Nhân dịp tham dự cuộc hội thảo trực tuyến của Đại Học Thánh Giá ở Rôma dành cho các ký giả ngoại quốc đưa tin về Tòa Thánh, Đức Hồng Y George Pell đã trả lời các câu hỏi của hai tờ báo Công Giáo: CruxNow và National Catholic Reporter, một tờ có thể nói là trung dung một tờ có tiếng là cấp tiến.



Cải tổ tài chánh

Elise Ann Allen của CruxNow cho hay Đức Hồng Y Pell nói về các cố gắng cải tổ nền tài chánh của Tòa Thánh khi ngài còn đứng đầu văn phòng kinh tế ở đấy. Ngài cho rằng ngài đã đánh giá thấp những người chống đối các quyết định của ngài.

Ngài bảo: “họ không thích thay đổi, họ không hiểu những điều được đề nghị... Chắc chắn có cả sự chống đối của những người có liên hệ với thối nát”.

Thời ngài đứng đầu văn phòng kinh tế, Đức Hồng Y Pell thực hiện một số bước quan trọng hướng tới việc cải tổ tài chánh, trong đó, có việc soạn bản cân bằng (balance sheets), tổ chức thanh lý, và cố gắng giảm bớt việc phủ Quốc Vụ Khanh nắm giữ một số qũy của Tòa Thánh.

Nhưng trong “cuộc chiến” với Phủ Quốc Vụ Khanh, thoạt đầu, Đức Hồng Y bị hẫng chân khi Đức Phanxicô ra luật lệ mới củng cố việc Phủ này kiểm soát các qũy đó. Tuy nhiên, quyết định này, sau đó, đã được chính Đức Phanxicô lật ngược, khi vụ đầu tư nhà đất ở London nổ ra.

Một trong những việc đầu tiên của Đức Hồng Y khi được cử đứng đầu văn phòng Kinh Tế là ký khế ước với công ty kế toán nổi tiếng hoàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC) để thanh lý nền tài chánh của Tòa Thánh năm 2014. Việc này bị chỉ trích là đặt Vatican cùng hàng với các doanh thương thế kỷ 21.

Và vì thế, chỉ hai năm sau, tức tháng Tư năm 2016, cuộc thanh lý bị ngưng lại mà không có lời giải thích nào của người lúc đó là Tổng Giám Mục Angelo Becciu và đang giữ chức phó (sostituto) Phủ Quốc Vụ Khanh.

Một khế ước mới được ký với cùng công ty PricewaterhouseCoopers vào tháng 6 năm đó, nhưng chỉ như một nguồn lực cho cơ quan thanh lý nội bộ của Tòa Thánh, phải tuân hành khuôn khổ luật pháp Vatican, chứ không tiến hành chính cuộc thanh lý như trước.

Một xoay chiều khác là việc thuê nhà kinh doanh Ý Libero Milone làm Tổng Thanh Lý Viên đầu tiên với khả thể được lục lọi mọi hồ sơ tài chánh kể cả ở Phủ Quốc Vụ Khanh. Nhưng đến năm 2017, chỉ 2 năm sau, ông ta bị sa thải với lý do do thám các bề trên. Sau khi ra đi, Milone nói rằng ông ta bị đe dọa và buộc phải từ chức và đổ lỗi hoàn toàn cho Tổng Giám Mục Becciu.

Điều oái oăm là Tổng Giám Mục Becciu sau đó được cử đứng đầu bộ phong thánh và thăng chức Hồng Y. Nếu không có vụ thất thoát lớn trong vụ đầu tư nhà đất ở London, các lem nhem của Tổng Giám Mục, nay là Hồng Y, Becciu chắc chắn chưa bị phanh phui và chưa bị tước hết quyền lợi Hồng Y và chưa bị đưa ra tòa như hiện nay. Đức Hồng Y Pell có lần đã chính thức cho biết Becciu là người chống đối các cố gắng cải tổ tài chánh của ngài.

Đó là chuyện quá khứ, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài hài lòng với diễn trình cải tổ tài chánh hiện nay, mọi sự đang diễn biến đúng hướng. “Chúng ta đang có những người tốt lành, trung thực lãnh trách nhiệm. Chúng ta có một phương pháp luận với sứ điệp hiện đại, đương thời để trình bầy các thông tin tài chánh, nên các vị hữu trách có thể dễ dàng biết chúng ta đang ở đâu”.

Cũng nên biết trong 3 năm qua, Đức Phanxicô đã thay thế các vị đứng đầu mọi cơ quan tài chánh chính của Tòa Thánh. Năm 2018, ngài đã cử Đức Cha Nunzio Galantino đứng đầu cơ quan Quản Trị Di sản của Tòa Thánh (APSA), thay thế Đức Hồng Y Domenico Calcagno, vốn bị tố cáo biển thủ công qũy; cũng năm này, ngài đề cử Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra làm thứ trưởng Phủ Quốc Vụ Khanh thay thế Tổng Giám Mục Becciu; năm 2019, ngài đề cử linh mục Dòng Tên Juan Antonio Guerrero, người có bằng cấp về kinh tế, đứng đầu văn phòng kinh tế.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Pell vẫn lo lắng đối với ngân sách của Tòa Thánh. Ngài cho biết: “Trong nhiều năm rồi, Tòa Thánh vẫn chi tiêu nhiều hơn tiền kiếm được. Một điểm có thể tranh cãi là bạn có thể làm như thế được bao lâu. Không hẳn là vấn đề thâm thủng hàng năm, nhưng còn gây áp lực lớn lên qũy hưu trí, cả qũy Đồng Xu Thánh Phêrô nữa”.

Ngài nói thêm: “tôi nghĩ chúng ta đã thực hiện được nhiều tiến bộ chống thối nát, nhưng cả khi đã loại được thối nát đi nữa, điều này vẫn không có nghĩa là bạn có thể trả hết các hóa đơn”.

Hiện Tòa Thánh đang thâm thủng 60 triệu dollars năm 2020, một phần do đại dịch coronavirus, một phần do thất thoát về vụ đầu tư ở London

Hơn 18 tháng qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra một số biện pháp kiểm soát chi tiêu của Tòa Thánh, giảm lương của các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục trong giáo triều. Ngài cũng giới hạn việc du hành và con số các hội nghị.

Đức Hồng Y Pell hoan nghinh tất cả các biện pháp trên, nhưng nhấn mạnh “Ta vẫn chưa ra khỏi rừng già”. Ngài nghĩ rằng phiên xử tới, vốn dự trù vào tháng 7 nhưng được rời lại tháng 10, sẽ là dấu hiệu quan trọng cho thấy Tòa Thánh nghiêm túc ra sao về việc không những nhận diện và nhổ cỏ tham nhũng, mà còn trừng phạt nó nữa.

Nhận định về các vị Giáo Hoàng

Christopher White của tờ National Catholic Reporter thì lưu ý tới nhận định của Đức Hồng Y Pell về các vị Giáo Hoàng gần đây. Theo đó, Đức Hồng Y Pell cho rằng ngài không bao giờ thực sự chấp nhận việc Đức Bênêđíctô XVI từ chức năm 2013. Trong số các vị Giáo Hoàng gần đây, ngài gần gũi nhất với Đức Bênêđíctô. Ngài ca ngợi “trí thông minh kỳ diệu” của vị Giáo Hoàng này, và cho biết thêm “Tôi biết ngài nhiều hơn tất cả 2 vị kia”.

White cho biết dù làm việc mật thiết với Đức Phanxicô trong 5 năm, Đức Hồng Y Pell thường bị tri nhận là không ưng ý với nhiều sáng kiến chủ chốt của triều Giáo Hoàng hiện nay, trong đó, có việc chào đón nhiều hơn những người Công Giáo ly dị và tái hôn cũng như thuộc nhóm LGBTQ, và việc thay đổi khí hậu.

Trong cuộc phỏng vấn lần này, Đức Hồng Y Pell cho hay: Đức Giáo Hoàng Phanxicô có “năng khiếu tương cảm và thiện cảm lớn lao”. Nhưng nhiều người thắc mắc không biết ngài đang giảng dạy điều gì.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô có năng khiếu lớn lao, giống Chúa Giêsu, trong việc vươn tay ra với những người ở ngoại vi và những người tội lỗi, và điều này có thể và đã làm người ta bối rối”.

Ngài nói thêm ngay rằng “Ngôi vị Giáo Hoàng là một điều chính Chúa Kitô muốn có và chúng ta phải kính trọng chức vụ này, tôn kính ngài và vâng theo các chỉ dẫn của ngài”.

White cho rằng nổi tiếng về việc mạnh mẽ bênh vực các giáo huấn truyền thống Công Giáo và thường một cách thẳng thừng, không vị nể, Đức Hồng Y Pell chưa bao giờ e ngại lên tiếng và phát biểu ý kiến.

Về việc thay đổi khí hậu chẳng hạn, nhiều người cho ngài là một trong những người bác bỏ, nhưng dịp này, ngài cho hay ngài “chưa bao giờ bác bỏ việc thay đổi khí hậu” và ngài tin nó “rất mạnh mẽ”, nhưng không chắc chắn về việc con người có thể làm gì đối với nó.

Theo White, ngài kể ra khá nhiều điển hình về thay đổi khí hậu: như thời Trung cổ chẳng hạn, sông Rhine đã khô cạn đến 2 lần và không khí thời Chúa Giêsu nóng hơn bây giờ. Ngài bảo “Điều tôi chống đối là ý niệm thổi phồng, cho rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn để giảm thiểu, thay đổi các mẫu mực tự nhiên mênh mông này”.

Tuy nhiên, “không thảo chương vi tính tiên đoán về việc thay đổi khí hậu nào chính xác cả. Không một thảo chương nào”. Có một “sự cách biệt giữa chứng cớ và các đề nghị về chính sách”.