NĂM ĐỨC TIN 2013, HÀNH HƯƠNG CHÂU ÂU – PARIS - LISIEUX

I. PARIS

Từ Ga Milan, tàu lửa chạy suốt đêm, đến sáng mới tới Ga Paris. Xe công ty du lịch đón và đưa chúng tôi đi thăm Nhà thờ Magdala.

Xem hình ảnh

1. NHÀ THỜ MAGDALA

Nhà thờ Magdala nằm trên quảng trường Magdala ở quận 8 của Paris. Nhà thờ này là một minh họa hoàn hảo của phong cách kiến trúc tân cổ điển với kiểu hàng hiên mặt tiền 8 cột. Phần trên cùng của mặt tiền là công trình của điêu khắc gia Philippe Joseph Henri Lemaire trình bày cảnh phán xét cuối cùng được hoàn thành năm 1833.

Dưới mặt tiền có dòng chữ Latin "D.O.M. SVB. Invocat S. Mar Magdalenae", nghĩa là "Dâng kính Thiên Chúa toàn năng và rất vĩ đại, nhờ lời bầu cử của Thánh Maria Magdala". Nhà thờ dài 108m, rộng 43m, cao 30m và được bao quanh bởi 52 cột theo phong cách kiến trúc Corintô.

Thời gian xây dựng ngôi nhà thờ này hơn 85 năm vì bất ổn chính trị tại Pháp vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Những thay đổi chính trị của thời đại đã làm thay đổi nhiều lần vị trí và kế hoạch. Hoàng đế Napoleon I có ý định coi đó như là một đền thờ Tam Điểm để vinh danh đại quân của ông vào năm 1806. Đến năm 1837 nó được chuyển đổi thành ga xe lửa đầu tiên tại Paris, trước khi trở thành một nhà thờ vào năm 1845.

Địa điểm này được dùng làm trạm tàu điện ngầm Magdala.

Ngôi nhà thờ cũ Magdala

Vào thế kỷ XVIII, đường Saint-Honoré, băng ngang qua tường thành Paris bởi một cánh cửa đồ sộ nằm ở gần đường Castiglione ngày nay. Từ thế kỷ XVI ở phía ngoài cánh cửa này mọc lên một vùng ngoại ô phát triển được biết dưới tên là Văn hóa - Giám mục rồi lại mang tên Thành phố - Giám mục bởi vì nó nằm dưới quyền điều hành của Đức Giám Mục Paris sau một thỏa ước nhượng quyền vào thời vua Dagobert I.

Để phục vụ vùng ngoại ô, một nhà nguyện, được xác nhận có từ năm 1238, và có thể đã bị hư hại theo dòng thời gian, sau đó được thay thế bằng một nhà nguyện mới dâng kính thánh Maria Magdala, Thánh Matta và Lazarô. Vua Charles VIII đã đặt viên đá đầu tiên 1492. Ngày nay nó nằm tại đại lộ số 8 Malesherbes, ngay góc đường Pasquier nối với đường Évêque.

Trước sự tăng trưởng dân số ở vùng ngoại ô khu vực này, nhà nguyện đã trở thành nhà thờ giáo xứ vào năm 1639. Nhà thờ được xây dựng lại và nới rộng vào năm 1659 và 1698. Ngày 8-7-1651, Đức Sevin Giám mục Sarlat và Nữ công tước vùng Montpensier Mademoiselle đặt viên đá đầu tiên.

Nhưng sau khi sáp nhập ngoại ô này vào thủ đô năm 1722, người ta cần xem xét xây dựng một nhà thờ mới trên một địa điểm mới. Bấy giờ, theo đề xuất của kiến trúc sư Ange-Jacques Gabriel, người ta bố trí một công trường mới mang tên Louis XV, dự định xây cất trên trục ngang của công trình mới này vào cuối đường Royale tương lai, trên một mảnh đất của khách sạn Chevilly theo những kế hoạch cũ.

Nhà thờ cũ bị bãi bỏ năm 1765, được bán vào năm 1767 và bị phá hủy năm 1801.

Dự án của Contant d'Ivry

Năm 1757, người ta yêu cầu Pierre Contant d'Ivry (1698-1777) là kiến trúc sư của Công tước xứ Orleans thực hiện dự án ngôi nhà thờ mới Maria Magdala. Ông đề nghị một tòa nhà theo hình thánh giá Latin, phía trên có một mái vòm nhỏ và được chính thức chấp thuận vào năm 1764.

Vua Louis XV đích thân đặt viên đá đầu tiên ngày 3-8-1763. Pierre Contant d'Ivry qua đời vào năm 1777. Étienne-Louis Boullée nghĩ ra một dự án mới tôn trọng nền móng đã được thiết lập, nhưng cuối cùng một trong những học trò của ông là William Martin Couture đã hoàn toàn chỉnh lại dự án người tiền nhiệm, và lấy cảm hứng từ dự án Jacques-Germain Soufflot cho nhà thờ Sainte-Geneviève. Ông đề nghị một nhà thờ theo hình thánh giá Hy Lạp, ở trên có một mái vòm lớn hơn, có hàng cột bao quanh trước mái hiên theo phong cách Corintô.

Khi cách mạng Pháp xảy ra, các thân cột của nhà thờ đã vươn cao lên đến đầu cột như trong một bản vẽ trình bày tang lễ tôn vinh Jacques-Guillaume Simoneau là Thị trưởng thành phố Etampes vào ngày 03-6-1792. Nhưng thời điểm này không thuận lợi cho việc xây dựng nhà thờ, và công việc hoàn toàn bị đình chỉ theo nghị định của Quốc hội vào ngày 30-12-1791.

Dưới thời tổng tài (1799-1804) công việc hoàn toàn bị treo lại.

Nhiều kiến trúc sư đã đề nghị các dự án để hoàn thành. Jacques-Guillaume Legrand và Jacques Molinos đã hình dung ra một dịnh thự bao la dành cho Hội nghị Quốc Ước (Cách mạng Pháp). Năm 1798-1799, Guy de Gisors đề nghị đặt Thư viện Quốc gia hay nhà hát ở đây.

Một sắc lệnh của hoàng đế ngày 21-2-1806 đã đưa toàn bộ dinh thự này cho Ngân hàng Pháp, Tòa án Thương mại và Sở giao dịch chứng khoán Paris. Kiến trúc sư Pierre-Alexandre Vignon (1763-1828) được giao nhiệm vụ đưa ra kế hoạch cho việc xây dựng dinh thự mới, nhưng do sự thúc đẩy của các ngân hàng và các thương gia, dự án này bị bỏ rơi vì những người này cho rằng vị trí đó cách xa khu kinh doanh.

Cuối cùng, ngày 02-12-1806, tại trận chiến tại Pozna, Ba Lan, Hoàng đế Napoleon I đã ký một sắc lệnh xây dựng một Đền thờ để tôn vinh quân đội Pháp. Bên trong dinh thự, tên của những người đã chiến đấu ở Ulm, Austerlitz và Jena được ghi trên những bảng đá cẩm thạch, và tên của chiến sĩ đã chết được ghi trên bảng vàng.

Một cuộc thi đã được đưa ra với 80 nghệ sĩ tham dự. Dự án của kiến trúc sư Pierre-Alexandre Vignon đã được hoàng đế chính thức chấp thuận, chống lại lời khuyên của Hàn lâm viện Hoàng gia. Một ngôi đền có hàng cột bao quanh, quay trở về lại thời cổ đại, lấy cảm hứng từ kiến trúc Hy Lạp-La Mã. Hầu như bên ngoài Nhà thờ là việc tái tạo lại Đền Olympieion ở Athens, các hàng cột của nhà thờ là cao hơn một chút (17,25 m so với 20 m, và có thể so sánh nó với tòa nhà Tòa án Tối cao của Mỹ).

Xây dựng bởi Vignon và Huvé

Ít lâu sau, người ta phá hủy tất cả mọi thứ trong đồ án của Couture và công việc tiến triển cách nhanh chóng. Năm 1811 nó phải dừng lại vì thiếu tiền. Sau khi chiến dịch ở Nga năm 1812, Napoleon từ chối sự vinh quang cho ngôi đền và trở lại dự án bán đầu của một nhà thờ. Ông nói với Montalivet “Từ nay trở đi, Đền thờ vinh quang là một Nhà thờ, đó là cách hoàn thành và gìn giữ đài tưởng niệm này”.

Khi dòng họ Bourbons lấy lại ngai vàng, công việc đã được tiến triển tốt, phần móng được hoàn thành, phần nền được thiết lập, các cột được dựng lên và các bức tường hai bên bắt đầu mọc lên, chỉ còn việc lợp mái và trang trí. Tháng 8-1816, vua Louis XVIII đã ra lệnh, ngôi nhà thờ mới sẽ là đài tưởng niệm Vua Louis XVI, Hoàng hậu Marie-Antoinette và bà Elisabeth. Điều này chỉ được diễn tả trong việc trang trí nhà thờ và không làm thay đổi kế hoạch tổng thể. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, Vua Louis XVIII quyết định dùng quỹ riêng của mình để xây ở bên cạnh một ngôi nhà nguyện đền tội. Vignon, người chịu trách nhiệm công việc đã trải qua mọi sự khó khăn nhọc nhằn để thúc đẩy công trình và ông qua đời năm 1828 mà không thể hoàn thành công trình của mình.

Cộng sự của Jean-Jacques-Marie Huvé đã thay thế ông để thúc đẩy nhanh công việc cho đến khi cách mạng Pháp xuất hiện năm 1830. Đối với Louis Philippe, người con của kẻ giết vua, hiển nhiên không còn vấn đề theo đuổi dự án của chi nhánh cả dòng họ Bourbons. Sau khi có một thời gian dự kiến chuyển đổi thành ga đường sắt, vị vua này quyết định đây là nhà thờ, nhưng ông quyết định nó chỉ mang tính cách Nhà thờ giáo xứ thôi. Việc trang trí nội thất do Huvé thực hiện lấy cảm hứng từ sự lạnh lùng của các chủ đề cổ đại và sự trang trí nhiều màu sắc của đền Pantheon ở Rome. Dưới sự giám sát của một ủy ban gồm Giám đốc lao động ở Paris, các Viện sĩ Viện hàn lâm và những viên chức cao cấp (có Quận trưởng của sông Seine), Huvé thấy bị hạn chế trong công việc. Ông để những bản vẽ nhà thờ theo ý tưởng ban đầu, bên trong tràn đầy ánh sáng và phóng đại sự trang trí bằng đá cẩm thạch nhiều màu sắc.

Vào thời ông, Huvé phải hoàn thành những công trình quan trọng nhất về kiến trúc tôn giáo, ông đã huy động một số các nghệ nhân thời đó thực hiện.

Ngày 09-10-1845, Đức Cha Affre, Tổng Giám Mục Paris đã thánh hiến Nhà thờ này.

2. NHÀ NGUYỆN NOTRE DAME DE LA MEDAILLE MIRACULEUSE

(Đức Bà Ảnh Lạ)

Chúng tôi đến 140 Rue du Bac tham quan Nhà nguyện của Dòng Nữ tử Bác ái. Nhà nguyện được xây dựng trên chính nơi Đức Mẹ hiện ra với Thánh nữ Catarina Laboure.

Zôê Labôrê, sinh năm 1806, là con gái của một gia đình nông dân người Pháp.Thân mẫu của Zôê qua đời khi thánh nữ còn rất nhỏ. Zôê phải điều hành các việc trong gia đình khi người chị gái của Zôê đi tu. Vì lý do này, Zôê là người duy nhất trong gia đình không được đi học. Zôê không biết đọc cũng chẳng biết viết! Zôê cũng thích được sống trong dòng khi mới tuổi hoa niên. Tuy nhiên, vì gia đình cần người giúp việc nhà nên Zôê đã phải chờ đợi cho tới khi lên 24. Rồi Zôê xin gia nhập dòng Nữ Tử Bác Ái của thánh Vinhsơn Phaolô, và nhận tên là Catarina. Sau khi khấn dòng ít lâu, sơ Catarina nhận được một đặc ân. Ðêm 18 rạng ngày 19-7-1830, Ðức Maria đã hiện ra với chị Catarina tại nhà Nguyện của Dòng ở Paris.

Chị kể: khoảng 11 giờ rưỡi đêm, đang ngủ, tôi nghe tiếng gọi tôi ba lần liền, tôi vạch mùng phía có tiếng gọi và thấy một em bé độ 4-5 tuổi, rất xinh đẹp, mặc áo trắng, từ thân mình em tỏa ra ánh sáng. Em bảo: “Hãy đến nhà nguyện, Ðức Mẹ đợi chị”. Catarina thầm sợ, nhưng em bé bảo: “Ðừng sợ, 11g30 rồi, ai nấy đều ngủ hết, tôi sẽ dắt chị đi”.Chị trỗi dậy lật đật mặc áo và theo em bé. Ðèn bật sáng khắp nơi làm cho chị rất ngạc nhiên. Vừa đến cửa Nhà nguyện, em bé chỉ vào cửa và tự nhiên cửa mở hẳn ra làm chị càng ngạc nhiên thêm. Trong nhà nguyện đèn sáng trưng như đêm lễ Giáng Sinh. Bước vào chị đến quỳ bên Bàn Thánh, thầm lặng cầu nguyện.Chị Laboure nóng lòng vì chưa thấy Ðức Mẹ. Khoảng nửa đêm em bé bảo: “Mẹ đến kìa” chị Catherine nghe một tiếng động trong cung thánh phía bên sách lễ, và cùng một lúc, chị nghe xào xạc như tiếng áo lụa dài lê trên gạch. Tiếp đó một Bà rất xinh đẹp đến ngồi trên ghế nơi cung thánh, chị Catherine theo tiếng giục trong tâm, hối hả đến quỳ bên Bà, linh tính chị nhận ra Bà là Ðức Maria, hai tay chị chắp lại để trên đầu gối Bà, lòng tràn ngập sự an vui, êm dịu không thể tả được. Hồi lâu Bà biến đi.Catherine thấy em bé vẫn còn đứng bên Bàn thánh. Chỗ chị quỳ đợi. Em bé nói: “Mẹ đi rồi”, đoạn em sang bên mé tay trái chị và dẫn chị về giường ngủ như lúc em dẫn chị đi.Về đến giường đúng 2 giờ sáng, Catarina không sao ngủ lại được.

Ngày 27 tháng 11 năm 1830, lúc 5 giờ chiều, trong giờ cầu nguyện thằm lặng, Catarina được phúc thấy Nữ vương thiên đàng hiện đến, chân đứng trên quả địa cầu, hai tay Mẹ nâng lên một quả địa cầu khác nhỏ hơn trên ngực, như Mẹ đang hiến dâng nó cho Thiên Chúa. Những chiếc nhẫn hột ngọc trên các ngón tay Mẹ thình lình bật ra những tia sáng chói lóng lánh tứ phía và bao phủ cả áo và chân Mẹ với ánh sáng rực rỡ.

Ðức Mẹ nhìn chị và nói vang lên trong lòng chị: “Quả địa cầu con thấy đấy là hình bóng vũ trụ và mỗi cá nhân cách riêng. Các tia sáng chiếu xuống biểu trưng các ơn Mẹ sẽ đổ xuống trên những ai xin Mẹ”.

Rồi một khuôn hình bầu dục sáng rực bao xung quanh Mẹ, có khắc bằng chữ vàng câu: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con hằng chạy đến kêu xin Mẹ”.

Mẹ duỗi hai tay xuống và nói: “Hãy làm ra ảnh vẩy theo mẫu này, những ai mang ảnh này sẽ được hưởng nhiều ơn, nhất là những ai mang nơi cổ, muôn vàn ơn sẽ tuôn xuống cho những ai có lòng trông cậy Mẹ, như được biểu trưng qua những làn ánh sáng từ tay Ðức Mẹ tỏa ra”.

Khuôn ảnh xoay lại mặt sau có chữ M, trên có Thánh giá và dưới có hai Quả Tim, một quả bị quấn gai và quả kia bị luỡi gương đâm thâu qua, chỉ Trái Tim Chúa Giêsu và Trái Tim đau khổ của Mẹ Maria, mười hai ngôi sao bao quanh bức tranh đó.

Lúc ấy Catarina nghe Đức Maria yêu cầu ngài mang những hình ảnh đó đến cha giải tội và nói cho ngài biết hãy khắc các bức tranh đó trên cái mề đay vì "tất cả những ai mang nó sẽ lãnh nhận được các ơn."

Sau hai năm điều tra và quan sát hành vi của Catarina, vị linh mục báo cho Tổng Giám Mục Paris biết mà không tiết lộ danh tính Catarina. Lời thỉnh cầu đã được chấp nhận và những mề đay được khắc hình đó được phổ biến. Học thuyết về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chưa được chính thức, nhưng chiếc mề đay với dòng chữ "được thụ thai không tội lỗi" đã ảnh hưởng đến Đức Giáo Hoàng Piô IX và ngày 8 tháng 12 năm 1854, chính ngài công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.

46 năm sau các cuộc hiện ra, Catarina qua đời và không bao giờ tiết lộ bí mật của mình cho người khác ngoài cha linh hướng.

Những cuộc hiện ra ở nhà nguyện Madallie Miraculous đã được Vatican thừa nhận theo sau cuộc điều tra do Đức Tổng Giám Mục Paris là Đức Cha De Queten thực hiện về nguồn gốc và hiệu quả chiếc mề đay. Tại Roma, năm 1846, tiếp theo sau sự trở lại vang dội của một nhân vật Do Thái là Alphonse Regensburg, Đức Giáo Hoàng Gregory XVI đã xác nhận những kết luận của Tổng Giám mục Paris.

Với những ơn lành cho những ai mang ảnh này, nên người ta gọi là “Ảnh Phép Lạ”.

Năm 1933, khi cải mộ để lập hồ sơ xin phong thánh cho chị, nữ tu Catarina Labouré đã qua đời trên một trăm năm mà xác thánh nhân vẫn còn nguyên vẹn và xinh đẹp như khi còn sống. Hiện nay, xác Thánh nữ được đặt phía bên phải cung thánh của Nhà nguyện.Catarina được Đức Thánh Cha Piô XII phong lên bậc hiển thánh vào ngày 27-7- 1947.

Sau khi cầu nguyện và tạm biệt Nhà nguyện Đức Bà Ảnh Lạ, chúng tôi nao nức và phấn khởi đi thăm Nhà thờ Đức bà Paris. Từ thưở học sinh, tôi đã đọc tác phẩm “Nhà thờ Đức bà Paris” nổi tiếng của Đại Văn hào Victor Hugo.Vào năm 1828, Hugo muốn viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô Paris. Ông đã nhiều lần đến nhà thờ Đức Bà để ngắm kiến trúc cổ và nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ. Ông muốn ngôi nhà thờ cổ kính tráng lệ vượt lên trên thời gian và tất cả những biến cố. Tác phẩm thể hiện được sự vươn đến một tầm cao triết lý qua cách mô tả một định mệnh đã dẫn các nhân vật gắn liền với ngôi nhà thờ này cho đến chỗ chết, chỗ hủy diệt. Chính cảm hứng bi quan này đã đem đến cho tác phẩm vẻ lớn lao và hoang dại.

3. NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

Từ xa, nhìn Nhà thờ Đức Bà bên dòng sông Seine thơ mộng, dáng vẻ cổ kính uy nghi và tuyệt đẹp.

Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic trên đảo Ile de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine của thủ đô Paris). Đây là Nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo phận Paris.

Chiều cao của Nhà thờ là 69m.

Theo tương truyền thánh Dennis rao giảng Tin mừng ở Paris vào khoảng năm 250. Ngôi nhà thờ đầu tiên có thể đã được xây dựng ở tả ngạn sông Seine, cạnh Val-de-Grâce ngày nay.Theo những dấu tích ngày xưa để lại thì trên đảo này đã từng có một ngôi Đền thờ và sau đó được thay thế bởi một Nhà thờ Công Giáo mang tên Saint-Etienne. Bên trong Nhà thờ gồm 5 gian được nối kết với nhau bằng những hàng cột lớn. Tường được trang trí bằng các bức tranh khảm đá. Phía Bắc Nhà thờ còn có một Giếng rửa tội mang tên Saint-Jean le Rond.

Ngày 12-10-1160, dưới thời Vua Louis VII (1137-1180), Maurice de Sully được bổ nhiệm làm Giám mục. Ngài đã có một quyết định quan trọng: Xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một Nhà thờ mới lớn hơn nhiều so với Nhà thờ cũ. Nhà thờ này sẽ dâng kính Đức Mẹ và được thiết kế theo phong cách mới gọi là phong cách Gothique. Như thế Nhà thờ Saint-Etienne cũ sẽ bị phá bỏ. Vị Giám mục cho bố trí trước sân Nhà thờ một khoảng đất làm trung gian giữa người ngoại giáo và các tín hữu. Người ta còn thiết kế con phố Neuve-Notre-Dame rộng 8 mét có thể cho phép một lượng lớn dân chúng đến Nhà thờ cùng lúc.

Năm 1163, lễ đặt viên đá đầu tiên với sự có mặt của Đức Giáo Hoàng Alexandre III và Vua Louis VII. Tên của vị kiến trúc sư đầu tiên cho ngôi Nhà thờ này không được nhắc đến. Đức Giám Mục Maurice de Sully đã trực tiếp chỉ đạo công trình xây dựng. Đến năm 1196 Đức Giám Mục Eudes de Sully tiếp tục công việc.

Việc thi công xây dựng Thánh đường gồm 4 giai đoạn chính

- 1163-1183: Xây dựng chính điện và 2 hành lang bên cạnh.
- 1182-1190: Xây dựng 2 gian cuối, các gian bên cạnh và tòa giảng.
- 1190-1225: Xây dựng mặt tiền và 2 gian đầu Nhà thờ.
- 1225-1250: Xây dựng hành lang thượng, 2 tháp được điều chỉnh và mở rộng các cửa sổ kính màu.
- 1250: Hoàn thành công trình.

Vào cuối thế kỷ XIII cho đến đầu thế kỷ XIV, công trình còn được tiếp tục tu bổ với tên tuổi các vị kiến trúc sư được ghi lại: Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller. Hai cánh ngang Nhà thờ được mở rộng ra, gian cung thánh được thiết kế lại.

Vào tham quan bên trong, tôi thấy nhiều tác phẩm nghệ thuật như các Vương cung Thánh đường ở Roma, đẹp nhất là các ô kính màu trên tường. Đặc biệt có ba thánh tích về Chúa Kitô hiện được bảo tồn tại đây. Đó là một mẩu gỗ lấy từ Thánh giá hiện cất giữ tại Roma (do Thánh Hélène là mẹ của hoàng đế Constantin tặng), Đinh Thụ Nạn và Miện Gai.

a. Miện Gai:

Thánh Gioan trình thuật đêm thứ năm rạng thứ sáu Tuần Thánh: ‘‘Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho người một áo choàng đỏ.’’ (Ga 19,2).

Miện Gai do thánh Louis mang từ Constantinople vào năm 1239 là thánh tích quý nhất và được tôn thờ nhiều nhất từ 13 thế kỷ nay.

Miện Gai cất giữ tại Nhà Thờ Đức Bà Paris làm bằng mây kết bằng các sợi chỉ vàng, đường kính 21cm, gồm 70 gai nhọn, do hoàng đế Byzantion (Βυζάντιον) và hoàng đế Pháp tặng. 70 gai này hoàn toàn giống nhau chứng tỏ có cùng nguồn gốc.

Từ thế kỷ VII đến thế kỷ X, thánh tích được đưa đến nhà nguyện của các hoàng đế thành Kontantinoupolic (Κωνσταντινούπολις), ngày nay là thành phố Istanbul ở Thỗ Nhĩ Kỳ, để khỏi bị người Ba Tư chiếm đoạt, như từng xảy ra ở Thánh đường Saint Sépulcre, còn gọi là Thánh đường Phục sinh: Naos tis Anastaseos (Ναός της Αναστάσεως). Ngôi thánh đường này nằm ở cổ thành Giêrusalem, cạnh Núi Sọ (Golgotha) và mộ Chúa Kitô. Ngày nay, Saint Sépulcre là trụ sở của Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp tại Giêrusalem và văn phòng Cha Giám quản Vương cung Thánh đường Saint Sépulcre.

Ngày 9-8-1239, hoàng đế Louis IX và triều đình diễn hành trong thị trấn Villeneuve l’Archevêque để tiếp nhận Miện Gai. Nhà vua bận thường phục, đi chân đất, đích thân rước Miện Gai trên hai tay. Nhà vua đã kiểm tra cẩn thận các dấu niêm phong Constantinople và Venise rồi đích thân mở hộp thánh.

Đức TGM Sens là Gautier Cornut đã tường thuật như sau: ‘‘Sau khi gỡ các dấu niêm phong, nhà vua mở bình bạc. Miện Gai được đặt trên chiếc đế bằng vàng’’.

Ngày 4-7-2008, Bà Brigitte Arnaud đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại Học Sorbonne (Paris) về Đại lễ Cung nghinh Miện Gai tại Tổng Giáo Phận Sens, theo các bản thảo lưu trữ tại Thư viện Trung ương Pháp ký hiệu Bnf Lat. 1028 vào thế kỷ XIII, theo thư mục bản thảo phụng vụ ghi chú và lưu trữ tại Sens. (L’office de la Couronne d’épines dans l’archidiocèse de Sens d’après le manuscrit Paris, BnF Lat. 1028, XIIIe siècle suivi du catalogue des manuscrits liturgiques notés et conservés à Sens).

Lược sử Miện Gai: Năm 409, thánh Paulin de Nole chép rằng, Miện Gai là một trong các thánh tích được cất giữ tại Vương cung Thánh đường Núi Sion ở Giêrusalem. Vào thế kỷ VII, thánh tích được cất giữ trong nguyện đường hoàng gia ở Constantinopolis (Κωνσταντινούπολις), để tránh bị những người Ba Tư và Ả rập lấy đi. Vào thế kỷ X, người ta tìm thấy hòm đựng thánh tích mạ vàng do hoàng đế Constantin VII ra lệnh thực hiện. Hòm thánh tích làm tại Constantinopolis. Trong Chuyên luận Nghi lễ (Traité des cérémonies), hoàng đế Constantin VII ghi lại rằng các hoàng đế phương Đông họp để thông báo các bộ sưu tập thánh tích. Sau đó, Miện Gai được cất giữ trong các nhà nguyện ở Constantinopolis. Trong tập thủ bút có ghi chú: Miện Gai còn xanh mầu không thể hư hại, không mang vết tay. Gai có vẻ đẹp không giống như gai trồng bờ dậu, mà như chồi non hương trầm thơm ngát.

Năm 1204, Miện Gai rơi vào tay các chủ ngân hàng ở Venise. Mấy năm sau, thánh Louis thương thuyết suốt hai năm mới đạt được thỏa hiệp. Tháng 8-1238, nhà vua bỏ ra 135000 bảng để chuộc Miện Gai. Năm 1239, Miện Gai được mang về Pháp. Ngày 18-8-1239, kinh đô Paris cung nghinh Miện Gai. Nhà vua ôm trong tay thánh tích, có bào huynh Robert 1er d’Artois và hoàng thái hậu Blanche de Castille hộ giá.

Năm 1241, nhà vua mang về cho nước Pháp bảy thánh tích khác trong số có một mẩu Thánh Giá, Máu Thánh Chúa và tấm đá nhà mồ an táng Chúa Kitô. Các thánh tích này hiện được cất giữ tại Sainte-Chapelle trên đảo Saint-Louis. (Từ năm 1725, đảo nhỏ giữa đôi bờ sông Seine mang tên vua Louis XIX). Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ, Miện Gai được chuyển về Thư viện Quốc gia. Trước khi qua đời năm 1825 tại Perpignan, hoàng đế Philippe III đã tặng bốn gai thánh cho Thánh đường Saint-Matthieu de Perpignan.

Thỏa ước 1801 trao trả Miện Gai cho Tòa Tổng Giám Mục Paris. Từ năm 1806, Miện Gai được cất giữ tại Nhà Thờ Đức Bà Paris. Các Kinh sĩ Nhà thờ Đức Bà có trách nhiệm rước thánh tích để công chúng tôn thờ. Các hiệp sĩ canh giữ. Hiện nay, Miện Gai được trưng bày cho công chúng tôn thờ vào mỗi thứ sáu đầu tháng, vào lúc 15 giờ và thứ sáu Tuần Thánh, từ 10 giờ đến 17 giờ. (x. Vietcatholic 06- 04-2009). Bản tin Zenit cho biết: Chiều thứ ba ngày 02-03-2010, Tổng thống Nga Medvedev cùng phu nhân đã viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Paris theo thông cáo của Nhà thờ Chánh tòa Paris. Nhận lời mời của Linh mục chánh xứ Nhà thờ Đức Bà Paris, cha Patrick Jacquin, tổng thống Nga và phu nhân đã thăm Vương Cung Thánh Đường tại thủ đô nước Pháp và tôn kính ảnh Chúa Giêsu chịu đội mão gai.

Cùng đi với tổng thống Nga có Tổng Giám Mục Chính thống giáo Hilarion của Volokolamsk, ngoại trưởng của Tòa Thượng Phụ Mátcơva, và Giám mục Innocent de Cheronèse, đại diện Tòa Thượng Phụ Mátcơva tại Tây Âu.

Thay mặt Đức Hồng Y André Vingt-Trois (Tổng Giám Mục Paris) có việc bận, Đức Cha Jérôme Beau (Giám mục Phụ tá TGP Paris) và Linh mục Jean Quris (Phó Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Pháp) đã hiện diện trong nghi lễ đón tiếp tổng thống Nga.

Tổng thống Dmitri Medvedev và phu nhân đã tham dự nghi thức tôn kính Mão Gai Thánh và các thánh tích của cuộc thương khó (Des Reliques de la Passion) trước sự hiện diện của các Kinh sĩ Nhà thờ Đức Bà Paris. Ca đoàn hát trong buổi lễ là các chủng sinh Chính thống giáo.

Sau nghi thức tôn kính, Tổng thống Nga và đoàn tùy tùng đã đến viếng bức tượng Đức Mẹ đặt ở mạn bắc nhà thờ được cố Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Mátcơva và toàn nước Nga Alexis II tặng cho Đức Hồng Y André Vingt-Trois ngày 03-10-2007 nhân dịp ông viếng thăm Paris.

b. Đại phong cầm

Tại Nhà thờ Đức Bà, du khách có thể chiêm ngưỡng cây đại phong cầm nổi tiếng.

Dịp kỷ niệm 850 ngày cung hiến Nhà thờ Đức Bà, cây đàn được tân trang lần đầu tiên.

Ngay từ khi còn là một nhạc công chơi piano mới 15 tuổi, chiếc đại phong cầm tại nhà thờ nổi tiếng nhất nước Pháp này hút hồn Philippe Lefebvre. 5 thập kỷ đã trôi qua, Philippe Lefebvre đã từng đi khắp thế giới để biểu diễn nhưng mỗi khi trở về chơi nhạc tại nhà thờ Đức Bà, cây đàn chưa bao giờ khiến ông thất vọng.

Nghệ sĩ Philippe Lefebvre chia sẻ: “Tôi đã nhìn thấy nhạc công chơi đại phong cầm và vô cùng ấn tượng. Tôi nghĩ rằng, cây đàn này có nhiều tính năng hơn một chiếc piano. Ngay cả khi tôi đã tìm ra được một chiếc piano hoàn hảo thì cây đàn này vẫn là một thế giới hoàn toàn mới.

Du khách có thể nhận thấy những ống đàn lớn nhất lơ lửng ở lối đi nhưng sự khám phá cây đàn khổng lồ này chỉ dừng lại ở đó. Như một phần của quá trình nâng cấp, 8.000 ống đàn mà một số trong đó có niên đại từ thế kỷ XVIII đã được làm sạch và đưa trở về đúng vị trí. Bảng điều khiển điện tử mới với bàn phím 5 tầng đã được cài đặt.Nghệ sĩ Philippe Lefebvre chia sẻ thêm: "Cây đại phong cầm này thực sự đặc biệt, âm thanh của nó lan tỏa trên toàn bộ cấu trúc và bạn có thể cảm nhận được rõ ràng khi tiếng đàn vang lên. Những âm thanh sẽ dội về phía bạn. Nó không bao giờ ngắt tiếng ngay lập tức và thực sự có thể kích thích cảm giác của người chơi".

Đại phong cầm vẫn được chơi vào cuối tuần và các ngày lễ lớn. Có 3 nhạc công đã gắn bó với cây đàn này từ năm 1985. Âm thanh của đại phong cầm gắn liền với nền thánh nhạc của Giáo Hội Công Giáo, có đóng góp rất lớn vào kho tàng văn hóa nhân loại (VTV News).

Chúng tôi ra phía ngoài sân Nhà thờ chụp hình lưu niệm. Tại đây Giáo Hội có nhiều sinh hoạt đặc biệt, chẳng hạn, theo sáng kiến của Đức Bênêđictô XVI, tối 25-3-2011, sân Nhà thờ Đức Bà trở thành diễn đàn đối thoại lương giáo. Những người lương giáo hiện diện nhiệt liệt chào mừng ĐHY Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa và ĐHY André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris chủ tọa sinh hoạt lương giáo đầy ý nghĩa này.

Tiếp tục tham quan, chúng tôi đến Nhà thờ Saint Sulpice. Linh mục Jean Jacques Olier là cha sở giáo xứ Saint Sulpice đã thiết lập Hội Linh Mục Xuân Bích. Ơn gọi của ngài là hoạt động tông đồ để phục vụ việc đào tạo hàng giáo sĩ, vì chính ngài thâm tín rằng không có sự hiện diện thường xuyên của các linh mục thánh thiện thì các xứ đạo sẽ sa sút.Lúc đó chưa có tổ chức các chủng viện tại Pháp. Cha J.J.Olier đã làm một cuộc thử nghiệm đầu tiên tại Chartres và thất bại. Nhưng sau đó, vào cuối năm 1641, với mấy người bạn trung thành, ngài đã thiết lập thành công một chủng viện tại Vaugirard trong khu ngoại ô Paris. Mấy tháng sau, vào mùa xuân 1642, chủng viện được chuyển vào Thủ đô, trên lãnh thổ của giáo xứ Saint-Sulpice mà ngài vừa nhận nhiệm vụ cha sở.

Song song với việc điều hành xứ đạo, cha J.J.Olier hết sức sinh động hóa chủng viện mới để sau này làm mẫu mực cho việc nhân lên tại nhiều Giáo phận tại Pháp và các nơi khác. Cũng từ mục đích đó đã xuất hiện việc thiết lập Hội Linh mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice) với sứ mạng đặc biệt là chăm lo đào tạo hàng giáo sĩ địa phận khi được các Giám Mục trao phó cho.

Vì nhiệt thành với sứ vụ tông đồ tại giáo xứ, muốn củng cố vững mạnh tổ chức chủng viện và thiết lập chu đáo Hội Linh mục Xuân Bích, cha J.J.Olier đã 4 lần từ khước chức Giám mục mà Giáo Hội muốn tiến cử ngài. Sau 10 năm tận tụy tiêu hao sức lực với giáo xứ Saint-Sulpice, năm 1652 vì lý do sức khỏe, cha J.J.Olier đã xin từ nhiệm phận sự cha sở để sống những năm còn lại cho việc khai tâm các đệ tử của Hội Xuân Bích qui tụ chung quanh ngài, vừa bằng những cuộc đàm đạo trực tiếp với họ, vừa bằng nhiều tài liệu thủ bút ngài sẽ để lại cho họ. Đàng khác, ngài mở rộng môi trường ảnh hưởng tới toàn thể các kitô hữu trí thức bằng cách xuất bản cho họ một số tác phẩm để soi dẫn họ về “Kitô giáo đích thực” mời gọi họ sống sự thánh thiện phúc âm trong Giáo Hội.

Ngày 26 tháng 3 năm 1657, ngài lâm trọng bệnh đang lúc ngụ tại thổ cư Issy của Hội. Được đưa về Paris, đến thứ Bảy Tuần Thánh (31.3), ngài bị cấm khẩu, lãnh bí tích Xức dầu bệnh nhân. Sau hai ngày hôn mê, ngài qua đời sáng thứ hai Phục Sinh, 02- 4 -1657, chưa đầy 49 tuổi. Được cha Vinhsơn Phaolô (thánh Vincent de Paul tương lai) đến thăm vào giờ phút cuối cùng.

4. NHÀ THỜ SAINT SULPICE

Nhà thờ Saint Sulpice nằm ở quận 6 Paris. Ngôi nhà thờ này được dâng cho Đức Cha Sulpice le Pieux, Giám mục Giáo phận Bourges vào thế kỷ VII.

Nhà thờ có chiều dài 120 mét, rộng 57 mét, cao 30 mét. Dự án và nguyên tắc kiến trúc ban đầu của Saint Sulpice lấy cảm hứng từ một vài dinh thự của các cha Dòng Tên thích hợp với nền phụng vụ Công Giáo cải cách dưới thời Công đồng Trent. Nhà thờ có hai tòa tháp với phong cách kiến trúc khác nhau.

Ngôi nhà thờ này được xếp vào loại di tích lịch sử.

Năm 1724, việc khai quật ngôi nhà thờ đầu tiên đã đưa ra ánh sáng một tấm bia mộ vào thế kỷ X, cho thấy một ngôi nhà thờ (có nghĩa trang ở bên cạnh) đã tồn tại nơi đây từ nhiều thế kỷ. Thứ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV, một nhà thờ mới được xây dựng vào chính chỗ ngôi nhà nguyện ngày xưa được mở rộng thêm gian giữa dưới thời hoàng đế Francis I, và ba nhà nguyện năm 1614. Tuy nhiên, với việc mở rộng các thị trấn Saint Germain và Saint Germain des Prés, người ta cảm thấy cần xây dựng một nhà thờ lớn hơn và xứng đáng hơn với tầm mức dân cư lui tới nhà thờ. Đề án đã được giải quyết trong một cuộc họp vào ngày 16 tháng 3 năm 1643 dưới sự chủ trì của hoàng tử de Condé.

Công việc mở rộng vào năm 1645 được giao cho kiến trúc sư Christophe Gamard. Gaston d'Orléans đặt viên đá đầu tiên năm 1646. Nhưng tòa nhà này bị coi là không đầy đủ, người ta lại làm một tòa nhà khác vào năm 1655 trên phần nền nhà được nữ hoàng Anne của nước Áo đặt viên đá đầu tiên. Những dự án của Gamard tỏ ra không thực hiện được nên chẳng mấy chốc người ta phải nhờ đến Gittard Daniel và Louis Le Vau. Chỗ ca đoàn được hoàn tất vào cuối 1673. Khoảng gần 2 năm sau, công việc bị gián đoạn do thiếu kinh phí. Công trình bắt đầu lại năm 1718, dưới sự chỉ đạo của Gilles Marie Oppenord người xây dựng gian giữa và cánh ngang của nhà thờ.

Mặt tiền nhà thờ chưa hoàn thành mang phong cách cổ điển ở nằm phía trước ngôi nhà thờ theo phong cách Dòng Tên. Servandoni đã thắng trong cuộc đấu thầu xây dựng vào năm 1732, và dự án phát triển theo thời gian. Ông lên kế hoạch đưa nhà thờ vào trong quảng trường rộng lớn theo phong cách La Mã với hình bán nguyện trong dự án năm 1752. Một dự án như thế cần đến việc mua thêm đất.

Năm 1745, linh mục Chánh xứ Languet Gergy đã đặt hàng cho Edme Bouchardon làm nhiều bức tượng, trong đó có tượng Đức Trinh Nữ Maria bằng bạc rất đồ sộ.

Kiến trúc sư Maclaurin vào năm 1770 chịu trách nhiệm hoàn thành hai tháp chuông. Tháp phía bắc được Jean François Thérèse Chalgrin sửa chữa vào năm 1777, ông đã cho xây các cột và dựng các bức tượng, cho phép hoàn thành tháp chuông, rất nhiều bức tranh tượng và đặt ở đó một trong những tháp chuông lớn nhất của thủ đô.

Việc xây dựng kéo dài gần 130 năm. Cuối cùng được hoàn thành vào năm 1870, nhưng vào năm 1871, đạn pháo của quân Phổ đã gây hư hại cho tháp phía Bắc.

Nhiều công việc trùng tu được thực hiện trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX. Mặt tiền của nhà thờ lần nữa có thể nhìn thấy năm 2011.

Dưới thời cách mạng Pháp, ngôi nhà thờ trở thành Ngôi đền của lý trí. Vào thời điểm này, nhà vật lý Claude Chappe đặt trên mỗi tháp một máy điện báo quang học. Trong các cuộc cách mạng khác nhau xảy ra ở thế kỷ XIX, nhiều đồ vật trong nhà thờ bị cướp phá trong đó có tượng Đức Mẹ bằng bạc do tín hữu dâng cúng.

Nhiều nhân vật lịch sử làm lễ cưới trong ngôi nhà thờ này, như Victor Hugo với Adèle Foucher, hoặc Camille và Lucile Desmoulins với Robespierre, người ta thấy trong phần của các hầm mộ dưới đất hoặc nơi chôn cất những vị giáo sĩ như cha xứ và các vị giám chức, còn có cả giáo dân nữa như Madame de La Fayette, thống chế Lowenda.

Nhà nguyện Đức Trinh Nữ nằm ở trục dọc, ở điểm cuối phía đông nhà thờ. Chúng tôi đi đến nhà nguyện qua hành lang sau cung thánh nhà thờ, hành lang này bao quanh chỗ ca đoàn. Kiến trúc sư Christophe Gamard là người khởi đầu dự án hình bầu dục. Louis Le Vau (1612-1670) đã xây những bức tường. Servandoni góp phần vào việc trang trí. Nhà nguyện này theo phong cách baroque nhiều hơn với một bàn thờ dâng kính Đức Trinh Nữ, ở trên có mái vòm theo kiểu rococo (kiểu trang trí hình vỏ ốc, hình cây, hình đá trông rất lạ thịnh hành vào thế kỷ thứ 18) do Lemoyne thực hiện năm 1732 và chung quanh là các bức tranh tường ký tên tác giả là Carle van Loo. Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng nghiền nát con rắn của Jean Baptiste Pigalle (1714-1785). Theo Jacques Hillairet, bức tượng này thay thế bức tượng bằng bạc đồ sộ mang biệt danh Notre-Dame-de-la-Vieille. Ngôi nhà nguyện được chiếu sáng bởi hai cửa sổ kính màu thiết kế theo kiểu mẫu tự AM (Ave Maria).

Rời Nhà thờ Saint Sulpice với tâm tình tạ ơn và ngưỡng mộ, chúng tôi đến Nhà thờ Sacré Coeur để dâng lễ. Hàng năm có khoảng 8 triệu khách đến tham quan Nhà thờ này.

5. NHÀ THỜ SACRÉ-COEUR (Vương Cung Thánh Đường Thánh Tâm)

Nhà thờ sáng một màu trắng nằm trên đỉnh đồi Montmartre ở phía Bắc Paris. Địa điểm đồi Montmartre cao 129m so với mặt nước biển và được coi là một trong những điểm cao nhất Paris. Chúng tôi leo lên đồi với nhiều bậc cấp. Đứng phía trước sân Nhà thờ có thể nhìn toàn cảnh thành phố Paris. Nơi đây là thiên đường của giới họa sĩ đến từ nhiều nguồn gốc, trường phái khác nhau. Phía dưới chân đồi kia là khu phố nhộn nhịp với nhiều tiệm cà phê và nhiều cửa hàng buôn bán tấp nập dọc hai bên đường.

Mặt bằng Nhà thờ mang hình Thập giá lớn. Vòm chính Nhà thờ cao 55m với đường kính 16m. Đỉnh cao nhất là 83m. Ở bên trong Nhà thờ phần vòm cung sau cung thánh rộng 475m2 được thiết kế theo phong cách La mã Byzantine. Các cửa kính màu được thiết kế 1903-1920. Đến năm 1944 trong cuộc thế chiến thứ II các cuộc ném bom đã làm vỡ các cửa kính, sau đó năm 1946 người ta phải sửa chữa lại. Tháp chuông Nhà thờ có 1 quả chuông mang tên Savoyarde được coi là lớn nhất nước Pháp.

Công trình xây dựng Nhà thờ diễn tiến trong thời kỳ chính trị phức tạp.

Năm 1870, chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra. Công đồng Vaticanô I bị gián đoạn và Đức Giáo Hoàng Piô IX không còn được quân Pháp bảo vệ. Ngài bị giam lỏng ở Vatican. Nước Pháp thua trận, Quân đội Phổ (Đức) chiếm một phần lãnh thổ. Ý định xây dựng Nhà thờ xuất phát từ hai nhà tư sản Paris là Alexandre Legentil và Hubert Rohault de Fleury. Legentil và Rohault, cùng lấy hai con gái nhà Charles Marcotte, ông từng là quan chức cao cấp thời Louis-Philippe. Ngay khi Paris bắt đầu bị vây hãm, Legentil và Rohault cùng tất cả gia đình chuyển tới Poitiers. Vốn rất sùng đạo, hai người cho rằng nước Pháp thua trận vì đã quá tội lỗi. Do vậy, cần phải xây dựng một Nhà thờ để tỏ lòng thành tâm và sám hối.

Ngày 18-01-1872, Hồng Y Tổng Giám mục Paris là Joseph Hippolyte Guibert chấp nhận lời đề nghị xây dựng Nhà thờ Thánh tâm và Montmartre được chọn làm địa điểm.

Ngày 05-03-1873, vị Hồng Y này gửi 1 bức thư tới Jules Simon Bộ trưởng văn hóa để thỉnh cầu việc xây dựng một Nhà thờ mới. Sau đó kế hoạch này được Quốc hội phê chuẩn. Khu đất trên đồi Montmartre được mua lại với giá 833.000 franc.

Ngày 31-07-1873, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã gửi 1 chiếu thư chấp nhận cho phép xây dựng Nhà thờ Sacré-Coeur. Tài chính để xây dựng được quyên góp từ khắp nơi trên nước Pháp.

Năm 1874 bản thiết kế của kiến trúc sư Paul Abadie được chấp nhận trong số 78 bản thiết kế tham dự cuộc thi. Bản thiết kế của ông mang phong cách La Mã Byzantine cho nên Nhà thờ Thánh Tâm mang dáng vẻ khác hẳn so với các Nhà thờ khác ở nước Pháp.

Ngày 16-06-1875, bắt đầu thi công và ngày 16-10, viên đá đầu tiên được đặt xuống móng. Vì đây là khu đất sét nên móng Nhà thờ phải được đào sâu xuống 33m với 83 cọc bê tông. Năm 1878 người ta thi công tầng hầm và năm 1881 người ta bắt đầu xây dựng Nhà thờ. Năm 1884 kiến trúc sư Paul Abadie qua đời và 5 vị kiến trúc sư khác kế tiếp công việc của ông.

Năm 1886, Đức Hồng Y Joseph Hippolyte Guibert qua đời. Sau đó công trình xây dựng được tiếp tục chỉ đạo bởi vị Hồng Y kế nhiệm là Francois-Marie-Benjamin Richard. Vị này cũng qua đời vào năm 1903. Vị Hồng Y thứ ba là Léon-Adolphe Amette hoàn thành công trình xây dựng.

Ngày 16-10-1895, Giáo sư Savoie dâng tặng một quả chuông lớn. Quả chuông này mang tên thánh Savoyarde với đường kính 3m và nặng 18.835kg được anh em nhà Paccard đúc tại Annecy.

Năm 1895-1914, công trình xây dựng được hoàn tất nhưng lúc ấy thế chiến thứ nhất nổ ra. Mãi cho đến ngày 17-10-1919, lễ cung hiến mới được tổ chức. Năm 1923 số tiền xây dựng Nhà thờ lên đến 45 triệu franc do các Giáo xứ trên toàn nước Pháp quyên góp.

Phía ngoài Nhà thờ ồn ào huyên náo.
Bên trong Nhà thờ thinh lặng thanh thoát.
Tượng Thánh Tâm trên cao, Chúa đưa tay chúc lành.
Trên bàn thờ đặt Mình Thánh Chúa. Nhiều người đang chầu Thánh Thể.
Chúng tôi dâng lễ ở Nhà nguyện dưới tầng hầm phía sau cung thánh. Cha Thanh Đạm, chánh xứ Tân Mỹ chủ tế và giảng lễ.
Sau lễ, mọi người ra Nhà thờ chính quỳ gối chầu Thánh Thể.
Trở về khách sạn ăn tối rồi chúng tôi đi dạo đêm Paris, đi qua Khải hoàn môn, ngắm tháp Eiffel và đi thuyền trên sông Seine.

6. THÁP EIFFEL

Tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1889 để phục vụ cho cuộc triển lãm quốc tế ở Paris, kỷ niệm 100 năm Cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1889). Qua đó Pháp muốn tự khẳng định là một cường quốc công nghiệp đồng thời thể hiện tính táo bạo của người Pháp dám khởi đầu một cuộc cách mạng mới trong lịch sử ngành kiến trúc với việc sử dụng các vật liệu xây dựng sắt, thép, gang... coi đó như biểu tượng nền văn minh vật chất. Nhưng đây lại là kỳ đài gây ra nhiều tranh luận.

Thực hiện ý tưởng trên, nước Pháp cho phép xây dựng một tháp bằng sắt, tháp cao 300m ở Quảng trường Tháng Ba (Champ de Mars) bên bờ sông Seine. Trong số 700 đề án thiết kế được gửi đến người ta chỉ giữ lại 3 đề án để xem xét. Cuối cùng đề án của Gustave Eiffel 36 tuổi, là kỹ sư, nhà thầu khoán và nhà doanh nghiệp tài ba, đã được chấp thuận. Ông đã mua lại và sửa đổi, điều chỉnh lại phác thảo của hai kỹ sư Kơslanh và Nughiê là nhân viên trong hãng của ông. Eiffel đã dồn cả cơ nghiệp, của cải của mình vào việc xây dựng một công trình đồ sộ đầy khó khăn, thêm vào đó ông còn vấp phải sự không đồng tình của dư luận quần chúng. Ý tưởng của Eiffel muốn dựng lên một tháp cao hơn 300 mét bằng sắt thép đã gây tranh luận gay gắt giữa những người muốn duy trì truyền thống và những người có xu hướng tân thời. Trong giới nghệ thuật và văn học, đa số giận dữ vì họ e rằng công trình đồ sộ sắt thép này sẽ là một vết đen trên bầu trời Paris. Trong khi đó, Eiffel thốt lên hào hứng: Nước Pháp là quốc gia duy nhất có cột cờ cao hơn 300m. Thật vậy, vào thời kỳ đó, tượng đài cao nhất ở Washington cũng còn thấp hơn tháp Eiffel đến 125m.

Tháp Eiffel được xây dựng trong vòng 25 tháng. Rất nhiều người ở Paris đến xem xây dựng công trình kỳ quái này. Họ luôn sợ rằng, một ngày nào đó ngọn tháp này có thể đổ xuống trên đầu họ. Từ năm 1887 đến năm 1889 đã có 300 công nhân giỏi leo trèo lắp ráp 1,5 triệu đinh rivê. Đáy tháp chiếm một diện tích 129m2. Với chiều cao 300 mét, Tháp được chia thành ba tầng: Từ đỉnh tháp tầm nhìn xa đến 67km. Cứ bảy năm lại phải dùng đến 50 tấn sơn và 40 nghìn giờ lao động để sơn lại tháp.

Khi khởi công xây dựng tháp Eiffel, người ta chỉ cho phép tháp tồn tại trong 20 năm. Năm 1887, nhiều nghệ sĩ và nhà văn đã soạn thảo kiến nghị nhằm ngăn chặn việc xây dựng tháp vì nó sẽ làm mất danh giá Paris. Năm 1910, thời cuộc hoàn toàn thay đổi: tháp Eiffel trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ, nghệ sĩ. Bên cạnh đó kỹ thuật hiện đại tiến triển nhanh và ngay từ năm 1904 người ta đã đặt lên đỉnh tháp một hệ thống ăng ten. Cuối cùng đến năm 1910, người ta quyết định tháp Eiffel tồn tại vĩnh viễn: Tháp phục vụ cho dịch vụ giờ chuẩn quốc tế. Với chiều cao, ngọn tháp có thể sử dụng cho việc truyền thông bằng điện thoại vô tuyến liên lục địa Năm 1918, Đài phát thanh sử dụng tháp để phát sóng và đến năm 1957, Đài truyền hình đã dựng ăngten lên đỉnh tháp. Sau đó, một phòng thí nghiệm về khí tượng và hàng không cũng đã sử dụng tầng cao nhất của tháp.

Hoàng tử xứ Wales sau trở thành vua Edouard VII cùng với gia đình là những người đầu tiên lên đỉnh tháp ngày 10 tháng 6 năm 1889. Người ta có thể lên bằng thang máy hoặc cầu thang (cầu thang chỉ lên được đến tầng 1 và tầng 2). Công chúng có thể lên dạo ngắm và tham quan trên sân thượng của cả ba tầng: Ở tầng một qua thiết bị nghe nhìn du khách sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử của tháp, ở tầng hai có nhà hàng biểu diễn phục vụ ăn uống vào buổi tối; tầng ba được che kính, du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh mọi phía và xem hệ thống cầu thang máy phía cột cờ phía Tây.

Từ năm 1985, tháp được lắp thêm một hệ thống chiếu sáng làm nổi bật vẻ đẹp và những đường nét kiến trúc phức tạp của tháp. Chúng tôi lên tầng 2 ngắm quang cảnh Paris lung linh ánh sáng thật tuyệt vời.

Tháp Eiffel là biểu tượng của nước Pháp và Paris. Ngoài ý nghĩa cách mạng khoa học, kỹ thuật. Tháp Eiffel còn là biểu tượng cách mạng về phương diện chính trị, là niềm tự hào của người dân Pháp và Paris.

7. SÔNG SEINE

Chúng tôi du thuyền thưởng ngoạn sông Seine chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của thành phố về đêm.

Một chuyến Bateau Mouche trên sông Seine khoảng một giờ đồng hồ. Có nhiều bến tàu của nhiều công ty khác nhau.

Du thuyền có 2 tầng, trang trí nội thất bằng gỗ, ghế ngồi thoải mái được bố trí trên mui tàu để ai cũng có thể ngắm những cảnh đẹp trên bờ sông.

Cảnh vật hai bên bờ sông Seine như một bức tranh sống động hấp dẫn. Nhìn từ dòng sông vào ban đêm, Tháp Eiffel không còn là một khối công trình thép vĩ đại nữa, thay vào đó là vẻ rực rỡ được thắp sáng bởi hàng nghìn ngọn đèn.

Người dân Paris thích thú ví dòng sông Seine như trái tim và linh hồn của Paris cũng là điều không sai, vì hầu hết những công trình kiến trúc đẹp của Thủ đô ánh sáng đều tập trung dọc theo bờ sông.

Trên dòng sông Seine có tất cả 35 chiếc cầu bắc qua. Người ta đã cho thắp sáng bên dưới cầu để du khách thấy rằng những chiếc cầu ở Paris không chỉ nối liền 2 bờ sông mà còn là cả một công trình nghệ thuật. Hầu hết những chiếc cầu này có ít nhất 100 năm tuổi, được xây bằng gạch và trang trí bằng những tượng đá hình đầu các vị thần.

8. KHẢI HOÀN MÔN

Khải Hoàn Môn là công trình biểu tượng lịch sử nổi tiếng của nước Pháp ở Paris. Nằm giữa quảng trường Étoile, vị trí của Khải Hoàn Môn là điểm cuối của đại lộ Champs-Elysées. Đây là khu vực tập trung khách du lịch của thành phố.

Năm 1806, sau chiến thắng Austerlitz, hoàng đế Napoléon Bonaparte quyết định xây dựng trên quảng trường Étoile một công trình vinh danh quân đội. Khải Hoàn Môn được kiến trúc sư Jean-François-Thérèse Chalgrin thiết kế, lấy cảm hứng từ các công trình cổ đại, cao 50 mét, rộng 45 mét. Sau Jean-François-Thérèse Chalgrin, những người kế nhiệm công việc xây dựng là Louis-Robert Goust và Jean-Nicolas Huyot.

Sự sụp đổ của Đệ nhất Đế chế (Napoléon) khiến việc thi công Khải Hoàn Môn bị đình lại. Tới năm 1825, công trình mới được tiếp tục và năm 1836 được vua Louis-Philippe khánh thành. Năm 1840, thi hài của Napoléon, người quyết định xây dựng công trình được đưa qua Khải Hoàn Môn trước khi về điện Invalides. Sau đó, linh cữu Victor Hugo cũng được để một đêm ở đây trước khi đưa về điện Panthéon.

Ngày nay, Khải Hoàn Môn là một trong những công trình nổi tiếng nhất của Paris và cùng với Champs-Elysées là địa điểm tổ chức các lễ hội, sự kiện hay ăn mừng các chiến thắng thể thao.

Đầu thế kỷ XVII, vị trí của Khải Hoàn Môn thuộc ngoại ô của Paris. Năm 1616, hoàng hậu Marie de Médicis quyết định mở một con đường dài có trồng cây hai bên để đi dạo, chính là đại lộ Champs-Elysées ngày nay. Trong thế kỷ XVII, khu vực Champs-Elysées dần dần được đô thị hóa và quảng trường Étoile được tạo ra vào năm 1670, nhưng vẫn nằm ngoài bức tường thành do vua Louis XIII xây từ 1633 đến 1636. Năm 1787, bức tường Thuế quan được xây dựng để kiểm soát hàng hóa vào Paris và đi qua quảng trường Étoile. Rào chắn Étoile được kiến trúc sư Claude Nicolas Ledoux bố trí là một trong những trạm thu thuế. Quảng trường Étoile khi đó là giao lộ của 5 con đường lớn ở Paris.

Thời Đệ nhị Đế chế (Napoléon), khi Paris được Georges Eugène Haussmann cải tạo lại, bảy con đường mới được vạch thêm, gặp nhau tại quảng trường Étoile. Khải Hoàn Môn dần trở thành biểu tượng của thành phố Paris. Kể từ 14 tháng 7 năm 1919, cuộc duyệt binh mừng quốc khánh được tổ chức đi ngang qua Khải Hoàn Môn (Năm 1989, Grande Arche được hoàn thành ở khu La Défense, được xem như một Khải Hoàn Môn mới, kéo dài trục Axe historique).

Ngày này, Khải Hoàn Môn là một trong những công trình nổi tiếng nhất của thành phố. Khu vực Champs-Élysées là điểm hấp dẫn du khách và cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội, chào đón năm mới. Cơ quan quản lý Khải Hoàn Môn là Trung tâm công trình quốc gia.

Nằm trên quảng trường Étoile, ở cuối đại lộ Champs-Elysées, Khải Hoàn Môn thuộc trục Axe historique đi qua nhiều công trình quan trọng của Paris. Vị trí của Khải Hoàn Môn là điểm giao của 12 đại lộ và ba quận. Để tới chân công trình, lối đi Passage du Souvenir (Lối đi Kỷ Niệm) được xây dựng ngầm dưới quảng trường.

Ở vị trí cuối của đại lộ Champs-Elysées, một năm hai lần, khoảng 10 tháng 5 và 1 tháng 8, sẽ xảy ra hiện tượng: đứng giữa đại lộ, ta nhìn thấy Mặt Trời lặn ngang qua Khải Hoàn Môn trong vài phút. Vào ngày 10 tháng 5 năm 1994, hiện tượng này xảy ra đồng thời với nhật thực. Đã có gần 200 ngàn người tới đây để chứng kiến. Tương tự, nhìn từ hướng ngược lại, phía Porte Maillot, hiện tượng này xảy ra vào khoảng 7 tháng 2 và 4 tháng 11.

Khải Hoàn Môn có kích thước mặt đứng gần hình vuông. Công trình là tổng thể điêu khắc lớn nhất của Pháp vào thế kỷ XIX. Các mặt của công trình được trang trí nhiều bức phù điêu, tượng đài và khắc tên các nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn Cách mạng và Đế chế (Napoléon).

Bốn tác phẩm điêu khắc lớn nhất là: Xuất quân 1792 và Khải hoàn 1810 phía Champs-Elysées, Kháng chiến 1814 và Hòa bình 1815 phía Grande-Armée. Trong đó Xuất quân, tên đầy đủ Xuất quân của các chiến sĩ tình nguyện 1792 (Le départ des volontaires de 1792), tức La Marseillaise nổi tiếng hơn cả. Tác phẩm của nhà điêu khắc François Rude, cao 11,6 mét rộng 6 mét. Mặt phía trong bốn chân của Khải Hoàn Môn được trang trí bởi các bức phù điêu miêu tả những trận đánh nổi tiếng thời Cách mạng và Đế chế. Bên dưới khắc tên tuổi các nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn lịch sử đó. Sáu bức phù điêu, bốn phía trên các tượng đài và hai ở các cạnh bên, mô tả những giai đoạn, sự kiện của Cách mạng Pháp và Đế chế. Ngoài ra bề mặt Khải Hoàn Môn còn có các phù điêu nhỏ khác.

Mộ chiến sĩ vô danh nằm dưới Khải Hoàn Môn từ ngày 11 tháng 11 năm 1920. Đây là một người lính Pháp vô danh chết trong trận Verdun, thời Thế chiến thứ nhất. Cùng với ở Paris, bảy chiến sĩ vô danh khác cũng được chôn cất ở Flandres, Artois, Somme, Chemin des Dames, Champagne, Verdun và Lorraine. Trên ngôi mộ ở Khải Hoàn Môn khắc dòng chữ: "đây là nơi yên nghỉ của một người lính Pháp chết cho Tổ quốc". Từ năm 1923, một ngọn lửa được thắp trên ngôi mộ chiến sĩ vô danh vào mỗi chiều tối. Buổi lễ được tổ chức vào lúc 18 giờ 30 ở chân Khải Hoàn Môn liên tục cho tới ngày nay. Vào ngày 14 tháng 7 năm 1940, trong thời gian Quân đội Đức chiếm đóng Paris, buổi lễ vẫn được tổ chức với sự cho phép của sĩ quan Đức.

Một ngày ở Paris tham quan nhiều nơi, hơn 12g đêm mới trở về nghĩ ngơi. Sáng hôm sau chúng tôi đi xe bus đến Lisieux.

9. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH NỮ TÊRÊXA Ở LISIEUX

Nổi bật giữa quảng trường là ngọn tháp cao có hình ảnh ông bà Louis Martin và Zélie Guérin, cha mẹ của Thánh Têrêxa. Hướng dẫn viên giới thiệu Nhà thờ và cuộc đời thánh nữ rồi dẫn chúng tôi đi thăm Tu viện và căn nhà năm xưa gia đình thánh nữ sinh sống.

Vương cung Thánh đường là công trình kiến trúc Nhà thờ Công Giáo lớn nhất thế kỷ XX, được khởi công xây dựng vào năm 1929, và mãi cho đến năm 1954 mới hoàn thành. Nhà thờ theo phong cách La mã Byzantine, được lấy cảm hứng từ Nhà thờ Thánh tâm ở Paris.

Nhà thờ có chiều dài 104m, cánh ngang dài 50m, bề rộng của lòng giữa nhà thờ 30m, mái vòm cao 95m. Chiều cao tính từ mặt đất đến đỉnh mái vòm là 95m. Chiều cao của các mái vòm nhỏ là 37m. Riêng đỉnh mái vòm cao 50m. Tổng diện tích là 4.500m2, có sức chứa 4.000 người.

Thánh Têrêxa thành Lisieux được phong Chân phước vào năm 1923 và được phong thánh vào năm 1925. Giáo Hội quyết định xây dựng một Vương cung Thánh đường lớn tại đây.

Vương cung Thánh đường này được Đức Hồng Y Pacelli đặc sứ của Giáo hoàng (sau này ngài trở thành Đức Giáo Hoàng Piô XII) thánh hiến ngày 11 tháng 7 năm 1937. Robert Corner tác giả của phần điêu khắc, còn Pierre Gaudin thiết kế các bức tranh khảm đá và kính màu.

Khởi đầu ngày mới, chúng tôi dâng lễ ở Nhà thờ tầng hầm. Cha Tam Quan, chánh xứ Mẫu Tâm chủ tế và giảng lễ. Tầng hầm có chiều cao 37m nằm dưới Vương cung Thánh đường là không gian đặc biệt nhất. Đây là nơi dành riêng cho việc tôn kính Thánh nữ. Tầng hầm này được trang trí bằng đá cẩm thạch với những bức tranh khảm đá kể lại cuộc đời của Thánh Têrêxa. Sau thánh lễ, chúng tôi kính viếng và cầu nguyện bên thi hài thánh nhân.

Sau khi ăn trưa tại Foyer Louis et Zélie Martin, các Nữ tu Việt nam và Phi châu Dòng L’Eau Vive đón tiếp niềm nở vui vẻ, chúng tôi trở lại thăm Vương cung Thánh đường.

Nhà thờ có hình dáng như một cây Thánh giá Latinh đặt nằm với mái vòm cong ở giữa. Kiến trúc này làm giảm nhẹ trọng lượng của trần khiến cho việc trổ những khung cửa kính màu từ trên cao có thể lấy ánh sáng tự nhiên được dễ dàng. Hầu hết phần nội thất của Thánh đường được phủ kín bởi những bức tranh và những họa tiết trang trí bằng tranh khảm đá có màu sắc rực rỡ. Đặc biệt bên trong Vương cung Thánh đường có những gian bàn thờ nhỏ kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu của 18 quốc gia có lòng sùng kính thánh nữ:

- Bên phải lòng giữa Nhà thờ là Mêxicô, Tây Ban Nha, Ý.
- Bên trái lòng giữa Nhà thờ là Canada, Bỉ và Balan.
- Cánh ngang bên phải là Ukraina và Chilê.
- Cánh ngang bên trái là Scotland, Đức, Cuba, Ireland.
- Bên phải là Braxin, Achentina và Bồ Đào Nha.
- Bên trái chính điện là Hoa Kỳ, Columbia và Anh Quốc

Đây là những quốc gia đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng Vương cung Thánh đường.

Chính các Giám mục Lemonnier, Lisieux và Bayeux đề xướng dự án xây dựng Thánh đường này và được Đức Giáo Hoàng Piô XI hỗ trợ. Gần như cả thế giới Công Giáo đã góp tiền của và công sức để thực hiện công trình này. Các tác giả của công trình kiến trúc đồ sộ này là các kiến trúc sư: Louis Marie Cordonnier (1954-1940), Louis-Stanislas Cordonnier (1884-1960), điêu khắc gia Robert Coin (1901-2007) và họa sĩ Pierre Gaudin (1908-1973) là những người rất nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Thánh Têrêxa Hài Đồng - con đường nhỏ của một vị thánh lớn.

Thánh Têrêxa sinh tại Alencon bên Pháp năm 1873. Cha Mẹ ngài là ông bà Louis Martin và Zélie Guérin rất đạo đức và tốt lành. Ông bà có 9 người con nhưng 4 người chết sớm. Trong 5 người con gái còn lại, Têrêxa là con út, 4 người vào dòng kín Camêlô và Léonine đi tu dòng Thăm Viếng.

Têrêxa mồ côi mẹ năm lên 4 tuổi. Gia đình dọn về thành Lisieux. Têrêxa có ý định đi vào Dòng Kín tại đây mặc dù tuổi còn nhỏ. Nhưng gia đình cũng như Đức Cha Hugonin đều chống lại dự án này nên Têrêxa quyết định xin phép thẳng với Đức Giáo Hoàng. Năm 1887, cùng với cha và chị Céline, Têrêxa đi hành hương Roma và trong buổi tiếp kiến ngày 20 tháng 11 năm 1887, Têrêxa xin ĐGH Leo XIII cho phép vào dòng kín mặc dù lúc đó mới được 14 tuổi. Nhưng cô chỉ nhận được một câu trả lời mơ hồ và được dẫn ra ngoài, nước mắt dàn dụa.

Trở về Lisieux, Têrêxa được phép ĐGM cho vào Dòng Kín vào ngày 9-4-1888, lúc đó chị mới được 15 tuổi và 3 tháng. 24 Nữ tu tiếp đón Têrêxa. Cuộc sống trong đan viện có nhiều cam go về mặt vật chất cũng như về kỷ luật. Chị Têrêxa ngày càng tiến triển trên con đường yêu mến Chúa. Ước muốn cứu rỗi các linh hồn thúc đẩy Têrêxa định xin tới Dòng Kín Camêlô ở Sàigon, nhưng vì bệnh lao phổi, nên chị Têrêxa phải bỏ ý định này và từ tháng 4 năm 1897, Têrêxa không thể tham dự đời sống cộng đoàn nữa.

Têrêxa qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897, lúc mới được 24 tuổi đời. Chỉ 27 năm sau đó, Đức Pio XI đã tôn phong Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên bậc hiển thánh và 2 năm sau, ngài tôn thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo, giống như thánh Phanxicô Xaviê, Tông đồ miền Viễn Đông.

Ngày 30 tháng 9 năm 1898, tức là đúng một năm sau khi Chị Têrêxa qua đời, Mẹ Agnès Chúa Giêsu và Mẹ Marie Gonzague đã cho ấn hành theo thông lệ một thư luân lưu về nữ tu quá cố và gửi tới tất cả các đan viện kín Camêlô. Chỉ khác một điều là bức thư này dày tới 476 trang. Tác phẩm đó mang tựa đề "Truyện một tâm hồn" và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn sách này được Mẹ Agnès soạn lại dựa trên 3 thủ bản A, B, C. Mãi tới năm 1956, cha Francois de Sante Marie mới trình bày bản phê bình, gồm các nguyên bản với phần dẫn nhập và chú thích.

• Thủ bản A là tác phẩm được Têrêxa viết ra theo lời yêu cầu của Mẹ Agnès để kể lại những năm đầu tiên trong cuộc đời thánh nữ. "Truyện mùa xuân của một bông hoa trắng nhỏ", do Têrêxa dùng những giờ phút rảnh rỗi giữa công việc và kinh nguyện để viết lại.

• Thủ bản B được Thánh Nữ Têrêxa kết thúc vào trung tuần tháng 9 năm 1896: Trong một cuộc tĩnh tâm trong cô tịch, Têrêxa nhận được lá thư của chị Marie Thánh Tâm xin Têrêxa chia sẻ những ánh sáng thiêng liêng đã nhận được trong cuộc tĩnh tâm ấy. Ngay ngày hôm ấy, 13-9-1896, Têrêxa trả lời cho chị Marie, thông báo cho chị kinh nguyện dài mà Têrêxa đã viết ngày 8-9-1896 trước đó để kỷ niệm ngày khấn dòng, đồng thời kèm theo một thư dài. Thư này cùng với kinh nguyện vừa nói họp thành điều mà người ta gọi là "Thủ Bản B". Trong thủ bản này, Têrêxa cũng kể lại một giấc mơ và mô tả các mong ước, các ơn gọi mà Têrêxa ước mong được sống.

• Thủ bản C do Têrêxa viết ra trong những tháng trước khi qua đời và lần này chị cũng viết vì đức vâng lời. Sứ mạng huynh đệ mà Têrêxa mô tả chính là một chứng tá sâu xa về đặc sủng Camêlô do Thánh Nữ Têrêxa Avila đã đề xướng khi cải tổ dòng Camêlô.

Ngoài ra, còn có các Thư của Têrêxa được công bố toàn bộ vào năm 1948, gồm 266 thư và miếng giấy nhỏ để ghi. Các thư này được gửi cho những người thân yêu trong gia đình, 7 giáo sĩ, 3 tu huynh và hai bạn gái. Còn thiếu khoảng 60 thư Thánh Nữ Têrêxa viết cho cha giải tội và một số thư viết cho các "người anh thừa sai". Tất cả các thư cho thấy, mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng Têrêxa đã thi hành nhiệm vụ hướng dẫn các linh hồn qua các thư từ đó.

Tập vở vàng gọi là Những Lời Sau Cùng, là tập hợp các lời cuối cùng của Têrêxa ghi lại trên cuốn vở của Mẹ Agnès. Tập này được chính Mẹ Agnès soạn lại, qua đó người ta thấy được chân dung của Thánh Nữ Têrêxa như một phụ nữ bị đóng đinh và chịu đau khổ khôn lường.

Năm 1952, cuốn Huấn dụ và Ghi niệm được công bố, rút từ những tuyên bố mà các nữ tập sinh dòng kín Camêlô ở Lisieux đã cung khai trong cuộc điều tra phong chân phước cho Têrêxa.

Thánh Têrêxa cũng viết 54 bài thơ, được thu thập lại và trình bày trong ấn bản phê bình vào năm 1979. Ngày nay, sau 20 năm nghiên cứu, toàn bộ các tác phẩm của Thánh nữ Têrêxa đã được xuất bản theo nguyên tắc phê bình khoa học và được dịch ra nhiều ngôn ngữ.

Thánh Têrêxa Hài Đồng đã khám phá và sống trọn con đường tình yêu, con đường thơ ấu trong Phúc Âm. Chính con đường đó đã dẫn đưa Têrêxa tới đỉnh cao thánh thiện và trở thành "Tiến Sĩ Hội Thánh", tức là bậc thầy về đàng thiêng liêng. Têrêxa đã ý thức về sự bất toàn và nhỏ bé của mình, nên biết rằng mình không thể nên hoàn thiện với sức riêng. Têrêxa đã tìm thấy trong Phúc Âm chân lý về sự "nhỏ bé", hoàn toàn tín thác nơi tình yêu Chúa, không cần phải trở nên "cao trọng", nhưng trở nên bé nhỏ trong vòng tay của Chúa.

Năm 1925, nhân dịp phong Thánh cho Têrêxa, Đức Hồng Y Pacelli (sau này là Đức Giáo Hoàng Piô XII) đại diện Tòa Thánh sang Pháp làm phép đền thờ kính Thánh nữ tại Lisieur. Ngài đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người... Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”.

Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêxa và nói: “Đây là vị Thánh lớn nhất thời hiện đại”. Chính lòng yêu mến Chúa và con đường nhỏ đã đưa Têrêxa lên thành vị thánh lớn.

Sau 28 năm từ trần, Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được Giáo Hội phong thánh năm 1925. Hai năm sau, Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng Ngài lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày 19 tháng 10 năm 1997. Như vậy, Giáo Hội tuyên phong thánh Têrêxa là bậc thầy trong đời sống đức tin và là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo.

Tại sao một Nữ Tu nhà kín suốt đời sống trong bốn bức tường tu viện mà lại được Giáo Hội tôn lên Bậc Thầy như thế?

Suốt đời, Têrêxa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào dòng kín. Vị Nữ Tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào dòng Cát Minh.Một Nữ Tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai, thế mà Giáo Hội tôn phong là Tiến sĩ và Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lý do dễ hiểu là: Thánh Têrêxa trở thành Bậc Thầy của Giáo Hội vì Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng con đường thơ ấu thiêng liêng.Ngài đã mang đến cho Giáo Hội một mùa xuân tâm linh.Bí quyết nên thánh của Têrêxa là làm việc nhỏ với tình yêu lớn, làm những việc tầm thường với một tình yêu phi thường.

"Con đường thơ ấu thiêng liêng" là một trong những "trường tu đức" (linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo thánh nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. "Con đường thơ ấu thiêng liêng" là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ. Áp dụng "phương pháp lên trời" hay sử dụng "chiếc thang máy" này, thánh Têrêxa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ! Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêxa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

Trẻ thơ hoàn toàn tín thác vào cha mẹ. Trẻ thơ không biết phân biệt thân thù. Người lớn không thể trở nên như trẻ thơ về phương diện thân xác, nhưng có thể trở nên như trẻ thơ về phương diện tinh thần. Đó là điều kiện cần và đủ để được vào Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “ Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên” (Ga 3,3). “Sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên” có nghĩa là con người cần phải “lột xác” để trở nên như một trẻ thơ, một người bé mọn. Chúa Giêsu đã từng nói, chỉ có người bé mọn mới nhận được ơn mạc khải chân lý của Thiên Chúa: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Khi các môn đệ hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”, Chúa Giêsu đã trả lời: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mc 18,3-4). Trẻ nhỏ không có những tham vọng danh lợi, quyền bính, dục tình, không có những mưu mô thủ đoạn…Vì thế, trẻ nhỏ không có tội lỗi. Trẻ nhỏ không có tính kiêu ngạo. Trẻ nhỏ đơn sơn thánh thiện. “Người ta càng gần Chúa, càng hóa đơn sơ” (Thủ bản Tự Thuật).

Con đường nên thánh của Têrêxa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường tu đức theo hạnh “trẻ thơ”. Con đường nhỏ của một vị Thánh lớn. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều người đã sống mạnh mẽ trong đức tin và trở nên những nhà truyền giáo cho muôn dân.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm Tu viện Nhà Kín và thăm nhà thánh nữ từng sống với gia đình thủa ấu thơ. Tu viện lưu giữ những đồ dùng đơn sơ của Têrêxa lúc sinh thời. Căn nhà gia đình Têrêxa sinh sống ngày xưa còn nguyên vẹn như thủa nào.Ngoài khu vườn bức tượng hai cha con màu trắng rất đẹp sáng lên tình phụ tử.

Chúng tôi lên đường đến thăm Nhà thờ Chính tòa thánh Phêrô, nơi có nhiều dấu ấn đạo đức thời thơ ấu của Têrêxa.

10. NHÀ THỜ CHÍNH TÒA THÁNH PHÊRÔ

Nhà thờ Chính tòa mang nét kiến trúc nghệ thuật Norman Gothic. Đức Giám Mục Arnoult đã cho xây dựng Thánh đường này. Ngài là bạn của Vua Louis VI và là vị cố vấn cho Công tước xứ Normandie. Khi đi theo Vua Pháp trong cuộc thập tự chinh trở về, ngài bắt đầu cho xây dựng nhà thờ vào năm 1149.

Nhà thờ đã bị phá hủy một phần vì cuộc hỏa hoạn vào năm 1126, ngọn tháp phía bắc sụp đổ vào năm 1554. Năm 1793 ngôi nhà thờ này bị biến thành trung tâm của lễ hội cách mạng Pháp. Đến năm 1802, Nhà thờ đã được quay trở lại vai trò ban đầu của mình là nơi thờ phượng Chúa.

Đây là Nhà thờ quê hương của Thánh nữ Têrêxa.Vào tuổi niên thiếu trước khi gia nhập Dòng kín, ngài đã tham gia đời sống của Giáo Hội địa phương. Trong 10 năm, Têrêxa đến đây tham dự Thánh lễ các ngày trong tuần và ngày Chúa Nhật cùng với người cha và các chị em của mình. Một bức tượng hiện đại do Lambert-Rucky thực hiện ở lối đi phía nam đánh dấu chỗ Thánh nữ tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Còn những ngày trong tuần, ngài tham dự Thánh Lễ trong Nhà nguyện ở phần vòng cung sau cung thánh. Pierre Cauchon đã trang trí ngôi Nhà nguyện này. Gần cửa lối đi phía bắc là Nhà nguyện trong đó có tòa giải tội, nơi Cha Ducellier nghe Thánh nữ xưng tội lần đầu.

Cuộc đời và linh đạo của Thánh Têrêxa luôn bàng bạc trong tâm hồn tôi. Khấn xin với Ngài để có thể đi vào con đường tu đức tuyệt diệu ấy.

Trở về Paris, chúng tôi chuẩn bị cho chuyến đi sáng hôm sau đến Trung tâm hành hương Đức Mẹ Lộ Đức.

(còn tiếp)