Đợt nóng nực năm nay kéo dài từ 01/06 đến 31/08, nhiệt độ lên tới 35° đến 40° trên khắp nước Pháp. Từ ngày 3 đến 05/08, hơn một ngàn người Việt Nam trên khắp nước Pháp hành hương ở Lộ Đức cũng trải qua nhiệt độ oi bức. Vào mùa hè 2003, cái nóng nung người trên khắp nước Pháp khiến 15 ngàn người tử vong, trong số có cả người Việt. Người ta đặt tên cho đợt nóng nực là ‘‘canicule’’, do tiếng Hy lạp Σείριος. Ngôn ngữ ta gọi là Thiên lang (天 狼) : sao Lang (Lang : chó sói) nằm trong chòm sao Đại Khuyển sáng rực trời đêm.

Trong văn kiện‘‘Gaudium et Spes’’ (Vui mừng và Hy vọng), Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, ghi rõ : ‘‘Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng 83. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái.’’ (GS số 69).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác việc cộng đồng nhân loại không ý thức trước hiểm họa môi sinh. Họ chỉ quan tâm đến việc tiêu thụ mà không quan tâm đến những hậu quả tác hại đến môi trường.

Trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng), Đức Phanxicô đã cảm hứng từ thi ca của thánh Phanxicô, vị thánh nhân đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tôn vinh là thánh bổn mạng của môi trường (29/11/1079). Tông huấn Evangelii Gaudium hình thành huấn quyền của Giáo Hội về môi trường :

‘‘Những tạo vật yếu đuối, vô phương tự vệ thường xuyên phải làm nô lệ cho những lợi lộc kinh tế và sự bóc lột bừa bãi. Tôi đang nói đến toàn thể thụ tạo tác thành. Loài người chúng ta không chỉ là những người được thụ hưởng nhưng còn là những người quản lý các tạo vật khác. Nhờ chúng ta có thân xác, Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta mật thiết với thế giới xung quanh khiến chúng ta cảm thấy tình trạng sa mạc hóa đất đai gần như là một căn bệnh nơi thân xác chúng ta, và sự tuyệt chủng của một loài như là một sự biến dạng đau đớn. Chúng ta đừng để lại sau mình vết tích của sự tàn phá và chết chóc sẽ ảnh hưởng tới đời sống của chính chúng ta và của các thế hệ tương lai. Ở đây tôi muốn lấy lại lời than thở đầy cảm động và có tính tiên tri mà các giám mục Philíppin đã thốt lên ít năm trước đây:

“Một số lượng nhiều vô kể các loài côn trùng sinh sống trong rừng và bận bịu với đủ loại công việc... Các loài chim bay trên trời, các bộ lông sặc sỡ cùng với tiếng hót líu lo của chúng tạo thêm màu sắc và tiếng ca cho những cánh rừng xanh... Thiên Chúa muốn dành mảnh đất này cho chúng ta, những tạo vật đặc biệt của Người, nhưng không phải để chúng ta huỷ diệt nó và biến nó thành một mảnh đất hoang... Chỉ sau một đêm mưa, thử nhìn xuống những dòng sông nâu xạm màu sôcôla tại địa phương của chúng ta và nhớ rằng chúng đang mang máu sự sống ra biển... Làm sao cá có thể bơi lội trong những dòng nước thải như con sông Pasig và biết bao nhiêu con sông khác mà chúng ta đã làm ô nhiễm? Ai đã biến cái thế giới kỳ diệu của biển cả thành những nghĩa trang dưới nước không màu sắc và không sự sống?”.

‘‘Là những tạo vật bé nhỏ nhưng mạnh mẽ trong tình yêu Thiên Chúa giống như Thánh Phanxicô, mọi người Kitô hữu chúng ta được kêu gọi canh chừng và bảo vệ cái thế giới mong manh mà chúng ta đang sống, cùng với tất cả dân cư của nó. (EG, số 215-216).

Tông huấn Evangelii Gaudium là cơn mưa tươi mát, gieo niềm vui và hy vọng cho một thế giới hiện bị nung nấu bởi quá trình hủy hoại môi sinh. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi thế giới phải thay đổi cách thức sinh hoạt, sản xuất và tiêu thụ thông qua khung luật pháp bảo vệ môi sinh. Có như vậy, nhân loại mới tránh được các đợt thiêu đốt ngày càng tăng thêm.

Lê Đình Thông