Tạp chí Journal of Jesuit Studies, Bộ 5, Số 2, năm 2018 vừa cho đăng tải lần đầu tiên bản dịch Memorandum on French Bishops during the Occupation of France (1940-1944) của thần học gia Henri de Lubac, mà nguyên bản tiếng Pháp tựa là “La question des évêques sous l’occupation” thoạt đầu được đăng trên Revue des deux mondes hồi tháng Hai năm 1992.

Linh mục dòng Tên, Henri de Lubac (1896–1991), đã trở thành một trong các thần học gia lớn của Giáo Hội Công Giáo và ngài gây ảnh hưởng quan trọng đối với nhiều văn kiện của Công Đồng Vatican II (1962–65). Trước đó, có lúc, ngài bị cấm giảng dạy do một số tư tưởng của ngài (từ 1950 tới 1958) nhưng đã được sự tôn kính của Đức Gioan Phaolô II (cai trị từ 1978 tới 2005) qua việc nâng ngài lên hàng Hồng Y năm 1983. Ngài là một trong các sáng lập viên của Sources chrétiennes (Các Nguồn Kitô Giáo), chuyên đăng tải các ấn bản có phê bình của các giáo phụ và qua đó, đã phát huy ngành giáo phụ học như là một lãnh vực chính của thần học Kitô Giáo. De Lubac vốn tham gia kháng chiến chống Quốc Xã trong thời gian Pháp bị chiếm đóng và, như giác thư cho thấy, ngài cũng đã trở thành người mạnh mẽ phê bình giới lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo lúc ấy. De Lubac viết giác thư năm 1944 này, được đăng ở đây lần đầu tiên trong bản dịch tiếng Anh, cho người bạn của ngài là Jacques Maritain (1882–1973), người lúc đó, được cử làm Đại Sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh, nơi ông phục vụ cho tới năm 1948. De Lubac là thành viên tại tổng công nghị của Dòng Tên năm 1964, nơi, nghị quyết cấm các ứng viên của dòng dõi Do Thái không được gia nhập Dòng đã bị thu hồi.

Nhận thấy giác thư này có nhiều điều để đối chiếu với hiện tình hàng giám mục Việt Nam, những vị ít nhiều bị phê phán gay gắt trong nhiều năm qua, trong đó, không thiếu những phê phán thuộc loại từng được De Lubac sử dụng là “nghe được”, chúng tôi chuyển ngữ giác thư này, dựa trên bản tiếng Anh của Journal of Jesuit Studies và rất tiếc không có nguyên bản tiếng Pháp để đối chiếu.

Người viết những nhận định này không có ý định biến chúng thành một tường trình đầy đủ về điều ngày nay người ta quen gọi là “vấn đề các giám mục”; người này không có thì giờ và cũng không có ước muốn. Đây là một vấn đề vừa gai góc xét về quan điểm luật pháp vừa đau lòng đối với lương tâm Công Giáo. Người viết chỉ muốn vắn tắt nhắc đến một ít điểm và chỉ quyết định làm thế vì có lời yêu cầu của cấp cao, lời yêu cầu mà người này không thể bác bỏ, bất chấp các ước muốn của mình. Bên cạnh việc thiếu tài liệu sẵn có... ý định của người này không hẳn là ghi lại các sự kiện cho bằng trình bầy một tâm thái (state of mind) và những gì người này trích dẫn chỉ là để minh họa mà thôi. Ngoài ra, người này cũng sẽ ít nói nhân danh mình hơn là tường trình những điều mình nghe được từ các phạm vi công cộng hoặc tư riêng. Một số suy tư này bộc lộ sự âu lo bản thân mà người viết từng phải chịu và cố gắng sửa chữa bao nhiêu có thể. Trước khi chia sẻ thông tin trên những trang giấy hoàn toàn tư mật (confidential) này, người viết rất thường hay bênh vực, bao nhiêu có thể và vượt quá cả sự có thể, nhiều vị giám mục có tác phong làm người ta ngỡ ngàng, bất kể là đúng hay sai.

Dĩ nhiên, ai cũng hiểu khi nói đến “các giám mục”, tôi không nói một cách vơ đũa mọi vị trong số này, mà không dành ra một số ngoại lệ. Không hề có chuyện đó! Một đàng, ta không thể bỏ qua nhiều hành vi cá thể chứng tỏ các linh mục và các mục tử nằm trong số những người có thái độ làm người ta thất vọng. Tuy nhiên, thái độ của các ngài, như chúng ta sắp sửa cố gắng mô tả, xem ra đã bị tổng quát hóa đến nỗi ai cũng có thể tự cho phép nói đến một cách tập thể.

Để đem lại một trật tự nào đó cho những điều sau đây, trước hết, ta sẽ đưa ra các lời phê phán chính nhắm vào các giám mục Pháp, sau đó, chúng ta sẽ phân tích các nét chính của sự phiền muộn do thái độ của các ngài, trong bốn năm qua, đã gây ra hay làm xấu thêm nơi lương tâm tập thể.

Trong số các lời phê phán, chúng ta dự tính đưa ra chống lại các giám mục Pháp, có một số phát xuất từ sự hiểu lầm ít nhiều về sứ mệnh của Giáo Hội, cũng như một số lẫn lộn nào đó giữa các lãnh vực thiêng liêng, thế tục, và thậm chí chính trị. Không ích lợi gì khi tập chú vào chúng. Các lời phê phán nghiêm túc hơn có thể tóm lược trong năm cáo buộc sau đây:

1.Các giám mục của chúng ta thường không nắm được cảm thức mạnh mẽ về tính độc lập của Giáo Hội. Bản chất giám mục của các ngài không đem lại một vinh dự thánh thiêng mà người ta vốn kỳ vọng. Đây là lý do tại sao các ngài tự để cho mình dễ dàng bị nhà cầm quyền dân sự lèo lái ngay khi những người này gây áp lực, mặc dù đa số các ngài không phải là chính trị gia hay những người muốn leo thang xã hội nhưng đều là những giáo phẩm đạo đức và sốt sắng chân tình. Khi các ngài thấy người ta thích các ngài độc lập hơn, các ngài bèn nghĩ họ yêu cầu các ngài phải đối lập nhiều hơn, thành thử rất khó để các ngài tưởng nghĩ ra việc có thể có tư cách cao hơn (bất kể các kiểu nói đã trở thành nổi tiếng: “trung thành chứ không tùng phục). Thực ra, người ta chỉ muốn các ngài hành động như các giám mục nhiều hơn mà thôi. Sự thực là nhiều vị từ bỏ thẩm quyền thiêng liêng của mình, trên thực tế, từ lúc bắt đầu chế độ Vichy (một sự thực dựa vào con số các hành vi thiếu suy nghĩ của các ngài) và hết còn khả năng lấy lại sự độc lập của mình mà không tỏ ra là đã tham gia phe đối lập.

Chính sai lầm trên đã khiến nhiều vị giám mục trở nên cố thủ trước vấn đề quyền lực chính trị và “tính hợp pháp” của Vichy; như thể một khi vấn đề này được quyết định, thì mọi quyết định khác cũng sẽ được giải quyết khi nói đến chế độ Vichy; như thể chính phủ hợp pháp nhất và hoàn hảo nhất có thể có sẽ không để các trách nhiệm thiêng liêng của các nhà lãnh đạo Giáo Hội được nguyên vẹn. Nhiều hành vi nô dịch đã vì đó mà xuất hiện: một giám mục thuyên chuyển một trong các linh mục của ngài vì đã phạm tội đọc một tuyên bố (của các Hồng Y và tổng giám mục) cho một nhóm trong nhà thờ trái với ý muốn của ông quận trưởng; một vị khác cấm các giáo sĩ tới các giáo phận của chính họ mà không có các cuộc điều tra hay một loại thông báo nào trước đó vì lệnh lạc phi lý của quận; lại còn có vị chấp nhận mà không nói một lời việc để cho lính lê dương ngăn cản một linh mục dạy giáo lý cho một thanh niên Do Thái, người đã bắt đầu chuẩn bị chịu rửa tội trước khi chiến tranh diễn ra... Rất nhiều thư từ và lệnh lạc liên quan đến lúa mì, kim khí, cả vật dụng thờ phượng bị nhà cầm quyền dân sự moi móc. (Lúc này, chúng tôi sẽ không nhắc tới các tuyên bố nghiêm trọng hơn để đáp ứng ý muốn của lực lượng chiếm đóng). Do đó, mà xẩy ra cảnh mọi buổi chầu và nghi lễ không còn giá trị thiêng liêng và do đó, hậu quả thật thảm hại. Rất nhiều lần, các vị giám mục thấy mình bị triệu đến chứ không phải được mời đến và Giáo Hội bị buộc một cách lộ liễu phải che đậy cho chế độ. Các ngài không được tự do để tiếng nói của mình được nghe. Từ đó, nguyên tắc quái dị trong đó hành vi giám mục phải tùng phục việc kiểm duyệt của nhà nước đã được mọi người chấp nhận một cách vâng lời; một nguyên tắc được chấp nhận tốt đến nỗi nhiều giám mục tự kiểm duyệt mình trước, có thể nói như thế. Đàng khác, không một cố gắng nghiêm túc nào đã được đưa ra để phân phối ngay các tuyên bố yếu ớt của hội đồng Hồng Y và giám mục nếu đã bị kiểm duyệt đục bỏ. Tuyệt diệu biết bao nếu thái độ cứng rắn của Đức Ông Bruno de Solages, một con người của Giáo Hội tuy không phải là một giám mục, được chấp nhận ở khắp nơi (1). Đức Ông de Solages không để cho bản văn tín lý nào của ngài được công bố nếu đã bị kiểm duyệt đục bỏ.

2. Với một quan tâm hết mình, các nhà quản trị công bảo đảm nhiều nhu cầu của những người họ chịu trách nhiệm (thường là một gánh nặng khá lớn), trong khi nhiều vị giám mục không có cùng một mức tận tụy như thế đối với sứ mệnh tin mừng của các ngài. “Thân thể” của Giáo Hội (chữ “thân thể” không có ý định được hiểu theo ý nghĩa thần học) khiến các ngài bỏ bê linh hồn của nó. Theo chiều hướng này, các phương tiện nặng nề đã làm các ngài kiệt quệ và khiến các ngài quên cả kết quả cuối cùng. Các ngài rất nhạy cảm đối với bất cứ điều gì có thể cản trở hoặc ngược lại có lợi cho Giáo hội định chế, luôn sẵn sàng bảo vệ các lợi ích đang bị đe dọa, hoặc tiếp nhận ân huệ và trợ cấp mà tình trạng bấp bênh của trường học và công việc của chúng ta khiến chúng trở nên đáng thèm muốn.

Tuy nhiên, nhiều giám mục rõ ràng không thấy vai trò của các ngài vượt xa điều đó. Tận thâm tâm, các ngài không hiểu điều đó, khi các ngài được kêu gọi “cai trị Giáo Hội của Thiên Chúa”; các ngài được giả thiết là tiếng nói lương tâm và biện hộ cho Thiên Chúa của công lý. Do đó, có tai tiếng trong bốn năm qua, trong đó, Giáo hội thường xuyên có vẻ hài lòng, trong khi công lý bị vi phạm khắp mọi nơi, các lương tâm bị hành hạ, và chính Kitô giáo bị chà đạp. Dưới mắt mọi người, Giáo hội Pháp xem ra được hưởng lợi một cách bạo ngược từ một tình huống khiếp đảm. Lối giải thích này sai, nhưng không thể tránh được. Đặc biệt hơn, các ngân khoản dành cho các trường tôn giáo thông qua một diễn trình hạ nhục, cùng với tiếng tăm bên ngoài dành cho một số giáo phẩm nào đó (chuyến đi của Đức Hồng Y Gerlier đến Tây Ban Nha, vv) làm cho điểm then chốt của vấn đề bị lãng quên (2). Về chủ đề này, có người nói một cách cay đắng hơi quá, nhưng không phải là không có cơ sở: “Khi Giuđa nhận được ba mươi đồng bạc của hắn, hắn rất có thể dùng chúng cho các công việc bác ái, ví dụ, để mở trường chẳng hạn”.

Thái độ của Hàng Giám Mục Đức cao quý hơn nhiều. Họ không bao giờ nghĩ rằng việc tùng phục nhà nước có thể khiến các ngài khỏi lên tiếng về bất cứ chủ đề nào. Các ngài không bao giờ sử dụng giáo ước (concordat) và các lợi thế vật chất mà họ có (mặc dù có nhiều vi phạm) làm cớ để nhắm mắt làm ngơ đối với nhiều tín lý và hành vi trái với đức tin của các ngài hoặc trái với luật luân lý tự nhiên! Các ngài không bao giờ tin rằng các ngài có thể giữ im lặng mãi, vì tín hữu của các ngài không chịu đau khổ trực tiếp. Các ngài không coi các ngài chỉ như các nhà lãnh đạo và bảo vệ đức tin mà thôi, mà là những nhân chứng trong Thiên Chúa và trong lãnh vực công lý của Người.

Quá nhiều người Công Giáo có khuynh hướng tin rằng các vấn đề tôn giáo đang diễn ra tốt đẹp, khi bản thân họ không gặp rắc rối, khi phe của họ chiến thắng. Người Do Thái và “người cộng sản”, chẳng hạn, đang bị săn đuổi: đó không phải là một chiến thắng gấp đôi cho họ sao? Thật buồn khi nói rằng, thay vì nhắc họ nhớ tinh thần của Tin Mừng, thái độ của Hàng Giám Mục Pháp chỉ dùng để cố thủ các ngài trong lĩnh vực xác thịt (sensual); không phải là các ngài thực sự được khuyến khích bởi những gì không được nói đến. Chẳng hạn, sự thật là, trong phần lớn các khung cảnh "Công Giáo" và thậm chí trong một số nữ tu viện, Giáo hội dường như điếc đối với cả các lời kêu gọi bác ái thúc bách nhất và khẩn cấp nhất. Bằng chứng cho điều này thì vô kể.

Kỳ sau: 3. Nếu lương tâm Công Giáo không được hoàn toàn khai sáng, thì cũng là vì toàn bộ thân thể của Giáo Hội đang phải chịu đựng các sai sót nghiêm trọng xét về góc độ tín lý