VATICAN CITY – Từ lúc được bầu, cách bình dân được Đức Giáo Hoàng Phanxicô dùng để truyền đạt Tin Mừng đã dẫn tới vô vàn hàng tít lớn ở trang nhất hoặc ca ngợi hoặc phê phán ngài.

Nhưng phong thái sắc bén và đôi khi thẳng thừng của ngài cũng có nghĩa ngài đã trở thành đích nhắm ưa dùng của “tin tức giả”.

Thực thế, đủ để có thể trám đầy một cuốn sách.



Nhà báo Ý Nello Scavo cho rằng: Khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng một cách bất ngờ, “có nguy cơ là một số phát biểu của ngài có thể bị thao túng hay giải thích không chính xác”.

Tuy nhiên, ông nói thêm, “tôi tuyệt đối nghĩ rằng ngài không nên thay đổi phong thái. Mọi linh mục vào Chúa Nhật, khi giảng lễ, đều có nguy cơ khi nói. Và Đức Giáo Hoàng, theo cách này, hành động như mọt mục tử. Theo hướng này, ngài đã trở thành một ‘mục tử hoàn cầu’”.

Bất chấp nguy cơ lời ngài bị giải thích sai, lối nói bộc trực của Đức Giáo Hoàng đem lại một cảm thức gần gũi không những đối với người Công Giáo mà cả đối với người thuộc các tín ngưỡng khác.

Scavo cho rằng “trong các chuyến du hành của mình, tôi đã lưu ý, nhất là trong thế giới duy Hồi Giáo, một sự thay đổi thái độ đối với Rôma, đối với Đức Giáo Hoàng, vì ngài có khả năng vượt các rào cản của truyền thông chính thức và vươn tay ra bắt tay với mọi người, cả những người thấp hèn nhất”.

Là một ký giả điều tra của nhật báo Công Giáo Ý Avvenire, Scavo viết rất nhiều câu truyện về Đức Giáo Hoàng và những hình chụp bị sửa chữa về ngài khi tiến hành nghiên cứu để viết cuốn “Các Kẻ Thù của Đức Phanxicô”.

Ông thu thập hầu hết các tin giả được nhiều người coi nhất, và lột mặt nạ chúng, trong cuốn sách mới của ông, tựa là “Đức Giáo Hoàng Giả: Các Tin Tức Sai Lầm về Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.



Phát hành hôm 25 tháng 5 vừa qua, cuốn sách trên bao gồm các bản sao các ảnh chụp bị kỹ thuật số thao túng được phổ biến trực tuyến suốt 5 năm Đức Phanxicô làm giáo hoàng. Một ảnh chụp cho thấy Đức Giáo Hoàng chào đám đông từ ban công Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô mấy phút sau khi được bầu. Trong bức này, các chiếc sừng đã được thêm vào bóng Đức Giáo Hoàng. Cuốn sách của Scavo cho thấy bức ảnh nguyên thủy, dĩ nhiên không có sừng.

Scavo cho rằng “nhiều người nghĩ quả có bóng ma qủy phía sau Đức Giáo Hoàng lúc ngài xuất hiện trên ban công”.

Cuốn sách cũng có một ảnh chụp, từng được đăng trên một trương mục Instagram tự cho là có liên hệ với Vatican, coi như hình tự xướng (selfie) đầu tiên của Đức Giáo Hoàng. Ảnh chụp này tạo ra nhiều hàng tít lớn, thậm chí còn được cả CNN phổ biến.

Nhưng trên thực tế, đó là tấm hình lấy từ một cuộc nói chuyện được quay video với một nhóm thanh niên nam nữ khắp thế giới trong một biến cố năm 2015 do phong trào Scholas Occurrentes tổ chức.

Dù các câu truyện và ảnh chụp của tin giả thường nực cười, nhưng Scavo cho hay chúng cũng cho thấy “có biết bao bạo lực trong các phương tiện truyền thông chống lại” Đức Giáo Hoàng.

Khi thế giới được giới thiệu với Đức Phanxicô và người ta cố gắng mường tượng xem ngài là ai, thì một số câu truyện giả và ảnh chụp bị sửa đổi được đăng tải.

Scavo cho rằng “cả đời Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn bị đánh dấu bởi vu khống, cáo gian và thông tin sai lạc”.

Trong cuốn sách của mình, để minh chứng điều trên, Scavo cung cấp một số ảnh chụp bị sửa đổi lúc Đức Giáo Hoàng còn trẻ tại quê hương Á Căn Đình. Một ảnh chụp cho thấy cậu bé Jorge Mario Bergoglio được nắm tay bởi Evita Peron đứng cạnh ông chồng là Tổng Thống Á Căn Đình Juan Peron.

Ngoài dị biệt về mầu giữa đứa trẻ trong ảnh chụp và Peron, Scavo nhận xét: thời Peron, Đức Giáo Hoàng khoảng từ 10 tới 19 tuổi, lớn hơn đứa trẻ trong ảnh chụp.

Một ảnh chụp khác được Scavo nhắc đến trong cuốn sách của ông là ảnh chụp một linh mục, bị nhận diện lầm là Cha Bergoglio lúc còn trẻ, đang cho nhà độc tài Á Căn Đình là Jorge Rafael Videla rước lễ.

Bức ảnh, được phân phối rộng rãi trên internet, được coi là bằng chứng tân giáo hoàng ủng hộ nền độc tài cánh hữu, chịu trách nhiệm về cái chết và mất tích của khoảng 30,000 người.

Trong khi tìm tòi để viết cuốn sách đầu tiên “Danh Sách Của Bergoglio”, Scavo thu thập các chứng từ để chứng minh ngược lại rằng Đức Giáo Hoàng đã cứu mạng sống cho hơn 100 người bị nền độc tài nhắm sát hại.

Với rất nhiều tường trình giả mạo về các sự thật nửa vời đi từ nực cười tới bóp méo, Scavo cho rằng các tin tức giả tiếp tục được sử dụng làm “vũ khí khiến quần chúng lơ đễnh” do cả những kẻ đùa bỡn lẫn những nhóm có nghị trình rõ ràng muốn không những phỉ báng Đức Phanxicô mà còn “khiến quần chúng không lưu ý tới các vấn đề có thực”.

Scavo nói rằng “Ngài là một giáo hoàng rõ ràng gây phiền hà cho một số người, khiến một số người khó chịu. Nhưng tin giả làm tiền vì một số trang mạng gia tăng đáng kể sự hiển thị của họ nhờ thông tin giả”.

Theo ông, các cơ quan tin tức đáng tin cậy đã gia tăng các thủ tục để kiểm soát tính trung thực của các trình thuật tin tức nhưng trong nhiều trường hợp, vận tốc chia sẻ và loan truyền tin tức ngày nay khiến các cố gắng này không hữu hiệu.

Ông cho hay: “đến lúc ai đó đến và nói tin tức này giả, thì thường là quá trễ vì nó đã được loan truyền khắp thế giới rồi”.

Theo ông, trách nhiệm trong việc loan truyền thông tin giả không hoàn toàn ở nơi các cơ quan cung cấp tin tức và các ký giả mà thôi. Độc giả cũng phải thận trọng trong việc kiểm chứng tin tức và, khi cần, ngăn cản việc loan truyền chúng.

Scavo cho rằng “khi tôi mua một món đồ trên internet, nếu tôi tìm cách mua một món gì của Amazon, eBay hay một công ty nào khác, tôi luôn phải xem các lời bình luận; tôi muốn bảo đảm thẻ tín dụng của tôi không bị đánh cắp. Như thế, tại sao khi xem tin tức, ta lại không có cùng một sự chú ý?”

Nguồn: Junno Arocho Esteves, “Weapons of mass distraction: Journalist takes aim at fake papal news”, cruxnow.com, May 31, 2018