Sáng thứ bảy, ngày 06/9/2014, nhóm Bông Hồng Xanh, ban Caritas giáo xứ Vườn Xoài, bạn trẻ STO và một số ân nhân đã mang một nửa vầng trăng từ Sài Gòn đi xuống ấp Hòa Thuận, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long để ráp với nửa vầng trăng của giáo xứ Đức Hòa, hạt Mai Phốp, giáo phận Vĩnh Long, để làm thành một vầng trăng tròn cho khoảng 800 thiếu nhi trong khu vực.

Hình ảnh

Đoàn công tác gồm 32 người với mục tiêu công tác được phân chia như sau: Nhóm Bông Hồng Xanh phát học bổng và thăm các gia đình giáo dân nghèo trong giáo xứ; Caritas giáo xứ Vườn Xoài làm hội chợ, các bạn trẻ STO hoạt náo chương trình và cùng với thiếu nhi Đức Hòa trình diễn văn nghệ; Ban Hành Giáo của giáo xứ ổn định trật tự và phục vụ các bữa ăn cho đoàn. Một sự phân chia hài hòa mang tính tình nguyện nhiều hơn là “nhận lệnh”.

Để có được đêm trăng rằm tuyệt vời cho một vùng quê thanh bình, giáo xứ Đức Hòa đã chuẩn bị khâu tổ chức rất tốt như đón đoàn công tác, chuẩn bị sân khấu, phát phiếu cho trẻ em. Nhìn những ông trùm, ông câu, ông biện chân chất của vùng sâu Vĩnh Long lăng xăng nhiệt tình, cũng đủ thấy “niềm vui nhà thờ” lộ ra trên khuôn mặt xạm đen, khỏe mạnh của người quen làm nông và làm cây lác (cói) ở vùng này.

Ban Caritas khá tỉ mỉ khi chuẩn bị hội chợ cho các em với 10 gian hàng “phong phú”, đáp ứng được sự háo hức, ngây thơ của trẻ em nơi đây. Niềm vui tươi ấy bỗng tròn đầy trên khuôn mặt các em vì vừa được vui các trò chơi, nhận lồng đèn, bánh trung thu và còn được rước đèn cùng đội lân trên con đường quen thuộc trước nhà thờ. Chỉ có hình ảnh mới diễn tả hết buổi tối trăng rằm nơi đây.

Trước khi phát học bổng cho 10 em học sinh cấp 2 và cấp 3 trên sân khấu đầy sắc màu ấy, nhóm Bông Hồng Xanh đã thăm gần 20 gia đình nghèo trong khu vực. Đây là vùng chỉ trồng lúa và trồng lác (cây cói làm chiếu), đất hẹp nên bà con vẫn còn nghèo; đa số là nhà tranh, nhu cầu về việc hỗ trợ xây nhà tình thương ở đây rất cao. (xem thêm ở cuối bài).

Còn phần văn nghệ do giáo lý viên Đức Hòa và các bạn trẻ ở nhà thờ Lộ Mới, Vĩnh Long, kết với các tiết mục của bạn trẻ STO, tạo nên một chương trình văn nghệ “đặc sắc”, vui tươi trẻ trung đến bất ngờ. Nhìn trẻ em và các phụ huynh (không phân biệt lương giáo) đến tham dự đông kín sân nhà thờ mới thấy, niềm vui đêm trăng thu cho vùng quê vắng vẻ này thật tuyệt vời.

Cha chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Nha trẻ trung, giọng nói dịu dàng, dáng người thanh lịch, cho biết rằng trước năm 1975, người dân vùng này rời quê vì chiến tranh; sau khi trở về quê quán họ sống uể oải vì chỉ được chia ít đất...thế là “cha truyền con nối”, nhiều gia đình nghèo cho đến tận bây giờ. Đây là xã nghèo nhất huyện Vũng Liêm, những ngôi nhà tranh nói lên điều ấy, nếu đi thăm sẽ gặp một số người trẻ bị bệnh hiểm nghèo”. Cha còn ao ước ba điều: “Thứ nhất nếu có công ty hay xí nghiệp trụ trên địa bàn giáo xứ để tạo việc làm cho người dân vùng này thì thật tốt lành; thứ hai là mong nâng cao trình độ văn hóa thế hệ trẻ vì hiện nay vẫn còn nhiều người trung niên, thậm chí có trường hợp đến xin phép hôn phối không biết chữ; và sau cùng cha mong xây một nhà nuôi người già neo đơn vì ở nơi này có nhiều người giá không có đất, nhà ở”.

Ngoài ra, đoàn còn đi thăm những người dân đang làm lác ngoài đồng nữa. Thật thú vị nếu là dân thành thị đến thăm vùng này.

Một ông trùm sinh sống nơi đây từ nhỏ, cho biết qua về lược sử họ đạo này: “Đã trải qua thời gian khá dài với nhiều giai đoạn thật bi đát trong lịch sử. Họ Đạo đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau không được ghi lại đầy đủ, nay còn lại vài người lớn tuổi đã nghe và nhớ lại những gì đã qua, nên ghi lại tương đối chính xác mà thôi.

- Năm 1888, một ông cụ tên Sương, không nhớ rõ tên thánh, xin cất nhà thờ đầu tiên ở khu vực đình Đức Hoà hiện nay. Lúc này có một linh mục người Pháp tên Bellocq trông coi. Hoạt động một thời gian nhà thờ được di dời về cất lại tại nhà giáo dân Tư Tuấn (Tí) ở hiện nay, bổn đạo độ khoảng 100 người. Khi đó nhà thờ lợp lá, gọn nhỏ.

Khoảng năm 1900 nhà thờ Đức Hoà được xây dựng bán kiên cố tại khu vực nhà thờ cũ hiện nay, nhà thờ lúc này lợp ngói, mặt trước xây bằng gạch tiểu, hai bên hông đóng vách ván. Thời gian này có các cha ở họ đạo Bãi Xan lên xuống cử hành thánh lễ. Trong các cha cử hành thánh lễ lúc này có cha Bellocq (người Pháp), cha Trông, cha Phaolô Xuân, cha Giuse Đặng Ngọc Linh.....Cho đến bây giờ số giáo dân là 1.000 và cha chánh xứ Giuse Nguyễn Hữu Nha phụ trách giáo xứ”.

Trên đường về, đoàn công tác còn ghé thăm trung tâm Đức Mẹ Fatima của Vĩnh Long, nơi giáo dân qui tụ vào những ngày kính Đức Mẹ. Có huyền thoại rằng cây me ngay sau lưng tượng Đức Mẹ trước đây có nhiều tiếng khóc văng vẳng trong đêm khuya, từ khi đặt tượng kính Mẹ thì không còn nữa.

Đoàn công tác về Sài Gòn lúc 14 giờ 00 Chúa Nhật kết thúc chuyến đi tốt đẹp.