Nhà thơ nghèo Tú Xương mà còn dám viết :

Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết
Kiết cú như ai cũng rượu chè


Xem hình ảnh

Huống hồ là nhà Đạo trong thời kỳ hội nhập văn hoá này mà không tôn trọng “Ba Ngày Tết” của dân tộc. Hơn nữa giáo xứ Du Sinh được cha Thiên Phong Bửu Dưỡng thành lập năm 1955 với ngôi nhà thờ đầu tiên mang dáng dấp Á Đông, lại càng phải trân trọng “Ba Ngày Tết” dân tộc biết là chừng nào.

Bởi thế năm Rồng đến, và bởi Nhà thờ Du Sinh có 4 con rồng : hai con nhỏ có từ xưa nay ngự trên nóc cổng chính, hai rồng to mới đắp sau này, uốn khúc theo bậc cấp tiến lên nhà thờ, nên nhà thờ có nhiều rồng này phải chào đón đặc biệt hơn.

Giao thừa và Mồng Một Tết

Từ sáng sớm 26 Tết, các em thiếu nhi đã góp công rửa sạch những cành lá dong để gói hơn 350 chiếc bánh chưng xanh, còn các hiền mẫu chuẩn bị sẵn nếp, thịt, đậu xanh đầy đủ. Rồi sáng 27 Tết, mỗi người một tay chung sức gói bánh. Gói bằng khuôn 15cm x 15cm tuy lâu hơn gói tay không, nhưng bánh vuông vức đẹp đẽ hơn nhiều ! Chiều 27 Tết là thượng bếp. 6 cái nồi to xếp hàng trên lửa đỏ để chuyển lá, nếp, thịt đậu thành những chiếc bánh chưng xanh nóng hổi. Các gia trưởng phụ trách canh chừng qua đêm để sáng 28 Tết vớt bánh khỏi nồi sau 14 giờ trầm mình trong nước trăm độ nóng. Bánh vớt ra được rửa sạch, ép khô cho ráo nước. Sáng 29 Tết sau lễ thiếu nhi Chúa Nhật, các em lại được phân công chuyền bánh tới Nhà thờ để dán nhãn và trưng bày. Tối 29 là Giao Thừa rồi !

Bàn thờ tổ tiên được thiết lập trên cung thánh, kính nhớ tổ tiên nói chung và các thánh tử đạo Việt Nam như là tổ tiên trong đức tin của con dân Việt. Bánh chưng hình vuông tượng trưng Đất. Tổ tiên là những người bởi đất mà ra và đã trở về với những vuông đất, nên các bánh chưng vuông được dâng lên bàn thờ tổ tiên để rồi cuối lễ bánh chưng vuông sẽ theo về các gia đình như là “lộc của tổ tiên.” Mỗi gia đình được phát tận nhà một “phiếu Lộc” trước, khi đi lễ Giao Thừa đem phiếu theo để nhận “Lộc.”

Đất vuông có bánh chưng vuông, còn Trời tròn đã có bánh tròn dâng lên Chúa để trở thành Bánh bởi Trời, tức Mình Máu Chúa. Trong lễ Đêm Giao Thừa và trong lễ Sáng Tân Niên ai lên rước lễ cũng đều được lãnh nhận Mình Máu Chúa, tức rước lễ dưới hai hình dưới hình thức chấm. Các sœurs và các thầy được “trưng dụng” tối đa để hoàn thành công việc thừa tác viên Thánh Thể “từng lần” này.

Lễ Tân Niên sáng Mồng Một Tết, mọi người chúc Tết, chúc tuổi nhau, và trước khi ra về “hái” một ngọn “lộc Lời Chúa” để xem Chúa muốn ta làm gì trong năm Nhâm Thìn này.

Mồng Hai Tết

Ngày Mồng Hai Tết được lịch ghi là “kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.” Tổ tiên thì dứt khoát phải là những người đã chết. Còn “ông bà cha mẹ” thì có thể đã chết nhưng vẫn còn sống cũng rất nhiều. Ngày Mồng Hai là ngày của chữ “Hiếu” nên bổn phận con cháu đối với ông bà cha mẹ qua đời hay còn sống được đặt lên hàng đầu. Đối với người thân đã qua đời, thời có dâng lễ cầu nguyện và viếng nơi các vị an nghỉ. Một danh sách thật dài những người thân đã an giấc được xướng lên trong phần cầu cho người chết của thánh lễ. Tên thánh và cả tên gọi nữa đã được những người còn sống “xin lễ” trước đó. Khi “xin lễ” là “nhớ” tới các vị cách đặc biệt. Mà cho dẫu không “xin lễ” thì câu linh mục đọc trong thánh lễ “đặc biệt các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con” cũng bao gồm tất cả.

Phần “ông bà cha mẹ” còn sống, giáo xứ chọn hình thức “Chúc Thọ” đến các vị, một hình thức mà nhiều giáo xứ đã từng làm. Chúc thọ thời có lời chúc và quà chúc. Quà chúc có thể mua ngoài chợ nhưng làm sao bằng chiếc bánh chưng in chữ thọ. Bởi chiếc bánh chưng gợi lên ngày Tết, và chiếc bánh chưng gói trong đó công lao như là lòng tri ân của nhiều người, từ em bé đến thanh niên, người công sức kẻ tiền bạc, người tấm lòng kẻ bàn tay… Vậy là đơn giản, nhưng ý nghĩa. Quà chúc thọ là chiếc bánh chưng xanh kèm theo phong bao đỏ có tờ polimer xanh 100. Và để “lọt” vào danh sách được giáo xứ chúc thọ phải là người đã “ăn” được 70 cái Tết trở lên : nhân sinh thất thập cổ lai hy. Vậy mà cũng gần 50 cụ. Những cụ nào không đi dự lễ được, thì cha xứ và Hội đồng Mục Vụ mang tới tận nhà ngay sáng mồng hai Tết. Hy vọng sang năm danh sách dài hơn, vì những người năm nay 69 tuổi đang viết đơn gia nhập hội “Thất Thập Cổ Lai Hy” này.

Mồng Ba Tết

Mồng Ba Tết lịch phụng vụ ghi “thánh hoá công việc làm ăn.” Muốn thánh hoá phải dâng lên Chúa thì Ngài mới thánh hoá và chúc phúc cho. Nhiều nơi dâng lên Chúa thành quả lao động là cá tươi (xứ làng chài), là hoa trái (xứ nông nghiệp), là bánh kẹo (xứ hàng chợ)… chẳng lẽ Du Sinh có nhiều người bó chổi lau lại dâng thành quả là một chục chổi quét ! Thôi thì tiện nhất là quy ra tiền.

Bởi thế trong thánh lễ Mồng Ba Tết, sau bài giảng, bước vào phần dâng của lễ, mỗi người xếp hàng lên, tự tay mình đặt “thành quả lao động qui ra tiền” vào thùng đựng bạc. Có sẵn bì thư và bút viết để ai cần thì ghi chép (vd muốn chuyển số tiền này cho ai…). Cuối lễ kiểm kê thì được gần 20 triệu.

Hôm sau, Mồng 4 Tết, ngày 26-1-12, số tiền trên được chuyển ngay đến các địa chỉ sau: “chén cơm cho người neo đơn” 10 triệu ; “quỹ khuyến học” và “sửa nhà cho người nghèo khổ” mỗi địa chỉ 4 triệu. Như vậy là 18 triệu. Các chương trình này là của giáo phận Đalat, đã hoạt động từ nhiều năm nay. Số còn lại giúp 3 gia đình nghèo trong giáo xứ Du Sinh.

Vậy là cám ơn Chúa, Ba Ngày Tết tại Du Sinh đã diễn ra “đậm đà bản sắc dân tộc” và có tương giao tốt với Chúa và với “người của Chúa.” Xin ghi lại đây để ghi nhớ ơn Ngài.