HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự (Mt 22,8).
Suy niệm về tiệc cưới Nước Trời, chúng ta phải chuẩn bị tiệc cưới trên trần gian trước. Trong bài này, con muốn chia sẻ một vài thông tin về giáo luật liên quan đến vấn đề Bí Tích Hôn Nhân trong Đạo Công Giáo. Đại đa số giáo dân sống đời sống hôn nhân gia đình, chúng ta cần được hiểu rõ hơn về một số vấn đề trong việc cử hành Bí Tích Hôn Nhân tại thánh đường.
Về ý nghĩa và mục đích của Hôn Nhân Công Giáo, chúng ta đã học biết và thông hiểu. Hôn Nhân Công Giáo là hôn nhân được Chúa Giêsu nâng lên hàng Bí Tích. Hôn nhân Công Giáo là duy nhất, trung tín và không phân rẽ. Hôn Nhân là một giao ước giữa một người nam và một người nữ, có mục đích yêu thương nhau trọn đời, nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái. Chúa Giêsu dạy phải trung tín giữ một vợ một chồng không được rẫy bỏ nhau: Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly (Mt 19,6).
Trong bài viết này, chúng ta không bàn về ý nghĩa hay mục đích của đời sống hôn nhân gia đình. Chúng ta tìm hiểu sơ lược xem những điều kiện cần có để có thể cử hành Bí Tích Hôn Nhân. Chúng ta sẽ bàn qua những sự ngăn trở, những kết hôn có giấy hôn thú, các phép chuẩn và Bí Tích Hôn nhân:
1. NGĂN TRỞ
Có những ngăn trở làm cho việc cử hành Bí Tích Hôn Phối không thành sự.
1. Về tuổi tác tùy theo Luật của mỗi Quốc Gia (Luật Giáo Hội là 14/16). Cưới nhau trước tuổi mà không có phép chuẩn.
2. Ngăn trở bất lực (Physical impotence) trước hôn phối và mãn đời. Bất lực thì hôn phối không thành sự. Bất lực khác với hiếm muộn (sterile).
3. Ngăn trở giây hôn phối. Tiền hôn nhân (Prior Marriage bond), đã có lập gia đình và giấy hôn thú (Trong Dân Luật cũng như Giáo Luật, không có từ ngữ nào dành cho Hôn Nhân giả hay ly dị giả).
4. Khác tôn giáo (Disparity of Cult), khác đạo. Cử hành hôn phối không xin phép chuẩn sẽ không thành sự.
5. Ngăn trở lời Khấn công khai và trọn đời (Sacred Orders, Solemn Vows). Lập hôn phối mà chưa giải lời khấn.
6. Bắt cóc (Abduction). Bắt ép làm hôn nhân sẽ không thành sự.
7. Ngăn trở tội ác (Crime) gây sự chết cho người phối ngẫu trực tiếp hoặc gián tiếp để lập gia đình.
8. Ngăn trở họ hàng (Consanguinity). Trực hệ (tiêu hôn và vô hiệu ở mọi đời). Bàng hệ (hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp số 4)
9. Ngăn trở họ kết bạn (Affinity). Hôn phối vô hiệu ở mọi cấp bậc trực hệ. Không thể lấy ông, bà, bố, mẹ, con trai, con gái, cháu trai, cháu gái của vợ hoặc chồng.
10. Ngăn trở họ nuôi (Legal relationship). Hôn phối bất hợp pháp giữa con nuôi, cha mẹ hay anh chị em của con nuôi.
Có thể xin Phép Chuẩn (Dispensation) hay Xin Phép (Permission) tại Tòa án Hôn Phối (Tribunal) của Địa Phận tùy theo từng trường hợp. Nên nhớ, có những luật trừ tùy nố (case) và tùy nơi, xin liên lạc với linh mục sở tại để biết thêm chi tiết.
2. HÔN NHÂN CÓ GIẤY HÔN THÚ ĐỜI
Ngăn trở giây hôn phối hay tiền hôn nhân có nhiều loại khác nhau. Chúng ta cần phân biệt các mối giây liên hệ hôn phối này. Hôn nhân giữa hai người:
1. Một người công giáo lập gia đình với một người công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
2. Một người công giáo lập gia đình với một người đã được Rửa Tội Tin Lành (Christian) ngoài Đạo Công giáo ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
3. Một người công giáo lập gia đình với một người không công giáo (non-baptized) ở tòa đời. Thiếu mô thức (lack of form).
4. Hai người không công giáo (non-baptized) lập gia đình tại tòa đời hoặc tại Chùa chiền.
Thời gian sau, ly dị để một trong hai người này muốn lập gia đình với một người công giáo. Người đó ước muốn rửa tội hoặc đã rửa tội (Công Giáo hoặc Tin Lành) hoặc (không rửa tội) để lấy người Công Giáo. Trường hợp này sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến Đặc quyền của thánh Phaolô và thánh Phêrô.
a. Đặc quyền của thánh Phaolô (Pauline privilege).
Giáo hội Công Giáo công nhận mọi hôn nhân đã thành lập là thành sự (valid) và hợp pháp (licit), không có vấn đề nơi đâu họ đã cử hành, đây là nguyên lý của Luật Tự Nhiên. Hôn nhân giữa hai người không được rửa tội (non-baptized) vẫn có giá trị và chỉ được giải bởi cái chết của một bên. Nên trường hợp hai người chưa rửa tội đã lập hôn nhân và chung sống, một trong hai người muốn ly dị (trước đó hoặc sau này) để rửa tội gia nhập đạo Công Giáo hoặc Tin Lành (Christian) và lập gia đình với một người công giáo. Họ phải xin phép chuẩn đặc quyền của thánh Phaolô. Tòa án Hôn phối Địa phận có quyền lo giải quyết vấn đề.
b. Đặc quyền của Thánh Phêrô (Petrine privilege).
Cũng như trường hợp trên, hai người chưa rửa tội lập gia đình và chung sống (hoặc ít nhất một trong hai người lập hôn phối trước là chưa rửa tội). Một trong hai người muốn ly dị (trước đó hoặc sau này), họ không muốn được rửa tội nhưng muốn cưới một người công giáo. Họ cần phải lo thủ tục giấy tờ xin phép chuẩn với đặc quyền của thánh Phêrô. Tòa án địa phận sẽ gởi hồ sơ qua Tòa thánh (Holy See) để quyết định.
3. PHÉP CHUẨN
Đối với một người Công Giáo đã lập gia đình với bất cứ người nào (Rửa tội hay chưa rửa tội) và nếu không có phép chuẩn hay được phép của Giáo Hội hoặc không cử hành Hôn Phối trong nhà thờ Công Giáo đều mắc ngăn trở. Theo Luật trong đạo, họ không được thông công qua các Bí Tích trong Giáo Hội.
Muốn được hợp thức hóa Hôn Phối (convalidation) để thông công trong đời sống ân sủng của Giáo Hội, họ cần làm đơn xin Phép Chuẩn hoặc Xin Phép với Tòa Án Hôn Phối trong Địa phận. Trường hợp tiền hôn nhân với người có đạo hoặc không có đạo, cần điền đơn xin Tiêu Hôn (Declaration of Nullity), sau khi đã hoàn tất giấy ly dị ở tòa đời.
Trường hợp người Công Giáo muốn cử hành Hôn Phối trong nhà thờ nhưng hai người khác Nghi Thức tôn giáo nhưng có rửa tội thành sự (Orthodox, Eastern Rite, Christian..) cần điền đơn để xin Phép (Permission for Mixed Marriage). Hôn nhân khác Đạo, không có rửa tội (Jewish, Buddhism, Muslim…) cần điền đơn để xin Phép Chuẩn (Dispensation from Disparity of Worship) tại Văn phòng Chưởng Ấn (Chancery). Trong những trường hợp trên, linh mục sở tại không có quyền chuẩn chước hay cho phép (trừ khi được chỉ định bởi đấng bản quyền).
4. BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Các cặp hôn nhân không có bất cử ngăn trở nào được tự do lập hôn phối. Cả hai người được rửa tội trong Đạo Công Giáo, đã qua các lớp dự bị hôn nhân, đệ trình các giấy tờ Rửa Tội, Rước Lễ Lần Đầu, Thêm Sức và qua việc điều tra hôn phối (PMI. Pre-marriage Investigation). Tùy theo sự đòi hỏi của mỗi nơi, ở Hoa Kỳ, một số tiểu bang cần trình Giấy Đăng Ký Kết Hôn (Marriage license) hoặc Giấy Hôn Thú (Certificate of Marriage).
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, lễ Hôn Phối được cử hành trong thánh đường Công Giáo. Có sự hiện diện của đôi hôn phối, hai người nhân chứng và linh mục hay thầy Sáu có năng quyền hoặc được ủy quyền cử hành nghi thức Bí Tích Hôn Phối. Chính đôi hôn phối sẽ trao ban Bí Tích cho nhau. Bí Tích Hôn Phối sẽ thành sự và hợp pháp khi hai người đã hoàn tất Nghi Lễ Hôn Phối trong thánh đường và sau đó chung sống với nhau thành vợ chồng. Khi Bí Tích Hôn Phối đã thành sự, không ai có quyền tháo cởi.
Những trường hợp các cặp hôn nhân đã cử hành Bí Tích Hôn Phối trong nhà thờ đầy đủ nhưng sau này ly dị và muốn được hủy hôn. Họ có quyền nộp đơn lên Tòa Án Hôn Phối của Địa Phận để được điều tra và xét duyệt. Nếu nố hôn phối (Marriage case) đó có mắc ngăn trở hoặc thiếu xót điều chi trước khi cử hành Bí tích Hôn Phối, tòa án sẽ dựa vào Giáo Luật để phán quyết.
Trên đây con chỉ tóm tắt một số những dữ kiện căn bản của việc chuẩn bị Bí Tích hôn nhân trong Đạo Công Giáo. Xin Chúa chúc lành cho mọi gia đình đang sống trong ân nghĩa của Chúa. Xin Chúa dẫn dắt cho những ai đang trên con đường tìm kiếm sự an bình hạnh phúc được mau mắn chu toàn bổn phận sống đạo làm con Chúa.
(HNCG. 2 sẽ viết thêm về đặc quyền của thánh Phaolô và Phêrô. Nếu cần sự bổ túc hay sửa chữa gì, xin các cha giáo luật và các vị chuyên môn chỉ giáo)