không chịu ngồi yên để tự chết dần, mặc dù thật khó khăn, họ đã cố gắng thu nhận những ơn gọi mới, đồng thời làm sống lại những mục đích tiên khởi của hội dòng mình. Các LM đã được bí mật truyền phong vẫn đang hoạt động giữa các giáo hữu, nhất là trong vùng Slovakia, nhưng không có Giáo Hội Bí Mật (Underground Church) như một vài người đã nghĩ.

Qua sự kiện điển hình đang cùng lúc diễn ra tại Tiệp Khắc và những nước theo chế độ Cộng Sản, người ta có thể nhận định rằng kể từ sau cuộc bách đạo tại Trung Hoa vào những năm 50's, khối Cộng Sản đã không còn bắt đạo cách trực tiếp như ở các thời trung cổ và cận đại, nhưng họ luôn luôn dùng chiêu bài “có tội đối với nhân dân” để kết án các Kitô hữu. Có tội đối với nhân dân có nghĩa là có tội đối với chế độ, với đảng, với những kẻ đang nắm chính quyền. Những VỊ TỬ ÐẠO ngày nay, hầu hết đã không chết vì bênh vực một tín điều hay tông truyền, nhưng vì những hành động minh chứng các nhân đức của Ðức Tin và những hoạt động tôn giáo khác đã bị những kẻ cầm quyền cho là có hại cho họ và cho chế độ của họ. Ngay cả những người không hoạt động gì, nhưng bị thiệt mạng vì sự tàn ác của chế độ đối với các giáo dân, cũng phải được gọi là những vị tử đạo, vì họ đã trực tiếp chịu chết vì đức tin của họ.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 21/3/1982 đã viếng thăm nghĩa trang tập thể Ardeatine của 335 nạn nhân đã bị quân Ðức xử tử để trả thù, thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Sau đó, ÐTC đã đến hang toại đạo (catacombs) của Thánh Sebastian, ở đây Ngài đã tuyên bố: “Chúng ta đang đứng ở hang toại đạo cổ, thật gần với hang toại đạo của thời hiện đại, nghĩa trang tập thể Ardeatine.” (ibid. p.59). Trước khi khối CS quốc tế sụp đổ vào năm 1989, phân nửa nhân loại đã phải sống khổ đau trong khối Cộng Sản, một phần lớn của gần một tỷ giáo hữu (theo thống kê lúc đó) thuộc Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, đã chịu tử đạo hàng ngày ở thế giới bên Ðông.

LM. Phaolô Nguyễn văn Tùng