Mấy ngày sau cuộc tấn công của khủng bố vào Tòa Tháp Đôi của New York, có người đã đặt câu hỏi: Phương Tây có thể sống chung với Hồi Giáo được không. Đó là Scott Thomas, giảng sư người Mỹ về các liên hệ quốc tế tại đại học Bath. Bài viết của ông đăng trên tuần báo Công Giáo The Tablet (Anh) ngày 6 tháng 10 năm 2001. Câu trả lời của ông có thể tóm lược như sau: Không thể giải thích chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo như phản ứng chống lại chính sách ngoại giao của Mỹ hay chống lại nạn nghèo đói của Thế Giới Thứ Ba và không cuộc đối thoại nào giữa các nền văn minh đem lại kết quả trừ khi bắt đầu từ một căn bản đúng đắn. Ở đây, tôn giáo vừa là vấn đề vừa là giải pháp.

Theo Scott Thomas, một bóng ma đang ám ảnh thế giới. Nó không còn là chủ nghĩa cộng sản nữa mà là sự xuất hiện tôn giáo hoàn cầu và tác động của tôn giáo này đối với nền chính trị thế giới. Xem ra rất ít người chịu tin rằng sự thay đổi về văn hóa hoàn cầu kia đang diễn ra; tệ hơn hết, đúng hơn, kỳ lạ hơn hết, trong số ấy nhiều người là Kitô hữu, vì lý do thông thường nhất được họ nêu ra khiến có cuộc tấn công của khủng bố vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới là lý do thế tục và duy vật.

Nhiều Kitô hữu ở Anh, nhất là những người theo ý kiến của Ông Blair, từng nói đến việc phải cứng rắn với các tên khủng bố, đồng thời cũng phải cứng rắn với các nguyên nhân tạo ra khủng bố. Họ hiểu điều này bao hàm việc phải khắc phục các bất quân bình về kinh tế, xã hội và chính trị được cho là nguyên nhân tạo ra chủ nghĩa tôn giáo quá khích hay chủ nghĩa quá khích Hồi Giáo. Nhưng theo Scott Thomas, không phải vì hậu quả xấu của việc hoàn cầu hóa hay vì sự thất bại trong chính sách ngoại giao của Mỹ, mà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới đã bị phá hủy và Ngũ Giác Đài bị hư hại trong các cuộc tấn công tốn phí sinh mạng của gần 7,000 người (con số ước lượng lúc đó), gần bằng 10% con số tử vong của Chiến Tranh Việt Nam trong vòng chỉ có một giờ đồng hồ.

Đáng lý ra các Kitô hữu nên áp dụng các giả thiết và ý niệm thần học vào cái hiểu của họ đối với nền chính trị thế giới, nhưng điều này, nói chung, đã không xẩy ra. Thay vào đó, các giả thiết duy vật trong lý thuyết xã hội đã được họ chấp nhận, sử dụng để giải thích cuộc tấn công của khủng bố, và rồi các nguyên tắc của đạo đức học Kitô Giáo tức Bài Giảng Trên Núi, hay nhiều đoạn Thánh Kinh khác, đã được gắn vào cùng đích mà trên thực tế chỉ là một phân tích thế tục về tình hình thế giới.

Nền thần học Kitô Giáo cần được áp dụng để nghiên cứu các liên hệ quốc tế, càng rốt ráo càng hay. Điều cần là phải hiểu tốt hơn làm thế nào để khảo sát một cách thích đáng cả văn hóa lẫn tôn giáo trong nền chính trị quốc tế, và phải hiểu tốt hơn làm cách nào liên hệ được đạo đức học Kitô Giáo với các lý thuyết mà các học giả vốn sử dụng để giải thích các liên hệ quốc tế.

Việc phân tích theo chiều hướng kinh tế mà nhiều Kitô hữu vốn sử dụng để giải thích các cuộc tấn công tại New York và Washington không phù hợp với chân dung những tên khủng bố, cả chân dung của Osama bin Laden cũng không. Những tên khủng bố đó không phải là các nạn nhân bị ghét bỏ hay bị đẩy ra bên lề việc hoàn cầu hóa, mà là những người Ả Rập vốn được hưởng lợi nhờ việc hoàn cầu hóa và thời gian sống tại Tây Phương. Điều chúng có chung với các lãnh tụ cũng như đồ đệ của nhiều phong trào Hồi Giáo cực đoan, như Sayyid Qutb, một người duy Hồi Giáo cực đoan dưới thời Nasser ở Ai Cập, hay Hassan al-Turabi ở Sudan, là chúng bác bỏ tính hiện đại của Tây Phương mà nhiều người trong bọn chúng từng trải nghiệm vì đã được giáo dục tại đó.

Chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo không phải là kết quả của việc bị ghét bỏ, loại trừ có tính xã hội hay hoàn cầu hóa. Nó là một đáp ứng văn hóa và tôn giáo đối với chủ nghĩa duy vật thế tục. Từ thời thực dân chiếm đóng, các nước đang phát triển vốn phải đương đầu với thế lưỡng nan này: họ có nên mô phỏng Tây Phương để đạt được sự cân bằng về quyền lực? bác bỏ nền văn hóa của mình? hay nên khẳng định các truyền thống văn hóa và tôn giáo của mình nhưng vì thế mà tiếp tục bị yếu kém về vật chất?

Thế lưỡng nan về bản sắc và phát triển đã được giải quyết trong các năm đầu sau khi dành được độc lập bằng cách mô phỏng Tây Phương. Thế hệ thứ nhất của giai cấp ưu tú tại Thế Giới Thứ Ba từng nắm được chính quyền vào cuối thập niên 1940 như Nehru của Ấn Độ, Nasser của Ai Cập, Sukarno của Indonesia (và trước đó, trong thập niên 1920, Ataturk của Thổ Nhĩ Kỳ) đều đã chấp nhận phương thức hiện đại hóa có tính thần thoại mà họ đã thừa hưởng được từ Tây Phương. Việc áp dụng thứ thần hoại học này đã thất bại, không tạo ra được sự tham gia chính trị và một mức phúc lợi kinh tế căn bản tại khắp thế giới đang phát triển, nhất là tại Trung Đông. Việc này dẫn đến vai trò nổi bật của tôn giáo, chủ nghĩa duy quốc gia và rất nhiều tranh chấp có tính tôn giáo và sắc tộc. Điều trở thành vấn đề trong việc hủy diệt Trung Tâm Thương Mại Thế Giới chính là cuộc tranh đấu tư tưởng dành tính chính đáng về văn hóa trong thế giới Hồi Giáo. Việc tăng ngoại viện và tăng phát triển kinh tế, dù rất quan trọng, vẫn không thể nhổ tận gốc chủ nghĩa khủng bố do tôn giáo tác động, mà cũng không nhất thiết tạo ra được các điều kiện thuận lợi cho một thế giới hòa bình hơn. Việc phát triển kinh tế không thể giải quyết được các dị biệt căn bản về tôn giáo, văn hóa hay chính trị giữa các nhà nước hay các nền văn minh. Thực tế, có khi nó còn làm chúng ra tồi tệ hơn khi các nhà nước yếu kém hay các nhóm không phải là nhà nước chiếm được nhiều quyền hành hơn để hoành hành trong nền chính trị thế giới.

Vấn đề hàng đầu giữa Tây Phương và thế giới Hồi Giáo là việc thay đổi cán cân quyền lực thế giới kể từ thế kỷ 16. Mà ở tận gốc sự thay đổi này, là cả một hận thù có tính văn hóa và chính trị, một hận thù không thể giải quyết bằng việc tăng gia phát triển kinh tế vì điều người ta hận chính là việc đi lên của Tây Phương và việc đi xuống của Hồi Giáo. Người Tây Phương thường có khuynh hướng tin rằng nếu có phát triển kinh tế, thì nhân dân trong hay từ thế giới Hồi Giáo sẽ nên giống như ta, và nhờ thế sẽ không còn đe dọa nào đối với nền an ninh hoàn cầu nữa. Nhưng xét cho cùng, đến một mức nào đó, cần phải coi lời kêu gọi trên như một hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc có tính tự do (liberal imperialism).

Nhiều ngoại viện hơn hay một nền kinh tế hoàn cầu được coi là công bình hơn sẽ không thay đổi được sự chống đối mà nhiều người Ả Rập và nhiều người Hồi Giáo bình thường vốn có đối với chính sách ngoại giao của Mỹ. Lý do khiến Bin Laden tuyên chiến với Hiệp Chúng Quốc và sử dụng tới chủ nghĩa khủng bố rùng rợn nhất chưa từng có trong thế giới hiện đại không phải vì anh ta quan tâm tới người Palestine, người Chechen hay người chủ trương ly khai Kashmir đang chiến đấu chống lại Nga và Ấn. Anh ta đánh Hiệp Chúg Quốc vì nước này yểm trợ các chính phủ Ả Rập ôn hòa ở Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập Saudi, nhưng cả Ai Cập, Giócđan và Marốc nữa. Chủ trương của Mỹ này bị nhiều nhóm duy Hồi Giáo hận thù vì họ muốn áp đặt một hình thức Hồi Giáo tinh ròng và khắt khe hơn như một phần trong chiến dịch thay đổi nền văn hóa hoàn cầu. Sự kiện Hiệp Chúng Quốc không còn được phép phát động cuộc tấn công vào A-phú-hãn từ Ảrập Saudi cho thấy khoảng cách ngày càng rộng giữa những phần tử ưu tú ôn hòa đang cai trị các quốc gia vùng Vịnh và sự mẫn cảm lớn hơn có tính Hồi Giáo của người dân thường tại các quốc gia ấy.

Ta nên hiểu ra sao tác động của tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng tôn giáo, trong các khoa học xã hội, và ta nên hiểu ra sao mối liên hệ giữa tôn giáo và văn hóa trong nền chính trị quốc tế? Đây là vấn đề lý thuyết hàng đầu. Có nên giải thích tôn giáo chủ yếu như một bộ phận tư tưởng hay học thuyết, nghĩa là coi chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan chỉ là một thứ ý thức hệ cực hữu hay không? Nếu kiểu hiểu biết này được chấp nhận, thì ta dễ thấy tại sao tôn giáo thường bị nhìn như một hiện tượng phụ (epiphenomenon), một thứ triệu chứng đệ nhị đẳng vốn che dấu các lực lượng kinh tế, xã hội hay kỹ thuật có tính quan trọng hơn trong xã hội. Tác động của tôn giáo và văn hóa trong nền chính trị quốc tế sẽ bị bóp méo khi tôn giáo bị lý thuyết xã hội coi như một sáng chế gồm một mớ các học thuyết được chấp nhận cách tư riêng hay niềm tin được tuân giữ kiểu đó, và được áp dụng vào các xã hội chưa hình thành hay đang tranh đấu để hình thành và cả tranh đấu để khỏi hình thành vì cuộc tranh chấp giữa các nền văn minh, tóm lại một thứ chuyển tiếp xã hội.

Nghiêm chỉnh xét tới tôn giáo và văn hóa là thừa nhận rằng các giá trị có tính thế giới của chủ nghĩa tự do Tây Phương, vốn bắt nguồn từ Phong Trào Ánh Sáng ở Âu Châu, có thể không còn cung cấp được một căn bản thoả đáng cho một xã hội quốc tế thực sự đa văn hóa đang phôi thai lần đầu tiên trong lịch sử. Liệu Tây Phương và Hồi Giáo có thể sống với nhau được không, và nếu có, thì phải sống với nhau như thế nào? Cuộc sống ấy khó có thể có nếu Tây Phương chỉ ngồi chờ người Hồi Giáo chịu hoán đổi các niềm tin, các thực hành và các truyền thống vốn tạo thành các cộng đồng Hồi Giáo để tiếp nhận các thực tại ấy của chủ nghĩa tự do Tây Phương. Điều này hình như vẫn còn được nhiều người Tây Phương mong đợi.

Một hướng tiến khác là nhìn nhận việc rất có thể có những tài nguyên tôn giáo cho trật tự quốc tế. Điều ta có thể gọi là chủ nghĩa thế giới có căn gốc (rooted cosmopolitanism) nhìn nhận rằng đại đa số người trên thế giới không coi mình là người chịu tuân theo một nền đạo đức hoàn cầu, với các quyền lợi và bổn phận quốc tế; đó chỉ là huyền thoại của chủ nghĩa tự do Tây Phương. Đúng hơn, trải nghiệm sống luân lý của họ bén rễ trong các đức hạnh, các thực hành xã hội và các truyền thống cộng đồng vốn đặt cơ sở trên các tôn giáo chính của thế giới, dù lối sống ấy có bất toàn bao nhiêu. Chỉ ở đó, ta mới có được một cuộc đối thoại chân chính giữa các nền văn minh.