Hạn từ Thượng Hội Đồng (synod) là một hạn từ rất cổ xưa, nhưng hạn từ tính đồng nghị (synodality), một hạn từ phát sinh từ nó, thì tương đối mới mẻ, đến độ, thực sự chưa có định nghĩa chính thức về nó. Đức Phanxicô, nếu không phải là người sáng chế ra hạn từ này thì ít nhất cũng là người đã hết sức nhấn mạnh đến nó. Nhưng vì ít lưu tâm đến khía cạnh lý thuyết, chính ngài cũng chưa chính thức đưa ra định nghĩa nào về hạn từ này. Căn cứ vào các diễn từ và tài liệu chính thức liên quan đến diễn trình này, ý tưởng “cùng nhau bước đi” đã được nhấn mạnh, do đó, mà một số tác giả Việt Nam dịch nó là “tính hiệp hành”. “Hành” quả là bước đi. Đúng là ý hướng của Vatican II.
Tuy nhiên, trong khi “synod” có nghĩa là cùng bước đi và tại các Giáo Hội phương Đông, nó có nghĩa một cuộc hội họp mang tính lập pháp, và do đó, cùng nhau bước đi thật, thì trong Giáo Hội phương Tây, nó chỉ là một định chế mang tính tư vấn, khác với một công đồng, kể cả công đồng giáo phận. Nghĩa là tập chú của nó vẫn chỉ là những nghị bàn, những nghị bàn rất có thể trở thành, hay không trở thành lập pháp, tùy thẩm quyền của đấng bản quyền, mà thực tế là giám mục giáo phận, Đức Giáo Hoàng, giám mục đoàn một nước, một miền hay toàn thể Giáo Hội. Cho nên, dịch nó là tính đồng nghị, thiết tưởng không xa rời bối cảnh Giáo Hội.
Như đã thưa, đối với Đức Phanxicô, điều trên không có gì quan trọng, quan trọng là diễn trình lắng nghe, tham dự, biện phân. Hiệp hành hay đồng nghị thẩy đều có những bước như thế. Và bước đầu tiên lẽ dĩ nhiên là lắng nghe từ cấp giáo xứ, lên cấp giáo phận, rồi quốc gia và miền, sau cùng là hoàn vũ. Và diễn trình này, theo nguyên tắc, đã bắt đầu từ Chúa Nhật 17 tháng 10 năm 2021.
Từ ngày đó, đã có nhiều phản ứng khác nhau. Phần đông dĩ nhiên là thuận lợi. Nhưng sự thuận lợi này có nhiều sắc thái khác nhau.
Phản ứng lẫn lộn
Cụ thể là ở Hoa Kỳ. Colleen Dulle và Doug Girardot, của tạp chí America, cho hay: vào khoảng một nửa các giáo phận được họ hỏi ý kiến đã bổ nhiệm phối trí viên Thượng Hội Đồng địa phương, theo chỉ thị của Tòa Thánh, dự trù tổ chức một thánh lễ khai mạc...
Richard Coll, giám đốc chấp hành của Tiểu Ban Công lý, Hòa Bình và Phát triển Nhân bản của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, người phối hợp các phối trí viên của diễn trình, cho biết: dù các Giám Mục Hoa Kỳ, nói chung, chậm chạp trong việc đáp ứng mô hình đồng nghị hơn các Giám Mục ở các nước như Ái Nhĩ Lan, Đức và Úc..., nhưng sự chậm trễ này không hẳn do việc thiếu cởi mở đối với diễn trình đồng nghị. Đúng hơn, vì các giáo phận Hoa Kỳ đang phải đối đầu với hàng loạt các thách thức liên quan đến diên trình như không đủ thời gian để chuẩn bị, thiếu các nguồn thông tin và tài chánh và nhất là đại dịch COVID-19.
Ông Coll cũng cho hay có đến 40 phần trăm các giáo phận Hoa Kỳ được coi như các giáo phận “truyền giáo”, nghĩa là bao trùm một diện tích quá lớn, lại ít giáo dân, nhiều khó khăn về tài chánh, nên việc lập kế hoạch cho các phiên lắng nghe có thể thu hút nhiều người trở nên đặc biệt khó khăn. Tổng giáo phận Anchorage-Juneau, Alaska, chẳng hạn, cho biết họ không thể cung cấp bất cứ thông tin nào về kế sách đồng nghị cả.
Dĩ nhiên, nhiều giáo phận Hoa Kỳ chuẩn bị rất tốt cho diễn trình đồng nghị. Giáo phận Gary, Ind., chẳng hạn, nhiều tháng trước khi diễn trình chính thức bắt đầu, đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ với các linh mục và hội đồng mục vụ về chủ đề này. Giáo phận này, cùng với các giáo phận như Corpus Christi, Tex., Marquette, Mich., Phoenix, Ariz., và Reno, Nev., đã có kế hoạch vươn tới các nhóm ngoại vi vốn được Đức Phanxicô lưu ý nhấn mạnh. Giáo phận Bridgeport, Conn., ngay từ tháng 8, đã gửi thư đến các mục tử của giáo phận để giải thích mục tiêu của Thượng Hội Đồng và chỉ thị các giáo xứ chọn các đại biểu cho diễn trình. Ở giáo phận St. Augustine, Fla., các phối trí viên đã phân phối tới các gia hộ các bưu thiệp nhằm phát động diễn trình.
Thực ra, vẫn còn quá sớm để có nhận định dứt khoát về các giáo phận Hoa Kỳ. Ông Coll cho rằng mặc dù Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong kỳ họp trực tuyến hồi tháng 6 vừa qua không dành thì giờ nói tới Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, nhưng các ngài dự tính sẽ dành 45 phút trong kỳ họp trực tiếp vào tháng 11 này để bàn về nó. Và ông tin chắc rằng khi có thêm các giáo phận khởi sự diễn trình, các giáo phận khác sẽ theo chân.
Bẩy điều không thể thương lượng
Joe Bukuras của CNA tường trình một phản ứng ông cho là thận trọng của Đức Hồng Y Dolan đối với diễn trình đồng nghị, khi ngài nhấn mạnh đến 7 điều “không thể thương lượng” trong diễn trình đồng nghị, trong bài giảng lễ Chúa Nhật vừa qua.
Bẩy điều đó là:
*Năng lực và hướng đi của Giáo Hội phát xuất từ Chúa Thánh Thần, không phải từ chúng ta.
* Dù ở thế gian, chúng ta không thuộc thế gian, và do đó, các nguyên tắc điều hướng chúng ta phát xuất từ Tin Mừng, từ mạc khải và di sản giáo huấn lâu đời của Giáo Hội.
* Các nguyên tắc về phẩm giá bẩm sinh của mọi con người và tính thánh thiêng nội tại của mọi sự sống con người là những hải đăng luân lý đồ sộ soi đường ta đi.
* Cuộc lữ hành của ta ở trên đời tiến về quê hương đích thực và vĩnh cửu trên trời được thực hành hữu hiệu nhất như một cuộc lữ hành khi ta bước đi và đồng hành với nhau, với Chúa Giêsu như vị hướng dẫn, với Mẹ Người và các thánh, và những kẻ tội lỗi chúng ta bên cạnh nhau.
* Trên con đường lữ thứ này, chúng ta đặc biệt để ý tới những người bên vệ đường, nhất là người bệnh, yếu ớt, nghèo khổ hay không theo kịp bước với chúng ta.
* Sự giầu có của chúng ta chỉ phát xuất từ đức tin, tín thác, cầu nguyện, các bí tích, và ơn Thánh của Người.
* Cuối cùng, lòng thương xót, tình yêu, mời gọi, khiêm nhường, niềm vui, quên mình phục vụ đại lượng, và gương sáng là các dụng cụ duy nhất của ta, chứ không không bao giờ là cọc cằn, kết án, hay kiêu căng.
Không tham gia vì nguy cơ ý thức hệ
Thận trọng nhắc lại những nguyên tắc muôn thuở của truyền thống Công Giáo như trên quả là điều chính đáng trong bầu khí có những người muốn lái diễn trình đồng nghị sang một hướng thỏa hiệp có thể gây nguy hiểm cho tính chính thống của bất cứ triều Giáo Hoàng nào.
Chính mối lo lắng trên đã khiến một tổng giáo phận Công Giáo ở Âu Châu không tham dự diễn trình đồng nghị được Đức Phanxicô chính thức phát động.
Thực vậy, theo CNA, trong bản tin ngày 20 tháng 10, 2021, Đức Tổng Giám Mục Wolfgang Haas của tổng giáo phận Vaduz, Liechtenstein, ngày 15 tháng 10, nói rằng tổng giáo phận của ngài sẽ không tham dự diễn trình đồng nghị kéo dài 2 năm khắp thế giới vì diễn trình có “nguy cơ trở thành ý thức hệ”.
Ngài nói “ý kiến của tôi là trong tổng giáo phận nhỏ của chúng tôi, có thể có những lý do chính đáng để không thi hành một thủ tục phức tạp và đôi khi thậm chí còn rắc rối nữa, một thủ tục về phía chúng tôi có nguy cơ trở thành ý thức hệ”.
Thực ra, câu chuyện không hẳn đúng như thế. Vì hơn bất cứ tổng giáo phận Công Giáo nào khác, tại tổng giáo phận của ngài, việc lắng nghe, đối thoại giữa chủ chăn và tín hữu giáo dân, phần chủ chốt của hai năm đầu của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, vốn là diễn trình thường xuyên diễn ra.
Thực vậy, tổng giáo phận của ngài nằm ở thủ đô Liechtenstein, một tiểu quốc nói tiếng Đức tọa lạc tại vùng Alps giữa Áo và Thụy Sĩ, có diện tích nhỏ hơn cả Washington, D.C., với tổng số dân 38,000 người trong đó khoảng 73% là người Công Giáo.
Trước năm 1997, tổng giáo phận Vaduz là một hạt của giáo phận Thụy sĩ Chur, được Đức Gioan Phaolô tách ra và nâng lên hàng tổng giáo phận ngày 2 tháng 12 năm 1997. Nó bao gồm toàn bộ Công quốc Liechtenstein với 12 giáo xứ, không thuộc bất cứ Hội Đồng Giám Mục nào và cũng không có bất cứ giáo phận phụ thuộc nào.
Chính vì tầm cỡ ấy, Đức Tổng Giám Mục Haas cho hay ngài cảm thấy tổng giáo phận của ngài không cần tham dự diễn trình hoàn cầu. Ngài nói “một đàng, các mối liên hệ gần gũi trong các giáo xứ của chúng tôi giúp cho việc tiếp xúc giữa các mục tử và hàng ngũ giáo dân rất nhanh chóng và không có gì rắc rối cả, đến nỗi việc trao đổi trí thức và tâm linh đã luôn luôn và hiện còn khả hữu”.
Ngài nói thêm, “Tất cả những ai muốn làm thế đều có thể bước vào đối thoại với nhau, lắng nghe nhau, và duy trì thông đạt bản thân về các gợi ý, ý muốn, và các ý nghĩa trong đời sống Giáo Hội hàng ngày”.
“Mặt khác”, theo ngài, “dù sao cũng đúng là các tham khảo ý kiến diễn ra ở nhiều bình diện khác nhau, nghĩa là cả ở bình diện giáo phận, mặc dù hiện nay, do đại dịch, không phải mọi sự đều khả hữu qua các gặp gỡ đích thân. Nhưng ai muốn bày tỏ bằng chữ viết các ý nguyện, quan tâm và gợi ý của họ đối với việc lên khuôn đời sống Giáo Hội trong giáo phận vẫn có thể làm thế bằng cách trực tiếp tiếp xúc với văn phòng Tổng Giám Mục hay cha tổng đại diện”.
Bao gồm càng nhiều người càng tốt
Trong khi ấy, theo Jose Torres Jr. của LiCAS.news, Đức Hồng Y Jose Advincula, Tổng Giám Mục Manila, trong bài giảng khai mạc diễn trình hôm Chúa nhật 17 tháng 10, thề hứa sẽ lắng nghe các tín hữu: “Chúng ta hãy tạo các dịp để lắng nghe và đối thoại trên bình diện địa phương qua Thượng Hội Đồng này”.
Ngài nhấn mạnh, “Trong gia đình Thiên Chúa, anh chị em có tiếng nói và tiếng nói của anh chị em đáng kể”. Vì thế, theo ngài, diễn trình sẽ lôi kéo “càng nhiều người càng tốt”.
Trong khi đó, Đức Cha Emmanuel Trance của giáo phận Catarman, miền trung Phi Luật Tân, thúc giục các tín hữu “lắng nghe không những bằng tai mà còn bằng cả cõi lòng” và “lắng nghe người bên lề, thậm chí cả cộng đồng phi Kitô giáo nữa”.
Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, trước đó, công bố rằng “các nhóm nhỏ” sẽ hội họp trong các giáo xứ, trường học, và cộng đoàn Giáo Hội “để cầu nguyện với nhau” và thảo luận các vấn đề có ảnh hưởng đến Giáo Hội.
Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, nói rằng “Thượng Hội Đồng không phải chỉ là cuộc họp về quản trị; nó là một công hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn nhằm thách thức truyền giáo".
Ngài cho hay trong số các vấn đề được mang ra thảo luận trong các buổi gặp gỡ sẽ là các thách thức đặt ra do COVID-19, cũng như do tai tiếng tình dục và tài chánh trong Giáo Hội và chính phủ, “chủ nghĩa thế tục và duy vật và sức mạnh hai lưỡi của thế giới kỹ thuật số”.
Đức Hồng Y Advincula nói thêm: các vấn đề liên quan tới phụ nữ, trẻ em, người cao niên, những người trong kinh doanh, các viên chức chính phủ, các thành viên của cộng đồng LGBTQ+, và các công nhân bình thường sẽ được thảo luận trong diễn trình.
Dọn đường cho diễn trình tham khảo quốc gia
Nhưng định chế tỏ ra tích cực hơn cả phải kể Hội Đồng Giám Mục Ý. Thực vậy, theo Elise Ann Allen của tạp chí Crux, Hội Đồng này đã lồng diễn trình của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị này vào diễn trình tham khảo toàn quốc của họ qua một Thượng Hội Đồng toàn quốc kéo dài từ nay đến năm 2025.
Thượng Hội Đồng riêng của Ý cũng chia thành 3 giai đoạn. “Giai đoạn trình thuật” kéo dài 2 năm: 2021-2023, nhằm thu thập thông tin và lắng nghe. Năm thứ nhất, các câu truyện, ước nguyện, đau khổ và tài nguyên của mọi tín hữu muốn tham gia sẽ được thu thập dựa trên các câu hỏi do Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị soạn thảo. Năm thứ hai sẽ đúc kết các ưu tiên mục vụ từ thông tin vừa thu thập của năm đầu.
Giai đoạn hai trong các năm 2023-2024, trong đó, các tín hữu dưới sự hướng dẫn của các mục tử và thần học gia, sẽ tiến hành một cuộc suy tư sâu sắc từ thành quả tham khảo của hai năm đầu. Giai đoạn ba trong năm 2025 là Thượng Hội Đồng Giám Mục quốc gia để đưa ra các điểm cụ thể cho hành động.
Vincenzo Corrado, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết các Giám Mục Ý sẽ rút tỉa từ cuộc thảo luận và các kết luận của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng Nghị để hướng dẫn diễn trình tham khảo hai năm đầu của các ngài.
Trong một thông cáo báo chí vào cuối phiên họp toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Ý hồi tháng 3 năm nay, mục tiêu của Thượng Hội Đồng Ý được nêu rõ như sau: “nay là lúc phải từ bỏ các siêu cấu trúc nào có tiếng là xưa cũ và trùng lắp, phục hồi cảm thức chứng thực và giá trị của việc lập kế hoạch giữa những chọn lựa cụ thể, đôi khi cần ly khai với, hoặc, dù sao, cũng không cùng hàng với não trạng ‘xưa nay mình vẫn làm như thế’... Chỉ bằng cách này, chúng ta mới cởi mở một cách có trách nhiệm để lắng nghe sự thay đổi của thời đại và bắt đầu cùng nhau bước đi”.
Bản thông cáo cũng viết thêm rằng Thượng Hội Đồng quốc gia cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng Nghị, đã được lên kế sách không “như một con đường lập sẵn, mà như một diễn trình, đánh dấu bằng nhịp bước hiệp thông...”