Tình hình của Giáo Hội Thái Lan.
Từ ngày 18 tháng Ba, chính phủ Thái đã ra lệnh cách ly trong hai tuần, tức là cho đến cuối tháng Ba. Bốn ngày sau đó, tất cả các trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê ở Bangkok cũng đã bị đóng cửa cho đến ngày 12 tháng 4. Người dân địa phương được yêu cầu ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp tối cần thiết.
Trong bối cảnh đó, 7 giáo phận và 2 tổng giáo phận đã ra lệnh đình chỉ các thánh lễ và thay vào đó bằng các thánh lễ trực tuyến như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Cho đến chiều thứ Tư mùng 1 tháng Tư, con số tử vong tại Thái đã tăng lên đến 10 người và tổng số ca nhiễm được xác nhận lên tới 1,651 người. Cho đến nay, cứ khoảng 1 tuần, số ca nhiễm bệnh tại Thái Lan lại tăng gấp đôi.
Theo thông tấn xã UCANews, nhiều người Thái chưa nhiễm coronavirus nhưng đang bị ảnh hưởng nặng nề từ căn bệnh hiểm nghèo này.
Việc cô lập, nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, đã đưa một thành phố nhộn nhịp đến chỗ gần như bế tắc. Nó cũng khiến hàng triệu người nghèo không có thu nhập. Hàng triệu người Thái làm việc tại đất nước này dưới dạng không chính thức, nghiã là không có mạng lưới an sinh xã hội, vì vậy họ không đủ khả năng để có thể nghỉ việc lâu dài.
Bên cạnh đó, nhiều người sống và làm việc tại Thái còn phải gửi phần lớn thu nhập của mình cho cha mẹ già ở quê nhà trong các vùng nông thôn, nơi nhiều người dân địa phương sống eo hẹp bằng nghề nông.
Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu những người lao động nhập cư ở Bangkok không nên trở về nhà vì lo họ sẽ làm lây nhiễm virus ra toàn quốc.
Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương mới thất nghiệp đã bỏ qua những lời khuyên như vậy, đổ xô đến các bến xe buýt trong đám đông đông đúc với hy vọng bắt được một chuyến xe trở về quê.
Cuộc sống ở Bangkok không dễ dàng gì nếu bạn không có tiền.
Ngay cả trước khi bị cô lập, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bị tổn thương. Sự bùng phát của loại coronavirus mới gây chết người ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12 đã khiến hàng triệu khách du lịch hủy bỏ kỳ nghỉ hè ở Thái Lan.
Phần lớn nền kinh tế phi chính thức của Thái Lan xoay quanh lĩnh vực du lịch mang lại cho đất nước khoảng 60 tỷ USD từ 39 triệu du khách năm ngoái và chiếm 20% doanh thu quốc gia.
Vua Thái bỏ trốn sang Đức cùng 20 thê thiếp
Vua Thái Maha Vajirusongkorn, 67 tuổi, được tường thuật đã thuê toàn bộ khách sạn Grand Sonnenbichl với một sự “cho phép đặc biệt” của thành phố Garmisch-Partenkirchen và chính quyền Đức. Tờ Bild của Đức cho biết là với lệnh cách ly hiện nay tại Đức, Vua Thái Maha Vajirusongkorn không thể đến đây nếu không có sự “cho phép đặc biệt”.
Nhà Vua đang cô lập trong khu nghỉ mát với 20 thê thiếp và một nhóm lớn người hầu. Khách sạn được vua Thái bao hết như một ngôi nhà dân cư trong suốt thời gian lưu trú, nghĩa là khách sạn không được nhận thêm bất cứ ai.
Bất kể nguy cơ phải ngồi tù 15 năm vì dám xúc phạm hoàng gia, các phương tiện truyền thông xã hội Thái Lan đã bắt đầu chỉ trích nhà vua vì quyết định bỏ trốn này. Thái có một luật đặc biệt cấm không ai được phê bình nhà vua hay hoàng tộc. Luật này gọi là lèse-majesté, hay luật “khi quân”. Ai vướng vào tội này có thể bị tù tội rất nặng.
Vua Thái đang cách ly an nhàn trong khu nhà nghỉ sang trọng trong khi một số miền của Thái Lan đã bắt đầu bị cách ly khi con số tử vong tăng lên đến 10 người và tổng số ca nhiễm được xác nhận lên tới 1,651 người.
Khách sạn được vua Thái thuê bao nằm trong khu nghỉ mát trượt tuyết của thành phố Garmisch-Partenkrichen, và là khách sạn sang nhất vùng này.
Thực ra, vua Thái sở hữu một nhà nghỉ lớn cách Hồ Starnberg 40km, và là một người thường xuyên đến nghỉ mát trong vùng Bavaria.
Nhưng thay vì lưu lại trong nhà nghỉ của mình, nhà vua đã mướn toàn bộ khách sạn Grand Sonnenbichl vì lo ngại các nhân viên trong nhà nghỉ của ông đã nhiễm coronavirus. Tử vong tại Đức đã lên đến 775 người, trong tổng số 71,808 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.
Truyền thông Đức báo cáo rằng 119 thành viên trong nhà nghỉ của ông đã được gửi về Thái sau khi bị nghi ngờ nhiễm virus. Ngôi nhà này đang được khử trùng và thay mới nhiều thứ.
Câu chuyện vua Thái đến vùng này đã là đầu đề bàn cãi của tin tức địa phương. Các khách sạn trong khu vực đã buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus chết người này.
Hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã trở thành tiêu đề quốc tế sau khi thăng cấp cho Thứ Phi Sineenat Wongvajirapakdi lên chức Trung Tướng Không Quân để rồi sau đó vài tháng đã tước mất chức Thứ Phi của cô và mọi cấp bậc trong quân đội, vì các mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt giữa cô này với hoàng hậu Suthida.
Vua Maha Vajirusongkorn lấy hiệu là Rama thứ 10. Ông sinh ngày 28 tháng 7 năm 1952.
Tên đầy đủ của ông có nghĩa là “được trang trí bằng đá quý”.
Ông được giáo dục đầu tiên tại một trường trong cung điện hoàng gia ở Bangkok, sau đó ông theo học ở trường Millfield, một trường nội trú ở Somerset, miền Tây Nam nước Anh.
Sau khi tốt nghiệp ở Anh, ông theo học tại Đại học Quân sự Hoàng gia tại Duntroon ở Canberra, Úc.
Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập quân đội Thái Lan.
Ông đã trải qua khóa đào tạo quân sự cao cấp không chỉ ở Thái Lan, mà còn ở Anh, Mỹ và Úc, và trở thành một sĩ quan không quân có trình độ lái cả máy bay dân sự và quân sự.
Theo BBC, nhà vua vẫn lái chiếc Boeing 737 của riêng mình khi đi ra nước ngoài.
Source:Coronavirus News Live