TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ
CÙNG MẸ RA KHƠI
ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 26
13-15 tháng 8 năm 2002)


Lệnh ra khơi trong văn mạch Tin Mừng(Lc 5,4) là lệnh lên đường truyền giáo. Trong tông thư “Khởi đầu ngàn năm mới”, ĐTC Gioan Phaolô II đã lấy lại những lời của Chúa Giêsu”Duc in altum” để mời gọi Giáo Hội đặt ưu tiên cho việc Phúc Âm Hoá vào lúc mà nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba.

Đại Hội La Vang lần thứ 26 được diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 2002, nghĩa là vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba. Chia sẽ mối thao thức của ĐTC Gioan Phaolô II, Đức TGM Huế cũng muốn cho lần Đại Hội La Vang đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba nầy trở thành một dịp qui tụ con cái Mẹ rải rác khắp bốn phương thiên hạ về lại bên Mẹ La Vang để cùng nhau cầu nguyện và học hỏi ở nơi Mẹ những thái độ tâm linh và những nhân đức cơ bản cần thiết cho một sự ra đi, lên đường loan báo Tin Mừng Cứu Rỗi.

Công đồng Vatican II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội đã dạy rằng Đức Maria “được chào kính như chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái” (LG.53) và lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật, đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Mẹ Maria không làm việc truyền giáo như các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng ở nơi Mẹ dẩy đầy chan chứa hồn tông đồ, khiến Mẹ được kêu cầu dưới danh nghĩa “Nữ Vương các thánh tông đồ”.

Truyền Giáo là việc của Chúa. Người truyền giáo là người biết cọng tác với Chúa để loan báo Tin Mừng. Họ phải cảm thông với ước muốn của Chúa, chia sẽ tâm tư nguyện vọng của Ngài và nhất là biết đi theo đương lối của Ngài. Họ phải ra khỏi nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ để lao mình vào cách nhìn của Chúa. Đó cũng chính là đòi hỏi của sự Ra Khơi. Ra khỏi thế giới riêng của mình để lao vào thế giới của Chúa, ra khỏi sự an toàn của mình để chỉ cậy dựa vào sự an toàn của Chúa. Ra Khơi bao hàm mọi rủi ro, bất an và nghịch cảnh.

Mẹ Maria đã thực sự Ra Khơi theo ý nghĩa ấy, vì Mẹ đã từ bỏ cuộc sống riêng tư của mình để ném mình vào kế hoạch cứu rỗi của Chúa, kể từ khi mẹ thưa Xin Vâng trong biến cố Truyền Tin cho đến lúc đứng dưới chân thập giá của Con Mẹ.

Con thuyền Giáo Hội đang Ra Khơi. Xin Mẹ cho các ngư phủ được trang bị hành trang thiêng liêng của Mẹ để hoàn thành tốt sứ mạng mà Con Mẹ đã uỷ thác.

Đề tài 1:
ĐỨC MARIA RA KHƠI :"XIN VÂNG !"
(Lc. 1,26-38)

Ra khỏi chính mình để lao vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Tội nguyên tổ đã làm hỏng công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng không thể ngăn cản kế hoạch yêu thương của Ngài. Kế hoạch ấy là "qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô". (Ep.1,10). Đây cũng là kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa đã được phác họa bằng một lời hứa trong sách Sáng Thế mà các nhà chuyên môn Kinh Thánh cho là "Tin Mừng đầu tiên", khi Thiên Chúa nói với con rắn : "Ta sẽ đặt một mối thù giữa mi với người nữ, giữa dòng dõi mi với hậu duệ của người nữ, và hậu duệ của người nữ sẽ đạp nát đầu mi" (St. 3,15)

Dung mạo của người nữ trong sách Sáng Thế đã hiện lên rõ nét nơi người trinh nữỉ thành Nagiarét, tên là Maria. Biến cố Truyền Tin mà thánh sử Luca đã ghi lại trong Tin Mừng của ông (Lc. 1,26-38), cho thấy kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa đã được thực hiện, nhờ sự quảng đại đáp trả của Đức Maria với lời mời gọi của Thiên Chúa, lời mời gọi "ra khơi" ,ra khỏi đời sống riêng tư mình để hội nhập vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Và Đức Maria đã thưa "Xin Vâng" (Lc. 1,38).

Mẹ đã ra khơi, Mẹ đã lao vào trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, khi chấp nhận để cho Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng trinh khiết của Mẹ. Rồi từ máng cỏ Bêlem cho đến đồi Canvê, Mẹ cũng đã thưa Vâng với Thiên Chúa qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, để cho kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất.

Truyền giáo là ra khơi để lao mình vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa như Mẹ, là Thưa Vâng với những đề nghị hy sinh từ bỏ mà Thiên Chúa luôn dấy lên trong đời sống của mỗi người chúng ta. Đó là những lần "Truyền Tin" mà qua đó thiên Chúa muốn mời gọi chúng ta ra khơi để cọng tác vào chương trình cứu độ của Ngài.

GỢI Ý CHIA SẺ :

Bạn có chịu khó lắng đọng trí lòng để khám phá ra những lời mời gọi "ra khơi" của Thiên Chúa trong đời sống của bạn không ?

Bạn thường đáp trả những tiếng mời gọi của Thiên Chúa như thế nào ?

Bạn có ý thức rằng những sự từ khước của bạn đối với ý Chúa sẽ làm có kế hoạch cứu rỗi của Chúa bị trở ngại không ?

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã quảng đại thưa Vâng trước lời mời gọi "ra khơi" của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết lắng nghe tiếng Chúa đang mời gọi chúng con ra khơi, ra khỏi chính mình để lao vào kế hoạch nhiệm mầu của Chúa.

Xin cho chúng con đừng ngần ngại, đừng tiếc nuối, đừng cố thủ trong lối sống của riêng mình, nhưng sẵn sàng lên đường, CÙNG MẸ RA KHƠI, lao vào đời sống mới theo sự thúc đẩy khuấy đọng, gạn đục khơi trong của Chúa Thánh Thần. Amen.

Đề tài 2:
ĐỨC MARIA RA KHƠI : MẸ THĂM VIẾNG BÀ ELISABETH>
MẪU GƯƠNG CỦA ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Hành trình Đức mến : lên đường phục vụ

(Lc. 1,39-45)

1. Mục đích của đối thoại liên tôn là làm giàu cho nhau bằng cách chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm tôn giáo mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng những thành viên của các tôn giáo, hầu giúp họ đạt đến cùng đích tối hậu của mình.

Trong biến cố thăm viếng bà Elisabeth, Đức Maria đã thể hiện cách hoàn hảo tinh thần của đối thoại liên tôn. Mẹ đã chia sẻ cho người chị họ những cảm nghiệm tôn giáo mà Mẹ vừa nhận được từ Chúa. Qua bài ca Magnificat, Mẹ đã biểu dương những việc kỳ diệu mà Chúa đã làm cho Mẹ. Về phía bà Elisabeth, Bà cũng nói lên những gì mà Chúa đã làm cho Bà khi Mẹ mang Chúa đến viếng thăm.

"Đối thoại liên tôn giáo là một thành phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội". (Sứ vụ Đấng Cứu Thế số 55); không có gì mâu thuẩn với sứ vụ đến với muôn dân là chính việc truyền giáo. Để thực hiện công việc nầy, Đức Maria đã hết sức nhạy bén với tác động của Chúa Thánh Thần và Mẹ đã chấp nhận để cho Ngài dẫn dắt.

2. Trong biến cố thăm viếng nầy, Đức Maria còn tỏ ra là mẫu gương sáng chói của đức mến. Đức mến thúc đẩy Mẹ hăm hở lên đường phục vụ. Sau những trao đổi tâm linh của buổi hội ngộ, thì Mẹ đã ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng rồi mới trở về nhà mình (Lc. 1,56).

Đức Maria lên đường thăm viếng bà Elisabeth và ở lại phục vụ người chị họ đang mang thai là hình ảnh sống động và trọn hảo nhất của sự Ra Khơi. Mẹ ra khỏi thế giới riêng của mình, để gieo mình vào trong đại dương của đức mến, trong đó chỉ có sự từ bỏ ý riêng, sự quên mình để nghĩ đến lợi ích của tha nhân.

3. Trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, ở chương V, Đức thánh Cha Gioan Phaolô II đã liệt kê các hình thức khác nhau trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, trong đó hình thức đầu tiên là chứng tá đời sống Kitô hữu, và chứng tá Tin Mừng mà thế giới dễ cảm nhận nhất là chứng tá về thái độ lưu tâm đến con người "và về lòng bác ái đối với những người nghèo, những người nhỏ bé và những người đang đau khổ " (số 42). Đức thánh cha cũng đề cập đến đối thoại liên tôn như là một hình thức truyền giáo bên cạnh việc truyền giáo theo nghĩa hẹp là loan báo Tin Mừng (số 55).
Đức Maria đã đi tiên phong trong hai hình thức truyền giáo ấy.

GỢI Ý CHIA SẺ :

Bạn thường có thái độ nào khi gặp gỡ những anh chị em các tôn giáo khác ? Kính trọng, yêu thương hay kỳ thị loại trừ hoặc ba phải ?

Bạn hãy nêu lên những điểm tốt của các tôn giáo mà bạn biết.

Bạn hãy nêu lên những việc làm chứng tá Tin Mừng, nhất là chứng tá của đời sống yêu thương phục vụ cho những người chung quanh không ?

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đi tiên phong trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Xin Mẹ giúp chúng con vội vã lên đường với Mẹ, ra khơi với Mẹ để đến với mọi người và nhờ những cuộc đối thoại chân tình, yêu thương và nhẫn nại, cùng với chứng tá đời sống bác ái Kitô giáo, chúng con có thể giúp anh chị em chúng con khám phá những hạt giống của Ngôi Lời, những tia sáng của ân sủng và sự thật tiềm ẩn trong các truyền thống tôn giáo của đất nước chúng con.Amen.


Đề tài 3:
ĐỨC MARIA RA KHƠI : MẸ GIÚP ĐỠ TIỆC CƯỚI Ở CANA
Đức Cậy : "Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo"

Ga. 2,1-11)

1. Thái độ tâm linh căn bản của Đức Maria là thái độ Xin Vâng, qua đó mẹ đã từ bỏ cuộc sống riêng tư của Mẹ với bao dự định và ước mơ, để lao mình vào trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Kế hoạch ấy muốn cho nhân loại sa ngã được chổi dậy nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

Ở tiệc cưới Cana, Mẹ đã thi hành vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Mẹ đã trình bày lên Chúa nhu cầu của con người và Mẹ đã thông truyền ý Chúa cho con người. "Họ hết rượu rồi" - "Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo" (Ga. 2,4-5).

Mẹ còn xuất hiện ở đây cũng như sau nầy đứng dưới chân thập giá để giới thiệu Đức Giêsu là Phu Quân của Hội Thánh, Đấng đã lấy máu của mình làm rượu ngon để thết đãi khách dự tiệc cưới của Chiên con vào giờ của Ngài.

2. Tại Lavang, Mẹ vẫn tiếp tục hành xử vai trò trung gian ấy cho tất cả những ai chạy đến kêu cầu Mẹ :"Hễ ai chạy đến chốn này cầu xin thì Mẹ sẽ nhậm lời". Lavang trở thành chứng tích của lòng từ bi nhân hậu mà mẹ đã biểu lộ cho những tâm hồn đau khổ, cho những thân xác rã rời và cho những cuộc sống lạc mất niềm tin.

Hành hương về Lavang, chúng ta hãy nhận thức cho rõ vai trò của Mẹ trong nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa nhất là khi chúng ta được diễm phúc quan chiêm những việc kỳ diệu mà Chúa đã làm ở đây qua trung gian cầu bàu của Mẹ, để mỗi khi lâm cảnh khó khăn, hết rượu trong đời: niềm vui đã mất, tình yêu đã cạn thì chúng ta hãy chạy đến kêu xin Mẹ cứu thoát chúng ta khỏi gian nan khốn khó phần hồn cũng như phần xác.

3. Trong thế giới hôm nay, mặc dù tiến bộ khoa học kỹ thuật đã nâng cao đời sống con người một cách đáng kể nhưng đau khổ vẫn dai dẳng theo sát con người như hình với bóng, đau khổ xuất phát từ lòng dạ gian ác và ích kỷ của con người, chúng ta hãy ra khơi cùng với Đức Maria, ra khỏi những óc đảo ích kỷ của chúng ta để dấn thân phục vụ cho sự thăng tiến và phát triển phẩm giá con người. Đây cũng là một hình thức truyền giáo đã được huấn quyền xác nhận( xem sứ vụ Đấng Cứu Thế số 58-59).

Hãy noi gương Mẹ trong thái độ quan tâm đến những thiếu thốn của tha nhân rồi trình lên vơiỉ Chúa qua các giờ cầu nguyện và cử hành phụng vụ.

Hãy chiêm ngắm Mẹ trong thái độ cậy trông phó thác. "Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo". Lời Mẹ căn dặn gia nhân ở tiệc cưới Cana bộc lộ một niềm trông cậy vững vàng vào tình thương và quyền phép của Chúa, mặc dù câu trả lời của Chúa Giêsu là một sự từ chốỉi: "Giờ tôi chưa đến"(Ga. 2,4).

GỢI Ý CHIA SẺ:

Tình trạng " hết rượu" vẫn bao quanh bạn, bạn cố can đảm cùng Đức Maria ra khơi để giúp đỡ người anh em không? Bằng cách nào?

Bạn có chịu khó độc Kinh Thánh để nuôi dưỡng lòng cậy trông vào Thiên Chúa, vì Kinh Thánh cho biết đối với Chúa không sự gì là không thể được?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết nhạy bén với những khó khăn chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con mỗi ngày mỗi lưu tâm hơn đến những nhu cầu của anh chị em chúng con, nhờ biết ra khơi với Mẹ: ra khỏi những ích kỷ hẹp hòi của chúng con để dấn thân phục vụ với một tâm hồn cậy trông phó thác vào tình thương của Chúa và quảng đại chia sẻ với những kể nghèo khó. Amen.


Đề tài 4:
ĐỨC MARIA RA KHƠI: TIN VÀO CHÚA.
"Phúc cho em vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em"

Lc. 1,45)

1. Ra khơi là thực hiện một cuộc hành trình đức tin, đức cậy và đức mến. Đó là một cuộc hành trình đầy mạo hiểm vì không còn những an toàn mà thế gian ban tặng, con người chỉ biết bám vào vào Thiên Chúa mà tiến bước, như Abraham đã ra đi mà không biết mình đi đâu (xem St. 12,1).

Khi chấp nhận ý định của Thiên Chúa qua tiếng Xin vâng vô điều kiện, Mẹ Maria cũng đã thực hiện một cuộc ra khơi vĩ đại của lòng tin, vì Mẹ đâu biết được sóng gió nào đang chờ Mẹ, đau thương nào đang đón đợi Mẹ, nhưng Mẹ vẫn lao vào kế hoạch của Thiên Chúa như con thuyền rẽ sóng phóng ra đại dương bao la vô định.

" Lòng tin dứt khoát, mạnh mẽ của Mẹ khiến Thiên Chúa phải lên tiếng khen ngợi qua miệng bà Elisabeth: "Phúc cho em vì em đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em" (Lc. 1,45). Và chính nhờ Mẹ đã tin mà điều kỳ diệu vô song đã xảy ra: "Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga. 1,14). Thật hạnh phúc không chỉ cho Mẹ mà cho toàn thể nhân loại.

2. Đức tin là hành trang thiết yếu của nhà truyền giáo, vì hoạt động truyền giáo của Giáo Hội là do Chúa Thánh Thần chủ động (xem Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 30), nên người làm việc truyền giáo phải hoàn toàn vâng phục sự chỉ đạo của Chúa Thánh Thần và hơn nữa còn phải đặt mình trong tầng số của Chúa Thánh Thần để nắm bắt cho được làn sóng của Ngài. Hoạt động truyền giáo là công việc của Chúa, nên người truyền giáo phải dùng các phương thế siêu nhiên, chứ không phải các phương tiện thế gian (xem Mt. 10,9-10). Nói cách khác, người truyền giáo làm việc của Chúa thì phải tin vào Chúa, tin vào sức mạnh của tình yêu Chúa đang thể hiện bằng những đường lối bất ngờ.

Thái độ đức tin ấy đòi hỏi nhà truyền giáo phải "ra khơi": ra khỏi những suy nghĩ và ước muốn riêng của mình để nhận lấy đường lối khôn dò của Chúa Thánh Thần.

Trong cuộc lên đường truyền giáo của Giáo Hội, Đức Maria không chỉ là mẫu gương sáng chói mà Mẹ còn đồng hành với Giáo Hội trong chuyến ra khơi mạo hiểm nầy. Mẹ luôn ở bên cạnh chúng ta để nhắc nhủ cho chúng ta rằng hạnh phúc của Mẹ là đã tin vào Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ :

Bạn có chịu khó cầu nguyện để tìm cho được ý Chúa mà thực hiện trong đời sống mình không ?

Trong giao tiếp hàng ngày, bạn thường cố chấp chỉ cho ý kiến mình là đúng, hay bạn có thái độ cởi mở dễ dàng đón nhận ý kiến kẻ khác ?

Trong việc truyền giáo, bạn chỉ dùng các phương tiện trần gian hay bạn còn biết "ăn chay và cầu nguyện" nữa ?

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria là mẫu gương chói sáng của Giáo Hội trên đường lữ hành đức tin, Mẹ biết chúng con rất dễ chao đảo trong đời sống đức tin, nhất là khi gặp phải cuồng phong bảo tố. Xin Mẹ giúp chúng con giữ chặt tay lái, bằng cách luôn nhìn lên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy, để con thuyền đời của mỗi người chúng con và con thuyền Giáo Hội vững tin lướt sóng ra khơi, đem Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân và xin Mẹ cho chúng con cảm nếm nguồn hạnh phúc sung mãn vì đã tin vào Chúa như Mẹ.Amen.

Xin cho chúng con luôn tin tưởng sau đêm dài của đau thương và sự chết, là nguồn sáng bất diệt của sự sống mới, để cố thể an tâm vững bước lên đồi Canvê như Mẹ.Amen.


Đề tài 5 :
ĐỨC MARIA RA KHƠI: ĐỒNG LAO CỘNG KHỔ VỚI CHÚA GIÊSU
Mẹ đứng dưới chân thập giá

Ga. 19,25)

1. Lời Xin Vâng trong biến cố Truyền Tin đã đẩy Mẹ Maria ra khơi, lao thẳng vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Kế hoạch nầy được thực hiện bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô nghĩa là bằng sự chết và sống lại của Ngài. Ngày xưa trong đền thánh, cụ già Simêon đã tiên báo rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ (Lc. 2,35). Lưỡi gươm ấy đã liên kết số phận người Mẹ và người Con, đã làm cho người Mẹ trở thành người đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu để cho dòng suối cứu độ tuôn trào trên nhân loại.

Đứng kề thập giá Chúa Giêsu có thân mẫu Ngài (Ga, 19,25).

Mẹ đứng lặng thinh, tâm hồn tan nát đau thương. "Mẹ dự phần vào hy lễ của Con với tâm hồn của một người Mẹ, hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra" (LG. 58). Cuồng phong bảo tố đã dày xéo cuộc đời Mẹ, nhưng đã không thể nhận chìm con thuyền mang Đấng Cứu Độ vào biển cả trần gian.

2. Trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, ở chương 8, khi nói về linh đạo truyền giáo, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xem việc “sống mầu nhiệm Đức Kitô được sai đi” như là một yếu tố của linh đạo ấy. Và Ngài đã diễn tả mầu nhiệm ấy như là một sự từ bỏ mình hoàn toàn của Đức Kitô trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Đó cũng là một sự tự hủy mình ra không (Kénose).

"Ở đây người ta thấy diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc như một sự từ bỏ mình hoàn toàn đã đưa Đức Kitô sống trọn vẹn thân phận con người và tuân phục ý định Chúa Cha cho đến cùng. Đó là việc huỷ mình ra không, nhưng lại mang dấu ấn tình yêu và biểu lộ tình yêu. Sứ mạng truyền giáo cũng dõi theo cùng một con đường đoú và đích điểm cuốí cùng là chân thập giá " (Sứ vụ Đấng Cứu Thế số 88).

Trong viễn cảnh ấy, thì Đức Maria là nhà truyền giáo đầu tiên, vì Mẹ đã đồng lao cộng khổ cùng Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã từ bỏ mình hoàn toàn và cuối cùng đã đứng dưới chân thập giá để cùng dâng mình với Con trong hy lễ cứu độ.

3. Người truyền giáo tìm thấy nơi "Đức Maria đứng dưới chân thập giá" một mẫu gương tuyệt diệu cho lý tưởng của mình. Sống mầu nhiệm Đức Kitô được sai đi là kết hiệp mật thiết với Chúa, mang lấy những tâm tư của Ngài như đã được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Philipphê "Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có nơi Đức Kitô: Người, phận là phận của một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Người đã huỷ mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết thập giá" (Phil. 2,5-7).

Đức Maria là người đầu tiên đã sống mầu nhiệm Đức Kitô được sai đi ấy, vì Mẹ đã mang cùng một tâm tư như Con Mẹ.

Mẹ đứng dưới chân thập giá, lòng quặn đau nhìn Con yêu dấu trút hơi thở cuối cùng, nhưng bên kia sự chết, Mẹ đang nhìn thấy những đoàn con khác được sinh ra trong ánh sáng và sự sống của Đức Kitô phục sinh.

GỢI Ý CHIA SẺ :

Gặp đau khổ, bạn thường có phản ứng như thế nào ?

Bạn có tập từ bỏ mình không và bạn thường làm như thế nào ?

Khi gặp đau khổ, bệnh tật, bạn có biết dâng sự đau khổ lên Chúa để cầu nguyện cho việc truyền giáo không ?

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ chúng con, Mẹ đã can trường ra khơi để đồng lao cộng khổ cùng với Con Mẹ và cứu chuộc nhân loại. Mẹ đã đứng dưới chân thập giá như là cọng tác viên tuyệt vời của Đấng Cứu Độ.

Xin Mẹ giúp chúng con biết can đảm đón nhận những đau thương trong cuộc sống, biết dâng hiến những chến đắng của mình và anh em để cọng tác với Chúa Giêsu trong công trình Cứu Độ của Ngài.