Theo Edward Pentin của CNA, trong nhiều năm, những tiếng nói hiểu biết đã cảnh báo Vatican về sự nguy hiểm của quá trình Hán hóa.



Nhưng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thực thi chương trình Hán hóa của mình, đặt các biện pháp kiểm soát tôn giáo ngày càng chặt chẽ hơn và buộc họ quảng bá học thuyết Mác-xít, Vatican phần lớn vẫn im lặng một cách công khai mặc dù chương trình này hoàn toàn không phù hợp với đức tin Công Giáo.

Trong một bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc vào ngày 5 tháng 3, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khoe khoang về mức độ mà việc Hán hóa các tôn giáo đã được thực hiện, nói rằng nó đã được thực hiện “dần dần” và nhấn mạnh rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải “tích cực hướng dẫn các tôn giáo” để thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa.”

Mục tiêu chung của quá trình Hán hóa là cưỡng bức hội nhập và đồng hóa văn hóa cộng sản Trung Quốc vào xã hội — một chương trình đã dẫn đến cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, cũng như các nhóm thiểu số ở các khu vực khác như Tây Tạng và Nội Mông Cổ.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hà Nam ở miền trung bắc Trung Quốc, nơi có tỷ lệ người theo Kitô giáo cao nhất cả nước, đã ráo riết thực hiện chương trình Hán hóa, buộc tất cả những người theo tôn giáo phải đăng ký để được thờ phượng trong nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo hoặc chùa chiền Phật giáo.

Asia News, ngày 8/3, đưa tin: Thông qua một ứng dụng điện thoại do chính phủ tạo ra, các tín đồ phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, chi tiết chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, nghề nghiệp và ngày sinh.

Đồng thời, những người theo dõi Trung Quốc cho biết: các cơ quan nhà nước bề ngoài đại diện cho lợi ích của Giáo Hội Công Giáo và các lợi ích xã hội dân sự khác chỉ là vỏ bọc để đóng dấu cao su cho một chính sách như vậy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đánh dấu tròn một thập niên làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào ngày 14 tháng 3, tiếp tục củng cố quyền lực vào chính ông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nina Shea, thành viên cấp cao và giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson cho biết: Ông ta cũng vẫn “hoàn toàn cam kết Hán hóa tất cả các xã hội dân sự, đặc biệt là các nhóm tôn giáo”.

Shea nói với Register: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang theo mô hình đàn áp các Giáo Hội từ những năm 1970 và 80 của Liên Xô bằng các biện pháp giám sát, đồng lựa chọn, quy định và truyền bá. “Điều này nhằm mục đích chấm dứt niềm tin và sự giảng dạy niềm tin và giáo huấn Công Giáo và các Giáo Hội Kitô giáo khác trong khi vẫn duy trì các hình thức công khai của họ nhằm che giấu sự đàn áp của nó và để xâm nhập tốt hơn vào Giáo hội và các giáo huấn của nó.”

Hán hóa tăng cường

Vào tháng 12 năm 2021, Chủ tịch Tập nói rằng tôn giáo và các tổ chức tôn giáo “phải được hướng dẫn tích cực để thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa,” và những người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách các vấn đề tôn giáo phải coi việc Hán hóa tôn giáo là nhiệm vụ chính của họ. “Các nghiên cứu tôn giáo duy Mácxít” cũng phải được tăng cường, ông nói thêm, đồng thời các thành viên của các tổ chức tôn giáo không nên “can thiệp vào đời sống xã hội” và giáo dục giới trẻ.

Hơn nữa, nhà độc tài cộng sản của Trung Quốc kêu gọi giám sát nhiều hơn và trừng phạt những tín hữu sử dụng mạng xã hội để truyền đạo hoặc chỉ trích chính sách tôn giáo của chính phủ. Ông Tập nói, Hán hóa có nghĩa là tất cả các cộng đồng tôn giáo phải do Đảng lãnh đạo, do Đảng kiểm soát và ủng hộ Đảng.

Ba tháng sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí còn táo bạo hơn về chương trình này. Trong một bài báo trên Study Times, một trong những ấn phẩm chính thức của nó, nó đã vạch ra một đường lối truyền bá có hệ thống về chủ đề “Yêu Đảng, Yêu Tổ quốc, Yêu Chủ nghĩa Xã hội.” Lưu ý một cách đáng ngại rằng một số tôn giáo không thể bị Hán hóa, bài báo nhấn mạnh rằng những người từ chối phục tùng sự kiểm soát của Đảng sẽ bị coi là “các thế lực thù địch nước ngoài […] âm mưu chính trị để đánh bại và lật đổ Trung Quốc.” Bài báo nêu rõ bất cứ tôn giáo nào từ chối tuân theo sự chỉ đạo của đảng trong mọi việc sẽ bị “kiên quyết đàn áp và xóa sổ”.

Nữ tu của Dòng Máu Thánh Hồng Kông, Beatrice Leung, nhà nghiên cứu danh dự tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan, giải thích: “Đảng Cộng sản Trung Quốc vô thần có chính sách muốn tiêu diệt bất cứ tôn giáo nào có nguồn thẩm quyền giảng dạy khác”.

Nữ tu Beatrice nói với tờ Register: “Người lãnh đạo đảng không thể chấp nhận đạo Công Giáo. Đó là lý do tại sao đàn áp tôn giáo bao gồm cả Công Giáo đã là chính sách lâu dài của đảng.”

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Dân số về thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018 giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm giám mục, trong căn bản, Hán hóa tôn giáo có nghĩa là “thay thế việc thờ phượng Chúa bằng việc thờ phượng Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của nó. Đây chính xác là những gì Đức Quốc xã đã cố gắng thực hiện vào những năm 1930 với cái gọi là chương trình Quốc xã hóa, cụ thể là biến các Giáo Hội Công Giáo và Tin lành của Đức thành những người ủng hộ nhiệt thành Chủ nghĩa Quốc Xã và những người ủng hộ ý thức hệ của nó.”

Báo cáo, do chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, Steven Mosher, biên soạn, nêu chi tiết về việc đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, “quốc giáo là chính Trung Quốc”, rằng “'chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc' là giáo lý của nó, các thành viên là chức linh mục của nó và 'nhà lãnh đạo cốt lõi' của nó Tập Cận Bình phục vụ với tư cách là thượng tế tối cao của nó.” Báo cáo cho biết, đó là hậu quả của một “hình thức tự yêu quốc gia mình một cách cực kỳ độc hại”, tuyên truyền để các công dân Trung Quốc nghĩ rằng họ là một phần của “Vương quốc ở Trung tâm Trái đất”, rằng họ “xứng đáng thống trị những người thấp kém hơn ở ngoại vi”

Trong nhiều năm, Mosher, Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun, giám mục hưu trí của Hồng Kông, và những người khác hiểu biết về tình hình đã cảnh báo Vatican về những nguy cơ của việc Hán hóa, bao gồm một khía cạnh chính mà nó đòi hỏi: mọi người phải đăng ký với chính quyền. Vào năm 2018, lệnh đăng ký bắt đầu yêu cầu tất cả các giám mục, linh mục và giáo dân hầm trú, những người trung thành với Rome chứ không phải với Giáo Hội nhà nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành, tức Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, không chỉ đăng ký với chính phủ, mà còn với Giáo Hội ly giáo do nhà nước điều hành.

Bất chấp những mối đe dọa nghiêm trọng này đối với Giáo Hội Công Giáo và đức tin, quá trình Hán hóa đã có hiệu quả trong việc vượt qua sự kháng cự. Nữ tu Beatrice nói: “Chương trình này đã là một vấn đề lớn, đặc biệt là khi việc đào tạo giáo sĩ trong thời kỳ hiện đại hóa ở Trung Quốc kể từ những năm 1980 không được vững chắc về tín lý và linh đạo”.

Về việc thách thức sự truyền bá của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bà cho biết “bên ngoài Trung Quốc, chúng tôi từng nhận được những lời kêu cứu và yêu cầu giúp đỡ, nhưng giờ đây Trung Quốc kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng và mọi phương thức liên lạc.” Ngay trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp cấp nhà nước của Trung Quốc, bà cho biết, “tỷ lệ bỏ phiếu bầu ông Tập làm chủ tịch nước là 100%”.

Nữ tu Beatrice hỏi, “Làm sao người dân có thể nói không với chính phủ, khi các quan chức cấp cao không dám chống lại Tập?”.

Phản ứng của Vatican

Về phần Vatican, phần lớn họ im lặng, hoặc thậm chí khen ngợi, về quá trình Hán hóa. Vào năm 2019, Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói với tờ báo tiếng Anh The Global Times do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành rằng quá trình Hán hóa có thể được so sánh với thực hành hội nhập văn hóa của các nhà truyền giáo Công Giáo.

Ngài nói, “Hội nhập văn hóa là điều kiện thiết yếu cho việc loan báo Tin Mừng một cách lành mạnh, để sinh hoa trái, một mặt đòi hỏi phải bảo vệ sự trong sạch và toàn vẹn đích thực của Tin Mừng, mặt khác, trình bày Tin Mừng theo kinh nghiệm cụ thể của mỗi dân tộc và văn hóa. Hai thuật ngữ này, ‘hội nhập văn hóa’ và ‘hán hóa’, tham chiếu lẫn nhau mà không gây nhầm lẫn và không đối lập.”

Về việc đăng ký với chính quyền cộng sản, Mosher cho biết ông đã cảnh báo Hồng Y Parolin về sự phát triển ba tháng sau khi nó có hiệu lực, nhưng theo Mosher, Hồng Y cho biết Vatican “không phản đối việc yêu cầu mọi người phải đăng ký với chính quyền”.

Register đã hỏi Đức Hồng Y Parolin liệu ngài có còn giữ quan điểm này hay không khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh chương trình Hán hóa vào năm 2021, và liệu Giáo hội có thể cùng tồn tại với một chính sách đòi hỏi toàn quyền kiểm soát Giáo hội như vậy hay không, nhưng ngài đã không trả lời vào thời điểm của bài báo.

Thay vào đó, Đức Hồng Y và Tổng giám mục Paul Gallagher, thư ký quan hệ với các quốc gia của Vatican, đã trả lời phỏng vấn gần đây, trong đó họ tiếp tục nói rằng quan hệ Trung Quốc-Vatican đang được cải thiện và bày tỏ hy vọng họ sẽ tiếp tục làm như vậy trong thời gian dài.

Đức Hồng Y Parolin nói với các phóng viên vào ngày 14 tháng Ba rằng có một “thái độ hy vọng” hiện hữu giữa hai bên, và Giáo hội “chỉ yêu cầu [các] người Công Giáo được là người Công Giáo với mối liên hệ với Giáo hội Hoàn vũ.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher thừa nhận với Colm Flynn của EWTN News rằng thỏa thuận năm 2018 “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” nhưng nói thêm rằng các viên chức Vatican đang đàm phán để cải thiện thỏa thuận và hiện đã có “sự hiểu biết nhiều hơn, sự tôn trọng lớn hơn giữa hai bên.” Tháng 11 năm ngoái, vài tuần sau khi Vatican và Bắc Kinh gia hạn thỏa thuận lần thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm hiệp ước bằng cách bổ nhiệm một giám mục không được Tòa thánh công nhận.

Vatican có thể đang nêu lên những lo ngại về quá trình Hán hóa đối với chính quyền Trung Quốc một cách riêng tư thông qua nhiều kênh khác nhau. Tháng tới, Giám mục Stephen Chow của Hồng Kông sẽ đến thăm Bắc Kinh để gặp chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc — đây là lần đầu tiên một chuyến thăm như vậy diễn ra trong gần 30 năm, nhưng ít người kỳ vọng sẽ đạt được nhiều điều từ cuộc gặp.

Nữ tu Beatrice nói: “Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đức Giám Mục Chow không phải do chính ngài khởi xướng, mà là do Bắc Kinh. Đó là não trạng cũ về việc bày tỏ lòng kính trọng đối với hoàng đế của quốc gia phụ thuộc nhỏ gần đó. Mỗi giám mục Hồng Kông phải bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo Bắc Kinh kể từ khi Hồng Kông được Trung Quốc lấy lại trong tư cách một đặc khu hành chính [năm 1997].”

Cách tiếp cận ngây thơ?

Những người chỉ trích cách tiếp cận ngoại giao của Tòa thánh đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 10 năm qua, cùng với việc nước này loại bỏ những người chỉ trích một chính sách như thế như Đức Hồng Y Zen, coi cách tiếp cận này là ngây thơ và phản bội người Công Giáo ở Trung Quốc.

Mosher cho biết: Khi họ ký và sau đó hai lần gia hạn Thỏa thuận tạm thời năm 2018 với Bắc Kinh, “Các nhà ngoại giao của Vatican dường như không nhận ra rằng họ đang đối phó với một chế độ độc tài độc đảng tàn bạo hơn nhiều và ít khoan dung hơn đối với bất cứ biểu hiện nào của đức tin tôn giáo, so với Mexico trong những năm 1990 hay Việt Nam trong những năm 2000”.

Nữ tu Beatrice tin rằng, nếu họ chưa làm như vậy, thì các viên chức Vatican sẽ mở to đôi mắt trước những tệ nạn của việc Hán hóa khi cuối cùng họ nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ không tuân thủ hiệp ước năm 2018, và việc bổ nhiệm giám mục của họ vào tháng 11 năm ngoái đã đánh dấu bước đầu của việc Trung Quốc công khai vi phạm các điều khoản của nó. Bà nói: “Trung Quốc làm ngơ trước vấn đề này mà không có bất cứ phản hồi công khai nào. Trung Quốc chỉ làm những gì họ thích trong các giao dịch đối ngoại thông thường mà không tôn trọng bất cứ trật tự quốc tế hay luật pháp quốc tế nào.”

Nữ tu Beatrice, người thấy những dấu hiệu điều này có thể xảy ra, cho biết, “Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc là cách để đạt được tự do bao gồm cả tự do tôn giáo". Bà nói thêm, ngoài ra, "Giáo Hội Công Giáo hầm trú vẫn còn mạnh mẽ. Chúng ta có hy vọng vào nhóm người Công Giáo trung thành và đau khổ này.”