Trên đây là hàng tít của John Lavenburg trên trang mạng Crux Now ngày 30 tháng 11. Ký giả này có ý nói đến vụ Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization (Dobbs kiện Cơ quan Y tế Phụ nữ Jackson), đề cập tới tính hợp hiến của một đạo luật năm 2018 của tiểu bang Mississippi, tức Đạo luật Thai kỳ (“Gestational Age Act”) ngăn cấm phá thai sau 15 tuần thai kỳ ngoại trừ các trường hợp cấp cứu y tế và “bất thường trầm trọng của bào thai”.



Người Công Giáo Mississippi nói riêng và người Công Giáo Hoa Kỳ nói chung mong thấy Tối cao Pháp viện của họ phán quyết vượt quá vụ này để lât đổ phán quyết Roe v. Wade của chính nó năm 1973 chính thức hợp pháp hóa việc Phá Thai, một việc đã sát hại hơn 60 triệu sinh mạng vô tội của trẻ chưa sinh.

Đức Cha Louis Kihneman của giáo phận Biloxi nói với tạp chí Crux: “Chúng ta cần thắng trận chiến này và chúng ta nhất quyết đem nó vào lời cầu nguyện một cách trọng thể như một giáo phận và tôi hy vọng rằng toàn quốc sẽ cầu nguyện để các thẩm phán Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết dựa trên quyền sống”.

Các tòa dưới đã ngăn chặn đạo luật. Nay nó nằm trong tay tòa án cao nhất nước, nó là thách đố lớn nhất vừa đối với Roe v. Wade năm 1973 vừa đối với Planned Parenthood v. Casey năm 1992 vốn ngăn cản tiểu bang ngăn cấm phá thai trước khi có cơ hội sống (viability). Cơ hội sống là thời điểm một bào thai có thể sống sót ở bên ngoài bụng mẹ, khoảng tuần thứ 24 thai kỳ.

Tối cao Pháp viện chưa bao giờ cho phép các tiểu bang cấm phá thai trước lúc bào thai có cơ hội sống. Nhưng theo Lavenburg, không có gì tuyệt đối khi một phán quyết trong vụ này sẽ lật ngược các phán quyết trên. Tòa có thể chỉ chuyên nhất phán quyết về đạo luật của Mississippi.

Tuy nhiên, các chuyên gia luật pháp tin rằng điều đó ít xẩy ra và nếu Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết của tòa dưới, nó sẽ có nhiều hệ luận đối với Roe v. Wade.

Nếu Roe v. Wade bị lật ngược, thì luật phá thai của từng tiểu bang sẽ do lập pháp của tiểu bang quyết định. Nếu Tối cao Pháp viện chấp nhận phán quyết của tòa dưới đối với đạo luật Mississippi, thì nguyên trạng chắc chắn tồn tại.

Chính vì thế, Lavenburg cho hay, Chúa nhật 28 tháng 11 vừa qua, đã có buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Quốc tế Chân trời Mới ở Jackson, với sự tham dự của Đức Cha Joseph Kopacz, Giám Mục Jackson. Ngài nói với Crux rằng Thống đốc Mississippi là Tate Reeves cũng có tham dự.

Ngài nói, “[vụ này] đã nhận được nhiều chú ý không những ở thành phố, mà ở toàn tiểu bang và rồi toàn quốc chắc chắn cũng thấy đây là cơ hội bằng vàng để tạo khác biệt liên quan tới thực tại phá thai”.

Các luận điểm chủ chốt

Cơ quan Y tế Phụ nữ Jackson, nguyên đơn của vụ kiện này, là bệnh xá phá thai duy nhất có phép của tiểu bang Mississippi. Bệnh xá này cung cấp dich vụ phá thai cho tới tuần thứ 16 của thai kỳ. Khoảng 100 bệnh nhân mỗi năm đã được phá thai ở đây sau 15 tuần, theo các luật sư đại diện cho bệnh xá trong cuộc điều trần ngày 13 tháng Chín trước Tối cao Pháp viện.

Trong trình bầy của họ, các luật sư sử dụng vụ Casey làm luận điểm chính thúc giục Tối cao Pháp viện bác bỏ đạo luật của Mississippi. Họ cho rằng “nhiều lần, Tòa vốn tái khẳng định rằng điều ‘bắt buộc’ là phải duy trì quyền ‘của người phụ nữ được chấm dứt thai kỳ của họ trước khi bào thai có cơ hội sống còn’”.

Họ cũng lập luận rằng xác nhận phán quyết của tòa dưới là cách duy nhất bảo vệ quyền của phụ nữ được “quyết định có nên tiếp tục thai kỳ trước lúc có cơ sống còn cho đến cuối cùng hay không”, và cho rằng các lập luận của tiểu bang không cung cấp được nền tảng cho việc bác bỏ ranh giới có thể sống còn.

Thomas E. Dobbs, viên chức y tế của tiểu bang, đại diện cho Bộ Y Tế Mississippi, như người đệ đơn trong vụ này. Trong bản góp ý mới nhất nạp cho Tòa ngày 13 tháng 10 do các luật sư ký thay cho ông, họ lập luận rằng Tối cao Pháp viện nên bác bỏ cả Roe lẫn Casey, đề cao Đạo Luật Thai Kỳ, và lật ngược các Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ trước đây để phán quyết của Tòa Liên bang thứ Năm ngăn cản nó.

Trọng tâm lập luận của họ là quan điểm cho rằng khả thể sống còn là đường phân ranh tùy tiện vốn “không có nền tảng hiến định hay theo nguyên tắc”, cho nên, không nên trở thành qui luật ấn định thời điểm có cơ sống còn.

Vào tháng 7 năm 2020, các giáo phận Công Giáo Jackson và Biloxi đã đệ trình bản góp ý của mình lên Tòa án Tối cao, như Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã làm vào tháng 7 năm 2021.

Các giáo phận, thông qua các luật sư của họ, tập trung lập luận của họ vào nỗi đau của thai nhi. Họ trích dẫn Tiến sĩ Maureen Condic, một giáo sư sinh học thần kinh tại Đại học Utah, người được nhà nước trích dẫn như người đã phát hiện ra rằng “trong khoảng thời gian được quy định bởi [Đạo luật Thai Kỳ], bào thai người có khả năng tri nhận cơn đau có ý thức”.

Bản góp ý lập luận rằng “Việc một đứa trẻ chưa sinh có thể cảm thấy đau khi bác sĩ phá thai hoặc giết nó, điều này rõ ràng có liên quan đến một đạo luật cấm phá thai vào thời điểm khi đứa trẻ chưa sinh ra đã có thể cảm thấy đau đớn”.

Trong khi đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thông qua các luật sư, đã đưa ra lập luận của mình về tính hợp hiến tổng thể của việc phá thai.

Bản góp ý của các ngài viết, “Hiến pháp không tạo ra quyền phá thai một đứa trẻ chưa sinh trước khi em có khả năng sống còn hoặc bất cứ giai đoạn nào khác của thai kỳ. Phá thai, từ nội tại, vốn khác với các loại quyết định bản thân khác mà tòa án này vốn ban quyền bảo vệ hiến định”.

Công Giáo hô hào phò sinh vượt quá đạo luật Mississippi

Bất kể quyết định của Tòa án Tối cao ra sao, cả Đức Cha Kihneman lẫn Đức Cha Kopacz đều thừa nhận rằng vì chính nghĩa phò sinh còn một chặng đường dài để đi, nên việc hô hào cần phải tiếp diễn.

Đức Cha Kopacz nhận định rằng cùng với những lời cầu nguyện cho một kết quả thành công ở bình diện Tòa án tối cao, còn cần phải có "ý thức sâu sắc rằng chúng ta cần phải nhân thừa nỗ lực của mình để hiện diện với những người mang thai ngoài ý muốn".

Ngài nói: “Đó là một thời điểm thuận lợi ở một bình diện và ở một bình diện khác, luôn có nhu cầu phải hoán cải, tôn trọng sự sống hơn. Cần phải thực sự nâng cao phẩm giá sự sống bắt đầu từ trong bụng mẹ và đối với những phụ nữ đang mang thai ngoài ý muốn”.

Đức Cha Kihneman nhấn mạnh tầm quan trọng phải có những cuộc trò chuyện gay go.

Ngài nói, “Quốc gia thực sự cần có một cuộc thảo luận cởi mở và trung thực về toàn bộ chủ đề này, nhất là về sự sống của đứa trẻ. Cho đến khi chúng ta làm được điều đó, tôi nghĩ những chia rẽ mà chúng ta hiện có sẽ tiếp diễn và chúng ta cần phải đi đến một sự đoàn kết nào đó quanh vấn đề sự sống. Nó quan trọng đối với linh hồn của đất nước chúng ta".

Cơ hội Dobbs

Tạp chí The Pillar thì cho rằng các quan sát viên của cả hai bên của vụ kiện đều đồng ý rằng tương lai phá thai ở Hoa Kỳ sẽ ở thế lưng chừng. Tòa có thể bác bỏ hay làm suy yếu các tiền lệ của cả Roe lẫn Casey, 2 vụ đã tạo nền tảng cho chính sách phá thai của Hoa Kỳ, hoặc Tòa có thể bác bỏ đạo luật của Mississippi, và duy trì nguyên trạng của liên bang.

Điều đó có xảy ra chăng? Đây là những gì chúng ta biết:

• Các thẩm phán của Tòa án đã nghị bàn một thời gian dài trước khi quyết định sẽ thụ lý vụ kiện.

• Bang Mississippi đã yêu cầu Tòa án bác bỏ cả Roe lẫn Casey một cách minh nhiên.

• Các cử tri phò sinh đã trải qua nhiều thập niên trong một liên minh chính trị, trong đó phần thưởng, đối với họ, được cho là vào thời điểm này.

• Rõ ràng là ba thẩm phán sẽ bỏ phiếu hoàn toàn chống lại luật Mississippi. Không rõ liệu đa số các thẩm phán còn lại sẽ liên kết lại để lật đổ Roe hay họ sẽ chọn thế ở giữa, tuy có thay đổi các tiêu chuẩn do Roe đặt ra nhưng về nguyên tắc vẫn giữ nguyên quyền hiến định được phá thai.

• Nếu Roe bị đảo ngược, chính sách phá thai sẽ chuyển về các tiểu bang và có thể có tới 26 tiểu bang dự kiến sẽ cấm hoặc hạn chế đáng kể việc phá thai. Nếu Tòa án đặt ra tiền lệ mới thay đổi hoặc thay thế “tiêu chuẩn có thể sống còn”, thì nhiều tiểu bang trong số đó sẽ thông qua các quy định mới về phá thai.

• Quyết định của Tòa án tác động quá việc phá thai. Những gì được quyết định trong vụ Dobbs này cũng có tiềm năng thúc đẩy việc chuyển dịch các liên minh bên trong các đảng chính trị, nhất là Đảng Cộng hòa. Nếu những người phò sinh thất vọng với phán quyết của Tòa án, thì ý tưởng bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa - bất cứ đảng viên Cộng hòa nào - để họ đưa các thẩm phán vào Tòa sẽ khó thành công đối với một số người. Nếu Tòa án lật ngược Roe, những người ủng hộ ông Donald Trump sẽ tuyên bố chiến thắng và điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024.

Lập luận miệng là bước đầu tiên; phán quyết chỉ có thể được công bố vào tháng 6. Nhưng như lịch sử đã cho thấy, các lập luận và câu hỏi do các thẩm phán nêu ra, rất đáng để nghe.