Chương mười một: Xã Hội Tạp Nham và sau đó (Evelyn Waugh tiếp theo)

Những gì sau đây đôi khi bị chỉ trích là tình cảm, ngay cả bởi một số người Công Giáo. Một loạt các cuộc khủng hoảng dẫn đến việc mọi người được hòa giải với Thiên Chúa, đáng chú ý và có tính kịch tính nhất là Ngài Marchmain. Các nhà phê bình, như thường lệ, vẫn không bị thuyết phục bởi cách trình bày hư cấu về sự hoán cải. Nhưng đó chính là nơi nghệ thuật của Waugh thể hiện mạnh mẽ nhất. Chẳng hạn, khi Julia rơi vào trạng thái cuồng loạn về việc “sống trong tội lỗi” và vĩnh viễn bị cắt đứt khỏi Thiên Chúa, Charles cố gắng nói với nàng rằng tất cả chỉ là chuyện nhảm nhí. Nhưng nàng trả lời bằng một loạt các mối quan hệ đáng chú ý cho thấy chiều sâu của niềm tin trong một tâm hồn đặc thù:



“Một lời từ rất lâu trước đây, từ Nanny Hawkins đang khâu bên lò sưởi và ngọn đèn ngủ cháy trước Thánh Tâm. Cordelia và tôi học giáo lý, trong phòng của Má, trước bữa trưa Chúa nhật. Má mang tội lỗi của tôi với người đến nhà thờ, chúi đầu dưới sức nặng của nó và tấm màn đăng ten màu đen, trong nhà nguyện; lẻn ra ngoài với nó ở London trước khi đám cháy phát hỏa; mang nó theo người qua những con phố vắng, nơi những chú ngựa con của người đưa sữa đứng bằng hai chân trước trên vỉa hè; Má chết với tội lỗi của tôi đang ăn mòn má, tàn nhẫn hơn chính căn bệnh hiểm nghèo của má.

“Má chết với nó; Chúa Kitô chết với nó, tay và chân bị đóng đinh; treo lơ lửng trên giường trong nhà trẻ; treo năm này qua năm khác trong căn phòng nhỏ tối tăm ở phố Farm với tấm vải dầu bóng loáng; treo lơ lửng trong nhà thờ tối tăm, nơi chỉ có bà giúp việc già phủi bụi và một ngọn nến đang cháy; treo giữa trưa, cao giữa các đám đông và những người lính; không có niềm an ủi nào ngoại trừ miếng bọt biển tẩm giấm và lời nói tử tế của một tên trộm; treo mãi mãi; không bao giờ là ngôi mộ mát lạnh và những tấm vải liệm trải trên phiến đá, không bao giờ dầu và hương liệu trong hang tối; luôn là ánh mặt trời giữa trưa và tiếng con xúc xắc leng keng để được chiếc áo khoác liền mạch.

“... Không còn đường lùi; các cổng bị cấm; tất cả các vị thánh và thiên thần được đặt dọc theo các bức tường. Vứt bỏ, cạo bỏ, mục nát; ông già mắc bệnh da mãn tính [lupus] và chiếc gậy chữ chi đi khập khiễng khi màn đêm buông xuống để moi rác, hy vọng có thứ gì đó để bỏ vào bao tải của mình, thứ gì đó có thể bán được, nhưng phải bỏ đi một cách phẫn nộ.

“Vô danh và đã chết, giống như đứa trẻ mà họ đã gói lại và mang đi trước khi tôi nhìn thấy nó.” (15)

Tất nhiên, ở đây, chính Waugh là người đã tạo ra thứ thi ca gắn bó với đức tin, nhưng nó gần như vô song như một mô tả gắn bó đó trong văn học hiện đại.

Cảnh khác, sự trở lại đạo đầy kịch tính của Ngài Marchmain sau một phần tư thế kỷ sống trong cuộc chạy trốn ngoại tình, được đề cao bởi tính nghệ thuật có lẽ còn lớn hơn. Ông trở về Brideshead trong tình trạng ốm nặng vì Chiến tranh thế giới thứ hai và đã có giường bệnh trong “phòng khách Trung Quốc” được trang trí công phu. Hơn nữa, ông yêu cầu hạ chiếc “giường của Nữ hoàng” với màn che giống như “một chiếc Baldachino” xuống. (16) Và chính trong việc dàn dựng lộng lẫy này, mà việc ông từ từ xuống dốc, các cuộc đấu tranh với nỗi sợ chết chóc, và những tương tác với gia đình đã ra xa lạ của mình đã hiển hiện rõ nét. Trong số những nhốn nháo khác, “câu hỏi tôn giáo” xuất hiện. Những người phụ nữ — Julia, Cordelia, tình nhân của ông là Cara — cũng như đứa con trai nghiêm khắc của ông là Bridey muốn ông gặp một linh mục. Nhưng ông sợ hãi và lịch sự từ chối vị mục tử địa phương ngay lần đầu tiên ngài đến. Lần tiếp theo ông rơi vào tình trạng cùng cực, thậm chí tỉnh táo một cách đáng ngờ, khi phải đưa ra quyết định cuối cùng.

Charles coi tất cả những điều này, cũng như nhiều điều sau đó và kể từ đó, là lợi dụng sự yếu đuối và sợ hãi của một ông già. Ông cay đắng chế giễu những nỗ lực đó — và khi nhìn lại, ông thừa nhận rằng việc sở hữu ngôi nhà lớn trong tư cách chồng của Julia là một trong những động cơ ích kỷ của ông vì muốn mọi thứ không thay đổi một cách triệt để. Và có lẽ, trong tiềm thức, có một nỗi sợ hãi về những gì Thiên Chúa có thể làm với cuộc sống của chính ông. Con gái Julia và tình nhân Cara quỳ dưới chân giường khi vị linh mục bước vào. Ngài bắt đầu xức dầu cho Marchmain và ghé vào tai ông yêu cầu người đàn ông sắp chết làm một dấu hiệu nào đó để cho biết ông hối hận vì đã xúc phạm Thiên Chúa. Marchmain xem ra đã bất tỉnh:

Ego te absolvo in nomine Patris [tôi tha tội cho ông nhân danh Cha]... và thấy linh mục làm dấu thánh giá. Sau đó, tôi cũng quỳ xuống và cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, nếu có một Thiên Chúa, xin hãy tha thứ cho tội lỗi cho ông, nếu có một điều gì gọi là tội lỗi,” và người đàn ông trên giường mở mắt và thở dài, kiểu thở dài mà tôi tưởng tượng là người ta sẽ thở vào lúc chết, nhưng mắt ông di chuyển để chúng tôi biết rằng vẫn còn sự sống trong ông.

Tôi đột nhiên cảm thấy khao khát một dấu hiệu, nếu chỉ vì phép lịch sự, nếu chỉ vì lợi ích của người phụ nữ tôi yêu, người đã quỳ trước mặt tôi, cầu nguyện, tôi biết, cho một dấu hiệu. Đó dường như là một điều quá nhỏ được yêu cầu, một lời thừa nhận trần trụi về một món quà, một cái gật đầu giữa đám đông. Trên khắp thế giới, người ta quỳ gối trước vô số thập giá, và ở đây vở kịch lại được diễn bởi hai người đàn ông - đúng hơn là bởi một người, và ông gần chết hơn sống; bi kịch phổ quát trong đó chỉ có một diễn viên.

Vị linh mục lấy chiếc hộp nhỏ bằng bạc từ trong túi ra và lại nói bằng tiếng Latinh, chạm vào người đàn ông đang hấp hối bằng một miếng bông gòn đầy dầu; ngài đã hoàn thành những gì ngài phải làm, cất chiếc hộp đi và ban phép lành lần cuối. Đột nhiên Ngài Marchmain đưa tay lên trán; tôi nghĩ ông đã cảm nhận được sự chạm vào của dầu thánh và đang lau nó đi. “Lạy Chúa,” tôi cầu nguyện, “đừng để ông ấy làm thế.” Nhưng không cần phải sợ hãi; bàn tay từ từ di chuyển xuống ngực, rồi đến vai, và Ngài Marchmain làm dấu thánh giá. Sau đó, tôi biết rằng dấu hiệu mà tôi đã yêu cầu không phải là một điều nhỏ nhặt, không phải là một cái gật đầu công nhận, và một cụm từ đã trở lại với tôi từ thời thơ ấu của tôi về bức màn của ngôi đền bị xé toạc từ trên xuống dưới.

Thế là kết thúc; chúng tôi đứng dậy; cô y tá đi lại bình ôxy; bác sĩ cúi xuống bệnh nhân của mình. Julia thì thầm với tôi: “Anh sẽ tiễn Cha Mackay ra ngoài chứ? Tôi ở lại đây một chút.”

Bên ngoài cánh cửa, Cha Mackay trở thành một người giản dị, tốt bụng mà tôi từng biết trước đây. “Chà, bây giờ, và đó là một điều tuyệt vời để thấy. Tôi đã biết nó xảy ra theo cách đó một lần nữa rồi một lần nữa. Ma quỷ chống cự đến giây phút cuối cùng và khi đó Ân sủng của Thiên Chúa quá nhiều đối với nó. Tôi nghĩ ông không phải là người Công Giáo, thưa ông Ryder, nhưng ít nhất ông sẽ vui vì quý bà được thoải mái về điều đó.” (17)

Tất nhiên, sau một khoảnh khắc như vậy, Charles và Julia không bao giờ có thể ở bên nhau nữa. Và họ chia tay.

Toàn bộ câu chuyện về Brideshead Revisited[Thăm lại Brideshead] được Charles kể lại khi nhìn trở lui, được khuấy động bởi việc anh “thăm lại” Lâu đài Brideshead nhiều năm sau đó. Các tình tiết khá kỳ quặc. Trước sự ngạc nhiên lớn của anh, đơn vị Quân đội Anh của anh đã được gửi đến đó để chờ lệnh tiếp theo trong Thế chiến thứ hai. Anh tiết lộ rất ít về ý nghĩa của cảnh cuối cùng và cuộc chia tay với Julia đối với anh, mặc dù anh nói rằng tất cả những người khác dường như đã hòa giải với Giáo Hội và với nhau. Khi đi qua ngôi biệt thự giờ đã bị lộn xộn, anh ngẫm nghĩ:

Có một phần của ngôi nhà mà tôi chưa đến thăm, và tôi sẽ đến đó ngay bây giờ. Nhà nguyện không bị ảnh hưởng xấu sau một thời gian dài bị bỏ quên; màu sơn tân nghệ thuật vẫn tươi và sáng hơn bao giờ hết; ngọn đèn tân cổ điển lại cháy trước bàn thờ. Tôi đọc một lời cầu nguyện, một dạng từ cổ xưa, mới học được, và rời đi, quay về phía trại; và khi tôi quay trở lại, và tiếng kèn nhà bếp vang lên trước mặt tôi, tôi nghĩ:

Những người thợ xây dựng không biết công việc của họ sẽ đi đến đâu; họ làm một ngôi nhà mới bằng đá của lâu đài cũ; năm này qua năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác, họ đã làm phong phú và mở rộng nó; năm này qua năm khác, mùa thu hoạch gỗ lớn trong công viên đã đến độ chín mùi; cho đến khi, trong sương giá đột ngột, đến tuổi của Hooper; nơi này hoang vắng và công việc chẳng mang lại kết quả gì; Quomodo sedet sola civitas [Làm sao Đô Thị đông đúc lại ngồi trơ, tủi nhục một mình- Ai Ca 1:1, Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ]. Phù vân nối tiếp phù vân, mọi sự hết thẩy đều là phù vân. (18)

Chưa hết, đây có thể là một chút tự phụ văn học hơn là sự thật của trường hợp. Vì vậy, anh nghiền ngẫm thêm trong những từ ngữ cuối cùng của cuốn tiểu thuyết:

Tuy nhiên, tôi nghĩ, bước nhanh hơn về phía trại, nơi những chiếc kèn sau khi tạm dừng đã cất tiếng gọi lần thứ hai và đang phát ra âm thanh Nhặt chúng lên, nhặt chúng lên, những củ khoai tây nóng hổi — và đó chưa phải là các từ ngữ cuối cùng; nó thậm chí không phải là một từ ngữ thích hợp; nó là một từ ngữ chết từ mười năm trước đây.

Một điều gì đó hoàn toàn xa xôi đối với bất cứ điều gì được những người thợ xây dựng dự định, đã xuất phát từ công việc của họ, và từ bi kịch con người nhỏ bé khốc liệt trong đó tôi có đóng vai; điều mà không ai trong chúng tôi nghĩ đến vào thời điểm đó; một ngọn lửa nhỏ màu đỏ—một ngọn đèn bằng đồng rèn có kiểu dáng tồi tàn, được thắp lên trước những cánh cửa bằng đồng rèn của một nhà tạm; ngọn lửa mà các hiệp sĩ ngày xưa nhìn thấy từ ngôi mộ của họ, ngọn lửa mà họ thấy đã bị dập tắt; ngọn lửa đó lại bùng cháy cho những người lính khác, xa nhà, xa hơn, trong trái tim, hơn là Acre hay Giêrusalem. Nó không thể được thắp sáng nếu không có những người xây dựng và những người viết bi kịch, và sáng nay tôi đã tìm thấy nó ở đó, đang cháy trở lại giữa những viên đá cũ.

Tôi tăng tốc và đến túp lều dùng làm tiền phòng cho chúng tôi.

Chỉ huy phó nói, “Hôm nay trông anh vui vẻ lạ thường”. (19)

Bối cảnh quân sự cũng đánh dấu một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời khác về sự trưởng thành của Waugh. Sword of Honor thực chất là một bộ ba tiểu thuyết—Men at Arms[Người của quân ngũ], Officers and Gentlemen [Sĩ quan và Chính nhân], và Unconditional Surrender[đầu hàng vô điều kiện]—xuất bản từ năm 1952 đến năm 1961, đề cập đến những trải nghiệm của Guy Crouchback, người thừa kế không con của một gia đình Công Giáo cũ tái định cư sống một mình ở Ý sau khi ly dị vợ. Trên thực tế, những trải nghiệm đó tiết lộ nhiều điều hơn chúng ta có thể mong đợi. Mặc dù Waugh đã tuyên bố trong lời tựa sau này cho việc tái bản ba cuốn sách trong một tập duy nhất rằng nó không phải là một cuốn tiểu thuyết Công Giáo, nhưng khẳng định của ông không hoàn toàn đúng. Toàn bộ câu chuyện chuyển từ nhận thức của Guy vào thời điểm Hiệp ước Molotov-Ribbentrop rằng hai kẻ ác song sinh của thế giới hiện đại—Chủ nghĩa cộng sản và Chủ nghĩa phát xít—đã tuyên bố là đồng minh công khai, sang niềm tin của anh rằng giờ đây anh có thể tham gia một cuộc thập tự chinh anh hùng như tổ tiên của mình. Kinh nghiệm về những điều phi lý của cuộc sống quân đội và sự bất lực của chính Guy trong tư cách một người đàn ông trung niên — mà năng khiếu châm biếm của Waugh xử lý bằng sự khéo léo trưởng thành — phơi bày sự phi thực tế của giấc mơ đó và bản chất đạo đức hỗn hợp của chính Đồng minh. Những thất bại bản thân và quân sự khác nhau mà anh gặp phải khiến Guy nhận ra rằng đời sống Kitô hữu thực sự là về những hành vi bác ái và lòng tốt của bản thân trong một thế giới, mà, trong hòa bình cũng như chiến tranh, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Ngay từ đầu, chúng ta biết rằng Guy thường xuyên thú nhận những tội lỗi rõ ràng của mình nhưng cũng nhận ra: “Không có nguy cơ nào khiến anh đi sâu hơn việc tố cáo một vài vi phạm luật pháp, những điểm yếu quen thuộc của anh. Vào vùng đất hoang vu mà linh hồn anh mòn mỏi, anh không nên, không thể bước vào. Anh không có từ ngữ nào để diễn tả nó. Không có từ ngữ nào trong bất cứ ngôn ngữ nào. Không có gì để mô tả, chỉ đơn thuần là một khoảng trống.” (20) Như một biểu thức của linh hồn nhiều người, trước khi chiến tranh mang lại cho họ một mục đích rõ ràng trở lại, điều này cho thấy sự sáng suốt tuyệt vời. Guy sống trong một thị trấn nơi có bức tượng Roger thành Waybroke, một hiệp sĩ người Anh bị mắc kẹt trên đường đến cuộc Thập tự chinh thứ hai, được trưng bày nổi bật, “cánh tay của anh ta có năm con chim ưng. Thanh kiếm của anh ta và một chiếc găng tay vẫn nằm bên cạnh anh ta. Trong giấc mơ về chủ nghĩa anh hùng có thể xảy ra, anh ta đồng nhất với tổ tiên xa xôi đó và thanh kiếm danh dự của mình.

Nhưng rất lâu sau đó, trong phần cuối cùng của bộ ba, một phụ nữ Do Thái gốc Croatia nói với anh ta một sự thật khó chịu:

“Có nơi nào không có ma quỷ không? Quá đơn giản khi nói rằng chỉ có Đức quốc xã muốn chiến tranh. Những người cộng sản này cũng muốn điều đó. Đó là cách duy nhất để họ có thể lên nắm quyền. Nhiều người dân của tôi muốn nó, để trả thù người Đức, để đẩy nhanh việc thành lập nhà nước quốc gia. Đối với tôi, dường như có một ý chí chiến tranh, một mong muốn chết chóc, ở khắp mọi nơi. Ngay cả những người đàn ông tốt cũng nghĩ rằng danh dự riêng tư của họ sẽ được chiến tranh thỏa mãn. Họ có thể khẳng định bản lĩnh đàn ông của mình bằng cách giết và bị giết. Họ chấp nhận gian khổ để đền bù cho sự ích kỷ và lười biếng. Nguy hiểm biện minh cho đặc quyền. Tôi biết những người Ý - có lẽ không nhiều lắm - đã cảm nhận được điều này. Không có ai ở Anh à?”

Guy nói, “xin Chúa tha thứ cho tôi. Tôi là một trong số họ.” (21)

Vì vậy, phương thuốc chữa trị sự trống rỗng tinh thần của chính anh, và của nhiều người khác, nằm ở đàng sau mong muốn chiến tranh trong tiềm thức.

Tất nhiên, trên đường đi, Waugh chế giễu ảo tưởng về phẩm chất quân sự và sự chuẩn bị sẵn sàng, tham vọng và lợi ích chính trị đan xen trong việc tiến hành chiến tranh, thao túng báo chí để tuyên truyền và trục lợi bản thân. Phần lớn trong số này là lãnh vực mà anh đã từng làm việc trước đây, nhưng giờ đây được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của những mục đích có vẻ cao cả. Điều làm nổi tất cả sự suy đồi và ích kỷ của con người này là một nhân vật duy nhất, dường như không đáng kể: cha của Guy. Ông Gervase Crouchback được mô tả là người không những chỉ giữ được sự hài hước mà còn có một “niềm vui mầu nhiệm và yên bình” bất chấp nhiều bất hạnh. Những lý do cho niềm vui này được triển khai cẩn thận. Ông không có ý thức giai cấp - bởi vì sự chia rẽ ông tạo ra giữa mọi người chỉ gồm hai phần:

Một bên là gia đình Crouchback và một số gia đình đồng minh lâu đời, kín đáo; ở phía bên kia là phần còn lại của nhân loại, Box-Bender, người bán thịt, Công tước xứ Omnium (người có một thời giàu có nhờ chiến lợi phẩm lấy của đan viện), Lloyd George, Neville Chamberlain - tất cả đều là những mảnh ghép lại với nhau. Ông Crouchback thừa nhận không có quốc vương nào kể từ James II. Đó không phải là một tổng quan [conspectus] hoàn toàn lành mạnh nhưng nó đã sinh ra trong bộ ngực dịu dàng của ông hai phẩm chất hiếm có, lòng khoan dung và sự khiêm tốn. Ông cho rằng không mấy mong đợi gì nhiều một cách hợp lý từ công chúng; điều đáng chú ý là đôi khi một số người trong số họ đã cư xử tốt xiết bao; trong khi, đối với ông, bất cứ nhân đức nào ông có được đều phát xuất từ xa mà ông không xứng đáng có, và mọi lỗi lầm nhỏ đều là lỗi lầm nghiêm trọng đối với một người có truyền thống cao. (22)

Quan điểm hơi điên rồ này về thế giới xem ra tương đối lành mạnh và thậm chí có thể còn thánh thiện nữa trong một thế giới đang có chiến tranh.

Bản thân Guy cũng phải học những bài học tương tự về sự khiêm tốn—ít nhất là sự khôn ngoan không mong đợi quá nhiều từ nhân loại sa ngã và thừa nhận rằng những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể làm được từ công đức của chính mình ít ỏi xiết bao.

Nhưng tất cả những điều này phải tính toán đến một thế giới trong đó những tệ nạn quy mô lớn hoành hành ở nước ngoài. Thí dụ, một “thanh kiếm danh dự” thứ hai xuất hiện trong tập thứ ba— the Sword of Stalingrad [Thanh kiếm Stalingrad], được thực hiện để kỷ niệm cuộc kháng chiến của Liên Xô chống lại quân Đức bên ngoài thành phố đó. Tuy nhiên, thanh kiếm mới này cũng đại diện cho một hiệp ước vì lợi xấu xa giữa Đồng minh và Liên Xô. Tuy nhiên, giữa nhiều phản bội, tàn bạo và thảm họa, vẫn có thể có những hành động danh dự và bác ái. Trong chính cảnh trong đó Guy biết rằng anh là một trong những người muốn chiến tranh một cách vô thức, anh đang cố gắng giúp đỡ một số người Do Thái còn sót lại trong khu vực. Những người khác chỉ coi hoàn cảnh của họ là một trong số hàng nghìn trường hợp như vậy và bộ chỉ huy Đồng minh về cơ bản đã từ bỏ Serbia:

Guy đã không loại bỏ người Do Thái khỏi tâm trí của mình.... Một lần nữa, ở đây, trong một thế giới đầy hận thù và lãng phí, anh được trao cơ hội thực hiện một hành động nhỏ duy nhất để cứu chuộc thời đại. Do đó, anh rất vui mừng khi nhận được tín hiệu: Chính phủ trung ương chấp thuận về nguyên tắc việc ngưng di tản người Do Thái. (23)

Đây là một chàng Guy duy thực tiễn với “hành vi nhỏ” phù hợp với sự khiêm tốn thực sự. Cuối cùng, đức tin chính thức trước đây của Guy xuất hiện cùng với chiều kích con người này. Thế giới vẫn điên cuồng, nhưng có một vài điểm sáng chắc chắn bên trong nó.

Tất cả các công trình của Waugh đều hoạt động bên trong cảm thức về đạo Công Giáo như đã ổn định và không thay đổi, thậm chí còn không thể thay đổi. Và anh tin rằng đây là một điều tốt quý giá trong một thế giới rất tồi tệ. Sự lên men trí thức lớn, ngay cả trong các giới thuộc trường phái Tôma ổn định hơn, được tìm thấy trong các chương trước của tác phẩm này về cơ bản đã vượt qua anh. (Tuy nhiên, anh chú ý đến nhà bất đồng Hans Küng; “không phải người Trung Quốc, người Trung Âu; một lãnh tụ dị giáo mà trong những ngày hạnh phúc hơn có lẽ đã bị thiêu sống rồi”.) (24) Do đó, đây là một cú sốc lớn đối với anh khi Đức Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II. Thật vậy, nó có thể đã giết chết anh. Anh thích vị giáo hoàng này, “nhưng có một ác cảm bản năng và (tôi thấy) không thể kiểm soát được đối với bất cứ ai mà người ta nhìn thấy ảnh hai lần một ngày.” (25) Đức Phaolô VI lại là một vấn đề khác. Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô đến thăm Israel vào năm 1964, Waugh đã cho công bố một lá thư riêng: “Thật là một sự thất vọng đáng buồn đối với tôi khi Đức Giáo Hoàng trốn Palestine vì sợ một cú đánh. Tôi hy vọng bị ám sát. Ngài có hai ngôi nhà rất đẹp của riêng mình ở Ý. Tôi nghĩ việc ngài chu du với truyền hình là điều rất khiếm nhã. Tất cả những cuộc nói chuyện về chủ nghĩa đại kết này vô cùng đau đớn đối với những dây thần kinh chua chát và cáu kỉnh của tôi.” (26)

Đức Phaolô, tất nhiên, cũng là vị giáo hoàng chịu trách nhiệm về việc loại bỏ nghi lễ Latinh, điều mà Waugh đã trở nên tôn kính, và thay thế nó bằng một thứ tiếng Anh thiếu tính thánh thiêng. Cùng năm đó, Waugh mời một người bạn đến Rome dự lễ Phục sinh, "để tránh sự kinh hoàng của nghi lễ phụng vụ bằng tiếng Anh". Lễ Phục sinh sau đó, anh cáo buộc Hồng Y người Anh Heenan là kẻ hai mặt vì đã tuyên bố, trong một bữa ăn tối riêng tư, ủng hộ Thánh lễ cũ nhưng trước công chúng lại bảo vệ Thánh lễ mới. Anh tham gia vào một cuộc tranh luận công khai về vấn đề này, khi nhận xét, “Đây là Thánh lễ mà vì sự phục hồi nó các vị tử đạo thời Elizabeth đã lên đoạn đầu đài. Thánh Augustinô, Thánh Thomas à Becket, Thánh Thomas More, Challoner và Newman sẽ hoàn toàn thoải mái khi ở giữa chúng ta; trên thực tế, đang hiện diện ở đó với chúng ta.” (27) Trong một lá thư gửi cho một linh mục, anh thú nhận “Tôi thấy phụng vụ mới là một sự cám dỗ chống lại Đức tin, Đức Cậy và Đức Mến nhưng, cầu xin Thiên Chúa, tôi sẽ không bao giờ bỏ đạo.” (28)

Trong lời nói đầu anh viết vào những năm 1960 cho một phiên bản sửa đổi của Sword of Honor, mặc dù (như đã lưu ý ở trên) anh phủ nhận rằng đó là một cuốn sách Công Giáo, anh nói rằng khi sửa lại bản văn, anh đã tìm thấy điều gì đó “nằm ngoài ý định ban đầu của tôi”:

Tôi đã viết cáo phó cho Giáo Hội Công Giáo La Mã ở Anh vì nó đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Tất cả các nghi thức và hầu hết các ý kiến được mô tả ở đây đều đã lỗi thời. Khi tôi viết Brideshead Revisited, tôi đang viết một cách có ý thức một cáo phó về tầng lớp thượng lưu Anh đang bị tiêu diệt. Khi viết Sword of Honor, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Giáo hội dễ bị thay đổi. Tôi đã sai và tôi đã chứng kiến một cuộc cách mạng hời hợt trong điều mà khi đó dường như là vĩnh viễn. Bất chấp niềm tin của nhiều nhân vật, Sword of Honor đặc biệt không phải là một cuốn sách tôn giáo. Trên thực tế, những phát triển gần đây đã khiến nó trở thành một tài liệu về cách sử dụng của người Công Giáo trong thời niên thiếu của tôi. (29)

Các con của Waugh tường trình rằng vào khoảng thời gian này, sức khỏe của anh giảm sút và sự mất tinh thần trước những thay đổi trong Giáo hội đã khiến anh bắt đầu cầu nguyện để chết đi. Có lẽ hơi cường điệu, nhưng điều khá rõ ràng từ thư từ của Waugh là niềm an ủi mà anh vốn tìm thấy trong Giáo Hội, khi sống trong thời đại mà anh coi thường, đã tan biến. Anh viết: “Công đồng Vatican đã đánh gục tôi”. (30) Trong bức thư cuối cùng của mình, anh giải thích:

Lễ Phục sinh từng có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Trước Đức Giáo Hoàng Gioan và Công đồng của ngài - họ đã phá hủy vẻ đẹp của phụng vụ. Tôi chưa nhúng mình vào dầu lửa, nhưng bây giờ tôi bám vào Đức tin một cách kiên trì mà không có niềm vui. Đi nhà thờ là một cuộc diễu hành nghĩa vụ thuần túy. Tôi sẽ không sống để thấy nó được phục hồi. Tình hình còn tồi tệ hơn ở nhiều quốc gia. (31)

Vào buổi sáng Lễ Phục sinh, ngày 10 tháng 4 năm 1966, sau khi nghe một Thánh lễ Latinh do sự sắp xếp đặc biệt, Waugh lên cơn đau tim và qua đời.

Kỳ tới: Du lịch ở Greeneland, Graham Greene