Lược sử Công Giáo Trung Quốc



(Dựa trên bài viết của bà Barb Fraze, biên tập viên tin quốc tế của cơ quan thông tấn Công Giáo Hoa Kỳ CNS, với một số chú thích và quảng diễn của dịch giả)

Các học giả và các nhà xã hội học Công Giáo đôi khi gọi cuộc hồi sinh tôn giáo hiện nay ở Trung Hoa là cuộc loan báo Tin Mừng lần thứ năm.

Một phần của bia đá Nestorian Stele
Lần loan Tin Mừng đầu tiên xảy ra vào thế kỷ VII khi thầy dòng Alopen từ Assyria mang niềm tin Kitô Giáo đến Trung Hoa theo con đường Tơ Lụa nổi tiếng. Tưởng cũng nên biết, đường tơ lụa (Silk Road) là một hệ thống đường bộ và đường thủy dài khoảng 8,000 km, nối liền Tràng An ở Trung Quốc với vùng Tiểu Á và Địa Trung Hải. Giai đoạn này được đánh dấu bằng bia đá gọi là Nestorian Stele hoặc Nestorian Stone, diễn tả các giáo thuyết và nghi lễ Kitô Giáo, cũng như việc phát triển của đạo thánh ở Trung Hoa với sự ủng hộ của một số hoàng đế thời nhà Đường, một triều đại kéo dài từ năm 618-907. Bia này làm bằng đá vôi, cao 279 cm, được dựng lên năm 781 tại cổ thành Tràng An, với nội dung do một tu sĩ chịu ảnh hưởng của lạc giáo Nestorianism biên soạn, nhưng hầu hết các học giả hiện đại cho rằng nội dung về tín lý, lịch sử được tạc trên tảng đá nói trên có thể được mọi Kitô hữu thời nay chấp nhận. Bia đá cho biết hoàng đế Taizong nhà Đường đã công nhận Giáo Hội thời ấy, được gọi là “quang minh đạo” (luminous religion).

Vào cuối thế kỷ XIII, khi cha Gioan thành Montecorvino, cũng là một tu sĩ dòng Phanxicô người Ý và là nhà thừa sai Công Giáo đầu tiên đến Trung Hoa, thời kỳ loan Tin Mừng lần thứ hai đã bắt đầu. Vào năm 1307, Đức Giáo Hoàng Clement V đã bổ nhiệm vị thừa sai này làm tổng giám mục vì ngài thành công trong việc mời gọi một số quan lại cao cấp Trung Quốc theo Công Giáo, thanh tẩy cho khoảng 6,000 người, và cất nhiều nhà thờ. Cứ thế, các tu sĩ Phanxicô đã theo nhau truyền giáo ở Trung Hoa trong gần 100 năm. Theo tự điển bách khoa New Catholic, vào năm 1368 tại Trung Hoa đã có thể có tới 30,000 tín hữu Công Giáo, mặc dù đa số không thuộc về khối dân đa số là dân Hán.

Cha Matteo Ricci, vị thừa sai được dân Trung Quốc kính nể
Vào những năm đầu thế kỷ XVI, các tu sĩ dòng Tên, dòng Phanxicô, dòng Augustinô, và dòng Đaminh đã cố gắng tìm một chỗ đứng ở Trung Hoa, nhưng không thể đi xa hơn hải cảng ở Quảng Châu (Guangzhou), nơi mà họ chỉ được phép tạm trú một thời gian ngắn. Sau đó, hai cha dòng Tên người Ý là Michele Ruggieri và Matteo Ricci đã thành công hơn. Hai vị cư ngụ ở Triều Châu (Zhaozhou), ăn mặc như những tu sĩ Phật Giáo, rồi lại nên giống các nho sĩ của Khổng Giáo. Nhờ có những dụng cụ khoa học từ Tây phương, hai vị được các nho sĩ kính nể và bảo vệ. Cha Ruggieri đã trở về Âu châu để tìm thêm hỗ trợ, còn cha Ricci thì đã có thể sinh sống ngay tại Bắc Kinh vào năm 1601. Các tu sĩ dòng Tên sau đó đã giúp sửa lại những sai lầm trong niên lịch của hoàng triều, nhờ vậy uy tín của các vị thừa sai càng lên cao.

Vào năm 1653, các dòng tu khác lần lượt kéo nhau đến Trung Quốc, và chẳng bao lâu sau đó, các dòng đã khoanh vùng để truyền giáo. Đến năm 1700, Công Giáo có khoảng 20,000 tín hữu ở Trung Hoa, nhưng đáng tiếc là sự hiểu lầm về “nghi lễ Trung Hoa” hay là nghi lễ tôn kính Khổng Tử và tổ tiên đã làm cho việc phát triển Giáo Hội bị khựng lại. Các tu sĩ của các dòng Phanxicô, Đaminh, Augustinô và các thành viên của Hội Thừa Sai Paris đã bất đồng ý kiến với các tu sĩ dòng Tên là những người sáng suốt chấp nhận nghi lễ tôn kính tổ tiên và việc dùng những từ ngữ Trung Hoa để chỉ Thiên Chúa. Sau đó qua các tông sắc vào năm 1715 và 1742, Tòa Thánh đã ngăn cấm nghi lễ tôn kính tổ tiên, và các hoàng đế Trung Hoa đã phản ứng bằng cách cấm chỉ việc rao giảng Kitô Giáo cũng như ra lệnh trục xuất các vị thừa sai nào không ủng hộ nghi lễ nói trên. Giai đoạn này, vào thế kỷ XVI và XVII, được gọi là cuộc loan Tin Mừng lần thứ ba. Phải hai thế kỷ sau đó, Tòa Thánh mới xét lại vấn đề, và ra một tông sắc vào ngày 8-12-1939, cho phép Kitô hữu tham gia vào các nghi lễ tôn kính Khổng Tử và tổ tiên. Công Đồng Vatican II, từ năm 1962-65, cũng công bố nguyên tắc đón nhận các nghi lễ địa phương vào phụng vụ Hội Thánh khi có thể được.

Thời kỳ loan Tin Mừng lần thứ tư xảy ra vào giữa thế kỷ XVIII, khi hiệp ước Thiên Tân (Tianjin) bảo đảm quyền tự do tôn giáo cho mọi Kitô hữu. Thế là nhiều dòng thừa sai trở lại Trung Hoa, và Tòa Thánh bắt đầu phân định các lãnh thổ truyền giáo cho các dòng. Việc truyền giáo này được kể là phát triển, cho tới khi cộng sản xâm lấn Trung Hoa vào năm 1949, kéo theo việc đàn áp Giáo Hội, trong đó có việc trục xuất các vị thừa sai ngoại quốc và bắt giam cũng như tra tấn các tu sĩ trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966-76. Ngay từ những năm đầu tiên khi cộng sản nắm quyền ở Hoa Lục, các tôn giáo đã bị coi là phong kiến, lạc hậu, có liên hệ với chủ nghĩa thực dân. Nhà cầm quyền ngay từ thời ấy đã ra sức ngăn cản việc hành đạo của tín đồ các tôn giáo, rồi ngang nhiên cướp phá hoặc tịch thu nhiều nhà thờ, đền chùa của các tôn giáo và dùng cho những mục đích trần tục.

Những bia mộ của các vị thừa sai vẫn còn ở Bắc Kinh
Thời kỳ loan báo Tin Mừng lần thứ năm được coi là khởi sự vào thập niên 1980, khi Trung Hoa bắt đầu cho dân sinh hoạt tôn giáo. Một số học giả nói rằng, không giống như những thời kỳ loan báo Tin Mừng trưóc đây lệ thuộc vào các vị thừa sai ngoại quốc, giai đoạn hiện nay được đánh dấu bằng việc chính những người Công Giáo Trung Quốc tuân giữ và truyền đạt niềm tin của mình. Tất nhiên, sự “cho phép” hành đạo hiện nay chỉ là một cách trình diễn đối với quốc tế, khi nhà cầm quyền Bắc Kinh cần thu hút đầu tư và làm ăn với quốc tế để phát triển nền kinh tế của mình. Theo tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, trước đây đa số những di dân người Hoa từ Đài Loan hoặc Hong Kong tìm đến Mỹ, nhưng nay đa số đến từ Trung Hoa lục địa, đặt biệt là từ tỉnh Phúc Kiến (Fujian). Nhiều người trong số các di dân Công Giáo này phải rời bỏ Trung Hoa vì bị ép phải triệt sản (sterilization) và vì chính sách mỗi gia đình một con của nhà cầm quyền. Những chủng sinh đến từ Trung Hoa lục địa gặp nhiều khó khăn tại Mỹ, không chỉ về phương diện ngôn ngữ, mà còn về mặt văn hóa và lối sống. Họ còn cảm thấy linh đạo Tây phương quá xa lạ, cho nên khó kiếm được một vị linh hướng thích hợp với mình. Hơn thế, khi họ đi thực tập mục vụ ở các cộng đoàn, những người Công Giáo Mỹ thường không tin tưởng vào sự chính thống của các chủng sinh người Hoa vì họ có liên hệ với nhóm Công Giáo quốc doanh.