CANH TÂN VIỆC GIẢNG LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Khi cử hành thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ Chúa Nhật, linh mục có nhiệm vụ sữa soạn cho giáo dân hai bàn tiệc: bàn tiệc thánh thể và bàn tiệc lời Chúa. Cả hai bàn tiệc đều quan trọng, và có quan hệ mật thiết. Bàn tiệc Lời Chúa vừa nuôi sống, vừa chuẩn bị cho người kitô hữu hiệp thông mật thiết với Đức Kitô trong bí tích.

Chúng ta dừng lại bàn tiệc Lời Chúa, và cách đặc biệt ở bài giảng lễ, vì đây là một nhiệm vụ vừa quan trọng, vừa vô cùng khó khăn. Giảng lễ còn là một nghệ thuật cần phải không ngừng trau dồi, vừa có hiệu năng nhờ ân sủng siêu nhiên. Hai yếu tố tự nhiên và siêu nhiên trong việc giảng lễ có tương quan hữu cơ với nhau. Yếu tố này tuỳ thuộc và phát huy sức mạnh nhờ yếu tố kia.

1. Yếu tố siêu nhiên :

Trước hết linh mục cần xác tín rằng giảng không phải là diễn thuyết: dùng tài hùng biện để thuyết phục quần chúng, làm cho quần chúng say mê, ngưỡng mộ và cuối cùng đi theo mình, theo quan điểm lập trường của mình. Trong giảng thuyết, có hùng biện, nhưng hùng biện không phải là điểm chính.

Điều quan trọng là làm thế nào để lời lẽ của linh mục trở thành dụng cụ cho sự thuyết phục của Chúa Thánh Thần. Lời lẽ của linh mục trở thành lương thực nuôi dưỡng đức tin của giáo dân. Linh mục vừa cung cấp một nội dung đức tin, vừa chia sẻ sự sống đức tin.

Nội dung đức tin được cung cấp dựa vào Lời Chúa, vì Lời Chúa mới là Lời sự sống, là ánh sáng chỉ đường, là Lời mặc khải chờ đợi sự đáp trả. Linh mục chỉ quảng diễn Lời, vắn tắt, dễ hiểu, làm nổi bật bật Lời, chứ không che lấp Lời. Không buộc linh mục quảng diễn mọi nội dung của các bài đọc, vì bài giảng không là một lớp học kinh thánh. Nhưng ít nhất phải có một vài nội dung chính yếu nào đó, một vài ý làm thành một nội dung thống nhất, chứ không phải một mớ những ý tưởng rời rạc.

Đức tin không chỉ là nội dung tư tưởng, mà còn là sự sống, là ân sủng do Thiên Chúa ban qua trung gian của linh mục. Lòng tin được khơi dậy bởi Chúa Thánh Thần nhờ tác động của lời nói của linh mục. Linh mục truyền đạt một đức tin sống động, chứ không phải một mớ ý tưởng. Chính vì thế lòng tin của linh mục hết sức quan trọng. Linh mục phải tin, xác tín vào những điều mình nói. Linh mục phải sống ít nhất là một phần nào điều mình nói, phải có kinh nghiệm về những điều mình nói, không nói những lời trống rỗng, mà những lời chân lý, những lời có chất lượng.

Giảng là truyền đạt đời sống đức tin, nên nội dung được truyền đạt phải được tiêu hoá, trở thành lương thực. Để được như vậy linh mục phải cầu nguyện trước khi dọn bài giảng, trước khi giảng, cầu nguyện xin ơn đức tin cho mình và cho những người nghe. Linh mục phải suy niệm trong lòng, và quyết tâm thi hành.

Giảng là loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Mà trọng tâm của Tin Mừng là Chúa Giêsu Kitô. Nên bài giảng, nhất là giảng lễ Chúa Nhật, phải đề cập đến Đức Giêsu. Giảng còn là giúp cho giáo dân đưa Tin Mừng vào cuộc sống thực tế, nên phải nói về Chúa Giêsu như thế nào để cho giáo dân thấy rõ tương quan giữa Ngài và đời sống đạo của họ hôm nay. Điều này đòi hỏi linh mục động não, suy tư, vận dụng sáng tạo nội dung của Mặc Khải.

Theo sự hướng dẫn của Bộ giáo sĩ, thừa tác vụ Lời Chúa phải có nội dung trong sáng về thần học, tu đức, phụng vụ và luân lý, và con người phục vụ Lời phải luôn nghĩ đến những nhu cầu, các đau khổ, các vấn đề của những người mình phục vụ. Nhưng nguồn chính của bài giảng lễ vẫn phải luôn là Kinh Thánh.

2. Yếu tố tư nhiên :

Vì giảng lễ là loan báo, là truyền đạt, nên giảng cũng là một nghệ thuật. Linh mục, dù đã giảng lễ nhiều năm, vẫn nên tiếp tục trau dồi nghệ thuật giảng thuyết, để việc giảng thuyết không trở thành một gánh nặng cho mình và cho người nghe. Bài giảng cần có một số đặc tính của nghệ thuật truyền đạt cho đại chúng:

Trước hết, bài giảng phải thật rõ ràng, dễ hiểu. Ai cũng hiểu được, dù là một nhà bác học hay một người không biết chữ. Bố cục rõ, từ ngữ dùng dễ hiểu, giọng nói rõ, không quá mau. Không cần phải lớn tiếng quát tháo để tạo ấn tượng, cũng không cần thì thào như người đang tâm sự. Chỉ cần nói cách tự nhiên, bình thường.

Đặc tính thứ hai là vắn gọn, không dài dòng, không lặp đi lặp lại. Sự vắn gọn làm cho người nghe không chán ngán. Theo thánh Tôma tiến sĩ, người ta chỉ có thể cầm trí liên tục khoảng 10 phút. Khi giảng lễ quá 10 phút, người nghe khó nắm bắt được hết nội dung điều ta muốn nói. Cho dù có nắm bắt được, tâm hồn của thính giả, không còn sự nhạy cảm. Dỉ nhiên ở đây cần phân biệt giảng lễ với giảng cấm phòng.

Thời đại bây giờ, khán thính giả không đòi buộc phải giảng buông, không cầm giấy. Vấn đề chính là nắm vững điều mình nói, tạo được nhịp cầu với những người nghe đang hiện diện. Truyền cảm là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật giảng thuyết. Thiếu truyền cảm, sẽ không có tác dụng trên người nghe. Có lẽ đây là yếu tố khó nhất trong nghệ thuật thuyết giảng. Một linh mục thuyết giảng hằng ngày, khó có thể ngày nào cũng truyền cảm.

Những cử chỉ linh mục làm trong khi giảng, có thể góp phần làm cho bài giảng thêm sống động, nhưng không nên khoa tay múa chân nhiều quá, làm cho khán thính giả rối mắt và mệt mõi. Cũng không nên lặp đi lặp lại quá nhiều lần cùng một cử chỉ, dễ làm khán thính giả nhàm chán. Phải biết phối họp cử chỉ,nét mặt, giọng nói với nội dung.

3. Chuẩn bị :

Công đồng Vatican II dạy rằng linh mục, nhất là linh mục triều thánh hoá bản thân bằng thừa tác vụ, là chính công việc mục vụ của mình. Trong các công việc của linh mục, làm lễ và giảng là những công việc chính yếu. Làm lễ, tuy là công việc hết sức quan trọng, trọng tâm mọi sinh hoạt của Giáo Hội, trong thực tế không đòi hỏi sự lao nhọc của linh mục. Chỉ có việc giảng lễ đòi hỏi nhiều nơi linh mục. Và chính sự lao nhọc của linh mục trong việc chuẩn bị bài giảng, góp phần rất lớn vào việc thánh hoá linh mục.

Theo thư luân lưu của Bộ giáo sĩ gởi các linh mục, hiệu quả của thừa tác vụ Lời Chúa, tuy chủ yếu tuỳ thuộc vào ơn Chúa, vẫn đòi hỏi trình độ cao nhất có thể có được nơi người giảng. Công việc giảng dạy đòi hỏi linh mục chuẩn bị từ xa. Linh mục hãy cố gắng tìm thì giờ đọc sách, nhất là những sách về Kinh Thánh, Mục Vụ… Hãy soạn bài giảng lễ Chúa Nhật hẳn hoi. Ngoại trừ những hoàn cảnh đặc biệt bất khả kháng, sự khiêm tốn và cẩn mẫn của linh mục đòi hỏi phải có ít nhất một dàn bài cẩn thận những gì mình định nói với giáo dân.

Chính sự chuẩn bị xa góp phần rất lớn nuôi dưỡng đời sống tinh thần và đạo đức của linh mục. Khi linh mục được bồi dưỡng hẳn hoi thì chính giáo dân cũng được hưởng nhờ. Sự chuẩn bị gần như viết ra bài giảng, đọc lại bài giảng, học thuộc lòng bài giảng, cầu nguyện trước khi giảng, sẽ làm cho linh mục trở thành người thuyết giảng xác tín, có chất lượng, đầy Thần Khí, có sức truyền cảm và thuyết phục.

Khi giảng, nếu linh mục quyết tâm giảng cho chính mình, để cho mình được hoán cải và trở nên tốt hơn, thì lời nói của linh mục sẽ có sức tác động mạnh mẽ, vì nó phát xuất từ nơi thâm sâu nhất của con người linh mục. Linh mục đã lắng nghe được tiếng nói của Thánh Thần nơi mình, và Thánh Thần chắc chắn sẽ nói qua lời lẽ của linh mục. Muốn là mục tử tốt, hãy là con chiên ngoan.

4. Những điều tối kỵ trong bài giảng lễ :

Không được dùng Lời Chúa trong các bài đọc kinh thánh để la mắng giáo dân, phê bình chỉ trích những người vắng mặt. Lời Chúa là Lời Sự Sống và là sứ điệp tình yêu. Không được tự ý mình Lời Chúa thành lời phán xét. Và nhất là bóp méo Lời Chúa theo ý mình để lên án người này người nọ. Dùng Lời Chúa la mắng giáo dân, sẽ làm cho người ta sợ Lời Chúa, và sẽ không dám đón nhận Lời Chúa. Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán là Lời linh mục phải luôn tâm niệm khi đứng trên Toà Giảng.

Không được dùng kinh nghiệm trong Toà giải tội, đem ra làm ví dụ trong bài giảng, vì chắc chắn sẽ làm cho nhiều người đau khổ, và coi chừng lỗi ấn toà giải tội. Nếu dùng những kinh nghiệm gần nhất của Toà giải tội trong bài giảng lễ, dù là để răn đe giáo dân hay để dạy giáo dân cho cụ thể sống động, vẫn lỗi ấn toà giải tội một cách gián tiếp ( đ.983, đ.1388 ):

Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Toà Thánh. Còn ai chỉ vi phạm gián tiếp, sẽ bị phạt tuỳ theo mức nặng nhẹ của tội phạm.

Cũng không được dùng toà giảng để đấu với các linh mục khác, hay đấu với giáo dân, vì điều đó chắc chắn phát sinh những gương xấu trầm trọng. Nếu là trường hợp nặng có thể dẫn tới tội phạm thánh công khai, vì xúc phạm nặng đến thánh lễ là mầu nhiệm cực thánh (sacrosanctum mysterium ).

Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi không chuẩn bị bài giảng hẳn hỏi, linh mục dễ bị cám dỗ rầy la mắng giáo dân lắp vào chỗ trống và nói nhiều chuyện linh tinh vặt vãnh, làm cho thánh lễ không còn bầu không khí linh thiêng thánh thiện. Chúng ta không nên quên rằng cấu trúc thánh lễ gồm hai phần là phụng vụ Lời Chúa và phụng Thánh Thể. Cả hai phần đều quan trọng và gắn liền mật thiết với nhau. Và bài giảng lễ thuộc về phụng vụ Lời Chúa.

Nếu sự trau dồi của linh mục trong suốt cả cuộc đời chỉ nhằm một mục tiêu là giảng lễ cho tốt, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của giáo dân, giúp giáo dân tiếp xúc với Lời Chúa, sống Lời Chúa, dạy giáo dân sống đạo, tạo điều kiện cho giáo dân gặp gỡ Chúa, thì sự trau dồi ấy có một ý nghĩa sâu xa và một giá trị rất cao. Sự trau dồi ấy vừa thăng tiến, vừa mang lại hạnh phúc cho bản thân linh mục, vừa mang lại niềm vui và sự sống cho nhiều người. Linh mục hoàn thành sứ vụ rao giảng Tin Mừng là một chức năng quan trọng và cơ bản nhất trong đời sống linh mục.