Vài nét về Trường Truyền Giáo và Đại Học Urbaniana

Nhân dịp Hội Ngộ Niềm Tin của người Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại được tổ chức tại khung viên Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana và Trường Truyền Giáo, chúng tôi xin được giới thiệu đôi nét về Đại Học và Ngôi Trường truyền thống và lâu đời này.



Trường Truyền Giáo hay còn gọi là Collegio Propaganda Fidei, nằm uy nghi trên đỉnh ngọn đồi Janiculum, đối diện với Đền Thánh Phêrô và lâu đài nơi Đức Thánh Cha cư ngụ. Từ sân của Trường nhìn xuống công trường thánh Phêrô là cả một bức tranh tuyệt đẹp về toàn cảnh thành Vaitcan. Đây có lẽ là một địa điểm đẹp nhất tại thành phố Roma, vì còn những khu vườn trống rộng, những bóng cây thông cao vút, và cảnh tường thành cổ kính Roma xưa. Nằm phía đối diện trường đại học bên kia sân cỏ là lâu đài của Hồng y Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo cư ngụ.



Khi khách du lịch từ khu Đại học, leo lên cầu thang và qua cầu vượt thành cổ, du khách sẽ sửng sốt vì cảnh hùng vĩ và tráng lệ của Trường Truyền Giáo, nơi các sinh viên từ khắp các xứ truyền giáo tới đây cư ngụ và ăn học. Ngôi trường này có thể chứa được trên 200 sinh viên chủng sinh và linh mục. Các sinh viên chủng sinh và linh mục được Tòa thánh cấp học bổng cư ngụ ở đây được coi như một đặc ân.

Ngôi trường này đã in vết kỉ niệm của biết bao giám mục và linh mục Việt Nam. Chủng sinh Việt Nam đầu tiên du học và cư ngụ trong ngôi trường này chính là Đức Cha Ngô Đình Thục, tiếp theo sau là các vị như giám mục khác như giám mục Simon Hòa Hiền, giám mục Phạm Ngọc Chi, giám mục Lê văn Ấn, v.v… Các vị giám mục đương nhiệm của các Giáo phận Việt Nam hiện nay đã từng là cựu chủng sinh của mái trường này bao gồm các Đức Cha như sau: Nguyễn văn Hòa, Nguyễn Soạn, Bùi văn Đọc, Trần Đình Tứ, Nguyễn Văn Nho, Bùi Tuần, Lê Phong Thuận và Nguyễn Văn Tiếu. Ngoài ra Giám đốc VP Phối Kết Mục Vụ VN Hải Ngoại là đức ông Đinh Đức Đạo và 5 bạn cùng lớp (trong đó có người viết bài này) cũng là cựu sinh viên của Trường. Tính tới thời của người viết vào năm 1967 thì đã có chừng 100 người Việt Nam “sôi kinh nấu sử” ở đây, và thế hệ tiếp theo cho đến nay năm 2003 có cả thảy chừng 185 người, vị mới nhất vừa mới từ giáo phận Long Xuyên được gửi sang du học là 3 ngày trước đây.



Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana là một học viện của Tòa Thánh Vatican được thành lập trên 375 năm nay. Đại học này được thêm danh hiệu Giáo Hoàng (Pontifical) chỉ vào ngày 1-10-1962 trước Công Đồng Vatican II với tự sắc “Fidei Propagandae” (Truyền bá Đức Tin) do Đức Giáo Hoàng chân phước Gioan XXIII ban hành. Đại học Urbaniana lúc đầu được gọi là Học Viện Urban College được Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII thành lập vào ngày 1-8-1627 với văn kiện “Immortalis Dei Filius” (Con Thiên Chúa hằng sống).

Trong quá trình lịch sử của Học Viện, lúc đầu tọa lạc gần Cầu Thang Tây Ban Nha (Spanish Steps) nơi có Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm cho các Dân Tộc mà hiện nay bộ này vẫn còn văn phòng ở đó.



Vào ngày 2-11-1926, dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô XI, Học Viện Urban hay là Trường Truyền Giáo được dời về đồi Janiculum, lúc đầu là một ngôi nhà cổ và khiêm nhường, nhưng sau được thay thế bằng một tòa nhà hùng vĩ,tráng lệ, nằm ngay trên đỉnh đồi Janiculum, nhìn xuống công trường Thánh Phêrô vĩ đại và nguy nga như chúng ta thấy ngày nay.

Trách vụ của Trường Đại Học Urbaniana là sửa soạn các linh mục cho sứ vụ truyền giáo. Chính vì lý do này mà Đại Học có sự liên hệ mật thiết với Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm cho các Dân Tộc và Bộ trưởng Thánh Bộ này luôn là vị Chưởng Ân tối cao của Đại Học.

Ngay từ buổi thành lập nó đã có mục tiêu hướng về truyền giáo và đào tạo các nhà truyền giáo hướng tới các chuyên ngành trong lãnh vực truyền giáo và các hoạt động tông đồ của Giáo Hội. Khi khai sinh, Đại Học chỉ có 2 phân khoa là Thần Học và Triết học, rồi với đà tiến triển thời mới, phân khoa và Học viện Truyền giáo được thành lập vào năm 1933. Rồi tiếp theo sau vào năm 1986, học viện này lại phân ra 3 phân khoa là Giáo Luật và Truyền Giáo Học.

Đến năm 1997, Đại Học Urbaniana cải tiến hoàn toàn. Phân khoa Triết học hợp tác với Bộ Học Chánh quốc gia Ý để rồi những sinh viên nào học xong chương trình Tiến Sĩ Triết thì cũng được cấp bằng Tiến Sĩ Quốc Gia Ý. Phân Khoa Giáo Luật them vào môn học ‘khóa học những ứng dụng và luật pháp Giáo hội’ hầu đáp ứng nhu cầu cho những sinh viên thuộc các Giáo Hội mới thành lập. Phân khoa Truyền Giáo Học thay đổi tận gốc rễ chương trình học cử nhân hầu nhấn mạnh tới những vấn đề Kitô học và truyền giáo học. Những vấn đề này được liên kết với tôn giáo và văn hóa của các dân tộc khác nhau. Phân Khoa Thần Học cải tiến thêm vào phần Thánh Kinh và Tín Lý đồng thời cũng bổ sung thêm các giáo sư trong thành phẩn giảng dậy.

Vào năm 1999, trong Phân Khoa Truyền Giáo Học, Viện Giáo Lý Truyền Giáo đã bắt đầu từ năm 1970, hội nhập với Tu Đức Học và trở thành Viện Sứ Mạng Đấng Cứu Thế “Redemptoris Missio” Viện Cao Học về Giáo Lý và Tu Đức. Viện này được thánh bộ Giáo Dục Công Giáo thành lập vào ngày 12-4-1999.

Vào những năm đầu thập niên 1960, linh mục Cornelio Fabro, là một giáo sư Triết lõi lạc với kinh nghiệm nhiều năm dậy trong trường, đã được phép thành lập Viện Cao Học Vô Thần (Institute for Higher Studies on Atheism) Với những biến chuyển hiện nay trong thế giới mới về văn hóa và toàn cầu hóa, Học Viện này có hường đi mới mẻ và một tên mới được thay thế, đó là Viện Cao Học về Không Tin, Tôn Giáo và Các Nền Văn Hóa.

Vào năm 1941, phân khoa ngữ học được thành lập để dạy về các ngôn ngữ Đông Phương; sau này phân khoa dạy thêm các cổ ngữ và các ngôn ngữ hiện đại. Vào năm 1975, Trung Tâm Trung Hoa Học và Trung Tâm Hồng Y Newman được thành lập. Hồng Y Newman từng là cựu sinh viên của Trường Đại Học và ngài chịu chức vào ngày 30-5-1847 tại đây.

Tới năm 2000, nhận thấy cao trào di dân là một trong những thách đố của thời đại chúng ta cho cả Giáo Hội và xã hội, nên Đại Học đã hợp tác với Học Viện Di Dân Quốc Tế Scalabrini để chuyên ngành về sự ‘di chuyển con người’ nằm trong các Phân Khoa Thần Học, Triết Học và Truyền Giáo Học. Kết quả là Phân Khoa Triết học có cấp các văn bang Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ về “Triết Lý Xã Hội Con Người Di Dộng”, đang khi đó Phân Khoa Thần Học cấp các văn bằng cử nhân, cao học và tiến sĩ về “Thần Học Mục Vụ Con Người Di Động”.

Nhà Xuất Bản Đại Học Urbaniana University Press được thành lập năm 1979 đã tạo được khí thế và liên tiếp ấn hành những tập san Euntes Docete (đi giảng dậy muôn dân) , tập san Studia (Học vấn) bàn về các vấn đề thần học và triết học, phát hành các sách giáo khoa về nhiều đề tài khác nhau dưới tiêu đề “Subsidia”, sưu tập “Chiesa, missione e culture” (giáo hội, truyền giáo và văn hóa), và “Ricerche”Nghiên Cứu là tập san ấn hành các đề tài tiến sĩ có ý nghĩa nhất của Trường.

Từ năm 1966, Đại học Urbaniana đã khởi xướng lên một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là công nhận và hợp tác với các Chủng Viện và Học viện Triết học, Thần học, Truyền giáo học và Giáo luật, mà hầu hết các chủng viện và học viện này ở Á châu và Phi châu, nhưng cũng có các chủng viện tại Bắc và Nam Mỹ và Đại dương châu và Âu châu nữa. Hiện nay có đến 80 chủng viện và học viện nằm trong hợp tác Liên Trường này và bao gồm con số sinh viên lên tới 10,000 người.

Trong niên khóa vừa qua năm 2001/2002, Đại học Urbaniana có 1,650 sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới và tổng cộng có 206 giáo sư mà 2/3 số giáo sư này đến từ ngoài nước Ý.



Để kết luận về vai trò quan trọng của Trường Truyền Giáo và Đại Học Urbaniana, xin trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân dịp Ngài thăm viếng trường vào ngày 19-10-1980 như sau: “Đại học của các con có thể nói hầu như là một dấu chỉ hữu hình và sống động cho tính cách đại đồng của Giáo Hội, ôm ấp trong mình chính vừa mối dây hợp nhất và đồng thời tính cách khác biệt của các dân tộc… Vấn đề hiện nay còn đang được bàn luận là mối liên hệ giữa sứ điệp Kitô giáo và các nền văn hóa khác nhau thì đang được khai mở trong một cách thế rất đặc biệt trong chính Đại Học này”.

Tiếp theo sau, nhân dịp tái khai mạc Đại thính phòng Aula Magna, một lần nữa Đức Gioan Phaolô tới thăm và tái xác nhận vai trò nền tảng của đại học viện này như sau: “Giáo Hoàng Đại Học Urbaniana phải là nơi sửa soạn tinh thần và việc đào tạo thần học cho tất cả những ai sẽ đi đến các khu truyền giáo khác nhau của thế giới, như là những vị tông đồ mới, loan báo Tin Mừng Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô cho thế giới”.