Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một sáng kiến tuyệt vời của một linh mục Việt Nam tại giáo phận Spokane để có thể gần gũi và nâng đỡ anh chị em giáo dân giữa thời đại dịch kinh hoàng.

Vị linh mục này nguyên quán tại Đà Nẵng và thường xuyên đi với các Giám Mục Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ tỷ lệ dân số được tiêm chủng đã lên đến trên 40%, xã hội Hoa Kỳ đang rục rịch nối lại cuộc sống bình thường, các thánh lễ được tái lập trở lại và hơn một nửa số trong số 176 giáo phận và tổng giáo phận nghi lễ Latinh đã ra thông báo kêu gọi anh chị em tín hữu quay lại các thánh lễ Chúa Nhật.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng chỉ mới đạt được 0.03%. Do đó, tại nhiều nơi, các nhà thờ lại một lần nữa phải đóng cửa ngừa dịch một cách gắt gao hơn.

Lần này là một cơn dịch rất 'hung hăng': nó dữ tợn như cơn dịch cuả Ấn Độ và lan truyền nhanh chóng như cơn dịch cuả Anh Quốc, theo báo cáo cuả bộ Y Tế Việt Nam.

Khác với các lần trước, cơn dịch mới này đặc biệt xâm hại đến trẻ con. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết tại Bắc Giang, 1000 trẻ em đang được cách ly để chữa trị. Tại Đà Nẵng trong số 6 em điều trị ở Bệnh viện Phổi có một em nhỏ chỉ mới có 6 tháng tuổi, gần đấy, trung tâm y tế đa khoa huyện Hòa Vang đang điều trị 12 em, từ 10 tháng cho tới 14 tuổi.

Nói như vậy không có nghĩa là Hoa Kỳ hay các nước giầu Tây Phương sẽ sớm thoát khỏi đại dịch nguy hiểm này. Một báo cáo mới nhất của ông chủ tịch hãng thuốc Moderna cho biết, hội nghị lần thứ 4 các khoa học gia mà họ triệu tập nhận định rằng các biến thể cuả virus này đang 'nhờn thuốc' và thay đổi mỗi ngày nhanh hơn. Thuốc chủng cuả họ cần phải cập nhật sớm.

Viễn ảnh tương lai là dù chúng ta ở nơi đâu, cũng sẽ phải chia chung một nhịp sống 'lúc đóng lúc mở' một cách rất bấp bênh.

Trong lãnh vực Mục Vụ, việc 'đóng cửa' là một thách đố cho các bậc hữu trách, cách riêng cho các vị đang phục vụ các giáo xứ.

Công nghệ truyền thông giải quyết được một phần trong những khó khăn như cử hành thánh lễ và một số nghi lễ khác, nhưng không có gì thay thế cho việc giao lưu thăm hỏi mà các vị mục tử cần phải làm, ít là đối với những người 'nguội lạnh'.

Để giải quyết khó khăn do việc cách ly xã hội, Cha Joachim Lê Quang Hiền thuộc giáo phận Spokane, Washington đã áp dụng một phương pháp rất đơn sơ và giản dị: Lần chuỗi Mân Côi qua điện thoại.

Những ai biết ngài thì đều biết rằng tuy làm chánh xứ cho một giáo xứ Mỹ nhưng ngài lúc nào cũng mau mắn hợp tác với các chương trình của người Việt. Những năm 1994, ngài đã đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, và dùng tài hùng biện đi quảng bá cho Liên Đoàn cũng như giảng phòng ở nhiều nơi. Ngài cũng đã nhiều lần cùng đi với phái đoàn các Giám Mục Hoa Kỳ thăm viếng các giáo phận tại Việt Nam.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Cha Hiền, lúc này đã về hưu, có ý tưởng cần phải phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ vì chỉ có Mẹ mới có thể cứu nhân loại qua cơn khốn khó này. Cách thức như sau:

Mỗi tối, ngài hẹn với một gia đình để cùng đọc kinh tối qua điện thoại.

Cha Hiền cho biết: “Thường là vào lúc 8:30 chiều là lúc họ đã ăn tối và coi TV xong. Tuy nhiên có những cụ già đi ngủ sớm thì tôi hẹn lúc 7:30, chẳng hạn. Còn với một số người Việt Nam làm nail thì giờ tốt nhất là 9:30 lúc họ đã về nhà”

“Thưa Cha, tại sao cha dùng điện thoại mà không dùng facetime hay là zoom cho linh động hơn?” anh Trần Mạnh Trác, phóng viên VietCatholic hỏi ngài.

“Không, chỉ điện thoại thôi, giản dị mà lại tập trung vào lời kinh, chứ facetime hay zoom thì dễ chia trí lắm, thí dụ như tôi nhìn thấy cảnh con cái chạy nhảy ăn uống vv... quan trọng là tập trung vào tâm linh”.

“Khi cha lần chuỗi với họ, cha xướng họ đáp, rồi chia sẻ bàn bạc về lời Chúa hay sao?”

“Chỉ lần chuỗi theo cách thức thông thường, thay phiên nhau xướng tùy, thêm một chút suy niệm sau mỗi ngắm. Khi kết thúc tôi khuyên nhủ vài lời và ban phép lành cho họ đi ngủ. Nếu gia đình có một kỷ niệm đặc biệt hoặc có lễ giỗ thì tôi thêm vào một lời nguyện hoặc chúc mừng. Nhưng nói chung một buổi đọc kinh như vậy sẽ không kéo dài quá 20 phút.”

Cha Hiền cho biết Ngài đã đi đủ vòng các gia đình của giáo xứ mà ngài từng cai quản và thêm vào đó là nhiều gia đình của hai giáo xứ bên cạnh. Sau khi tiếp cận với một số đông người như vậy, ngài đã khám phá ra một điều bất ngờ:

“Hầu như mọi người thì ai cũng 'thuộc lòng' kinh Tin Kính, nhưng nhiều khi tôi phải 'text' cho các em nhỏ kinh Kính Mừng thì chúng mới đọc được!”

Và để cho họ thông công một cách hữu ích hơn, Cha Hiền đã thu thập và soạn ra một ấn bản kinh Mân Côi, tiếng Anh và Việt Nam, rất đơn sơ và ngắn gọn nhưng lại thâm túy và thiết thực trong thời gian đại dịch.