Roma: Bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng 28/11, bản văn phụng vụ và nghi lễ hôn phối sẽ có một sự thay đổi tại Italia. Trong nghi thức hôn phối nói lên sự ưng thuận giữa cô dâu và chú rễ, thay vì dùng chữ “lấy” sẽ thay bằng chữ “nhận”. Thí dụ câu nói lên sự ưng thuận của cô dâu: “Em …lấy anh.. làm chồng và hứa …” thì cô dâu sẽ phải nói “Em …nhận anh …làm chồng và hứa …”.

Linh Mục Sergio Nicolli, giám đốc văn phòng của Ủy Ban Giám Mục Italia về gia đình đã cho biết: “Sự thay đổi nhỏ về lời văn nhấn mạnh đến sự kiện người phối ngấu là một món quà, chứ không phải là một sự gì để người kia lấy theo ý muốn của mình”.

Những cử hành và nghi lễ mới cho Bí Tích Hôn Nhân sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày mai Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, bắt đầu cho niên lịch phụng vụ mới 2005. Bản văn cũ xử dụng từ trước tới nay đã xử dụng trong 35 năm qua, được phê chuẩn từ năm 1969 sẽ hủy bỏ.

Cha Nicolli cũng cho biết:”Một số thay đổi là kết quả của sự am hiểu thâm sâu về thần học, trong khi một số khác được thúc đẩy vì những thay đổi về văn hóa”, kể cả đến sự kiện là một phần lớn người Italia được rửa tội nhưng số rất ít đã đi tham dự Thánh Lễ thường xuyên.

Theo thống kê, 97% dân số Italia là người Công Giáo. Phần đông người Ý nghĩ rằng, hôn nhân trong giáo hội Công Giáo luôn luôn xảy ra trong việc cử hành Thánh Lễ cưới. Điều này muốn nói người Ý không nghĩ đến việc học hỏi giáo lý và chuẩn bị cho hôn nhân là điều cần thiết.

Cha Nicolli nói thêm:”Trong khi chúng tôi hy vọng thời kỳ chuẩn bị cho hôn nhân sẽ đảm bảo lễ cưới là một dịp để tái canh tân thực hành đức tin”, những chỉ đạo mới cho hôn nhân nói rõ ràng đến sự Rước Lễ của đôi vợ chồng, ngay cả đến trong ngày cưới của họ, việc rước lễ này “phải được dành trong tình trạng mà đôi vợ chồng đã có ý hướng rõ ràng”. Tức là khi rước lễ phải hội đủ các điều kiện như nhận Bí Tích Hoà Giải và ăn năn dốc lòng chừa.

Đối với cô dâu và chú rễ là người Công Giáo nhưng không thường đi tham dự Thánh Lễ hoặc mất đức tin, hoặc một trong hai người không phải làCông Giáo thì họ được khuyến khích để cử hành nghi thức hôn phối ngoài Thánh Lễ, tức là có phần phụng vụ Lời Chúa nhưng không có Thánh Lễ. Như thế một người phối ngẫu sẽ không thể chịu Rước Lễ và sẽ không rơi vào tình trạng khó khăn” hay khó xử.

Văn phòng của Cha Nicolli và văn phòng của ủy ban Phụng Tự của Hội Đồng Giám Mục Italia, đã trình bày những bản văn mới và những chỉ đạo mới sẽ đưa cho các Linh Mục và những người cộng tác trong việc dạy giáo lý hay chuẩn bị cho các cặp sắp sửa bước vào đời hôn nhân, trong hội nghị của Hội Đồng Giám Mục Ý diễn ra vào đầu tháng 11 từ mùng 4 đến mùng 6.

Cha Nicolli cho biết hai chọn lựa mới mà có thể dùng trong Thánh Lễ Hôn Phối thật “tuyệt vời”. Đề nghị thứ nhất sẽ được thống nhất cho toàn giáo hội Công Giáo Ý là: cô dâu và chú rễ Công Giáo sẽ cầm nến sáng và tiến lên từ gian có giếng rửa tội.

“Điều này nhấn mạnh đến sự liên hệ nghiêm chỉnh giữa hôn nhân và ơn gọi khi một người được chịu phép rửa tội”. Như thế “hôn nhân là một đáp từ theo tiếng gọi của Thiên Chúa”.

Một đề nghị thứ hai, như trong thánh lễ truyền chức cho tân chức linh mục thì trong Thánh Lễ hôn phôi sẽ có phần đọc kinh cầu các Thánh trước khi cử hành nghi thức hôn phối, như đã được xử dụng tại nhiều quốc gia.

Cha Nicolli giải thích: “Giống như lễ truyền chức của linh mục, đôi tân hôn có thể cầu bầu đến sự trợ giúp của toàn thể giáo hội, bao gồm đến các Thánh trên thiên quốc, để giúp họ sống đời ơn gọi của họ một cách trung thành”.

Xét qua bản dịch mới đã thay đổi bản dịch cũ vốn được xử dụng 35 năm nay tại Italia, hãy xem lại bản dịch tiếng Việt đã được xử dụng hơn mấy chục năm qua tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại. Xin chỉ trích một đoạn trong lời ưng thuận của đôi tân hôn trong bản tiếng Việt

****

Lời ưng thuận

Chủ tế mời cô dâu chú rể nói lên sự ưng thuận :

Anh chị đã ưng thuận kết hôn với nhau, thì giờ đây, trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, anh chị hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận ấy.

Cô dâu và chú rể nắm lấy tay phải của nhau.

Chú rể nói :


Anh là …, nhận em …. làm vợ, và hứa giữ lòng chung thuỷ với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh.

Cô dâu nói :

Em là …, nhận anh … làm chồng, và hứa giữ lòng chung thuỷ với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em.

Sau khi nghe đôi bên nói lên sự ưng thuận, chủ tế nói :

Trước mặt Hội Thánh, anh chị vừa nói lên sự ưng thuận kết hôn với nhau. Xin Chúa thương xác nhận lời ưng thuận ấy, và xin Người tuôn đổ hồng phúc trên anh chị.

Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

Thưa :

A-men.

Đọc qua bản tiếng Anh:

Consent

Since it is your intention to enter into marriage, join your right hands, and declare your consent before God and his Church.

Bridegroom: I …, take you, … to be my wife. I promise to be true to you in good times and in bad, in sickness and in health. I will love you and honor you all the days of my life.

Bride: I …, take you, … to be my husband. I promise to be true to you in good times and in bad, in sickness and in health. I will love you and honor you all the days of my life.

Priest: You have declared your consent before the Church. May the Lord in his goodness strenthen, your consent and fill you both with his blessing. What God has joined, men must not divide.

Amen

Xét qua hai bản văn trên tiếng Anh phải nói thật đơn giản đôi khi mơ hồ, nhiều người vẫn thường nói “one word fits all” (một chữ áp dụng cho mọi trường hợp). Không cần xét đến chữ “Take” ở đây, nội chữ “You” cũng đã chỉ đến muôn hạng người ngay cả đến súc vật. Thế mới thấy là công việc dịch thuật bản văn phụng vụ Việt Nam rất phức tạp và không đơn thuần như mọi người lầm tưởng, mà đôi khi đã quên đi công ơn của người dịch.

Nhân dịp này “Chúng con những giáo dân tại Việt Nam cũng như giáo dân ly hương, xin chân thành cám ơn quý Linh Mục, quý Tu Sĩ với những khả năng chuyên môn khác nhau đã làm việc cật lực, nghiên cứu cẩn thận để có những bản dịch Phụng Vụ, vừa đúng ý nguyên văn, vừa sáng nghĩa vừa xuôi tiếng Việt, vừa có âm thanh tiết điệu dễ nghe và dễ hiểu, đế chúng con có được những bản văn xử dụng cho đến ngày hôm nay. Riêng bản dịch nghi lễ hôn phối rất chuẩn và đượm đà tình nghĩa. Ước gì thế hệ tu sĩ trẻ sẽ tiếp tục kế thừa các bậc đàn anh hay đã qua đời cho công việc này.

Chúng con xin cám ơn, cám ơn, cám ơn và muôn vàn ghi ơn…”