Theo tin ngày 6 tháng Hai của CNA/EWTN News, Đức Phanxicô tỏ ra bình thản khi được tường trình rằng chung quanh thành phố Rôma đã có các bích chương phản đối ngài.

Thực vậy, thứ Bẩy tuần rồi, trên nhiều bức tường khắp trong thành phố Rôma, đã xuất hiện chừng 200 bích chương phản đối ngài. Nhưng khi nghe tin ấy, Đức Phanxicô không tỏ ra lúng túng chi và không lưu ý bao nhiêu tới biến cố này. Hãng tin Ý ANSA cho hay: ngài tiếp nhận tin này “một cách bình thản và thờ ơ”.

Với bức hình Đức Phanxicô nghiêm nghị, các bích chương này viết: “Ôi Đức Phanxicô, ngài đã qua mặt các thánh bộ, tống khứ các linh mục, xử trảm Hội Hiệp Sĩ Malta và Dòng Phanxicô Vô Nhiễm, phớt lờ các vị Hồng Y… nhưng lòng thương xót của ngài ở đâu?”

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều bích chương này đã bị bôi bỏ với hàng chữ “bích chương lăng mạ”. Qua sáng Chúa Nhật, đa số các bích chương này đã bị gỡ bỏ và đến sáng thứ Hai, thì không còn tấm nào nữa.

Câu vắn vỏi trên các bích chương được viết bằng tiếng “Romanaccio”, một thổ ngữ của Rôma, cho thấy nhóm chủ trương là một nhóm ở địa phương. Còn nếu căn cứ vào nội dung, thì nhóm này hẳn thuộc phe bảo thủ, những người xưa nay không đồng ý với nhiều quyết định và đường lối cải tổ của Đức Phanxicô.

Khi nói Đức Giáo Hoàng “xử trảm Hội Hiệp Sĩ Malta”, nhóm chủ trương có ý nói đến vụ gần đây Đức Phanxicô yêu cầu người đứng đầu hội (Grand Master) là Hiệp Sĩ Matthew Festing (người Anh) từ chức và cho người đứng thứ ba (Grand Chancellor) là Albrecht Freiherr von Boeselager (người Đức) được phục chức, một người từng bị người đứng đầu bãi chức. Còn câu nói về việc qua mặt các thánh bộ và tống khứ các linh mục có lẽ muốn nhắc đến các tố cáo gần đây cho rằng Đức Phanxicô sa thải 3 linh mục khỏi Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin mà không thông báo cũng như cho biết lý do. Câu làm ngơ các vị Hồng Y thì rõ ràng ám chỉ lá thư viết hồi tháng Chín của 4 vị Hồng Y yêu cầu ngài làm sáng tỏ 5 điều “hoài nghi” về tông huấn “Amoris Laetitia”. Lá thư này, qua tháng Muời Một, đã được công bố sau khi Đức Phanxicô từ chối trả lời.

Lá thư trên được ký tên bởi Đức Hồng Y Raymond Burke (Người Mỹ), Người Bảo Trợ Hội Hiệp Sĩ Malta, hai Đức Hồng Y người Đức Walter Brandmüller và Joachim Meisner, và Đức Hồng Y người Ý Carlo Caffarra. Tất cả các vị này được nhiều người coi thuộc phe bảo thủ.

Câu nói đến Dòng Phanxicô Vô Nhiễm là có ý nói tới sự kiện: ở đầu triều đại của ngài, Đức Phanxicô đã thực hiện một số thay đổi đối với Dòng này, bằng cách hạn chế việc họ cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh vốn được cử hành trước thời Công Đồng Vatican II.

Tuy nhiên, dù việc Đức Giáo Hoàng không bận tâm tới các bích chương có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng hồi tháng Mười Một, khi trả lời cuộc phỏng vấn của tờ báo Ý Avvenire, ngài từng nói rằng ngài không hề mất ngủ vì các lời chỉ trích. Trước đó, nhiều lần, ngài cho hay: phản kháng là điều bình thường trong bất cứ cuộc cải tổ nào.

Rồi hồi tháng Mười Hai, trong một bài diễn văn dài trước Giáo Triều, ngài liệt kê ba loại phản kháng và cho hay hiện tượng này “bình thường (và) thậm chí lành mạnh nữa”.

Ngài nói tới “việc phản kháng công khai” thường phát sinh từ “thiện chí và đối thoại thành thực”, nhưng cho hay còn có loại “phản kháng dấu mặt” phát sinh từ “các tâm hồn sợ sệt hay tê cứng tự bằng lòng với sáo ngữ rỗng tuếch về một cuộc cải tổ tinh thần đầy tự mãn”.

Đó là những người “miệng thì nói sẵn sàng thay đổi, nhưng (lòng thì) muốn mọi sự cứ y nguyên như trước”.

Tuy vậy, Đức Giáo Hoàng cũng cho biết loại phản kháng thứ ba mà ngài gọi là “phản kháng ác ý, thường phát sinh từ các tâm trí bị hướng dẫn sai và xuất hiện khi ma qủy gợi hứng các ý xấu”. Ngài bảo loại phản kháng này thường “ẩn phía sau các lời lẽ tự biện minh mình và thường tố cáo (người khác); nó nấp mình trong truyền thống, vẻ bề ngoài, các hính thức trịnh trọng, trong những điều quen thuộc, hoặc trong ý muốn biến mọi sự thành bản vị, mà không phân biệt giữa hành vi, người làm hành vi và hành động”.

Ngài cũng nói rằng không phản ứng “là dấu chỉ sự chết” và vì thế, “các phản kháng tốt, và cả các phản kháng không mấy tốt, đều cần thiết và đáng được lắng nghe, hoan nghênh và khuyến khích để tự nói ra”.