SÀIGÒN - Từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc tới nay, diện tích trồng cà phê tại Daklak, tỉnh sản xuất cà phê lớn nhất Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Giới chức tỉnh này cho biết từ con số 7 ngàn héc ta năm 1975, nay toàn tỉnh có tới trên 260 ngàn, chủ yếu trồng cà phê vối, hay là cà phê robusta.

Tới 65% dân số trong tỉnh, tức là vào khoảng 1.3 triệu người, sống nhờ vào cây cà phê. Và cũng chính vì sự lệ thuộc này mà mỗi khi cà phê rớt giá hay mất mùa, là cuộc sống của người dân trong tỉnh lại bị ảnh hưởng trầm trọng.

Để đối phó với việc cà phê triền miên rớt giá, chính quyền tỉnh đã đưa ra kế hoạch giảm diện tích trồng cà phê trong tỉnh và thay đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Lạng, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Daklak cho biết mục tiêu của tỉnh là cắt giảm diện tích canh tác cà phê xuống khoảng 15 phần trăm trong vài năm tới đồng thời thay đổi cơ cấu cây trồng.

Hiện Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Các nước sản xuất cà phê đã nhiều lần chỉ trích Việt Nam bán cà phê ồ ạt làm sụt giá, điều mà chính phủ cũng như những người trồng cà phê Việt Nam cực lực phản đối.

Họ cho rằng sản xuất nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy cần phải áp dụng các biện pháp để tăng thu nhập trong khi giảm diện tích canh tác.

Chẳng hạn như chuyển từ trồng cà phê vối robusta sang cà phê chè arabica, loại cà phê giá cao hơn.

Thế nhưng, ông Y Sao, phó giám đốc công ty cà phê Thắng Lợi, một nông trường quốc doanh vào loại lớn nhất tỉnh Daklak nhận xét điều này khó thực hiện do điều kiện địa lý và thổ nhưỡng của tỉnh.

Ông Y Sao phát biểu: "Mỗi một loại cây trồng có yêu cầu khách quan của nó, ví dụ đất đai, nhiệt độ, ánh sáng, độ cao so với mặt biển. Độ cao bình quân từ 480 m đến 500 m với mặt biển, thì không thể trồng cà phê chè, mà chủ yếu chỉ phù hợp với cà phê vối."

"Trồng cà phê chè thì hiệu quả sẽ không cao, chất lượng kém"

Ngoài việc chuyển sang trồng cà phê arabica, nông dân trồng cà phê cũng được kêu gọi nâng cao chất lượng cà phê họ sản xuất ra, vì cà phê Việt Nam vốn mang tiếng là giá hạ vì chất lượng kém.

Một số nông trường đã chuyển sang sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn thế giới.

Nhưng ông Y Sao từ doanh nghiệp cà phê Thắng lợi cho rằng để đồng loạt cải thiện chất lượng cà phê sản xuất trong tỉnh, nhất là tại các vườn cà phê của các hộ cá thể, không phải là điều đơn giản.

Trong khi diện tích cà phê dần thu hẹp, tỷ trọng thu nhập từ cây cà phê trong tổng thu nhập quốc dân tỉnh Daklak đã giảm từ trên một nửa xuống còn khoảng 35. Làm sao để lấp đầy lỗ hổng do chính sách chuyển dịch này mang lại mới đang là nỗi đau đầu.(bbc)