Chương mười một (tiếp theo)

Cuốn sách hay nhất của thiên niên kỷ

Một nhà phê bình văn học trong tương lai — chẳng hạn hai nghìn năm nữa — bắt gặp tác phẩm của J. R. R. Tolkien và chỉ cần xác định niên đại của nó bằng bằng chứng nội bộ sẽ khó có thể thấy rằng nó cùng thời với những cuốn sách vĩ đại của Waugh hoặc Greene. Hơn nữa, nếu Sigrid Undset trình bày một bối cảnh sử thi trung cổ trong đó các yếu tố Công Giáo không thể nhầm lẫn, thì Tolkien sử dụng một số chất liệu anh hùng tương tự, nhưng theo phong cách tôn giáo ít rõ ràng hơn nhiều, để xây dựng nên những gì rất có thể là câu chuyện Công Giáo có ảnh hưởng và mạnh mẽ nhất được viết trong thế kỷ XX. Những độc giả nghi ngờ tính Công Giáo của câu chuyện thường được nhắc đến việc Tolkien trao đổi thư từ với Robert Murray, S.J., trong đó ông nhận xét rằng, “The Lord of the Rings [Chúa tể của những chiếc nhẫn] tất nhiên là một tác phẩm Công Giáo và tôn giáo căn bản; ban đầu là như vậy một cách vô thức, nhưng có ý thức trong quá trình sửa duyệt. Đó là lý do tại sao tôi đã không đưa vào, hoặc đã cắt bỏ, trên thực tế, tất cả các tham chiếu đến bất cứ thứ gì như 'tôn giáo', đến các giáo phái hoặc thực hành, trong thế giới tưởng tượng. Vì yếu tố tôn giáo được hấp thụ tan hòa vào câu chuyện và tính biểu tượng.” (52) Cũng trong bức thư đó, ông khen ngợi vị linh mục vì đã nhận thấy rằng Lady Galadriel được truyền cảm hứng từ những hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng sự kiện vấn đề được đặt ra hoàn toàn bắt nguồn từ sự kiện nguồn cảm hứng Công Giáo hoàn toàn không rõ ràng và tác phẩm được yêu thích rộng rãi đã vượt xa những khán giả Công Giáo đến mức nhiều người có lẽ hoàn toàn không biết cảm thức của chính tác giả về việc “yếu tố tôn giáo được hấp thụ tan hòa vào câu chuyện” ra sao.



Tuy nhiên, về sự lôi cuốn, không thể nghi ngờ gì. Kể từ khi xuất bản, Lord of the Rings [Chúa tể của những chiếc nhẫn] (LOTR) đã bán được hơn 150 triệu bản, được dựng thành một trong những loạt phim thành công nhất trong lịch sử điện ảnh và được bình chọn là cuốn sách có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX trong một số cuộc thăm dò. Khách hàng của nhà bán sách trực tuyến Amazon đã chọn nó - với sự táo bạo vượt quá khả năng của họ - là cuốn sách hay nhất của thiên niên kỷ. Nếu chúng ta coi những lời của Tolkien về yếu tố tôn giáo của nó là đúng (như chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra bên dưới) và cũng lưu ý đến một sự kiện không thể phủ nhận rằng câu chuyện cũng được thông tri sâu sắc bởi các câu chuyện anh hùng của truyền thống trung cổ Bắc Âu, mà về nó Tolkien, trong tư cách một nhà ngữ học được đào tạo, vốn có kiến thức uyên thâm, thì một mầu nhiệm sẽ nảy sinh. Khác hoàn toàn với những gì chúng ta biết sau sự việc, làm thế nào mà một tác phẩm như vậy lại có sức hấp dẫn lớn như vậy ở Châu Âu, Châu Mỹ và trên toàn thế giới —một thế giới hiện đại, dù sao, phần lớn Tolkien vốn không ngưỡng mộ và thậm chí còn tìm cách phản đối, theo cách gián tiếp của mình? Câu trả lời duy nhất là sự hấp dẫn đối với một số yếu tố phổ quát của con người, cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Tác phẩm của Tolkien xuất hiện từ một bối cảnh khác thường. Anh sinh ra ở Nam Phi với cha mẹ là người Anh, nhưng cha anh qua đời khi anh mới 4 tuổi. Mẹ anh trở về Anh và cùng với chị gái trở lại Công Giáo. Phần lớn gia đình xa lánh bà, nhưng bà quyết nuôi dạy con cái theo đạo Công Giáo. Một phần do những căng thẳng về tài chính và tình cảm, mẹ của Tolkien qua đời trong vòng vài năm, để lại hai cậu con trai của bà cho một người bạn của gia đình, Cha Francis Xavier Morgan, một linh mục thuộc dòng Oratorian, người đã từng làm việc dưới quyền của Đức Hồng Y Newman vĩ đại, nuôi nấng. Những ký ức xa lạ về châu Phi, tình yêu dành cho vùng nông thôn nước Anh ở ngoại ô Edgbaston và niềm đam mê sớm với việc tạo ra ngôn ngữ, tất cả đã cùng nhau hội tụ trong cuộc đời của Tolkien. Là một sinh viên xuất sắc, anh vào Oxford, nơi anh học ngôn ngữ, thêm tiếng Phạn, Gothic, tiếng Bulgary cổ, tiếng Litva, tiếng Nga, tiếng Anh cổ và trung cổ, tiếng Phần Lan, tiếng Bắc Âu cổ, tiếng Saxon cổ, tiếng Đức cổ và trung đại, tiếng Iceland, (53) và các ngôn ngữ kỳ lạ khác cùng với tiếng Latinh, Hy Lạp, Pháp, Đức, v.v. Nhưng giống như với người sẽ trở thành bạn của anh, C.S. Lewis, công việc học thuật của anh trở thành một lợi thế phụ trội trong các công trình sáng tạo của trí tưởng tượng liên quan tới các truyện nhân gian (saga) và truyện tình thơ mộng thời Trung cổ theo cách có thể nói với các độc giả đương thời.

Trước Tolkien và Lewis, đây có vẻ là một sự kết hợp khó xảy ra, nhưng nó đã chứng tỏ là một loại rượu bia mạnh. Làm sao như vậy được? Để bắt đầu, có một điều gì đó thời Trung cổ thuộc về một dạng sống đơn giản hơn và, đối với con mắt hiện đại, chân thực hơn. Tất nhiên, những người thời trung cổ cũng tinh vi và thông minh như những người hiện đại của họ trong các tầng lớp và ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, một số câu hỏi căn bản về sự hiện hữu của con người dường như xuất hiện ở dạng rõ ràng hơn trong hoàn cảnh của họ. Thật vậy, một số người đã chỉ trích Tolkien vì đã biến Trung Địa [Middle-earth]của ông thành một vương quốc kiểu Manikêô, trong đó mọi điều ác đều liên kết với Mordor và tất cả những điều tốt đẹp đều liên quan đến các hobbit của Quận Huyện [Shire] và các đồng minh của họ trong các trận chiến vĩ đại chống lại lực lượng của Sauron. Đây là một sai lầm, ngay cả khi chỉ xét về mặt sự kiện — vì những cám dỗ làm điều ác, không phải lúc nào cũng bị cưỡng lại, cũng xuất hiện giữa các nhân vật “tốt” trong Tolkien. Cuộc chiến giữa thiện và ác, như mọi khi, diễn ra trong trái tim mỗi con người. Nhưng các bên được xác định rõ hơn trong hầu hết các nền văn học hiện đại. Và lý do khiến nó hấp dẫn chúng ta có thể liên quan đến một nhận xét mà Christopher Dawson - người được Tolkien đọc và ngưỡng mộ - từng đưa ra: “Tại sao một nhà môi giới chứng khoán lại kém đẹp hơn một chiến binh Homer hay một tư tế Ai Cập? Bởi vì anh ta ít hòa nhập với cuộc sống, anh ta không phải là tất yếu, mà là ngẫu nhiên, gần như ký sinh?” (54) Theo thuật ngữ hiện đại, có một cuộc đấu tranh hiện sinh gay gắt đối với chiến binh hoặc tư tế hơn là đối với nhà điều hành tài chính, bất kể điều này có thể cần thiết ra sao trong nền kinh tế hiện đại.

Điều cũng có liên quan là sự thoải mái và giàu có, vốn là mục tiêu của hầu hết các hoạt động xã hội hiện đại, dù tự chúng vô hại, vẫn là một loại mặt nạ của những cuộc đấu tranh cuối cùng giữa thiện và ác, sự sống và sự chết, mà mỗi con người đều tham gia. Và chúng ta phải giải phóng bản thân khỏi sự theo đuổi độc quyền của cải vật chất trước khi có thể bước vào một thế giới rộng lớn hơn của ý nghĩa và sự thật nhân bản. Dường như đó là điều Tolkien muốn nói khi nhận xét về yếu tố tôn giáo được đưa vào các câu chuyện của ông. Lord of the Rings vừa là một câu chuyện phiêu lưu vừa là một cuộc hành hương. Cuộc hành trình của những người hobbit từ cuộc sống thoải mái ở Quận Huyện mục vụ của họ trải qua nhiều trận chiến, trong đó họ phải dấn thân vào việc bảo vệ quê hương và khôi phục Trung địa. Không có gì phải trốn tránh trách nhiệm này, ban đầu có thể lần ra dấu vết dễ dàng hơn một chút trong The Hobbit, tác phẩm mà Tolkien xuất bản năm 1937, một kiểu dạo đầu đơn giản hơn cho Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Nhiều độc giả xem The Hobbit chỉ đơn thuần là một cuốn sách dành cho trẻ em, một câu chuyện thần tiên về một chủng tộc nhỏ gồm những hữu thể, giống như chính trẻ em, bị lôi cuốn vào một cuộc phiêu lưu điển hình liên quan đến việc giết chết một con rồng, Smaug, và giải phóng các dân tộc bị con rồng áp bức. Câu chuyện có thể được đọc theo cách đó: hàng triệu bậc cha mẹ đã đọc The Hobbit cho con cái họ trước khi đi ngủ, và lũ trẻ không gặp khó khăn gì khi theo dõi mạch truyện rõ ràng. Tolkien đánh giá sâu sắc truyện thần tiên, thứ mà ông không coi là một thể loại văn học kém cỏi hơn, mà đúng hơn, là một trong những thể loại văn học cho phép chúng ta thấy cảm thức kỳ diệu nguyên thủy mà con người thời kỳ đầu đã lưu giữ trong cách kể chuyện của chính họ. Trong một sự chiếm đoạt kỳ lạ cảm thức kỳ diệu đó, Tolkien có thể tái tạo cảm thức về sự vận hành siêu việt trong chính thế giới mà Christopher Dawson và nhiều người khác đã chỉ ra ở các dân tộc sơ khai. Và về mặt này, anh đã phục hồi một thứ có giá trị cho tất cả chúng ta. Không chỉ đơn thuần dành cho trẻ em. Vì vậy, có vẻ như không chỉ là thiết bị văn học ở Tolkien khi những hữu thể cổ xưa từ thuở sơ khai của thế giới lang bang đi vào những câu chuyện hoặc những người đàn ông biến hình thành động vật xuất hiện hoặc động vật nói chuyện hoặc cây cối tự bật gốc và đi lại để tham gia vào các cuộc đấu tranh vũ trụ lớn lao.

Trong bài giảng tuyệt vời của mình “Về truyện Thần tiên”, anh trả lời những người coi chúng là một thể loại văn học thấp kém hơn khi so sánh với tiểu thuyết “duy thực” hơn:

Có những mong muốn sâu sắc hơn: chẳng hạn như mong muốn được trò chuyện với những sinh vật sống khác. Mong muốn này, cổ xưa như Cuộc Sa Ngã, chủ yếu xây dựng trên việc nói chuyện của các loài thú và sinh vật trong các truyện thần tiên, và đặc biệt là sự hiểu biết kỳ diệu về cách nói thích hợp của chúng. Đây là gốc rễ, chứ không phải “sự nhầm lẫn” được gán cho tâm trí của những người đàn ông trong quá khứ không được ghi chép, một việc được cho là “vắng mặt của ý thức tách biệt chúng ta khỏi con thú”. Một cảm thức sống động về sự tách biệt đó rất cổ xưa; nhưng cũng là cảm thức thấy rằng đó là một sự chia cắt: một số phận kỳ lạ và một mặc cảm tội lỗi đè nặng lên chúng ta. Các tạo vật khác cũng giống như các cõi khác mà Con người đã cắt đứt các quan hệ với, và giờ đây chỉ nhìn thấy từ bên ngoài ở một khoảng cách xa, đang gây chiến với chúng, hoặc đang sống trong các điều khoản của một hiệp định đình chiến không thoải mái. (55)

Đó là một trong những bối cảnh lớn hơn trong đó những câu chuyện thần tiên truyền đạt điều gì đó cho chúng ta. Tuy nhiên, ngay cả ở mức độ trần tục hơn, Tolkien nói rằng chúng giúp giải cứu chúng ta khỏi một thế giới chật chội và “căn bệnh ngôn ngữ” chế nhạo việc viết theo trí tưởng tượng là không có thật. Căn bệnh đã thực sự đã giản lược cảm thức của chúng ta về thế giới thành một chủ nghĩa duy vật phẳng lặng, buồn tẻ và thực dụng: “Chính trong những câu chuyện thần tiên, lần đầu tiên tôi đã tiên đoán được sức mạnh của lời nói, và sự kỳ diệu của những thứ, chẳng hạn như đá, gỗ và sắt; cây và cỏ; ngôi nhà và đám cháy; bánh mì và rượu vang.” (56) Nhưng cả lời nói lẫn điều kỳ diệu đều đòi hỏi chúng ta phải trở nên “mê mẩn” một lần nữa để thấy—như Chesterton cũng thúc giục—điều kỳ diệu trong sự bình thường.

Tolkien nói: Không có công thức cơ học nào để tạo ra một thế giới mê hoặc. Nhà văn thành công phụ thuộc vào một “nghề thủ công của yêu tinh” nào đó mà anh ta không phải là chủ mà là đầy tớ, bởi vì tất cả các “sáng tạo phụ” thực sự đều là sự bắt chước Sáng thế và Đấng Tạo hóa và bắt nguồn từ chúng một cách thích đáng. Sức hấp dẫn lớn của anh đối với nhiều khán giả khác nhau rõ ràng bắt nguồn từ năng khiếu mê hoặc của anh khi kể những câu chuyện trong đó cuộc đấu tranh vượt thời gian của con người với thiện và ác đang diễn ra. Đó chắc chắn là những gì độc giả bắt gặp trong The Hobbit và trong The Lord of the Rings. Những người hobbit ở làng Hobbit [Hobbiton] đang sống một cuộc sống ấm cúng, thoải mái. Nhưng thế giới Thần tiên, giống như thế giới thực, không giúp chúng ta thoát khỏi những câu hỏi lớn về thiện và ác hay cuộc hành hương của cuộc sống trần thế mà mỗi người đều phải thực hiện. Cả hai thử thách đó đều đòi hỏi chúng ta phải học cách hy sinh bản thân vì một điều gì đó vĩ đại hơn chính mình—một sự thật mà mong muốn được an nhàn và nhiều triết lý hiện đại sẽ phủ nhận. Chủ nghĩa duy vật chắc hẳn sẽ nói rằng sự phong phú và đa dạng của mọi sự là tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng trong cuộc sống và việc tận hưởng chúng càng nhiều càng tốt là mục tiêu duy nhất của mỗi cá nhân—có lẽ với điều kiện là chúng ta làm như vậy mà không gây hại cho người khác. Nhưng một câu chuyện giống như những câu chuyện mà Tolkien đã dựng lên đã bác bỏ sự hiểu biết ấy tận gốc rễ của nó và đưa ra sự thật rằng điều ngược lại mới xảy ra: chúng ta chỉ có thể tận hưởng một cách đúng đắn những điều tốt đẹp của sáng thế khi chúng ta không biến chúng thành mục tiêu, mà chỉ là sản phẩm của một hoạt động khác.

Mong muốn giàu có và thoải mái là điều mà Tolkien, trong The Hobbit, gọi là “căn bệnh của rồng”. Con rồng Smaug ngủ trên đống vàng bạc châu báu và những đồ vật quý giá khác mà nó cướp được từ các dân tộc xung quanh. Chúng không có ích gì thực sự đối với nó ngoài việc thỏa mãn lòng tham mù quáng của nó. Bằng một số dấu hiệu tinh tế nhưng không thể nhầm lẫn, câu chuyện cũng gợi ý rằng ngay cả sự thoải mái mà chúng ta nghĩ là một xung lực bình thường của con người, một thứ có thể yên nghỉ ở một nơi đáng yêu như Quận Huyện, cũng góp phần vào căn bệnh của rồng. Phương thuốc là phương thuốc mà truyền thống Kitô giáo luôn ủng hộ: “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm Nước của Người và sự công chính của Người, thì tất cả những thứ đó cũng sẽ thuộc về các ngươi” (Mt 6:33). Lệnh đó đặt mọi thứ vào đúng trật tự của chúng mà không phủ nhận, như một số tôn giáo thuần túy “tâm linh” có thể phủ nhận rằng các điều thiện tạo dựng là các điều thực sự.

Trong The Hobbit, Bilbo sẽ dần dần học được bài học này bằng cách trưởng thành hơn và mạo hiểm các điều thiện của chính mình và thậm chí cả mạng sống của mình để kẻ ác chính có thể bị đánh bại—và con người, người hobbit, người lùn, yêu tinh và những sinh vật khác chịu sự khủng bố của nó sẽ được giải thoát. Tuy nhiên, không giống như những nhân vật trung tâm trong các câu chuyện anh hùng, anh không làm điều này nhờ vào lòng dũng cảm và sức mạnh của mình—và trong Chúa tể của những chiếc nhẫn, cháu trai Frodo của anh cũng sẽ trải qua một trải nghiệm tương tự. Cả hai hobbit đều đặt mình vào tình thế nguy hiểm vì lợi ích, mặc dù điều đó đi ngược lại các đặc tính đáng kính của Quận Huyện, nơi mọi người đều biết rằng những cuộc phiêu lưu là "những điều không thoải mái". Những tạo vật yếu đuối như vậy chỉ thành công vì có các yếu tố “cơ hội” hoặc may mắn - thực sự là ơn Quan phòng - hiện diện. Trong câu chuyện, Tolkien dạy một cách tinh tế thông qua yếu tố này, chúng ta không phải là người hoàn toàn làm chủ số phận của chính mình. Không hề là một khía cạnh “Kitô giáo” xa lạ gắn liền với một câu chuyện anh hùng, sự hướng dẫn của ơn quan phòng là sự thể hiện thực tế điều mà bất cứ người biết suy tư nào cũng sẽ nhận ra là đúng với cuộc sống.

Như nhiều độc giả đã nhận thấy, chính vì Bilbo và sau này là Frodo và Sam Gamgee đã tha mạng cho tạo vật xảo quyệt nhưng đáng thương Gollum nên họ nhận được sự giúp đỡ vào những thời điểm quan trọng. Ở đây, người ta có thể lập luận rằng Tolkien đã giới thiệu một chủ đề Kitô giáo mà một số người có thể tranh cãi. Nhiều hành động của lòng cảm thương, lòng thương xót và lòng tốt được thực hiện mà không bao giờ được đáp lại. Và những kẻ gian ác, không biết ơn hay ăn năn, có thể tiếp tục tàn phá nếu chúng được tha. Nhưng cách xử lý chủ đề này của Tolkien rất khéo léo và thuyết phục vì “nghề thủ công yêu tinh” của anh không làm cho mối liên hệ trở nên minh nhiên hoặc trừu tượng. Và cuối cùng, có những trường hợp lòng cảm thương mang lại những hậu quả tốt ngoài ý muốn mà một “chủ nghĩa hiện thực” hạn hẹp không thể dự ứng được.

Nghề thủ công yêu tinh cũng xuất hiện theo cách hài hước Tolkien có thể để Bilbo được một nhóm người lùn tóm bắt như một “tên trộm”, người sẽ giúp chúng trong nỗ lực đánh bại Smaug. Trên thực tế, khả năng giúp đánh bại Smaug của anh này phụ thuộc vào việc anh ta "tình cờ" tìm thấy Chiếc nhẫn quyền lực mà Gollum từng nắm giữ, cho phép anh ta hành động mà không bị nhìn thấy. Rất khó có khả năng người hobbit tầm thường này sẽ sở hữu nguồn sức mạnh vô cùng quan trọng này, nhưng phù thủy Gandalf, một nhân vật thông thái và cổ xưa, đã giải thích điều đó rất lâu sau trong Chúa tể của những chiếc nhẫn cho Frodo mà không thực sự giải thích: “Có một thứ gì đó khác đang hoạt động, ngoài bất cứ thiết kế nào của Người chế tạo chiếc nhẫn. Tôi không thể diễn đạt rõ ràng hơn việc nói rằng Bilbo có định mệnh tìm ra Chiếc nhẫn, chứ không phải bởi người tạo ra nó. Trong trường hợp đó, bạn cũng có định mệnh có được nó. Và đó có thể là một suy nghĩ đáng khích lệ.” (57)

Sức mạnh này rất khác với sức mạnh được tìm kiếm thông qua máy móc kỹ nghệ (thứ mà Tolkien ghê tởm trong đời thực) mà một số sinh vật xấu xa ở Trung địa đã tạo ra. Anh nói, “Yêu tinh rất độc ác, dữ dằn và lòng dạ xấu xa. Chúng không tạo ra những thứ đẹp đẽ, nhưng... nhiều thứ khôn khéo” (58)—một sự ám chỉ rõ ràng đến những thế lực ma quỷ mà Tolkien đã thấy ngày càng lớn mạnh trên thế giới trong những năm trước, trong và sau Thế chiến thứ hai. Ngược lại, cuộc hành trình phụ thuộc vào sự hợp tác với các thế lực bí ẩn trong tự nhiên—trái đất, mặt trăng, ánh sáng, đá, chim chóc—và những gợi ý tế nhị trong các lời tiên tri cổ xưa.

Phần tử cuối cùng có thể có vẻ kỳ quặc, nhưng Tolkien, càng trở nên rõ ràng hơn sau khi anh qua đời, đã tạo ra cả một “thế giới thứ cấp” với thần thoại của riêng mình. Những bản văn chưa được xuất bản trước đó của anh về nguồn gốc của thế giới đó và những diễn biến bên trong nó đã xuất hiện dưới tựa đề History of Middle-earth [Lịch sử Trung địa] và làm đầy hàng tá tập sách. (59) Quan trọng nhất trong bối cảnh này là câu chuyện sáng tạo của anh, The Silmarillion, trong đó Đấng Tạo Hóa, Iluvatar, giống như Thiên Chúa trong Kinh thánh, phải đối phó với một thiên thần sa ngã, Melkor. Mô tả về thiên thần sa ngã lặp lại các chủ đề trong Kinh thánh nhưng chuyển chúng sang ngôn ngữ “âm nhạc” của sự sáng tạo vĩ đại của Iluvatar: “Nhưng khi chủ đề phát triển, Melkor nảy sinh ý tưởng đan xen những vấn đề do chính trí tưởng tượng của anh không phù hợp với chủ đề của Iluvatar; vì từ đó, anh tìm cách tăng thêm quyền lực và vinh quang của phần được giao cho mình. Nhưng Iluvatar nhận xét: “Và ngươi, Melkor, sẽ thấy rằng không có chủ đề nào có thể được thực hiện mà không có nguồn gốc sâu xa nhất của nó trong ta, cũng như bất cứ thứ âm nhạc nào có thể thay đổi được bất chấp ý muốn của ta. Vì kẻ mưu toan làm điều này phải chứng minh duy nhất công cụ của ta trong việc tạo ra những điều tuyệt vời hơn, mà bản thân họ không thể tưởng tượng được.” (60)

Tất cả điều này đều được thể hiện trong cả hai cuốn sách theo những cách không thể trình bày chi tiết ở đây. Nhưng các chi tiết được tăng cường theo cách độc đáo trong đó Tolkien, có lẽ là duy nhất trong số các tác giả hiện đại và phi hiện đại, có thể tạo ra cảm thức về một lãnh vực hiện hữu qua nhiều thời đại—“vực thẳm của thời gian”, như anh đôi khi gọi nó—trong đó câu chuyện chung về thiện và ác được diễn ra giữa nhiều câu chuyện cụ thể trong quá khứ và tiếp diễn trong tương lai. C. S. Lewis đã nói về khía cạnh này của “sự sáng tạo phụ” của bạn mình:

“Không hài lòng với việc tạo ra câu chuyện của riêng mình, anh tạo ra, với sự hoang phí gần như xấc xược, toàn bộ thế giới trong đó nó sẽ phải di chuyển, với thần học, thần thoại, địa lý, lịch sử, cổ sinh vật học, ngôn ngữ và trật tự của các sinh vật — một thế giới “đầy những tạo vật kỳ lạ không thể đếm được”. Nguyên những cái tên mà thôi là một bữa tiệc.... Bạn khó có thể đặt chân xuống bất cứ đâu... mà không khuấy bụi lịch sử. (61)

Sáng tạo phụ là sự bắt chước của Sáng tạo mà “chúng ta vẫn tạo ra theo quy luật mà chúng ta được tạo ra”, như Tolkien viết trong bài thơ “On Fairy Stories” [Về những câu chuyện thần tiên]. (62) Nhưng nó tránh được sự phạm thượng của người nghệ sĩ tự coi mình là người sáng tạo thuần túy, không phụ thuộc vào những gì Thiên Chúa đã cung cấp trước, cũng như nó bác bỏ chủ nghĩa duy vật buồn tẻ của thế giới hàng ngày ở phương Tây hiện đại.

Hoàn toàn ý thức được những người coi đây là chủ nghĩa thoát ly [escapism], Tolkien chấp nhận thuật ngữ này — và tôn vinh nó dưới một số hình thức:

Tại sao một người đàn ông nên bị khinh miệt nếu thấy mình đang ở trong tù, anh ta cố gắng ra ngoài và về nhà? Hoặc nếu, khi anh ta không thể làm như vậy, anh ta nghĩ và nói về những chủ đề khác ngoài những người cai ngục và những bức tường nhà tù? Thế giới bên ngoài không trở nên ít thực hơn bởi vì tù nhân không thể nhìn thấy nó. Khi sử dụng Lối thoát theo cách này, các nhà phê bình đã chọn sai từ ngữ, và hơn thế nữa, họ đang nhầm lẫn, không phải lúc nào cũng do lỗi chân thành, Cuộc vượt ngục của người tù với Cuộc Chạy trốn của kẻ đào ngũ. (63)

Hơn nữa, chính ngôn ngữ mà chúng ta hiện đang sử dụng phải được phục hồi để nắm bắt các chiều kích của thực tại đã mất ở đó, hiện chỉ bị làm ngơ do các giả định của chúng ta về thế giới.

Tolkien khá chuẩn bị để kết nối thế giới giả tưởng này, mà theo anh hiện hữu trong mọi nền văn hóa vì nó là một phần của bản chất con người, với câu chuyện của mọi câu chuyện trong Nhập Thể:

Nó có thể là một tia sáng xa xăm hoặc tiếng vọng của Tin Mừng trong thế giới thực... Các sách Tin Mừng chứa đựng một câu chuyện thần tiên, hoặc một câu chuyện thuộc loại lớn hơn bao hàm tất cả những gì cốt yếu của các truyện thần tiên. Chúng chứa đựng nhiều điều kỳ diệu—có tính nghệ thuật đặc biệt, đẹp đẽ và xúc động: “thần thoại” trong ý nghĩa hoàn hảo, tự lập của chúng;... và trong số những điều kỳ diệu là tai họa tốt lành (eucatastrophe) (*) vĩ đại nhất và đầy đủ nhất có thể hình dung được. Nhưng câu chuyện này đã đi vào Lịch sử và thế giới đệ nhất đẳng; mong muốn và khát vọng của sáng thế phụ đã được nâng lên thành sự hoàn thành của Sáng thế. Sự giáng sinh của Chúa Kitô là thảm họa tốt lành của lịch sử loài người. Sự Phục Sinh là thảm họa tốt lành của câu chuyện Nhập Thể. Câu chuyện này bắt đầu và kết thúc trong niềm vui. Nó nổi bật là “tính nhất quán bên trong của thực tại”. Không có câu chuyện nào được kể mà con người thích thấy là sự thật hơn, và không có câu chuyện nào được rất nhiều con người hoài nghi đã chấp nhận như là sự thật theo giá trị riêng của nó. Vì Nghệ thuật của nó có giọng điệu cực kỳ thuyết phục của Nghệ thuật Đệ nhất đẳng, tức là của Sáng Thế. Bác bỏ nó là dẫn đến buồn bã hoặc phẫn nộ.... Câu chuyện này là tối cao; và nó đúng sự thật. Nghệ thuật đã được kiểm chứng. Thiên Chúa là Chúa của các thiên thần và loài người—và của yêu tinh. Truyền thuyết và Lịch sử đã gặp nhau và hợp nhất. (64)

Tuy nhiên, ngay cả sau khi Chúa Kitô chiến thắng trên Thập giá, cái ác vẫn chưa bao giờ bị đánh bại trong cuộc sống này, và đó là lý do tại sao cuộc đấu tranh giữa thiện và ác vẫn tiếp diễn cho đến tận thế. Câu chuyện lặp lại với những nhân vật khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng nó là một câu chuyện bao giờ cũng là độc nhất và bao giờ cũng là phổ quát bởi những yếu tố vĩnh cửu cũng như tạm thời bên trong nó. Và một trong những chu kỳ lớn hơn của một cuộc đấu tranh như vậy tạo chất liệu cho Chúa tể những Chiếc nhẫn, diễn ra trong thế hệ hobbit tiếp theo, với cháu trai của Bilbo, Frodo, nay chiếm vị trí trung tâm trong bi kịch Trung Địa. Câu chuyện rất lớn - thường được xuất bản thành ba tập lớn: The Fellowship of the Ring [Hiệp hội Chiếc nhẫn], The Two Towers [Hai tòa tháp] và The Return of the King [Sự trở lại của nhà vua]. Mỗi cuốn chứa hàng chục cảnh và diễn biến đáng nhớ trong cốt truyện chung của một câu chuyện rất đơn giản: Frodo, với tư cách là “người mang nhẫn”, giờ đây, phải hành trình cùng với những người bạn đồng hành của mình (Gandalf, những người hobbit khác, yêu tinh, người lùn, đàn ông—trong hạng mục cuối cùng, đáng chú ý là Aragorn, vị vua thực sự của Trung Địa) từ Rivendell, quê hương của yêu tinh, đến Núi Doom, nơi anh ta sẽ phá hủy chiếc nhẫn bằng cách ném nó vào một kẽ hở rực lửa—do đó làm vô hiệu quyền lực của “Chúa tể Hắc ám” Sauron.

Độc giả bị mê hoặc bởi câu chuyện cảm thấy đây là một cuộc hành trình dài, gần như vô tận, nhưng toàn bộ câu chuyện về cơ bản chỉ diễn ra trong ba tháng, bắt đầu với việc rời hiệp hội khỏi Rivendell vào ngày 25 tháng 12 và kết thúc với việc phá hủy sau cùng chiếc nhẫn vào ngày 25 tháng 3. Tất nhiên, những ngày này theo truyền thống là Giáng sinh và Lễ Truyền tin (trong thời Trung cổ, cũng là ngày đóng đinh). Vì vậy, bằng cách giới thiệu ngày tháng một cách tinh tế, Tolkien đã bí mật ghi câu chuyện của mình vào lịch sử thánh thiêng của Kinh thánh. Nhưng đây không phải là một câu chuyện ngụ ngôn đơn giản—một hình thức có sự tương ứng một đối một giữa các sự thật Kitô giáo và những con người hoặc biến cố. Tolkien đang viết một loại “sáng thế phụ” lớn hơn nhiều, một loại mô phỏng thế giới phức tạp của chính Đấng Tạo hóa bằng cách dẫn nhập cảm thức về một quá khứ trải dài trở lại chính những lớp sương mù không thể xuyên thủng và một hiện tại phong phú với các biến cố tăng nhanh trong toàn bộ câu chuyện Sáng thế-Sa ngã-Cứu chuộc. Tất cả được thực hiện một cách mạnh mẽ đến mức những độc giả “hiểu” Lord of the Rings thấy mình thường xuyên đọc lại hoặc suy nghĩ lại cách họ hiểu câu chuyện.

Bất chấp tuyên bố gần như đúng của Tolkien rằng cuốn sách không phải là một câu chuyện ngụ ngôn, nó có một số mối liên hệ cụ thể với các vấn đề trong cuộc sống đương thời, đặc biệt là sự hối tiếc sâu sắc và sự bác bỏ nền văn minh kỹ nghệ cơ giới hóa hiện thời. Những sinh vật xấu xa ở Trung Địa là những kẻ tạo ra những cỗ máy mạnh mẽ—chính vì ma thuật hắc ám của chúng tìm quyền lực đối với người khác và sự thống trị có chủ ý. Chủ nghĩa duy kỹ nghệ, dù ở dạng tốt đẹp có thể dung thứ được hay dưới hình thức cực kỳ xảo quyệt, đòi hỏi một cách đối xử nào đó của chính thiên nhiên—sự sáng thế, nhìn từ một góc độ khác—như vật chất và năng lực đơn thuần cần được tái định hướng cho các mục đích tạo vật. Tất nhiên, mọi việc làm của con người đều tái lên khuôn thiên nhiên đến một mức nào đó cho mục đích của con người, nhưng trong Mordor của Tolkien, toàn bộ hệ tư tưởng coi thường trái đất dường như được tập hợp lại: không có sinh vật sống, không có cảnh quan thiên nhiên nào dường như có bất cứ giá trị nào — hoặc bất cứ sự khôn ngoan nào để dạy chúng ta ngoại trừ tính hữu ích của nó cho các mục đích lấy cảm hứng từ rồng của chúng ta. Tất nhiên, chủ nghĩa bảo vệ môi trường của Công Giáo ban đầu được ngụ ý trong cách trình bày này, nhưng cũng có mối liên hệ sâu sắc với học thuyết xã hội của Công Giáo, trong đó việc cai trị người khác là vì lợi ích của họ, không phải vì lợi ích của người cai trị. Và tất cả quyền lực, và do đó, quyền cai trị, đều phát xuất từ Thiên Chúa và phải chịu trách nhiệm trước mong muốn của Người đối với Trung Địa.

Nhưng đẹp đẽ như sự thật bao trùm này được trình bày trong Lord of the Rings, không có chương trình “trở về đất liền” hay phản hiện đại đơn giản nào xuất hiện trong câu chuyện. Đó là bởi vì câu chuyện liên quan đến sự tái hiện sâu sắc của trật tự được tạo ra từ sau sự xuất hiện của Trung Địa. Tolkien đã từng mô tả lịch sử loài người là “một 'thất bại lâu dài'—mặc dù nó chứa đựng một số điển hình hoặc thoáng nhìn về chiến thắng cuối cùng”, (65) và điều đó cũng mô tả chính xác cách thế của thế giới phụ tạo của anh. Cuộc chiến chống lại cái ác phải được tiến hành lặp đi lặp lại, với những chiến thắng và thất bại từng phần khác nhau, cho đến khi một số biến đổi diễn ra mà không thể thể hiện được trong chính Trung địa. Theo cách riêng của mình, Trung Địa phải chờ đợi Sự trở lại của Nhà vua, người không chỉ là Aragorn hay một số người cai trị công bằng khác, mà là một thế lực có thể giải quyết vấn đề gốc rễ: Iluvatar, Cha của Tất cả.

Dĩ nhiên, những sự thật như thế đã được bày tỏ nhiều lần trong suốt lịch sử Kinh Thánh, từ phần Kinh Thánh tiếng Hípri đến nền thần học hiện đại. Nhưng chúng thường chỉ xuất hiện dưới dạng ý tưởng, mặc dù các câu chuyện trong Cựu ước phản ảnh điều gì đó về lịch sử của những chiến thắng và thất bại từng phần mà Tolkien trình bày. Điều đáng chú ý nhất về Lord of the Rings là cách mà nó có thể thể hiện sự nhạy cảm của một chiến binh — sự cần thiết của một sự cứng rắn khi đối mặt với những thách thức tự nhiên và siêu nhiên — với cảm giác nhẹ nhàng, sâu sắc đầy mê hoặc đối với thiên nhiên và chúng sinh. Đồng thời, nó có thể kết hợp cả hai theo cách mà hai nhân vật của nó, giống như Chúa Kitô, vượt qua cái chết để đạt được những vinh quang vĩ đại. Gandalf Xám chết khi chiến đấu với một con rồng tại Cầu Khazaddûm và được phục sinh sau đó với sức mạnh thậm chí còn lớn hơn, bây giờ là Gandalf Trắng, vì sự hy sinh bản thân của ông. Con người Aragorn mạo hiểm đi qua Con đường của Người chết với hy vọng đến được đó kịp thời chiến thắng Mordor và trở thành một vị vua thực thụ. Những linh hồn “đã chết” xuất hiện cùng anh giúp lật ngược thế cờ thành thắng lợi. Nét đặc trưng trong đạo Công Giáo của Tolkien là cái chết và sự sống - cả hai phần của sự sáng thế - hợp tác trong việc giải quyết câu chuyện.

Tolkien không đưa ra nhiều bình luận về Giáo hội, nhưng một số bình luận quan trọng nhất của anh là trong Công đồng Vatican II. Giống như Evelyn Waugh và những người theo chủ nghĩa truyền thống khác, anh không thích những thay đổi này lắm, mặc dù anh bày tỏ sự ủng hộ đối với “những sự phát triển hoàn toàn mang tính 'đại kết'”. Nhưng trong cùng một bức thư, anh cảnh cáo con trai mình là Michael chống lại:

cuộc tìm kiếm “Thệ phản” trở ngược lại “sự đơn giản” và tính trực tiếp, tất nhiên, mặc dù nó chứa đựng một số động cơ tốt hoặc ít nhất là dễ hiểu, vẫn sai lầm và thực sự vô ích. Bởi vì “Kitô giáo nguyên thủy” hiện nay và bất chấp mọi “nghiên cứu” sẽ mãi mãi vẫn chưa được biết đến rộng rãi; bởi vì “tính nguyên thủy” không bảo đảm giá trị, và phần lớn chỉ phản ảnh sự thiếu hiểu biết. Lạm dụng nghiêm trọng là một yếu tố trong hành vi “phụng vụ” của Kitô giáo ngay từ đầu cũng như bây giờ. (Sự nghiêm khắc của Thánh Phaolô đối với hành vi Thánh Thể là đủ để cho thấy điều này!) Còn hơn thế nữa bởi vì “Giáo Hội của tôi” không được Chúa chúng ta dự định là tĩnh tụ hoặc ở lại trong thời thơ ấu vĩnh viễn; mà là một cơ thể sống động (giống như một thân cây) phát triển và thay đổi ở bên ngoài do sự tương tác giữa lịch sử và sự sống thần thiêng được thừa kế của nó — những hoàn cảnh đặc thù của thế giới mà nó được đặt vào. Không có sự giống nhau giữa “hạt cải” và cây trưởng thành. Đối với những người sống trong thời kỳ phát triển phân nhánh của nó, Cây là sự vật, vì lịch sử của một sinh vật sống là một phần cuộc sống của nó, và lịch sử của một vật thần thiêng là thánh thiêng. (66)

Quan điểm này rõ ràng có một số điểm tương đồng với các ý niệm “phát triển” của Newman, mà Tolkien có thể đã hấp thụ trong những năm đầu làm việc với Cha Morgan của Dòng Oratorian. Nhưng nó không giải quyết được nhiều câu hỏi về các bước đúng và sai trong lịch sử hoặc chỉ ra cách phân biệt chúng. Tuy nhiên, vẫn có một “khoa diễn giải liên tục” ở Tolkien, và, cũng bối rối như nhiều người vào thập niên 1960 bởi những biến động cả về thế tục lẫn tôn giáo, anh khuyên việc rước lễ—hàng ngày, nếu có thể—là cách chắc chắn duy nhất để giải quyết tình huống.

Có lẽ tiếng vang Kitô giáo sâu sắc nhất xuất hiện trong Lord of the Rings khi Frodo, người mang chiếc nhẫn và Sam, người bạn đồng hành trung thành của anh, gần Núi Doom, nơi họ hy vọng sẽ phá hủy chiếc nhẫn. Một đoạn văn được trích dẫn nhiều gói gọn một trong những chân lý nền tảng của toàn bộ Trung Địa. Khi Frodo và Sam đang nghỉ ngơi buổi tối gần kết thúc cuộc đấu tranh lâu dài của họ để đánh bại cái ác, Sam trầm ngâm: “Ở đó, nhìn trộm giữa đám mây bao phủ phía trên ngọn lửa tối cao trên núi, Sam thấy một ngôi sao trắng lấp lánh một lúc. Vẻ đẹp của nó đánh động trái tim anh, khi anh nhìn lên từ vùng đất bị bỏ hoang, và hy vọng đã quay trở lại với anh. Vì giống như một tia sáng, rõ ràng và lạnh lẽo, ý nghĩ xuyên thấu anh rằng cuối cùng Bóng tối chỉ là một thứ nhỏ bé và thoáng qua: có ánh sáng và vẻ đẹp cao cả vĩnh viễn nằm ngoài tầm với của nó.” (67) Loại hiểu biết sâu sắc này mạnh mẽ chính bởi vì nó xẩy ra ở phía bên kia của nhiều chết chóc và đau khổ, nghĩa là, nó là một viễn kiến hòa bình từng đối đầu với điều tồi tệ nhất mà thế giới từng cung ứng.

Nhưng những người hobbit của Tolkien sẽ không thành công trong nhiệm vụ, hơn bất cứ tạo vật nào khác của anh, vì công lao của chính họ. Sam dũng cảm cõng Frodo lên núi khi sức lực của người mang nhẫn đã suy yếu và anh không thể leo xa hơn. Nhưng có một bất ngờ lớn chờ đợi vào giây phút cuối cùng: Frodo sau ngần ấy thời gian không thể chia tay chiếc nhẫn. Ý chí của chính anh, giống như ý chí của tất cả các tạo vật ở Trung địa sa ngã không có khả năng tự giải thoát. Và chính Gollum - người đột ngột xuất hiện vào giây phút cuối cùng này - Gollum được cả Bilbo và Frodo tha mạng trong các tập trước mặc dù có nhiều tội ác, là người phạm tội cuối cùng. Anh ta cắn đứt ngón tay của Frodo và chiếc nhẫn cùng với nó: “'Quý giá, quý giá, quý giá!' Gollum kêu lên. 'Lòng thành kính của tôi! Hỡi Báu vật của tôi!’ Và với điều đó, ngay cả khi ngước mắt lên để hả hê với chiến thắng của mình, anh ta đã bước quá xa, ngã nhào, dao động một lúc trên bờ vực, và rồi anh ta ngã xuống với một tiếng thét chói tai. Từ vực thẳm vang lên tiếng than khóc cuối cùng của anh ta là Precious, và anh ấy đã ra đi.” (68)

Một người sáng tác kém hơn sẽ kết thúc câu chuyện ở đó, nhiệm vụ đã hoàn thành. Nhưng Tolkien tiếp tục viết thêm hai trăm trang nữa, ghi lại toàn bộ tác động của nó đối với vương quốc Aragorn, Quận Huyện, và chu kỳ tiến và lùi lớn hơn trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. Và đối với Frodo và Sam. Người trước, sau mọi trải nghiệm của anh, phải mãi mãi đi đến Grey Lands. Người sau trở về Quận Huyện, nơi, sau khi chữa khỏi căn bệnh rồng đã xâm chiếm khi anh vắng mặt, anh kết hôn, lập gia đình và sống hạnh phúc—không phải mãi mãi, mà là trong hòa bình tạm thời dành cho anh và toàn bộ Quận Huyện nhờ trận chiến thành công chống lại việc nhập thể của cái ác gần đây nhất. Điều này thỏa mãn cảm thức của chúng ta rằng cái thiện phải chiến thắng trong một câu chuyện giả tưởng, nhưng nó cũng để toàn bộ câu chuyện nằm vững chắc trong điều được Tolkien thường gọi là "vực thẳm của thời gian", khoảng thời gian dài trước và sau cuộc sống trần thế của bất cứ tạo vật tử sinh nào mang lại cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về thể vĩnh cửu.

Trong nhiều thập niên, các độc giả đã bị mê hoặc bởi sức mạnh của Tolkien về vấn đề này. Một nhà phê bình sắc sảo không kém C. S. Lewis đã nói trong một bức thư gửi Tolkien sau khi đọc sản phẩm cuối cùng:

Tôi nghĩ nó vượt trội ở hai điểm: hoàn toàn là một sáng tạo phụ—Bombadil, Barrow Wights, Elves, Ents—như thể từ nguồn tài nguyên vô tận và công trình xây dựng. Cũng ở trong trọng lực. Không sự lãng mạn nào có thể đẩy lùi cáo buộc “chủ nghĩa thoát ly” một cách tự tin như vậy. Nếu có sai lầm, nó sai lầm chính theo hướng ngược lại: mọi hy vọng chiến thắng đều bị trì hoãn và sự chồng chất tàn nhẫn của tỷ lệ đánh cuộc chống lại các anh hùng gần như quá đau đớn. Và đoạn kết dài sau thảm họa tốt lành, cho dù bạn cố ý hay không, có tác dụng nhắc nhở chúng ta rằng chiến thắng cũng tạm bợ như xung đột... và vì vậy để lại một ấn tượng cuối cùng về sự sầu muộn sâu xa. Nó sẽ được xếp hạng, cùng với Aeneid, như một trong những cuốn sách mà tôi gọi là “tôn giáo phụ một cách trực tiếp tức” của mình. (69)

Việc Tolkien và Lewis đã gây ảnh hưởng sâu sắc như vậy là một dấu hiệu của sức sống văn hóa Kitô giáo liên tục nào đó, cũng như các thành viên khác trong nhóm văn học Oxford, Inklings, của họ. Như một nhà báo đã lập luận: “The Inklings, một câu lạc bộ uống rượu ở Oxford những năm 1930, là một lực lượng hùng mạnh hơn cả Bloomsbury Group, Algonquin lấy bối cảnh ở New York, bối cảnh ở Paris của Hemingway hay nhóm các nhà văn W. H. Auden/Christopher Isherwood của những năm 1930.” (70) Tất nhiên, những điều như vậy rất khó đánh giá với độ chính xác cao, nhưng việc một tuyên bố như vậy là hoàn toàn hợp lý đã nói lên rất nhiều điều về tiềm năng Kitô Giáo làm say mê thế giới trở lại trong thế kỷ hai mươi mốt.

__________________________________________________________________________________________________________________________________

(*) Eucatastrophe là sự thay đổi đột ngột của các sự kiện trong một câu chuyện nhằm đảm bảo rằng nhân vật chính không gặp phải một sự diệt vong khủng khiếp, sắp xảy ra, rất hợp lý và có thể xảy ra. Nhà văn J. R. R. Tolkien đã tạo ra từ này bằng cách thêm tiền tố Hy Lạp eu, có nghĩa là tốt, vào catastrophe [thảm họa], hạn từ được sử dụng theo truyền thống trong phê bình văn học lấy cảm hứng từ cổ điển để chỉ việc "làm sáng tỏ" hoặc kết thúc cốt truyện của một bộ phim truyền hình. Đối với Tolkien, thuật ngữ này dường như có một ý nghĩa chủ đề vượt xa ý nghĩa từ nguyên theo nghĩa đen của nó về mặt hình thức.Theo định nghĩa của ông như được nêu trong bài tiểu luận "Về những câu chuyện cổ tích" năm 1947, eucatastrophe là một phần căn bản trong quan niệm của ông về thần thoại học. Mặc dù Tolkien quan tâm đến thần thoại, nhưng nó được kết nối với Tin Mừng; Tolkien gọi Sự nhập thể của Chúa Kitô là eucatastrophe của "lịch sử nhân loại" và Sự phục sinh là eucatastrophe của Nhập thể. (Wikipedia).