"Tưởng rằng đã có một muà Xuân mới bắt đầu, bởi vì thực sự lúc đó là một phong trào tự do, độc lập, một phong trào mở rộng", Cha Samir Khalil Samir nói.
Nhưng những biến chuyển từ từ trở thành "bị lũng đoạn bởi các phe nhóm, đặc biệt là phe Hồi giáo ở Ai Cập, Libya, và Bahrain, vì vậy bây giờ tình hình không còn là một mùa xuân nữa", ngài nói.
Linh mục Samir là một linh mục dòng Tên người Ai Cập đang giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện môn Phương Đông tại Roma, và đồng thời giữ chân giảng dậy tại các ĐH Beirut và Paris. Năm ngoái, ngài đã thận trọng hoan nghênh sự nổi dậy của "một mùa xuân Ả Rập", là một loạt các cuộc cách mạng đã lật đổ các nhà độc tài ở Trung Đông.
Trái với hy vọng cuả một số quan sát viên cho rằng các hình thức dân chủ sẽ bén rễ, nhiều quốc gia đã bị các phong trào Hồi giáo lấn lướt giành lấy quyền cai trị.
Cha Samir cho biết điều này đã xảy ra tại quê hương Ai Cập cuả ngài, nơi mà 30 năm chế độ độc tài quân sự của Tổng thống Hosni Mubarak đã bị lật đổ hồi năm ngoái, và cũng đã xảy ra ở các nước khác như Tunisia và Libya.
Ngài mô tả tình trạng ở Libya sau khi chính thể cuả Đại tá Muammar Gaddafi bị sụp đổ hồi tháng 10 năm 2011 là "không tuyệt vời" bởi vì "một sự cai trị hà khắc cuả Hồi Giáo đã thay thế chính quyền dân sự cuả Gaddafi." Ngài cũng tin rằng các cuộc nổi dậy dân sự hiện nay ở Bahrain và Syria đang được thúc đẩy bởi những thế lực Hồi giáo.
Cha Samir nói rằng ngài vẫn cầu nguyện cho "thế giới Ả Rập có một xã hội mở rộng cho tất cả mọi người", nhưng tin rằng ở đó vẫn còn có hai trở ngại - một là sự thiếu kinh nghiệm về dân chủ và hai là sự thiếu một nền giáo dục cho phụ nữ.
"Chúng tôi khao khát dân chủ nhưng vấn đề là, thí dụ bên Ai Cập, mà đây không phải là một ngoại lệ, là từ năm 1952 khi có cuộc cách mạng cuả Abdel Nasser, chúng tôi đã không có dân chủ", ngài giải thích. Thay vào đó, Ai Cập chỉ có các nhà lãnh đạo cách mạng - như Nasser, Sadat và Mubarak - "vì vậy mà chúng tôi không hề biết một nền dân chủ là gì và làm thế nào để thực hiện nó."
Ngài tin rằng nền dân chủ có thể phát triển, nhưng rất có thể phải cần đến một thế hệ khác để đạt được nó.
Ngài cũng cho rằng giáo dục, đặc biệt là cho phụ nữ, là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội dân chủ ổn định. Ngài giải thích rằng ở bên Ả Rập, người phụ nữ chính là người "xây dựng gia đình, chứ không phải là người cha" và rằng giới nữ cũng sẵn sàng tìm kiếm cho hòa bình chứ không cho chiến tranh ", ngài tin rằng phụ nữ ở đây sẽ thân thiện hơn với các nhóm thiểu số như Kitô hữu.
"Thật không may, một số câu ở trong kinh Koran có thể hỗ trợ cho sự đàn áp Kitô hữu, vì đó là một tài liệu từ thế kỷ thứ 7 và không có những cố gắng mới để diễn giải kinh Koran cho phù hợp với ngày hôm nay."
Ngài kêu gọi phương Tây hãy cầu nguyện cho thế giới Ả Rập và hãy phát triển giáo dục trong khu vực thông qua các tổ chức phi chính phủ, mà theo ngài có truyền thống tham nhũng ít hơn so với các chính phủ Ả Rập.