Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã đưa ra lời kêu gọi chung hôm thứ Hai 4 tháng 10 cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, gọi tắt là COP26, vào tháng tới để cổ vũ cho việc đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cứu hành tinh khỏi “một cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có”.

Cuộc họp “Niềm tin và Khoa học: Hướng tới COP26” đã quy tụ các nhà lãnh đạo Kitô Giáo giáo bao gồm Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Anh Giáo thành Canterbury và Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cũng như các đại diện của Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Sikh, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Hỏa giáo và Kỳ Na giáo.

“COP26 ở Glasgow tiêu biểu cho một lời triệu tập khẩn cấp nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có và cuộc khủng hoảng về các giá trị mà chúng ta hiện đang trải qua, và nhằm mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai,” Đức Giáo Hoàng nói.

“Chúng tôi muốn đồng hành với cuộc họp bằng sự cam kết và sự gần gũi về mặt tinh thần của chúng tôi,” ngài nói trong một bài diễn văn được trao cho những tham dự viên thay vì đọc to trong Điện Benedictionsso của Vatican để những người khác có nhiều thời gian hơn để nói.

Lời kêu gọi, trong đó mô tả biến đổi khí hậu là “mối đe dọa nghiêm trọng”, đã được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio và Alok Sharma của Anh, chủ tịch COP26 ở Glasgow.

“Các nhà lãnh đạo đức tin đã đến đây ngày nay đại diện cho khoảng 3/4 dân số thế giới. Ông Sharma nói sau cuộc họp do Vatican, Anh và Ý tổ chức, đó là lý do tại sao tiếng nói của họ lại có ý nghĩa quan trọng.

Đức Tổng Giám Mục Welby, nhà lãnh đạo tinh thần của Anh giáo trên thế giới, đã kêu gọi một “kiến trúc tài chính toàn cầu ăn năn những tội lỗi trong quá khứ”, bao gồm những thay đổi trong các quy định về thuế để thúc đẩy hoạt động xanh.

“Trong 100 năm qua, chúng ta đã tuyên chiến với thiên nhiên. Cuộc chiến chống lại khí hậu ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trong chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Welby nói.

Trong lời kêu gọi chung, các đại diện tôn giáo yêu cầu tất cả các chính phủ áp dụng các kế hoạch giúp hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và triệt tiêu mức thải carbon càng sớm càng tốt.

Các quốc gia giàu có hơn phải đi đầu trong việc giảm lượng khí thải của chính họ và tài trợ cho việc giảm mức thải của các quốc gia nghèo hơn.

“Chúng tôi cầu xin cộng đồng quốc tế, tập hợp tại COP26, thực hiện các hành động nhanh chóng, có trách nhiệm và chia sẻ để bảo vệ, khôi phục và chữa lành nhân loại bị tổn thương của chúng ta và ngôi nhà được giao phó cho chúng ta quản lý,” lời kêu gọi này là kết quả sau nhiều tháng họp trực tuyến giữa 40 hay hơn các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Một số người tham gia nhấn mạnh rằng không quốc gia nào có thể đi một mình.

Rajwant Singh, một nhà lãnh đạo đạo Sikh từ Hoa Kỳ, cho biết: “Nếu một quốc gia chìm xuống, tất cả chúng ta đều chìm theo”.

Trong bài phát biểu bằng văn bản của mình, Đức Phanxicô nói rằng sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo nên được coi là sức mạnh chứ không phải điểm yếu trong việc bảo vệ môi trường.

“Mỗi chúng ta đều có niềm tin tôn giáo và truyền thống tâm linh của mình, nhưng không có biên giới hay rào cản văn hóa, chính trị, xã hội nào ngăn cản chúng ta sát cánh cùng nhau,” ngài nói.
Source:Reuters