Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 27 tháng 10, ông đã có một bài nhận định nhan đề “A Shanksville Meditation”, nghĩa là “Một Suy tư về Shanksville”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.
Điểm gây xúc động nhất của Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Shanksville, Pennsylvania, là hình ảnh của 40 người nam nữ dũng cảm đã hy sinh vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, trong khi ngăn chặn bọn khủng bố al-Qaeda phá hủy Điện Capitol của Mỹ. Vào thời điểm chia rẽ và phân cực dữ dội này ở Mỹ, điều quan trọng là phải suy ngẫm về những hình ảnh đó và học hỏi từ chúng, dù chúng có thể ở ngoại vi đối với thiết kế của đài tưởng niệm này.Vào lúc 8:42 sáng ngày 11 tháng 9, chiếc Boeing 757 của United 93 đã cất cánh trong chuyến bay từ Newark đến San Francisco. Tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị một chiếc máy bay không tặc tấn công 4 phút sau đó. Lúc 9:03 sáng, tháp phía nam bị đánh. Khoảng 25 phút sau đó, những kẻ khủng bố chiếm quyền kiểm soát United 93. Và vài phút sau, Lầu Năm Góc bị tấn công bởi một máy bay không tặc khác. Hai mươi phút tiếp theo đã viết nên một câu chuyện sử thi về lòng dũng cảm và quyết tâm, đi vào biên niên sử của lịch sử Hoa Kỳ.
Nhờ có điện thoại di động và điện thoại trên máy bay, các hành khách của Chuyến bay 93, những người bị dồn về phía sau máy bay sau khi những kẻ không tặc chiếm lấy buồng lái, đã biết được điều gì đã xảy ra với Tháp Đôi và Lầu Năm Góc. Ba mươi bảy cuộc điện thoại, cộng với việc máy bay đã lùi hướng và đang hướng về phía đông, về phía Washington, đã thuyết phục các hành khách rằng vụ không tặc của United 93 là một phần của một âm mưu khủng bố phối hợp nhằm làm tê liệt nước Mỹ. Sau khi thảo luận về tình huống và trách nhiệm của họ, các hành khách đã bỏ phiếu để cố gắng chiếm lại máy bay, giải quyết tên không tặc vẫn còn trong khoang hành khách (và tuyên bố có bom), và sau đó mở đường đi vào buồng lái để giành lại quyền kiểm soát của một chiếc máy bay phản lực nặng 65 tấn đang lao nhanh trên bầu trời.
Hành khách Todd Beamer, một nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy, đã đọc kinh Lạy Cha và Thánh Vịnh 23 với nhân viên điều hành điện thoại Lisa Jefferson trên mặt đất, yêu cầu cô gọi cho gia đình anh và nói với họ rằng anh yêu họ đến nhường nào “nếu tôi không về được”. Jefferson sau đó nghe Beamer nói với những người khác, “Các bạn đã sẵn sàng chưa? Được chứ. Hãy nhào vô!” Hành khách lao vào buồng lái, khống chế tên không tặc trước đó đã hù dọa họ là có một quả bom. Sau một vài phút vật lộn, chiếc máy bay nằm ngửa và Chuyến bay 93 lao xuống vùng nông thôn Pennsylvania với tốc độ 563 dặm một giờ, làm khoét sâu một hố như miệng núi lửa sâu từ 8 đến 10 feet và rộng từ 30 đến 50 feet, làm bùng lên một quả cầu lửa bốc lên bầu trời như một đám mây hình nấm khổng lồ. Tất cả mọi người trên tàu đều chết ngay lập tức do chấn thương vì lực đâm quá mạnh; Điện Capitol, nơi Quốc hội đang họp, đã được cứu.
Các hành khách của Chuyến bay 93 chỉ mất chưa đầy hai mươi phút để quyết định rằng họ thà liều chết với tư cách là những người nam nữ tự do hơn là chịu sự hủy diệt chắc chắn như những người phải phục tùng những đứa gian ác có ý định giết người hàng loạt. Dù họ có khác biệt về chủng tộc, giới tính hay quan điểm chính trị đi chăng nữa, thì họ đã có một sự thống nhất trong quyết tâm ngăn chặn thảm họa quốc gia lần thứ tư vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Trong những phút định mệnh và khốc liệt dẫn đến việc họ bỏ phiếu phản kháng bọn không tặc, tôi nghĩ đã không có cuộc thảo luận về nước Mỹ đã được sáng lập ra sao, phân biệt chủng tộc có hệ thống thế nào, kỳ thị đồng tính hoặc theo chủ nghĩa kỳ thị nữ giới. Truyền thống hợp tác tự do của người Mỹ vì lợi ích chung, điều mà Alexis de Tocqueville đã gây ấn tượng khi ông viết bài Dân chủ ở Mỹ 160 năm trước đó, vẫn còn tồn tại trên United 93 từ 9:30 đến 10 giờ sáng ngày 11 tháng 9.
Không có gì trong những điều này được chuyển tải qua thiết kế của Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93. Bức tường kỷ niệm các hành khách và phi hành đoàn là một sự bắt chước kém cỏi của Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam trên National Mall. “Tower of Voices” bằng bê tông, xấu xí với bốn mươi chiếc chuông gió không có mối liên hệ rõ ràng nào với các hành khách và phi hành đoàn mà nó tuyên bố là tưởng nhớ. Trung tâm Du khách trông giống như Tòa nhà phía Đông của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia IM Pei, được xẻ đôi theo chiều ngang. Thiết kế không mang tính biểu tượng, không nêu bật được chân lý siêu việt mà các hành khách và phi hành đoàn của Chuyến bay 93 thể hiện: đó là ý tưởng cổ điển về những gì một đài tưởng niệm nên làm.
Nhưng, có lẽ, có một ngoại lệ. Tấm đá cẩm thạch trắng trên đó có khắc tên của hành khách Lauren Catuzzi Grandcolas, bao gồm, bằng các chữ cái nhỏ hơn, “và đứa trẻ chưa sinh”. Dòng chữ ngắn gọn đó có một sức mạnh gợi ý duy nhất trong một đài tưởng niệm không thể nói lên được phẩm giá của cuộc sống một cách hùng hồn, như được khẳng định bởi những người nam nữ của Chuyến bay 93, những người đã chọn không nao núng khi đối mặt với sự gian ác, và như thế, lựa chọn họ đưa ra là cao quý thực sự.
Source:First Things