Sự từ chức của Đức Ông Igor Kovalevskij, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Nga, đã gây náo động trong giới Công Giáo ở Mạc Tư Khoa và các nơi khác. Ngài đã từ chức để phản đối cấp trên và các đồng liêu của mình. Sứ vụ linh mục của ngài trùng với ba mươi năm “phục hưng tôn giáo” của nước Nga hậu Xô Viết; những câu hỏi mà ngài nêu ra không chỉ về những bất đồng cá nhân, mà còn về một số chiều kích quan trọng trong sứ mệnh của Giáo hội nói chung.
Vào ngày 19 tháng 11, Đức Ông Kovalevsky giải thích quyết định của mình trong một cuộc phỏng vấn dài với cổng thông tin Credo.ru, một nguồn thông tin quan trọng về đời sống tôn giáo ở Nga. Nhiều người cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải giải quyết một số vấn đề mà Đức Ông Kovalevsky nêu ra, không sa đà vào tranh cãi, mà là chấp nhận lời kêu gọi của một người anh em và một người bạn, và vì lợi ích của cả cộng đồng.
Vấn đề nghiêm trọng nhất là số phận của các tòa nhà liên kết với nhà thờ hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Mạc Tư Khoa, mà Tòa Giám Mục dự định bán đi để bảo đảm thu nhập, thay vì khôi phục nó để làm nơi thờ phượng và các hoạt động mục vụ. Đức Ông Kovalevsky nói, “người ta biết rằng ma quỷ tồn tại chính xác trong kinh nghiệm phục vụ,” nơi người ta được kêu gọi để đưa ra các quyết định vì lợi ích của Giáo hội, nhưng những cám dỗ và yếu đuối của con người lại bộc lộ ra.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Ông Kovalevsky đã bày tỏ âu lo đối với “sự yếu kém về vật chất và tinh thần của Giáo hội ở Nga”. Đây là câu hỏi khiến mọi người quan tâm: liệu Giáo hội nên dựa vào “những dự án đầy tham vọng” hay dựa vào “chủ nghĩa hiện thực”. Sau khi Liên Xô thoát khỏi họa cộng sản, trong giai đoạn đầu, sự nhiệt tình đối với sự tái sinh tôn giáo đã dẫn đến việc mở nhiều công trình kiến trúc, thậm chí trước khi các tín hữu tập trung lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong 15 năm qua cho thấy cần phải giảm bớt các sáng kiến và chương trình mục vụ. Theo lời của Đức Ông Kovalevskij, cần tìm ra một cách cân bằng giữa “sự hiện diện” của người Công Giáo trong nước và động lực hướng tới “sứ mệnh”.
Việc xây dựng lại Nhà thờ ở Nga đã bắt đầu từ đầu, sau 70 năm bị o ép bởi chủ nghĩa vô thần. Các tín hữu đã và đang rất ít, ngay cả trong Giáo hội Chính thống giáo chiếm đa số, và thậm chí sau 30 năm, nền giáo dục tôn giáo và văn hóa của người Nga vẫn còn rất kém.
Cựu thư ký Hội đồng Giám mục cũng đề cập đến một vấn đề rất nhạy cảm, cái mà ông gọi là chứng dị ứng với người Ba Lan ở Nga. Đó là một vấn đề có nguồn gốc lịch sử rất xa xưa, nhưng có liên quan đến các hình thức hiểu lầm khác, trong chính cộng đồng Công Giáo Nga. Có sự khác biệt giữa những nhà truyền giáo nước ngoài và những nhà truyền giáo từ thế giới Ba Lan-Ukraine, chẳng hạn như Đức Ông Kovalevsky.
Source:Asia News