1. Ukraine tái chiếm Đảo Rắn

Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Andriy Yermak, đã chúc mừng các lực lượng vũ trang của đất nước ông đã làm một “công việc tuyệt vời” sau khi tái chiếm được Đảo Rắn.

Yermak nói: KABOOM! Không có quân đội Nga trên Đảo Rắn nữa. Lực lượng vũ trang của chúng ta đã làm một công việc tuyệt vời.

Yermak cho rằng quân đội Ukraine đang “kiềm chế quân Nga” và ông ấy đang mong đợi nhiều vũ khí hơn để “đánh bật quân Nga”.

Trong bản tin chiều ngày 30 tháng Sáu, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng Ukraine đã đẩy lui các lực lượng Nga khỏi Đảo Rắn, một vùng đất chiến lược ở Hắc Hải ngoài khơi bờ biển phía nam gần thành phố Odesa.

Việc Ukraine tái chiếm được hòn đảo làm suy yếu mọi kế hoạch của Nga nhằm mở một cuộc tấn công trên bộ trong tương lai vào dải bờ biển Odesa.

Tối thứ Ba 21 tháng 6, quân Ukraine đã bắt đầu bắn 150 quả đạn pháo và hỏa tiễn. Trong bản báo cáo sáng thứ Năm 23 tháng 6, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nói họ tin rằng quân Nga trên Đảo Rắn không còn ai sống sót.

Cuộc tấn công cường tập này của Ukraine diễn ra chưa đầy một tuần sau khi hải quân Ukraine đánh chìm chiến hạm Vasily Bekh của Nga chở hệ thống phòng không, đạn dược và binh sĩ đến Đảo Rắn. Dư chấn của vụ đánh chìm chiến hạm Vasily Bekh đã khiến không một tầu chiến nào của Nga trong vịnh Hắc Hải dám đến cứu các binh sĩ trên đảo.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong đêm thứ Tư 29 tháng 6, quân Ukraine đã mở cuộc tấn công tái chiếm hòn đảo. Họ đã chạm súng với quân Nga, không rõ đó là những người sống sót hay những binh sĩ mới đến để thu lượm các tài liệu quan trọng. Quân Nga đã phải chạy trốn trong đêm trên hai xuồng cao tốc.

Quân Nga đã chiếm Đảo Rắn để làm bàn đạp xâm lược miền Nam Ukraine qua ngã Odesa. Họ cũng chiếm đảo này nhằm a phong tỏa các cảng trên bờ Hắc Hải của Ukraine, khiến giá ngũ cốc tăng cao, và đe dọa nạn đói ở một số quốc gia.

2. Diễn biến khôi hài: Bộ Quốc Phòng Nga xác nhận quân Nga đã rút lui khỏi Đảo Rắn, tuyên bố đây là 'bước đi thiện chí'

Vài giờ sau khi Ukraine tuyên bố tái chiếm Đảo Rắn, trong một diễn biến hết sức khôi hài, Bộ Quốc Phòng Nga đã xác nhận rằng họ đã rút khỏi Đảo Rắn ở Hắc Hải, đồng thời khẳng định đây là “bước đi thiện chí” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng ngũ cốc.

Chiến tranh làm gì có chuyện “bước đi thiện chí”. Thua thì chạy. Chuyện chỉ có thế, nhưng Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã giở giọng nhân nghĩa nói:

“Vào ngày 30 tháng 6, như một bước thiện chí, các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trên đảo Zmiinyi và rút quân đồn trú tại đây.

Như vậy, điều này đã chứng minh cho cộng đồng thế giới thấy rằng Liên bang Nga không can thiệp vào nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc tổ chức hành lang nhân đạo cho hoạt động xuất khẩu nông sản từ lãnh thổ Ukraine.”

3. Putin phủ nhận Nga đứng sau vụ tấn công man rợ vào trung tâm mua sắm ở miền trung Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã lên tiếng phủ nhận rằng Nga đứng sau một cuộc tấn công vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk, miền trung Ukraine, khiến ít nhất 18 người chết và hàng chục người mất tích và bị thương.

“Quân đội Nga không tấn công bất kỳ địa điểm dân sự nào. Chúng tôi không có nhu cầu cho điều này. Chúng tôi có mọi khả năng để phát hiện các vị trí cụ thể; và nhờ có những vũ khí tầm xa quý giá mà chúng tôi đang đạt được các mục tiêu của mình “, ông Putin nói như trên sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo” 5 nước Caspi “ bao gồm Nga, Azerbaijan, Iran, Kazakhstan và Turkmenistan - ở Ashgabat.

Trước đó, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã xác nhận “Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí phòng không chính xác cao vào các kho chứa vũ khí và đạn dược nhận được từ Hoa Kỳ và các nước Âu Châu,” khi đánh vào một nhà máy “làm đường xá. “

“Kết quả của cuộc tấn công có độ chính xác cao này là vũ khí và đạn dược do phương Tây sản xuất, tập trung trong khu vực nhà kho để vận chuyển tiếp cho nhóm quân Ukraine ở Donbas, đã bị trúng đạn và phát nổ.”

Bộ Quốc Phòng Nga đã đổ lỗi cho “kho đạn được lưu trữ của vũ khí phương Tây” đã gây ra hỏa hoạn ở nơi được mô tả là một trung tâm mua sắm lân cận “không còn hoạt động”.

Video từ Kremenchuk cho thấy một trung tâm mua sắm ở trung tâm thành phố đã bị thiêu rụi bởi một trong hai hỏa tiễn được phóng đi. Bất chấp tiếng còi báo động của cuộc không kích, hàng chục người vẫn có mặt bên trong trung tâm mua sắm khi hỏa tiễn tấn công.

Không rõ Bộ Quốc phòng Nga đang đề cập đến nhà máy “làm đường xá” nào vì trong vòng bán kính 3km không có nhà máy nào.

4. Tình báo Ukraine thiết lập chi tiết về cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào trung tâm mua sắm Kremenchuk

SSU xác lập thông tin chi tiết về cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào trung tâm mua sắm Kremenchuk

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU, đã phát hiện ra rằng các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Trung tâm mua sắm Amstor tại Kremenchuk được phóng từ Vùng Kursk.

Theo Cục trưởng Cục An ninh Ukraine Ivan Bakanov, SSU đang thu thập nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Nga cố ý phạm tội chiến tranh.

“Các hỏa tiễn Kh-22 đã được bắn bằng máy bay ném bom Tu-22M3, cất cánh từ căn cứ không quân Shaykovka ở Vùng Kaluga của Nga.”

SSU cũng đăng video về vụ tấn công hỏa tiễn, xác nhận rằng quân chiếm đóng của Nga đã tấn công trung tâm mua sắm có nhiều thường dân bên trong.

Người ta cũng có thể so sánh các hình ảnh vệ tinh của Kremenchuk trước và sau vụ tấn công hỏa tiễn.

“Do đó, bất kỳ hư cấu tuyên truyền nào của Nga đều có thể bị bác bỏ bởi sự thật”

Theo SSU, không có kho chứa thiết bị quân sự nào ở đó. Doanh nghiệp gần nhất cách đó 3km từng sản xuất nhựa đường.

“Dựa trên logic của quân xâm lược Nga ở Nga, các kệ siêu thị và xí nghiệp làm nhựa đường là mối đe dọa đối với họ. Quân đội Nga là một nhóm khủng bố, những kẻ chắc chắn sẽ bị trừng phạt vì tội ác của chúng. Tất cả các bằng chứng hiện đã được ghi lại một cách kỹ lưỡng,” Tướng Bakanov lưu ý.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 27 tháng 6 năm 2022, hai hỏa tiễn của Nga đã tấn công thành phố Kremenchuk, Vùng Poltava. Một trong những hỏa tiễn đã bắn trúng một trung tâm mua sắm địa phương với khoảng 1.000 dân thường bên trong.

5. Vladimir Putin đã đưa ra những cảnh báo mới rằng Nga sẽ đáp trả tương xứng nếu Nato thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự ở Phần Lan và Thụy Điển sau khi họ gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Các hãng thông tấn Nga trích dẫn lời ông Putin nói rằng ông không thể loại trừ rằng căng thẳng sẽ nổi lên trong quan hệ của Mạc Tư Khoa với Helsinki và Stockholm khi họ gia nhập NATO.

Ông Putin nói: “Chúng tôi không có vấn đề gì với Thụy Điển và Phần Lan như với Ukraine. Chúng tôi không có những mâu thuẫn liên quan đến lãnh thổ”.

“Nếu Phần Lan và Thụy Điển muốn, họ có thể tham gia. Đó là vào tùy ý họ. Họ có thể tham gia bất cứ thứ gì họ muốn “.

Tuy nhiên, ông cảnh báo “nếu lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở đó, chúng tôi sẽ có nghĩa vụ phản ứng một cách cân xứng và nêu lên những mối đe dọa tương tự đối với những vùng lãnh thổ nơi các mối đe dọa đã xuất hiện đối với chúng tôi”.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển không nên gia nhập NATO, nói rằng “hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng” của động thái như vậy sẽ buộc nước này phải “khôi phục cân bằng quân sự” bằng cách tăng cường phòng thủ ở khu vực Biển Baltic, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân.

6. Nga tìm cách bắt nạt Na Uy

Nga vừa cáo buộc Na Uy làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa đến các quần đảo ở Bắc Cực và đe dọa trả đũa. Tranh chấp mới nhất này của Nga đối với Na Uy giống hệt như trong trường hợp với Lithuania về việc đưa hàng hóa tới khu vực Kaliningrad của Nga.

Nga đã tuyên bố rằng Na Uy đang vi phạm một thỏa thuận cho phép Nga tiếp cận Svalbard. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy nói rằng Na Uy không hề ngăn chặn Nga tiếp cận các quần đảo Bắc Cực, mà chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt quốc tế, và Nga có các biện pháp khác để tiếp cận các khu định cư của mình.

Svalbard, nằm giữa bờ biển phía bắc của Na Uy trong vùng Bắc Cực, và là một phần của Na Uy, nhưng Nga có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của quần đảo theo một hiệp ước năm 1920 và một số khu định cư ở đó chủ yếu là người Nga.

“Na Uy không vi phạm Hiệp ước Svalbard,” Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt nói.

“Chuyến hàng bị dừng lại ở biên giới Na Uy-Nga đã bị dừng lại trên cơ sở lệnh trừng phạt cấm các công ty vận tải đường bộ của Nga vận chuyển hàng hóa trên lãnh thổ Na Uy”.

Bà nói thêm: “Na Uy không cố gắng ngăn nguồn cung cấp đến Barentsburg, khi đề cập đến khu định cư chính của Nga trên Svalbard, nơi khai thác một mỏ than.

Bà nói thêm, Nga có thể cung cấp cho địa phương này bằng một cách khác, bằng tàu thủy hoặc đường hàng không, chứ không nhất thiết là bằng đường bộ.

7. Các chính trị gia chủ hòa muốn đạt được thoả thuận với Nga

Hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng các chuyến hàng từ Nga đến vùng Kaliningrad quá cảnh Lithuania có thể trở lại bình thường trong vòng vài ngày tới khi các quan chức Liên Hiệp Âu Châu tiến tới một thỏa thuận với Nga.

Kaliningrad, giáp với các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu và phụ thuộc vào đường sắt và đường bộ qua Lithuania. Hầu hết hàng hóa đã không thể vận chuyển từ lục địa Nga đến vùng này kể từ ngày 17 tháng 6, theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu.

Các quan chức Âu Châu đang đàm phán về một thoả thuận miễn trừng phạt lãnh thổ Kaliningrad, mở đường cho việc vận chuyển hàng hóa như bình thường vào đầu tháng 7.

Một số quan chức Âu Châu lo ngại Âu Châu khó có thể áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc mà không leo thang thêm những căng thẳng với Nga. Vì thế, với sự hậu thuẫn của Đức, họ đang tìm kiếm một thỏa hiệp nhằm giải quyết một số các xung đột với Mạc Tư Khoa, có thể dẫn đến lan rộng chiến tranh.

Tuyến đường truyền thống để đưa hàng hóa từ lục địa Nga đến Kaliningrad thông thường sẽ đi qua đồng minh Belarus và sau đó là Lithuania, rồi mới đến Kaliningrad. Nếu tuyến đường này không được khôi phục, Lithuania lo ngại Mạc Tư Khoa có thể sử dụng lực lượng quân sự để cày nát một hành lang đất liền qua lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, Đức có binh lính đóng tại Lithuania và có thể bị cuốn vào một cuộc đối đầu cùng với các đồng minh Nato nếu điều đó xảy ra.

Đức, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Âu Châu cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga và sẽ dễ bị tổn thương bởi bất kỳ sự cắt giảm dòng chảy nào nếu tranh chấp Kaliningrad leo thang.

Một nhà đàm phán của Liên Hiệp Âu Châu cho biết: “Chúng ta phải đối mặt với thực tế, Kaliningrad rất thánh thiêng đối với Mạc Tư Khoa”.

“Putin có nhiều đòn bẩy hơn chúng ta có. Vì lợi ích của chúng ta, chúng ta phải là tìm ra một thỏa hiệp,”ông nói, đồng thời thừa nhận rằng kết quả cuối cùng có thể xem ra không công bằng đối với Ukraine.

Một trong những người có kiến thức trực tiếp về vấn đề này cho biết họ mong đợi một thỏa thuận sẽ được tìm thấy vào ngày 10 tháng 7, và một người khác cho biết nó có thể được công bố vào tuần tới.

8. Lithuania nhất quyết tiến hành các biện pháp trừng phạt quá cảnh Kaliningrad bất kể những lời đe dọa của Mạc Tư Khoa

Kể từ ngày 17 tháng 6, các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với việc vận chuyển thép và kim loại đen qua lãnh thổ Lithuania đến Kaliningrad của Nga đã có hiệu lực. Trong các ngày qua, đã có những vận động nhằm bãi bỏ các lệnh trừng phạt này vì nhiều người lo ngại có thể dẫn đến thế chiến.

Thủ tướng Lithuania Ingrida Šimonytė cho biết nước này không nao núng, và sẽ tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, Lithuania sẽ thực hiện các điều khoản của gói trừng phạt thứ tư của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga và ngừng vận chuyển các hàng hóa khác đến Kaliningrad từ ngày 10 tháng 7, khi các hạn chế bắt đầu có hiệu lực.

“Đúng vậy, chúng tôi sẽ làm theo cách mà chúng tôi hiện đang tuân thủ các lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 17 tháng 6”, Šimonytė nói

Theo Thủ tướng Lithuania, các khách hàng của Đường sắt Lithuania đã được cảnh báo.

Bà cho biết: “Các hãng vận tải đã được thông báo rằng từ ngày 10/7, một số hướng dẫn liên quan đến các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực để họ không xếp hàng hóa sau ngày đó”.

Từ ngày 10 tháng 7, các hạn chế đối với việc vận chuyển xi măng, rượu và hàng xa xỉ sẽ được áp dụng, đồng thời lệnh cấm đối với than đá và các nhiên liệu hóa thạch rắn khác sẽ được ban hành vào ngày 10 tháng 8.

Bộ Ngoại giao Nga gần đây đã triệu tập Đại biện lâm thời của Lithuania tại Mạc Tư Khoa là Virginia Umbrasene, để bày tỏ phản đối quyết định của chính quyền Lithuania về việc cấm vận chuyển một loạt hàng hóa đến Kaliningrad. Bộ Ngoại Giao Nga kêu gọi ngay lập tức bãi bỏ lệnh cấm quá cảnh. Đồng thời, tuyên bố rằng Nga có quyền hành động để “bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.”

Sau đó, Bộ Ngoại giao Lithuania đã trao cho Đại biện lâm thời của Nga tại Vilnius là ông Sergey Ryabokon một công hàm giải thích các biện pháp hạn chế mà Liên Hiệp Âu Châu áp đặt đối với một số loại hàng hóa quá cảnh tới Kaliningrad. Trong cuộc họp, Lithuania mạnh mẽ bác bỏ thông tin sai lạc do các phương tiện truyền thông Nga loan tả i rằng Lithuania đã cấm vận chuyển hành khách và hàng hóa không thuộc diện trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu.