1. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô kêu gọi sự chung sống hòa bình giữa các Giáo Hội

Trong ngày thứ ba của chuyến viếng thăm tại Kiev, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã được cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Giáo Hội Chính thống Ukraine mới thành lập gần đây mời tham dự lễ kỷ niệm đánh dấu 30 năm độc lập của Ukraine.

Giáo hội Chính thống giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP, đã kịch liệt phản đối chuyến thăm này với một số lý do, bao gồm khẳng định rằng hầu hết các tín đồ Chính thống giáo ở Ukraine đều phản đối chuyến thăm và rằng chuyến thăm sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa các Giáo Hội Chính Thống tại Ukraine, và là nỗ lực để “hốt sạch” các giáo xứ của UOC-MP.

Trước chuyến thăm, câu hỏi lớn đặt ra là liệu chuyến thăm sẽ được hầu hết người dân Ukraine và thế giới coi là một sự kiện tích cực hay liệu chuyến thăm sẽ bị coi là một sai lầm lớn khi những dự đoán của UOC-MP được chứng minh là đúng. Cũng có câu hỏi liệu UOC-MP có cố gắng “làm hỏng” chuyến viếng thăm của Đức Thượng phụ Đại kết bằng cách thực hiện một số hành động bạo lực hay không.

Vào ngày 16 tháng 8, linh mục trưởng Nikolai Danilevich, người thường xuyên đóng vai trò là một trong những người phát ngôn của UOC-MP, tuyên bố rằng những nỗ lực của những người ủng hộ UOC-MP để tổ chức các sự kiện, chẳng hạn như đám rước, trong chuyến thăm của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô không được chúc lành.

Mặt khác, ông đặc biệt tán thành kế hoạch của tổ chức “Mariane” (tiếng Ukraine là “ Миряне”), có nghĩa là “giáo dân”. Theo kế hoạch này họ sẽ tiến hành một “buổi cầu nguyện phản đối” vào ngày 21 tháng Tám gần tòa nhà quốc hội Ukraine.

Cha Nikolai tuyên bố: “Các tín đồ sẽ hỏi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô xem Giáo hội Constantinople có ý định khắc phục những gì đã gây ra ở Ukraine hay không. Tôi nghĩ rằng hành động này sẽ hữu ích. Hãy để Giáo chủ Constantinople suy nghĩ và trả lời trước công chúng”.

Vào ngày 17 tháng 8, một lá thư chính thức đã được gửi trong đó Thượng Phụ Onufry, người đứng đầu UOC-MP, đặc biệt chúc phúc cho các hoạt động của “Mariane”.

Đáp lại các chỉ trích này, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã kêu gọi sự chung sống hòa bình giữa các Giáo Hội.

Tình hình căng thẳng đến mức, trước khi sang thăm Ukraine, Đức Thượng Phụ Đại kết đã cử hai Đức Tổng Giám Mục Trưởng là Kallioupolis và Madytos Stephanos thay thế ngài trong trường hợp có bất trắc. Hai vị Tổng Giám Mục Trưởng đã cùng đi với ngài đến Sân bay Constantinople.
Source:Sis,ografo

2. Chìa khóa của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc chấm dứt các tổ chức khủng bố

Khi cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu, Thánh Gioan Phaolô II đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tìm ra nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố.

Năm 2002, Thánh Gioan Phaolô II đã viết thông điệp hàng năm của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới khi cuộc chiến ở Afghanistan chỉ mới bắt đầu.

Ngài đau buồn trước thảm kịch 11/9, nhưng cũng lo lắng trước phản ứng toàn cầu đối với các tổ chức khủng bố.

Một mặt, Thánh Gioan Phaolô II đã công nhận quyền bảo vệ đất nước trước chủ nghĩa khủng bố. Vị Thánh Giáo Hoàng khẳng định:

Tồn tại quyền tự vệ chống lại chủ nghĩa khủng bố, một quyền, như mọi khi, phải được thực hiện trong sự tôn trọng các giới hạn đạo đức và luật pháp, trong việc lựa chọn mục đích và phương tiện. Tội phạm phải được xác định một cách chính xác, vì tội phạm luôn mang tính cá nhân và không thể mở rộng đến quốc gia, dân tộc hoặc tôn giáo mà những kẻ khủng bố có thể thuộc về.

Tuy nhiên, ngài cũng tin rằng các phương pháp quân sự không phải là lựa chọn duy nhất. Ngài ủng hộ việc tiêu diệt tận gốc các tổ chức khủng bố. Thánh Giáo Hoàng Ba Lan viết:

Hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại các hoạt động khủng bố cũng phải bao gồm một cam kết chính trị, ngoại giao và kinh tế can đảm và kiên quyết nhằm giảm bớt các tình huống áp bức và gạt ra bên lề, là những điều tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch của bọn khủng bố. Trên thực tế, việc tuyển mộ những kẻ khủng bố dễ dàng hơn trong những tình huống mà quyền lợi bị chà đạp và những bất công được dung thứ trong một thời gian dài.

Các tổ chức khủng bố sẽ được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh bị áp bức và nghèo đói. Nếu các điều kiện cơ bản của chủ nghĩa khủng bố không được loại bỏ tận gốc, nó sẽ chỉ càng mạnh mẽ hơn.

Hơn nữa, chủ nghĩa khủng bố không thể nhận được sự ủng hộ của bất kỳ tôn giáo hoặc nhà lãnh đạo đạo đức nào.

Các hệ phái khác nhau của Kitô Giáo, cũng như các tôn giáo lớn trên thế giới, cần phải làm việc cùng nhau để loại bỏ các nguyên nhân xã hội và văn hóa của chủ nghĩa khủng bố. Họ có thể làm điều này bằng cách dạy về sự vĩ đại và phẩm giá của con người, và bằng cách truyền bá ý thức rõ ràng hơn về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại. Đây là một lĩnh vực cụ thể của đối thoại và hợp tác đại kết và liên tôn giáo, một dịch vụ cấp bách mà tôn giáo có thể cống hiến cho hòa bình thế giới.

Đặc biệt, tôi tin rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo lớn là Do Thái, Kitô Giáo và Hồi giáo giờ đây phải đi đầu trong việc công khai lên án chủ nghĩa khủng bố và lên án những kẻ khủng bố lợi dụng bất kỳ hình thức hợp pháp nào liên quan đến tôn giáo hay đạo đức.

Trên tất cả, con đường dẫn đến hòa bình chỉ có thể được thiết lập thông qua sự tha thứ.

Các tổ chức khủng bố sẽ tiếp tục phát triển mạnh trên thế giới chừng nào hòa bình và hòa giải chưa được thiết lập và các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố chưa bị loại bỏ.
Source:Aleteia

3. Hình ảnh độc đáo của Đức Giáo Hoàng không mấy ai đã từng thấy qua

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu túc cầu vừa có một món đồ chơi mới là chiếc bàn đá banh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được hàng chục chiếc áo túc cầu và các quả bóng trong suốt 8 năm làm giáo hoàng nhưng ngài vừa có một món đồ chơi mới theo chủ đề túc cầu vào hôm thứ Tư vừa qua, đó là một bàn đá banh.

Đức Phanxicô đã chơi ngay một hiệp trên bàn đá banh vừa được trao tặng cho ngài vào cuối buổi tiếp kiến chung với đại diện của một hiệp hội bóng bàn có trụ sở tại Tuscany. Hiệp hội này có tên là Toscana Calcio Balilla ở Altopascio.

Thị trưởng của Altopascio, cô Sara D’Ambrosio, đã viết trên Facebook rằng chiếc bàn đá banh này được thiết kế theo lối hòa nhập, nghĩa là hoạt động tốt cho những người khuyết tật về thể chất để khuyến khích họ tham gia thể thao.

Vị giáo hoàng sinh tại Á Căn Đình là một người nổi tiếng yêu thích túc cầu và là người hâm mộ câu lạc bộ San Lorenzo ở Buenos Aires. Từ lâu, ngài đã cổ vũ thể thao như một cách để thúc đẩy sự đoàn kết và hòa nhập, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.


Source:AP

4. Kitô hữu gặp hiểm nguy ở Afghanistan

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ Ý lặp lại những lo ngại của Heiner-Geldern rằng việc áp dụng lại luật Sharia sẽ “xóa sạch một số quyền tự do đã giành được một cách vất vả, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo rất mong manh” và họ dự đoán rằng “tất cả những người không chia sẻ chủ nghĩa Hồi giáo của Taliban, bao gồm cả những người Sunni ôn hòa, do đó đang gặp hiểm nguy”.

Hơn 99% dân số 27.6 triệu người của Afghanistan là người Hồi giáo; hầu hết là người Hồi giáo dòng Sunni, và chỉ có 10% là người Shiite. Theo Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, con số Kitô hữu không rõ ràng, và có thể thay đổi từ 1,000 đến 20,000 vì nhiều người thực hành đức tin của họ trong bí mật.

Tổ chức bác ái này kể lại rằng vào năm 2010, Taliban đã giết 10 nhân viên nhân đạo bị buộc tội truyền bá Kitô giáo và là gián điệp nước ngoài. Cũng có báo cáo cho rằng Tổ chức này đã nói với các nhà lãnh đạo của các Giáo Hội hầm trú rằng họ đang bị theo dõi, và mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng các Kitô hữu có thể bị giết hoặc các cô gái trẻ Kitô hữu bị gả cho các chiến binh Taliban.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đưa tin: “Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, các tân tòng Kitô hữu từ Hồi giáo đã phải đối diện với sự tẩy chay và thậm chí bạo lực từ các thành viên trong gia đình. Tính đến ngày 16 tháng 8, hai tu sĩ Dòng Tên người Ấn Độ và bốn Thừa sai Bác ái đang chờ để được di tản”.

Trong khi đó, vào ngày 19 tháng 8, một nhóm Thệ phản hầm trú cáo buộc rằng các Kitô hữu Afghanistan đã chạy trốn lên núi “trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi Taliban đang đi từng nhà cố gắng giết họ”. Báo cáo khẳng định, các phần tử duy Hồi giáo có một “danh sách tấn công các Kitô hữu nổi tiếng mà họ đang nhắm để truy lùng và giết hại”.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, viết trên The Epoch Times: “Sự cai trị bằng luật Sharia của Taliban là thảm họa đối với nhân quyền. Thực thế, nếu không có các quyền căn bản, mọi người đều có nguy cơ bị bắt giữ và trừng phạt tùy tiện”.

Cha Dòng Barnabite, Giovanni Scalese, là người phụ trách Xứ Truyền giáo độc lập ở Afghanistan, một thực thể Công Giáo duy nhất trong nước, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập năm 2002. Vào tháng 4, ngài bày tỏ nghi ngờ cho rằng Taliban sẽ có thể khôi phục một Tiểu vương quốc duy Hồi giáo, nhưng cũng như nhiều người khác, ngài cũng không dự đoán chính phủ Afghanistan sẽ sụp đổ.

Phát biểu với tờ Register tuần trước, Cha Scalese cho biết đất nước đang trải qua một “thời điểm rất khó khăn” nhưng không muốn nói thêm do tình hình nhạy cảm.

Ngài nói, “Điều duy nhất tôi nói với bạn là cầu nguyện cho chúng tôi”.