Giáo phận quan trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc sẽ sớm có một vị giám mục mới. Người được lựa chọn cho chức vụ này là linh mục Tađêô Mã Đạt Khâm (Ma Daquin). Với 40 năm linh mục, ngài đã được bổ nhiệm làm tổng đại diện hồi cuối Tháng Mười Hai năm ngoái.

Dự kiến, phần lớn đại diện của giáo phận Thượng Hải (linh mục, tu sĩ và giáo dân một số giáo xứ) sẽ tiến hành bỏ phiếu trong một cuộc tham vấn, mà nếu không có gì thay đổi thì sẽ diễn ra sau ngày 28 Tháng Năm. Cha Tađêô dự kiến sẽ được tấn phong làm giám mục phụ tá giáo phận này vào cuối Tháng Sáu năm nay, sau khi chính phủ và Hội đồng Giám mục Trung Quốc ban hành bản phê duyệt. Nếu tiến trình suôn sẻ, Cha Tađêô sẽ được chọn làm người kế vị Đức Giám Mục 95 tuổi Lu-y Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian) làm lãnh đạo của Giáo phận Thượng Hải với sự đồng thuận của Tòa Thánh và của chính quyền Bắc Kinh. Việc đề cử ngài sẽ giải quyết được một vấn đề phức tạp, cho thấy xu thế thực sự của đạo Công giáo ở Trung Quốc, xóa bỏ những ấn tượng cố hữu và hóa giải những điều còn chưa sáng tỏ.

Tính đến cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, tại Thượng Hải có ba giám mục Công giáo. Một trong số đó là Đức Giám Mục Dòng Tên Giuse Phạm Trung Lương (Fan Zhongliang) - ngài được tấn phong bí mật vào năm 1985 mà không có sự chấp thuận của chính phủ và là người kế vị hợp thức của Đức Giám Mục Inhaxiô Cung Phẩm Mai (Gong Pinmei) vốn được coi là anh hùng lãnh đạo người Công giáo nổi dậy chống lại việc tuyên truyền chủ nghĩa Mao và các cuộc đàn áp. Đức Cha Cung Phẩm Mai đã bị bắt vào năm 1955 và ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vinh thăng hồng y vào năm 1979 trong khi ngài vẫn bị ở tù. Ngài qua đời vào năm 2000 khi sống lưu vong ở Connecticut. Theo Tòa Thánh, Đức Cha Phạm Trung Lương vẫn là người chủ chăn chính thức của giáo phận Thượng Hải. Cộng đoàn Công giáo hầm trú - vốn khước từ các quy tắc và điều kiện do ban tôn giáo chính phủ áp đặt - vẫn còn nhớ đến ngài. Nhưng những năm gần đây, ngài bị bệnh Alzheimer nên đã mất hết trí nhớ, đang sống tách biệt trong một căn hộ mà vẫn còn bị quản chế.

Từ năm 1988, giáo phận này cùng tất cả các ban bệ chính thức, từ giáo xứ, chủng viện đến các tổ chức văn hóa và bác ái do Giám mục Kim Lỗ Hiền - cũng là một tu sĩ Dòng Tên - lãnh đạo. Được tấn phong năm 1985 với sự chấp thuận của Chính phủ nhưng không có sự ủy nhiệm của Đức Thánh Cha. Giám Mục Kim Lỗ Hiền thuộc thế hệ các giáo sĩ chấp nhận được tấn phong bất hợp thức theo sự áp đặt của chế độ để thắp sáng lại đời sống Giáo Hội và khả năng được lãnh đạo tín hữu một cách công khai, ban các bí tích cần thiết cho các tín hữu. Sau 20 năm, đến năm 2005, Giám mục Kim Lỗ Hiền mới nhận được quyết định hợp thức hoá từ Rôma để làm giám mục phó của Thượng Hải. Mùa xuân năm đó, linh mục trẻ tuổi Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi) cũng được tấn phong làm giám mục phụ tá. Việc bổ nhiệm cha Hình Văn Chi được xem như một sự phát triển tích cực trong mối quan hệ khó khăn giữa Vatican, chính phủ Trung Quốc và Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc. Việc đề cử ngài là trường hợp nổi bật nhất trong số các cuộc bổ nhiệm giám mục mà cả Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc đều chấp thuận. Đây là một thủ tục tạm thời và rất bấp bênh, nhưng cho phép Bắc Kinh và Tòa Thánh tổ chức một cuộc đối thoại trong việc lựa chọn các giám mục tại Trung Quốc.

Đức Cha Hình Văn Chi được lựa chọn đặc biệt bởi vì dựa vào vị thế khá tốt của Đức Cha Kim Lỗ Hiền, một thời gian dài ngài đã đảm đương công việc thay Đức Cha Kim. Dường như sớm hay muộn thì ngài sẽ là vị chủ chăn chính thức của giáo phận, cộng đoàn hầm trú cũng tỏ ý chấp nhận. Nhưng gần đây, sự phức tạp bắt đầu xảy ra khi mà Đức Cha Hình Văn Chi lại tuyên bố rằng ngài không thể gánh vác sứ vụ tại giáo phận và xin từ chức, bỏ lại vai trò mà ngài đã được định hình. Tháng Mười Hai năm ngoái, Đức Cha Kim Lỗ Hiền khẳng định việc từ chức giám mục phụ tá của Đức Cha Hình Văn Chi. Một vài ngày sau, ngài đã bổ nhiệm Cha Tađêô Mã Đại Khâm làm tổng đại diện với ý định rõ ràng là sẽ đưa cha tiến dần về chức giám mục kế vị mình.

Gần đây, không có tin tức nào về Đức Cha Hình Văn Chi. Ngài đã không tham dự Lễ Giáng Sinh năm ngoái. Trên các website, các blog Công giáo Trung Quốc, rất nhiều tin đồn và ý kiến đã được nêu ra về những gì đã xảy ra với ngài. Một số người tin rằng, có thể ngài đã trở về quê hương là Chu Thôn, tỉnh Sơn Đông. Một số người nhớ lại: quan hệ không mấy mặn mà của ngài với tổ chức Giáo Hội 'yêu nước' của chính phủ vốn ảnh hưởng đến đời sống của Giáo Hội, và sự bẽ mặt mà ngài phải gánh chịu hồi Tháng Mười Hai năm 2010 tại Đại hội Công giáo Trung Quốc do chính phủ tổ chức để bầu ra các vị lãnh đạo Giáo Hội hoặc các tổ chức liên quan. Những người khác thì bình luận rằng, những khó khăn mà Đức Cha Hình Văn Chi cảm nghiệm là dễ hiểu vì nhiều người trong hàng giáo sĩ ở Thượng Hải coi ngài là một kẻ xa lạ. Thực sự, việc từ chức giám mục phụ tá chỉ đơn giản là một yêu cầu cá nhân.

Đức Cha Hình Văn Chi từ chức đã đe dọa sự kế vị liên tục chức chủ chăn hợp thức tại giáo phận Thượng Hải, vốn đóng vai trò về lịch sử và số lượng giáo dân quan trọng nhất ở Trung Quốc. Việc Đức Cha Kim Lỗ Hiền chuyển sang đề cử cha Tađêô Mã Đạt Khâm làm tổng đại diện, mà đằng sau đó chắc chắn có sự đồng thuận của chính quyền và Giáo Hội (theo giáo luật, đó là điều cần thiết để được tấn phong làm giám mục) đã khơi mở một hướng đi để giải quyết vấn đề, mà tránh được những biến chứng không cần thiết.

Cha Tađêô Mã Đạt Khâm xuất thân từ Thượng Hải. Ngài học tại chủng viện của giáo phận ở Xà Sơn và đã luôn hoạt động sứ vụ tại các thành phố lớn. Ngài là hiệu trưởng của trường khu vực Phố Đông và từng giữ những vai trò quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa và xuất bản tại giáo phận. Ngài am hiểu về thành phố và rất được hàng giáo sĩ địa phương quan tâm.

Ngài cũng từng đàm phán với các cơ quan chính trị nhờ vào vai trò của mình tại giáo phận vốn thích đối thoại thay vì xung đột. Hiệp hội Công giáo Yêu nước (tổ chức do chính phủ thành lập để cố gắng để kiểm soát nội tình Giáo Hội) ở Thượng Hải có mối quan hệ hài hòa với vị giám mục. Vì vậy, khi thời gian đến, ta sẽ dễ dàng đoán trước được lý do tại sao vị tổng đại diện của giáo phận này - Cha Tađêô Mã Đạt Khâm - sẽ được các linh mục, tu sĩ và giáo dân bỏ phiếu chọn làm giám mục phụ tá mới - tuân thủ các thủ tục "dân chủ" tự quản của chính phủ .

Câu chuyện này đã mô tả chính xác việc làm thế nào để xử lý các vấn đề ở Trung Quốc trong trật tự để đảm bảo vị mục tử giáo hội được duy trì liên tục. Động thái của Đức Cha Kim Lỗ Hiền, với sự phê chuẩn của Tòa Thánh, sẽ bảo vệ cho người kế vị ngài tránh khỏi cuộc tranh cãi và các biện pháp trừng phạt của giáo luật đã từng xảy ra trong quá khứ khi đề cử một giám mục bất hợp thức. Điều này xảy ra cho thấy rằng, Giáo hội địa phương có một mục tử thực sự sáng suốt, thậm chí trước rủi ro bất ngờ và tình huống bi đát có thể xảy mà đã đưa ra được giải pháp xử lý rất thực tế.

Một lần nữa, mục vụ khôn ngoan và cảm thức về Giáo Hội (sensus Ecclesiae) cách đặc biệt của vị giám mục Dòng Tên Lu-y Kim Lỗ Hiền đáng được ghi nhận. "Giáo chủ" Thượng Hải trong nhiều năm qua đã phải nhận những lời cáo buộc dính líu đến sự ra đời của một Giáo hội quốc doanh. Tuy nhiên, thực tế đã nói lên tất cả. Sau nhiều thập kỷ ở tù, Giám Mục Kim Lỗ Hiền đã học được một bài học quý giá: "Không bao giờ giữ bí mật từ những người cộng sản". Khi nói về mình, ngài nói: "Tôi đã có thể là một anh hùng chống cộng ở nước ngoài, nhưng ở Trung Quốc thì không". Tuy nhiên, ngài cũng không bao giờ ký bất kỳ tài liệu nào hỗ trợ cho sự 'độc lập' của Giáo Hội tại Trung Quốc; và Thượng Hải cũng chính là giáo phận đầu tiên thực hiện lại lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha trong phụng vụ. (theo La Stampa)